Truyền thống Đạo Do Thái, Kitô Giáo, và Hồi Giáo cấm các tín đồ thờ tượng, bất chấp đó là tượng của một vị thần, thiên thần, một vị Phật hay là Bồ tát. Truyền thống này có nguồn gốc trong Kinh Thánh, với câu chuyện của Mô-sê và người Do Thái ở sa mạc bán đảo Sinai. Ở bài viết này chúng ta tìm hiểu về lý do tại sao các truyền thống tôn giáo này không sử dụng tượng khi thờ Chúa.
Mặc dù có vẻ không quan trọng nhưng phong tục cấm thờ ngẫu tượng trong lịch sử tôn giáo đã dẫn đến cái chết của hàng triệu người và đến nay đó vẫn là động cơ ẩn giấu đằng sau nhiều cuộc chiến đang diễn ra trên thế giới.
Kinh thánh đã viết rằng Mô-sê, người thành lập đạo Do Thái đã từng là điểm đạo đồ của hệ thống huyền học Ai Cập:
Mô-sê được giáo dục tất cả trí tuệ tâm linh của người Ai-cập, và là một người có quyền trong lời nói và việc làm.
(Công vụ các Sứ đồ 7:22)
Bên cạnh đó, Mô-sê cũng là con nuôi của nhà Pharaon:
1 Thuở ấy có một người thuộc dòng họ Lê-vi lập gia đình với một thiếu nữ cùng dòng họ Lê-vi. 2 Vợ ông có thai và sinh một con trai. Bà thấy đứa con quá dễ thương nên giấu và nuôi nó được ba tháng. 3 Ðến khi thấy không thể giấu được nữa, bà lấy một cái thúng đan bằng sậy, dùng nhựa chai và hắc ín trét cả trong lẫn ngoài. Kế đó bà để đứa bé trong thúng, rồi đem thúng ấy đặt vào giữa đám sậy nơi bờ sông. 4 Chị của đứa bé đứng xa xa trông chừng em, xem có chuyện gì xảy đến cho đứa bé chăng. 5 Công chúa Pha-ra-ôn xuống tắm nơi bờ sông trong khi các nữ tỳ của nàng đi dạo trên bờ. Nàng thấy một cái thúng giữa đám sậy, nên sai một nữ tỳ của nàng đến bưng nó ra. 6 Khi mở nắp ra nàng thấy có một đứa bé. Nhìn thấy đứa bé khóc, nàng động lòng thương xót và bảo, “Ðây chắc là một đứa bé của người Hê-bơ-rơ.”
7 Chị của đứa bé lại gần thưa với công chúa Pha-ra-ôn, “Em có thể đi kiếm một bà vú người Hê-bơ-rơ để giúp công chúa cho nó bú được không?”
8 Công chúa Pha-ra-ôn đáp, “Hãy đi đi.” Vậy cô bé ấy chạy đi kêu mẹ của đứa bé đến. 9 Công chúa Pha-ra-ôn nói với bà, “Hãy đem đứa bé này về và nuôi nó cho tôi. Tôi sẽ chu cấp cho bà.” Thế là bà ấy đem đứa bé về nhà nuôi. 10 Khi đứa bé đã khôn lớn, bà đem nó vào cho công chúa Pha-ra-ôn. Công chúa nhận nó làm con nàng. Nàng đặt tên nó là Mô-sê; nàng bảo, “Vì ta đã cứu nó ra khỏi nước.”
(Xuất Ai Cập Ký 2:1-10)

Một số nhà văn hư cấu đã viết ra những câu chuyện giả tưởng rằng Mô-sê suýt được truyền ngai vàng của Pharaon. Tuy nhiên, không thể tìm thấy bằng chứng cho điều này ở trong kinh thánh hay bất kỳ chỗ nào khác. Nhưng vì là con nuôi của nhà Pharaon, đương nhiên Mô-sê được học đạo của người Ai-cập.
Mặc dù tôn giáo Ai Cập cổ xưa là hệ thống huyền học vĩ đại nhất thế giới nhưng khi đến thời của Mô-sê thì nền văn minh đó đã thoái hoá nhiều. Khi Mô-sê dẫn người Do Thái ra khỏi Ai-cập, họ vẫn đang theo tôn giáo thoái hoá đó. Sách Xuất Ai Cập Ký có đề cập đến văn hoá thờ tượng của nền tôn giáo thoái hoá này:
15 Ðoạn Mô-sê đi lên núi, và mây bao phủ núi. 16 Vinh quang của CHÚA ngự trên Núi Si-nai. Mây bao phủ núi liên tiếp sáu ngày; đến ngày thứ bảy, Ngài từ trong đám mây gọi Mô-sê. 17 Bấy giờ vinh quang CHÚA hiện ra trên đỉnh núi giống như lửa cháy phừng phừng trước mắt dân I-sơ-ra-ên. 18 Mô-sê đi vào trong đám mây và lên trên núi. Mô-sê ở trên núi bốn mươi ngày và bốn mươi đêm.
(Xuất Ai Cập Ký 24:15-18)
1 Khi dân thấy đã khá lâu mà Mô-sê vẫn chưa từ trên núi xuống, dân tụ họp lại quanh A-rôn và nói với ông, “Xin ông đứng dậy, làm cho chúng tôi một vị thần, để đi trước dẫn đầu chúng tôi, vì Mô-sê, người đã đem chúng tôi ra khỏi xứ Ai-cập, chúng tôi không biết đã có chuyện gì xảy ra cho ông ấy.”
