✏ Tác giả: Samael Aun Weor, 📖 Tâm Lý Học Cho Sự Chuyển Hóa Triệt Để
Mỗi người là chính sự sống của mình. Những gì vượt qua cái chết là sự sống. Đây chính là tầm quan trọng của cuốn sách sự sống, được mở đầu với cái chết. [1] Từ góc nhìn của tâm lý học, mỗi một ngày trong cuộc đời chúng ta là một bản sao nhỏ của toàn bộ cuộc sống.
Tranh minh họa này, từ “Cuộn giấy cói của Hunefer” (khoảng năm 1275 TCN), cho thấy nghi lễ “cân trái tim” trong Sách Chết của văn hóa Ai Cập.
Từ tất cả các thông tin ở trên chúng ta có thể suy luận như sau: nếu một người không rèn luyện bản thân thì anh ta sẽ không bao giờ thay đổi.
Khi một người quyết định rằng anh ta muốn rèn luyện bản thân nhưng thay vì thực hiện ngay hôm nay anh ta lại trì hoãn đến ngày mai, thì quyết định đó chỉ đơn giản là một kế hoạch mà thôi, vì ngày hôm nay chính là bản sao cuộc đời của chúng ta.
Có một câu tục ngữ nói rằng: “Việc hôm nay chớ để ngày mai”.
Nếu một người nói: “Ngày mai tôi sẽ rèn luyện bản thân mình”, thì anh ta sẽ không bao giờ rèn luyện bản thân, vì sẽ luôn luôn có một ngày mai.
Việc này giống như kiểu cái biển cảnh báo hay thông báo một số người bán hàng hay treo trong cửa hàng của mình viết rằng: “Hôm nay không cho mua nợ, mai có”.

Khi ai đó có nhu cầu đến mua nợ và gặp phải cái biển báo chết tiệt này, ngày hôm sau khi quay trở lại, anh ta sẽ lại đụng phải đúng cái biển báo đáng nguyền rủa đó.
Đây là cái mà tâm lý học gọi là “con bệnh của ngày mai“. Khi một người cứ nói “mai nhé”, anh ấy sẽ không bao giờ thay đổi.
Chúng ta không thể trì hoãn lâu hơn nữa việc rèn luyện bản thân ngay ngày hôm nay, chứ không phải mơ về một tương lai hay về một cơ hội phi thường nào đó.
Những kẻ nói rằng: “Tôi sẽ làm nốt việc này hay việc kia, rồi sau đó tôi sẽ tu tập“, sẽ không bao giờ rèn luyện bản thân mình; họ chính là những dân cư trên đất [2] được đề cập trong Kinh Thánh.
Một ông địa chủ đầy quyền lực, mà tôi quen trước đây, có nói rằng: “Trước hết tôi phải ổn định cuộc sống đã, rồi tôi sẽ rèn luyện bản thân mình.”
Khi ông ấy bị bệnh nan y, tôi có đến thăm và hỏi ông: “Bây giờ ông còn muốn ổn định cuộc sống nữa không?”
“Tôi thực sự tiếc vì đã lãng phí thời gian”, ông đáp lại. Mấy ngày sau ông ấy chết, sau khi đã nhận ra sai lầm của mình.
Ông ấy có rất nhiều đất, tuy nhiên ông còn muốn sở hữu cả những miếng đất bên cạnh nữa; ông muốn “ổn định cuộc sống” cho đến khi trang trại của ông được bao quanh bởi bốn con đường.
Kabir Jesus vĩ đại nói: “Ngày nào có khó nhọc đủ cho ngày ấy.” [3]; chúng ta nên tự quan sát bản thân ngay trong hôm nay về các việc liên quan đến cái ngày luôn tái diễn này; một mô hình thu nhỏ của toàn bộ cuộc sống chúng ta.
Khi một người bắt đầu rèn luyện bản thân ngày hôm nay, khi anh ta quan sát các nỗi lo sợ và đau khổ của mình thì anh ta đang bước đi trên con đường của thành công.
Chúng ta không thể loại trừ cái mà chúng ta không nhận ra. Chúng ta phải quan sát để biết các sai lầm của mình trước đã.
Chúng ta không những phải biết một ngày của mình mà còn phải biết nó liên quan đến chúng ta như thế nào. Mọi người đều có trải nghiệm trực tiếp của một ngày bình thường [4], một ngày không có các sự kiện ngoại lệ, bất thường.
Thật thú vị khi quan sát các sự việc tái diễn hàng ngày, sự lặp lại của những lời nói và sự kiện của mỗi người, v.v.
Sự lặp lại hay còn gọi là tái diễn của các sự kiện và lời nói rất đáng để tìm hiểu, nó sẽ dẫn chúng ta đến sự hiểu biết về chính mình.
Ghi chú
[1]
“Tôi cũng thấy những người chết, cả lớn lẫn nhỏ, đứng trước ngai, và các sách được mở ra; cũng có một sách khác được mở ra, đó là sách sự sống. Những người chết bị xét xử tùy theo những việc họ làm, y như đã ghi trong các sách đó.” (Khải Huyền 20:12, Kinh Thánh)
[2]
“Bởi vì ngươi đã vâng giữ lời Ta mà kiên trì chịu đựng, Ta cũng sẽ gìn giữ ngươi khỏi giờ thử thách, là giờ sắp đến trên toàn thế giới, để thử thách dân cư trên đất.” (Khải Huyền 3:10, Kinh Thánh)
Câu “dân cư trên đất” cũng có ở Khải Huyền 6:10, 8:13, 11:10, 13:8, 13:12, 13:14, 14:6, và 17:8
[3]
“Vậy các ngươi đừng quá lo lắng về ngày mai, vì ngày mai sẽ có những việc để lo trong ngày mai. Ngày nào có khó nhọc đủ cho ngày ấy.” (Ma-thi-ơ 6:34, Kinh Thánh)
[4] Ngày bình thường là một ngày Nguyên Mẫu trong triết lý Platon. Mặc dù không có ngày nào diễn ra trên đời giống hệt ngày Nguyên Mẫu này, nhưng chúng ta vẫn trải nghiệm nó như một ngày tiêu biểu lý tưởng.
← Trước: Chương 15 – Tính chất tự chủ | Tiếp theo: Chương 17 – Những Sinh Vật Máy Móc |