Chương 32 – Cầu nguyện trong Rèn luyện Huyền học

✏ Tác giả: Samael Aun Weor, 📖 Tâm Lý Học Cho Sự Chuyển Hóa Triệt Để

Sự quan sát, phán xét và hành quyết là ba yếu tố cơ bản của sự tan rã [cái Tôi]. Thứ nhất: chúng ta quan sát; thứ hai: chúng ta phán xét; và thứ ba, chúng ta hành quyết. 

Trong chiến tranh, những gián điệp bị quan sát trước; sau đó họ bị phán xét; và sau cùng họ bị bắn chết. 

Trong giao tiếp có sự tự khám phá bản thân và mặc khải sự thật về bản thân [1]. Ai từ bỏ cuộc sống giữa nhân loại cũng chính là đang từ bỏ việc tự khám phá bản thân mình. 

Bất kỳ sự cố nào trong đời, dù đáng hay không, chắc chắn có một nhân tố bên trong là nguyên nhân điều khiển chúng ta, là một kết tập tâm linh, hay một cái Tôi. 

Tự tìm hiểu bản thân là có thể khi chúng ta quan sát mọi thứ một cách tỉnh táo, tỉnh táo như thể mình đang ở trong hoàn cảnh mới lạ [2]. 

Sau khi bắt quả tang một cái Tôi thì phải quan sát nó tỉ mỉ trong não bộ, trái tim và trung tâm sinh dục của chúng ta. 

Bất kỳ cái Tôi của dục vọng nào cũng có thể biểu hiện trong trái tim như tình yêu, và trong não bộ như một lý tưởng, nhưng khi chú ý vào trung tâm sinh dục, chúng ta sẽ cảm thấy một cảm xúc kích dục không thể nhầm lẫn. 

Chúng ta phải phán xét mỗi cái Tôi một cách dứt khoát. Chúng ta cần bắt nó ngồi trên băng ghế của bị cáo và phán xét nó một cách không khoan nhượng [3]. 

Ở phía trái của ảnh minh hoạ là nữ thần Đurga. Đurga là một trong vô số các hình dạng của Đức Mẹ. Sử thi Mahabharata kể rằng nữ thần Kali (bên phải) là hoá thân phát ra từ trán của Đức Mẹ Đurga. Các đầu người trong tay trái và ở vòng cổ tượng trưng cho các cái Tôi của chúng ta. Thần Shiva, là người phối ngẫu của Kali, nằm yên ở dưới chân phải của nữ thần. Mặc dù nữ thần Kali trong rất ghê gớm và bạo lực, bạo lực của Kali xuất phát từ tình yêu và từ bi của Mẹ Đurga. Cũng như thế, năng lực tiêu diệt các cái Tôi của chúng ta phải xuất phát từ tình yêu và từ bi, chứ không phải từ một thái độ tiêu cực đối với bản thân mình.

Lời dịch giả: Ở đây chúng ta cần thấu hiểu những cái Tôi với tình yêu, chứ không phải đánh giá, phát xét, lên án một cách tiêu cực, thái quá đối với những cái Tôi hay bản thân mình.

Bất kỳ sự trốn tránh, biện minh, hoặc thái độ chủ quan nào cũng phải được loại bỏ nếu chúng ta thực sự muốn có ý thức về cái Tôi mà chúng ta đang muốn diệt trừ khỏi tâm trí mình. 

Sự hành quyết thì khác hẳn [so với sự quan sát và sự phán xét]; bởi không thể diệt trừ bất kỳ cái Tôi nào nếu trước đó chúng ta không quan sát và phán xét nó. 

Cầu nguyện trong rèn luyện huyền học tâm linh là nền tảng của việc phân rã [cái Tôi]. Chúng ta cần một sức mạnh vượt trội tâm trí, nếu trong thực tế, chúng ta muốn làm tan rã một cái Tôi nào đó. 

Tâm trí không thể tự nó làm tan rã một cái Tôi nào; đây là điều không thể chối cãi, không thể bác bỏ được. [4] 

Cầu nguyện tức là nói chuyện với Thượng Đế. Chúng ta phải thỉnh cầu Đức Mẹ của riêng ta nếu chúng ta thực sự muốn làm tan rã các cái Tôi; những kẻ không yêu Mẹ, những đứa con vô ơn, sẽ thất bại trong việc rèn luyện bản thân. 