2 A-rôn nói với họ, “Hãy gỡ các khuyên vàng mà vợ, con trai, và con gái các anh em đeo trên tai, rồi mang chúng đến tôi.” 3 Vậy toàn dân gỡ những khuyên vàng họ đeo nơi tai và đem đến A-rôn. 4 Ông lấy vàng từ các khuyên ấy, rồi dùng dụng cụ làm một cái khuôn và đúc thành tượng một con bò con. Bấy giờ họ nói, “Hỡi I-sơ-ra-ên, đây là thần của anh chị em, đấng đã đem anh chị em ra khỏi xứ Ai-cập!” 5 Khi A-rôn thấy vậy, ông dựng một bàn thờ trước tượng con bò con ấy. Ðoạn A-rôn tuyên bố rằng, “Ngày mai sẽ có lễ thờ phượng CHÚA.”
6 Hôm sau họ thức dậy sớm và dâng những của lễ thiêu và của lễ cầu an cho con bò con ấy. Ðoạn họ ngồi xuống ăn và uống, xong rồi đứng dậy bày cuộc truy hoan.
7 CHÚA phán với Mô-sê, “Ngươi hãy đi xuống ngay, vì dân ngươi, những kẻ ngươi đã đem ra khỏi xứ Ai-cập, đã bại hoại rồi. 8 Chúng đã nhanh chóng lìa bỏ đường lối Ta truyền cho chúng. Chúng đã đúc cho mình tượng của một bò con, rồi quỳ xuống lạy nó, dâng của tế lễ cho nó, và bảo, ‘Hỡi I-sơ-ra-ên, đây là thần của anh chị em, đấng đã đem anh chị em ra khỏi xứ Ai-cập.’” 9 CHÚA phán với Mô-sê, “Ta đã thấy dân nầy rồi. Nầy, chúng là một dân cứng cổ. 10 Bây giờ ngươi cứ để mặc Ta, hầu cơn thịnh nộ của Ta sẽ bừng lên nghịch lại chúng, và Ta sẽ tiêu diệt chúng. Còn ngươi, Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn.”
11 Nhưng Mô-sê van nài với CHÚA, Ðức Chúa Trời của ông, và nói, “Lạy CHÚA, tại sao Ngài nổi cơn thịnh nộ nghịch lại dân Ngài, những người Ngài đã đem ra khỏi xứ Ai-cập bằng quyền năng lớn lao và cánh tay mạnh mẽ của Ngài? 12 Tại sao Ngài để cho dân Ai-cập có cớ để nói, ‘Chính vì có ác ý mà Ngài đã đem chúng ra đi, để rồi tiêu diệt chúng trên núi, và thiêu sạch chúng khỏi mặt đất?’ Cầu xin Ngài nguôi cơn thịnh nộ của Ngài. Xin Ngài đổi ý và đừng làm hại dân Ngài. 13 Xin Ngài nhớ đến Áp-ra-ham, I-sác, và I-sơ-ra-ên, tức các đầy tớ của Ngài; thể nào Ngài đã lấy chính mình Ngài mà thề với họ rằng, ‘Ta sẽ làm cho dòng dõi các ngươi đông như sao trên trời, và cả vùng đất nầy mà Ta đã hứa Ta sẽ ban cho dòng dõi các ngươi, rồi chúng sẽ thừa hưởng đất ấy đến muôn đời.’”
14 Vậy CHÚA đổi ý về tai họa Ngài định giáng xuống trên dân Ngài.
15 Bấy giờ Mô-sê quay bước và đi xuống núi, hai tay ông mang hai bảng Giao Ước. Hai bảng ấy được viết cả hai mặt, mặt trước và mặt sau. 16 Hai bảng ấy là tác phẩm của Ðức Chúa Trời. Những chữ trên đó do chính Ðức Chúa Trời viết. Ngài khắc chúng trên hai bảng ấy. 17Khi Giô-sua nghe tiếng dân reo hò, ông nói với Mô-sê, “Có tiếng giao tranh trong trại.”
18 Nhưng Mô-sê đáp, “Ðó không phải là âm thanh của những kẻ thắng trận, cũng không phải là âm thanh của những kẻ bại trận, nhưng là âm thanh của những kẻ truy hoan.” 19 Khi đến gần doanh trại ông thấy tượng con bò con và dân chúng đang nhảy nhót. Mô-sê đùng đùng nổi giận, ông liệng hai bảng đó khỏi tay mình và đập vỡ chúng ở chân núi. 20 Ông lấy con bò con họ đã làm thiêu trong lửa, nghiền nó thành bột, rải bột ấy trên mặt nước, rồi bắt dân I-sơ-ra-ên uống nước ấy.
21 Mô-sê nói với A-rôn, “Dân này đã làm gì anh, mà anh đã khiến họ phạm một tội nặng như vậy?”
22 A-rôn đáp, “Xin chúa của tôi đừng nổi giận. Chính ngài cũng đã biết dân nầy, họ luôn có khuynh hướng xấu. 23 Họ nói với tôi, ‘Hãy làm cho chúng tôi một vị thần để đi trước dẫn đầu chúng tôi, vì Mô-sê, người đã đem chúng tôi ra khỏi xứ Ai-cập, chúng tôi không biết đã có chuyện gì xảy đến cho ông ấy rồi.’ 24 Vì thế tôi nói với họ, ‘Ai có vàng, hãy gỡ nó ra.’ Vậy họ đưa vàng cho tôi, tôi thảy nó trong lửa, và nó thành ra con bò con này.”
