Biện chứng tâm thức – Chương 3

✏ Tác giả: Samael Aun Weor, 📖 Biện chứng tâm thức

MẶC CHIẾU

(Tiếng Trung: Mò Zhaò (默照), tiếng Việt: Mặc Chiếu).

Từ “Mò” (Mặc) trong tiếng Trung Quốc có nghĩa là im lặng hoặc thanh thản. “Zhào” (Chiếu) có nghĩa là quán chiếu hoặc quan sát. Do đó, Mò Zhào có thể được dịch là quán chiếu trong im lặng hoặc quan sát trong thanh thản.

Điều khó khăn và gian khổ nhất ở đây là phải đạt được sự tĩnh lặng tuyệt đối trong tâm trí ở tất cả các cấp độ của tiềm thức.

Nếu chỉ đạt đến sự tĩnh lặng và im lặng ở bề mặt, trong lý trí hoặc ở một vài phần của tiềm thức thôi thì chưa đủ bởi vì Phật tính vẫn tiếp tục bị mắc kẹt trong tâm nhị nguyên ẩn khuất ở các tầng ý thức hạ cấp và vô thức [1].

[1] Tiềm thức, ý thức hạ cấp, vô thức:
Ở đây, từ “tiềm thức” chỉ các tầng lớp của tâm có thể quan sát được nhưng thông thường chúng ta không để ý. Ý thức hạ cấp là loại ý thức được kích hoạt trong các cơn ác mộng cũng như ở trong các cõi địa ngục. Khi trải nghiệm ý thức hạ cấp, chúng ta có ý thức rõ ràng nhưng nó không giống ý thức bình thường vì chúng ta thường ở trong ác mộng hoảng sợ. Vô thức là các tầng lớp của tâm mà chúng ta thường không ý thức được. Vô thức khác với tiềm thức vì tiềm thức chỉ là những suy nghĩ và cảm xúc chúng ta phớt lờ hay thường không để ý. Còn vô thức là những yếu tố tâm lý chúng ta thực sự không ý thức được ngoại trừ khi nhập định.

Trạng thái trống không của tâm trí là một trạng thái rất hời hợt, rỗng tuếch và thuần lý trí. Nếu thực sự muốn đạt được sự yên tĩnh và im lặng tuyệt đối của tâm thì chúng ta cần quán chiếu [2] trong trạng thái thanh thản.

[2] Quán chiếu:
Các phương pháp thiền phổ biến nhất hiện nay thường chú trọng việc rèn luyện để đạt trạng thái tâm trí im lặng ngay trong lúc ngồi thiền. Trong bối cảnh Phật giáo thì phương pháp này gọi là Thiền Chỉ (tiếng Phạn: Samatha). Mục tiêu của thiền Mặc Chiếu lại khác. Khi tập Mặc Chiếu, chúng ta tìm hiểu xem tại sao tâm mình lại chưa được bình an? Chúng ta tìm hiểu xem những yếu tố tâm lý nào trong tâm đang gây ra vấn đề. Vì thế thì Thiền Mặc Chiếu thuộc dòng Vipassana, chứ không phải Samatha. Hiện nay, rất nhiều người biết về Vipassana thông qua trường phái của Thiền sư S.N. Goenka. Phương pháp của thầy Goenka chỉ là một trong nhiều phương pháp thiền Vipassana và thiền Mặc Chiếu là một phương pháp Vipassana khác.

Ở đây, Samael Aun Weor nói rằng “trạng thái trống không của tâm trí là một trạng thái rất hời hợt” vì nếu chúng ta chỉ tập Samatha, nếu chỉ tu luyện để đạt được trạng thái im lặng trong lúc ngồi thiền thì chúng ta chưa thực sự giải quyết hết các vấn đề trong tâm. Đây chính là lý do mà Đức Phật đã dạy phải kết hợp thiền Samatha với thiền Vipassana. Nếu chúng ta chỉ tập Samatha, tức là nếu chỉ thiền để đạt trạng thái im lặng nhất thời trong lúc thiền thì chúng ta sẽ không thể giải quyết hết các vấn đề tâm lý. Và nếu chúng ta chỉ tập Vipassana (hay Mặc Chiếu) mà không tập Samatha trước thì kỹ năng nhập định của chúng ta sẽ không đủ sâu để thấy rõ các khiếm khuyết tâm lý trong tiềm thức, vô thức và ý thức hạ cấp. Vì thế chúng ta cần tập Samatha để biết cách nhập định và chìm xuống các tầng lớp sâu nhất của tâm và chúng ta cũng cần tập Mặc Chiếu để quan sát và tan rã các khiếm khuyết tâm lý trong các tầng lớp đó. Nếu chỉ tập luyện riêng Samatha hay Vipassana thôi thì quá trình tu tập của chúng ta sẽ thiếu chiều sâu.

Tuy nhiên, rõ ràng là trong giáo lý Gnosis thuần túy, các thuật ngữ như “sự thanh thản” và “quán chiếu” có ý nghĩa sâu sắc hơn nhiều, do đó ta cần hiểu ý nghĩa đặc biệt của những thuật ngữ này.

Ý nghĩa của từ “thanh thản” siêu việt hơn so với cách hiểu thông thường về sự yên tĩnh hay im lặng. Từ thanh thản bao hàm một trạng thái tối cao vượt ra khỏi mọi lý luận, tham vọng, mâu thuẫn và ngôn từ. Đó là một trạng thái nằm ngoài mọi hối hả và bề bộn của thế gian.

Tương tự như vậy, nghĩa của từ quán chiếu sâu xa hơn nhiều so với những gì người ta thường hiểu về từ này như là sự chiêm nghiệm về một vấn đề hoặc ý tưởng nào đó. Ở đây quán chiếu không có nghĩa là hoạt động tâm trí hay tư duy chiêm nghiệm, mà là một loại Ý thức khách quan rõ ràng và sáng suốt, nó luôn được khai sáng dựa trên trải nghiệm của chính mình.

Do đó, trong ngữ cảnh này thì “thanh thản” nghĩa là sự thanh thản của việc không suy nghĩ và “quán chiếu” có nghĩa là trạng thái ý thức mãnh liệt và rõ ràng.

Quán chiếu thanh thản là việc có ý thức rõ ràng trong trạng thái bình lặng không suy nghĩ. Khi sự thanh thản hoàn hảo ngự trị thì một người sẽ đạt được trạng thái khai sáng chân chính và sâu sắc.

TÂM TRÍ PHÂN TÁN VÀ TÂM TRÍ HỢP NHẤT

Trong cơ chế của tâm trí, chúng ta cần hiểu được cách thức và lý do hoạt động của tâm trí. Chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể biến tâm trí thành một công cụ có ích.

Lý trí chỉ có thể được giải phóng dựa trên cơ sở thấu hiểu, lĩnh hội và tiếp thu kiến thức về các chức năng của tâm trí.

Chỉ khi hiểu được các cơ chế đa dạng của tâm trí, thì chúng ta mới có thể thoát khỏi tâm trí và biến nó thành một công cụ hữu ích.

Nếu thật sự muốn kiểm soát tâm trí của mình một cách toàn diện thì việc thấu hiểu bản thân là điều không thể trì hoãn.

Hippocrates là một thầy thuốc vĩ đại. Ông là một trong những bậc thầy kinh điển về tâm trí. Tâm trí con người đã bị điều kiện hóa [3].

[3] Điều kiện hóa: trong bối cảnh Gnosis từ “điều kiện hóa” chỉ các loại phản xạ tâm lý xảy ra theo thói quen một cách vô thức. Xem thêm Điều kiện hoá cổ điển.

Một ý chí không bị xiềng xích chỉ có thể đạt được bằng cách làm tan rã cái Tôi. Tâm trí phải trở thành một cơ chế phục tùng con người. Chúng ta chỉ bắt đầu trưởng thành khi biết chấp nhận một thực tế là tâm trí con người đã bị điều kiện hóa.

Tâm trí có thể được giải phóng nếu chúng ta khám phá ra trí tuệ của nó. Chúng ta cần một tâm trí hợp nhất thay vì một tâm trí phân tán.

CUỘC CÁCH MẠNG THIỀN

Kỹ thuật thiền cho phép chúng ta đạt đến đỉnh cao của sự khai sáng và của Biện chứng Tâm thức.

Chúng ta phải phân biệt giữa một tâm trí tĩnh lặng và một tâm trí bị bắt ép phải tĩnh lặng.

Khi tâm trí bị bắt ép phải tĩnh lặng thì thực ra nó không hề tĩnh lặng. Tâm trí đó bị bạo lực bịt miệng nhưng trong sâu thẳm của nhận biết, một cơn cuồng phong đang nổi lên.

Khi tâm trí bị buộc phải im lặng bằng bạo lực thì nó thực sự không im lặng mà ở sâu thẳm bên trong, nó đang kêu gào, la hét và tuyệt vọng.

Ta cần phải chấm dứt việc làm biến dạng tinh chất tư duy trong khi thiền. Khi tinh chất tư duy nằm trong tầm kiểm soát thì sự khai ngộ sẽ đến với chúng ta một cách tự nhiên. [4]

[4] Đoạn này viết theo những dòng đầu của kinh Patanjali Yoga Sutra. “Tinh chất tư duy” trong tiếng Phạn là Citta. Các dạng biến đổi của Citta được gọi là Vrittis.
 “Yoga nghĩa là kiềm chế tinh chất tâm lý (tiếng Phạn: Citta), không cho nó biến đổi thành các dạng khác nhau(tiếng Phạn: Vrittis). Khi đó, người quan sát (tiếng Phạn: Purusha) nghỉ ngơi trong trạng thái nguyên thủy. Những lúc Citta không được kiểm soát, thì người quan sát sẽ bị đồng nhất với các dạng biến đổi”.
(Yoga Sutra của Patanjali 1.2-1.4, dịch theo bản tiếng Anh của Swami Vivekananda).

