Chương 9 – Hành trình tìm kiếm điều diệu kỳ – P. D. Ouspensky

Ghi chú của dịch giả: Các cuốn sách và bài giảng của trường phái Gnosis thường đề cập đến các loại “hydro” trong ngữ cảnh của việc chuyển hoá các ấn tượng tâm lý. Từ này không dùng để chỉ khí hydro theo như định nghĩa của hóa học hiện đại. Ý nghĩa của “hydro” trong ngữ cảnh của Gnosis bắt nguồn từ những học thuyết của G.I. Gurdjieff.

Mặc dù định nghĩa của Gurdjieff về từ “hydro” rất phúc tạp nhưng câu trích dẫn này sẽ đủ để giới thiệu cho độc giả về ý nghĩa của từ này:

“…cần nhớ rằng thuật ngữ ‘hydro’ có ý nghĩa rất rộng. Bất kỳ nguyên tố đơn giản nào đều là một loại ‘hydro’ với tỷ trọng nhất định, nhưng bất kỳ sự kết hợp nào của những nguyên tố có chức năng nhất định, dù là bên ngoài hoặc bên trong cơ thể con người, cũng đều là một loại ‘hydro’.”

Trong chương thứ chín của cuốn sách “Hành trình Tìm kiếm Điều Diệu kỳ”, P. D. Ouspensky đã tóm tắt những ý tưởng của Gurdjieff về hydro. Trước khi đọc chương này, độc giả nên làm quen với những học thuyết của Gurdjieff về định luật quãng tám, được Ouspensky giải thích trong chương 7 của cuốn sách. 

Nội dung của chương này khá là khó hiểu. Có lý giải rõ hơn ở bộ sách Psychological Commentaries on the Teaching of Gurdjieff and Ouspensky bởi Maurice Nicoll. Tuy nhiên, tác phẩm của ông Nicoll vẫn chưa được dịch sang tiếng Việt.

Trong văn bản dưới đây, những đoạn văn bắt đầu bằng dấu ngoặc kép là lời của thầy Gurdjieff và những đoạn văn bắt đầu mà không có dấu ngoặc kép là lời của học trò Ouspensky. 


 Trong một bài giảng, G. bắt đầu vẽ sơ đồ vũ trụ theo một cách hoàn toàn mới. 

 “Từ đầu tới giờ, chúng ta đã nói về các lực tạo ra các thế giới”, ông nói, 

 “… về quá trình tạo hóa bắt nguồn từ Cõi Tuyệt đối. Bây giờ chúng ta sẽ nói về các quá trình diễn ra trong thế giới đã được tạo ra và đang tồn tại. Nhưng phải nhớ rằng quá trình tạo hóa không bao giờ dừng lại, mặc dù trên quy mô hành tinh, sự phát triển diễn ra chậm đến mức nếu chúng ta tính theo thời lượng của mình thì các điều kiện của hành tinh có thể được coi là cố định. 

 “Vì vậy, chúng ta sẽ nói về ‘tia của tạo hóa’ [trong bối cảnh] sau khi vũ trụ đã được hình thành. 

 “Hành động của Cõi Tuyệt đối với thế giới, hoặc với những thế giới do nó tạo ra hoặc được tạo ra bên trong nó, vẫn tiếp tục. Hành động của mỗi thế giới này đối với các thế giới tiếp theo cũng tiếp tục chính xác như vậy. ‘Tất cả các mặt trời’ của dải Ngân hà đều tác động lên mặt trời của chúng ta. Mặt trời tác động lên các hành tinh. ‘Tất cả các hành tinh’ tác động lên trái đất, trái đất tác động lên mặt trăng. Những tác động này được truyền bởi những bức xạ đi qua không gian vũ trụ với các ngôi sao và hành tinh. 

 “Để có thể nghiên cứu những bức xạ này, chúng ta hãy phân tích ‘tia của tạo hóa’ ở dạng rút gọn: Cõi Tuyệt đối-mặt trời-trái đất-mặt trăng, hay nói cách khác, chúng ta hãy tưởng tượng ‘tia của tạo hóa’ ở dạng của ba quãng tám của bức xạ: quãng tám đầu tiên giữa Cõi Tuyệt đối và mặt trời, quãng tám thứ hai giữa mặt trời và trái đất và quãng tám thứ ba giữa trái đất và mặt trăng; và chúng ta hãy xem xét sự di chuyển của các bức xạ giữa bốn điểm cơ bản này của vũ trụ. 

 “Chúng ta cần tìm ra vị trí và hiểu các chức năng của mình trong vũ trụ này, được biểu thị dưới dạng ba quãng tám bức xạ giữa bốn điểm. 

 “Trong quãng tám đầu tiên, Cõi Tuyệt đối bao gồm hai nốt Đô và Si với một ‘cung’ giữa hai nốt đó. 

 

Hình 20

 “Tiếp đó là các nốt La, Son, Fa: tức là 

Hình 21

 “Tiếp đó là một cung và ‘cú sốc’ lấp đầy cung đó, mặc dù đây là cái chúng ta không biết nhưng chắc chắn có tồn tại, rồi sau đó là các nốt Mi, Rê. 

Hình 22

 “Các bức xạ chạm tới mặt trời. Có hai nốt bên trong chính mặt trời là Đô, một ‘cung’ và nốt Si, rồi tiếp theo là La, Son, Fa – những bức xạ hướng tới trái đất. 

Hình 23

“Tiếp theo là một ‘cung’ và ‘cú sốc’ của sự sống hữu cơ lấp đầy ‘cung’ đó, rồi đến nốt Mi Rê Re. Trái đất: nốt Đô, một ‘cung’, nốt Si rồi đến La, Son, Pha – các bức xạ hướng tới mặt trăng; rồi lại có một ‘cung’, một ‘cú sốc’ mà chúng ta không biết, rồi nốt Mi, Rê rồi đến mặt trăng, là nốt Đô. “Giờ đây chúng ta sẽ sử dụng hình thái ba quãng tám này để hình dung về vũ trụ, nó sẽ cho phép ta lý giải được quan hệ giữa vật chất và lực của các bình diện khác nhau của thế giới với cuộc sống của chính mình.

Hình 24

“Cần lưu ý rằng, mặc dù có sáu ‘cung’ trong ba quãng tám này, nhưng chỉ có ba quãng tám trong số đó thực sự cần được bổ sung từ bên ngoài. ‘Cung’ đầu tiên giữa các nốt Đô và Si được lấp đầy bởi ý chí của Cõi Tuyệt đối. ‘Cung’ thứ hai giữa hai nốt Đô và Si được lấp đầy bởi tác động của trọng lượng mặt trời lên các bức xạ đi qua nó. Và ‘cung’ thứ ba giữa Đô và Si được lấp đầy bởi hành động của trọng lượng trái đất lên các bức xạ đi qua nó. Chỉ những ‘cung’ giữa Pha và Mi cần được lấp đầy bởi các ‘cú sốc bổ sung’. 

“Những ‘cú sốc bổ sung’ này có thể đến từ những quãng tám khác đi qua một điểm hoặc từ những quãng tám song song bắt đầu từ những điểm cao hơn. Chúng ta không biết gì về bản chất của ‘cú sốc’ giữa nốt Mi và nốt Pha trong quãng tám đầu tiên từ Cõi Tuyệt đối đến Mặt trời. Nhưng ‘cú sốc’ trong quãng tám Mặt trời-Trái đất chính là sự sống hữu cơ trên trái đất, tức là ba nốt La, Son, Pha của quãng tám bắt đầu từ mặt trời. Chúng ta không biết về bản chất của ‘cú sốc’ giữa Mi và Pha trong quãng tám Trái đất-Mặt trăng. 

“Cần lưu ý rằng thuật ngữ ‘một điểm của vũ trụ‘ mà tôi đã sử dụng có ý nghĩa cụ thể, là, một ‘điểm’ đại diện cho một tổ hợp nhất định của các hydro được tập hợp ở một nơi xác định và hoàn thành một chức năng nhất định trong hệ thống này hay hệ thống khác. Không thể thay thế khái niệm ‘điểm’ bằng khái niệm ‘hydro’ bởi ‘hydro’ chỉ đơn giản có nghĩa là vật chất không bị giới hạn trong không gian. Một điểm luôn bị giới hạn trong không gian. Đồng thời, một ‘điểm của vũ trụ’ có thể được chỉ định bằng số của loại ‘hydro’ chính yếu trong đó hoặc loại ‘hydro’ có vai trò trung tâm trong đó. 

“Nếu bây giờ xem xét quãng tám bức xạ đầu tiên trong ba quãng tám này, cụ thể là quãng tám Cõi Tuyệt đối-Mặt trời, từ góc nhìn của định luật bộ ba, thì chúng ta sẽ thấy rằng nốt Đô là chất dẫn của lực tích cực, được biểu thị bởi số 1, còn vật chất mà trong đó lực này hoạt động là ‘các-bon’ (C). Lực ‘tích cực’ này tạo ra nốt Đô trong Cõi Tuyệt đối và thể hiện cho tần số tối đa của các rung động hay tỷ trọng lớn nhất của các rung động.
“Cách gọi ‘tỷ trọng các rung động’ tương ứng với ‘tần số rung động’ và được dùng một cách đối nghĩa với ‘tỷ trọng của vật chất’, có nghĩa là, ‘tỷ trọng vật chất’ càng cao thì ‘tỷ trọng rung động’ càng thấp và ngược lại, ‘tỷ trọng rung động’ càng cao thì ‘tỷ trọng vật chất’ càng thấp.

“’Tỷ trọng rung động’ lớn nhất ở trong những vật chất mỏng nhất và hiếm nhất. Còn ở vật chất dày nhất, các rung động bị chậm lại và gần như đứng im. Vì vậy, vật chất mỏng nhất tương ứng với ‘tỷ trọng rung động’ lớn nhất. “Lực tích cực trong Cõi Tuyệt đối có ‘tỷ trọng rung động’ lớn nhất, còn vật chất mà trong đó các rung động hoạt động, tức là ‘các-bon’ đầu tiên, thể hiện tỷ trọng tối thiểu của vật chất.

“Nốt Si trong Cõi Tuyệt đối là chất dẫn của lực bị động được chỉ định bởi số 2. Và vật chất mà trong đó lực này hoạt động hay ở trong đó nốt Si được phát ra sẽ được gọi là ‘ô-xy’ (O).

“Nốt La sẽ là chất dẫn của lực trung hòa được chỉ định bởi số 3, và chất phát ra nốt La là ‘nitơ’ (N). 

 “Theo thứ tự tác dụng của các lực, chúng sẽ đứng theo thứ tự lần lượt là 1, 2, 3, tương ứng với các thành phần ‘các-bon’, ‘ô-xy’, ‘nitơ’. Nhưng theo tỷ trọng vật chất, chúng sẽ đứng theo thứ tự: ‘các-bon’, ‘nitơ’, ‘ô-xy’, nghĩa là, 1, 3, 2, bởi vì với việc ‘nitơ’ giữ số 3, có nghĩa “nitơ” là chất dẫn của lực trung hòa, được sắp xếp theo tỷ trọng vật chất của nó với ‘các-bon’ và ‘ô-xy’, trong khi ‘ô-xy’ là chất đặc nhất trong ba chất.