(Xuất Ai Cập Ký 32:1-22)

Khi đưa ra 10 điều răn, Mô-sê cấm người Do Thái thờ tượng như người Ai Cập ngày xưa:
2“Ta là CHÚA, Ðức Chúa Trời của ngươi, Ðấng đã đem ngươi ra khỏi xứ Ai-cập, tức khỏi nhà nô lệ:
3 Trước mặt Ta ngươi chớ có các thần khác.
4 Ngươi chớ làm hình tượng cho mình để thờ, bất kể hình tượng của vật gì trên trời, hoặc vật gì dưới đất, hoặc vật gì trong nước dưới mặt đất.
5 Ngươi không được sấp mình xuống trước mặt chúng hay thờ lạy chúng, vì Ta, CHÚA, Ðức Chúa Trời của ngươi, là một Thần ghen tương. Do tội ghét bỏ Ta của ông bà cha mẹ mà con cháu sẽ bị vạ lây đến ba bốn đời, 6 nhưng Ta sẽ bày tỏ ơn thương xót đến ngàn đời cho những kẻ yêu kính Ta và vâng giữ các điều răn Ta.
(Điều răn 1 và 2 – Xuất Ai Cập Ký 20:2-6)
Và khi Mô-sê gặp thần ở trên núi, ngài thậm chí không cho Mô-sê biết tên của mình:
13 Mô-sê thưa với Ðức Chúa Trời, “Nếu con đến với dân I-sơ-ra-ên và nói với họ, ‘Ðức Chúa Trời của tổ tiên anh chị em đã sai tôi đến với anh chị em,’ mà họ hỏi, ‘Danh của Ðấng ấy là gì?’ thì con sẽ nói với họ làm sao?”
14 Ðức Chúa Trời phán với Mô-sê, “Ta là ÐẤNG TỰ HỮU HẰNG HỮU.” Ngài lại phán, “Ngươi hãy nói với dân I-sơ-ra-ên như thế này, ‘ÐẤNG TỰ HỮU đã sai tôi đến với anh chị em.’”
15 Ðức Chúa Trời lại phán với Mô-sê, “Ngươi cứ nói với dân I-sơ-ra-ên như thế này, ‘CHÚA, Ðức Chúa Trời của tổ tiên anh chị em, Ðức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Ðức Chúa Trời của I-sác, và Ðức Chúa Trời của Gia-cốp, đã sai tôi đến với anh chị em.’
Ấy là danh Ta đời đời.
Ấy là hiệu Ta suốt mọi thế hệ.
(Xuất Ai Cập Ký 3:13-15)

Qua đây, chúng ta thấy rằng khi thành lập tôn giáo Do Thái, Mô-sê đã phá huỷ xu hướng tà giáo của dân bằng cách cấm việc tiếp xúc với bất kỳ hình tướng của thần thánh. Khi thờ “Chúa” họ thậm chí không được biết tên của thần đó là gì. Điều này hướng tâm của người Do Thái tới một hiểu biết mang tính trừu tượng khi thờ Chúa, và khái niệm về “Đức Chúa” của họ giống với Tính Không của Phật giáo hơn so với nghi lễ thờ cúng các vị thần trong nền văn minh Ai Cập.
Sau khi Mô-sê dẫn người Do Thái ra khỏi Ai Cập, họ vẫn tiếp tục với thói quen thờ tượng theo truyền thống tôn giáo thoái hoá cũ. Vì thế, Mô-sê đã phải dẫn cả chủng tộc Do Thái đi lang thang trên sa mạc trong suốt 40 năm cho đến khi tất cả những người lớn lên ở môi trường tà đạo của Ai Cập đã chết:
10 CHÚA đã nổi giận trong ngày đó và thề rằng, 11 ‘Chắc chắn không một ai trong dân đã ra khỏi Ai-cập từ hai mươi tuổi trở lên sẽ thấy xứ mà Ta đã thề ban cho Áp-ra-ham, I-sác, và Gia-cốp, vì chúng đã không hết lòng tin tưởng và theo Ta, 12 ngoại trừ Ca-lép con của Giê-phu-nê người Kê-nít, và Giô-sua con của Nun, vì họ đã hết lòng tin tưởng và theo CHÚA.’ 13 Cơn giận của CHÚA đã nổi bừng lên đối với dân I-sơ-ra-ên. Ngài đã khiến họ đi lang thang bốn mươi năm trong đồng hoang, cho đến khi mọi người trong thế hệ đã làm điều tội lỗi trước mặt CHÚA đó đều qua đời.
