✏ Tác giả: V.M. Svisabad
Perth, ngày 30 tháng 11 năm 2020.
Chúng tôi muốn giảng giải một giáo lý đơn giản nhưng rất hiệu quả để đánh thức và giải phóng sức mạnh tâm thức.
Trên hết, chúng ta cần phải hiểu rằng việc nhớ đến bản thân chính là chìa khoá để thức tỉnh. Việc nhớ đến bản thân mà không kết nối với tâm thức và Bản thể thì không có hiệu quả và dễ thất bại. Nền tảng của việc nhớ đến bản thân chính là các giá trị của Bản thể, đó là, đức tin, hy vọng và niềm tin.
[Dịch giả:]
– Đức tin chỉ việc nhận biết và chấp nhận sự hiện diện của Đức Cha, của Bản thể, trong chúng ta.
– Niềm tin chỉ việc tin vào sự hiện diện đó.
Gần đây, chúng tôi có gửi một bài giải thích về một bí quyết hay cách thực hành nhớ bản thân. Bí quyết này rất quan trọng. [Hôm nay], chúng tôi giảng lại một lần nữa.
- Hãy ra khỏi địa ngục ở bên trong, hãy tách khỏi tâm trí, tính cách và cái Tôi. Tuy nhiên, nếu chỉ tách rời khỏi những yếu tố tâm lý này thì chưa đủ. Chúng ta cần phải ở trong một trạng thái tâm thức cao cấp. Chúng ta có thể kích hoạt hoặc khởi đầu việc nhớ đến bản thân từ tâm trí bởi vì chúng ta thường ở đó.
Một bên là nhớ đến bản thân từ tâm trí, bên kia là nhớ đến bản thân từ chính tâm thức. Rất khó để phân biệt giữa hai cách này. Trong cách thứ nhất, tâm trí sẽ khởi xưởng việc nhớ đến bản thân và chúng ta đi theo tâm trí; trong cách thứ hai, tâm thức sẽ làm điều đó. Hay nói đúng hơn, chúng ta có một cách nhớ đến bản thân mà không có trải nghiệm về các giá trị của Bản thể, và một cách khác là có trải nghiệm về các giá trị này.
Cách tốt nhất là kết hợp việc nhớ đến bản thân với trải nghiệm trực tiếp về các giá trị của Bản thể. Trên thực tế, nhớ đến bản thân là trực tiếp trải nghiệm những giá trị như lòng tin, đức tin và tình yêu với Bản thể. Nói cách khác, nhớ đến Bản thể là khi chúng ta đồng thời cảm nhận được lòng tin, đức tin, v.v., với Bản thể. Việc tin và yêu Bản thể chính là một hành động nhớ về bản thân.
Nhớ bản thân là cảm nhận Bản thể, cảm nhận và thể hiện niềm tin vào Bản thể. - Nó là cảm giác khi Phật tính thực sự hoà nhập với Bản thể; sự liên kết của Phật tính/tâm thức với Bản thể, thực sự truyền sức mạnh cho Phật tính/tâm thức, làm cho việc thay đổi hoàn cảnh và tạo ra hoàn cảnh mới trở nên khả thi.
- Khi Bản thể và Phật tính kết nối với nhau, chúng ta có thể hành động với một tâm thức tỉnh thức. Sự kết nối này mang lại sức mạnh cho tâm thức để có thể hành động trong những hoàn cảnh khó khăn và thậm chí để thay đổi chúng.
Hãy nhớ rằng đức tin chính là việc nhận biết và chấp nhận sự hiện diện của Đức Cha, của Bản thể, trong chúng ta. Niềm tin chính là tin vào sự hiện diện đó.

Niềm tin là chấp nhận ý chí của Bản thể; là sự hợp nhất giữa ý chí cá nhân và ý chí Bản thể. Việc nhớ đến bản thân có thể được nhìn nhận, hiểu và trải nghiệm từ hai khía cạnh khác nhau:
- Từ khía cạnh của Bản thể và những phần độc lập, tự chủ của Bản thể (theo cơ chế này, chúng ta chỉ là một trong rất nhiều phần của Bản thể);
- Từ khía cạnh của sự hợp nhất các phần khác nhau của Bản thể như một thực thể duy nhất.
