☰ Tiếng Tây Ban Nha: Consideración
Đoạn này được trích từ chương 8 của sách Hành trình Tìm Điều Diệu Kỳ bởi P. D. Ouspensky
“Có một số kiểu quan tâm khác nhau.
“Thông thường, một người đồng hóa với điều mà người khác nghĩ về mình, cách họ đối xử với mình, và thái độ họ thể hiện với mình. Anh ta luôn nghĩ rằng người khác không đủ coi trọng mình, không đủ lịch sự và khách sáo. Tất cả những điều này dằn vặt anh ta, khiến anh ta suy nghĩ và nghi ngờ và bỏ ra nhiều năng lượng cho việc suy đoán, giả định, xây dựng trong anh ta sự không tin tưởng và thái độ thù địch đối với người khác. Cách ai đó nhìn anh ta, điều ai đó nghĩ về anh ta, điều ai đó nói về anh ta – tất cả những điều này có ý nghĩa to lớn đối với anh ta.
“Và anh ta quan tâm không chỉ những cá nhân tách biệt mà còn cả xã hội và những điều kiện lịch sử. Tất cả những gì làm phật lòng một người như vậy, với anh ta dường như có vẻ không công bằng, bất hợp pháp, sai trái và phi lý. Và xuất phát điểm cho sự phán xét của anh ta luôn là, những điều này có thể và cần phải thay đổi. ‘Bất công’ là một trong những từ ngữ ẩn chứa trong đó sự quan tâm. Khi một người tin rằng mình phẫn nộ với một sự bất công nào đó, thì với anh ta việc ngừng quan tâm sẽ đồng nghĩa với ‘cam chịu sự bất công’.
“Có những người có khả năng quan tâm không chỉ sự bất công hay việc người khác không đủ coi trọng mình, mà còn có thể quan tâm đến những thứ như thời tiết. Điều này có vẻ nực cười nhưng nó là thực tế. Con người có khả năng quan tâm đến khí hậu, sự nóng, lạnh, tuyết, mưa; họ có thể khó chịu bởi thời tiết, bất bình và tức giận với nó. Một người có thể cá nhân hóa vấn đề như thể mọi thứ trên thế giới đã được sắp đặt một cách cụ thể để mang lại niềm vui hay trái lại khiến anh ta cảm thấy bất tiện hay không thoải mái.
“Tất cả những điều này và những thứ khác chẳng qua chỉ là một hình thức đồng hóa. Cách quan tâm như vậy hoàn toàn dựa trên ‘những điều kiện’. Một người ‘yêu cầu’ trong nội tại rằng mọi người cần nhìn thấy anh ta là một người đặc biệt đến thế nào, và họ cần thường xuyên thể hiện sự tôn trọng, kính mến, và khâm phục đối với anh ta, với trí thông minh, vẻ đẹp, sự khôn khéo, sự dí dỏm, sự tỉnh táo, sự độc đáo, và tất cả những đức tính khác của anh ta. Những điều kiện đó dựa hoàn toàn trên ý nghĩ ảo tưởng về bản thân và thường xảy ra ở những người có bề ngoài khiêm tốn nhất. Nhiều tác giả, diễn viên, nhạc sỹ, nghệ sĩ và chính khách chẳng hạn, hầu hết đều là những người bệnh. Và họ đang phải chịu căn bệnh gì? Trước hết là từ quan điểm phi thường về bản thân, và tiếp đến là những điều kiện, rồi sự quan tâm, tức là luôn sẵn sàng và chuẩn bị trước để tức giận trước sự thiếu hiểu biết và thiếu coi trọng.
