TÔN CHỈ VÀ NGUYÊN TẮC DỊCH SÁCH GNOSIS

Bài viết này dành cho các thành viên trong nhóm dịch GnosisVN, nhằm tạo sự thống nhất về cách dịch, hướng tới phong cách dịch thuật chuyên nghiệp, nhanh chóng và hiệu quả. Xem các bài viết khác có nội dung tương tự ở đây.

Tôn chỉ của việc dịch sách:

Mong ước của chúng tôi là những giáo lý này được dịch một cách dễ hiểu trong khả năng thấu hiểu của tất cả mọi người trong mọi hoàn cảnh sống khác nhau trong thời đại này. Chúng tôi mong ước rằng ngay cả những người bình thường nhất cũng có thể hiểu và áp dụng được những giáo lý này trong cuộc sống hàng ngày của họ.

Nguyên tắc của việc dịch sách:

  1. Chính xác – Correct
  2. Đầy đủ – Complete
  3. Súc tích – Concise
  4. Trôi chảy – Fluent
  5. Tương hợp – Compatible

Nguyên tắc thứ 1: Chính xác – Correct

Chúng ta cần dịch đúng từ và đúng ngữ pháp. 

Để dịch đúng từ, chúng ta cần sử dụng đến từ điển. Nếu bạn là người dịch từ Anh sang Việt thì bạn cần sử dụng từ điển Anh Anh Việt và từ điển tiếng Việt. Một từ tiếng Anh có thể được dịch sang nhiều từ đồng nghĩa trong tiếng Việt. Khi đó chúng ta cần chọn ra từ nào phù hợp nhất trong bối cảnh của câu văn để truyền tải chính xác ý nghĩa của bản gốc.

Thông thường thì câu văn sai ngữ pháp là do thiếu chủ ngữ, chúng ta cần bổ sung chủ ngữ vào câu để cho đúng với ngữ pháp tiếng Việt.

Nguyên tắc thứ 2: Đầy đủ – Complete

Việc dịch không đầy đủ thường xảy ra do chúng ta chỉ hiểu một phần ý nghĩa của bản gốc, mà bỏ qua một số từ ngữ quan trọng, dẫn đến thiếu ý quan trọng như bản gốc. Để tránh bỏ sót từ ngữ quan trọng, chúng ta cần bám theo bản gốc, đọc thật kỹ từng từ trong bản gốc và dịch chúng.

Nguyên tắc thứ 3: Súc tích – Concise

Nếu chúng ta quá bám theo bản gốc và dịch tất cả từ trong bản gốc thì đôi khi sẽ khiến bản dịch tiếng Việt dài dòng, lủng củng. Chúng ta cần phải bỏ bớt từ không cần thiết, giúp cho câu văn được ngắn gọn, súc tích mà vẫn giữ được ý nghĩa như bản gốc.

Nguyên tắc thứ 4: Trôi chảy – Fluent

Thông thường thì câu văn tiếng Anh có nhiều dấu phẩy, cấu trúc câu cũng không giống như tiếng Việt. Nếu chúng ta dịch y nguyên cấu trúc như vậy, để nhiều dấu phẩy trong câu như vậy thì câu văn sẽ khó đọc và không trôi chảy. Để câu văn trở nên trôi chảy và liền mạch, chúng ta cần bỏ bớt dấu phẩy, sắp xếp lại các từ ngữ trong câu, thêm vài từ để nối các ý lại với nhau. Chúng ta có thể chuyển câu bị động thành câu chủ động, thay dấu phẩy bằng các từ “thì”, “là”, “rằng”.

Nguyên tắc thứ 5: Tương hợp – Compatible

Chúng ta dịch giáo lý Gnosis với mong muốn phổ biến đến tất cả mọi người, không phân biệt trình độ, nghề nghiệp, tôn giáo hay vùng miền. Chúng ta mong muốn mọi người đều hiểu được và áp dụng được dễ dàng trong cuộc sống thường ngày, trong mọi hoàn cảnh khác nhau. Do đó, chúng ta cần sử dụng từ ngữ và cách diễn đạt phổ biến trong cuộc sống thường ngày, ưu tiên sử dụng từ thuần Việt thay cho từ Hán Việt (ngoại trừ trường hợp từ Hán Việt được sử dụng phổ biến hơn); không nên sử dụng từ cũ thời xưa, trong khi đã có từ mới thời nay thay thế.

Trong trường hợp phân vân giữa 2 từ hoặc cụm từ, không biết cái nào được sử dụng phổ biến hơn thì chúng ta hãy gõ từ hoặc cụm từ đó lên Google, rồi đếm số lượng kết quả tìm kiếm. Cái nào xuất hiện nhiều kết quả tìm kiếm hơn thì nghĩa là nó được sử dụng phổ biến hơn. Lưu ý là hãy đặt từ hoặc cụm từ trong dấu ngoặc kép (“”) để Google cho ra kết quả chính xác.


Leave a Reply