✏ Tác giả: Samael Aun Weor, 📖 Tâm Lý Học Cho Sự Chuyển Hóa Triệt Để
Công Việc Vĩ Đại, trên hết, là việc con người tự tạo ra chính mình dựa trên sự tu tập có ý thức và lòng tự nguyện chấp nhận khổ đau. Công Việc Vĩ Đại là sự chinh phục bên trong của bản thân, của sự tự do đích thực của chúng ta nơi Đức Chúa.
Nếu thực sự muốn giải phóng hoàn toàn ý chí, chúng ta cần phải làm tan biến tất cả những cái Tôi sống ở bên trong mình một cách khẩn cấp tối đa, không thể trì hoãn.
Hai bậc thầy nghèo khó Nicolas Flamel và Raymond Lully [1], đều đã giải phóng được ý chí của mình và đạt được vô số phép thần diệu tâm lý đáng kinh ngạc.
Agrippa chưa bao giờ vượt quá được giai đoạn đầu của Công Việc Vĩ Đại, và ông chết khi đang đấu tranh trong đau đớn để làm tan rã các cái Tôi, với mục tiêu dành quyền sở hữu bản thân và đạt được sự tự do của mình.
Một khi ý chí được hoàn toàn giải phóng thì chắc chắn rằng người thông thái cũng sẽ thống lĩnh được toàn bộ lửa, khí, nước và đất.
Nhiều học trò tâm lý học hiện đại sẽ cảm thấy rằng những lời khẳng định ở trên về chủ quyền của ý chí tự do dường như bị phóng đại; tuy nhiên, Kinh Thánh đã nói cho chúng ta biết về phép thần thông của Môi-sê rồi.
Theo Philo, Môi-sê là một điểm đạo đồ tại vùng đất của các Pha-ra-ôn trên bờ sông Nile, giáo sĩ của Osiris, em họ của Pha-ra-ôn; được giáo dục ở giữa hai cột trụ của Isis, là Đức Mẹ Thần Thánh, và của Osiris, người cha bí ẩn của chúng ta.
Môi-se là hậu duệ của Tổ Sư Abraham, Pháp Sư vĩ đại từ Canh Đê, và của Isaac đáng kính.
Môi-sê đã giải phóng điện lực của ý chí và sở hữu khả năng phép lực diệu kỳ; việc này cả thần và con người đều biết. Có lời chép như thế rồi.
Mọi điều mà Kinh Thiêng Liêng nói về người lãnh đạo Do Thái này thật sự là kỳ diệu, tuyệt vời.
Môi-sê đã biến cái gậy của ngài thành một con rắn, biến một tay của ngài thành tay của người bị hủi, rồi khôi phục lại.
Điềm báo của Bụi Gai Cháy đã thể hiện rõ phép lực của ngài, người dân hiểu ra, quỳ xuống, và cúi lạy.
Môi-sê sử dụng một cái gậy thần kỳ, biểu tượng của phép lực đích thực, quyền lực giáo sĩ của một điểm đạo đồ trong các Đại Bí Ẩn của Sự Sống và Cái Chết.
Môi-sê đứng trước Pha-ra-ôn và biến nước sông Nile thành máu; cá chết, dòng sông Thánh bị ô uế, người Ai Cập không thể uống nước từ đó được nữa và hệ thống tưới dẫn nước từ sông Nile đổ máu vào các cánh đồng.
Môi-sê đã làm nhiều hơn thế; ngài biến ra hàng triệu con ếch dị dạng, khổng lồ và kỳ quái xuất hiện từ sông và xâm chiếm các ngôi nhà. Sau đó, dưới hiệu lệnh của ngài, những con ếch kinh khủng này lại biến mất. Đó là dấu hiệu của một ý chí tự do tối thượng.
Nhưng bởi Pha-ra-ôn vẫn không thả tự do cho người dân Israel, Môi-sê lại làm những phép thuật khác: Ngài che phủ trái đất bằng những đám mây ruồi nhặng ghê tởm và gớm ghiếc, sau đó ngài lại thả cho chúng biến đi.
Ngài lại tiếp tục tung ra một bệnh dịch kinh khủng và khiến toàn bộ súc vật đều chết, ngoại trừ những bầy của Người Do Thái.
Kinh Thánh kể rằng ngài còn lấy muội than từ lò nướng và ném vào không khí, khi rơi xuống người Ai Cập, nó khiến họ bị mụn nhọt và lở loét.
Với chiếc gậy phép thuật nổi tiếng, Môi-sê đã biến ra mưa đá từ trời để phá hủy và giết chóc một cách tàn nhẫn. Tiếp đến, ngài phóng ra một tia chớp loé sáng, tiếng sấm sét khủng khiếp vang lên và mưa ập xuống một cách đáng sợ; rồi chỉ với một động tác, ngài đưa mọi thứ trở lại bình thường.
