Bài viết này dành cho các thành viên trong nhóm dịch GnosisVN, nhằm tạo sự thống nhất về cách dịch, hướng tới phong cách dịch thuật chuyên nghiệp, nhanh chóng và hiệu quả. Xem các bài viết khác có nội dung tương tự ở đây.
1. i ngắn hay y dài?
Trong tiếng Việt, có một số từ chỉ có thể viết i ngắn như khóc i ỉ, đau âm ỉ, gọi nhau í ới, ngu si, si tình, si mê, sĩ diện, sĩ số, vi hành, vi hiến, vi sinh vật, vi trùng, vi khuẩn, vị nghệ thuật, vị nhân sinh, vị giác, vị trí, vị tha, vị thế, v.v.
Và cũng có một số từ chỉ có thể viết y dài như y học, y tá, y đức, y phục, y chang, ỷ lại, ỷ thế, ỷ sức, ý kiến, ý định, ý nghĩa, ý tưởng, ý tại ngôn ngoại, v.v.
Tuy nhiên, có một số từ nếu chúng ta viết i ngắn cũng đúng, mà viết y dài cũng đúng như: quy định, qui định, quy tắc, qui tắc, lí do, lý do, công ty, công ti, ma quỉ, ma quỷ, quý danh, quí danh, kỹ lưỡng, kĩ lưỡng, hy vọng, hi vọng, v.v. Các từ này đều có trong từ điển tiếng Việt, nghĩa là chúng đều đúng.
Hiện nay chưa có văn bản nào quy định bắt buộc phải viết i ngắn, hay y dài đối với các từ này. Tuy nhiên, để tạo sự nhất quán trong toàn bộ bản dịch, ở đây chúng ta cần viết y dài đối với các từ này. Nói cách khác, đối với các từ viết i ngắn hay y dài đều đúng, thì chúng ta hãy viết y dài. Các trường hợp này thường xảy ra đối với các phụ âm: l, k, h, t, q.
Ví dụ: quy định, quý danh, ma quỷ, lý do, công ty, hy vọng, kỹ lưỡng, v.v.
Căn cứ của cách viết này là dựa vào sự cân đối trong hình chữ. Đối với những phụ âm có độ nhô cao (l, k, h, t) và độ xuống sâu (q) thì ta viết y dài để cho cân mặt chữ.
2. Vân vân, v.v., v.v… hay …?
Khi liệt kê một danh sách, hiện nay người ta có 04 cách ghi sau để thể hiện ý là còn có những thứ khác: vân vân, v.v., v.v…, … Ở đây chúng ta cần thống nhất là viết v.v. (đọc là vân vân) với ý nghĩa là “và những thứ khác”, “và những việc khác”, “và những người khác”, “và những thứ tương tự”, v.v.
Ví dụ: “Không ai có thể phủ nhận sự tồn tại của những thứ bậc xã hội khác nhau; có người của nhà thờ và người của nhà thổ; của trung tâm thương mại và của vùng nông thôn, v.v.” (Trích từ sách Tâm lý học cho sự chuyển hóa triệt để)
Căn cứ của cách viết này là:
- Trong tiếng Anh, người ta viết “etc.”, mà không viết “Et cetera”, “etc…”.
- Dấu chấm lửng (…) đánh dấu chỗ ngừng của người nói, cho biết rằng câu nói chưa hết (vì bị ngắt lời chẳng hạn), hoặc có sự phân vân, ngần ngại hoặc muốn nhấn mạnh, tạo sự bất ngờ.
3. Dấu ngoặc vuông hay dấu ngoặc tròn?
3.1. Dấu ngoặc vuông:
Ở đây chúng ta cần thống nhất cách viết như sau.
Dấu ngoặc vuông [ ] được sử dụng trong 3 trường hợp sau:
- Bổ sung từ ngữ không có trong bản gốc để giúp cho bản dịch trôi chảy hơn. Khi đọc câu văn, ta sẽ đọc cụm từ trong dấu ngoặc vuông liền một mạch với các từ bên ngoài dấu ngoặc vuông. Nếu không có cụm từ trong dấu ngoặc vuông thì bản dịch sẽ khó đọc.
Ví dụ: “Ngôi nhà của những Điểm đạo đồ Gnosis phải tràn đầy vẻ đẹp. Những bông hoa thấm đẫm không khí với hương thơm của chúng, những tác phẩm điêu khắc tuyệt đẹp, [mọi thứ sắp xếp theo] trật tự hoàn hảo và sự sạch sẽ khiến mỗi ngôi nhà trở thành thánh địa Gnosis thực sự.” (Trích từ sách Hôn Nhân Hoàn Hảo)
- Đánh dấu phần bị lược bỏ so với bản gốc.
Ví dụ: “Đàn ông và phụ nữ là hai cây cột của ngôi đền. Hai cây cột này không nên quá xa nhau, cũng không nên quá gần nhau. Cần phải có một khoảng không gian để ánh sáng có thể chiếu rọi qua giữa chúng. […] Nếu chúng ta thực sự muốn duy trì tuần trăng mật, chúng ta nên loại bỏ sự tức giận, chúng ta nên loại bỏ sự ghen tuông, chúng ta nên loại bỏ sự ích kỷ.” (Trích từ bài giảng về Tình yêu của Master Samael Aun Weor)
- Đánh số để ghi chú: ta sẽ ghi số cao hơn so với dòng chữ (ví dụ như [1]).