Ở khía cạnh thứ nhất, chúng ta nhận thức hay có ý tưởng rằng bản thân mình là một phần của tập hợp các phần thần thánh, tự chủ và độc lập này. Chúng ta có một danh tính riêng; chúng ta là một phần riêng biệt trong những yếu tố cấu thành nên Bản thể. Chúng ta có thể nói rằng Bản thể hay chúng ta, dưới dạng con người hoặc Phật tính đang hoạt động.
Ở khía cạnh thứ hai, chúng ta nhận thức hay có ý tưởng sâu sắc hơn về sự thống nhất và hợp nhất. Với quan điểm này, chúng ta nhìn nhận mọi hoạt động như là một tổng thể bao hàm toàn bộ cấu trúc của Bản thể.
Cách tiếp cận khách quan là nhìn nhận từ cả hai khía cạnh đối với mỗi tình huống cụ thể. Đôi khi chúng ta có thể nói rằng Bản thể đã làm mọi việc, đôi khi chúng ta nói mình đã làm hết. Và trong một số trường hợp, chúng ta có thể nói rằng cả hai bên đã cùng làm việc. Cách nhìn nhận tốt nhất và khách quan nhất là khi chúng ta hiểu rằng cả hai bên đã cùng làm việc.
Nhận biết và chấp nhận rằng danh tính thực của chúng ta chính là tinh chất của Bản thể sẽ rất có ích trong việc này.
Nhớ đến bản thân và danh tính đích thực
Chúng ta có thể thực hành nhớ đến bản thân từ danh tính cá nhân — Tôi làm; tuy nhiên, cái Tôi là danh tính giả, Tôi là tính cách, là tâm trí, là ký ức, v.v. Thực hành nhớ đến bản thân từ khía cạnh này không có hiệu quả, không đầy đủ và sẽ thất bại. Nhớ đến bản thân phải được thực hành từ danh tính đích thực của chúng ta. Thực hành trong sự nhận biết, chấp nhận và thấu hiểu rằng danh tính thực sự của chúng ta chính là tinh chất của Bản thể, sẽ hoàn toàn khác.
Nhớ đến bản thân không chỉ là một thái độ mà còn hơn thế nữa, đây là một trạng thái hoàn chỉnh, hợp nhất và toàn vẹn của tâm thức. Thực hành nhớ đến bản thân mà không thay đổi cảm giác của chúng ta về bản thân là một cách thực hành sai lầm. Sai là bởi vì chúng ta ra khỏi hang động của tiềm thức để làm một việc gì đó, rồi lại trở về đó mà không thay đổi bất cứ điều gì. Sai bởi lẽ chúng ta chỉ rời khỏi trạng thái bị thôi miên và tình trạng hiện tại trong một chốc lát, trong vài giây vài phút mà thôi.
Nhớ đến bản thân là đỉnh cao, chứ không phải điểm bắt đầu, của một trạng thái tâm thức, ở đó chúng ta nhận ra, chấp nhận và trải nghiệm danh tính đích thực của mình, một trạng thái tâm thức mà ở đó chúng ta chính là Phật tính, chúng ta suy nghĩ, cảm nhận, hành động, nói năng, và có ý chí như Phật tính.
Khi thực sự ở trong trạng thái nhớ đến bản thân, chúng ta là một con người khác, chúng ta có những giá trị khác, chúng ta thực sự thay đổi. Chẳng có nghĩa gì khi chúng ta ở trong trạng thái nhớ đến bản thân và rồi khi ra khỏi trạng thái này, chúng ta lại trở về với những yếu tố đã điều kiện hoá mình như tính cách, tâm trí và cái Tôi. Và chúng ta lại cảm nhận, suy nghĩ và hành động giống như trước khi tập tạm nhớ bản thân.
Việc nhớ đến bản thân phải vượt ra khỏi thời gian, không gian, sự tương đối và tính nhị nguyên để được chính xác, tuyệt đối và toàn vẹn. Chúng ta phải chấm dứt một lần và mãi mãi quan điểm không đúng đắn về việc chuyển đổi giữa trạng thái cái Tôi “bình thường” và Phật tính.