Mỗi chúng ta đều có một Đức Mẹ Thần Thánh của riêng mình. Đức Mẹ là một phần trong Bản thể của chúng ta, là một sự thừa hưởng từ đó. 

Tất cả những người cổ đại tôn thờ “Đức Thánh Mẫu” nơi sâu thẳm nhất trong Bản thể của họ. Nguyên lý nữ tính của sự Bất diệt được gọi bằng: Isis, Maria, Tonantzin, Cybele, Rhea, Adonia, Isomberta, v.v., v.v., v.v. [5] 

Nếu ở thế giới vật chất, chúng ta có cha có mẹ, thì nơi sâu thẳm của Bản thể, chúng ta cũng có Đức Cha bí ẩn và Đức Mẹ thiêng liêng Kundalini của mình. 

Số các Đức Cha và Đức Mẹ trên Trời bằng số lượng con người ở dưới Trái Đất. Đức Mẹ trong tâm khảm chúng ta chính là khía cạnh nữ tính ở Cha chúng ta ở nơi bí ẩn. 

Đức Cha và Đức Mẹ, chắc chắn là hai phần bề trên của Bản thể nội tâm. Chắc chắn rằng Đức Cha và Đức Mẹ chính là Bản thể đích thực của chúng ta, vượt xa ngoài cái Tôi tâm lý. 

Đức Cha phơi bày mình ra để tiết lộ Đức Mẹ [6] và đưa mệnh lệnh, ra chỉ thị, hướng dẫn. Đức Mẹ loại bỏ các yếu tố không mong muốn mà chúng ta mang theo trong nội tâm của mình, với điều kiện chúng ta phải liên tục rèn luyện bản thân. 

Khi chúng ta đã chết một cách triệt để, khi toàn bộ những yếu tố không mong muốn đã bị loại trừ, sau rất nhiều công việc tỉnh thức và tự nguyện chấp nhận khổ đau, chúng ta sẽ hợp nhất cả Cha và Mẹ làm một; sau đó chúng ta sẽ trở thành Thần Thánh phi thường, vượt qua cả thiện và ác. 

Đức Mẹ đặc biệt và riêng biệt của chúng ta, bằng sức mạnh rực lửa của mình, có thể khử thành cát bụi vũ trụ bất kỳ cái Tôi nào mà trước đó đã bị quan sát và phán xét. 

Không cần một cách thức cụ thể để cầu nguyện Đức Mẹ bên trong chúng ta. Việc nói chuyện với Đức Mẹ phải thật tự nhiên và giản dị. Con cái nói chuyện với mẹ của mình không bao giờ có cách thức đặc biệt, bởi chúng nói những gì đến từ trái tim; đơn giản thế thôi. 

Không có cái Tôi nào ngay lập tức bị giải thể; Đức Mẹ của chúng ta phải làm việc và thậm chí chịu đựng nhiều, trước khi đạt được sự hủy diệt một cái Tôi. 

Hãy hướng nội, hướng lời cầu nguyện của bạn vào bên trong, tìm kiếm Quý Đức Bà trong nội tại của bạn, và hãy nói với Bà bằng những lời thỉnh cầu chân thành. Cầu xin Đức Mẹ làm tan rã cái Tôi mà bạn đã quan sát và phán xét trước đó. 

Khi giác quan tự quan sát nội tại phát triển, chúng ta sẽ thực chứng được sự tiến bộ dần dần trong việc rèn luyện của mình. 

Nhận thức và thấu hiểu chính là nền tảng; tuy nhiên, trong thực tế, nếu muốn làm tan rã “bản thân mình“, chúng ta cần một năng lực mạnh mẽ hơn thế nữa. 

Tâm trí có thể nuông chiều bản thân bằng việc đặt tên cho một khiếm khuyết, truyền nó đi từ bộ phận này đến bộ phận khác, trưng bày nó, giấu nó, v.v., nhưng không bao giờ có thể thay đổi nó tận gốc rễ. 

Cần có một “sức mạnh đặc biệt” vượt trội hơn tâm trí, một sức mạnh rực lửa có khả năng khử bất kỳ khiếm khuyết nào thành đống tro tàn. 