 “’Các-bon’, ‘ô-xy’ và ‘nitơ’ kết hợp với nhau sẽ tạo ra vật chất có bậc 4, hay ‘hydro’ (H), với tỷ trọng được chỉ định bằng số 6 (là tổng của 1, 2, 3), tức là, H6: 

 Bộ ba đầu tiên 

Hình 24.1

“C, O, N giữ nguyên các số 1, 2, 3. ‘Các-bon’ luôn là 1, ‘ô-xy’ luôn là 2 và ‘nitơ’ luôn là 3. 

“Nhưng do ‘nitơ’ hoạt động tích cực hơn ‘ô-xy’ nên nó có vai trò là nguyên tố tích cực trong bộ ba tiếp theo và có tỷ trọng là 2. Nói cách khác, ‘nitơ’ có tỷ trọng là 2 và ‘ô-xy’ có tỷ trọng là 3. 

“Vì vậy, nốt La của bộ ba đầu tiên là chất dẫn của lực tích cực trong bộ ba tiếp theo mà nó đi vào với tỷ trọng là 2. Nếu ‘các-bon’ đi vào với tỷ trọng 2, thì ‘ô-xy’ và ‘nitơ’ phải tương ứng với nó về tỷ trọng, lặp lại tỷ lệ tỷ trọng của bộ ba đầu tiên. Trong bộ ba đầu tiên, tỷ lệ các tỷ trọng là 1, 2, 3; trong bộ ba thứ hai nó phải là 2, 4, 6, nghĩa là, ‘các-bon’ của bộ ba thứ hai sẽ có tỷ trọng là 2, ‘nitơ’ có tỷ trọng là 4, ‘ô-xy’ có tỷ trọng là 6. Kết hợp với nhau chúng sẽ tạo ra ‘hydro’ 12 (H12): 

Bộ ba thứ hai

Hình 24.2

 “Theo cùng một cách hoạch định và sắp xếp thứ tự, bộ ba sau đây sẽ được xây dựng: Pha, ‘cú sốc’, Mi. ‘Các-bon’ vốn là ‘nitơ’ trong bộ ba thứ hai đi vào với tỷ trọng là 4; ‘nitơ’ và ‘ô-xy’ tương ứng với nó phải có tỷ trọng là 8 và 12; chúng cùng nhau sẽ tạo ra ‘hydro’ 24 (H24): 

Bộ ba thứ ba

Hình 24.3

“Bộ ba tiếp theo Mi, Re, Đô, theo cùng cách hoạch định và xếp thứ tự sẽ tạo ra ‘hydro’ 48 (H48): 

Bộ ba thứ tư

Hình 24.4

“Bộ ba Đô, Si, La sẽ tạo ra ‘hydro’ 96 (H96): 

Bộ ba thứ năm

Hình 24.5

“Bộ ba La, Son, Pha – ‘hydro’ 192 (H192): 

Bộ ba thứ sáu

Hình 24.6

Pha, ‘cú sốc’, Mi – ‘hydro’ 384 (H384):

Bộ ba thứ bảy

Hình 24.7

Mi, Re, Đô – ‘hydro’ 768 (H768): 

Bộ ba thứ tám

Hình 24.8

Đô, Si, La – ‘hydro’ 1536 (H1536):

Bộ ba thứ chín

Hình. 24.9

La, Son, Pha – ‘hydro’ 3072 (H3072): 

Bộ ba thứ mười

Hình 24.10

Pha, ‘cú sốc’, Mi – ‘hydro’ 6144 (H6144): 

Bộ ba thứ mười một

Hình 24.11

Mi, Re, Đô – ‘hydro’ 12288 (H12288): 

Bộ ba thứ mười hai

Hình 24.12

Có mười hai ‘hydro’ với tỷ trọng dao động từ 6 đến 12288 (Xem Bảng 1.)

“Mười hai ‘hydro’ này đại diện cho mười hai loại vật chất trong vũ trụ từ Cõi Tuyệt đối đến mặt trăng, và nếu có thể xác định chính xác chất nào trong số những chất này cấu thành và hoạt động trong cơ thể con người, thì đó sẽ là yếu tố duy nhất quyết định vị trí của con người trong thế giới.

Bảng 1

“Nhưng tại vị trí hiện tại của chúng ta, trong giới hạn của năng lực và sức mạnh thông thường của mình, ta không thể phân chia được ‘hydro’ 6; do đó chúng ta có thể coi ‘hydro’ 6 như là ‘hydro’ 1 và coi ‘Hydro’ tiếp theo, ‘Hydro’ 12, như là ‘hydro’ 6. Nếu chia đôi [số của] các hydro tiếp theo, chúng ta sẽ có một chuỗi từ ‘hydro’ 1 đến ‘hydro’ 6144. (Xem Bảng 2)

“Tuy vậy, ta vẫn không thể phân chia được ‘hydro’ 6. Do đó, chúng ta cũng có thể coi nó là ‘hydro’ 1, coi ‘hydro’ tiếp theo sau nó là ‘hydro’ 6 và tiếp tục chia đôi tất cả các giá trị sau đó. 

“Chuỗi được xác định theo phương pháp này có giá trị từ 1 đến 3072 và ta có thể dùng nó để nghiên cứu về con người. (Xem Bảng 3.) 

Bảng 2 (trái) & bảng 3 (phải)

“Tất cả các chất từ ‘hydro’ 6 đến ‘hydro’ 3072 đều tồn tại trong cơ thể con người và đóng vai trò trong đó. Mỗi ‘hydro’ này bao gồm một nhóm rất lớn các chất hóa học mà chúng ta đã biết, được liên kết với nhau theo một chức năng nhất định liên quan đến cơ thể của chúng ta. Nói cách khác, cần nhớ rằng thuật ngữ ‘hydro’ có ý nghĩa rất rộng. Bất kỳ nguyên tố đơn giản nào đều là một loại ‘hydro’ với tỷ trọng nhất định, nhưng bất kỳ sự kết hợp nào của những nguyên tố có chức năng nhất định, dù là trong thế giới hoặc trong cơ thể con người, cũng đều là một loại ‘hydro’. 

 “Cách định nghĩa này cho phép chúng ta phân loại vật chất theo quan hệ giữa chúng với sự sống và với các chức năng của cơ thể chúng ta. 

“Chúng ta hãy bắt đầu với ‘hydro’ 768. ‘Hydro’ này được định nghĩa là thực phẩm, nói cách khác, ‘hydro’ 768 bao gồm tất cả các chất có thể dùng làm ‘thực phẩm’ cho con người. Các chất không thể dùng làm ‘thực phẩm’, chẳng hạn như một mảnh gỗ, được coi là ‘hydro’ 1536. Một mẩu sắt là ‘hydro’ 3072. Mặt khác, một vật chất ‘mỏng’, có tính chất dinh dưỡng kém, sẽ gần với ‘hydro’ 384. 

“’Hydro’ 384 được định nghĩa là nước. 

“’Hydro’ 192 là không khí của bầu khí quyển mà chúng ta hít thở. 

“’Hydro’ 96 đại diện cho các loại khí loãng mà con người không thể hít thở được, nhưng là loại khí có vai trò rất quan trọng đối với cuộc sống của chúng ta; và hơn nữa, đây là chất dẫn của khí lực động vật [1], sự xạ khí từ cơ thể con người, các ‘tia n'[2], hooc-môn, vitamin, v.v.; nói cách khác, ‘hydro’ 96 chấm dứt những gì được gọi là vật chất hoặc những gì được bộ môn vật lý và hóa học của chúng ta coi là vật chất. ‘Hydro’ 96 cũng bao gồm các chất mà môn hóa học gần như không thể nhận biết hoặc chỉ có thể nhận biết được bởi dấu vết hoặc kết quả của chúng, thường chỉ được một số người phỏng đoán và những người khác phủ nhận.

[1] Khí lực Động vật (tiếng Anh: Animal Magnetism) – trong lý thuyết của nhà thôi miên học Franz Mesmer, cơ thể con người và động vật phát ra ‘từ trường’. Khí lực này có tác dụng chữa bệnh hoặc gây ra bệnh, hấp dẫn người khác, và truyền cảm ứng.


[2] Tia n (tiếng Anh: n-rays) – Năm 1903 nhà vật lý học Prosper-René Blondlot đã quan sát một hiện tượng kỳ lạ trong phòng thí nghiệm. Blondlot đưa ra giả thuyết rằng hiện tượng đó là hậu quả của một loại bực xạ mới ông gọi là ‘Tia n’. Một thời gian sau, cộng đồng vật lý học đã chứng mình rằng hiện tượng đó chỉ là ảo giác.

“’Hydro’ 48, 24, 12 và 6 là những vật chất mà vật lý và hóa học chưa được biết đến, là những vật chất của đời sống tâm linh và tinh thần của chúng ta ở các cấp độ khác nhau. 

“Nhìn chung khi xem xét ‘bảng tuần hoàn khí hydro’, phải luôn nhớ rằng mỗi ‘hydro’ trong bảng tuần hoàn này bao gồm một số lượng lớn các chất khác nhau được kết nối với nhau bởi cùng một chức năng trong cơ thể chúng ta và đại diện cho một ‘nhóm vũ trụ’ nhất định. 

“’Hydro’ 12 tương ứng với ‘hydro’ của hóa học (trọng lượng nguyên tử bằng 1). ‘Các-bon’, ‘nitơ’ và ‘ô-xy’ (của môn hóa học) có trọng lượng nguyên tử là: 12, 14 và 16. 

“Ngoài ra, có thể chỉ ra trong bảng tuần hoàn khối lượng nguyên tử, những nguyên tố tương ứng với một số hydro nhất định, tức là những nguyên tố có khối lượng nguyên tử gần như theo đúng tỷ lệ quãng tám với nhau. Do đó ‘hydro’ 24 tương ứng với flo, Fl, trọng lượng nguyên tử 19; ‘hydro’ 48 tương ứng với Clo, Cl., khối lượng nguyên tử 35,5; ‘hydro’ 96 tương ứng với Brom, Br., khối lượng nguyên tử 80; và ‘hydro’ 192 tương ứng với Iốt, I., khối lượng nguyên tử 127. 

“Khối lượng nguyên tử của các nguyên tố này gần như có tỷ lệ một quãng tám với nhau, nói cách khác, khối lượng nguyên tử của một trong các nguyên tố đó gần như gấp đôi khối lượng nguyên tử của nguyên tố khác. Sai số nhỏ, nghĩa là mối quan hệ quãng tám không đầy đủ, được tạo ra bởi thực tế là hóa học thông thường không xem xét tất cả các thuộc tính của một chất, không tính đến các ‘thuộc tính vũ trụ’. Hóa học mà chúng ta nói ở đây nghiên cứu vật chất trên cơ sở khác với hóa học thông thường và xem xét không chỉ hóa học và vật lý, mà còn xem xét các đặc tính tâm linh và vũ trụ của vật chất. 

“Hóa học hay thuật luyện kim đan này trước hết xem xét vật chất từ góc nhìn về các chức năng của nó, qua đó xác định vị trí của nó trong vũ trụ và quan hệ của nó với các vật chất khác và sau đó từ góc nhìn về mối quan hệ của nó với con người và với chức năng của con người. 

