Tiền bạc và ba loại Tâm

✏Tác giả: Samael Aun Weor, 📖 Chuyển Hóa Ấn Tượng Tâm lý

Tiêu đề của bản gốc: El Pensar Psicológico y la Mente Interior (bài giảng)

Các bạn đến đây để lắng nghe thầy, và thầy ở đây để nói chuyện với các bạn. Tuy nhiên, điều cần thiết là giữa thầy và các bạn phải có sự giao tiếp với nhau trong tâm linh. Chúng ta cần có mong muốn tìm hiểu chính mình, tìm kiếm, học hỏi, cố gắng biết, lắng nghe với mục tiêu rõ ràng là để xác định được phương hướng trên con đường khai ngộ Bản thể bên trong.

Biết cách lắng nghe rất khó, biết cách nói thì dễ hơn nhiều. Thực tế là khi bạn lắng nghe, bạn cần phải cởi mở với cái mới, với một tâm trí không bị gò bó, không có định kiến hay thành kiến gì, v.v. Thế nhưng cái tôi, “bản thân mình” lại không biết cách lắng nghe. Nó diễn dịch lại theo những định kiến của nó, nó diễn dịch mọi thứ theo những gì nó đã lưu trữ trong trung tâm định hình.

Trung tâm định hình là gì? Đó là trí nhớ. Vì sao nó được gọi là “trung tâm định hình”? Bởi vì các khái niệm lý trí được hình thành ở đó. Hiểu được điều này thì chúng ta sẽ thấy được sự cấp thiết của việc học cách lắng nghe với một tâm trí mới mẻ và không lặp lại những gì đã được lưu trong trí nhớ.

Sau phần giới thiệu này, chúng ta – các bạn và thầy – sẽ cố gắng thống nhất các khái niệm, ý tưởng, v.v. Trước hết, điều cấp bách là ta phải biết liệu chỉ riêng lý trí thôi có đủ để dẫn chúng ta đến được trải nghiệm về sự thật hay không.

Ba loại tâm

Trước hết, một điều cần biết là trong chúng ta có ba loại tâm. Chúng ta có thể gọi cái đầu tiên là tâm giác quan. Cái thứ hai được coi là tâm trung gian. Và thứ ba là nội tâm.

Hãy suy nghĩ một chút về tâm giác quan mà chúng ta sử dụng hằng ngày. Thầy có thể nói rằng tâm này xây dựng nội dung cho các khái niệm của nó với dữ liệu được thu nhận từ năm giác quan, và với những nội dung khái niệm đó nó hình thành lý luận của mình. Khi nhìn nhận sự việc ở góc độ này, rõ ràng là lý lẽ chủ quan hay lý lẽ cảm tính đều dựa trên những gì ta cảm thụ được từ giác quan bên ngoài. Nếu chỉ có thông tin từ năm giác quan ảnh hưởng đến cơ chế hoạt động của tâm thì chắc chắn tâm đó sẽ không thể tiếp cận được những gì ở bên ngoài vòng luẩn quẩn của các cảm thụ ngoại quan, rõ ràng là vậy. Một tâm như vậy không thể biết được một chút gì về bí ẩn của sự sống và cái chết, về chân lý, về Thượng đế, v.v., bởi vì một tâm như thế có thể lấy thông tin từ đâu, nếu nguồn dinh dưỡng duy nhất của nó là dữ liệu được thu nhận từ các giác quan? Rõ ràng là nó không có những gì cần thiết để có thể biết được thực tại.

Trong lúc này, thầy lại vừa nhớ đến một điều rất thú vị. Vào thời kỳ huy hoàng của Ai Cập, đã từng có một đại hội lớn ở Babylon. Mọi người đến từ nhiều nơi khác nhau như Assyria, Ai Cập, Phoenicia, v.v. để dự đại hội. Rõ ràng là chủ đề của đại hội rất thú vị: họ muốn biết, dựa trên những cuộc thảo luận phân tích thuần túy, rằng liệu con người có linh hồn hay không. Rõ ràng là vào thời kỳ đó, năm giác quan đã bị thoái hóa quá nhiều rồi. Đó là lý do duy nhất tại sao người ta đã chọn chủ đề này làm tâm điểm cho một đại hội như vậy. Vào những thời kỳ khác thì một đại hội như vậy sẽ thật nực cười. Người Lemuria sẽ không bao giờ tổ chức một đại hội như vậy. Người dân của lục địa Mu chỉ cần thoát xác là biết mình có linh hồn luôn. Họ làm việc đó vô cùng dễ dàng. Họ không bị tụt hậu về cơ chế [của cơ thể] vật lý. Vì vậy, chỉ có loài người đang đi lùi, đang thoái hóa thì mới có thể nghĩ ra một chủ đề như vậy.

