☰ Tiếng Phạn: Atman, atma, atta
☰ Tiếng Anh: The Being, The Innermost
☰ Tiếng Việt: Chân Ngã, Bản Thể, Bản Ngã, Tự Ngã, Cái Sâu Thẳm Nhất
Atman được dịch sang tiếng Việt là Chân ngã, Bản thể, Bản ngã, hoặc Tự Ngã. Atman là một khái niệm quan trọng trong đạo Bà La Môn.
Nhiều người nhầm lẫn giữa “Bản ngã” và “cái tôi”, hoặc người ta dùng từ “Bản ngã” để chỉ “tâm kiêu ngạo”. Tuy nhiên, khi tra từ điển tiếng Phạn chúng ta thấy rõ rằng từ “Bản ngã” (tiếng Phạn: Atman) không liên quan đến “cái tôi” hay là “tâm kiêu ngạo”.
Định nghĩa
Chúng ta phải phân biệt rõ ràng cái Tôi và Bản thể. Cái tôi không phải là bản thể, Bản thể cũng không phải cái “Tôi”. (The Spiritual Power of Sound – Samael Aun Weor)
“Brahman, Bản thể, Purusha, Chaitanya, Tâm Thức, Thượng Đế, Atman, Sự Bất Diệt, Tự Do, Sự Hoàn hảo, Phúc Lạc, Bhuma, hoặc Cái Vô Điều Kiện đều là các từ đồng nghĩa.” (Swami Sivananda)
“Bản thân Atman chính là Chân ngã, vượt qua khả năng hiểu của trí khôn, vượt qua thời gian và vượt qua sự vĩnh hằng, không có ngày kết thúc. Atman không chết, cũng như không tái sinh (chỉ có ego mới tái sinh), nhưng Atman tuyệt đối hoàn hảo.” (Samael Aun Weor)
“Chân ngã” chính là Atman, cái vượt qua khả năng hiểu của trí khôn. Nếu chúng ta nhầm rằng Chân ngã có những phẩm chất của một cái Tôi siêu cấp, một alter ego, một cái Tôi tiềm thức, hay một cái ego thánh thiện, v.v., thì chúng ta đang nói những lời báng bổ, vì sự Thánh Thiện, Sự Thật, không bao giờ rơi vào dị giáo pháp của việc phân chia. Siêu cấp và hạ cấp là hai phần của cùng một thứ. Tôi siêu cấp và Tôi hạ cấp là hai phần của cùng một cái tôi đa nguyên (Satan). Chân ngã là Chân ngã và mục tiêu tồn tại của Chân ngã chính là Chân ngã. Chân ngã vượt qua cả tính cách, cái Tôi, và sự tự chủ.” (Samael Aun Weor)
Tự ngã Atman là một thực thể nội tại trong mỗi cá nhân. Hơi thở là nguồn sống vật chất thì Atman là hơi thở siêu nhiên, là nguồn sống thiêng liêng. Atman là thực thể làm cho con nguời vượt lên trên vạn vật. Có thể nói Atman là thành phần của Brahman [Bà La Môn] trong con người. Brahman là cái ngã vũ trụ đại đồng, còn Atman là cái ngã cá nhân. Braman chỉ có một, Atman là số nhiều, nhưng cái nhiều ấy chỉ là giả tưởng vì bản chất cả hai chỉ là một. Cho rằng khi thân xác chết thì Tự ngã (Atman) lại trở về hợp nhất với Đại ngã (Brahman).