“Khi nói về ‘nguyên tử’ của một chất, chúng ta đang nói về lượng nhỏ nhất của chất đó mà vẫn giữ lại tất cả các đặc tính hóa học, vũ trụ và tâm linh của nó, bởi vì, ngoài các đặc tính vũ trụ, mọi chất còn có các đặc tính tâm linh, tức là, một mức độ trí tuệ nhất định. Do đó, khái niệm ‘nguyên tử’ có thể không chỉ đề cập đến các nguyên tố, mà còn để chỉ tất cả các hợp chất có chức năng xác định trong vũ trụ hoặc trong cuộc sống của con người. Có thể có một nguyên tử nước, một nguyên tử không khí (nghĩa là không khí trong khí quyển thích hợp cho việc thở của con người), một nguyên tử bánh mì, một nguyên tử thịt, v.v. Trong trường hợp này, một nguyên tử nước sẽ là một phần mười của một phần mười milimét khối nước đo tại một nhiệt độ nhất định bằng một nhiệt kế đặc biệt. Đây sẽ là một giọt nước nhỏ li ti mà mắt thường có thể nhìn thấy trong một số điều kiện nhất định. 

“Nguyên tử này là lượng nước nhỏ nhất có khả năng giữ được tất cả các thuộc tính của nước. Khi phân chia thêm, một số đặc tính này biến mất, có nghĩa là, nó sẽ không còn là nước mà là một thứ tiến đến trạng thái khí của nước, hơi nước, chúng không khác với nước ở trạng thái lỏng về mặt hóa học nhưng có các chức năng khác nhau và do đó các thuộc tính vũ trụ và tâm linh khác nhau. 

“’Bảng tuần hoàn khí hydro’ cho phép ta phân tích mọi chất cấu thành nên cơ thể con người từ góc nhìn về quan hệ của chúng với các bình diện khác nhau của vũ trụ. Và do mọi chức năng của con người là kết quả hoạt động của các chất xác định, và mỗi chất được kết nối với một bình diện xác định trong vũ trụ, điều này cho phép ta xác định được quan hệ giữa các chức năng của con người với các bình diện của vũ trụ.” 


Đến đây, tôi phải nói rằng các vấn đề “ba quãng tám phóng xạ” và “bảng tuần hoàn hydro” là vấn đề trở ngại đối với chúng tôi trong một khoảng thời gian dài. Phải sau đó tôi mới hiểu được nguyên tắc cơ bản và quan trọng nhất về sự chuyển đổi của các bộ ba và cấu trúc của vật chất, và tôi sẽ đề cập đến nó vào thời điểm thích hợp. Nhìn chung, khi trình bày các bài giảng của G., tôi cố gắng quan sát một trình tự thời gian, mặc dù điều này không phải lúc nào cũng khả thi do một số thứ lặp lại nhiều lần và xuất hiện theo cách này hay cách khác ở hầu hết các bài giảng. Với cá nhân tôi, “bảng tuần hoàn hydro” đã tạo ra ấn tượng rất mạnh, và sau này còn trở nên mạnh hơn nữa. Tôi thấy rằng “chiếc thang từ trái đất đến thiên đường” này là thứ gì đó rất giống với những cảm giác về thế giới, khi tôi cảm nhận rất rõ tính kết nối, tính toàn vẹn và tính “toán học” của mọi thứ trên thế giới, thứ mà tôi cảm nhận được vài năm trước khi đang thực hiện các thí nghiệm kỳ lạ của mình. [ghi chú 1] 

Bài giảng này được nhắc lại nhiều lần với các cách trình bày khác nhau, hoặc liên quan đến cách giải thích “tia tạo hóa” hay liên quan đến cách giải thích định luật quãng tám. Nhưng bất chấp cái cảm giác lạ lùng mà nó mang đến, trong lần đầu nghe về nó tôi vẫn không tài nào nhận ra giá trị đúng đắn của nó. Và hơn hết, tôi không thể lập tức hiểu được rằng những ý tưởng này còn khó lĩnh hội và có nội hàm sâu sắc hơn nhiều so với bề ngoài đơn giản của chúng. Tôi vẫn còn nhớ được một tình tiết. Nó xảy ra ở một trong các bài giảng được lặp lại về cấu trúc của vật chất trong quan hệ với các cơ chế của vũ trụ. Bài giảng được đọc bởi P., một kỹ sư trẻ và là học trò của G. ở Moscow, người mà tôi đã nhắc đến trước đây. Tôi có mặt khi bài giảng đã bắt đầu. Khi nghe đến những từ ngữ quen thuộc, tôi cho rằng mình đã nghe bài giảng này rồi và vì thế quyết định sẽ ngồi ở một góc trong căn phòng khách, tôi hút thuốc và nghĩ về một thứ khác. G. cũng có mặt ở đó. 

“Tại sao cậu không nghe bài giảng?” ông hỏi tôi sau khi bài giảng kết thúc.

“Nhưng trước đó tôi đã nghe rồi,” tôi nói.

G. lắc đầu trách móc. Và thành thật mà nói, tôi không hiểu ông ấy mong đợi điều gì ở tôi, tại sao tôi lại phải nghe cùng một bài giảng đến hai lần. Phải rất lâu sau đó tôi mới hiểu được, sau khi các bài giảng kết thúc và khi tôi cố tóm tắt trong đầu tất cả những gì mình đã nghe. Thường thì khi nghĩ lại về một câu hỏi, tôi có thể nhớ khá rõ rằng nó đã được trình bày trong một bài giảng nào đó. Nhưng đáng tiếc là tôi không có cách nào nhớ được chính xác những gì đã được trình bày, và khi ấy tôi sẵn lòng làm bất cứ điều gì để được nghe lại một lần nữa.

“Gần hai năm sau, vào tháng 11 năm 1917, chúng tôi có một nhóm nhỏ, trong số đó có G., sống ở bờ Biển Đen cách Tuapse hai mươi lăm dặm về phía bắc, trong một căn nhà nhỏ vùng đồng quê cách nơi sinh hoạt gần nhất khoảng một dặm. Một buổi tối chúng tôi ngồi nói chuyện. Lúc ấy đã muộn, thời tiết thì xấu, một cơn gió đông bắc thổi mang theo từng trận mưa, trận tuyết.

Khi ấy tôi đang nghĩ về những suy luận từ ‘bảng tuần hoàn khí hydro’, chủ yếu là về sự không đồng nhất trong bảng này so với bảng khác mà chúng tôi sau đó được nghe. Câu hỏi của tôi là về những hydro dưới mức bình thường. Sau này tôi sẽ giải thích chính xác câu hỏi của tôi, và câu trả lời của G. vào thời điểm rất lâu sau đó. Lần này ông đã không cho tôi một câu trả lời trực tiếp.

“Lẽ ra cậu phải biết điều đó,” ông nói,

“nó được nói đến trong bài giảng ở St. Petersburg. Chắc chắn cậu đã không nghe. Cậu còn nhớ bài giảng mà cậu không muốn nghe vì cậu nói đã biết bài giảng đó không? Nhưng điều được nói đến ở bài giảng lúc đó chính là điều cậu đang hỏi lúc này.”

Sau một khoảng lặng, ông nối: “Giờ thì, nếu cậu nghe ai nói rằng có người đang trình bày đúng bài giảng đó ở Tuapse, thì liệu cậu có đi bộ đến đó không?”

“Có,” tôi nói.

Và quả thực, mặc dù tôi biết chắc quãng đường đó có thể dài, khó khăn và lạnh giá đến chừng nào, nhưng điều đó sẽ không cản bước tôi. G. bật cười.

“Cậu sẽ đi thật ư?” ông hỏi.

“Cậu nghĩ xem – hai mươi lăm dặm, đêm tối, tuyết, mưa, gió.”

“Còn gì để phải nghĩ ạ?” Tôi nói.

“Thầy biết đấy, em đã nhiều lần đi bộ cả chặng đường đó, hồi còn không có ngựa hay không còn chỗ cho em trên xe ngựa, và chẳng phải vì phần thưởng gì mà đơn giản chỉ vì không có việc gì khác để làm. Dĩ nhiên em sẽ đi mà không một lời ca thán nếu ai đó giảng dạy về những điều này ở Tuapse.”

“Đúng,” G. nói, “giá mà ai cũng lập luận như vậy. Nhưng trên thực tế người ta lại lập luận theo cách hoàn toàn ngược lại. Khi không cần thiết họ sẵn sàng đối mặt với bất kỳ khó khăn nào. Nhưng với vấn đề quan trọng có khả năng thực sự mang lại cho họ điều gì đó thì họ thậm chí không nhúc nhích nổi một ngón tay. Đó chính là bản chất con người. Con người không bao giờ muốn trả giá cho bất kỳ thứ gì; và hơn hết, người ta không muốn phải trả giá cho thứ quan trọng nhất đối với người ta. Giờ đây cậu biết rằng cái gì cũng có cái giá của nó và cần phải được trả tương xứng với cái mình nhận được. Nhưng thông thường một người lại nghĩ theo cách ngược lại. Đối với những thứ lặt vặt, những thứ hoàn toàn vô dụng với mình, người ta sẽ trả bất cứ giá nào. Nhưng với thứ gì đó quan trọng thì không đời nào. Thứ đó sẽ phải đến với người ta một cách tự nhiên.

“Còn nói về bài giảng, điều cậu vừa hỏi đích thị đã được đề cập đến ở St. Petersburg. Khi ấy nếu cậu lắng nghe thì giờ đây đã có thể hiểu rằng không hề có sự mâu thuẫn giữa các sơ đồ đó và thực tế không thể nào có sự mâu thuẫn nào.”

Nhưng hãy trở về với chủ đề của St. Petersburg. Giờ đây khi nhìn lại, tôi không khỏi bàng hoàng trước tốc độ mà G. truyền đạt các ý tưởng chủ đạo về hệ thống của ông cho chúng tôi. Tất nhiên, phần lớn là do cách thuyết trình của ông, do khả năng phi phàm của ông trong việc nhấn mạnh tất cả các điểm chính, thiết yếu mà không đi sâu phân tích chi tiết một cách không cần thiết cho đến khi chúng tôi đã hiểu được các điểm chính.

Sau vấn đề ‘hydro’ G. đã phân tích sâu hơn.

“Chúng ta muốn ‘hành động’, nhưng” (ông bắt đầu bài giảng tiếp theo) “trong mọi hành động của mình, chúng ta bị trói buộc và giới hạn bởi lượng năng lượng mà cơ thể mình tạo ra. Mọi chức năng, mọi trạng thái, mọi hành động, mọi suy nghĩ, mọi cảm xúc đều đòi hỏi một lượng năng lượng xác định, một chất nhất định và chính xác.

“Chúng ta đi đến kết luận rằng cần phải ‘nhớ bản thân’. Nhưng chúng ta chỉ có thể ‘nhớ bản thân’ nếu chúng ta có trong mình năng lượng để ‘nhớ bản thân’. Chúng ta chỉ có thể nghiên cứu điều gì đó, hiểu hoặc cảm nhận điều gì đó khi chúng ta có năng lượng cần thiết để hiểu, cảm nhận hoặc nghiên cứu.

“Như vậy, một người cần làm gì khi phát hiện ra mình không đủ năng lượng để theo đuổi những mục tiêu tự đặt ra cho bản thân?

“Câu trả lời là, mọi người bình thường đều có khá đủ năng lượng để bắt đầu thực hiện các công tác đối với bản thân. Chỉ cần học được cách tiết kiệm phần lớn năng lượng mà chúng ta có cho việc quan trọng thay vì lãng phí nó một cách vô nghĩa.