Nhiều cuộc thảo luận đã diễn ra, có người ủng hộ và có người phản đối. Cuối cùng thì một nhà hiền triết người Syria đã bước lên bục hùng biện. Người này đã tu dưỡng ở Ai Cập, do đó ông đã nghiên cứu các giáo phái bí ẩn, và với một giọng mạnh mẽ, ông nói:

Lý trí không thể biết về chân lý, về sự thật, về linh hồn hay về sự bất tử được. Loại lý trí này chỉ hữu ích khi ta dùng để chứng minh một thuyết duy linh hay một thuyết duy vật. Nó có thể dựng lên một luận điểm tâm linh với lập luận chặt chẽ, ngược lại nó cũng có thể xây dựng một luận điểm duy vật với cùng lập luận tương tự.

Như vậy, bằng cách đó và với các dữ liệu do năm giác quan cung cấp, lý trí mang tính chủ quan của các giác quan có thể suy luận theo bất kỳ triết lý. Nó có thể tạo ra các luận điểm của cả triết lý duy linh cũng như triết lý duy vật cho nên chúng ta không thể tin tưởng nó được.”

Tuy nhiên, chúng ta có một loại giác quan khác. Đó là giác quan mang tính bản năng có thể nhận thức được chân lý của vũ trụ. Đó là khả năng của Bản thể, còn riêng lý lẽ chủ quan thì không thể thực sự cho chúng ta bất kỳ thông tin gì về chân lý, về sự thật. Lý trí của giác quan không thể biết về những bí ẩn của sự sống và cái chết được“.

Ông ta đã nói như vậy và giải thích với những người kiêu căng ở đó rằng: “Các ông không thể biết bất cứ điều gì về chân lý, về tâm hồn hay tâm linh nếu chỉ dùng mỗi lý trí. Lý trí không thể biết gì về điều đó được“.

Ông ta đã hùng biện rất tài tình, rồi sau đó ông rút lui và vĩnh viễn tách mình ra khỏi chủ nghĩa kinh viện. [1] Ông muốn rời bỏ chủ nghĩa duy lý chủ quan và phát triển trong mình năng lực trực giác đó. Người ta gọi khả năng này là tri giác bản năng về chân lý càn khôn, là một năng lực mà nhân loại đã từng có, nhưng đã bị suy yếu đi khi cái tôi tâm lý, “bản thân tôi” dần dần phát triển.

[1] Chủ nghĩa kinh viện (tiếng Anh: scholasticism), còn gọi là triết học hàn lâm, là một trường phái nhấn mạnh về lý luận biện chứng để mở rộng kiến thức bằng cách suy luận và giải quyết mâu thuẫn tư tưởng. Tư tưởng kinh viện cũng được biết đến với phân tích ý niệm chặt chẽ và việc rút ra một cách cẩn thận các khác biệt. Trong trường lớp và trong văn viết, nó thường có dạng rõ ràng của một cuộc tranh luận, ở đó một chủ đề truyền thống sẽ được đề cập đến dưới dạng một câu hỏi. Sau đó, những câu trả lời đối lập sẽ được đưa ra, một đề nghị phản lại sẽ được tranh luận và các lập luận đối ngược sẽ bị bác bỏ.

Người ta nói rằng nhà hiền triết người Assyria này được giáo dục ở Ai Cập, ông đã tự tách khỏi mọi trường học để đi làm nông và chỉ hoàn toàn tin tưởng vào khả năng tuyệt vời của Bản thể mà được gọi là tri giác bản năng về chân lý càn khôn.

Tuy nhiên, chúng ta hãy tiến xa hơn một chút. Có một loại tâm khác với tâm giác quan. Thầy muốn nhấn mạnh đến tâm trung gian. Trong tâm trung gian đó chúng ta nhìn thấy mọi loại niềm tin tôn giáo. Rõ ràng là xét cho cùng thì thông tin do các tôn giáo cung cấp đều nằm trong tâm trung gian.