(Dân số Ký 32:10-13)
Phạt tử hình cho tội thờ ngẫu tượng
Trong sách Phục-truyền Luật-lệ Ký, Kinh Thánh đưa ra hình phạt tử hình cho tội thờ ngẫu tượng:
2 Nếu người ta tìm thấy giữa vòng anh chị em, trong một thành nào mà CHÚA, Ðức Chúa Trời của anh chị em, ban cho anh chị em, có người nam hay nữ nào làm chuyện ác trước thánh nhan CHÚA, Ðức Chúa Trời của anh chị em, và vi phạm giao ước của Ngài, 3 bằng cách đi, phục vụ các thần khác, và thờ phượng chúng, bất kể thần đó là mặt trời hay mặt trăng hay các tinh tú nào trên trời, mà tôi đã truyền không được làm, 4 và anh chị em đã được báo cáo về việc đó hoặc đã nghe nói về việc đó, thì anh chị em hãy điều tra cho kỹ, và nếu lời tố cáo đó quả là đúng sự thật rằng một việc gớm ghiếc như thế đã xảy ra trong I-sơ-ra-ên, 5 bấy giờ anh chị em phải đem người đàn ông hay người đàn bà đã phạm tội ác đó ra cổng thành, rồi anh chị em sẽ ném đá người đàn ông hay người đàn bà đó chết đi.
(Phục-truyền Luật-lệ Ký 17:2-5)
Trong sách I Các Vua có một câu chuyện về mâu thuẫn giữa Ê-li-gia, nhà tiên tri vĩ đại và ông vua A-háp. Vợ của vua A-háp là Giê-xê-ben. Hoàng hậu Giê-xê-ben theo một trường phái tà giáo tôn thờ thần Ba-al. Giê-xê-ben đã giết các nhà tiên tri đạo Do Thái và kêu gọi toàn bộ dân Israel đi theo tà giáo. Tiên tri Ê-li-gia đi nước ngoài để trốn khỏi hoàng hậu Giê-xê-ben và vua A-háp. Vì nước Israel theo tà đạo cho nên mưa không rơi và người dân không có gì để ăn. Sau mấy năm không mưa, Ê-li-gia trở về Israel và xin gặp vua A-háp:
A-háp liền đi gặp Ê-li-gia. 17 Khi A-háp thấy Ê-li-gia, A-háp nói với ông, “Ngươi, kẻ gây rối cho I-sơ-ra-ên, có phải ngươi đó chăng?”
18 Ê-li-gia đáp, “Không phải tôi gây rối cho I-sơ-ra-ên đâu, nhưng chính là ngài và nhà cha ngài, vì ngài và cha ngài đã bỏ các điều răn của CHÚA mà đi theo các thần Ba-al. 19 Bây giờ xin ngài triệu tập toàn dân I-sơ-ra-ên lại, để gặp tôi trên Núi Cạt-mên. Xin ngài cũng đem bốn trăm năm mươi tiên tri của Ba-al và bốn trăm tiên tri của A-sê-ra, những kẻ được Giê-xê-bên cấp dưỡng, cùng đến.”
20 Vậy A-háp sai người đi khắp I-sơ-ra-ên và triệu tập các tiên tri tại Núi Cạt-mên. 21 Ê-li-gia đến trước toàn dân và nói, “Các người cứ đi khập khiễng hàng hai cho đến chừng nào? Nếu CHÚA là Ðức Chúa Trời, hãy theo Ngài; còn nếu Ba-al là Ðức Chúa Trời, hãy theo hắn.” Nhưng dân chúng lặng thinh.
22 Bấy giờ Ê-li-gia nói với dân chúng, “Tôi, chỉ một mình tôi, là tiên tri của CHÚA còn sót lại; nhưng ở đây có bốn trăm năm mươi tiên tri của Ba-al. 23 Bây giờ hãy cho chúng tôi hai con bò đực. Hãy để họ chọn trước một con cho họ. Hãy sả thịt con bò đó ra từng mảnh, rồi chất nó trên củi, nhưng không được châm lửa. Tôi sẽ sả thịt con bò kia và chất nó trên củi, nhưng cũng không châm lửa. 24 Rồi các ông hãy kêu cầu danh thần của các ông, còn tôi, tôi sẽ kêu cầu danh CHÚA. Vị thần nào đáp lời bằng lửa, vị đó chính là Ðức Chúa Trời.” Toàn thể dân chúng hiện diện nói, “Ðề nghị rất hữu lý!”
25 Bấy giờ Ê-li-gia nói với các tiên tri của Ba-al, “Các ông hãy chọn lấy cho mình một con bò và sả thịt nó trước, vì các ông đông người; rồi hãy kêu cầu danh thần của các ông, nhưng không được châm lửa.” 26 Vậy họ bắt một con bò được đem đến, sả thịt nó ra, rồi kêu cầu danh Thần Ba-al từ sáng đến trưa. Họ cầu rằng, “Lạy Thần Ba-al, xin đáp lời chúng tôi.” Nhưng chẳng có tiếng nào, cũng chẳng có ai trả lời. Họ nhảy khập khiễng xung quanh bàn thờ họ đã dựng.
27 Ðến trưa Ê-li-gia chế nhạo họ rằng, “Hãy kêu cầu lớn hơn chút nữa. Ba-al là thần thật đó. Có thể thần ấy đang tĩnh tâm hay đang bận việc, không chừng thần ấy bị kẹt phải đi xa, hay đang ngủ. Hãy đánh thức thần ấy dậy.” 28 Nghe thế họ lại càng kêu cầu lớn hơn, và theo như thói tục của họ, họ lấy gươm và giáo rạch mình họ đến chảy máu. 29 Ðến quá trưa, họ vẫn tiếp tục nói tiên tri theo kiểu đó cho đến giờ dâng tế lễ buổi chiều, nhưng chẳng có tiếng nào đáp lại, cũng chẳng ai trả lời, và chẳng ai quan tâm đến.