“Năng lượng được sử dụng chủ yếu cho những cảm xúc không cần thiết và không vui, cho sự kỳ vọng về những điều tốt đẹp, dù là khả thi hay bất khả thi, cho những tâm trạng xấu, cho sự vội vã, lo lắng, khó chịu, tưởng tượng, mơ mộng,… không cần thiết. Năng lượng bị lãng phí cho những công việc sai lầm của các trung tâm; cho những lần gồng cơ bắp một cách không cần thiết, không tương xứng với công việc được thực hiện; cho sự tán ngẫu liên miên gây tổn hao một lượng năng lượng rất lớn; cho sự ‘quan tâm’ thường xuyên tới những điều xảy ra quanh ta và những người khác, trong khi không hề thực sự quan tâm cho việc thường xuyên lãng phí lực ‘chú tâm’; và vân vân.

“Khi bắt đầu đấu tranh với những mặt mang tính thói quen trong cuộc sống này, con người có thể tiết kiệm được lượng năng lượng rất lớn, và với sự giúp sức của năng lượng đó, người ta có thể dễ dàng bắt đầu công việc nghiên cứu bản thân và tự hoàn thiện bản thân.

“Tuy nhiên, sau đó vấn đề trở nên phức tạp hơn. Sau khi đã cân bằng cơ thể của mình đến một mức độ nhất định và đã thực chứng rằng nó tạo ra nhiều năng lượng hơn mức kỳ vọng, con người sẽ đi đến kết luận rằng năng lượng của người ta vẫn chưa đủ và rằng nếu muốn tiến triển trong công việc rèn luyện, người ta sẽ phải có thêm lượng năng lượng được tạo ra.

“Nghiên cứu về hoạt động của cơ thể người cho thấy điều này là hoàn toàn khả thi.

“Cơ thể con người giống như một nhà máy hóa chất với năng suất đầu ra theo hoạch định là khá lớn. Nhưng trong những điều kiện thông thường của cuộc sống, đầu ra của nhà máy này không thể đạt được năng suất theo khả năng của nó, vì chỉ có một phần nhỏ của cỗ máy được sử dụng và chỉ tạo ra số lượng vật liệu đủ đề duy trì sự tồn tại của nó. Sự vận hành nhà máy theo cách này rõ ràng là vô cùng lãng phí. Nhà máy đó thực chất không sản xuất được gì – tất cả các máy móc, tất cả các thiết bị phức tạp của nó thực ra không phục vụ mục đích gì, do nó chỉ có thể chật vật để duy trì sự tồn tại của chính mình.

“Công việc của nhà máy bao gồm việc chuyển hóa từ loại vật chất này sang loại vật chất khác, cụ thể là từ những vật chất thô của vũ trụ sang những vật chất tinh hơn. Nhà máy nhận một số ‘hydro’ thô như những nguyên vật liệu từ thế giới bên ngoài và chuyển hóa chúng thành những hydro tinh thông qua một loạt các quá trình luyện kim đan phức tạp. Nhưng trong hoàn cảnh cuộc sống tầm thường thì quá trình sản xuất các ‘hydro’ tinh của nhà máy con người mà chúng ta đặc biệt quan tâm, xét từ góc độ tiềm năng của những trạng thái tâm thức cao hơn và đối với hoạt động của các trung tâm cao cấp, là không đủ và tất cả đều bị lãng phí trong việc duy trì nhà máy. Nếu có thể đưa được năng suất sản xuất lên tối đa, thì chúng ta có thể bắt đầu tiết kiệm được các ‘hydro’. Khi đó toàn bộ cơ thể, tất cả các mô, tất cả các tế bào sẽ thấm đẫm các ‘hydro’ tinh này, và các ‘hydro’ tinh sẽ dần cố định trong chúng, kết tinh theo một cách đặc biệt. Sự kết tinh của ‘hydro’ như vậy sẽ dần đưa toàn bộ cơ thể lên một cấp độ cao hơn, đi tới một bình diện cuộc sống cao hơn.

“Tuy nhiên, điều này không thể xảy ra trong điều kiện của một cuộc sống bình thường, bởi vì ‘nhà máy’ tiêu thụ hết những gì nó sản xuất ra.

“’Học cách tách cái tinh khỏi cái thô’ – nguyên tắc từ ‘Bản Bích ngọc của Hermes Trismegistus’ ( ‘Emerald Tablets of Hermes Trismegistus’) dẫn chiếu đến công việc của nhà máy con người, và nếu một người học được cách ‘tách cái tinh khỏi cái thô’, tức là nếu người ta đưa năng suất sản xuất ‘hydro’ tinh lên mức tối đa, thì từ chính việc này người ta sẽ tạo được cho mình khả năng phát triển nội tại, vốn không thể được thực hiện theo bất kỳ một cách nào khác.

“Sự phát triển nội tại, sự phát triển của các cơ thể nội tại của con người, cơ thể cảm xúc, cơ thể lý trí, v.v., là một quá trình vật chất hoàn toàn tương tự với sự phát triển của cơ thể vật lý. Để phát triển, một đứa trẻ cần có thức ăn tốt, các cơ quan của nó cần ở trong trạng thái khỏe mạnh để chuẩn bị từ thức ăn đó các chất cần thiết cho sự phát triển của tế bào. Điều tương tự cũng cần thiết cho sự phát triển của ‘cơ thể cảm xúc’. Hơn nữa, sự phát triển của ‘cơ thể cảm xúc’ đó đòi hỏi những chất liệu y hệt như các chất cần thiết để duy trì cơ thể vật lý, chỉ là với lượng lớn hơn rất nhiều. Nếu một cơ thể vật lý bắt đầu tạo ra được đủ các tinh chất này và ‘cơ thể cảm xúc’ bên trong nó được hình thành, thì cơ thể cảm xúc đó sẽ đòi hỏi ít chất để duy trì hơn so với lúc phát triển. 

“Sau đó phần thặng dư từ những chất này có thể được dùng cho sự hình thành và phát triển của ‘cơ thể lý trí’, cơ thể đó sẽ phát triển với sự trợ giúp của chính những chất nuôi dưỡng ‘cơ thể cảm xúc’, nhưng tất nhiên sự phát triển của ‘cơ thể lý trí’ sẽ đòi hỏi lượng chất nhiều hơn so với sự phát triển và nuôi dưỡng của ‘cơ thể cảm xúc’. Phần thặng dư của các chất còn lại sau khi nuôi dưỡng ‘cơ thể lý trí’ sẽ được dùng cho sự phát triển của cơ thể thứ tư. Nhưng trong mọi trường hợp, phần thặng dư đó sẽ phải rất lớn. Tất cả những chất tinh cần thiết cho sự phát triển và nuôi dưỡng các cơ thể cao hơn phải được sản xuất trong các cơ quan vật lý, và cơ quan vật lý có khả năng sản xuất ra chúng với điều kiện nhà máy con người vận hành một cách đúng đắn và tiết kiệm.

“Tất cả những chất cần thiết để duy trì sự sống của cơ thể, cho hoạt động tâm linh, cho các chức năng cao hơn của tiềm thức và sự phát triển của các cơ thể cao hơn, đều do cơ thể sản xuất từ thức ăn được nạp từ bên ngoài.

“Cơ thể con người nhận được ba loại thức ăn:

  1. Thức ăn thông thường chúng ta ăn
  2. Không khí chúng ta hít thở
  3. Ấn tượng chúng ta tiếp nhận

“Các bạn sẽ dễ dàng đồng ý rằng không khí là một loại thức ăn cho cơ thể. Nhưng làm cách nào mà ấn tượng lại có thể là một loại thức ăn thì thoạt nhiên thật khó hiểu. Tuy nhiên, chúng ta cần nhớ rằng, với mọi ấn tượng bên ngoài, dù là dưới hình thức âm thanh hay hình ảnh hay mùi vị, chúng ta đều nhận từ bên ngoài một lượng năng lượng nhất định, một số lượng rung động nhất định. Loại năng lượng này đi vào cơ thể từ bên ngoài và nó chính là thức ăn. Hơn nữa, như đã nói, năng lượng không thể được truyền đi mà không có vật chất. Nếu một ấn tượng bên ngoài mang theo nó năng lượng bên ngoài vào cơ thể, điều đó có nghĩa là vật chất bên ngoài cũng đi vào cơ thể và nuôi dưỡng cơ thể theo nghĩa đầy đủ của thuật ngữ đó.

“Để có thể tồn tại một cách bình thường, cơ thể cần nhận đủ ba loại thức ăn là thức ăn vật lý, không khí và ấn tượng. Cơ thể không thể tồn tại chỉ dựa vào một hay hai loại thức ăn, mà cần có đủ ba loại. Nhưng quan hệ giữa các loại thức ăn này với nhau và tầm quan trọng của nó đối với cơ thể là không giống nhau. Cơ thể có thể tồn tại khá lâu mà không cần có thức ăn vật lý mới.

“Thực tế có nhiều trường hợp thiếu ăn kéo dài hơn sáu mươi ngày mà cơ thể không hề mất đi sức sống và hồi phục nhanh chóng ngay sau khi được nạp thức ăn. Tất nhiên kiểu thiếu ăn này không thể được coi là toàn diện, vì trong mọi trường hợp tự tuyệt thực, người ta vẫn còn uống nước. Dẫu sao, kể cả khi không có nước thì một người vẫn có thể sống mà không có thức ăn trong vài ngày. Nếu không có không khí thì người ta chỉ có thể tồn tại trong vài phút, không thể nhiều hơn hai đến ba phút, và nói chung thì một người sẽ chết sau bốn phút không có không khí. Nếu không có ấn tượng, một người không thể sống bất kỳ giây phút nào. Nếu luồng ấn tượng bị ngừng vì một lý do nào đó hoặc nếu cơ thể không còn khả năng tiếp nhận ấn tượng, thì nó sẽ chết ngay lập tức.

“Luồng ấn tượng đến với chúng ta từ bên ngoài giống như một vành đai dẫn động truyền chuyển động đến chúng ta. Động cơ chính của chúng ta là thiên nhiên, là thế giới xung quanh. Thông qua các ấn tượng của ta, thiên nhiên truyền tới chúng ta năng lượng cần thiết để sống, cử động và tồn tại. Nếu dòng chảy năng lượng này bị ngưng lại, cỗ máy của chúng ta sẽ lập tức ngừng hoạt động. Vì vậy, trong số ba loại thức ăn thì thức ăn quan trọng nhất đối với chúng ta là ấn tượng, mặc dù có thể thấy một người không thể tồn tại lâu nếu chỉ dựa vào ấn tượng. Các ấn tượng và không khí cho phép một người có thể tồn tại lâu hơn đôi chút. Ấn tượng, không khí và thức ăn vật lý cho phép cơ thể sống đến hết thời hạn vòng đời và tạo ra các chất cần thiết không chỉ cho việc duy trì sự sống mà còn cho việc xây dựng và phát triển các cơ thể cao cấp hơn.

“Quá trình biến đổi các chất đi vào cơ thể thành những chất tinh được chi phối bởi định luật quãng tám.

“Chúng ta hãy phân tích cơ thể người dưới dạng một nhà máy ba tầng. Tầng trên của nhà máy này là đầu người; tầng giữa là ngực; và tầng dưới là bụng, lưng và phần dưới của cơ thể.