Cuối cùng là nội tâm. Chỉ có riêng nội tâm là hoạt động với dữ liệu được cung cấp bởi tâm thức của Bản thể. Nội tâm không thể nào hoạt động nếu thiếu đi những dữ liệu được cung cấp bởi tâm thức bên trong của Bản thể. Ba loại tâm là như thế.

Những người Pha-ri-si là ai vậy? Họ là những người đi đền thờ, nhập vào các trường phái và tôn giáo bí mật chỉ để cho mọi người nhìn. Họ có nghe, nhưng lại không làm. Họ giống như những người tự ngắm mình trong gương rồi bỏ đi. Họ chỉ làm những việc đó cho người khác nhìn vào nhưng họ không bao giờ rèn luyện bản thân, và việc này rất nghiêm trọng. Họ hài lòng với niềm tin đơn thuần và không quan tâm đến sự chuyển hóa bên trong. Vì vậy, họ đang lãng phí cuộc đời của mình một cách thảm hại và rồi thất bại.

Trong các sách Phúc âm, tâm giác quan với các lý thuyết đi kèm được gọi là men của người Sa-đu-sê. Chúa Giê-su Ki-tô cảnh báo rằng: “Hãy coi chừng men của người Sa-đu-sê[2], nghĩa là hãy coi chừng những học thuyết duy vật và vô thần ấy. Loại học thuyết này tương ứng với giáo lý của người Sa-đu-sê mà Đấng Ki-tô đã nói. Không chỉ có vậy, Chúa Toàn Thiện cũng cảnh báo về giáo lý của người Pha-ri-si. Giáo lý này của người Pha-ri-si tương ứng với tâm trung gian.

[2] Hãy cẩn thận, coi chừng men của người Pha-ri-si và Sa-đu-sê

(Ma-thi-ơ 16:6, Kinh Thánh)

Vậy nên, chúng ta hãy tránh xa “men của người Sa-đu-sê và người Pha-ri-si”, và hãy suy ngẫm về cách khai mở nội tâm của mình. Làm thế nào chúng ta có thể khai mở được nó? À, biết cách tư duy tâm lý thì nội tâm sẽ được khai mở.

Nội tâm hoạt động với dữ liệu từ tâm thức siêu việt của Bản Thể. Và rồi nhờ đó ta trải nghiệm được sự thật của các hiện tượng trong thế giới tự nhiên. Chẳng hạn, với một nội tâm rộng mở thì chúng ta có thể nói về luật nghiệp quả, không phải bằng những gì người khác nói mà là bằng trải nghiệm trực tiếp của bản thân. Cũng với một nội tâm rộng mở thì chúng ta đủ khả năng để nói về luân hồi, về quy luật trở lại vĩnh viễn của vạn vật, về quy luật luân chuyển của các linh hồn, v.v., mà nói bằng thực tế, không phải dựa trên những gì chúng ta đã đọc hay nghe được của các tác giả tâm linh học mà bằng những gì ta trải nghiệm một cách thực tế và trực tiếp. Đó là điều hiển nhiên.

Tâm lý và tiền bạc

Tại sao tiền lại trở nên quan trọng trong cuộc sống của chúng ta đến thế? Có lẽ là vì hạnh phúc tâm lý của chúng ta đã phụ thuộc hoàn toàn vào nó? Ai cũng biết rằng mọi người đều cần một mái nhà, cần cơm ăn áo mặc. Đối với loài chim trời thì điều này thật tự nhiên và đơn giản, nhưng tại sao đối với chúng ta nó lại trở nên quan trọng và mang ý nghĩa to lớn đến đáng sợ như vậy?

Tiền bạc đã chiếm một giá trị phóng đại và không cân xứng như vậy bởi tâm lý của chúng ta đã phụ thuộc vào nó để cảm thấy hạnh phúc. Tiền bạc nuôi lớn háo danh của cá nhân, mang lại cho ta danh tiếng trong xã hội, cho chúng ta phương tiện để đạt được quyền lực. Tiền bạc đang được tâm trí sử dụng vào những mục đích và mục tiêu hoàn toàn khác với mục đích tự thân của nó. Mục đích tự thân của tiền bạc là để đáp ứng nhu cầu vật chất tức thời của chúng ta.