30 Bấy giờ Ê-li-gia nói với toàn dân, “Hãy đến gần tôi.” Toàn dân kéo lại gần ông. Trước hết, ông sửa lại bàn thờ CHÚA đã bị đổ nát. 31 Ê-li-gia lấy mười hai phiến đá, theo số gia tộc của các con trai Gia-cốp, người mà lời CHÚA đã phán, “I-sơ-ra-ên sẽ là tên ngươi.” 32 Ê-li-gia dùng các phiến đá đó xây lại bàn thờ cho danh CHÚA. Kế đó, ông đào một đường mương chung quanh bàn thờ, rộng cỡ chứa được hai thúng hạt giống. 33 Kế đến ông sắp củi trên bàn thờ. Ðoạn ông sả thịt con bò ra từng mảnh, rồi chất nó trên củi. Sau đó ông bảo, “Hãy múc đầy bốn bình nước, rồi đem đổ nước trên của lễ thiêu và củi. 34 Ông bảo họ, “Hãy làm lần thứ nhì.” Họ làm lần thứ nhì. Ông lại bảo họ, “Hãy làm lần thứ ba.” Họ làm lần thứ ba, 35 đến nỗi nước chảy ướt đẫm quanh bàn thờ và đầy tràn cái mương.
36 Ðến giờ dâng của lễ buổi chiều, Tiên Tri Ê-li-gia đến gần và cầu nguyện rằng, “Lạy CHÚA, Ðức Chúa Trời của Áp-ra-ham, I-sác, và I-sơ-ra-ên. Hôm nay xin Ngài cho mọi người biết rằng Ngài chính là Ðức Chúa Trời của I-sơ-ra-ên, và con đây là đầy tớ Ngài, và con làm mọi sự nầy là do Ngài phán bảo. 37 Lạy CHÚA, xin nhậm lời con, để dân nầy biết rằng chính Ngài là Ðức Chúa Trời, CHÚA ôi, và Ngài sẽ làm cho lòng dân nầy quay trở lại.”
38 Bấy giờ lửa của CHÚA từ trời giáng xuống, thiêu rụi của lễ thiêu, củi, đá, bụi đất, và làm khô hết nước trong mương. 39 Khi toàn dân thấy vậy, họ liền sấp mặt xuống đất và nói, “CHÚA là Ðức Chúa Trời! CHÚA là Ðức Chúa Trời!”
40 Ê-li-gia nói với họ, “Hãy bắt tất cả các tiên tri của Ba-al. Ðừng để thoát một ai.” Họ liền bắt chúng. Ê-li-gia đem chúng xuống Khe Kít-sôn và giết chúng tại đó.
41 Ê-li-gia nói với A-háp, “Xin mời ngài đi lên, ăn, và uống. Vì tôi nghe có tiếng mưa rào.” 42 Vậy A-háp đi lên, ăn, và uống. Ê-li-gia lên đỉnh Núi Cạt-mên. Tại đó, ông sấp mặt xuống đất, giữa hai đầu gối. 43 Ông nói với người đầy tớ của ông, “Con hãy đi lên và nhìn về hướng biển.” Người ấy đi lên, nhìn, rồi trở lại nói, “Con chẳng thấy gì cả.”
Ông bảo, “Con hãy đi lên trở lại và làm bảy lần như thế.”
44 Lần thứ bảy người ấy nói, “Kìa, con thấy một đám mây, cỡ bằng bàn tay, đang nổi lên ngoài biển.”
Ông bảo, “Con hãy đến nói với A-háp, ‘Xin ngài thắng xe và đi xuống mau, kẻo mưa sẽ giữ ngài ở lại đây.’”
45 Chẳng mấy chốc, mây đen kéo đến giăng khắp bầu trời, và gió cuồn cuộn thổi đến, và một trận mưa lớn đổ xuống. A-háp vội vàng lên xe, chạy đến Giê-rê-ên.
(I Các Vua 18:17-45)

Đạo Do Thái có ảnh hưởng lớn ở phương Tây vì Kitô Giáo và Hồi Giáo chính là hậu duệ tâm linh của đạo Do Thái. Niềm tin rằng những người theo chính đạo có nhiệm vụ phải phá huỷ tà giáo và thậm chí phải giết các tín đồ của các giáo phái tà đạo xuất phát từ Kinh Thánh. Tư tưởng này được sử dụng để biện hộ cho các cuộc chiến tranh, cho chủ nghĩa khủng bố và cho sự chiếm đoạt đất đai. Chủng tộc nào và đất nước nào tự cho rằng mình theo chính đạo luôn nhắc đến truyền thống này khi muốn chiếm đoạt tài sản của một chủng tộc theo đạo khác.
Có một số điều cần phải lưu ý ở câu chuyện này. Thứ nhất, các nhà tiên tri của Ba-al không chỉ đơn giản là theo tà giáo. Họ đã thuyết phục hoàng hậu Israel giết hết các nhà tiên tri đạo Do Thái. Ba-al là tên gọi khác của thần Moloch. Hiện này chúng ta không có nhiều thông tin cụ thể về tôn giáo thờ Moloch. Tuy nhiên, thông qua Kinh Thánh, chúng ta thấy rằng họ có nghi thức thiêu đốt trẻ con để hiến cho thần:
Ngươi chớ trao con cái ngươi để làm vật hiến tế cho Mô-lếch, vì như thế ngươi sẽ làm ô danh Ðức Chúa Trời của ngươi.