Hình 25

“Thức ăn vật chất là H768, hay nốt La, Son, Pha của quãng tám bức xạ thứ ba của vũ trụ. ‘Hydro’ này đi vào tầng dưới của cơ thể dưới dạng ‘ô-xy’, nốt Đô 768.

Hình 26 – Thức ăn (H768) đi vào cơ thể.

“’Ô-xy” 768 gặp ‘các-bon’ 192 có sẵn trong cơ thể. Từ sự kết hợp của O768 và C192 ta thu được N384. N384 là nốt tiếp theo, nốt Rê. 

Hình 27 – Sự bắt đầu của quá trình tiêu hóa thức ăn (H768) trong cơ thể.

“Re 384 trở thành ‘ô-xy’ trong bộ ba tiếp theo và gặp ‘các-bon’ 96 có sẵn trong cơ thể và cùng nó tạo ra ‘nitơ’ 192. Đó chính là nốt Mi 192. 

Hình 28 – Tiếp tục quá trình tiêu hóa thức ăn (H768) trong cơ thể.

“Theo định luật quãng tám, nốt Mi không thể độc lập đi vào nốt Pha trong một quãng tám tăng lên, mà cần có một ‘cú sốc bổ sung’. Nếu không nhận được ‘cú sốc bổ sung’ thì chất Mi 192 tự nó không thể đi vào nốt Pha đầy đủ.

“Tại một vị trí nhất định trong cơ thể nơi mà nốt Mi 192 sẽ dừng lại [nếu không có cú sốc dố], ‘loại thức ăn thứ hai’ – không khí – được nạp vào dưới dạng nốt Đô 192, tức là các nốt Mi, Re, Đô của quãng tám bức xạ vũ trụ thứ hai. Nốt Đô này có đầy đủ các nốt bán âm, nói cách khác là tất cả các năng lượng cần thiết để chuyển dịch sang nốt tiếp theo, và nó cho đi năng lượng của mình cho nốt Mi, nốt Mi này có cùng tỷ trọng với nó. Năng lượng nốt Đô cho nốt Mi 192 đủ lực, đồng thời kết hợp với ‘các-bon’ 48 sẵn có trong cơ thể, để đi vào ‘ni-tơ’ 96. ‘Ni-tơ’ 96 sẽ là nốt fa. 

Hình 29 – Sự xâm nhập của không khí (H192) vào cơ thể và “cú sốc” mà không khí tạo ra trong cung giữa mi-fa của quãng tám thức ăn.

“Nốt Pha 96, bằng cách hợp nhất với ‘các-bon’ 24 có sẵn trong cơ thể, đi vào ‘nitơ’ 48 – nốt Son.

Hình 30 – Tiếp tục quãng tám thức ăn, sự dịch chuyển các sản phẩm dinh dưỡng vào Son 48.

“Nốt Son 48, bằng cách kết hợp với ‘các-bon’ 12 có sẵn trong cơ thể đi vào ‘nitơ’ 24 – nốt La 24.

Hình 31 – Tiếp tục quãng tám thức ăn, chuyển dịch các sản phẩm dinh dưỡng vào La 24.

“Nốt La 24 kết hợp với ‘các-bon’ 6 có sẵn trong cơ thể vào chuyển thành ‘ni-tơ’ 12, hay nốt Si 12. Nốt Si 12 là chất cấp cao nhất được tạo ra trong cơ thể từ thức ăn vật lý với sự trợ giúp của ‘cú sốc bổ sung’ có được từ không khí.

Hình 32 – Tiếp tục quãng tám thức ăn, chuyển hóa các sản phẩm dinh dưỡng thành Si 12.

“Nốt Đô 192 (không khí) đi vào tầng giữa của nhà máy với đặc tính của ‘ô-xy’ và truyền một phần năng lượng của nó cho nốt Mi 192, sau đó ở một vị trí nhất định sẽ kết hợp với ‘các-bon’ 48 có sẵn trong cơ thể và chuyển thành Rê 96.

Hình 33 – Bắt đầu quá trình tiêu hóa không khí trong cơ thể.

“Nốt Rê 96 đi vào Mi 48 với sự trợ giúp của ‘các-bon’ 24 và cùng với nó sự phát triển của quãng tám thứ hai đi đến hồi kết. Để chuyển từ nốt Mi thành Pha, cần có một ‘cú sốc bổ sung’, nhưng ở thời điểm này thiên nhiên chưa có ‘cú sốc bổ sung’ nào và quãng tám thứ hai, tức là quãng tám không khí, không thể phát triển hơn nữa và trong những điều kiện thông thường của sự sống nó sẽ không phát triển thêm.

Hình 34 – Sự duy trì quãng tám không khí trong cơ thể.

“Quãng tám thứ ba bắt đầu bằng nốt Đô 48.

“Các ấn tượng đi vào cơ thể dưới dạng ‘ô-xy’ 48, là các nốt La, Son, Pha của quãng tám vũ trụ thứ hai từ Mặt trời-Trái đất.

“Nốt Đô 48 có đủ năng lượng để đi vào nốt tiếp theo nhưng tại điểm trong cơ thể mà nốt Đô 48 đi vào thì lại không tồn tại ‘các-bon’ 12 cần thiết cho điều đó. Cùng lúc, nốt Đô 48 không tiếp xúc với Mi 48 vì vậy nó không thể tự mình đi vào nốt tiếp theo và cũng không thể đưa năng lượng của mình cho nốt Mi 48.

Hình 35 – Các ấn tượng đi vào cơ thể.

“Trong điều kiện bình thường, tức là điều kiện của cuộc sống bình thường, việc nhà máy sản xuất các vật chất tinh đến đây là kết thúc và quãng tám thứ ba chỉ phát ra nốt Đô. Chất cấp cao nhất mà nhà máy tạo ra là nốt Si 12 và trong việc vận hành các chức năng cao cấp thì nhà máy chỉ có thể sử dụng một mình loại vật chất cấp cao này.

Hình 36. – “Ba loại thức ăn và quá trình tiêu hóa H768 và H192 trong cơ thể với sự trợ giúp của ‘cú sốc’ cơ khí. Thường trạng của cơ thể và sự sản xuất thông thường của các chất tinh từ các sản phẩm dinh dưỡng

“Tuy nhiên, vẫn có cách để tăng đầu ra, nói cách khác là cho phép quãng tám không khí và quãng tám ấn tượng phát triển hơn nữa. Để làm điều đó, cần tạo ra một loại ‘cú sốc nhân tạo’ đặc biệt ở điểm mà sự bắt đầu của quãng tám thứ ba bị ngưng lại. Điều này có nghĩa là ‘cú sốc nhân tạo’ đó cần được áp dụng cho nốt Đô 48.

“Nhưng ‘cú sốc nhân tạo’ nghĩa là gì? Nó liên quan tới khoảnh khắc mà ấn tượng được tiếp nhận. Nốt Đô 48 chỉ định khoảnh khắc mà một ấn tượng đi vào tiềm thức của chúng ta. Một ‘cú sốc nhân tạo’ ở điểm này có nghĩa là một loại nỗ lực được thực hiện vào khoảnh khắc nhận được một ấn tượng.

“Trước đây tôi đã giải thích rằng rằng trong các điều kiện thông thường của sự sống, chúng ta không nhớ đến chính mình; chúng ta không nhớ, tức là, chúng ta không cảm nhận chính mình, không ý thức được chính mình vào khoảnh khắc của một góc nhìn, một cảm xúc, một ý nghĩ hay một hành động. Nếu một người hiểu được điều này và cố gắng nhớ bản thân thì mọi ấn tượng người ta nhận được khi nhớ bản thân sẽ có thể nói là được nhân đôi. Trong trạng thái tâm linh thông thường tôi chỉ đơn giản nhìn thấy một con phố. Nhưng nếu tôi nhớ chính mình, tôi không chỉ đơn giản nhìn con phố; tôi cảm nhận được rằng tôi đang nhìn, như thể đang tự nhủ; ‘tôi đang nhìn’. Thay vì một ấn tượng về con phố, giờ đây có hai ấn tượng, một là về con phố, một ấn tượng khác về bản thân nhìn thấy nó. Ấn tượng thứ hai này được tạo ra bởi việc tôi ghi nhớ bản thân và chính là ‘cú sốc bổ sung’.

“Hơn nữa, cảm giác bổ sung gắn liền với việc ghi nhớ bản thân thường mang theo nó yếu tố cảm xúc, tức là, hoạt động của cỗ máy sẽ thu hút một lượng ‘các-bon’ 12 nhất định vào nơi được nói đến. Những nỗ lực để ghi nhớ bản thân, quan sát bản thân vào thời điểm tiếp nhận một ấn tượng, quan sát ấn tượng của bản thân vào thời điểm tiếp nhận chúng, ghi nhận sự tiếp nhận các ấn tượng và cùng lúc xác định các ấn tượng nhận được, tất cả những điều này cùng nhau nhân đôi cường độ ấn tượng và đưa nốt Đô 48 đến nốt Rê 24. Cùng lúc nỗ lực gắn liền với sự dịch chuyển của một nốt sang nốt khác và sự di chuyển của 48 sang 24 cho phép nốt Đô 48 của quãng tám thứ ba tiếp xúc với nố Mi 48 của quãng tám thứ hai và cho nốt đó đủ năng lượng cần thiết để nốt Mi dịch chuyển đến nốt Pha. Theo cách này, ‘cú sốc’ tạo ra đối với nốt Đô 48 cũng được mở rộng tới nốt Mi 48 và cho phép phát triển quãng tám thứ hai.

“Nốt Mi 48 di chuyển sang Pha 24; Pha 24 di chuyển sang Son 12; Son 12 chuyển sang La 6. Nốt La 6 là vật chất cao cấp nhật được cơ thể sản xuất từ không khí, tức là, từ loại thức ăn thứ hai. Tuy nhiên, chỉ có thể tạo ra nó bằng cách nỗ lực một cách có ý thức vào thời điểm nhận được ấn tượng. (Xem Hình 37.)

“Cần phải hiểu được ý nghĩa của điều này. Chúng ta đều hít thở cùng một loại không khí. Ngoại trừ những nguyên tố mà khoa học của chúng ta biết đến thì không khí còn chứa nhiều loại chất mà khoa học chưa biết, không thể định nghĩa và không thể tiếp cận để quan sát. Nhưng vẫn có thể phân tích chính xác cả loại không khí hít vào và không khí thở ra.

Hình 37 – Sự phát triển của quãng tám không khí sau “cú sốc” có ý thức đầu tiên.

“Sự phân tích chính xác này cho thấy rằng mặc dù không khí do nhiều người khác nhau hít vào là giống nhau, nhưng không khí do họ thở ra lại khác nhau khá nhiều. Giả dụ không khí chúng ta hít thở bao gồm hai mươi nguyên tố mà khoa học chưa biết đến. Một số lượng nhất định những nguyên tố này được mọi người hấp thụ khi họ thở. Giả dụ năm trong số các nguyên tố đó luôn được hấp thụ. Kết quả là, không khí do mọi người thở ra đều bao gồm mười lăm nguyên tố; năm nguyên tố trong số đó đã được dùng để nuôi dưỡng cơ thể. Nhưng một số người không thở ra mười lăm mà chỉ mười nguyên tố, tức là, họ hấp thụ thêm năm nguyên tố.