Người ta đang sử dụng tiền cho các mục đích tâm lý. Đó là lý do tại sao tiền bạc lại chiếm một tầm quan trọng phóng đại và không cân xứng.

Chúng ta cần tiền để có một mái nhà, có cơm ăn áo mặc, hiển nhiên là như thế. Nhưng khi tiền bạc trở thành một nhu cầu tâm lý, khi chúng ta sử dụng nó vào những mục đích khác, khi chúng ta phụ thuộc vào nó để đạt được danh vọng, uy tín, vị trí xã hội, v.v., thì khi đó tiền bạc chiếm một tầm quan trọng quá mức và không cân xứng trong tâm trí. Và cuộc đấu tranh xung đột để sở hữu tiền bắt nguồn từ đây.

Chúng ta cần tiền để thỏa mãn các nhu cầu vật chất của mình, để có một mái nhà, cơm ăn và áo mặc. Điều này là hợp lý. Nhưng nếu chúng ta phụ thuộc hoàn toàn vào tiền bạc để có được hạnh phúc và sự thỏa mãn cá nhân, thì chúng ta là những sinh vật khốn khổ nhất trên Trái Đất.

Khi hiểu rằng mục tiêu duy nhất của tiền chỉ là để mang lại cho chúng ta cơm ăn, áo mặc và chỗ ở, thì ta sẽ tự động đặt ra một giới hạn thông minh cho nó. Kết quả là tiền sẽ không còn chiếm một tầm quan trọng quá mức trong mắt chúng ta như khi nó là một nhu cầu tâm lý nữa.

Chúng ta cần hiểu sâu sắc bản chất thực sự của cảm giác và sự thoả mãn. Một tâm trí muốn thấu hiểu sự thật thì phải vượt qua được hai xiềng xích đó.

Nếu chúng ta thực sự muốn giải phóng suy nghĩ ra khỏi gông xiềng của cảm giác và sự thoả mãn thì ta phải bắt đầu với những cảm giác quen thuộc nhất và đặt ra một nền tảng đúng đắn để hiểu thấu được chúng. Các cảm giác có vị trí đúng, và khi ta hiểu được chúng một cách sâu sắc ở tất cả các cấp độ của tâm thì chúng sẽ không còn mang bộ dạng méo mó ngu ngốc hiện có nữa.

Nhiều người luôn đấu tranh vì một đảng phái chính trị và nghĩ rằng nếu tất cả mọi thứ đều diễn ra theo đường lối của đảng phái đó thì chúng ta hẳn sẽ có một thế giới hạnh phúc, sung túc, hòa bình và hoàn hảo. Đó là một quan niệm sai lầm, bởi vì thực sự không có điều gì trong số những điều lý tưởng đó có thể tồn tại nếu như trước đó mỗi cá nhân chúng ta không hiểu rõ ý nghĩa thực của mọi thứ. Nội tâm của con người quá nghèo nàn, và vì thế họ cần tiền bạc và vật chất để phục vụ cho cảm giác và sự thỏa mãn cá nhân của mình.

Khi một người có nội tâm nghèo nàn thì họ sẽ tìm kiếm tiền bạc và vật chất bên ngoài để hoàn thiện bản thân và tìm kiếm sự thỏa mãn. Đó là lý do tại sao tiền bạc và vật chất lại chiếm một giá trị không tương xứng, tại sao con người lại luôn sẵn sàng ăn cắp, bóc lột và nói dối bất cứ lúc nào. Đây là nguyên nhân dẫn đến cuộc đấu tranh giữa tầng lớp tư bản và lao động, giữa chủ và thợ, giữa người bóc lột và người bị bóc lột, v.v.

Tất cả những thay đổi chính trị đều vô ích nếu chúng ta không hiểu thấu về sự nghèo nàn nội tâm của mình trước. Hệ thống kinh tế có thể được thay đổi lần này đến lần khác, hệ thống xã hội có thể được biến đổi lần này đến lần khác, nhưng nếu chúng ta không hiểu được bản chất sâu xa của sự nghèo nàn trong nội tâm mình thì mỗi người chúng ta sẽ luôn tạo ra những phương tiện và cách thức mới để đạt được sự thỏa mãn cá nhân, với cái giá là sự bình an của người khác.