Stella Maris, Đức Mẹ của chúng ta, có sức mạnh đó. Đức Mẹ có thể nghiền nát bất kỳ khiếm khuyết tâm lý nào.  

Đức Mẹ sống trong tâm khảm chúng ta, vượt hẳn thân xác, cảm xúc và tâm trí. Đức Mẹ có một sức mạnh rực cháy vượt trội hơn so với tâm trí. 

Đức Mẹ cụ thể riêng biệt của mỗi chúng ta sở hữu Trí Tuệ, Tình Yêu và Sức Mạnh. Trong Đức Mẹ tồn tại sự hoàn hảo tuyệt đối. 

Việc liên tục lặp lại những ý định tốt không có ích lợi, chẳng đi đến đâu. Thật vô ích khi lặp đi lặp lại rằng: “Tôi sẽ không dâm dục”; [bởi vì] cái Tôi dâm dục kiểu gì cũng tiếp tục tồn tại ở rất sâu trong tâm trí chúng ta. 

Thật vô ích khi lặp lại hàng ngày rằng: “Tôi sẽ không tức giận nữa”; [bởi vì] cái Tôi giận dữ sẽ tiếp tục tồn tại nơi sâu thẳm tâm lý chúng ta. 

Thật vô ích khi hàng ngày lặp đi lặp lại rằng: “Tôi sẽ không tham lam nữa”; [bởi vì] cái Tôi tham lam sẽ tiếp tục tồn tại trong các tầng lớp khác nhau của tâm trí chúng ta. 

Thật vô ích khi rút lui khỏi thế giới và nhốt mình trong một tu viện, hoặc sống trong một hang động; [bởi vì] những cái Tôi trong chúng ta vẫn tiếp tục tồn tại. 

Có một số tu sĩ sống ẩn dật trong hang động với những khuôn phép khắt khe, đã đạt đến trạng thái samadhi [định] của các vị Thánh, và được đưa đến các Cõi Trời, nơi họ nhìn thấy và nghe được những điều con người [thông thường] không thể hiểu; tuy nhiên, những cái Tôi vẫn tiếp tục tồn tại bên trong họ. 

Chắc chắn, trên cơ sở khuôn phép khắt khe, Tinh chất có thể thoát khỏi cái Tôi và tận hưởng trạng thái samadhi [nhập định]; tuy nhiên, sau đó nó trở lại “Bản thân mình”. 

Những người đã quen với trạng thái samadhi [định] trong khi chưa làm tan rã “Ego”, tin rằng họ đã đạt được Sự Giải Thoát; họ lừa dối bản thân; họ cứ tin rằng họ là Bậc giác ngộ cho đến khi họ chìm đắm vào dòng xoáy của luân hồi. [7] 

Chúng ta sẽ không bao giờ nói lời phê bình về sự mê ly thần bí, hay chống lại việc nhập định và [tận hưởng] hạnh phúc của Tâm hồn khi Ego vắng mặt. 

Chúng ta chỉ muốn nhấn mạnh sự cần thiết của việc làm tan rã cái Tôi để đạt đến Sự Giải Thoát Cuối Cùng. 

Tinh chất của mỗi tu sĩ ẩn dật sống theo kỷ luật, đã quen với việc trốn thoát cái Tôi, rồi lặp lại chiêu trò đó sau cái chết của cơ thể vật chất; nó tận hưởng trạng thái định [samadhi] trong một thời gian và sau đó nó mới trở lại với Ego, với Bản Thân Mình, giống như thần đèn của Aladdin quay trở lại vào trong chiếc đèn. [8] 

Để rồi nó không có cách khắc phục nào khác ngoài việc trở lại một cơ thể vật chất mới với mục đích lặp lại kiếp sống của mình trên tấm thảm cuộc đời. 

Nhiều nhà huyền bí học đã rời bỏ cơ thể vật chất trong các hang động của dãy Himalaya ở Trung Á, và bây giờ trở lại là những người trần tục, bình thường của thế giới này, mặc dù những người tín đồ của họ vẫn tôn thờ và sùng bái họ. 

Bất kỳ nỗ lực nào hướng tới Sự Giải Thoát, cho dù nó có vĩ đại đến thế nào đi chăng nữa, nhưng nếu không tính đến sự cần thiết phải làm tan rã Cái Tôi, thì đều không thể tránh khỏi sự thất bại.