Năm yếu tố này là ‘hydro’ ở cấp cao hơn. Những hydro cấp cao này tồn tại trong mọi phân tử nhỏ li ti của không khí mà ta hít vào. Bằng cách hít không khí chúng ta đưa những ‘hydro’ cấp cao này vào chính mình, nhưng nếu cơ thể chúng ta không biết cách chiết xuất chúng ra khỏi phân tử không khí và lưu chúng lại thì chúng sẽ bị thở ra và trở về không khí. Nếu cơ thể có thể chiết xuất và giữ chúng lại thì chúng sẽ ở lại trong đó. Theo cách này chúng ta đều thở chung một loại không khí nhưng chúng ta chiết xuất những chất khác nhau từ nó. Một số người chiết xuất được nhiều, số khác sẽ ít hơn.

“Để chiết xuất được nhiều hơn, chúng ta cần có một lượng nhất định các chất tinh tương ứng trong cơ thể. Khi ấy các chất tinh có trong cơ thể sẽ có tác dụng như nam châm đối với các chất tinh có trong không khí ta hít vào. Một lần nữa chúng ta áp dụng định luật kinh điển về thuật luyện kim đan: ‘Để tạo ra vàng, trước hết cần có lượng vàng thật nhất định’. ‘Nếu không có chút vàng nào, thì không có cách nào tạo ra nó’.

“Thuật luyện kim đan nói chung chẳng qua chỉ là cách mô tả hình tượng của nhà máy con người cũng như hoạt động chuyển hóa các kim loại cơ sở (chất thô) thành kim loại quý (chất tinh).

“Chúng ta đã quan sát sự phát triển của hai quãng tám. Quãng tám thứ ba, quãng tám của các ấn tượng, bắt đầu với một nỗ lực có ý thức. Nốt Đô 48 đi tới nốt Rê 24; Rê 24 đi tới Mi 12. Vào lúc này sự phát triển của quãng tám đi đến hồi kết. (Xem Hình 38.)

Hình 38 – Sự phát triển của quãng tám ấn tượng sau “cú sốc” có ý thức đầu tiên.

“Bây giờ nếu chúng ta xem xét kết quả của sự phát triển của ba quãng tám này thì sẽ thấy rằng quãng tám đầu tiên đã đi đến nốt Si 12, quãng tám thứ hai đến nốt La 6 và quãng tám thứ ba tới Mi 12. Do đó các quãng tám thứ nhất và thứ ba dừng lại ở những nốt không có khả năng đi tới các nốt tiếp theo.

Hình 39 – Bức tranh toàn cảnh về hoạt động chuyên sâu của cơ thể và sự phát triển chuyên sâu các chất từ những sản phẩm từ dinh dưỡng sau “cú sốc” có ý thức đầu tiên.

“Để hai quãng tám đó có thể phát triển thêm, cần có một cú sốc có ý thức nữa ở một điểm nhất định trong cỗ máy – cần một nỗ lực có ý thức mới để cho phép hai quãng tám đó tiếp tục phát triển. Bản chất của nỗ lực này đòi hỏi một sự tìm hiểu sâu sắc. Từ góc nhìn của hoạt động chung của cỗ máy, có thể nói tóm lại rằng nỗ lực này gắn liền với đời sống tình cảm, tức là một loại tác động đặc biệt lên tình cảm của một người. Nhưng tác động đó thực sự là gì, và phương pháp để tạo ra nó chỉ có thể giải thích trong bối cảnh của một lời mô tả chung về hoạt động của nhà máy hay cỗ máy con người.

“Việc học cách không thể hiện những tình cảm tiêu cực, không ‘bị đồng nhất [với đối tượng]’, không hướng sự ‘quan tâm’ vào bên trong, chính là việc chuẩn bị cho nỗ lực thứ hai.

“Bây giờ, nếu xem xét công việc của nhà máy con người một cách tổng thể, vào các thời điểm mà việc sản xuất các chất tinh bị ngừng trệ thì chúng ta có thể thấy được cách thức để có thể tăng năng suất của nhà máy. Ta thấy rằng, khi hoạt động với một ‘cú sốc’ vô thức trong điều kiện thông thường thì nhà máy sẽ chỉ sản xuất rất ít chất tinh. Thực ra thì chỉ sản xuất được mỗi nốt Si 12. Khi hoạt động với một ‘cú sốc’ vô thức và một ‘cú sốc’ có ý thức [cùng một lúc], giờ đây nhà máy có thể sản xuất lượng các chất tinh lớn hơn nhiều. Khi hoạt động với hai ‘cú sốc’ có ý thức thì nhà máy sẽ sản xuất ra một lượng chất tinh mà theo thời gian sẽ thay đổi hoàn toàn bản chất của chính nhà máy đó.

“Nhà máy ba tầng đại diện cho vũ trụ thu nhỏ và được xây dựng theo cùng các định luật và các hoạch định với toàn vũ trụ.

“Để hiểu được sự tương đồng giữa con người, cơ thể con người và vũ trụ, giống như ở trên chúng ta hãy coi thế giới có dạng ba quãng tám từ Cõi Tuyệt đối đến mặt trời, từ mặt trời đến trái đất và từ trái đất đến mặt trăng. Từng quãng tám trong ba quãng tám đó thiếu mất một bán âm giữa nốt Pha và Mi và trong từng quãng tám này vị trí của bán âm bị thiếu đó được chiếm bởi một loại ‘cú sốc’ nhất định được tạo ra từ bên ngoài tại một điểm nhất định. Nếu bây giờ chúng ta tìm kiếm sự tương đồng giữa nhà máy ba tầng và ba quãng tám của vũ trụ, ta sẽ nhận ra rằng ba ‘cú sốc bổ sung’ trong ba quãng tám của vũ trụ tương ứng với ba loại thức ăn đi vào cơ thể con người. ‘Cú sốc’ trong quãng tám ở dưới tương ứng với thức ăn vật lý; ‘cú sốc’ này là nốt Đô 768 của nhà máy ba tầng của vũ trụ. ‘Cú sốc’ trong quãng tám ở giữa tương ứng với không khí. Nó là nốt Đô 192 của nhà máy vũ trụ. ‘Cú sốc’ trong quãng tám ở trên tương ứng với các ấn tượng; nó là nốt Đô 48 của nhà máy vũ trụ.

“Trong hoạt động nội tại của nhà máy ba tầng vũ trụ này, cả ba loại thức ăn đều đi qua một quá chuyển hóa như trong nhà máy con người, theo cùng một cách hoạch định và tuân theo cùng các quy luật. Chỉ có thể nghiên cứu sâu hơn về sự tương đồng giữa con người và vũ trụ sau khi nghiên cứu chính xác về cỗ máy con người và sau khi các ‘vị trí’ lần lượt của các ‘hydro’ trong cơ thể chúng ta được xác định một cách chính xác. Điều này có nghĩa là để thực hiện bất kỳ cuộc nghiên cứu sâu nào, chúng ta cần tìm được mục đích chính xác của từng ‘hydro’, tức là từng ‘hydro’ cần phải được định nghĩa về mặt hóa học, tâm lý học, sinh lý học và giải phẫu học, nói cách khác là những chức năng, vị trí của nó trong cơ thể người và nếu có thể là những cảm giác cụ thể gắn liền với nó đều cần phải được định nghĩa.

“Việc nghiên cứu hoạt động của cơ thể người như một nhà máy hóa chất cho chúng ta thấy ba giai đoạn tiến hóa của cỗ máy con người.

“Giai đoạn đầu tiên là hoạt động của cơ thể con người như thiên nhiên đã tạo ra, tức là sự sống và chức năng của người số một, số hai và số ba [3]. Quãng tám thứ nhất, quãng tám thức ăn, phát triển một cách bình thường trở thành nốt Mi 192. Vào thời điểm này nó tự động nhận được một ‘cú sốc’ từ điểm đầu của quãng tám thứ hai, và sự phát triển của nó đồng thời đi đến nốt Si 12. Quãng tám thứ hai, quãng tám không khí, bắt đầu bằng nốt Đô 192 và phát triển thành nốt 48 nơi nó dừng lại. Quãng tám thứ ba, quãng tám ấn tượng, bắt đầu bằng nốt Đô 48 và dừng lại ở đó. Vì vậy, bảy nốt của quãng tám đầu tiên, ba nốt của quãng tám thứ hai và một nốt của quãng tám thứ ba đại diện cho bức tranh toàn cảnh về hoạt động của ‘nhà máy con người’ trong giai đoạn đầu tiên hoặc giai đoạn tự nhiên.

[3] Người số một, hai, ba:
“Người số bảy là một người đã đạt mức độ phát triển cao nhất có thể. Người số sáu giống người số bảy nhưng một số đặc tính của họ chưa được hình thành một cách vĩnh viễn. Người số năm là người đã hợp nhất toàn bộ tâm lý của mình. Người số một có trọng tâm tâm lý ở trong trung tâm vận động. Trong người số một, những bản năng liên quan đến cơ thể có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất. Người số hai có trọng tâm trong trung tâm cảm xúc. Có nghĩa là người này sống chủ yếu bằng cảm xúc. Người số ba có trọng tâm ở trung tâm lý trí. Đối với người số ba thì mọi thứ được phân tích và hiểu bằng lý luận. Người số bốn ở trong một trạng thái ở giữa những người một, hai, ba, và những người năm, sáu, bảy. Đó là một trạng thái chuyển tiếp. Người một, hai, ba đã là người một, hai, ba từ lúc người ta sinh ra nhưng người số bốn phải rèn luyện và nỗ lực thì mới đạt được trạng thái số bốn. Người số bốn luôn luôn là kết quả của một quá trình rèn luyện. Họ không thể được sinh ra một cách ngẫu nhiên hoặc phát triển một cách tự nhiên theo ảnh hưởng của môi trường xung quanh. Người số bốn hoàn toàn khác với người số một, hai, và ba vì họ có trọng tâm vĩnh viễn. Tức là họ biết mình sống để làm gì và tất cả việc làm của anh đều phục vụ mục tiêu đó. Hơn nữa là các trung tâm xử lý của anh ấy được cân bằng.”

(Hành trình tìm kiếm điều diệu kỳ – Chương 4)

“Thiên nhiên chỉ cung cấp một ‘cú sốc’ duy nhất, là ‘cú sốc’ nhận được từ lối vào của quãng tám thứ hai, điểm này giúp nốt Mi của quãng tám thứ nhất đi tới nốt Fa. Nhưng thiên nhiên không tiên liệu được và không cung cấp ‘cú sốc’ thứ hai, là ‘cú sốc’ giúp cho sự phát triển của quãng tám thứ ba và cho phép nốt Mi của quãng tám thứ hai đi tới nốt Fa. Con người cần tạo ra ‘cú sốc’ này bằng nỗ lực của chính mình nếu họ muốn tăng đầu ra của các hydro tinh trong cơ thể mình.