Việc kiểm soát tâm trí cho phép chúng ta phá bỏ xiềng xích do suy nghĩ tạo ra. Để đạt được sự yên tĩnh và im lặng của tâm trí thì ta cần phải biết cách sống trong từng khoảnh khắc, biết cách tận dụng từng thời điểm, mà không phí phạm một phút giây nào cả.

Hãy nắm bắt mọi thứ trong mỗi khoảnh khắc bởi vì mỗi khoảnh khắc là một đứa con của Gnosis, mỗi khoảnh khắc là tuyệt đối, sống động và có ý nghĩa. Sống trong từng khoảnh khắc là đặc điểm của những người theo Gnosis. Chúng tôi yêu thích triết lý của việc sống từng khoảnh khắc này.

Thầy Vân Môn nói với các môn đồ: “Đi chỉ đi, ngồi chỉ ngồi, không được động đến[5].

[5] Bản dịch này trích từ chương 5 của “Cửa Thiền Hé Mở” bởi thiền sư Thích Thanh Từ.

Phương pháp thiền sơ cấp chính là bước chuẩn bị cho sự bình an thiêng liêng, vượt qua mọi hiểu biết [6].

[6] Sự bình an thiêng liêng vượt qua mọi hiểu biết:
“Đừng lo lắng bất cứ điều gì, nhưng trong mọi việc, hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin và tạ ơn mà trình lời thỉnh cầu của anh em cho Đức Chúa Trời; rồi sự bình an của Đức Chúa Trời, là điều vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ bảo vệ lòng và trí của anh em qua Đấng Ki-tô Giê-su”.
(Phi-líp 4:6-7, Kinh Thánh).

Hình thức tư duy cao cấp nhất là không suy nghĩ. Khi một người đạt được sự yên tĩnh và im lặng của tâm trí thì cái Tôi sẽ biến mất cùng với tất cả những dục vọng, ham muốn, thực dục, sợ hãi, cảm xúc, v.v. của nó.

Chỉ khi không có cái Tôi, khi tâm trí biến mất thì Phật tính mới có thể thức tỉnh để hợp nhất với Bản thể bên trong và đưa chúng ta đến trạng thái nhập định.

Trường phái ma thuật đen của Subud [7] đã sai khi nói rằng Đơn tử hay còn gọi là Thực tại vĩ đại sẽ thâm nhập được vào những người chưa sở hữu các cơ thể hiện sinh siêu việt của Bản thể.

[7] Subud là trường phái tâm linh xuất phát từ Indonesia, dạy một phương pháp kết nối với “sức sống vĩ đại” để nhận các thông điệp tâm linh.

Những gì xâm nhập vào những giáo đồ cuồng tín Subud là những sinh linh đen tối và chúng thể hiện ra ngoài qua những cử chỉ, hành động, lời nói ngớ ngẩn và vô lý của những tín đồ này. Những người đó đã bị những sinh linh đen tối chiếm hữu.

Trạng thái tĩnh lặng và im lặng của tâm có một mục tiêu duy nhất là: giải phóng Phật tính ra khỏi tâm trí để nó có thể hợp nhất với Đơn tử hay Bản thể bên trong, và từ đó có thể trải nghiệm cái mà chúng ta gọi là Chân lý.

Trong khi nhập định và khi cái Tôi vắng bóng thì Tinh chất có thể tự do sống trong thế giới màn sương của Lửa để trải nghiệm Chân lý.

Khi tâm trí ở trong trạng thái thụ động và tiếp nhận, hoàn toàn tĩnh lặng và im lặng thì Tinh chất hay Phật tính sẽ được giải phóng khỏi tâm trí và trạng thái định sẽ đến.

Phật tính luôn bị mắc kẹt trong trận chiến của các khái niệm đối nghịch, nhưng khi cuộc chiến kết thúc và sự im lặng trở nên tuyệt đối thì Phật tính được tự do và cái chai giam cầm nó bị vỡ tan tành.

Khi thực hành thiền, tâm trí của chúng ta bị tấn công bởi các ký ức, ham muốn, dục vọng, các mối bận tâm, v.v.

Chúng ta nên tránh xa mâu thuẫn giữa sự chú tâm và sự phân tâm. Xung đột giữa sự phân tâm và sự chú tâm sẽ xảy ra khi chúng ta chiến đấu chống lại những yếu tố đang tấn công tâm trí. Cái Tôi chính là cái máy phóng chiếu lên các yếu tố tấn công kia. Ở đâu còn xung đột thì ở đó không thể có sự tĩnh lặng và im lặng.

Chúng ta nên vô hiệu hóa cái máy chiếu này thông qua việc tự quan sát và thấu hiểu. Hãy kiểm tra từng hình ảnh, từng ký ức, từng ý nghĩ hiện ra trong đầu. Hãy nhớ rằng mọi suy nghĩ đều có hai cực: tích cực và tiêu cực.

Nhập và xuất là hai khía cạnh của cùng một thứ. Phòng ăn và phòng tắm, cao và thấp, dễ chịu và khó chịu, v.v., luôn là hai cực của cùng một thứ.

Hãy kiểm tra cả hai cực của mỗi hình thái tâm lý xuất hiện trong tâm trí. Hãy nhớ rằng chỉ bằng cách nghiên cứu các cực này thì ta mới có thể đi đến hợp đề được.

Mọi hình thái tinh thần đều có thể bị loại bỏ khi chúng ta tìm ra hợp đề.

Ví dụ: Ký ức về người yêu cũ nổi lên tấn công tâm trí chúng ta. Cô ấy có đẹp không? Chúng ta hãy nghĩ rằng cái đẹp đối lập với cái xấu, và khi còn trẻ thì cô ấy xinh đẹp còn khi về già thì cô ấy sẽ trở nên xấu xí. Hợp đề: cô ấy không xứng đáng để ta suy nghĩ, cô ấy chỉ là một ảo ảnh, một bông hoa tất yếu sẽ héo tàn.

Ở Ấn Độ, việc tự quan sát và nghiên cứu tâm lý được gọi một cách chính xác là Pratyahara.

Những suy nghĩ chỉ nên lướt qua không gian tâm trí chúng ta theo kiểu diễu hành liên tục mà không để lại bất kỳ dấu vết nào.

Dòng suy nghĩ vô tận được cái Tôi phóng chiếu cuối cùng rồi cũng kiệt sức và sau đó tâm trí sẽ trở nên yên tĩnh và im lặng.

Một bậc thầy vĩ đại, một người đã khai ngộ bản thể có nói rằng: “Chỉ khi cái máy chiếu hoàn toàn vắng bóng hay nói cách khác là chỉ khi cái Tôi hoàn toàn vắng bóng, thì sự im lặng mới ập đến. Sự im lặng vốn không phải là sản phẩm của tâm trí. Sự im lặng này vô tận, nó không đến từ thời gian, nó là vô lượng. Chỉ có thứ gì vốn có mới có thể xuất hiện”.

Toàn bộ kỹ thuật này được tóm tắt trong hai nguyên tắc:

  • (1) Quán chiếu sâu sắc
  • (2) Sự thanh thản cực độ.

Kỹ thuật thiền này, với trạng thái không suy nghĩ của nó, khởi động phần trong cùng của tâm – nơi tạo ra trạng thái định (tiếng Phạn: Samadhi).

Hãy nhớ rằng phần trong cùng của tâm là phần mà ta gọi là Phật tính, Tinh chất, Tâm thức.

Khi Phật tính thức tỉnh thì chúng ta được khai ngộ. Chúng ta cần đánh thức Phật tính, Tâm thức.

Học viên Gnosis có thể ngồi thực hành thiền theo phong cách phương Tây hoặc phương Đông [8].

[8] Ngồi theo phong cách phương Tây, phương Đông:
Các trường phái huyền học của phương Tây thường ngồi thiền trên ghế. Nếu là ghế gỗ thì họ ngồi sẽ ngồi ở mép ghế để giữ cho lưng thẳng. Nếu là ghế bành thì thả lỏng và giữ lưng trên ghế. Bên cạnh đó thì có những tư thế nằm. Ở phương Đông cũng có các tư thế ngồi thiền đa dạng. Tuy nhiên, trong câu này thì “phong cách phương Đông” chỉ các tư thế ngồi như: kiết già (tiếng Phạn: Padmasana), bán già (tiếng Phạn: Ardha Padmasana), Siddhasana. Nếu chọn ngồi theo phong cách phương Đông, chúng tôi khuyến kích độc giả nên ngồi Siddhasana vì những người ngồi tư thế kiết già, bán già, thường bị đau chân sau khoảng một tiếng. Mục đích của chúng ta là để luyện tâm, chứ không phải là luyện chân. Vì thế, học trò Gnosis nên chọn tư thế nào phù hợp để ngồi lâu, mà không bị đau chân.

Khi tập nên nhắm mắt để tránh bị phân tán bởi thế giới bên ngoài.

Nên chú ý vào việc thả lỏng cơ thể và cẩn thận tránh bị căng cơ.