(Lê-vi Ký 18:21)
…Ông đi theo đường lối của các vua I-sơ-ra-ên. Thậm chí ông còn thiêu dâng con trai ông trong lửa, theo thói tục gớm ghiếc của các dân mà CHÚA đã đuổi đi trước mặt dân I-sơ-ra-ên.
(II Các Vua 16:3)
Ở đây chúng ta thấy rõ rằng giáo phái thờ Moloch không chỉ đơn giản là một nhóm tâm linh ngoại đạo mà đó còn là một trường phái ma thuật thực sự độc ác.

Điều thứ hai chúng ta phải lưu ý là câu chuyện về Ê-li-gia và 450 tiên tri Ba-al, như rất nhiều câu chuyện khác trong Kinh Thánh, mang ý nghĩa biểu tượng và không nhất thiết phải được hiểu theo nghĩa đen. Thường khi có một số được đề cập đến trong Kinh Thánh, chúng ta sẽ cộng các chữ số theo kiểu Kabbalah và tra Tarot để hiểu hơn về ý nghĩa của con số này. Ví dụ như số 450 là 4 + 5 + 0 = 9. Lá bài số 9 của Tarot là “Ẩn Sĩ”, một ông tiên tri. Điều này ngụ ý rằng 450 nhà tiên tri Ba-al chính là Ê-li-gia, hay nói chính xác hơn là họ tượng trưng cho các cái Tôi bên trong Ê-li-gia. Nước trong kinh thánh tượng trưng cho khí, cho năng lực sinh dục. Đổ nước vào bàn thờ tượng trưng cho việc vận khí để chuyển hoá năng lực sinh dục với Pranayama hay là Thuật luyện kim đan. Sau khi đổ nước vào bàn thờ thì Ê-li-gia cầu xin ngọn lửa thiêng liêng. Hiển nhiên rằng ngọn lửa đó là Kundalini. Sau khi ngọn lửa Kundalini được thức tỉnh thì Ê-li-gia kêu gọi dân Israel (là phần tâm thức tự do) giết 450 tiên tri Ba-al, tức là với sức mạnh của Kundalini chúng ta tiêu diệt cái Tôi.
Đó không phải là cách duy nhất để phân tích ý nghĩa bí ẩn của câu chuyện này. Chúng tôi chỉ đưa ra lý giải này như một ví dụ. Điều quan trọng ở đây là chúng ta không nên chỉ hiểu Kinh Thánh theo nghĩa đen của nó.
Tại sao người phương Tây sợ thờ tượng nói riêng và sợ tôn giáo nước ngoài nói chung?
Trên đây là một số ví dụ nhỏ về những gì đã được đề cập đến trong kinh thánh về việc thờ tượng và tà giáo. Nếu chưa đọc hết Kinh Thánh thì chúng ta không thể hiểu được tầm quan trọng của việc này đối với các tôn giáo phương Tây. Từ đầu đến cuối, gần như không có một chương nào mà việc thờ tượng và tà đạo lại không được nhắc đến trong kinh thánh, ví dụ như các câu chuyện về các nhà vua Israel sa ngã sau khi rơi vào tà đạo, về các anh hùng sẵn sàng chết chỉ để không phải quỳ xuống trước tượng thần nước ngoài hoặc là để tránh phải ăn đồ được để lại trên bàn thờ của các vị thần ngoại đạo. Trong đó, câu chuyện về Sa-đơ-rắc, Mê-sách, và A-bết-nê-gô là một ví dụ điển hình:
1 Vua Nê-bu-cát-nê-xa cho làm một pho tượng bằng vàng, cao ba mươi mét và rộng ba mét. Ông dựng pho tượng ấy lên trong đồng bằng Ðu-ra, trong tỉnh Ba-by-lôn. 2 Vua Nê-bu-cát-nê-xa truyền triệu tập các thống đốc, các tỉnh trưởng, các tổng trấn, các mưu sĩ, các tổng giám đốc ngân khố, các thẩm phán, các chánh án, và tất cả các quan chức trong các tỉnh đến để dự lễ khánh thành pho tượng Vua Nê-bu-cát-nê-xa đã dựng lên.
3 Vậy các thống đốc, các tỉnh trưởng, các tổng trấn, các mưu sĩ, các tổng giám đốc ngân khố, các thẩm phán, các chánh án, và tất cả các quan chức trong các tỉnh đều tề tựu đông đủ để tham dự lễ khánh thành pho tượng Vua Nê-bu-cát-nê-xa đã dựng lên, và họ đều đứng trước pho tượng Nê-bu-cát-nê-xa đã dựng lên. 4 Bấy giờ vị quan điều khiển buổi lễ hô to, “Ðây là lịnh truyền cho các ngươi phải làm, hỡi tất cả các dân, các nước, và các ngữ tộc: 5 Hễ khi nào các ngươi nghe tiếng kèn, tiếng sáo, tiếng hạc cầm, tiếng đàn lia, tiếng trống, và mọi thứ nhạc khí khác cùng trỗi lên, các ngươi phải sấp mình xuống và thờ lạy pho tượng vàng Vua Nê-bu-cát-nê-xa đã dựng lên. 6 Kẻ nào không sấp mình xuống thờ lạy pho tượng vàng sẽ lập tức bị quăng vào giữa lò lửa hừng.”