Trong cuốn sách “Phê phán lý tính thực hành” và “Phê phán Lý tính thuần túy“, nhà triết học Immanuel Kant đã phân biệt rõ giữa việc phê phán lý tính chủ quan và phê phán lý tính thuần túy. Không nghi ngờ gì là lý tính chủ quan và duy lý không bao giờ có thể cho chúng ta bất cứ thứ gì nằm ngoài thế giới của năm giác quan.

Bản thân lý trí đã mang tính duy lý và chủ quan. Cứ mỗi lần nghe đến luân hồi hay nghiệp quả, các tín đồ của chủ nghĩa duy ly sẽ đòi hỏi bằng chứng và chứng minh. Chân lý chỉ có thể được lĩnh hội bằng nội tâm, và ta không thể nào đem nó ra chứng minh cho những người theo chủ nghĩa duy cảm. Đòi hỏi chứng minh chân lý trong thế giới của các giác quan bên ngoài thì giống như yêu cầu một nhà vi khuẩn học dùng kính thiên văn để nghiên cứu vi khuẩn, hay cũng như yêu cầu một nhà thiên văn học dùng kính hiển vi để nghiên cứu thiên văn vậy.

Họ đòi hỏi như thế, nhưng ta lại không thể đưa ra bằng chứng cho lý tính chủ quan được, bởi vì thứ lý tính này không hề liên quan đến những gì nằm ngoài thế giới của năm giác quan. Những chủ đề như luân hồi, nghiệp quả, thế giới sau cái chết, v.v., thực chất chỉ dành riêng cho nội tâm chứ không bao giờ dành cho tâm trí của giác quan.

Ta có thể chứng minh những điều này cho nội tâm, nhưng trước hết người đó [người yêu cầu chứng minh] cần khai mở nội tâm của mình. Nếu không thì làm sao chúng ta chứng minh cho họ được? Điều này là không thể, đúng không?

Chúng ta cần tiền để đáp ứng các nhu cầu vật chất tức thời của mình. Thật không may, nhu cầu lại biến thành sự tham lam. Cái tôi tâm lý khi nhận thức được sự trống rỗng và khốn khổ của chính nó thì thường đặt ra cho tiền và vật chất một giá trị phóng đại và phi lý mà khác hẳn với giá trị thực của chúng.

Cái tôi đã muốn trở nên giàu có ở bên ngoài như vậy đấy, vì nó nghèo nàn và khốn khổ ở bên trong. Đó là lý do cái tôi muốn thể hiện chính nó, làm người khác lóa mắt bằng vật chất và tiền bạc.

Hiện nay, mối quan hệ của chúng ta với tiền bạc đang dựa trên tham vọng. Chúng ta dùng chữ nhu cầu để biện minh cho lòng tham ấy. Lòng tham là nguyên nhân sâu xa của lòng hận thù và những sự tàn bạo trên thế giới. Những sự tàn bạo này thường khoác lên mình cái vỏ nhân danh pháp luật. Lòng tham là nguyên nhân của chiến tranh và mọi nỗi khổ đau trên thế giới này.

Nếu muốn chấm dứt lòng tham trên thế giới thì chúng ta phải hiểu rằng thế giới nằm ở bên trong chính chúng ta. Chúng ta là thế giới, lòng tham của người khác chính là lòng tham trong chính chúng ta. Lòng tham của thế giới ở bên trong từng cá nhân. Chỉ bằng cách xóa bỏ lòng tham trong chúng ta thì lòng tham trên thế giới mới được chấm dứt. Chỉ khi hiểu được tiến trình phức tạp của lòng tham trong mọi cấp độ của tâm trí thì chúng ta mới có thể trải nghiệm thực tại vĩ đại.