Tự ngã Atman không phải là lý trí, tình cảm và giác quan, nhưng Atman là nguồn cội của các sinh hoạt tinh thần ấy. Không có Atman, tất cả sinh hoạt tinh thần và thể chất đều chấm dứt. Nhưng ngay khi cả sinh hoạt tinh thần và thể chất chấm dứt thì Atman vẫn tồn tại bất diệt. Với nhiều nỗ lực, nhưng Upanishad cũng không thể nói rõ về Atman, cho nên luôn cảnh giác rằng tự ngã không thể hiểu được, tự ngã phải cần được thực hiện. Katha Upanishad nói: “Atman không thể nhận biết được bởi sức mạnh của trí óc, cũng không thể nhận biết được bởi giác quan”. (Thích Lệ Thọ – Thư Viện Hoa Sen)
Trước hết, chúng ta không nên đồng nhất bản thân mình với tâm trí nếu thực sự muốn tận dụng tối đa Viên ngọc thứ hai, bởi vì nếu chúng ta cảm thấy mình là tâm trí, nếu ta nói: “Tôi đang lý luận! Tôi đang suy nghĩ!”, thì chúng ta đang khẳng định một điều vô lý và đang nói trái ngược với Giáo lý Hoàng Long, bởi vì Bản thể không cần suy nghĩ, bởi vì Bản thể không cần lý luận. Chỉ có tâm trí mới lý luận. Bản thể là Bản thể và lý do tồn tại của Bản thể chính là Bản thể. Bản thể đã, đang và sẽ luôn tồn tại. Bản thể là sự sống đang rung động trong mỗi nguyên tử cũng như trong mỗi Mặt trời. Cái đang suy nghĩ không phải là Bản thể, cái đang lý luận không phải là Bản thể. Chúng ta chưa hiện thân được toàn bộ Bản thể, nhưng chúng ta có một phần của Bản thể được hiện thân bên trong, đó là Tinh chất hay Phật tính, là phần linh hồn tồn tại trong ta, phần tinh thần, chất liệu tâm lý. Tâm trí cần phải vâng phục phần Tinh chất sống động này. (Samael Aun Weor – Biện chứng Tâm thức)
Tính chất của Atman
“Phúc lạc là bản chất căn bản của con người. Cốt lõi của sự tồn tại là sự thánh thiện vốn có của chúng ta. Bản chất của con người là thánh thiện, nhưng chúng đã đánh mất nhận thức đó bởi chiếc màn vô minh và các xu hướng thú tính của mình. Con người, trong sự vô minh của chính mình, đồng nhất mình với cơ thể, tâm trí, Prana, và các giác quan. Khi vượt qua các yếu tố này, chúng ta được hợp nhất với Brahman hay còn gọi là sự Tuyệt Đối, là phúc lạc tinh khiết. Brahman hay còn gọi là sự Tuyệt Đối là sự thật đầy đủ nhất, là Tâm thức hoàn hảo nhất. Chân ngã sâu thẳm của mọi thứ, cái mà cao hơn tất cả, chính là Atman hay là Brahman.
Atman là tâm thức chung của tất cả chúng sinh. Kẻ trộm, gái điếm, người nhặt rác, ông vua, kẻ đào ngũ, thánh nhân, chó, mèo, chuột – tất cả đều chia sẻ một Atman chung. Chỉ có sự khác nhau về mặt hình thức, hư cấu ở cơ thể và tâm trí mà thôi. Cũng có sự khác nhau ở màu sắc và ý kiến. Tuy nhiên, Atman của tất cả đều như nhau. Nếu bạn rất giàu có, bạn có thể sở hữu một chiếc tàu thủy, một chiếc tàu hỏa, hoặc một tàu bay của riêng bạn để phục vụ lợi ích vị kỷ của riêng bạn. Nhưng bạn không thể sở hữu được một Atman của riêng bạn. Atman là tài sản chung của tất cả. Nó không phải là tài sản được đăng ký quyền sở hữu của riêng một cá nhân nào.
Atman là cái ở giữa nhiều thể dạng. Nó là thường hằng giữa các hình thức đến rồi đi. Nó là sự tinh khiết, sự tuyệt đối, là Tâm Thức căn bản của tất cả chúng sinh. Nguồn gốc của mọi sự sống, nguồn gốc của mọi trí tuệ là Atman, là bản ngã sâu thẳm nhất. Atman hay còn gọi là “Linh hồn tối cao” là siêu việt, không thể diễn tả, không thể giải thích, không thể tưởng tượng, không thể mô tả, là sự bình yên vĩnh cửu, là phúc lạc hoàn hảo. Không có sự khác biệt giữa Atman và phúc lạc. Atman chính là phúc lạc. Đức Chúa, sự hoàn hảo, sự bình yên, sự bất diệt và phúc lạc là một.