Trạng thái nhớ đến bản thân đích thực là trạng thái toàn vẹn, hoà hợp và thống nhất. Chúng ta hoặc là Phật tính, hoặc là không. Chúng ta đều biết rằng việc nhớ đến bản thân trong mọi lúc là khó như thế nào. Chính vì thế mà tôi khuyên mọi người nên chia sự kiện thành các ngăn nhỏ, như đã nói trước đây.
[Dịch giả:] Thay thế cho việc quyết tâm giữ trạng thái nhớ đến bản thân từ sáng đến chiều chúng ta đưa ra mục tiêu quyết tâm giữ trạng thái này trong một khoảng thời gian ngắn hơn. Ví dụ như khi bước vào phòng tắm, chúng ta quyết tâm nhớ bản thân cho đến khi tắm xong. Hoặc là khi lái xe đi làm, chúng ta quyết tâm nhớ bản thân cho đến khi tới cơ quan làm việc. Chúng ta chia một ngày thành các ngăn nhỏ và quyết tâm giữ trạng thái nhớ bản thân trong từng ngăn.
Khía cạnh quan trọng nhất của việc này là không bao giờ đánh mất danh tính thực sự của mình. Cho dù có gì xảy ra đi chăng nữa, chúng ta là một Phật tính. Chúng ta phải luôn cố gắng là Phật tính ở trong mọi hoàn cảnh. Nhớ đến bản thân từ trạng thái và nền tảng của Phật tính sẽ dễ hơn nhiều so với nhớ bản thân từ tâm trí.
Nhớ bản thân thực sự là luôn giữ danh tính đích thực của mình ở trong tim. Rồi như một hệ quả tự nhiên của việc ở trong Phật tính, chúng ta nhớ đến Bản thể của mình.
Vì vậy, về mặt thực tế, chúng ta không bao giờ đánh mất trạng thái nhớ đến bản thân bởi đó là một đặc tính tự nhiên của tâm lý. Nó là bản chất thực sự của chúng ta.
Nhớ đến bản thân là gì?
- Nhớ đến bản thân không chỉ đơn giản là nhớ đến Bản thể như cách chúng ta nhớ đến một ai đó. Mà đó còn là giữ trong ý thức bản chất đích thực của mình, chúng ta là ai, là cái gì.
- Khi chúng ta không quên danh tính thật của mình, thì việc nhớ Bản thể sẽ dễ dàng hơn nhiều. Nó trở thành một việc tự nhiên.
- Nhớ đến bản thân chỉ đơn giản là đặt các giá trị của Bản thể trong các trung tâm của bộ máy con người. Về cơ bản, đó là lòng tin, một giá trị nền tảng của việc này.
- Đó là quay vào bên trong, để nhìn cuộc sống từ bên trong, từ góc nhìn của việc rèn luyện và của Bản thể.
- Đó là loại bỏ tính cách, tâm trí và cái Tôi cùng với các chức năng và đặc tính của chúng.
- Có ý thức về các cảm xúc. [Cảm xúc ở đây] không phải là việc tôi cảm thấy gì và cảm thấy thế nào. Cảm xúc của tâm thức rất khác.
- Đó là một trạng thái của tâm thức, không phải là một trạng thái của tâm trí. Do đó, nếu cảm nhận theo cách thông thường, theo thói quen thì khả năng cao là chúng ta vẫn đang ở trong tiềm thức.
Rõ ràng là tâm trí sẽ không thể kích hoạt được sức mạnh của tâm thức hay nhận được những thông điệp từ Bản thể. Chỉ có tâm thức/tinh chất tỉnh thức mới có thể làm được việc này.
Cách để phân biệt xem chúng ta đang ở trong tâm trí hay đang nhớ đến bản thân rất đơn giản. Chỉ cần để ý đến bản thân xem chúng ta có đang giống như trước đây không, chúng ta có vẫn đang là con người trước đây không, chúng ta có đang biết mình là ai không.
Cảm giác nhớ đến bản thân rất khác, nó có hương vị khác. Nhớ đến bản thân thực sự sẽ gợi lên một trạng thái nội tâm khác, một trạng thái mà ở đó tất cả các cơ chế tâm lý bình thường của chúng ta đều biến mất trong giây lát.