Đã hiểu rõ điều này rồi thì bây giờ chúng ta hãy đi sâu một chút vào chủ đề về các loại năng lực. Bản thân lý trí là một trong những năng lực thô sơ nhất trong các cấp độ của Bản thể. Nếu chỉ sử dụng lý trí của mình thì chúng ta sẽ không bao giờ lĩnh hội được những sự thật của vũ trụ. Bên ngoài lý trí còn có một loại năng lực nhận thức khác, chắc chắn là vậy. Năng lực đó chính là trí tưởng tượng, và thầy nhấn mạnh điều này. Năng lực này đã luôn bị đánh giá rất thấp, thậm chí có người còn miệt thị gọi nó là “bà điên”. Đây là một danh hiệu không công bằng, bởi vì nếu không có trí tưởng tượng thì máy ghi âm, ô tô, xe lửa, v.v. đã không tồn tại. Một nhà bác học khi muốn phát minh ra một thứ gì đó thì trước tiên ông ta phải tưởng tượng ra nó, rồi mới vẽ hình ảnh đó ra giấy. Kiến trúc sư muốn xây nhà thì trước hết phải tưởng tượng ra căn nhà đó, rồi mới có thể vẽ đồ án. Vì vậy, trí tưởng tượng là thứ cho phép chúng ta tạo ra mọi phát minh. Vì thế, trí tưởng tượng không phải là một thứ đáng bị khinh rẻ.

Có nhiều loại trí tưởng tượng. Chúng ta không thể phủ nhận điều này. Ta có thể gọi loại đầu tiên là trí tưởng tượng máy móc. Trí tưởng tượng loại này giống như mơ mộng vậy. Rõ ràng là nó được cấu thành từ các dữ kiện của trí nhớ, và thậm chí nó còn có hại. Nhưng thực tế còn có một loại tưởng tượng khác. Đây chính là trí tưởng tượng có chủ tâm, tức là trí tưởng tượng có ý thức.

Thế giới tự nhiên có trí tưởng tượng, đó là điều hiển nhiên. Nếu không nhờ vào trí tưởng tượng thì tất cả mọi sinh vật của thế giới tự nhiên hẳn sẽ bị mù. Tuy nhiên, nhờ vào năng lực mạnh mẽ đó mà tri giác tồn tại, hình ảnh được hình thành trong trung tâm nhận thức của Bản Thể, hay là trung tâm nhận thức của các giác quan. Trí tưởng tượng sáng tạo của thế giới tự nhiên là nguồn gốc của các hình thái tồn tại ở vạn vật.

Vào thời Hyperborea hay Lemuria, người ta không sử dụng lý trí mà dùng trí tưởng tượng. Vậy nên con người thời đó ngây thơ, và quang cảnh tuyệt vời của vũ trụ được phản chiếu như trên một hồ nước pha lê trong trí tưởng tượng của họ. Họ đã là một giống người khác. Ngày nay, thật đau buồn khi ta nhìn thấy biết bao nhiêu người đã thậm chí bị mất cả trí tưởng tượng của họ. Nói cách khác, năng lực này đã bị thoái hóa khủng khiếp rồi.

Chúng ta có thể phát triển được trí tưởng tượng. Việc này sẽ đưa ta vượt ra khỏi tâm trí của các giác quan, và sẽ dẫn ta đến tư duy tâm lý. Chỉ có tư duy tâm lý mới có thể mở ra những cánh cửa của nội tâm. Nếu một người phát triển trí tưởng tượng thì họ có thể học được cách tư duy tâm lý.

Trí tưởng tượng, cảm hứng và trực giác là ba con đường bắt buộc để đạt tới điểm đạo, nhưng nếu chúng ta mãi bị kìm hãm trong các chức năng giác quan của cỗ máy lý trí, thì ta không thể nào bước lên những bậc thang của trí tưởng tượng, cảm hứng, và trực giác được. Thầy không muốn nói với các bạn rằng lý trí là vô dụng. Thầy sẽ không đưa ra lời tuyên bố kinh khủng như vậy. Thầy chỉ đang giải thích các khái niệm cho rõ.

Bất kỳ năng lực nào cũng đều hữu ích khi đi đúng quỹ đạo của nó. Bất kỳ hành tinh nào cũng đều hữu ích khi ở trong quỹ đạo của nó, nhưng khi trượt ra ngoài quỹ đạo thì nó sẽ trở nên vô dụng và trở thành tai họa. Đối với các năng lực của con người cũng vậy, chúng đều có quỹ đạo riêng.