“Còn một hình thức khác của sự quan tâm mà có thể làm con người hao tổn khá nhiều năng lượng. Hình thức này bắt đầu bằng việc một người bắt đầu suy nghĩ rằng anh ta quan tâm đến người khác chưa đủ, rằng người kia sẽ phật ý với mình vì quan tâm chưa đủ. Và anh ta bắt đầu tự mình nghĩ rằng, có lẽ anh ta không nghĩ đủ về người kia, không đủ quan tâm đến người kia, và không nhượng bộ đủ với người kia. Tất cả những điều này đơn giản là sự yếu đuối. Người ta sợ hãi lẫn nhau. Nhưng điều này có thể dẫn đi rất xa. Tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp như vậy. Theo cách này, một người có thể đánh mất sự cân bằng nếu như đã từng có nó, và bắt đầu thực hiện những hành động hoàn toàn vô nghĩa. Anh ta trở nên tức giận với bản thân và cảm thấy rằng điều đó thật ngu ngốc, và anh ta không thể dừng lại, trong khi với những trường hợp như vậy mấu chốt thực sự lại chính là ‘không quan tâm’.
“Cũng trong trường hợp đó, có thể là tệ hơn, khi một người cho rằng, theo ý kiến của mình, anh ta ‘cần phải’ làm một điều gì đó trong khi trên thực tế anh ta không nên làm điều đó. ‘Cần phải’ hay ‘không nên’ cũng là một chủ đề khó, tức là, khó để hiểu khi nào một người thực sự ‘cần phải’ và khi nào anh ta ‘không nên’. Việc này chỉ có thể tiếp cận từ góc nhìn của ‘mục tiêu’. Khi một người có mục tiêu, anh ta ‘cần phải’ làm chỉ những gì để dẫn mình tới mục tiêu đó và anh ta ‘không nên’ làm bất cứ điều gì cản trở mình khỏi việc hướng tới mục tiêu.
“Như tôi đã nói, người ta thường có suy nghĩ rằng, nếu mình phải bắt đầu đấu tranh với việc quan tâm trong chính mình, thì nó sẽ khiến họ trở nên ‘không chân thành’ và họ sợ điều này vì họ cho rằng nếu làm vậy họ sẽ mất đi điều gì đó, mất đi một phần của chính mình. Trong trường hợp này, một điều tương tự diễn ra nhằm đấu tranh chống lại việc thể hiện ra bên ngoài những cảm xúc tiêu cực. Khác biệt duy nhất là, trong một trường hợp con người đấu tranh với việc thể hiện cảm xúc ra bên ngoài, còn trường hợp còn lại họ đấu tranh với sự định hình ở bên trong của cùng những cảm xúc đó.
“Nỗi sợ về việc mất đi sự chân thành đó tất nhiên là sự lừa dối bản thân, một trong những công thức nói dối, là nền tảng của sự yếu đuối của con người. Con người không thể ngừng đồng hóa và quan tâm trong nội tại và anh ta không thể ngừng thể hiện những cảm xúc tiêu cực, đơn giản bởi anh ta yếu đuối. Đồng hóa, quan tâm, và việc thể hiện cảm xúc tiêu cực là biểu hiện của sự yếu đuối, bất lực, không có khả năng kiểm soát bản thân của anh ta. Nhưng vì từ chối thừa nhận yếu điểm này với bản thân, anh ta gọi đó là ‘chân thành’ hay ‘thành thật’ và tự nhủ rằng, anh ta không muốn chống lại sự chân thành, trong khi trên thực tế anh ta không thể đấu tranh chống lại điểm yếu của mình.

“Sự chân thành và thành thật trên thực tế là điều hoàn toàn khác. Cái mà một người gọi là ‘chân thành’ trong trường hợp này trên thực tế đơn giản là việc không thể kìm lại bản thân. Và sâu thẳm bên trong, người đó ý thức được việc này. Nhưng anh ta tự lừa dối mình khi nói rằng, anh ta không muốn đánh mất sự chân thành.
“Đến nay tôi đã nói về sự quan tâm trong nội tại. Sẽ còn có thể đưa ra được nhiều ví dụ nữa. Nhưng tự các bạn sẽ phải làm điều đó, tức là, bạn cần tìm kiếm những ví dụ này khi quan sát bản thân và những người khác.