“Giai đoạn thứ hai là hoạt động của cơ thể con người khi một người cố tình tạo ra ‘cú sốc’ một cách có ý thức tại điểm nốt Đô 48. Ban đầu ‘cú sốc’ chủ động này được truyền đến quãng tám thứ hai, quãng tám này phát triển đến nốt Son 12, hoặc thậm chí xa hơn đến nốt La 6 và các nốt sau đó nếu hoạt động của cơ thể đủ mạnh. Chính ‘cú sốc’ đó cũng cho phép quãng tám thứ ba phát triển, đây là quãng tám ấn tượng và trong trường hợp này nó đạt đến nốt Mi 12. Vì thế, trong giai đoạn thứ hai của cơ thể người chúng ta thấy được sự phát triển đầy đủ của quãng tám thứ hai và ba nốt của quãng tám thứ ba. Quãng tám thứ nhất đã dừng lại ở nốt Si 12, quãng tám thứ ba dừng lại ở nốt Mi 12. Cả hai quãng tám này đều không thể đi xa hơn nếu không có một ‘cú sốc’ mới. Bản chất của ‘cú sốc’ thứ hai này không dễ gì mà mô tả được giống như ‘cú sốc’ chủ động đầu tiên ở nốt Đô 48. Để hiểu được bản chất của ‘cú sốc’ này thì cần hiểu được ý nghĩa của các nốt Si 12 và Mi 12.

“Nỗ lực tạo ra ‘cú sốc’ này phải bao gồm việc rèn luyện với cảm xúc, chuyển đổi và chuyển hóa các cảm xúc. Sự chuyển hóa cảm xúc này sẽ hỗ trợ sự chuyển hóa nốt Si 12 trong cơ thể người. Không thể có sự tăng trưởng thực sự, nghĩa là không thể có sự tăng trưởng của các cơ quan cấp cao trong cơ thể, mà không có sự chuyển hóa này. Ý tưởng về sự chuyển hóa này được nhiều học thuyết cổ xưa cũng như một số học thuyết gần đây biết đến, chẳng hạn như thuật luyện kim đan của thời Trung Cổ. Nhưng giới thuật luyện kim lại nói về sự chuyển hóa này qua phép ẩn dụ về sự chuyển đổi các kim loại thô thành kim loại quý. Tuy nhiên, trên thực tế, ý họ lại là sự chuyển đổi từ các ‘hydro’ thô thành các hydro tinh trong cơ thể người, chủ yếu là sự chuyển đổi của nốt Mi 12. Nếu đạt được sự chuyển đổi này, có thể nói con người đã đạt được cái mà người ta nỗ lực giành lấy, và cũng có thể nói rằng, cho đến khi đạt được sự chuyển đổi này thì mọi kết quả mà con người đạt được có thể sẽ mất đi vì nó không được cố định trong người ta theo bất kỳ hình thức nào; hơn nữa, chúng chỉ có thể đạt được trong các phương diện suy nghĩ và cảm xúc. Những kết quả thực sự, khách quan chỉ có thể đạt được sau khi bắt đầu quá trình chuyển hóa nốt Mi 12.

“Các nhà luyện kim nói về sự biến đổi này đã bắt đầu rèn luyện với nó ngay từ đầu. Họ không biết gì, hoặc chí ít là không nói gì về bản chất của ‘cú sốc’ chủ động đầu tiên. Tuy nhiên, toàn bộ quá trình lại phụ thuộc vào điều này. ‘Cú sốc’ chủ động thứ hai và sự chuyển hóa chỉ trở nên khả thi ở thế giới vật chất sau quá trình lâu dài vận dụng ‘cú sốc’ chủ động đầu tiên, quá trình đó bao gồm việc nhớ bản thân và quan sát ấn tượng chúng ta nhận được. Trên con đường của nhà sư và nhà Fakir [4], công việc rèn luyện với ‘cú sốc’ thứ hai bắt đầu trước khi rèn luyện với ‘cú sốc’ thứ nhất, nhưng do nốt Mi 12 là thành quả của ‘cú sốc’ thứ nhất nên việc rèn luyện, trong điều kiện không có vật liệu khác, cần phải tập trung vào nốt Si 12. Thường thì cách rèn luyện này hay cho ra những kết quả sai. Sự phát triển đúng đắn của phương pháp thứ tư cần bắt đầu với ‘cú sốc’ chủ động đầu tiên và rồi đi tới ‘cú sốc’ thứ hai ở nốt Mi 12.

Fakir – Tu sĩ khổ hạnh https://gnosisvn.org/2021/09/26/fakir/

“Giai đoạn thứ ba trong quá trình rèn luyện với cơ thể người bắt đầu khi con người cố tình tạo ra trong mình một ‘cú sốc’ chủ động ở điểm nốt Mi 12, khi sự chuyển đổi hay chuyển hóa những ‘hydro’ này thành các ‘hydro’ cấp cao hơn trong họ. Giai đoạn thứ hai và khởi điểm của giai đoạn ba là cuộc sống và chức năng của người số bốn. Cần có một giai đoạn chuyển hóa và kết tinh khá dài để người số bốn chuyển tới cấp độ của người số năm.

“Khi đã hiểu đầy đủ về ‘bảng tuần hoàn hydro’, chúng ta sẽ thấy ngay nhiều tính năng mới trong hoạt động của cỗ máy con người và hơn hết, định hình rõ ràng những nguyên nhân của sự khác biệt giữa các trung tâm và các chức năng tương ứng của chúng.

“Các trung tâm của cỗ máy con người hoạt động với các ‘hydro’ khác nhau. Điều này tạo ra khác biệt cơ bản giữa chúng. Trung tâm nào hoạt động với loại ‘hydro’ thô hơn, nặng hơn, dày hơn sẽ hoạt động chậm hơn. Trung tâm nào hoạt động với ‘hydro’ nhẹ hơn, linh hoạt hơn sẽ hoạt động nhanh hơn.

“Trung tâm tư duy hoặc lý trí là trung tâm chậm nhất trong ba trung tâm mà chúng ta đã xem xét. Nó hoạt động với ‘hydro’ 48 (theo thang thứ ba của ‘bảng tuần hoàn hydro’).

“Trung tâm vận động hoạt động với ‘hydro’ 24. ‘Hydro’ 24 nhanh hơn và linh hoạt hơn rất nhiều lần so với ‘hydro’ 48. Trung tâm lý trí không thể nào theo được hoạt động của tâm vận động. Chúng ta không thể theo kịp chuyển động của chính mình hay của người khác trừ khi họ bị làm cho chậm lại. Chúng ta càng không thể theo kịp hoạt động của các chức năng nội tại, bản năng của cơ thể mình, hoạt động của tâm bản năng. Trung tâm đó cấu thành một mặt của trung tâm chuyển động.

“Trung tâm cảm xúc có thể hoạt động với ‘hydro’ 12. Tuy nhiên, trên thực tế, nó rất hiếm khi hoạt động với loại ‘hydro’ tinh này. Và đa phần hoạt động của nó không khác nhiều về cường độ và tốc độ so với hoạt động của trung tâm chuyển động hay trung tâm bản năng.

“Để hiểu được hoạt động của cỗ máy con người và những tiềm năng của nó, ta cần hiểu rằng, bên cạnh ba trung tâm này và những trung tâm được kết nối với nó, chúng ta còn có thêm hai trung tâm khác, chúng đã phát triển đầy đủ và vận hành đúng, nhưng chúng không kết nối với đời sống thông thường của chúng ta hay với ba trung tâm mà ta ý thức được trong bản thân mình.

“Sự tồn tại của những trung tâm cao cấp này trong chúng ta là một bí mật lớn hơn cả kho báu mà những người tin vào sự tồn tại của những điều kỳ bí và huyền diệu đã truy lùng từ thời rất xa xưa.

“Tất cả những hệ thống tu tập bí ẩn và huyền học đều thừa nhận sự tồn tại của các lực và năng lực cao cấp trong con người, tuy nhiên trong nhiều trường hợp, họ chỉ thừa nhận rằng những lực và năng lực đó tồn tại dưới dạng tiềm năng và nói về sự cần thiết phải phát triển những lực tiềm ẩn trong con người. Học thuyết của chúng ta khác với nhiều học thuyết khác vì nó khẳng định rằng các trung tâm cao cấp tồn tại trong con người và đã phát triển đầy đủ.

“Những trung tâm thấp hơn mới là những trung tâm chưa được phát triển. Và chính sự kém phát triển, hay vận hành không hoàn chỉnh này của các trung tâm cấp thấp đã ngăn không cho chúng ta tận dụng hoạt động của các trung tâm cao cấp hơn.

“Như đã nói trước đây, có hai trung tâm cao cấp:

“Trung tâm cảm xúc cao cấp, hoạt động với hydro 12 và

“Trung tâm lý trí cao cấp, làm việc với hydro 6.

“Nếu xem xét hoạt động của cỗ máy con người từ góc độ của các ‘hydro’ hoạt động trong các trung tâm, chúng ta sẽ thấy được tại sao các trung tâm cao cấp lại không thể kết nối được với các trung tâm cấp thấp.

“Trung tâm lý trí hoạt động với hydro 48; trung tâm chuyển động với hydro 24.

“Nếu trung tâm cảm xúc làm việc với hydro 12 thì hoạt động của nó đã có thể kết nối được với hoạt động của trung tâm cảm xúc cao cấp. Trong những trường hợp mà hoạt động của trung tâm cảm xúc đạt được cường độ và tốc độ tương ứng với hydro 12 thì sẽ có một sự kết nối tạm thời với trung tâm cảm xúc cao cấp và con người sẽ trải nghiệm những cảm xúc mới, ấn tượng mới mà từ trước đến giờ chưa hề biết đến, bởi họ không có lời nào hay cách thể hiện nào để mô tả được. Nhưng trong điều kiện thông thường sự khác biệt giữa tốc độ của những cảm xúc thông thường của chúng ta và tốc độ của trung tâm cảm xúc cao cấp lớn đến mức không thể nào có sự kết nối và chúng ta không thể lắng nghe trong mình những tiếng nói đang phát ra và đang kêu gọi ta từ trung tâm cảm xúc cao cấp.

“Trung tâm lý trí cao cấp hoạt động với hydro 6 và còn tách biệt xa hơn với chúng ta, khó tiếp cận hơn. Chỉ có thể kết nối với nó thông qua trung tâm cảm xúc cao cấp. Chúng ta chỉ biết được về những kết nối như vậy thông qua những mô tả về các trải nghiệm huyền bí, các trạng thái định [trong thiền], v.v. Những trạng thái này có thể xảy ra trên cơ sở các cảm xúc liên quan đến tôn giáo, hoặc trong những khoảnh khắc ngắn ngủi thông qua các chất thức thần nhất định; hoặc trong những trạng thái bệnh tâm thần nhất định như động kinh hay chấn thương sang chấn não. Trong những trường hợp này, khó có thể xác định đâu là nguyên nhân đâu là hệ quả, tức là, liệu trạng thái dịch bệnh là kết quả của sự kết nối này hay là nguyên nhân dẫn đến nó.

“Nếu chúng ta có thể kết nối các trung tâm của ý thức thông thường của mình với trung tâm lý trí cao cấp một cách chủ ý, thì việc đó sẽ không có tác dụng gì với ta trong trạng thái chung của con người hiện tại. Đa phần khi sự kết nối vô tình với trung tâm lý trí cao cấp xảy ra thì con người sẽ trở nên bất tỉnh. Tâm trí từ chối nhận những luồng ý nghĩ, cảm xúc, hình ảnh và ý tưởng đột ngột ập vào nó. Và thay vì một suy nghĩ rõ ràng hay một cảm xúc rõ ràng, kết quả lại là một khoảng trống hoàn toàn, một trạng thái bất tỉnh. Trí nhớ chỉ lưu lại được khoảnh khắc đầu tiên khi luồng chảy ập vào trí óc và khoảnh khắc cuối khi luồng chảy rút đi và sự tỉnh táo trở về.