Thật ngớ ngẩn nếu ta muốn gạt lý tính duy cảm ra khỏi quỹ đạo của nó, bởi vì nó sẽ rơi vào tính hoài nghi của chủ nghĩa duy vật. Nhiều người là học trò của trường phái giả bí truyền và trường phái giả huyền học, những trường phái đang rất thịnh hành ngày nay, họ luôn vật lộn để chống lại những nghi ngờ. Tại sao nhiều người cứ loanh quanh học từ trường phái này sang trường trường phái khác và tuổi già ập đến mà vẫn chưa đạt được điều gì cả?

Từ kinh nghiệm tương tự, thầy đã quan sát được rằng những người bị mắc kẹt trong lý trí thì đều thất bại. Những người muốn dùng lý trí để chứng minh những sự thật không thuộc về lý trí thì đều thất bại. Nói một cách hình tượng, họ phạm sai lầm khi muốn nghiên cứu thiên văn học bằng kính hiển vi, và nghiên cứu vi khuẩn học bằng kính viễn vọng.

Chúng ta hãy đặt từng năng lực vào đúng vị trí của nó, trong quỹ đạo của nó. Chúng ta cần tư duy bằng tâm lý, và rõ ràng là ta cần bác bỏ thẳng thừng những học thuyết được gọi là “men” [3] của người Sa-đu-sê và người Pha-ri-si, và học cách tư duy tâm lý. Tuy nhiên, ta sẽ không thể thực hiện được điều này nếu chúng ta cứ để lý trí kìm hãm.

[3] Khi qua đến bờ bên kia, các môn đồ quên đem bánh theo. Đức Chúa Giêsu phán với họ: “Hãy thận trọng và đề phòng men của người Pha-ri-si và Sa-đu-sê.” Các môn đồ bàn luận với nhau và nói: “Tại vì chúng ta không đem theo bánh.” Biết vậy nên Đức Chúa Giêsu phán: “Hỡi những kẻ ít đức tin, sao các con lại bàn luận với nhau về việc các con không có bánh? Các con vẫn chưa hiểu sao? Các con không nhớ năm cái bánh cho năm nghìn người, và các con thu được bao nhiêu giỏ bánh thừa? Hoặc bảy cái bánh cho bốn nghìn người, và các con thu được bao nhiêu giỏ bánh thừa? Tại sao các con không biết rằng Ta không muốn nói về bánh? Hãy đề phòng men của người Pha-ri-si và Sa-đu-sê.” Khi ấy, các môn đồ mới hiểu rằng Ngài không bảo đề phòng về men làm bánh, nhưng về sự dạy dỗ của người Pha-ri-si và Sa-đu-sê.

(Ma-thi-ơ 16:5-12, Kinh Thánh)

Trong bối cảnh của Kinh Thánh Tân Ước, trường phái Sa-đu-sê của đạo Do Thái tượng trưng cho những tín đồ bị mắc kẹt trong lý trí, nghiên cứu về kinh sách nhưng không khai mở trái tim và không tin vào những khía cạnh siêu việt của đạo. Trường phái Pha-ri-si tượng trưng cho những người mộ đạo bị mắc kẹt trong việc giữ giới một cách nghiêm khắc đến nỗi họ quên mất các khía cạnh cảm xúc và tâm linh.

Các trưởng tế chất vấn Chúa Giêsu bởi James Tissot, k. 1890

Vì vậy, tốt hơn hết chúng ta hãy bắt đầu trèo lên bậc thang của trí tưởng tượng, rồi ta sẽ đến nấc thang thứ hai của cảm hứng, và cuối cùng đến nấc thang của trực giác.

Chúng ta cần tiền, đó là sự thật. Nhưng ta cần phải hiểu thấu đáo mối quan hệ đúng đắn với tiền bạc. Cả người khổ hạnh lẫn gã keo kiệt tham lam đều không bao giờ hiểu được mối quan hệ đúng đắn đó. Chúng ta hiểu không phải bằng cách từ bỏ tiền bạc, cũng không phải bằng cách thèm muốn nó. Chúng ta cần hiểu biết để nhận ra những nhu cầu vật chất của bản thân mình một cách thông minh, mà không bị lệ thuộc quá mức vào tiền bạc.

Khi hiểu được mối quan hệ đúng đắn với tiền bạc, thì chúng ta sẽ chấm dứt được nỗi đau của sự mất mát và nỗi khổ kinh hoàng do sự cạnh tranh mang lại.