Phật tính, Tinh chất, là chất liệu tâm lý, là nguyên liệu nội tại của tính Phật, là chất liệu tinh thần hoặc nguyên liệu thô mà chúng ta sẽ dùng để hình thành nên tâm hồn.

Phật tính là thứ tốt nhất bên trong mỗi chúng ta và Phật tính thức tỉnh thông qua việc thiền nội tâm một cách sâu sắc.

Phật tính thực sự là yếu tố duy nhất mà thú vật trí năng đáng thương có được để trải nghiệm về cái mà chúng ta gọi là Chân lý.

Thú vật trí năng không thể hiện thân Bản thể vì vẫn chưa sở hữu những cơ thể hiện sinh cao cấp. Vì vậy điều duy nhất mà thú vật trí năng có thể làm là thực hành thiền để đánh thức Phật tính và ngộ ra Chân lý.

LIÊN KẾT MÁY MÓC

Isan đã gửi một chiếc gương cho thầy Koysen. Koysen giơ chiếc gương cho các nhà sư xem và nói:

Đây là chiếc gương của Isan hay chiếc gương của ta? Nếu nói rằng chiếc gương này là của Isan thì làm sao nó lại đang nằm trong tay ta được cơ chứ? Nếu nói rằng chiếc gương này là của ta thì phải xem lại, không phải ta đã nhận nó từ Isan hay sao? Hãy nói đi, nói đi, nếu không ta sẽ đập vỡ vụn chiếc gương này”.

Các nhà sư không tìm được lối đi giữa hai mặt đối lập này và vị sư phụ đã đập vỡ vụn chiếc gương [9].

[9] Công án này đến từ tắc 19 trong sách 3 của tác phẩm Shinji Shōbōgenzō (真字正法眼蔵), được biên tập bởi Eihei Dōgen năm 1223–1227.

Chừng nào Phật tính vẫn còn bị mắc kẹt trong các khái niệm đối nghịch thì chừng đó ta sẽ không thể nhập định.

Vào thời Babylon, vị Bồ tát của Thánh tối cao Ashiata Shiemash, một Avatar vĩ đại đã hạ thế [10].

[10] Ashiata Shiemash – để đọc thêm về vị thánh này, hãy tham khảo “Beelzebub’s Tales to his Grandson” bởi G. I. Gurdjieff.

Vị Bồ Tát này không bị sa ngã và giống như mọi vị Bồ Tát khác, ngài đã phát triển được các cơ thể hiện sinh cao cấp của Bản thể.

Khi đến độ tuổi chịu trách nhiệm, ông đã đi đến núi Vezinian và đi vào một cái hang. Tương truyền rằng ông đã thực hiện ba lần nhịn ăn đáng kinh ngạc, mỗi lần bốn mươi ngày. Mỗi lần đó ông đều chịu đựng khổ đau một cách có chủ đích và tự nguyện.

Ông dành riêng lần nhịn ăn đầu tiên để cầu nguyện và thiền.

Ông đã dành lần nhịn ăn thứ hai để xem xét lại toàn bộ cuộc đời và những kiếp trước. Lần nhịn ăn thứ ba là mấu chốt, được ông dành ra để chấm dứt sự liên kết máy móc của tâm trí. Ông không ăn và chỉ uống nước và cứ nửa tiếng một thì ông lại nhổ ra hai sợi lông ngực.

Có hai loại liên kết máy móc là nền tảng của các khái niệm đối nghịch:

  • a) Liên kết máy móc giữa các ý tưởng, từ, cụm từ, v.v.
  • b) Liên kết máy móc giữa hình ảnh, hình thức, sự vật, con người, v.v.

Một ý tưởng liên kết với một ý tưởng khác, một từ liên kết với một từ khác, một câu nói liên kết với một câu nói khác và theo đó là cuộc chiến của các khái niệm đối nghịch.

Một người được liên kết với người khác. Ký ức về một người nào đó hiện lên trong tâm trí. Hình ảnh này liên kết với hình ảnh khác, hình tướng này với hình tướng khác và cứ như vậy cuộc chiến của các khái niệm đối nghịch tiếp diễn.

Vị Bồ Tát của Avatar Ashiata Shiemash đã phải chịu đựng những điều không thể nói lên lời, ông nhịn ăn trong một trăm hai mươi ngày, và tự hành xác mình một cách khủng khiếp. Ông đắm mình trong trạng thái thiền nội tại sâu sắc, và đã thành công trong việc cắt đứt các cơ chế máy móc của tâm trí. Và rồi tâm trí ông đạt được trạng thái trang nghiêm tĩnh lặng tuyệt đối.

Kết quả là Ngài đã nhập định và hiện thân được Bản thể đích thực.

Ashiata Shiemash đã thực hiện một công việc vĩ đại ở Châu Á. Ngài đã thành lập các tu viện và dựng nên những người cai trị có tâm thức tỉnh thức ở khắp nơi.

Vị Bồ Tát này đã có khả năng hiện thân Bản thể đích thực trong lúc thiền bởi vì Ngài đã sở hữu sẵn những cơ thể hiện sinh cao cấp của Bản thể.

Những người không sở hữu các cơ thể hiện sinh cao cấp của Bản thể thì sẽ không thể hiện thân Bản thể hay đưa sức mạnh thần thánh vào hoạt động bên trong họ. Tuy nhiên họ có thể giải phóng Phật tính, để nó hợp nhất với Bản thể và giúp họ nhập định.

Trong trạng thái định chúng ta có thể nghiên cứu những bí ẩn của sự sống và cái chết. Chúng ta phải nghiên cứu nghi lễ của sự sống và cái chết cho đến khi Thầy dẫn lễ (hay còn gọi là Nội tâm, Bản thể) đến.

Chỉ khi cái Tôi vắng bóng thì một người mới có thể trải nghiệm được phúc lạc của Bản thể. Chỉ khi cái Tôi vắng bóng thì một người mới có thể nhập định.

Khi một người đã làm tan rã cơ chế máy móc của tâm trí thì tiếp đến sẽ là những việc mà người Phương Đông gọi là cái túi nổ tung hay khoảng trống bùng nổ [11]; sau đó là một tiếng reo hò vui sướng vì Tinh chất (Phật tính) đã thoát ra khỏi cuộc chiến của các khái niệm đối nghịch và tham gia vào đối thoại với các Thánh thần.

[11] Cụm từ “cái túi nổ tung” (tiếng Anh: the bursting of the bag): xuất hiện ở tác phẩm “Essays in Zen Buddhism (Second Series)” bởi D. T. Suzuki, trang 117. Suzuki nói rằng cụm từ này xuất phát từ tiếng Trung Quốc.

SỰ THỐNG TRỊ CỦA TÂM TRÍ

Rõ ràng là chúng ta càng ngày càng phải thoát ra khỏi việc bị phụ thuộc vào tâm trí. Tâm trí như là một xà lim, một nhà tù mà tất cả chúng ta đều là tù nhân. Chúng ta cần phải thoát khỏi nhà tù đó nếu thực sự muốn biết tự do là gì. Tự do này không thuộc về thời gian; tự do này cũng không thuộc về tâm trí.

Trước hết, chúng ta nên coi tâm trí như một thứ không thuộc về Bản thể. Thật không may, mọi người hay đồng nhất bản thân mình với tâm trí và nói: “Tôi đang suy nghĩ”, và họ cảm thấy bản thân mình là tâm trí.

Có những trường phái cống hiến hết mình cho việc củng cố tâm trí. Họ dạy các khóa học qua thư từ, họ dạy cách phát triển sức mạnh tâm trí, v.v., nhưng tất cả những việc này thật ngớ ngẩn. Cái chúng ta cần không phải là việc củng cố song sắt của nhà tù đang giam hãm mình; cái chúng ta cần là phá hủy những song sắt đó để biết được tự do thực sự là gì, mà như thầy đã nói, tự do thực sự không thuộc về thời gian.

Chừng nào chúng ta còn ở trong ngục tù của lý trí thì chừng đó chúng ta vẫn không thể trải nghiệm được tự do thực sự.

Bản chất của tâm trí là một ngục tù đau khổ, chưa từng có một ai hài lòng với tâm trí. Từ xưa đến nay, chúng ta chưa từng biết một người nào hài lòng với tâm trí. Tâm trí làm tất cả chúng sinh phiền muộn, gây ra bất hạnh. Những giây phút hạnh phúc nhất trong cuộc đời chúng ta luôn luôn xảy ra khi vắng bóng tâm trí. Dẫu chỉ tồn tại trong chốc lát nhưng đó là những phút giây mà cả đời chúng ta sẽ không thể quên được. Trong những giây phút đó chúng ta biết hạnh phúc là gì nhưng hạnh phúc đó chỉ kéo dài trong một giây ngắn ngủi. Tâm trí không biết hạnh phúc là gì bởi tâm trí là một nhà tù!

Nếu không muốn phụ thuộc vào tâm trí, chúng ta cần học cách chinh phục nó, không phải tâm trí của người khác, mà là tâm trí của chính mình.

Chúng ta phải học cách coi tâm trí như là thứ mình cần phải chế ngự, hay là thứ mà mình cần phải thuần hóa. Việc này là không thể thiếu được. Chúng ta hãy nhớ đến hình ảnh bậc thầy Giê-su thiêng liêng cưỡi lừa vào thành phố Jerusalem vào ngày Chủ Nhật Lễ Lá. Con lừa đó chính là tâm trí mà chúng ta cần phải điều phục. Chúng ta nên cưỡi lừa, chứ không phải để lừa cưỡi ta [12].