GHI CHÚ

[1] Mặc khải – (chữ Hán: 默啟) có nghĩa là mở ra cho biết một điều thiêng liêng mầu nhiệm trong sự tĩnh lặng mà lý trí con người không thể giải thích được.

[2] Như thể mình đang ở trong hoàn cảnh mới lạ – tiếng Anh: “alert novelty”. Đôi khi chúng ta chán nản với thế giới của mình, với nhà ở, văn phòng làm việc, v.v., cho nên khi đang ở những nơi quen thuộc này chúng ta không để ý đến hoàn cảnh. Tuy nhiên, khi chúng ta gặp hoàn cảnh mới lạ thì tâm thức tỉnh táo hơn nhiều. Chúng ta phải tìm cách duy trì tâm tỉnh táo ngay khi đang ở hoàn cảnh quen thuộc của mình.

[3] Phán xét nó một cách không khoan nhượng– Dịch giả cảnh báo: thái độ sân hận đối với bản thân là chướng ngại nghiêm trọng trên con đường tu hành. Mặc dù thầy Samael dùng ngôn ngữ mạnh mẽ để nhấn mạnh rằng việc diệt trừ các cái Tôi là khẩn cấp, chúng ta phải thực hiện pháp này với thái độ yêu thương, chứ không phải là sân hận. Những người tập pháp này với ý niệm rằng “Tôi đang tiêu diệt cái Tôi” đang mắc sai lầm. Sẽ đúng hơn nếu chúng ta ý niệm rằng “Tôi thả cho chính mình chết đi để thay thế ảo tưởng về một cái Tôi nhỏ xíu và yếu đuối bằng trải nghiệm thực sự của một tình yêu bao la như vũ trụ.” Trong chương này chúng ta thấy rõ rằng chỉ có Đức Mẹ mới có khả năng diệt trừ cái Tôi. Đức Mẹ chính là năng lực tình yêu của bản thể.

[4]

“Sau đó, họ mang đến cho Chúa Giê-su một người mù và câm do bị quỷ ám. Ngài chữa lành ông thì ông nói và thấy được. Cả đoàn dân kinh ngạc thốt lên: “Chẳng phải người này là Con vua Đa-vít sao?”. Nghe vậy, người Pha-ri-si nói: “Nếu không nhờ Bê-ên-xê-bun, là chúa quỷ, thì ông ta không đuổi được quỷ”. Biết ý nghĩ của họ, ngài phán: “Nước nào chia rẽ thì tan hoang, thành nào hay nhà nào chia rẽ thì sẽ không vững bền. Cũng một thể ấy, nếu Sa-tan đuổi Sa-tan thì hắn tự chia rẽ mình. Vậy làm sao nước của hắn đứng vững được? Vả lại, nếu tôi nhờ Bê-ên-xê-bun để đuổi quỷ thì môn đồ các ông nhờ ai để đuổi chúng? Bởi vậy, môn đồ các ông sẽ là người xét xử các ông. Nhưng nếu tôi nhờ thần khí Đức Chúa Trời để đuổi quỷ thì quả thật Nước Đức Chúa Trời đã thình lình đến với các ông.”

(Ma-thi-ơ 12:22-28, Kinh Thánh)

[5] Tất cả nữ thần của các tôn giáo vĩ đại đều tượng trưng cho một khía cạnh nào đó của nguyên lý nữ tính.

[6] Đức Cha phơi bày mình ra – Đức Cha và Đức Mẹ vốn là một, là bản tính tự nhiên của chúng ta. Tuy nhiên Bản thể phơi bày ra và hiện diện hai nguyên lý nam tính và nữ tính riêng biệt. Trên cây sự sống, Đức Cha ở Sephirah Kether, là Pháp Thân của Phật giáo, và Đức Mẹ ở Sephirah Binah.

[7] chìm đắm – họ chìm vào các cõi thấp của luân hồi để tái sinh ở đó.

[8] trở lại với Ego – sau khi tận hưởng khoái lạc ở cõi trời trong một thời gian thì người ta sẽ tái sinh ở một cõi thấp hơn, trở lại với cái Tôi bên trong như một người bình thường.

← Trước: Chương 31 – Rèn luyện Huyền học theo Trường phái Gnosis


Leave a Reply