Ví dụ: “Samael Aun Weor (Hebrew: סמאלאוןואור; March 6, 1917 – December 24, 1977), born Víctor Manuel Gómez Rodríguez, was a spiritual teacher and author of over sixty books of esoteric spirituality.[1]” (Trích từ bài viết trên Wikipedia)
3.2. Dấu ngoặc tròn:
Dấu ngoặc tròn ( ) được sử dụng để làm rõ ý cho câu văn. Nếu không có cụm từ trong dấu ngoặc tròn thì bản dịch sẽ khó hiểu. Tuy nhiên, chỉ sử dụng dấu ngoặc tròn khi cụm từ được viết ngắn. Nếu cụm từ được viết khá dài thì ta nên viết ghi chú. Khi đó ta sử dụng dấu ngoặc vuông để đánh số ghi chú.
Ví dụ: “Các nhà Kabbalah học nói về Không Gian Thứ Chín (tiếng Anh: ninth sphere). Không Gian Thứ Chín trong Kabbalah chính là tình dục.” (Trích từ sách Hôn Nhân Hoàn Hảo)
“Khi cơ thể Cảm xúc đích thực ra đời, chúng ta trở nên bất tử trong thế giới của 24 định luật (thế giới của Mặt Trăng). Khi cơ thể Tư tưởng đích thực được sinh ra, chúng ta bất tử trong thế giới của 12 định luật (thế giới của Sao Thủy hay của Tâm trí).” (Trích từ sách Hôn Nhân Hoàn Hảo)
4. Quy tắc viết hoa
Bài viết này sẽ trình bày quy tắc viết hoa cho các từ được sử dụng phổ biến trong sách Gnosis. Các từ không thuộc các nhóm trong bài viết này sẽ được áp dụng theo quy tắc viết hoa do Chính phủ ban hành.
Có 2 cách viết hoa thường dùng:
- Viết hoa 1 chữ cái đầu của từ, cụm từ: đa số từ được viết theo cách này
- Viết hoa toàn bô các chữ cái đầu của từ, cụm từ: một ít từ được viết theo cách này
Chúng ta hãy đi vào các nhóm phân loại sau đây:
- Tên các nguyên tố hóa học: Viết hoa 1 chữ cái đầu của các âm tiết tạo nên tên đó. Chỉ áp dụng trong ngữ cảnh của Phép Luyện kim đan.
Ví dụ: Lưu huỳnh, Thủy ngân
- Tên các tôn giáo, giáo phái, trường phái: Viết hoa chữ toàn bộ các chữ cái đầu của các âm tiết tạo nên tên đó. Còn từ “đạo”, “giáo” thì viết thường vì đây là danh từ chung.
Ví dụ: Phật giáo, đạo Phật, Hồi giáo, Thiên Chúa giáo, Do Thái giáo, đạo Cao Đài, v.v.
- Tên các trải nghiệm, cảnh giới, năng lực: Viết hoa 1 chữ cái đầu của mỗi thành phần tạo nên tên đó và tên chỉ thứ, hạng, mức độ.
Ví dụ: Khoảng không Rực rỡ, Thực tại Vĩ đại, Ánh sáng Vĩ đại, Đại dương Phổ quát, Nhất thể, Chân như, Tính không, Không gian thứ Chín, Nhãn thông, v.v
- Tên các luật, định luật, phép thuật: viết hoa 1 chữ cái đầu của từ “Luật”, “Định luật”, “Quy luật”, “Phép”, “Phép thuật” và 1 chữ cái đầu của từ tiếp theo chỉ tên luật, định luật, phép thuật đó. Chỉ áp dụng trong bối cảnh tâm linh, không áp dụng cho định luật khoa học.
Ví dụ: Luật Nhân quả, Quy luật Tái diễn, Phép Tình dục, Phép Luyện kim đan, Phép thuật Thực tiễn, v.v.
- Một số từ chỉ đối tượng trong huyền học được viết hoa 1 chữ cái đầu: Tâm thức, Bản thể, Đơn tử, Nhân hồn, Tinh chất, Phật tính, Bồ đề tâm, cái Tôi, cái Sâu thẳm nhất, v.v. Từ “cái” được viết thường vì đây là danh từ chung.
- Tên cấp bậc, quả vị: Viết hoa toàn bộ chữ cái đầu của các âm tiết tạo thành tên đó.
Ví dụ: Đức Phật, Đức Chúa, Đức Cha, Đức Mẹ Thần Thánh, Bồ Tát, Thanh Văn, Bích Chi Phật, Độc Giác Phật, A La Hán.
- Tên các hành tinh: Viết hoa toàn bộ các chữ cái đầu của các âm tiết tạo nên tên đó. Từ “sao”, “tinh” được viết thường, vì đây là danh từ chung.
Ví dụ: Trái Đất, Mặt Trời, Mặt Trăng, sao Kim, sao Hỏa, Hỏa tinh, Thiên Vương tinh, v.v.