Chương 7 – Trạng thái nội tâm

✏ Tác giả: Samael Aun Weor, 📖 Tâm Lý Học Cho Sự Chuyển Hóa Triệt Để

Biết cách kết hợp các trạng thái bên trong một cách phù hợp với các sự kiện bên ngoài tức là biết cách sống thông minh.

Bất kỳ sự kiện nào để trải nghiệm một cách thông minh cần có một trạng thái nội tâm tương ứng nhất định.

Tuy nhiên, thật không may, khi nhìn lại, con người nghĩ rằng cuộc đời mình chỉ bao gồm các sự kiện bên ngoài mà thôi.

Những kẻ đáng thương! Họ cứ nghĩ rằng nếu sự kiện nọ hoặc sự kiện kia chưa từng xảy ra thì cuộc sống của họ đã tốt đẹp hơn.

Họ cứ tưởng rằng vận may đã bỏ rơi mình và họ đã mất cơ hội được hạnh phúc.

Họ than vãn về những gì đã mất, tiếc nuối những thứ họ đã không coi trọng, thở than khi nhớ lại những sai lầm và tai ương cũ.

Con người không muốn nhận thức rằng cách sống vô vị này không phải là “sống”, rằng khả năng tồn tại một cách có ý thức chỉ phù thuộc vào tính chất trạng thái bên trong của tâm hồn.

Chắc chắn rằng dù cho những sự kiện bên ngoài của đời sống có đẹp đẽ đến thế nào mà nếu bên trong chúng ta lúc đó không ở một trạng thái phù hợp; thì những sự kiện tốt đẹp nhất cũng dường như thành đơn điệu, mệt mỏi, hay đơn giản là chán chường với chúng ta.

Một người hồi hộp chờ đợi đám cưới. Đó là một sự kiện. Nhưng có thể là khi tới đúng thời điểm lúc sự kiện đó diễn ra, anh ấy lại không còn thấy chút hứng thú nào vì đang quá lo lắng, và tất cả sự kiện đó trở thành như một nghi lễ buồn chán và lạnh lẽo.

Kinh nghiệm dạy cho chúng ta rằng không phải ai dự lễ hội hay tiệc nhảy múa cũng đang thật sự vui.

Những tiệc tùng vui nhất lúc nào cũng có một người chán ngán, và những bản nhạc hay nhất cũng sẽ làm người này vui và người kia khóc.

Hiếm có ai mà biết kết hợp một cách có ý thức sự kiện bên ngoài với trạng thái nội tâm thích hợp.

Thật đáng tiếc là con người không biết sống một cách có ý thức: họ khóc khi nên cười và cười khi nên khóc.

Khả năng kiểm soát chính mình là việc khác: người có trí tuệ có thể thấy vui, nhưng không bao giờ điên loạn; buồn nhưng không tuyệt vọng và chán nản; bình tĩnh khi xung quanh mình là bạo lực; biết tiết chế trong một cuộc chè chén say sưa; giữ gìn trinh khiết khi bao quanh là dục vọng, v.v.

Những người u sầu và bi quan luôn nghĩ đến những điều tồi tệ nhất trong cuộc sống, và nói thẳng ra thì họ không muốn sống nữa.

Ngày nào chúng ta cũng thấy những người không những bất hạnh mà tệ hơn cả, họ còn làm cho cuộc sống người khác thêm cay đắng.

Những người này sẽ không thay đổi cho dù ngày nào cũng đi dự từ tiệc nọ đến tiệc kia; họ mang trong mình nhiều tâm bệnh. Trạng thái nội tâm của những người này thật sự đồi truỵ.

Tuy nhiên, những người này tự coi mình là người tử đạo[1], đúng đắn, thánh thiện, đạo đức, cao quý, hữu ích, v.v., v.v., v.v.

Họ là những người quan tâm đến bản thân mình quá nhiều; những người rất yêu bản thân mình.

Những người hay thương hại bản thân mình nhiều luôn tìm cách để thoát khỏi trách nhiệm của bản thân.

Những người như thế đã quen với những cảm xúc hạ cấp, cho nên tất nhiên là hằng ngày họ tạo ra các yếu tố tâm lý thú vật.

Các sự kiện không may, nghịch cảnh, đau khổ, nợ nần, khó khăn, v.v., chỉ xảy ra với những người không biết sống.

Ai cũng có thể phát triển một văn hoá lý trí phong phú, nhưng hiếm có người đã học được cách sống đúng.

Khi một người muốn tách biệt các sự kiện bên ngoài khỏi trạng thái bên trong của Tâm Thức, rõ ràng người đó đã biểu lộ rằng mình không có khả năng sống với chân giá trị.

Những người học được cách kết hợp một cách có ý thức các sự kiện bên ngoài với các trạng thái bên trong, đang bước đi trên con đường thành công.


Ghi chú

[1] Người tử đạo, hay còn gọi là người tuẫn giáo (tiếng Anh: Martyrs) là những người chịu sự bách hại hoặc cái chết trong khi quyết giữ đức tin của mình, thường đề cập tới người có tôn giáo. Tuy nhiên, trong bối cảnh này từ này chỉ những người tự cho rằng mình đã hy sinh hoặc bị bắt nạt mặc dù việc này không liên quan đến đạo; họ chỉ “hy sinh” cho lợi ích cá nhân mà thôi.

← Trước: Chương 6 – Cuộc sống Tiếp theo: chương 8 – Trạng Thái Sai Lầm →

Leave a Reply