Dòng chảy của sự sống và việc nhớ đến bản thân
Thực sự thì một trong vô số biểu hiện của dòng chảy sự sống chính là năng lượng tình dục. Năng lượng tình dục là nguồn gốc của sự sống trong tạo hoá, thiên nhiên và của sự sống trong toàn thể vũ trụ. Chúng ta cần phải phá bỏ và làm tan rã những khái niệm và quan điểm thiển cận của mình về năng lượng tình dục. Mọi người đều cho rằng năng lượng tình dục chỉ là tình dục, và không có gì hơn. Hầu hết mọi người theo Gnosis đều nghĩ như vậy.
Năng lượng tình dục không chỉ tạo ra cơ thể của chúng ta; có nghĩa là năng lượng này không chỉ tạo ra cơ thể vật chất, là nơi hiện thân của Bản thể, mà còn tạo ra các cơ quan, tất cả điểm thụ nhận cho các trung tâm và các giác quan, v.v. Năng lượng tình dục còn tạo ra các cơ thể nội tại; lớp vàng bao phủ các cơ thể nội tại nằm ở trong năng lượng tình dục, từ đó tạo nên hòn đá triết học.
Tạo ra các cơ thể nội tại là bước đầu tiên để hợp nhất hoàn toàn với Bản thể và khôi phục dòng chảy của cuộc sống, để nó có thể tự do chuyển động trong chúng ta. Với các cơ thể nội tại, Bản thể có thể hiện diện và di chuyển trong mọi chiểu không gian của tự nhiên.
Dòng chảy của sự sống, dòng chảy của sự chú tâm, năng lượng tình dục và ý thức là những khía cạnh khác nhau của cùng một lực, một loại năng lượng. Một trong những biểu hiện cơ bản của dòng chảy sự sống là ngọn lửa thiêng liêng. Tâm thức là ngọn lửa thiêng liêng. Trên thực tế, khi cơ thể vật chất chết đi, Phật tính của chúng ta rời khỏi cơ thể và cơ thể sẽ lạnh; bởi ngọn lửa của sự sống đã rời khỏi cơ thể.
Nhớ đến bản thân cho phép chúng ta kết nối với những phần cao cấp của Bản thể. Để làm việc với Bản thể, cần có ba bước sau: kết nối, giao tiếp và hiệp thông. Nhớ đến bản thân là một yếu tố quyết định trong quá trình này. Nhớ bản thân cho phép chúng ta kết nối, giao tiếp và hiệp thông với Bản thể. Đó là lý do tại sao nhớ đến bản thân lại là một thực hành rất hữu ích cho sự tỉnh thức của chúng ta.
Tâm thức, dòng chảy của sự chú tâm và của sự sống.
Dòng chảy của sự sống và dòng chảy của sự chú tâm về cơ bản là giống nhau. Ý thức của chúng ta ở đâu thì sự sống của ta ở đó. Sự chú tâm của chúng ta ở đâu thì ý thức của ta ở đó. Do đó, chúng ta đặt sự chú tâm ở đâu thì ở đó chính là sự sống và ý thức của mình.
Chúng ta cần phải phân biệt giữa tâm trí và phật tính thức tỉnh. Khi nào thì tâm trí đang suy nghĩ, và khi nào thì tâm thức đang suy nghĩ? Việc của tâm trí là suy nghĩ. Rất dễ dàng để nhận ra khi tâm trí đang suy nghĩ vì nó tuân theo các khuôn mẫu tiêu chuẩn của lý trí. Phật tính mang một hương vị khác.
Tuy nhiên, dòng chảy của sự chú tâm bắt nguồn từ Phật tính. Dòng chảy của sự chú tâm là khía cạnh nền tảng của Phật tính/tâm thức. Chúng ta tập trung ý thức vào cái gì thì cái đó được đưa ra ánh sáng. Sau đó, khi chúng ta suy nghĩ – hay tin rằng chúng ta đang suy nghĩ – thì thực chất là sự chú tâm của Phật tính/Tâm thức được tập trung vào yếu tố đang suy nghĩ.