7 Vì thế, khi mọi người nghe tiếng kèn, tiếng sáo, tiếng hạc cầm, tiếng đàn lia, cùng với mọi thứ nhạc khí khác trỗi lên, mọi dân, mọi nước, và mọi ngữ tộc có mặt lúc đó đều sấp mình xuống và thờ lạy pho tượng vàng Vua Nê-bu-cát-nê-xa đã dựng lên.
8 Khi ấy có mấy chiêm tinh gia người Canh-đê bước đến tố cáo những người Giu-đa. 9 Họ tâu với Vua Nê-bu-cát-nê-xa, “Tâu hoàng thượng, chúc hoàng thượng sống vạn tuế. 10 Tâu hoàng thượng, hoàng thượng đã ban một sắc lịnh rằng bất cứ người nào khi nghe tiếng kèn, tiếng sáo, tiếng hạc cầm, tiếng đàn lia, tiếng trống, và mọi thứ nhạc khí khác cùng trỗi lên thì phải sấp mình xuống và thờ lạy pho tượng vàng. 11 Còn kẻ nào không sấp mình xuống thờ lạy pho tượng ấy sẽ lập tức bị quăng vào giữa lò lửa hừng. 12 Thế nhưng có mấy người Giu-đa hoàng thượng đã lập lên làm quan điều hành công việc trong tỉnh Ba-by-lôn là Sa-đơ-rắc, Mê-sách, và A-bết-nê-gô, tâu hoàng thượng, mấy người ấy đã chẳng coi lệnh của hoàng thượng ra gì. Họ chẳng phục vụ các thần của hoàng thượng hay thờ lạy pho tượng vàng hoàng thượng đã dựng lên.”
13 Bấy giờ, Nê-bu-cát-nê-xa đùng đùng nổi giận. Ông truyền đem Sa-đơ-rắc, Mê-sách, và A-bết-nê-gô đến ngay. Vậy họ dẫn những người ấy đến trước mặt vua. 14 Nê-bu-cát-nê-xa hỏi họ, “Hỡi Sa-đơ-rắc, Mê-sách, và A-bết-nê-gô, có thật là các ngươi không phục vụ các thần của ta, hay không thờ lạy pho tượng vàng ta đã dựng lên chăng? 15 Bây giờ các ngươi khá sẵn sàng, hễ khi các ngươi nghe tiếng kèn, tiếng sáo, tiếng hạc cầm, tiếng đàn lia, tiếng trống, và mọi thứ nhạc khí khác cùng trỗi lên, nếu các ngươi sấp mình xuống và thờ lạy pho tượng vàng ta đã làm thì tốt. Nhưng nếu các ngươi không thờ lạy, các ngươi sẽ lập tức bị quăng vào giữa lò lửa hừng. Rồi để coi thần nào có thể cứu các ngươi khỏi tay ta chăng?”
16 Sa-đơ-rắc, Mê-sách, và A-bết-nê-gô trả lời với vua, “Tâu Vua Nê-bu-cát-nê-xa, về việc nầy chúng thần không cần phải bênh vực cho chúng thần trước mặt hoàng thượng đâu. 17 Nếu hoàng thượng nhất định quăng chúng thần vào giữa lò lửa hừng thì Ðức Chúa Trời chúng thần thờ phượng sẽ giải cứu chúng thần khỏi lò lửa ấy, và Ngài sẽ giải cứu chúng thần khỏi tay hoàng thượng, tâu hoàng thượng. 18 Nhưng nếu Ngài không giải cứu chúng thần, thì tâu hoàng thượng, chúng thần xin hoàng thượng biết rằng chúng thần sẽ không phục vụ các thần của hoàng thượng hay thờ lạy pho tượng vàng hoàng thượng đã dựng lên đâu.”
19 Bấy giờ Nê-bu-cát-nê-xa cực kỳ tức giận Sa-đơ-rắc, Mê-sách, và A-bết-nê-gô. Da mặt ông đổi màu. Ông truyền lịnh đốt lò lửa nóng gấp bảy lần mức bình thường. 20 Kế đó, ông truyền cho các binh sĩ lực lưỡng nhất trong quân đội của ông trói Sa-đơ-rắc, Mê-sách, và A-bết-nê-gô lại, rồi ném họ vào lò lửa đang cháy hừng hực. 21 Vậy, những người ấy bị trói lại và bị quăng vào giữa lò lửa hực. Họ vẫn còn mặc áo choàng, quần dài, khăn trùm đầu, và quần áo lót bên trong. 22 Số là lịnh vua truyền quá cấp bách, và lò lửa lại nóng gấp nhiều lần hơn mức bình thường, nên các binh sĩ có trách nhiệm quăng Sa-đơ-rắc, Mê-sách, và A-bết-nê-gô vào lò lửa đã bị ngọn lửa quá nóng giết chết. 23 Còn ba người đó, Sa-đơ-rắc, Mê-sách, và A-bết-nê-gô, tay chân bị trói chặt, đã rơi vào giữa lò lửa hực.