[12] Câu chuyện Chúa Giê-su cưỡi lừa vào Jerusalem

Thật không may, con người lại là nạn nhân của tâm trí vì họ không biết cách cưỡi lừa. Tâm trí là một con lừa vụng về mà chúng ta cần phải thuần hóa nếu thực sự muốn cưỡi nó.

Trong khi thiền, chúng ta nên trò chuyện với tâm trí. Nếu một vấn đề nào đó lướt qua tâm trí thì chúng ta nên mổ xẻ nó. Khi vấn đề đã được nghiên cứu kỹ lưỡng và đã được mổ xẻ thì nó sẽ không để lại bất kỳ dấu vết nào trong ký ức và sẽ biến mất. Nhưng khi vấn đề đó vẫn tồn tại, khi chúng ta vẫn luôn muốn chống lại nó, thì xung đột sẽ hình thành. Mọi vấn đề đều là trở ngại cho việc thiền. Nhưng chúng ta sẽ không thể loại bỏ vấn đề bằng cách chối bỏ nó mà thay vào đó chúng ta cần mổ xẻ nó để nhìn thấu những sự thật đang ẩn giấu bên dưới.

Bất kỳ vấn đề nào tồn tại trong tâm trí đều trở thành một trở ngại cho việc thiền. Vì vậy, chúng ta cần phải phân tích, mổ xẻ các vấn đề đó ra từng mảnh để biến nó thành cát bụi, không phải bằng cách chống lại nó, mà bằng cách cắt nó ra bằng con dao tự phê bình, bằng cách không ngừng mổ xẻ một cách nghiêm túc. Chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể khám phá ra được điều gì là quan trọng trong vấn đề đó, điều gì là thật và điều gì là không thật.

Như vậy thì những nghi ngờ đôi khi lại có lợi cho việc làm rõ các khái niệm. Khi một người loại bỏ một vấn đề thông qua việc phân tích chặt chẽ và mổ xẻ vấn đề thì họ sẽ khám phá ra sự thật; từ sự thật đó một thứ sâu sắc hơn sẽ đến; từ sự thật đó ta sẽ có được nhiều hiểu biết hơn, nhiều trí tuệ hơn.

Trí tuệ được trau dồi trên nền tảng trải nghiệm trực tiếp, trên thực nghiệm của chính chúng ta, trên cơ sở thiền sâu sắc. Tôi muốn nhắc lại là có những lúc chúng ta cần trò chuyện với tâm trí. Đó là do nhiều khi chúng ta muốn tâm trí yên tĩnh và tĩnh lặng thì nó lại vẫn cố chấp trong sự điên rồ, trong các cuộc nói nhảm vô ích và trong cuộc chiến giữa chính đề và phản đề. Vì vậy, ta cần phải chất vấn tâm trí, và nói với nó rằng: “Này tâm trí, mày muốn gì? Trả lời đi chứ!”. Nếu đang thiền sâu, một Hình biểu tượng có thể xuất hiện bên trong chúng ta; và trong hình biểu tượng đó, trong hình bóng hay hình ảnh đó, chính là câu trả lời. Chúng ta nên trò chuyện với tâm trí và để cho nó nhận ra thực tế của mọi việc, cho đến khi chúng ta làm cho tâm trí nhận ra rằng câu trả lời này là sai; làm cho tâm trí nhận ra rằng những mối bận tâm của nó là vô ích và lý do tại sao chúng lại vô ích. Và cuối cùng, tâm trí sẽ ở trong trạng thái yên tĩnh và im lặng. Nhưng, nếu chúng ta nhận thấy rằng sự sáng tỏ vẫn chưa xuất hiện, rằng ta vẫn đang trong trạng thái hỗn loạn, lộn xộn, rời rạc, vẫn vật lộn với những lời nói nhảm không ngừng, thì chúng ta phải gọi tâm trí để ra lệnh và tra hỏi tâm trí một lần nữa rằng: “Này tâm trí, mày muốn cái gì vậy? Mày đang tìm kiếm cái gì? Sao không để tao yên?”. Chúng ta cần phải hỏi rõ ràng và trò chuyện với tâm trí như thể nó là một khách thể xa lạ. Chắc chắn tâm trí là một khách thể xa lạ, bởi vì nó không thuộc về Bản thể. Chúng ta cần phải đối xử với tâm trí như một người lạ, chúng ta cần phải phản kháng và la mắng nó.

Các học trò Thiền tông cấp cao đã quen với việc tập luyện Nhu đạo, nhưng khách du lịch đến Nhật Bản vẫn chưa hiểu được Nhu đạo tâm lý. Ví dụ, khi quan sát các nhà sư tập luyện Nhu đạo với nhau, bên ngoài trông có vẻ như là một bài tập thể dục đơn thuần, nhưng thực tế không phải vậy. Khi tập luyện Nhu đạo, họ hầu như không để ý đến cơ thể vật chất; mục tiêu thực sự của bài tập là hướng vào việc chế ngự tâm trí chính mình. Môn Nhu đạo mà họ tham gia là để chống lại tâm trí của chính họ. Vì vậy, Nhu đạo tâm lý có mục đích là điều phục tâm trí, xử lí tâm trí một cách có khoa học và có kỹ thuật.

Điều đáng buồn là người phương Tây chỉ nhìn thấy cái vỏ của Nhu đạo. Tất nhiên, như mọi khi, họ chỉ biết đến Nhu đạo một cách hời hợt và ngu ngốc. Họ xem Nhu đạo như một phương tiện tự vệ mà quên đi các nguyên tắc của Thiền tông và Zen. Điều này thực sự là đáng tiếc. Nó rất giống với những gì đã xảy ra với Tarot. Chúng ta biết rằng tất cả trí tuệ cổ xưa đều nằm trong Tarot, tất cả các Quy luật của vũ trụ và của thế giới tự nhiên đều có trong Tarot.

Ví dụ, một người lên tiếng chống lại Phép tình dục thì người đó đang nói ngược lại với Lá Ẩn số 9 của Tarot [13], và từ đó tạo ra nghiệp chướng khủng khiếp cho chính mình. Một người mà ủng hộ Học thuyết Tiến hóa thì đang phạm luật của Lá Ẩn số 10 của Tarot, v.v. [14].

[13] Lá Ẩn số 9 (trong Tarot Ai Cập) là “Ẩn sĩ” tượng trưng cho thuật luyện kim đan, cho sự chuyển hóa của năng lực tình dục, từ Mặt Trăng lên Mặt Trời, từ chì thành vàng.

[14] Lá Ẩn số 10 (trong Tarot Ai Cập) tượng trung cho nhân quả, luân hồi. Thuyết Tiến hóa của Darwin trái với luật của Lá Ẩn 10 vì đối điện với tiến hóa phải có sự thoái hóa. Vũ trụ không có cơ chế nào chỉ tiến hóa liên tục.

Tarot là “thước đo tiêu chuẩn” cho tất cả mọi người. Như thầy đã nói trong đoạn cuối của cuốn sách có tựa đề “The Mystery of the Golden Flower” [Bí ẩn của bông hoa vàng], các tác giả có thể tự do viết những gì họ muốn. Nhưng họ không nên quên thước đo tiêu chuẩn của Tarot, Cuốn sách vàng, nếu họ không muốn vi phạm các Quy luật Vũ trụ và phạm vào Luật Katancia [15], vốn là nghiệp cấp cao.

[15] Katancia: ở một bài viết khác, tác giả có giải thích rằng luật Katancia là một khía cạnh của luật nhân quả liên quan đến việc dạy tâm linh học.

Sau khi nói chuyện ngoài lề một chút, tôi muốn nói rằng Tarot, dù rất thiêng liêng và chứa đựng một lượng kiến thức rộng lớn, nhưng đã trở thành một trò chơi giống như Poker. Bây giờ nó chỉ là trò chơi bài để mọi người giải trí. Con người đã quên mất các luật lệ và các nguyên lý của Tarot. Ngày nay, các hồ nước thiêng trong các ngôi đền cổ, các ngôi đền bí ẩn, đã trở thành hồ nước cho mọi người đến tắm.

Nghệ thuật đấu bò, môn khoa học uyên thâm, môn khoa học đấu bò của Trường Huyền học Hải Vương cổ xưa ở Atlantis, đã bị mất hết các nguyên lý của nó. Ngày nay môn nghệ thuật này đã trở thành một trò xiếc bò thô tục. Nhu đạo của Thiền tông cũng đã từng có mục tiêu chính xác là điều phục tâm trí trong mỗi động tác chuyển động và dừng lại của môn võ. Nhưng cũng không có gì là lạ khi Nhu đạo đã thoái hóa và mất đi các nguyên tắc tâm lý khi đến thế giới phương Tây. Ngày nay, môn võ này đã trở thành một thứ tầm thường, chỉ được dùng để tự vệ.

Chúng ta hãy nhìn vào khía cạnh tâm lý của Nhu đạo. Tôi không có ý nói rằng tôi sẽ dạy Nhu đạo thể chất cho các bạn vì bản thân tôi không thực hành Nhu đạo. Tuy nhiên tôi đang dạy các bạn một môn Nhu đạo tâm lý. Ở môn này, người ta cần quản chế tâm trí và tâm trí phải học cách tuân thủ. Sự buộc tội đanh thép chính là cách để làm cho tâm trí phải vâng phục chúng ta.