“Nhưng ngay cả những khoảnh khắc này cũng chứa đầy những sắc thái và màu sắc khác thường nên không có gì để so sánh chúng với những cảm nhận thông thường của đời sống. Thường đây là tất cả những gì còn lại từ cái gọi là trải nghiệm ‘huyền bí’ hoặc ‘nhập định’. Trải nghiệm như thế chính là sự kết nối tạm thời với trung tâm cao cấp. Rất hiếm khi có một người với tâm trí được chuẩn bị tốt hơn, nắm bắt và ghi nhớ được gì đó từ những gì đã được cảm nhận và hiểu vào thời điểm mê sảng. Nhưng kể cả trong trường hợp đó, các trung tâm lý trí, chuyển động và cảm xúc sẽ ghi nhớ và truyền mọi thứ theo cách của riêng nó, phiên dịch những cảm nhận hoàn toàn mới, chưa từng được trải nghiệm sang ngôn ngữ của những cảm nhận hàng ngày, truyền tải những thứ vượt ra ngoài giới hạn của các thước đo bình thường dưới dạng ba chiều của thế giới ; tất nhiên, theo cách này, chúng hoàn toàn bóp méo mọi dấu vết của những gì còn lại trong trí nhớ về những trải nghiệm bất thường này. Những trung tâm thông thường của chúng ta khi truyền những ấn tượng về các trung tâm cao cấp có thể ví như một người mù nói về màu sắc hay như một người điếc nói về âm nhạc.

“Để có được sự kết nối chính xác và lâu dài giữa các trung tâm cấp thấp vào cấp cao, cần điều chỉnh và đẩy nhanh hoạt động của các trung tâm cấp thấp.

“Hơn nữa, như đã nói, các trung tâm cấp thấp hoạt động sai, vì thường lệ thay vì những chức năng đúng đắn của nó, một trong số các trung tâm cấp thấp lại đảm nhiệm hoạt động của các trung tâm khác. Việc này làm giảm đáng kể tốc độ hoạt động chung của cỗ máy [con người] và khiến cho việc tăng tốc hoạt động của các trung tâm trở nên rất khó khăn. Vì vậy để điều chỉnh và tăng tốc hoạt động của các trung tâm cấp thấp thì mục tiêu chính phải là giải phóng mỗi trung tâm khỏi những hoạt động xa lạ và không tự nhiên đối với nó, và đưa nó trở về với hoạt động của chính nó, thứ mà nó làm tốt hơn bất kỳ trung tâm nào khác.

“Phần lớn năng lượng cũng được dùng vào những việc hoàn toàn không cần thiết và gây hại theo mọi khía cạnh, như đối với hoạt động của các cảm xúc tiêu cực, với việc thể hiện cảm xúc tiêu cực, với sự lo lắng, với sự bất an, với sự vội vã, và với một loạt những hành động tự động và hoàn toàn vô ích. Ta có thể tìm ra vô vàn những hoạt động không cần thiết như vậy.

“Trước hết, trong tâm trí chúng ta có dòng suy nghĩ chuyển động liên tục mà ta không thể ngăn chặn hay kiểm soát. Dòng suy nghĩ này chiếm một lượng năng lượng rất lớn của chúng ta.

“Thứ hai là sự căng cơ liên tục không cần thiết của các cơ trong cơ thể chúng ta. Các cơ căng lên kể cả khi chúng ta không làm gì. Ngay khi chúng ta bắt đầu làm dù chỉ là một việc nhỏ, tầm thường thì toàn bộ hệ thống cơ bắp cần thiết cho công việc khó khăn, vất vả nhất cũng được vận hành. Chúng ta nhặt chiếc kim khâu từ dưới đất và phải dành cho hành động này lượng năng lượng tương tự như năng lượng cần thiết để nâng một người nặng bằng chúng ta. Chúng ta viết một bức thư ngắn và dùng năng lượng cơ bắp cho nó với lượng đủ để viết một cuốn sách dày. Nhưng điểm mấu chốt là chúng ta luôn tiêu hao năng lượng cơ bắp vào mọi thời điểm, ngay cả khi chúng ta không làm gì.

“Khi chúng ta đi bộ, các cơ ở vai và cánh tay của chúng ta bị căng ra một cách không cần thiết; khi chúng ta ngồi các cơ chân, cổ, lưng và bụng căng một cách không cần thiết. Chúng ta thậm chí ngủ với các cơ tay, chân, mặt, toàn bộ cơ thể đều căng và chúng ta không nhận ra rằng mình dành ra nhiều năng lượng để sẵn sàng làm những việc mà chúng ta sẽ không bao giờ làm thay vì để làm những việc thực chất, hữu ích trong cuộc sống.

“Hơn nữa, chúng ta có thể chỉ ra thói quen liên tục nói chuyện với bất kỳ ai và về bất cứ điều gì, hoặc nếu không có ai khác, ta nói với chính mình; thói quen mơ mộng, mơ giữa ban ngày; sự thay đổi thường xuyên các tâm trạng, cảm xúc và một lượng lớn những thứ vô ích mà con người cho rằng mình cần phải cảm nhận, suy nghĩ hay nói ra.

“Để điều chỉnh và cân bằng hoạt động của ba trung tâm mà chức năng của chúng cấu thành sự sống của ta thì cần phải học cách tiết kiệm năng lượng được tạo ra bởi cơ thể của mình, không lãng phí năng lượng đó cho những chức năng không cần thiết và tiết kiệm nó cho hoạt động có thể dần kết nối các trung tâm cấp thấp với trung tâm cao cấp.

“Tất cả những gì đã nói trước đây về việc rèn luyện bản thân, về sự hình thành của sự thống nhất nội tại và sự chuyển dịch từ cấp độ của người số một, số hai và số ba lên cấp độ của người số bốn và cao hơn nữa, đều theo đuổi cùng một mục tiêu. Cái được gọi là ‘cơ thể cảm xúc’ theo một cách định nghĩa thì theo cách khác được gọi là ‘trung tâm cảm xúc cao cấp’, mặc dù sự khác biệt ở đây không nằm ở riêng vấn đề thuật ngữ. Nói đúng hơn, đây là những khía cạnh khác nhau trong giai đoạn tiếp theo của sự tiến hóa của loài người. Có thể nói rằng ‘cơ thể cảm xúc’ là cần thiết cho sự vận hành hoàn chỉnh và đúng đắn của ‘trung tâm cảm xúc cao câp’ một cách đồng bộ với trung tâm cảm xúc cấp thấp. Hoặc có thể nói rằng ‘trung tâm cảm xúc cao cấp’ là cần thiết cho hoạt động của ‘cơ thể cảm xúc’.

“’Cơ thể lý trí’ tương ứng với ‘trung tâm lý trí cao cấp’. Sẽ là sai nếu nói rằng chúng cùng là một thứ. Nhưng thứ này đòi hỏi phải có thứ kia, một thứ không thể tồn tại nếu không có thứ kia, một thứ là sự thể hiện của một số khía cạnh và chức năng nhất định của thứ kia.

“Cơ thể thứ tư đòi hỏi phải có sự vận hành hoàn chỉnh và hài hòa của tất cả các trung tâm; và nó hàm ý, hoặc thể hiện khả năng kiểm soát sự vận hành này một cách tuyệt đối.

“Điều chùng ta cần phải hiểu và điều mà bảng tuần hoàn hydro’ giúp chúng ta nắm bắt, là ý tưởng về tính vật chất đầy đủ của các quá trình tâm linh, lý trí, cảm xúc, ý chí và các quá trình nội tại khác, bao gồm cả những cảm hứng thơ ca đằm thắm, những trải nghiệm tôn giáo trong trạng thái thiền định và cả những thiên khải huyền bí.

“Tính vật chất của các quá trình ngụ ý sự lệ thuộc của những quá trình đó vào chất lượng của vật liệu hay chất được dùng trong nó. Một quá trình đòi hỏi tiêu thụ, ví dụ như là đốt hydro 48. Quá trình khác lại không thể đạt được với sự trợ giúp của hydro 48 vì nó đòi hỏi loại chất tinh hơn, dễ cháy hơn như hydro 24. Với một quá trình thứ ba thì hydro 24 lại quá yếu; nó đòi hỏi hydro 12.

“Như vậy, chúng ta thấy rằng cơ thể của chúng ta có những loại nhiên liệu khác nhau cần thiết cho những trung tâm khác nhau. Các trung tâm có thể được ví như những cỗ máy hoạt động trên các loại xăng có chất lượng khác nhau. Một cỗ máy có thể vận hành trên cặn dầu hay dầu thô. Cỗ máy khác đòi hỏi phải có dầu lửa; loại thứ ba sẽ không vận hành được trên dầu lửa mà đòi hỏi phải có ga. Những chất tinh của cơ thể chúng ta có thể coi là những chất có những điểm bốc cháy khác nhau, trong khi bản thân cơ thể có thể được ví như một phòng thí nghiệm mà trong đó các chất dễ cháy có cường độ khác nhau được dùng bởi các trung tâm khác nhau được tạo ra từ những nguyên liệu khác nhau.

“Tuy nhiên, đáng tiếc là phòng thí nghiệm đó lại gặp trục trặc. Các lực khống chế sự phân bổ các chất cháy cho các trung tâm khác nhau thường mắc lỗi và các trung tâm nhận được loại xăng hoặc là quá yếu hoặc quá dễ bắt lửa. Hơn nữa, một lượng lớn các chất cháy được tạo ra lại bị tiêu hao lãng phí; nó bị cạn; bị mất. Bên cạnh đó, các vụ nổ thường xảy ra trong phòng thí nghiệm và trong chớp nhoáng phá hủy toàn bộ số xăng được chuẩn bị cho ngày hôm sau và có thể là cho thời gian dài hơn, và có thể gây tổn hại không thể khắc phục cho toàn bộ nhà máy.

“Cần lưu ý rằng cơ thể trong một ngày thường tạo ra tất cả các chất cần thiết cho ngày hôm sau. Và thông thường tất cả những chất này được sử dụng hay tiêu thụ cho một cảm xúc không cần thiết, và theo quy tắc, cảm xúc đó là cảm xúc tiêu cực. Những tâm trạng tồi tệ, sự lo lắng, sự kỳ vọng về một điều không tốt đẹp, hoài nghi, lo sợ, cảm giác tổn thương, khó chịu, mỗi cảm xúc này nếu đạt đến một cường độ nhất định đều có thể, chỉ trong vòng nửa giờ đồng hồ hay thậm chí nửa phút, tiêu thụ tất cả các chất được chuẩn bị cho ngày hôm sau; trong khi một thoáng tức giận hay một cảm xúc bạo lực nào đó có thể lập tức làm nổ tất cả các chất được chuẩn bị trong phòng thí nghiệm và khiến con người trở nên trống rỗng bên trong trong một thời gian dài hoặc thậm chí là vĩnh viễn.

“Tất cả các quá trình tâm linh đều mang tính vật chất. Không có bất kỳ quá trình nào không đòi hỏi phải tiêu thụ một chất nhất định tương ứng với nó. Nếu chất này tồn tại thì quá trình được tiếp diễn. Khi chất này cạn kiệt thì quá trình chấm dứt.”



Leave a Reply