Chính Phật tính/tâm thức sẽ phát hiện ra rằng tâm trí đang suy nghĩ; Cũng chính Phật tính tự do này sẽ bị mắc kẹt, hay đúng hơn là bị thôi miên, bởi Phật tính đã bị điều kiện hoá và sau đó Phật tính [đã bị điều kiện hoá] này (cái Tôi) sẽ kiểm soát trung tâm lý trí và theo đó điều khiển tâm trí và cơ thể.
Nhiều điều xảy ra trong tiềm thức mà chúng ta không nhận ra; tuy nhiên, nếu Phật tính tập trung sự chú tâm của mình vào đó, những việc này sẽ được soi sáng. Nó được đưa ra ánh sáng, và sau đó chúng ta có thể nhìn nhận nó. Chúng sẽ có ý thức về nó.
Điều này cho thấy rằng cơ quan chức năng của đời sống tâm lý chính là Phật tính/tâm thức. Tâm trí sẽ không làm được gì nếu không có tâm thức. Cuộc sống thật sự của chúng ta là đời sống tâm lý. Đời sống sinh lý không thể làm được gì với một thân thể không có Phật tính.
Thực hành nhớ đến bản thân
Nhớ đến bản thân không giống như các thực hành khác. Thầy Samael khuyên chúng ta nên thả lỏng cơ thể. Bài tập này rất đơn giản.
Chúng tôi đề xuất quy trình tập như sau.
- Thả lỏng cơ thể.
- Tách biệt hoàn toàn khỏi tiềm thức. Hãy gạt danh tính giả của mình sang một bên. Tách rời khỏi mọi tiến trình tâm lý, ký ức, các ý tưởng, khái niệm của chúng ta, v.v.
- Tập trung vào danh tính đích thực của mình, tập trung vào Phật tính. Đây là yếu tố căn bản của thực hành này. Chúng ta chính là Phật tính và chúng ta nhớ bản chất đích thực của mình từ góc nhìn của Phật tính.
- Đồng nhất danh tính với tâm trí khác với đồng nhất danh tính với Phật tính. Nhớ đến bản thân là chủ động chết đi [cái Tôi]; Hiện diện trong Phật tính có nghĩa là để Bản thể nội tại đích thực của chúng ta nắm giữ quyền điều khiển.
- Khi đã kết nối với Bản thể, chúng ta có thể hành động. Chúng ta có thể hỏi xin những gì mình cần. Đây là thời điểm quan trọng nhất trong quá trình thực hành. Khi đó sức mạnh kỳ diệu của tâm thức có thể được giải phóng.
- Nhớ đến bản thân không nên chỉ là một thực hành rời rạc lẻ tẻ mà nó nên trở thành một trạng thái tâm thức thường trực.
Sau khi thực hành xong bài tập đặc biệt nàỵ, chúng ta sẽ đi vào một trạng thái tỉnh táo thường trực. Trạng thái này phân tách chúng ta khỏi tiềm thức một cách vĩnh viễn. Việc luôn tách biệt khỏi tiềm thức này sẽ làm cho tiềm thức yếu dần đi một cách đáng kể và sẽ củng cố thêm cho Phật tính và tâm thức.
Hiện diện trong trạng thái này sẽ cho phép Phật tính trở thành trọng tâm của tinh thần chúng ta. Một Phật tính mạnh mẽ sẽ dễ dàng duy trì trạng thái nhớ đến bản thân trong một khoảng thời gian dài. Khôn khéo nhất là việc kết hợp tập nhớ đến bản thân với sự hiện diện trong trạng thái tỉnh táo nhất có thể.
Một khía cạnh quan trọng của cách thực hành tỉnh thức này là chúng ta không tin vào danh tính giả của mình và những giá trị của nó. Nếu trong một giây phút, chúng ta bị đồng nhất với cái Tôi, với tâm trí hoặc tính cách thì chúng ta hãy nhanh chóng quay lại thực hành nhớ đến bản thân.
Việc quay lại thực hành nhớ đến bản thân chưa phải là tất cả. Nếu chúng ta đã đồng hoá bản thân mình với giá trị [sai lầm] thì mình sẽ phải từ bỏ những giá trị đó. Nhất định phải từ bỏ chúng. Chúng ta phải từ bỏ những giá trị này. Khi từ bỏ những giá trị này, chúng ta củng cố thêm lòng kiên định nội tại để loại bỏ những giá trị giả này.
V.M. Svisabad