“Trái ngược với sự quan tâm trong nội tại và một phần là phương thức để đấu tranh chống lại nó là sự quan tâm bên ngoài. Sự quan tâm bên ngoài được dựa trên mối quan hệ với người khác, việc này hoàn toàn khác so với sự quan tâm trong nội tại. Nó là sự thích nghi với người khác, với sự hiểu biết của họ, với những điều kiện của họ. Bằng cách quan tâm bên ngoài, một người làm được việc để giúp cuộc sống của người khác và chính anh ta trở nên dễ dàng hơn. Sự quan tâm bên ngoài đòi hỏi phải có kiến thức về con người, sự hiểu biết về khẩu vị, thói quen và định kiến của họ. Đồng thời, sự quan tâm bên ngoài đòi hỏi phải có sức mạnh to lớn đối với bản thân và sự kiểm soát đối với bản thân. Thông thường, một người chân thành mong muốn được thể hiện hay làm cách nào đó để người khác thấy được điều họ thực sự nghĩ về anh ta hay cảm nhận về anh ta. Và nếu anh ta là một người yếu đuối thì tất nhiên sẽ khuất phục trước mong muốn này và sau đó biện minh cho mình và nói rằng anh ta không muốn nói dối, không muốn giả tạo, mà muốn chân thành. Sau đó anh ta tự thuyết phục bản thân rằng, đó là lỗi của người kia. Anh ta thực sự muốn quan tâm đến người đó, kể cả nhượng bộ người đó, không tranh cãi, v.v. Nhưng người kia không hề muốn quan tâm đến anh ta vì vậy không thể làm gì với người đó. Điều thường xảy ra là, một người bắt đầu với một phúc lành và kết cục với một lời nguyền. Anh ta bắt đầu quyết định không quan tâm và sau đó đổ lỗi cho người khác vì đã không quan tâm đến mình. Đây là ví dụ về cách sự quan tâm bên ngoài chuyển thành quan tâm trong nội tại. Nhưng nếu một người thực sự nhớ bản thân mình, anh ta sẽ hiểu rằng người kia cũng là một cỗ máy cũng giống như bản thân mình. Và rồi anh ta sẽ vào vị trí của người kia, anh ta đặt mình vào đúng chỗ, và anh ta sẽ bắt đầu hiểu và cảm nhận được những điều người kia suy nghĩ và cảm nhận. Nếu làm được điều này thì sự rèn luyện sẽ trở nên dễ dàng hơn đối với anh ta. Nhưng nếu anh ta tiếp cận một người bằng những yêu cầu của chính mình, thì sẽ không thể nhận được gì ngoài những sự quan tâm nội tại mới.“Sự quan tâm bên ngoài đúng đắn là rất quan trọng trong sự rèn luyện. Thông thường, những người hiểu rõ sự cần thiết của sự quan tâm bên ngoài trong cuộc sống lại không hiểu được sự cần thiết của sự quan tâm bên ngoài trong sự rèn luyện; họ quyết định rằng, chỉ vì họ đang rèn luyện nên họ có quyền không quan tâm. Trong khi trên thực tế, trong việc rèn luyện, tức là, để sự rèn luyện của một người có thể thành công, cần phải quan tâm bên ngoài gấp mười lần trong cuộc sống, bởi chỉ có sự quan tâm bên ngoài của anh ta mới thể hiện được sự đánh giá của anh ta về sự rèn luyện và sự hiểu biết của anh ta về sự rèn luyện; và thành công trong sự rèn luyện luôn tỷ lệ thuận với sự đánh giá và hiểu biết về nó. Nên nhớ rằng, sự rèn luyện không thể bắt đầu và tiếp tục ở cấp độ thấp hơn so với obyvatel, [2] tức là, cấp độ thấp hơn cuộc sống bình thường. Đây là một nguyên tắc hết sức quan trọng mà vì một lý do nào đó rất dễ bị quên lãng. Nhưng chúng ta sẽ bàn riêng về việc này sau.”