Krishnamurti hay các trường phái Thiền tông ở Nhật và Trung quốc đã không dạy giáo lý này. Điều mà tôi đang dạy thuộc về viên ngọc thứ hai của Hoàng Long [16], viên ngọc thứ hai của trí tuệ. Chúng ta có thể xếp Thiền tông vào viên ngọc thứ nhất. Tuy nhiên, Thiền tông lại không giảng giải về viên ngọc thứ hai, ngay cả khi môn Nhu đạo tâm lý có đề cập đến nó trong phần giới thiệu.

[16] Viên ngọc của Hoàng Long – Tác giả có ý đề cập đến chủ đề của tác phẩm “Las Joyas del Dragon Amarillo” bởi V. M. Lakshmi.

Viên ngọc thứ hai liên quan đến việc đưa tâm trí vào kỷ luật, quản chế, đánh đòn và mắng mỏ tâm trí. Tâm trí là một con lừa khó chịu mà chúng ta cần phải thuần hóa!

Vì vậy, chúng ta cần dựa vào nhiều yếu tố trong khi thiền nếu muốn đạt được sự yên tĩnh và im lặng của tâm trí. Chúng ta cần tìm hiểu trạng thái lộn xộn bởi vì chỉ bằng cách này thì chúng ta mới có thể thiết lập được trật tự. Chúng ta cần biết những yếu tố nào ở bên trong đang tập trung và những yếu tố bên trong nào đang mất tập trung.

Khi nào bước vào thiền, tâm trí của chúng ta luôn được chia thành hai phần, một phần đang tập trung và một phần bị mất tập trung. Chúng ta không cần phải chú tâm vào phần đang tập trung mà ngược lại, hãy chú tâm đúng vào phần nào bị mất tập trung. Khi đã hiểu sâu sắc những phần mất tập trung và nghiên cứu các phương thức để làm cho phần này trở nên có ý thức thì chúng ta sẽ đạt được sự yên tĩnh và im lặng của tâm trí.

Nhưng chúng ta phải sáng suốt trong khi thiền, phải đánh giá bản thân, phải biết phần nào bên trong đang mất tập trung. Chúng ta cần phải ý thức được về phần mất tập trung ở bên trong.

Khi thầy nói rằng chúng ta nên quản chế tâm trí, thì ý thầy là tâm trí phải được quản chế bởi Phật tính, Ý thức. Bằng cách đánh thức tâm thức, chúng ta đang tăng cường sức mạnh chi phối tâm trí và theo đó, chúng ta có thể ý thức được về những phần vô thức bên trong.

Việc quản chế, trò chuyện, buộc tội và đánh đòn tâm trí bằng chiếc roi của sức mạnh ý chí để khiến nó vâng phục là một việc cấp bách không thể trì hoãn. Đây là viên ngọc thứ hai của Hoàng Long.

Bản thể đích thực của thầy, Samael Aun Weor, đã tái sinh ở Trung Quốc cổ đại và có tên là Chou Li. Thầy đã được nhập vào Hội Hoàng Long. Thầy được lệnh giao Bảy viên ngọc của Hoàng Long cho bất cứ ai đã đánh thức được Ý thức bằng cách sống theo Biện chứng Tâm thức và đạt được sự thay đổi triệt để và toàn vẹn.

Trước hết, chúng ta không nên đồng nhất bản thân mình với tâm trí nếu thực sự muốn tận dụng tối đa Viên ngọc thứ hai, bởi vì nếu chúng ta cảm thấy mình là tâm trí, nếu ta nói: “Tôi đang lý luận! Tôi đang suy nghĩ!”, thì chúng ta đang khẳng định một điều vô lý và đang nói trái ngược với Giáo lý Hoàng Long, bởi vì Bản thể không cần suy nghĩ, bởi vì Bản thể không cần lý luận. Chỉ có tâm trí mới lý luận. Bản thể là Bản thể và lý do tồn tại của Bản thể chính là Bản thể. Bản thể đã, đang và sẽ luôn tồn tại. Bản thể là sự sống đang rung động trong mỗi nguyên tử cũng như trong mỗi Mặt Trời. Cái đang suy nghĩ không phải là Bản thể, cái đang lý luận không phải là Bản thể. Chúng ta chưa hiện thân được toàn bộ Bản thể, nhưng chúng ta có một phần của Bản thể được hiện thân bên trong, đó là Tinh chất hay Phật tính, là phần linh hồn tồn tại trong ta, phần tinh thần, chất liệu tâm lý. Tâm trí cần phải vâng phục phần Tinh chất sống động này.

Những phần đang phân tích trong chúng ta là những cái Tôi, bởi vì cái Tôi chỉ đơn thuần là những cấu trúc của tâm trí. Chúng ta phải làm tan rã và phân hủy những cấu trúc tâm lý này thành cát bụi vũ trụ.

Bây giờ chúng ta hãy cùng tìm hiểu một trường hợp đặc biệt. Có trường hợp một người đã làm tan rã các cái Tôi, đã loại bỏ chúng. Cũng có trường hợp một người đã làm tan rã các cái Tôi và bên cạnh đó đã xây dựng được cơ thể lý trí. Rõ ràng là người đó đã đạt được tính cá thể về mặt lý trí. Tuy nhiên, họ cũng phải giải thoát bản thân khỏi cả cơ thể lý trí đó, bởi vì mặc dù có hoàn hảo đến đâu, cơ thể lý trí vẫn có lý luận và suy nghĩ, trong khi hình thức tư duy cao cấp nhất là không suy nghĩ. Chừng nào một người còn đang suy nghĩ, thì người đó vẫn ở chưa ở trong trạng thái tư duy cao nhất.

Bản thể không cần tư duy. Bản thể đã và sẽ luôn như vậy. Vì vậy, trong hợp đề, chúng ta vẫn cần phải điều phục tâm trí và tra hỏi tâm trí. Chúng ta không cần phải điều phục tâm trí của người khác vì đó là phép thuật đen. Chúng ta không cần phải chi phối tâm trí của bất kỳ ai vì đó là phép phù thủy thuộc loại tồi tệ nhất. Những gì chúng ta cần là điều phục và chế ngự tâm trí của chính mình.

Tôi muốn nhắc lại là trong lúc thiền, có hai phần: phần đang tập trung và phần mất tập trung. Chúng ta cần ý thức về những phần mất tập trung ở bên trong. Bằng cách có ý thức, chúng ta có thể thực chứng được rằng trong phần mất tập trung có nhiều yếu tố: sự nghi ngờ, có rất nhiều mối nghi ngờ, phần nhiều là những nghi ngờ ở trong tâm trí con người. Những mối nghi ngờ đó đến từ đâu? Chẳng hạn khi chúng ta nhắc đến chủ nghĩa vô thần, chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa thần bí; nếu mổ xẻ những chủ nghĩa này ra thì chúng ta sẽ thấy rằng có nhiều hình thức của chủ nghĩa vô thần, nhiều hình thức của chủ nghĩa duy vật. Có người nói rằng họ là những người vô thần duy vật, nhưng họ lại sợ bùa chú, sợ ma thuật, [hoặc là] họ tôn trọng thế giới tự nhiên và biết cách thấy được sự thiêng liêng trong thế giới tự nhiên theo cách riêng của họ. Khi một người nói chuyện với họ về các vấn đề tâm linh hoặc tôn giáo, họ tuyên bố rằng mình là những người theo chủ nghĩa duy vật vô thần nhưng thuyết vô thần của họ mới chỉ ở dạng sơ khai mà thôi.

Có một loại chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa vô thần khác, loại chủ nghĩa này đầy hoài nghi và ngờ vực. Trong sâu thẳm, kẻ vô thần duy vật đang tìm kiếm điều gì đó, họ chỉ đơn giản là muốn biến mất, muốn ngừng tồn tại, muốn hủy diệt toàn bộ bản thân mình, họ không muốn biết về Đơn tử thần thánh vì họ ghét Đơn tử [17]. Rõ ràng là nếu cứ tiếp tục như vậy thì họ sẽ tan biến đúng như ý muốn. Đó là sự lựa chọn của họ. Họ sẽ ngừng tồn tại, sẽ đi xuống các cõi hỏa ngục, về phía trọng tâm của hành tinh. Đó là lựa chọn của họ: hủy hoại bản thân. Họ sẽ diệt vong, nhưng cuối cùng thì họ vẫn tiếp tục tồn tại. Phật tính sẽ tự giải thoát và sẽ quay trở lại để tiếp tục các vòng tiến hóa và thoái hóa mới. Họ sẽ cứ lặp đi lặp lại như vậy trong các chu kỳ phát triển và thoái hóa [18] và mỗi lần như thế lại rơi vào chủ nghĩa duy vật và hoài nghi. Cuối cùng thì kết quả sẽ đến. Kết quả gì? Vào cái ngày mà mọi cánh cửa hoàn toàn khép lại, khi 3000 chu kỳ đã kết thúc, thì Phật tính đó sẽ được hấp thụ lại vào trong Đơn tử và Đơn tử sẽ trở về với Tử cung Tâm linh của Vũ trụ mà không hề có một thành tựu gì. Điều mà Phật tính thực sự muốn là gì? Phật tính tìm kiếm điều gì trong thuyết vô thần? Nguyện vọng của Phật tính là gì? Nguyện vọng của Phật tính là từ chối thành tựu tâm linh. Trong sâu thẳm, đó là những gì Phật tính muốn, những gì Phật tính sẽ đạt được. Phật tính không coi trọng thành tựu và cuối cùng thì Phật tính sẽ kết thúc như một tia lửa thần thánh mà không có một thành tựu nào cả.