24 Bấy giờ Vua Nê-bu-cát-nê-xa lấy làm cực kỳ kinh ngạc và bật đứng dậy. Ông hỏi các mưu sĩ của ông, “Há chẳng phải chúng ta đã trói ba người và quăng chúng vào lò lửa sao?” Họ đáp với ông, “Tâu hoàng thượng, đúng vậy.”
25 Ông nói, “Hãy nhìn kìa! Ta thấy bốn người không bị trói đang đi giữa lò lửa, và họ chẳng bị hại gì; và hình dáng của người thứ tư giống như Con của Ðức Chúa Trời. ”
26 Bấy giờ, Nê-bu-cát-nê-xa đến gần miệng lò lửa đang cháy hực và kêu lớn, “Hỡi Sa-đơ-rắc, Mê-sách, và A-bết-nê-gô, các đầy tớ của Ðức Chúa Trời Tối Cao, hãy đi ra, và hãy đến đây.” Vậy Sa-đơ-rắc, Mê-sách, và A-bết-nê-gô bước ra khỏi lò lửa. 27 Khi ấy các thống đốc, các tỉnh trưởng, các tổng trấn, và các mưu sĩ của vua tụ lại quanh ba người ấy; họ thấy lửa không làm hại gì đến thân thể của ba người ấy. Không sợi tóc nào trên đầu họ bị cháy sém, quần áo của họ không bị một chút hư hại gì, và mùi lửa cũng không ngửi thấy trên người họ.
28 Bấy giờ, Nê-bu-cát-nê-xa nói, “Nguyện sự chúc tụng thuộc về Ðức Chúa Trời của Sa-đơ-rắc, Mê-sách, và A-bết-nê-gô, Ðấng đã sai thiên sứ của Ngài đến giải cứu các đầy tớ Ngài, những người tin cậy Ngài. Họ đã bất tuân lệnh vua, và thà chịu chết hơn là thờ phượng bất cứ thần nào khác ngoại trừ Ðức Chúa Trời của họ. 29 Vì thế, ta truyền lịnh rằng bất cứ dân nào, nước nào, hay ngữ tộc nào nói điều gì xúc phạm đến Ðức Chúa Trời của Sa-đơ-rắc, Mê-sách, và A-bết-nê-gô sẽ bị phân thây ra từng mảnh, và nhà của chúng sẽ bị biến thành một đống tro, vì không thần nào khác có thể giải cứu được như thế này.” 30 Sau đó, vua thăng chức cho Sa-đơ-rắc, Mê-sách, và A-bết-nê-gô trong tỉnh Ba-by-lôn.
(Đa-ni-ên 3)

Văn hoá Thờ Tượng trong Công Giáo
Vấn đề thờ ngẫu tượng trở nên phức tạp hơn khi Kitô giáo tách ra khỏi đạo Do Thái do một số trường phái Kitô giáo đã bắt đầu khôi phục lại phong tục thờ tượng. Trên thế giới hiện nay có hàng nghìn trường phái Kitô giáo. Trong đó, hai nhánh lớn nhất là Công Giáo Roma và Tin Lành. Khi nói về “Tin Lành” chúng ta đang nói về tất cả trường phái có nguồn gốc từ Cải Cách Tin Lành của Martin Luther ở thế kỷ 16.
Các trường phái theo nhánh Tin Lành nói chúng là không thờ tượng. Tuy nhiên, Công giáo ít nhiều có thờ tượng, tùy vùng và sở thích của các tín đồ. Khi tranh cãi với tín đồ Tin Lành, các linh mục Công giáo đôi khi hay đưa ra những lý giải phức tạp cho việc này. Ví dụ như họ nói rằng họ không “thờ” tượng đó vì đó là tượng của một vị thánh nhân, chứ không phải là một vị thần. Tuy vậy, về hình thức thì hành động của họ vẫn giống như thờ cúng.

Năm 1970, 96% dân số Mexico (là nơi ở của thầy) theo Công Giáo. [1] Vì thế mà thầy Samael viết:
Thật ngu ngốc khi nói rằng tôn giáo của các bộ lạc bản địa ở Châu Mỹ chỉ là một hình thức thờ ngẫu tượng; như vậy họ cũng có quyền nói rằng tôn giáo của chúng ta là một hình thức thờ ngẫu tượng. Và nếu chúng ta cười khẩy họ thì họ cũng có thể cười khẩy chúng ta. Và nếu chúng ta nói rằng họ sùng bái hoặc đã từng sùng bái các thần tượng, thì họ cũng có thể nói rằng chúng ta sùng bái các thần tượng.
(Samael Aun Weor – Biện chứng Tâm thức – Chương 7)
Đây là một điều hết sức nực cười. Hãy nhớ rằng chính người Châu Âu đã từng lấy tôn giáo làm lý do để nô dịch và tiêu diệt các chủng tộc thiểu số ở Châu Mỹ. Khi còn trẻ, thầy Samael đã từng sống cùng với người dân tộc Kogi ở Colombia để học đạo và học về thuốc truyền thống. Video dưới đây kể về cuộc sống hiện tại của người Kogi và việc những người Tây Ban Nha đã tiêu diệt người dân tộc thiểu số Colombia ngày xưa:
Ghi Chú:
[1] Nguồn thông tin: Gutiérrez, Cristina & De la torre, Renee. (2017). Census data is never enough: How to make visible the religious diversity in Mexico. Social Compass.