✏ Tác giả: Samael Aun Weor, 📖 Tâm Lý Học Cho Sự Chuyển Hóa Triệt Để
Chắc chắn rằng khi quan sát bản thân mình một cách nghiêm túc, chúng ta không thể trì hoãn việc phân biệt, một cách lôgic, toàn bộ các sự kiện bên ngoài của cuộc sống thực tiễn và các trạng thái bên trong của Tâm Thức.
Chúng ta cần khẩn cấp nhận ra được rằng mình đang ở đâu [trạng thái nào] trong từng khoảnh khắc, đối với cả trạng thái bên trong của tâm thức cũng như bản chất cụ thể của sự kiện bên ngoài đang xảy đến với chúng ta.
Cuộc sống chính là một chuỗi các sự kiện diễn ra xuyên suốt thời gian và không gian.
Có người nói rằng, “Cuộc sống là một chuỗi các sự kiện đau khổ rối rắm trong tâm hồn của mỗi chúng ta“.
Mỗi cá nhân hoàn toàn được tự do suy nghĩ như mình muốn; theo tôi thì những thích thú thoảng qua chốc lát luôn kéo theo những cảm xúc thất vọng và cay đắng.
Mỗi sự kiện đều có hương vị đặc biệt riêng của nó, và mỗi trạng thái nội tâm cũng thuộc một loại riêng; điều này là đương nhiên, không thể bác bỏ.
Chắc chắn rằng, việc rèn luyện bản thân mình nhấn mạnh đến các trạng thái tâm lý nội tâm khác nhau của tâm thức.
Không ai có thể phủ nhận rằng chúng ta mang theo bên trong mình rất nhiều lỗi lầm, và rằng chúng ta có những trạng thái sai sót bên trong.
Nếu thật sự muốn thay đổi, chúng ta phải hết sức khẩn cấp, không một chút chần chừ, thay đổi một cách triệt để các trạng thái sai lầm của tâm thức.
Việc thay đổi một cách tuyệt đối các trạng thái sai lầm chính là khởi đầu của những biến đổi hoàn toàn trong cuộc sống thực tiễn.
Khi một người rèn luyện một cách nghiêm túc để sửa các trạng thái sai lầm, thì đương nhiên các sự kiện không hay trong cuộc sống không thể làm tổn thương người đó một cách dễ dàng như trước nữa.
Chúng ta đang nói về một việc chỉ có thể hiểu được qua trải nghiệm, qua cảm nhận một cách thực sự trong bối cảnh của các sự kiện.
Ai không rèn luyện bản thân mình thì sẽ luôn là nạn nhân của hoàn cảnh; giống một khúc gỗ bị quăng quật trong những cơn bão giữa đại dương.

Các sự kiện không ngừng thay đổi qua nhiều tổ hợp khác nhau; chúng đến từ đợt nọ nối tiếp đợt kia như sóng, chúng gây ảnh hưởng lên chúng ta.
Chắc chắn, có sự kiện tốt và xấu; một số sự kiện sẽ tốt hoặc xấu hơn các sự kiện khác.
Việc thay đổi một số sự kiện nhất định là hoàn toàn có thể. Đương nhiên là chúng ta có cơ hội để sửa lại kết quả và thay đổi các tình huống.
Tuy nhiên, có một số tình huống mà thực sự là không thể thay đổi được; trong các trường hợp này, chúng ta nên chấp nhận một cách có ý thức, cho dù một số tình huống là vô cùng nguy hiểm và thậm chí là đau đớn.
Không nghi ngờ gì nữa, sự đau khổ sẽ biến mất khi chúng ta không đồng nhất bản thân mình với vấn đề đã xảy ra.
Chúng ta nên nhìn cuộc sống như một chuỗi các trạng thái nội tâm liên tiếp; chúng là một biên bản xác thực cho tiểu sử của cuộc đời mỗi chúng ta.
Khi nhìn lại toàn bộ đời kiếp này chúng ta có thể tự xác nhận một cách trực tiếp rằng rất nhiều tình huống không hay đã có cơ hội xảy ra do các trạng thái nội tâm sai lầm đó.
Alexandros Đại Đế [1], mặc dù là một người không có thói quen rượu chè, đã bị sự kiêu ngạo đẩy đến những tình huống thiếu điều độ gây nên cái chết của ông.
François I [2] đã chết vì một cuộc ngoại tình dơ bẩn và ghê tởm mà vẫn được ghi lại rõ ràng trong lịch sử ngày nay.
Khi Marat [3] bị ám sát bởi một bà xơ đồi truỵ, ông ta đã chết vì sự kiêu ngạo và đố kỵ, ông tự coi mình là hoàn toàn đúng đắn.

Không nghi ngờ gì nữa, các cô gái ở Parque-aux-cerfs [4] đã thiêu hủy hết sinh lực của tên tà dâm ghê tởm, Louis XV.
Rất nhiều người chết vì tham vọng, tức giận hay ghen tị; các bác sĩ tâm lý học đều biết điều này.
Ngay khi ý chí của ta thiết lập trong mình một thói quen ngu xuẩn không thể thay đổi được, thì chúng ta đã trở thành ứng cử viên của những lăng mộ hay nghĩa trang.
Othello [5], vì ghen tị, đã trở thành một kẻ sát nhân, còn nhà tù thì lại chứa toàn những kẻ lầm lẫn chân thật.
Ghi chú
[1] Alexandros Đại Đế (356 TCN- 323 TCN) là vị vua thứ 14 của Macedonia, là một trong những vị tướng thành công nhất trong lịch sử, chinh phạt gần như toàn bộ thế giới mà con người thời đó biết đến trước khi qua đời. Các nhà khoa học cho rằng, Alexandros Đại đế đã chết do uống phải rượu lên men từ cây lê lư hoa trắng có chứa chất kịch độc. Điều này phù hợp với ghi chép của sử gia Hy Lạp cổ đại Diodorus. Diodorus cho rằng, Alexandros Đại đế đã rất đau sau khi uống một bát rượu lớn chưa pha trộn theo kiểu danh dự của Hercules.
[2] François I (1494 – 1547), một vị vua nước Pháp. Truyện về các cuộc ngoại tình của François I đã được dựng thành kịch trong “Le Roi s’amuse” (bởi tác giả Victor Hugo, 1832).
[3] Jean-paul Marat (1743 – 1793) là một nhân vật quan trọng trong cách mạng Pháp, bị Charlotte Corday ám sát khi đang nằm trong bồn tắm để chữa bệnh. Bà Corday giết Marat vì không ủng hộ quan điểm chính trị của ông.
[4] Parc-aux-cerfs là nơi cư trú của các tình nhân bí mật của vua Louis XV (Pháp, 1710-1774)
[5] Othello là một nhân vật trong bi kịch của Shakespeare, là một vị tướng có tài của Venice, do bị kẻ xấu xúi giục nên đã nghi ngờ sự chung thủy của vợ, cho rằng vợ tư thông với thuộc hạ, sau đó đã giết thuộc hạ và vợ mình.
← Trước: Chương 7 – Trạng thái nội tâm | Tiếp theo: chương 9 Sự Kiện Cá Nhân → |