[17] Đơn tử (tiếng Anh: Monad): cụm từ này xuất phát từ triết học của Liebniz. Ở đây, từ này được dùng theo định nghĩa của hội Thông Thiên Học (Theosophical Society). “Đơn tử chỉ Atma cùng với Buddhi và Manas Cấp cao”, (The Secret Doctrine, I, 570-571 bởi H. P. Blavatsky).
Trong đoạn này, chúng ta hiểu rằng Đơn tử chỉ một bộ phận của Bản thể, cao hơn tâm trí, là bộ phận được tái sinh trong luân hồi. Những người “ghét Đơn tử” là người chỉ thích sống vì ích lợi vật chất, không muốn tin rằng trong họ có cái gì thuộc về thế giới tâm linh.

[18] Chu kỳ phát triển và thoái hóa: ở đoạn này tác giả nói về 3000 chu kỳ phát triển và thoái hóa của vũ trụ và của Phật tính. Chiêm tinh học Ấn Độ nói rằng vũ trụ phát triển và thoái hóa theo chu kỳ (tiếng Phạn: manvantara). Phật tính hay còn gọi là tính chất con người cũng thế. Vào buổi bình minh của chu kỳ manvantara, Đơn tử của chúng ta gửi Phật tính vào thế giới dưới dạng một tâm thức nhỏ bé và đơn giản. Chúng ta sống vô số kiếp ở thế giới của khoáng vật, thực vật, và con vật trước khi tái sinh làm người. Sau đó, mỗi chúng ta có 108 kiếp người, là 108 cơ hội để đạt được thành tựu và thoát khỏi vòng luân hồi. Nếu chúng ta không thoát được thì Phật tính lại thoái hóa dần dần và tái sinh ở cõi con vật, thực vật, khoáng vật cho đến khi chúng ta trở lại với trạng thái đơn giản như ban đầu và chuẩn bị bước vào chu kỳ tiếp theo. Một Đơn tử được lặp lại 3000 vòng như thế, sau đó sẽ nhập lại vào cội nguồn tâm thức của vũ trụ. Tất cả chúng sinh sẽ như thế, dù có tu luyện hay không. Tuy nhiên, nếu chúng ta tu luyện và đạt trình độ thành tựu thì chúng ta sẽ mang theo ý thức tỉnh thức khi về với tâm thức phổ quát, còn không thì chúng ta vẫn trở về nhưng chỉ với một ý thức đơn giản như ý thức của một hạt nguyên tử.

Các hình thức của chủ nghĩa hoài nghi rất đa dạng. Có những người tự gọi mình là người Công giáo La Mã Chính thống. Tuy nhiên, theo cách thể hiện thì họ đơn thuần chỉ là những người theo chủ nghĩa duy vật và vô thần. Nhưng họ đi lễ mỗi Chủ nhật, đi rước lễ và xưng tội; đây là một dạng khác của chủ nghĩa hoài nghi.

Nếu phân tích tất cả các hình thức đã và đang tồn tại của chủ nghĩa hoài nghi và chủ nghĩa duy vật, thì chúng ta sẽ phát hiện ra rằng không có một chủ nghĩa hoài nghi duy nhất, không có một chủ nghĩa duy vật duy nhất. Thực tế là có hàng triệu hình thức của chủ nghĩa hoài nghi và chủ nghĩa duy vật. Hàng triệu vì đơn giản đó là các dạng thức của tâm trí, những thứ thuộc về tâm trí. Nghĩa là chủ nghĩa hoài nghi và chủ nghĩa duy vật là do tâm trí tạo ra chứ không phải từ Bản thể.

Khi ai đó đã vượt ra ngoài tâm trí, thì họ sẽ hiểu được rằng Chân lý không đến từ thời gian. Rõ ràng là Chân lý không phải là duy vật hay vô thần.

Ai đã từng nghe Ngôi Lời [19] thì sẽ vượt ra khỏi thời gian, vượt ra khỏi tâm trí.

[19] Giăng 1:5, Kinh thánh: Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở với Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời. Từ ban đầu, Ngài ở với Đức Chúa Trời. Muôn vật đều do Ngài tạo dựng, không một loài thọ tạo nào được tạo dựng mà không bởi Ngài. Trong Ngài có sự sống, sự sống là ánh sáng cho loài người. Ánh sáng soi trong bóng tối, nhưng bóng tối không tiếp nhận ánh sáng.

Chủ nghĩa vô thần là của tâm trí, thuộc về tâm trí, giống như một cái quạt xếp [20]. Tất cả các hình thức của chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa vô thần rất nhiều và đa dạng, đến mức những hình thức này giống như một cái quạt xếp to. Những gì có thật đều nằm ngoài tâm trí.

[20] Quạt xếp – trong tiếng Tây Ban Nha, từ “quạt xếp” chỉ một chuỗi các phiên bản đa dạng của cái gì đó, giống như một chiếc quạt xếp được xòe ra, để tiết lộ các cánh với màu sắc đa dạng bên trong.

Người vô thần và người duy vật là những kẻ vô minh, họ chưa bao giờ nghe thấy Ngôi Lời. Họ chưa bao giờ biết đến Thần ngữ, cũng chưa từng đi vào dòng chảy âm thanh.

Tâm trí là nơi thai nghén của chủ nghĩa vô thần và chủ nghĩa duy vật. Đây là những hình thức của tâm trí, những hình thức huyễn hoặc, không thật một chút nào. Những gì thực sự có thật không thuộc về tâm trí, những gì chắc chắn có thật đều nằm ngoài tâm trí.

Thoát khỏi tâm trí là điều quan trọng để biết về sự thật, không phải là để biết sự thật bằng lý trí mà là thực sự trải nghiệm sự thật.

Khi chú tâm đến những phần mất tập trung của tâm trí thì chúng ta có thể thấy các dạng khác nhau của sự hoài nghi, ngờ vực, nghi ngờ, v.v. Khi đã nhìn thấy bất kỳ loại nghi ngờ nào, chúng ta phải mổ xẻ nó ra từng mảnh, phải mổ xẻ để xem nó thực sự muốn gì. Một khi chúng ta đã mổ xẻ hoàn toàn thì mối nghi ngờ sẽ biến mất mà không để lại bất kỳ dấu vết nào trong tâm trí, không để lại bất kỳ dấu vết nào trong ký ức, kể cả những dấu vết nhỏ bé nhất.

Điều phục tâm trí.

Khi quan sát những phần mất tập trung trong tâm mình thì chúng ta cũng sẽ thấy cuộc chiến giữa chính đề và phản đề. Đó là lúc chúng ta phải xé tan những khái niệm đối lập đó ra để xem xét xem chúng có gì là thật. Ta cũng nên mổ xẻ cả những ký ức, cảm xúc, ham muốn và mối bận tâm đã bị bỏ qua, những thứ mà ta không biết đến từ đâu hoặc tại sao lại đến.

Khi thấy cần phải ra lệnh “Nghiêm!” cho tâm trí, chúng ta sẽ nhận ra một thời điểm mà mình cảm thấy mệt mỏi vì tâm trí kiểu gì cũng không muốn tuân lệnh. Lúc khôn ngoan nhận ra điều này, chúng ta không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phản kháng tâm trí, nói mạnh mẽ với tâm trí, trực tiếp đối mặt với tâm trí như cách ta đối xử với một vị khách lạ không mời mà đến. Chúng ta phải đánh tâm trí bằng chiếc roi của ý chí, phản kháng tâm trí bằng những lời lẽ nặng nề cho đến khi có thể làm cho nó khuất phục. Chúng ta phải trò chuyện nhiều lần để nó hiểu. Nếu tâm trí không hiểu được thì chúng ta phải nghiêm khắc ra lệnh cho nó phải trật tự.

Việc không đồng nhất với tâm trí là vô cùng cần thiết. Chúng ta phải đánh đòn tâm trí, phải làm cho nó khuất phục. Nếu nó cứ tiếp tục dữ dằn thì chúng ta phải đánh đòn nó một lần nữa. Theo cách này, chúng ta sẽ thoát ra khỏi tâm trí và đến với Chân lý. Chân lý là điều chắc chắn không phụ thuộc vào thời gian.

Khi cố gắng chạm tới điều vượt ra ngoài thời gian thì chúng ta có thể trải nghiệm một yếu tố có khả năng thay đổi hoàn toàn. Có một yếu chuyển hóa nằm bên ngoài thời gian và chỉ có thể được trải nghiệm khi chúng ta ở bên ngoài tâm trí. Một người phải đấu tranh quyết liệt cho đến khi đạt được sự khai ngộ nội tâm nơi sâu thẳm của Bản thể.

Chúng ta cần phải không ngừng tách khỏi tâm trí và bước vào dòng chảy âm thanh, vào thế giới âm nhạc, thế giới mà ngôn ngữ Elohim vang lên, nơi mà Chân lý chắc chắn ngự trị.

Chừng nào chúng ta vẫn còn mắc kẹt trong tâm trí thì làm sao chúng ta có thể biết về sự thật được? Người khác nói là một chuyện, nhưng ta biết được gì? Điều quan trọng không phải là những gì người khác nói mà là những gì chúng ta tự trải nghiệm. Vấn đề của chúng ta là làm thế nào để thoát khỏi tâm trí. Để làm được điều này thì chúng ta cần khoa học, trí tuệ để giải phóng bản thân và điều này có trong Gnosis.