Mục tiêu của cuộc sống chính là đạt được sự hoàn hảo, sự bất diệt hay còn gọi là Đức Chúa. Khi một người càng đến gần với Sự Thật thì người đó càng thấy hạnh phúc. Bởi bản chất của Sự Thật là phúc lạc, tích cực và tuyệt đối. Không có phúc lạc trong sự hữu hạn. Phúc lạc chỉ tồn tại trong sự vô hạn. Phúc lạc vĩnh cửu chỉ có thể có được từ Chân ngã vĩnh cửu. Ai biết được Chân ngã sẽ được hưởng thụ phúc lạc vĩnh cửu và bình an bất diệt. Ai giác ngộ Chân ngã sẽ trường tồn, có trí tuệ tuyệt đối, và phúc lạc lưu niên. Không ai có thể được cứu sống nếu không đạt được sự giác ngộ Chân ngã.
Trên hành trình đi tìm sự Tuyệt Đối, chúng ta phải sẵn lòng hy sinh thậm chí cả những thứ yêu quí nhất, thâm chí cả cuộc sống hoặc chịu tất cả các loại khổ đau. Dù bạn có đọc bao nhiêu sách triết học đi chăng nữa, dù bạn có đi giảng pháp khắp nơi trên thế giới hay ở trong một hang núi Himalaya suốt một trăm năm, dù bạn có tập Pranayama suốt năm mươi năm, bạn vẫn không thể đạt sự giải thoát nếu không ngộ ra sự thống nhất của Bản Thể.” (Swami Sivananda)
Atman dưới góc nhìn của Đạo Phật
Trong quá trình tu tập đạo Bà La Môn, một môn đệ phải thấy được bản ngã (Atman) thật. Chú ý rằng Atman không phải là chân lý cao nhất trong đạo Bà La Môn; chân lý cao nhất là Brahman (Bà La Môn), bằng nghĩa với Tính Không (tiếng phạn: Sunyata) của Phật giáo. Tuy nhiên, khi thấy được Atman, môn đệ đạo Bà La Môn sẽ nhận ra rằng bản chất của Atman chính là Brahman.
Một đặc điểm của Phật Giáo là chân lý Vô Ngã (tiếng phạn: Anatman). Wikipedia mô tả chân lý vô ngã như sau:
Chân lý Vô ngã là pháp ấn chỉ có trong Phật giáo, cho rằng, không có một Ngã (sa. ātman, pi. attā), một cái gì trường tồn, bất biến, cốt tủy, vững chắc, tồn tại nằm trong sự vật mà không phụ thuộc vào cái khác. Nghĩa là sự vật có mặt là do duyên sinh (tùy thuộc điều kiện) khởi phát, chứ sự vật không có quyền gì với sự sinh ra và sự hoại diệt của chính nó. Như thế, theo đạo Phật, cái ngã, cái “tôi” là không có mà chỉ là một tập hợp của Ngũ uẩn (sa. pañcaskandha), luôn luôn thay đổi, sinh diệt.
(Wikipedia – Vô ngã)
Đạo Phật và Đạo Bà Là Môn đều hiểu rằng tâm của người bình thường phần lớn đều ở trạng thái mê muội, không nhìn thấy được sự thật, và không nhận ra được rằng nguồn gốc của mọi vấn đề xuất phát từ ảo giác trong tâm. Cả hai tôn giáo đều đưa ra nhiều phương pháp tập vượt qua những ảo giác này để tới Brahman, để tới Tính Không.
Theo triết lý Đạo Bà La Môn thì cái “Tôi” cá nhân là ảo tưởng. Bản ngã Atman mới là thật, và bản ngã đó là tài sản chung của tất cả chúng sinh, và bản chất của nó là một với Brahman, với Tính Không.
