Yoga là gì?

Câu trả lời đơn giản:

Yoga nghĩa là “tu luyện” hay “thực hành tâm linh”.

Câu trả lời đầy đủ hơn:

Khi nói đến “Yoga” nhiều người sẽ nghĩ đến Hatha Yoga, một hệ thống tập thể dục rất phổ biến trong đó người thực hành gập và duỗi cơ thể trong các tư thế đặc biệt được gọi là asana. Nếu thực hành đúng, bài tập Hatha Yoga có lợi cho sức khoẻ thể chất. Tuy nhiên, các tư thế asana đó không phải là ý nghĩa thực sự của từ Yoga.

Hatha Yoga

Từ điển tiếng Bắc Phạn định nghĩa Yoga là “sự hợp nhất”, “sự kết hợp”, “kết nối”. Với Gnosis, Yoga chỉ bất kỳ phương pháp tập luyện nào nhằm giúp cơ thể và tâm trí được hợp nhất với tâm linh. Vì thế, mọi phương pháp tu luyện đích thực đều là một loại Yoga.

“Yoga có nghĩa là sự hợp nhất. Về mặt từ nguyên, Yoga liên quan đến từ “yoke” (ách) trong tiếng Anh. Yoga nghĩa là sự hợp nhất với Thượng đế hoặc là sự hợp nhất của cái Tôi nhỏ bé với Bản thể thiêng liêng, Tâm linh vô hạn.

Ở phương Tây cũng như ở Ấn Độ, nhiều người nhầm lẫn giữa Yoga và Hatha Yoga, là hệ thống các tư thế thuộc về cơ thể. Tuy nhiên, Yoga chủ yếu là một phương pháp rèn luyện tâm linh”.

(Paramhansa Yogananda – What is Yoga?)
Tự truyện của thầy Yogananda đã được dịch sang Tiếng Việt với tiêu đề: Các bậc chân sư Yogi Ấn Độ: Hồi ký của Yogananda 

“Mục đích của khoa học về sự hợp nhất – cái được gọi là Yoga ở phương Đông, là để con người làm quen với tâm linh sâu thẳm. Tác phẩm này chỉ giới thiệu một cách sơ khai. Kiến thức sâu hơn chỉ được trao cho người học trò nào đã sẵn sàng. Ai dạy Yoga cho người học trò chưa sẵn sàng thì phải chịu nghiệp quả rất nặng”.

(M, The Dayspring of Youth – Chương 1)
“M” là bút danh của thầy giáo tâm linh của hai tác giả Paul Brunton và Michael Juste. Thông tin về vị thầy này được ghi lại trong hồi ký của Kenneth Thurston Hurst, con của Paul Brunton.

“Patanjali định nghĩa Yoga là việc đình chỉ các hoạt động của tâm trí. Vì thế, chúng ta có thể bỏ qua bất kỳ cuốn sách nào về Yoga mà không đề cập đến ba chủ đề sau: tâm trí, hoạt động của tâm trí và phương pháp đình chỉ các hoạt động của tâm trí. Những cuốn sách không đề cập đến ba khía cạnh trên đều không đầy đủ và không đáng tin”.

(Swami Sivananda, Practical Lessons In Yoga)
Swami Sivananda là tác giả của nhiều sách hay về Vedanta và huyền học Ấn độ. Có trung tâm Sivananda Yoga ở Hà Nội, Đà Lạt, Sài Gòn.

“Yoga có nghĩa là kiểm soát giác quan, ý chí và tâm trí. Lợi ích của việc học Yoga là chúng ta học cách kiểm soát thay vì bị kiểm soát. Tâm trí có nhiều tầng lớp. Mục tiêu của chúng ta là vượt qua tất cả các tầng lớp của Bản thể và tìm đến thượng đế. Mục tiêu và đích đến của Yoga là để ngộ ra thượng đế. Để làm được như thế chúng ta phải vượt qua kiến thức chủ quan và vượt ra khỏi thế giới của giác quan”.

(Swami Vivekananda – Complete Works Volume VI, Notes of Class Talks and Lectures)
Vivekananda là đệ tử của Sri Ramakrishna và là người giới thiệu triết lý Vedanta với thế giới phương Tây.


Chương đầu tiên trong Yoga Sutra của Patanjali là một trong những lời giải thích cổ xưa nổi tiếng nhất về Yoga. Bản dịch tiếng Việt của chúng tôi dựa trên bản dịch tiếng Anh của Swami Vivekananda:

2. Yoga là việc kiềm chế tinh chất của tâm (Citta), ngăn không cho nó biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau (Vrittis).
3. Tại thời điểm tập trung đó, tâm thức-nhân chứng (Purasa) nghỉ ngơi trong trạng thái nguyên thuỷ.
4. Ở thời điểm khác (khi không tập trung) thì tâm thức-nhân chứng bị đồng nhất với các hình thức biến đổi [Vrittis].

(Patanjali, Yoga Sutra 1:2-4)

Leave a Reply