Câu chuyện dưới đây được trích từ sách The Practice of Zen của C. C. Chang, năm 1959. Truyện được dịch từ bản tiếng Anh vì chúng tôi chưa tìm được bản gốc. Trong bản tiếng Anh, tên của các vị thiền sư được phiên âm bằng hệ Wade-giles cổ. Trong bài này, các tên được dùng theo bản dịch tiếng Anh.
Lần đầu gặp Thiền sư Tou Weng, thầy dạy tôi tập với [công án], “Chẳng phải tâm, chẳng phải Phật cũng chẳng phải pháp”. [1] Một thời gian sau, tôi cùng với Yun Feng, Yueh Shan mà một số người khác, đã thề giúp nhau nỗ lực đạt tới đại ngộ. Một thời gian sau nữa, tôi đi gặp Huai Shi, người đã dạy tôi tập với thần chú “Vô” (无). Rồi tôi đi gặp thầy Chang Lu và tập luyện cùng với bạn đồng hành.
[1] Đây là tắc 27 trong sách Vô Môn Quan.
Khi gặp thầy Chin thành Huai Shang, ông hỏi: “Con tập sáu bảy năm rồi. Bây giờ con đã hiểu được gì?”
Tôi trả lời rằng, “Ngày nào con cũng cảm thấy tâm trống rỗng”.
Khi thấy tôi không có hiểu biết thực sự, thầy hỏi, “hiểu biết của con từ đâu ra?”
Vì chưa tự tin về hiểu biết của mình nên tôi không dám trả lời. Rồi, thầy nói, “Con có khả năng rèn luyện trong lúc ngồi im, nhưng con mất tập trung khi đang hoạt động”.
Tôi quả thật bị đánh động vì thầy đã chạm đến điểm yếu của mình. Tôi hỏi, “Làm sao để hiểu rõ vấn đề này?”
Thầy đáp: “Con chưa nghe câu nói của Chung Lao Tze sao?”
Để hiểu điều này,
Hướng về phương nam để thấy Đại Hùng
Nói xong, thầy lập tức rời đi.
Sau cuộc nói chuyện, tôi đã trở nên không còn ý thức về việc đi khi đang đi hay ngồi khi đang ngồi. Trong một tuần, tôi bỏ việc rèn luyện với thần chú “Vô” và tập trung vào việc tìm hiểu ý nghĩa kỳ lạ của câu “hướng về phương nam để thấy Đại Hùng”.
Một hôm, khi đến giảng đường và ngồi cùng một nhóm nhà sư, tôi cứ chìm trong nghi tình (疑情) mà không tháo gỡ được. Giờ ăn tối đến và đi. Bỗng nhiên, tâm tôi trở nên sáng suốt, trống rỗng, nhẹ nhàng và trong suốt. Suy nghĩ thông thường vỡ vụn giống như bị lột da, như thể tôi đã hoà nhập với tính không. Tôi không nhìn thấy ai hay bất cứ cái gì trước mắt.
Khoảng nửa tiếng sau khi tỉnh dậy, tôi thấy cơ thể mình toát mồ hôi. Tôi hiểu ngay ý nghĩa của câu “hướng về phương nam để thấy Đại Hùng”. Tôi đi gặp thầy Chin. Tôi trả lời được tất cả câu hỏi của thầy một cách dễ dàng và không hề bị vướng mắc. Bên cạnh đó, tôi có khả năng làm thơ một cách tự nhiên mà không cần phải nỗ lực. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa đạt tới trạng thái “một cú nhảy vọt”.
Một thời gian sau, tôi lên núi tới nhà Hsiang Yên ở vào mùa hè. Ở đó, tôi bị muỗi đốt thật kinh khủng. Tôi phải liên tục vẫy tay để đuổi muỗi. Tôi nghĩ, “nếu các bậc cổ nhân đã hy sinh cơ thể cho Pháp, tại sao tôi lại phải sợ muỗi?”
Với ý này, tôi cố gắng thả lỏng và chịu đựng bọn muỗi. Tôi siết chặt tay, nghiến răng và tập trung hoàn toàn vào thần chú “Vô”, chịu đựng những con muỗi đốt liên tục với lòng kiên nhẫn tột độ. Không lâu sau, tôi cảm thấy cả thân và tâm mình chìm xuống nhẹ như một ngôi nhà với bốn bức tường đã đổ. Trạng thái đó giống tính không. Không thể gắn cho nó bất kỳ thuộc tính nào. Tôi đã ngồi từ sáng sớm và không đứng dậy cho đến tận chiều. Lúc đó, tôi biết chắc rằng Phật giáo không bao giờ dẫn chúng ta đi sai lạc hay bỏ rơi ta.
Dù hiểu biết của tôi lúc đó đã khá rõ ràng, nhưng nó vẫn chưa hoàn toàn chín muồi. Tôi vẫn còn một số suy nghĩ sai lầm nhỏ nhặt, tinh tế, ẩn khuất [trong tâm trí], khó nhận biết và vẫn chưa được tan rã.
Tôi lên núi Kwung Chou, ngồi thiền sáu năm, rồi sáu năm nữa trên núi Lu Han và ba năm nữa ở Kuang Chou. Lúc đó tôi mới được giải thoát.