Đàn ông & đàn bà

Bài thơ này được viết bởi Victor Hugo (26/2/1802 – 22/5/1885) tên đầy đủ là Victor Marie Hugo. Theo thầy Samael, Victor Hugo không chỉ là một người theo chủ nghĩa nhân văn và còn là một điểm đạo đồ vĩ đại.

Dưới đây là bản dịch của Lê Minh Sơn đã được dịch giả sửa đổi cho đúng hơn với bản gốc trong tiếng Pháp:

Đàn ông và đàn bà

Đàn ông cao nhất muôn loài
Đàn bà tột đỉnh trên ngai ý lòng
Chúa ban ngôi báu đàn ông
Đàn bà đặt ở nơi lòng thượng tôn

Ngôi báu nhất cõi linh hồn
Bàn thờ tột đỉnh nghiêm tôn dưới trời
Đàn ông là não xây đời
Đàn bà là trái tim ngời yêu thương.

Não sinh khởi ánh quang dương
Trái tim sinh khởi yêu thương dạt dào
Quang dương cho nhựa sống trào
Tình yêu làm sống lại bao mảnh đời.

Đàn ông trí, dũng song đôi
Đàn bà nước mắt không lùi gian nan
Lý cho mọi lẽ uyên phân
Lệ cho nhân thế toả ngàn bao dung.

Đàn ông bản sắc anh hùng
Đàn bà tâm nhẫn với cùng hy sinh
Anh hùng là để tôn vinh
Hy sinh là để tâm bình lớn lao.

Đàn ông quyền lực tối cao
Đàn bà là để đón chào nâng niu
Quyền là không để đổ xiêu
Nâng niu thể hiện những điều nhân văn.

Đàn ông là đấng linh thần
Đàn bà là một thiên thần quả nhiên
Thần linh là tính vô biên
Thiên thần vô lượng diệu hiền trái tim

Đàn ông tìm kiếm vinh quang
Đàn bà đức hạnh ôm mang cả đời
Vinh quang là đỉnh tuyệt vời
Trong khi đức hạnh sáng ngời thiêng liêng.

Đàn ông là Mã kinh nguyền
Đàn bà là quyển sách truyền Phúc âm
Mã đem khắc chế lỗi lầm
Phúc âm hoàn thiện nhân tâm con người

Đàn ông suy nghĩ việc đời
Đàn bà đan gối mộng nơi gia đình
Nghĩ suy lay động tinh thần
Mộng mơ trước mặt luôn hình hào quang.

Đàn ông là biển mênh mang
Đàn bà dịu lặng thênh thang mặt hồ
Đại dương có ngọc điểm tô
Hồ trong lồng lộng ánh thơ huy hoàng

Đàn ông là cánh đại bàng
Đàn bà tiếng hót rộn ràng sơn ca
Bay, ôm cả trời bao la
Hót vang, chinh phục thiết tha lòng người.

Đàn ông là một ngôi đền
Đàn bà là Thánh địa thênh thang tình
Trước đền thờ, để soi mình
Trước nơi Thánh địa cho mình quỳ xin.

Cuối cùng rồi cũng phải tin:
Đàn ông điểm kết ở trên địa cầu
Đàn bà, thế giới bắt đầu.

Dưới đây chúng tôi xin giải nghĩa thêm về bài thơ này:

Đàn ông và phụ nữ

Đàn ông là sinh vật tối cao nhất
Phụ nữ là lý tưởng siêu phàm nhất
Chúa ban cho đàn ông một ngai vàng
Và cho phụ nữ một bàn thờ

Ngai vàng tán dương
Bàn thờ thánh hóa
Đàn ông là bộ não
Phụ nữ là trái tim

Bộ não tạo ra ánh sáng
Trái tim sinh khởi tình yêu.
Ánh sáng đơm hoa kết trái
Tình yêu hồi sinh

Đàn ông mạnh mẽ nhờ lý trí
Phụ nữ bất bại bởi nước mắt
Lý trí đầy thuyết phục
Nước mắt lay động lòng người

Đàn ông có thể anh hùng
Phụ nữ sẵn sàng hy sinh
Tính anh hùng trân quý
Sự hy sinh thăng hoa

Đàn ông có uy thế
Phụ nữ được ưu ái
Uy thế là sức mạnh
Ưu ái là quyền lợi

Đàn ông là thần linh
Phụ nữ là thiên thần
Thần linh vô lượng
Thiên thần vô ngôn [1].

Khát vọng của đàn ông là vinh quang tối cao
Khát vọng của phụ nữ là đức hạnh tột bậc
Vinh quang làm mọi thứ trở nên vĩ đại
Đức hạnh khiến mọi thứ trở nên thiêng liêng

Đàn ông là bộ luật
Phụ nữ là Phúc âm
Bộ luật giúp sửa sai
Phúc âm làm hoàn thiện

Đàn ông suy nghĩ
Phụ nữ mộng mơ
Suy nghĩ là có sâu trong não
Mơ mộng là có hào quang trên trán

Đàn ông là đại dương
Phụ nữ là hồ nước
Đại dương có ngọc trai tô điểm
Hồ nước có bài thơ chói lòa

Đàn ông là đại bàng tung cánh
Phụ nữ là sơn ca hót véo von
Bay lượn là thống trị không gian
Ca hát là chinh phục tâm hồn

Đàn ông là đền thờ
Phụ nữ là thánh đường
Chúng ta ngả mũ trước đền thờ
Chúng ta quỳ gối trước thánh đường

Cuối cùng: đàn ông ở nơi mặt đất kết thúc
Phụ nữ, ở nơi bầu trời mở ra.

[1] vô ngôn: không thể dùng lời lẽ để mô tả

Victor Hugo, chân dũng vẽ bởi Étienne Carjat, 1876

Leave a Reply