Khi hiểu như thế, chúng ta thấy rằng Đạo Bà La Môn không phủ định giáo pháp vô ngã của Phật giáo khi khảng định sự tồn tại của bản ngã (Atman).
Lama Zopa Rinphoche giải thích về giáo pháp vô ngã như sau:
…tất cả mọi việc mà tâm vô minh của ta chú trọng đến như Tôi, thân, tâm, tha nhân, lục trần, chúng hiện hữu, nhưng không hiện hữu theo cách vô minh lầm tưởng. Đó chính là ảo tưởng.
[…]
Cách sự vật tồn tại thì vô cùng vi tế, hầu như chúng không hề tồn tại vậy. Bạn không thể nói rằng chúng hoàn toàn không hiện hữu, nhưng bạn rất dễ nói rằng chúng không tồn tại để đi đến chủ thuyết hư vô. Đây là một điểm rất vi tế. Bạn có thể thấy vì sao quá nhiều người gặp khó khăn để thấu hiểu quan điểm của Prasangika-Madhyamika (Trung Quán Cụ Duyên) về tính duyên khởi vi tế.
Chúng ta vô cùng bối rối. Vấn đề của chúng ta là nếu ta chấp nhận một cái gì đó hiện hữu, ta có khuynh hướng nghĩ rằng nó tự hiện hữu từ chính phía nó. Ta không dễ hiểuđược rằng cái gì đó vẫn có thể tồn tại trong khi nó chẳng hề tự hiện hữu từ phía nó – đó là không thật sự hiện hữu trên bản chất. Ta rất khó chấp nhận hai quan điểm này trên nền tảng của cùng một sự vật.
Do hai quan điểm này rất khó hợp nhất với nhau, nhiều người đã lọt vào quan điểm quá khích và nói rằng sự vật không hề tồn tại. Họ không thể đi vào con đường Trung Quán. Họ khẳng định rằng nếu một sự vật không tự hiện hữu từ phía của nó thì nó không thể nào tồn tại được. Rồi những người này đi đến một kết luận triết lý là chẳng có gì hiện hữu cả, rằng những gì có vẻ như hiện hữu chỉ là ảo giác mà thôi.
Quan điểm đúng đắn thật vô cùng vi tế. Bằng cách phân tích thí dụ về Lama Zopa, bạn có thể thấy nó vô cùng vi tế. Lama Zopa hiện hữu dựa vào các uẩn. Đơn giản là như thế thôi. Đó là lý do mà Lama Zopa hiện giờ đang ở đây, trong căn lều này, dựa vào các uẩn; đó là lý do vì sao ông có mặt ở đây. Nhưng Lama Zopa là gì thì vô cùng vi tế, thế nên tôi nói rằng Lama Zopa tựa như không hiện hữu, như một ảo tưởng vậy.
Ở Việt Nam, một số Phật tử dùng từ “bản ngã” để chỉ cái tôi ảo, là nguồn gốc của tham, sân, và si. Trong bối cảnh và truyền thống của Phật Giáo Việt Nam, thuật ngữ này không ảnh hưởng xấu. Tuy nhiên, nếu nghĩ rằng Bản Ngã Atman là nguồn gốc của tham, sân, và si, thì chúng ta sẽ gặp khó khăn hay có thể hiểu nhầm khi tìm hiểu về đạo Bà La Môn. Phật giáo Ấn Độ không dùng từ “Atman” để chỉ cái “tôi” ảo tưởng mà Gnosis gọi là “ego“. Vì thế cho nên chúng tôi cũng tránh dùng từ “bản ngã” với ý nghĩa tiêu cực.
Chúng ta phải phân biệt rõ ràng cái “Tôi” và bản ngã. Cái tôi không phải là bản ngã, bản ngã cũng không phải cái “Tôi”. (The Spiritual Power of Sound – Samael Aun Weor)