Chương 15 – Tính Cá thể

✏ Tác giả: Samael Aun Weor, 📖 Tâm Lý Học Cho Sự Chuyển Hóa Triệt Để

Việc tin rằng mình là một, chắc chắn là câu chuyện đùa rất tệ; không may thay, ảo tưởng phù phiếm này đều tồn tại trong mỗi chúng ta.

Thật đáng thương thay, chúng ta luôn nghĩ điều tốt nhất về bản thân, chúng ta không thể hiểu rằng mình thậm chí không có tính cá thể thực sự.

Điều tệ nhất là chúng ta dám nuông chiều mình với một niềm tin giả tạo rằng mỗi người chúng ta đều ở trong sự tỉnh thức hoàn hảo và có ý chí của riêng mình.

Chúng ta thật tội nghiệp! Chúng ta thật khờ dại làm sao! Chắc chắn rằng sự vô minh chính là điều bất hạnh lớn lao nhất.

Trong mỗi người chúng ta, có hàng ngàn cá nhân khác nhau, những người khác biệt, những cái Tôi hoặc những người tranh cãi với nhau, những người đấu tranh vì uy quyền và những người không theo một trật tự hay sự hòa hợp nào hết.

Nếu chúng ta tỉnh táo, nếu chúng ta thức tỉnh khỏi những giấc mơ và mộng tưởng, cuộc sống sẽ khác biết bao…

Nhưng trên cả sự bất hạnh của chúng ta, những cảm xúc tiêu cực, việc coi trọng bản thân và lòng tự ái mê hoặc chúng ta, thôi miên chúng ta, không bao giờ cho phép chúng ta quán niệm bản thân, để thấy bản thân như mình đang là…

Chúng ta tin rằng mình có một ý chí duy nhất, nhưng trong thực tế thì chúng ta có nhiều ý chí khác nhau (mỗi cái Tôi có của riêng nó).

Vở bi hài kịch của tất cả sự đa dạng bên trong này thật đáng sợ; những ý chí nội bộ khác nhau mâu thuẫn lẫn nhau, tồn tại trong một cuộc xung đột không ngừng nghỉ, làm việc theo các hướng khác nhau.

Nếu chúng ta có tính cá thể thực sự, nếu chúng ta có sự đơn nhất thay vì đa nguyên, chúng ta sẽ có sự thống nhất trong mục đích, sự thức tỉnh trong Tâm Thức và tính cá thể của một ý chí cá nhân.

Thay đổi là cần thiết, tuy nhiên, chúng ta phải bắt đầu bằng sự thành thật với chính mình.

Chúng ta cần kiểm kê lại tâm lý của chính mình để biết được mình đang thừa cái gì và thiếu cái gì.

Đạt được tính cá thể là điều hoàn toàn có thể; tuy nhiên khi chúng ta tin rằng mình đã có khả năng đó rồi thì cơ hội đó lại biến mất.

Rõ ràng là chúng ta sẽ không bao giờ tranh đấu để có được cái mà chúng ta tin rằng mình đã có rồi. Ảo tưởng khiến chúng ta tin rằng mình có khả năng tự chủ và thậm chí có cả những trường phái trên thế giới dạy như thế.

989px-Narcissus-Caravaggio_(1594-96)
Trong thần thoại Hy Lạp, Narcissus bị thôi miên bởi hình ảnh phản chiếu của chính mình trên mặt nước, giống như chúng ta khi đồng nhất mình với khái niệm ảo tưởng của cái Tôi. Tranh được vẽ bởi Michelangelo Merisi thành Caravaggio, năm 1596.

Tranh đấu với mộng tưởng là điều khẩn cấp. Mộng tưởng làm cho chúng ta thể hiện như thế này hoặc như thế kia trong khi thực tế thì chúng ta khổ sở, trơ trẽn và ngoan cố.

Chúng ta nghĩ rằng mình là con người khi trong thực tế, chúng ta chỉ là những động vật trí năng, không có tính cá thể.

Những kẻ tự lừa dối tin rằng mình là vị Thần, Thánh Mahatma, v.v., mà không chút nghi ngờ rằng mình thậm chí còn không có lấy một tâm trí tự chủ và một ý chí tỉnh thức.

Những kẻ ái kỷ quá tôn thờ Ego yêu quý của mình đến nỗi họ sẽ không bao giờ chấp nhận ý tưởng về tính đa dạng của Ego trong mình.

Kẻ hoang tưởng, với tất cả sự kiêu ngạo đặc trưng tiêu biểu của mình, thậm chí sẽ không đọc cuốn sách này…

Chiến đấu đến chết với mộng tưởng về bản thân là điều cần thiết nếu chúng ta không muốn trở thành nạn nhân của những cảm xúc giả tạo và kinh nghiệm dối trá, là những thứ không chỉ đặt chúng ta vào những tình huống nực cười mà còn cản trở tất cả các cơ hội phát triển bên trong.

Thú vật trí năng bị thôi miên bởi mộng tưởng của mình đến nỗi hắn tưởng rằng mình là sư tử hay đại bàng, trong khi thật ra hắn chẳng là gì ngoài một con sâu hèn hạ của bùn đất.

Kẻ tự lừa dối sẽ không bao giờ chấp nhận những lời khẳng định đã nêu ở trên; hiển nhiên dù người ta nói thế nào đi chăng nữa thì hắn vẫn cứ tin rằng mình là một arch-hierophant [1] mà không mảy may nghi ngờ rằng mộng tưởng này chỉ là không, “không có gì ngoài mộng tưởng.”