Tuy nhiên, khi chúng ta nghĩ rằng tâm trí đang yên tĩnh, khi chúng ta tin rằng tâm trí đang im lặng, nhưng lại không có trải nghiệm thiêng liêng nào đến với chúng ta thì đó là bởi vì tâm trí vẫn chưa thực sự yên tĩnh hay im lặng. Thực chất trong sâu thẳm, tâm trí vẫn luôn liên tục đấu tranh. Thực chất tâm trí đang nói chuyện. Khi đó, thông qua thiền, chúng ta phải đối mặt, trò chuyện với tâm trí, phản kháng lại nó và hỏi xem nó muốn gì. Hãy nói với nó: “Tâm trí, sao không im đi? Sao mày không để tao yên?” Tâm trí sẽ đưa ra câu trả lời nào đó và chúng ta sẽ trả lời bằng một cách giải thích khác để cố gắng thuyết phục nó. Nếu tâm trí không muốn bị thuyết phục, ta không có cách nào khác ngoài việc chinh phục nó bằng sự phản kháng và đòn roi của ý chí.

Làm chủ tâm trí không chỉ đơn thuần là tìm hiểu các khái niệm đối nghịch thông qua thiền. Ví dụ như khi một ý nghĩ thù hận, một ký ức xấu xa tấn công chúng ta, thì ta phải cố gắng hiểu những điều này, cố gắng nhìn ra phản đề của nó, đó chính là tình yêu. Nếu có tình yêu thì tại sao lại có hận thù? Để làm gì?

Chẳng hạn đột nhiên ký ức về một hành động dâm dục nảy sinh. Vậy thì ta phải nghĩ đến chiếc chén thánh và cây giáo linh thiêng trong tâm trí và nói: “Tại sao tôi lại đang làm ô uế những thứ thiêng liêng bằng những ý nghĩ bệnh hoạn của mình?”

Nếu kí ức về một người cao lớn nảy sinh thì chúng ta cần phải thấy người này thấp bé. Lý luận này đúng đắn vì hợp đề chính là mấu chốt.

Biết cách để luôn tìm kiếm hợp đề sẽ có lợi vì từ chính đề ta sẽ phải tiến tới tìm phản đề. Tuy nhiên, chân lý không nằm ở trong chính đề hay phản đề. Có sự tranh luận trong chính đề và phản đề và đó thực sự là điều cần thiết: khẳng định, phủ định, thảo luận và giải quyết. Khẳng định một ý nghĩ xấu, phủ định nó bằng cách hiểu mặt đối nghịch, thảo luận để tìm ra đâu là sự thật trong cả hai quan điểm cho đến khi đạt đến sự thông tuệ. Sau đó chúng ta để tâm trí im lặng và yên tĩnh. Đây là cách mà chúng ta nên rèn luyện.

Tất cả những phương pháp này là các bài tập để rèn luyện ý thức, để tập quan sát phần mất tập trung của mình. Tuy nhiên, nếu nói rằng khái niệm về một người cao lớn chỉ đơn thuần là một ký ức, rồi chúng ta đặt hình ảnh của một người thấp bé đứng đối diện, chấm hết, thì không đúng. Để chính xác hơn thì chúng ta phải nói rằng cao và thấp chỉ là hai khía cạnh của cùng một thứ, điều quan trọng không phải là cao hay thấp mà là chân lý đằng sau tất cả những điều này. Cao và thấp là hai hiện tượng huyễn hoặc của tâm trí. Bằng cách này chúng ta đi đến hợp đề và tìm được giải pháp.

Phần mất tập trung của tâm trí được hình thành bởi tiềm thức, bởi những khái niệm không mạch lạc, bởi lượng ký ức trào dâng trong tâm trí, bởi những ký ức của quá khứ cứ liên tiếp tấn công chúng ta, bởi những mảnh vụn của ký ức, v.v..

Ta không nên chấp nhận cũng như bác bỏ các yếu tố cấu thành nên tiềm thức, chỉ đơn giản là chúng ta phải ý thức rõ hơn về những yếu tố mất tập trung. Bằng cách này, những phần mất tập trung sẽ tập trung một cách tự nhiên và tự phát. Những phần mất tập trung sẽ trở nên tập trung.

Một người phải biến cuộc sống hàng ngày thành việc thực hành thiền miên mật [21]. Thiền không chỉ là hành động làm cho tâm trí tĩnh lặng khi ở nhà hoặc ở Lumisial [22]. Thiền phải bao trùm cuộc sống hàng ngày để làm cho cuộc sống thực sự trở thành việc thiền miên mật. Bằng cách này chân lý sẽ đến.

[21] Miên mật: Miên mật có nghĩa là không gián đoạn. Miên có nghĩa là kéo dài ra, không ngắn ngủi, như trong từ ngữ “triền miên” hay “miên trường”. Mật có nghĩa là sít sao với nhau, không có kẽ hở ở giữa, không có kẽ ngăn cách hai khoảnh khắc, hai khoảnh khắc dính liền với nhau, gió không thể lọt vào được.

[22] Lumisial là đền thờ nhỏ của một nhóm thành viên trường phái Gnosis.

Tâm trí chính là cái Tôi. Điều cấp bách là phải tiêu diệt cái Tôi để giữ lại Tinh chất tâm lý vì đó là chất liệu chúng ta sử dụng để tạo ra cơ thể lý trí. Tuy nhiên, tâm trí sẽ luôn tồn tại. Điều quan trọng là chúng ta phải giải phóng bản thân khỏi tâm trí, và sau khi thoát khỏi tâm trí thì phải học cách sống trong thế giới tâm linh thuần khiết mà không cần đến tâm trí. Chúng ta phải học cách sống trong dòng âm thanh vượt khỏi tâm trí và không phụ thuộc vào thời gian.

Trong tâm trí chỉ có vô minh. Trí tuệ đích thực không nằm trong tâm trí mà vượt ra khỏi tâm trí. Tâm trí vô minh và vì thế mà tâm trí liên tục rơi vào những lỗi lầm nghiêm trọng.

Ngu ngốc thay những kẻ tuyên truyền phép thần thông của tâm trí [23], những kẻ hứa hẹn sức mạnh tâm trí, những kẻ dạy cách chế ngự tâm trí người khác, v.v. Tâm trí không làm cho ai hạnh phúc cả. Hạnh phúc thực sự vượt rất xa ngoài tâm trí. Một người không thể biết được hạnh phúc cho đến khi họ trở nên tách rời khỏi tâm trí.

[23] Phép thần thông của tâm trí (tiếng Anh: Mentalism) – Mentalism là một loại ảo thuật hay phép thuật biểu diễn trên sân khấu. Trong đó, diễn giả biểu diễn các loại phép lạ bao gồm: thôi miên, đoán tên và thông tin cá nhân của các khán giả, đọc suy nghĩ của khán giả, điều khiển tâm lý của khán giả, v.v. Trong đoạn sách này, Mentalism không chỉ là nghệ thuật biểu diễn trên sân khấu. Mentalism ở đây bao gồm những trường phái “cải tiến bản thân”, luyện sức mạnh tâm lý để đạt được những mục tiêu đa dạng trong cuộc sống. Ví dụ như người ta dùng sức mạnh của “tư duy tích cực” để cầu xin vũ trụ giúp người ta thỏa mãn những tham vọng cá nhân. Trong các trường phái Mentalism kiểu này, nổi tiếng nhất là cuốn sách “The Secret” (bản dịch tiếng Việt có tiêu đề “Bí mật”). Chúng tôi không nói rằng các phương pháp này không có kết quả nhưng chắc chắn rằng chúng không dẫn đến cái chết của cái Tôi. Chừng nào cái Tôi còn tồn tại thì việc thỏa mãn tham vọng chỉ mang lại hạnh phúc phù du mà thôi.

Những giấc mơ đến từ vô thức. Khi một người thức tỉnh tâm thức của mình, họ sẽ dừng mơ. Những giấc mơ chẳng qua chỉ là sự phóng chiếu của tâm trí. Tôi nhớ đến một tình huống được trải nghiệm cõi siêu việt. Đó chỉ là một khoảnh khắc bất cẩn. Tôi thấy một giấc mơ hiện ra trong tâm trí và tôi đã suýt mơ. Trong giấc mơ vừa tuột khỏi tầm kiểm soát này, tôi đã phản ứng [một cách vô thức] trong giây lát. Nhưng ngay khi ý thức được về quá trình này thì tôi đã nhanh chóng tránh xa cái hình tướng cứng đặc đã được phóng chiếu ra từ tâm trí mình. Giả sử rằng lúc đó tôi đang ngủ mê thì sao? Tôi có thể sẽ lại chìm trong giấc ngủ và bị cuốn vào hình biểu tượng tâm trí đó. Khi tỉnh thức, một người sẽ biết ngay rằng chỉ trong một khoảnh khắc vô thức, một giấc mơ có thể hiện ra và sẽ cuốn họ đi thâu đêm suốt sáng.

Điều quan trọng với chúng ta là thức tỉnh tâm thức để ngừng mơ, ngừng suy nghĩ. Suy nghĩ này, thứ được coi là vật chất vũ trụ, chính là tâm trí. Ngay cả cõi cảm xúc cũng chỉ là sự kết tinh của chất liệu từ cõi lý trí. Thế giới vật chất cũng chỉ là năng lượng tâm trí cô đặc. Như vậy, tâm trí là vật chất và ở dạng rất thô, cho dù nó có ở trạng thái vật chất vật lý hay trạng thái của cõi cảm xúc mà người Ấn độ gọi là Manasic [24]. Dù thế nào đi nữa thì tâm trí luôn mang tính thô và liên quan đến vật chất, dù là ở cõi cảm xúc hay là cõi vật chất vật lý.