Chúng ta phải học cách phân biệt giữa nhu cầu vật chất tức thời của mình và sự phụ thuộc vào vật chất về mặt tâm lý. Sự phụ thuộc về tâm lý này chính là thứ sinh ra sự bóc lột và chế độ nô lệ.

Nếu chúng ta thực sự muốn trở nên giàu có về mặt tâm linh thì chúng ta cần cấp thiết hiểu rõ bản chất bên trong của cái tôi. Người giàu có về tâm linh thì không thể bóc lột người khác và không thể nói dối. Người giàu có về tâm linh thì không bị cản trở bởi các cảm giác và sự thỏa mãn cá nhân. Người giàu có về tâm linh đã tìm thấy được hạnh phúc.

Tâm thức trực tiếp biết được hiện thực của từng hiện tượng tự nhiên, và nó có thể biểu lộ ra thông qua nội tâm. Điều này có nghĩa là chỉ khi khai mở được nội tâm thì bên trong con người mới sinh ra được niềm tin đích thực. Nhìn vấn đề này từ một góc độ khác, chúng ta sẽ nói rằng chủ nghĩa hoài nghi vật chất là đặc điểm riêng của sự vô tri. Những kẻ vô tri nổi tiếng đều đầy hoài nghi, chắc chắn một trăm phần trăm là vậy.

Thật không may là bây giờ chúng ta vẫn có xu hướng nhầm lẫn giữa niềm tin mù quáng và đức tin tâm linh. [4] Mặc dù nghe hơi nghịch lý những chúng ta sẽ vẫn phải nhấn mạnh điều sau đây rằng, “Ai có đức tin đích thực thì không cần phải tin“. [5] Đức tin tâm linh đích thực là trí tuệ sống, là nhận thức đúng đắn, là trải nghiệm trực tiếp.

[4] niềm tin mù quáng và đức tin tâm linh (tiếng Anh: belief and faith) – về sự khác biệt giữa niềm tin thuần túy (belief) và đức tin tâm linh (faith) thầy Krum-heller giải thích như sau:

Trong bối cảnh của Kinh Thánh đức tin là sức mạnh, là năng lực thần thông. Đức tin nhỏ như hạt cát là đủ để nâng cả một núi lên và ném xuống biển“. (Krum-Heller, La Iglesia Gnostica).

Câu này đề cập đến đoạn Ma-thi-ơ 17:18-20 trong Kinh Thánh:

Ðức Chúa Giêsu quát đuổi ác quỷ, ác quỷ xuất ra khỏi đứa trẻ, và đứa trẻ được lành ngay giờ đó.
Bấy giờ các môn đồ đến gặp riêng Ðức Chúa Giêsu và hỏi, “Tại sao chúng con không thể đuổi quỷ ấy ra được?”
Ngài trả lời họ, “Vì các ngươi yếu đức tin. Quả thật, Ta nói với các ngươi: Nếu các ngươi có đức tin bằng hạt cải, các ngươi có thể bảo núi nầy, ‘Hãy dời từ đây qua đó,’ thì nó sẽ dời qua, và không việc chi các ngươi chẳng làm được.
..”

Hiển nhiên rằng niềm tin mù quáng không có sức mạnh thần thông như thế. Đó là cách chúng ta có thể phân biệt giữa niềm tin mù quáng và đức tin tâm linh.

[5] Ai có đức tin đích thực thì không cần phải tin – Chúng ta nói “tôi tin rằng…” khi không chắc chắn rằng điều mình đang nói là sự thật. Nói cách khác thì câu “tôi tin rằng…” thể hiện một tâm trạng hoài nghi. Khi chúng ta đã thực chứng một sự thật rồi thì cần gì phải nói “tôi tin” nữa? Ví dụ, chúng ta có thể nói “tôi tin vào Phật giáo” nhưng không có ai nói rằng “tôi tin rằng tôi có hai chân” vì người ta biết rõ họ có bao nhiêu chân rồi thì đó gọi là “biết” chứ không phải là “tin”.

Trong nhiều thế kỷ, đức tin tâm linh đã bị nhầm lẫn với niềm tin mù quáng, và bây giờ ta phải mất rất nhiều công sức để giúp con người hiểu ra rằng đức tin tâm linh là trí tuệ đích thực và không bao giờ chỉ đơn thuần là niềm tin viển vông.


Leave a Reply