Mộng tưởng là một năng lực có thật, hoạt động trên tất cả mọi người và là thứ năng lực kìm giữ thú vật trí năng dáng người trong trạng thái mê ngủ, khiến nó tin rằng mình đã là một con người, rằng nó sở hữu tính cá thể, ý chí, tâm thức tỉnh táo, tâm trí cá nhân, v.v., v.v., v.v.

Khi chúng ta nghĩ mình là một, chúng ta không thể thoát khỏi trạng thái hiện tại của mình, chúng ta cứ trì trệ và cuối cùng chúng ta thoái hóa, chúng ta suy tàn.

Mỗi người trong chúng ta đang ở một giai đoạn tâm lý nhất định và chúng ta sẽ không thể thoát khỏi nó trừ khi chúng ta trực tiếp nhận ra được tất cả những người đó hoặc những cái Tôi tồn tại bên trong mình.

Rõ ràng là thông qua sự tự quan sát nội tại, chúng ta sẽ có thể thấy được những người tồn tại trong tâm mình và những người chúng ta cần loại bỏ để đạt được sự biến đổi triệt để.

Nhận thức này, sự tự quan sát này về cơ bản làm thay đổi tất cả các khái niệm sai lầm mà chúng ta đã có về bản thân, và kết quả là, chúng ta thấy được cái thực tế cụ thể là mình không có tính cá thể đích thực.

Chừng nào chúng ta không tự quan sát, chúng ta sẽ còn sống trong ảo giác rằng mình là một và kết quả là, cuộc sống của chúng ta sẽ bị lầm đường lạc lối.

Một người sẽ không thể biết cách đối xử đúng đắn với các anh em của mình chừng nào người đó còn chưa tạo ra một sự thay đổi sâu sắc trong tâm mình.

Bất kỳ một sự thay đổi bên trong nào cũng đòi hỏi trước hết sự loại bỏ những cái Tôi mà chúng ta mang theo bên trong.

Không đời nào chúng ta có thể loại bỏ được những cái Tôi đó nếu chúng ta không quan sát chúng ở bên trong mình.

Những người cảm thấy họ là một, những người nghĩ điều tốt nhất về bản thân, những người không bao giờ chấp nhận giáo pháp đa nguyên, cũng không muốn quan sát những cái Tôi thì mọi cơ hội thay đổi đều trở thành không thể đối với họ.

Thay đổi là điều không thể nếu một người không loại trừ [các cái Tôi], nhưng nếu một người nhầm rằng mình đã có khả năng tự chủ và giả sử rằng người đó chấp nhận rằng mình phải loại bỏ các cái Tôi, thì thực ra người đó vẫn phớt lờ sự tồn tại của những gì mình cần phải loại bỏ.

Tuy nhiên, chúng ta không được quên rằng người nào tin rằng mình là một, người nào lừa dối chính mình, tin rằng mình biết cái gì cần phải loại bỏ, nhưng thật sự thì thậm chí còn không biết rằng mình không biết; người đó là một kẻ vô minh cao thủ.

Chúng ta cần phải “vô ngã hoá” [2] để “cá thể hoá” bản thân mình, nhưng đối với người tin rằng mình có tính cá thể thì sẽ không thể vô-ngã-hoá được bản thân.

Tính cá thể là một trăm phần trăm thiêng liêng, hiếm người có nó, nhưng ai cũng nghĩ rằng mình có.

Làm thế nào chúng ta có thể loại trừ các cái Tôi nếu chúng ta tin rằng mình là một cái Tôi độc nhất.

Chắc chắn, chỉ có người chưa bao giờ tự quan sát chính mình một cách nghiêm túc mới nghĩ rằng hắn ta có một cái Tôi độc nhất.

Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu rất rõ giáo pháp này, bởi vì có một mối nguy hiểm tâm lý tiềm tàng trong việc nhầm lẫn tính cá thể đích thực với khái niệm về một “cái Tôi siêu cấp” hoặc một thứ gì đó tương tự.

Tính cá thể thiêng liêng vượt qua bất kỳ cái Tôi nào; nó là cái đang là, cái luôn luôn là, và cái sẽ luôn luôn là như vậy.

Tính cá thể đích thực là Bản thể, và Bản thể tồn tại vì chính bản thân nó.

Hãy phân biệt giữa Bản thể và cái Tôi. Những người nhầm lẫn giữa cái Tôi với Bản thể chắc chắn chưa bao giờ quan sát bản thân một cách nghiêm túc.

Chừng nào Tinh ChấtTâm Thức vẫn còn bị nhốt chặt dưới lớp vỏ của các cái Tôi mà chúng ta mang theo bên trong, thì một sự thay đổi triệt để là điều không thể.


Ghi chú

[1] Arch-hierophant: đại-tu sĩ (trong hệ phái Hy Lạp cổ)

[2] vô-ngã-hoá – tiếng Anh: de-egotize, tức là loại trừ Ego. Theo trường phái Gnosis, trong quá trình “vô-ngã-hoá”, học trò phải ý niệm rằng ego là một năng lực tồn tại trong tâm, và rằng năng lực đó là một thực thể có thể bị tiêu diệt.

← Trước: Chương 14 – Những suy nghĩ tiêu cực Tiếp theo: Chương 16 – Sách Sự Sống

Leave a Reply