[24] Manasic – Manas (Tiếng bắc Phạn: मनस्): “Tâm trí”, là khía cạnh tâm lý bao gồm lý trí và đạo đức. Đó là khía cạnh phân biệt giữa con người và thú vật. (The Theosophical Glossary, H. P. Blavatsky).

Tâm trí là vật chất vật lý hoặc siêu hình, nhưng cũng chỉ là vật chất. Vì vậy, tâm trí không thể làm cho chúng ta hạnh phúc. Để biết về hạnh phúc đích thực hay trí tuệ đích thực thì chúng ta nên thoát ra khỏi tâm trí và sống trong thế giới của Bản thể; đây mới là điều quan trọng.

Chúng ta không phủ nhận sức mạnh sáng tạo của tâm trí. Rõ ràng là tất cả những gì đang tồn tại đều là tâm trí cô đặc. Nhưng rồi chúng ta nhận được cái gì? Liệu rằng tâm trí đã cho chúng ta hạnh phúc chưa? Chúng ta có thể làm nên những điều kỳ diệu bằng trí óc và tự tạo cho mình nhiều thứ trong cuộc sống. Những phát minh vĩ đại là sự cô đặc của tâm trí nhưng những kiểu sáng tạo này chưa làm chúng ta hạnh phúc.

Điều chúng ta cần là trở nên độc lập để thoát ra khỏi ngục tối của vật chất bởi vì tâm trí là vật chất. Chúng ta phải thoát ra khỏi vật chất, sống trong vai trò của linh hồn, như những chúng sinh, như những sinh vật hạnh phúc bên ngoài thế giới vật chất. Vật chất không làm cho ai hạnh phúc, vật chất luôn là thứ thô thiển mặc dù bên ngoài nhìn rất đẹp đẽ.

Nếu chúng ta tìm kiếm hạnh phúc đích thực thì chúng ta phải tìm kiếm trong tâm linh chứ không phải trong vật chất. Chúng ta cần giải phóng bản thân khỏi tâm trí. Hạnh phúc thực sự chỉ đến khi chúng ta thoát ra khỏi ngục tối của tâm trí. Chúng ta không thể phủ nhận rằng tâm trí có thể tạo ra nhiều thứ, nhiều phát minh, nhiều điều kỳ diệu và nhiều điều phi thường, nhưng liệu những thứ này có mang lại cho chúng ta hạnh phúc hay không? Ai trong chúng ta đang hạnh phúc?

Nếu tâm trí không mang lại hạnh phúc thì chúng ta phải thoát ra khỏi nó, phải đi tìm hạnh phúc ở một nơi khác. Hiển nhiên là chúng ta sẽ tìm thấy hạnh phúc trong thế giới tâm linh. Nhưng chúng ta cần biết làm thế nào để thoát khỏi tâm trí, làm thế nào để giải phóng bản thân khỏi tâm trí. Đây chính là mục tiêu của các bài tập và nghiên cứu mà thầy đã đưa ra trong các sách Gnosis và trong luận án về Biện chứng Tâm thức này.

Trong chúng ta có 3% ý thức và 97% tiềm thức. Phần có ý thức phải được hướng đến phần vô thức hoặc tiềm thức, để phản kháng lại và làm cho vô thức hoặc tiềm thức trở nên có ý thức. Điều đó có nghĩa là phần có ý thức cần phản kháng lại phần tiềm thức, để phần tiềm thức trở thành có ý thức. Việc hướng ý thức vào tiềm thức là một bài tập tâm lý rất quan trọng, có thể được thực hành vào lúc bình minh, như vậy các phần vô thức có thể dần dần trở nên có ý thức.

PROBATIONISM (CHỦ NGHĨA THỬ NGHIỆM)

Probationism là môn khoa học nghiên cứu các chất của tâm trí đang giam cầm tâm hồn. Probationism là môn khoa học về các phép thử huyền học.

Probationism là sự thông thái bên trong, cho phép chúng ta nghiên cứu ngục tù của tâm trí.

Probationism là môn khoa học thuần túy cho phép chúng ta hiểu biết sâu sắc hơn về những sai lầm trong tâm trí mỗi cá nhân.

Tâm trí con người phải thoát khỏi cảm giác sợ hãi và thèm muốn. Tâm trí con người phải thoát khỏi tham vọng tích lũy vật chất, khỏi những ràng buộc, hận thù, kiêu ngạo, bạo lực, v.v.

Tâm trí con người phải tự giải phóng khỏi các quá trình lý luận khiến nó bị chia rẽ trong cuộc chiến giữa chính đề và phản đề.

Một tâm trí khi bị chia rẽ bởi quá trình lựa chọn chán ngán thì sẽ không thể trở thành công cụ cho Bản thể sâu thẳm (Innermost).

Chúng ta phải học cách đánh đổi quá trình lý luận để thấy được vẻ đẹp của sự thấu hiểu.

Quá trình khái niệm hóa sự lựa chọn làm tâm trí bị chia rẽ, tạo cơ hội cho những hành động sai lầm và nỗ lực vô ích.

Ham muốn và thèm khát là những trở ngại cho tâm trí. Những trở ngại đó dẫn con người đến tất cả các loại lỗi lầm và và kết quả là tạo ra nghiệp xấu.

Nỗi sợ hãi làm nảy sinh trong tâm trí sự khao khát cảm giác an toàn. Mong muốn này nô dịch ý chí, biến ý chí thành tù nhân của những rào cản cứng nhắc do bản thân mình tạo ra. Đằng sau những rào cản này ẩn chứa tất cả những đau khổ của con người.

Nỗi sợ hãi là nguyên nhân của tất cả các loại mặc cảm, tự ti. Nỗi sợ chết khiến nhiều người mang theo vũ trang và ám sát lẫn nhau. Người dắt súng lục ở thắt lưng là một kẻ hèn nhát, một kẻ luôn luôn sợ hãi. Người dũng cảm không mang theo vũ khí bởi họ không sợ một ai hết.

Sợ sống, sợ chết, sợ đói, sợ khổ, sợ lạnh, sợ không có manh áo che thân, các nỗi sợ gây ra mọi thể loại mặc cảm. Sợ hãi dẫn con người đến bạo lực, hận thù, bóc lột, v.v.

Tâm trí của con người sống từ nhà tù này sang nhà tù khác. Mỗi nhà tù là một trường phái, một tôn giáo, một khái niệm sai lầm, một định kiến, một ước muốn, một quan điểm, v.v.

Tâm trí con người cần phải học cách vận hành đúng đắn, trong một trạng thái hợp nhất mà không bị chia rẽ bởi quá trình lập luận mệt mỏi trong cuộc chiến giữa chính đề và phản đề.

Tâm trí phải trở nên giống như một đứa trẻ để nó có thể trở thành một công cụ phục vụ cho Bản thể sâu thẳm (Innermost). Chúng ta nên luôn sống trong hiện tại bởi vì cuộc sống chỉ là một khoảnh khắc vĩnh cửu mà thôi.

Chúng ta nên giải phóng bản thân khỏi tất cả các loại định kiến và ham muốn. Chúng ta chỉ nên hành động theo sự thúc đẩy của Bản thể sâu thẳm. Hang ổ của lòng tham, sự tức giận, dục vọng là ở trong tâm trí. Lòng tham, sự tức giận, dục vọng chính là những yếu tố dẫn dắt tâm hồn đến Địa ngục A tỳ [25].

[25] Địa ngục A tỳ: tiếng Phạn là “avīci-naraka”. Trong bối cảnh Phật giáo, “avīci-naraka” là cõi thấp nhất và đau khổ nhất của các cõi Địa Ngục.

Con người không phải là tâm trí. Tâm trí chỉ đơn thuần là một trong bốn cơ thể tội lỗi [26]. Khi một người đồng nhất mình với tâm trí thì người đó sẽ rơi vào vực thẳm.

[26] Bốn cơ thể tội lỗi là: cơ thể vật chất, cơ thể khí lực, cơ thể cảm xúc, và cơ thể lý trí.

Tâm trí chỉ là một con lừa mà chúng ta phải cưỡi lên để đi đến Jerusalem vào ngày Chủ Nhật Lễ Lá.

Khi tâm trí bao vây chúng ta bằng những hình biểu tượng vô dụng thì chúng ta hãy nói chuyện với nó theo cách này: “Tâm trí, hãy bỏ ngay những hình biểu tượng này ra khỏi tao, tao không chấp nhận những thứ này từ mày, mày là nô lệ của tao và tao là chủ của mày!”

Khi tâm trí bao vây chúng ta bằng những hình biểu tượng của hận thù, sợ hãi, giận dữ, thèm khát, ham muốn, dâm dục, v.v., hãy nói chuyện với nó theo cách này: “Tâm trí, hãy bỏ những thứ này khỏi tao, tao không chấp nhận những thứ này từ mày, tao là chủ của mày, tao là chúa tể của mày và mày phải tuân lệnh tao, vì mày vĩnh viễn là nô lệ của tao!”

Bây giờ, chúng ta cần những người có Thelema [27], những người có ý chí, những người không để cho bản thân mình trở thành nô lệ của tâm trí.

[27] Thelema: ý chí đích thực của tâm linh.


Leave a Reply