Tuy vậy mà Pha-ra-ôn vẫn không hề lay chuyển. Với một cú đánh khủng khiếp bằng cây gậy phép thuật của mình, Môi-sê biến ra những đám mây cào cào; rồi bóng tối kéo đến. Thêm một cú đánh nữa của chiếc gậy, mọi thứ trở lại trật tự ban đầu.
Đoạn kết của vở kịch này trong Kinh Thánh Cựu ước rất quen thuộc: Đức Giê-hô-va đã can thiệp vào và gây ra cái chết của những đứa con đầu trong các gia đình Ai cập và Pha-ra-ôn không còn lựa chọn nào khác, ngoài việc cho phép người Do Thái đi.
Sau đó, Môi-sê sử dụng cây gậy thần kỳ của mình để gạt nước của Biển Đỏ sang hai bên và băng qua nó với đôi bàn chân khô.

Khi các chiến binh Ai Cập chạy qua đó để đuổi theo người Do Thái, Môi-sê, bằng một cử chỉ, khiến cho nước tràn trở lại nuốt chửng những kẻ truy đuổi.
Không nghi ngờ gì nữa, nhiều nhà huyền bí giả khi đọc tất cả điều này cũng muốn làm được như vậy, muốn có những phép lực giống như Môi-sê; tuy nhiên, đây là điều không thể, chừng nào mà Ý chí còn tiếp tục bị mắc kẹt trong mỗi một cái Tôi mà chúng ta mang theo trong các tầng tiềm thức của tâm trí mình.
Tinh chất, bị giam cầm trong cái “Bản thân Tôi”, chính là vị thần trong cây đèn của Aladdin, luôn khao khát tự do… Một vị thần tự do có thể làm nên những điều kỳ diệu.
Tinh chất chính là “Ý chí – Tâm thức” [3], không may đang bị xử lý tùy theo điều kiện riêng của chúng ta [4].
Khi ý chí [cá nhân] được giải phóng, nó sẽ hoà trộn hoặc hợp nhất, tích hợp chính nó với ý chí toàn thể, do vậy trở nên tự do.
Chừng nào ý chí cá nhân được hợp nhất với ý chí toàn thể thì sẽ có thể thực hiện tất cả những phép lạ của Môi-sê.
Có ba loại hành vi:
A) Các hành vi tương ứng với Luật Ngẫu nhiên.
B) Các hành vi thuộc về Luật Tái diễn, sự cố luôn lặp đi lặp lại trong mọi đời kiếp.
C) Các hành vi được xác định một cách có chủ đích bởi ý chí thức tỉnh.
Không nghi ngờ gì nữa, chỉ những người đã giải phóng ý chí của họ qua cái chết của “Bản Thân Tôi” mới có thể thực hiện các hành vi mới được sinh ra bởi ý chí tự do của họ.
Những hành vi thông thường và hàng ngày của nhân loại luôn là kết quả của Luật Tái diễn, hoặc chỉ là hậu quả của các sự kiện ngẫu nhiên và máy móc.
Những người thực sự sở hữu ý chí tự do đều có thể tạo ra hoàn cảnh mới; những người có ý chí bị giam hãm trong “cái Tôi đa nguyên” đều là nạn nhân của hoàn cảnh.
Trong tất cả các trang của Kinh Thánh đều có màn trình diễn kỳ diệu của Thần thông Cao cấp, nhãn thông, lời tiên tri, phép lạ, sự biến hình, sự hồi sinh của người chết bằng cách thổi khí vào người hoặc đặt tay trên người, hay bằng một cái nhìn chằm chằm vào gốc mũi v.v., v.v., v.v.
Trong Kinh Thánh có rất nhiều đoạn về xoa bóp, dầu thánh, phát khí từ bàn tay để để trị bệnh, bôi một chút nước bọt vào bộ phận bị bệnh, đọc suy nghĩ của người khác, dịch chuyển tức thời, hiện hình, lời nói từ trời, v.v., v.v., v.v., rất nhiều những điều kỳ diệu thực sự của ý chí có ý thức, tự do, giải phóng.
Phù thủy? Nhà ma thuật? Tu sĩ đen? Họ nhiều như cỏ dại, tuy nhiên họ không phải là Thánh nhân, cũng không phải là Nhà Tiên Tri, càng không phải là những Adept của Đoàn Thể Trắng [5].
Không ai có thể đạt được sự Giác ngộ Thực sự, hoặc làm một tu sĩ thực sự của ý chí tỉnh thức nếu người đó chưa hoàn toàn chết đi trong chính mình, ngay lúc này và ở đây.
Nhiều người hay viết thư cho chúng tôi phàn nàn về việc thiếu sự sáng tỏ; họ cầu xin phép lực hay đòi bí kíp để chuyển đổi mình thành Pháp sư, v.v., v.v., v.v., tuy nhiên, họ không bao giờ quan tâm đến việc quan sát bản thân mình, tự biết bản thân mình, làm tan rã những cấu trúc tâm lý [6], những cái Tôi đang nhốt chặt Ý chí và Tinh chất ở bên trong.
Những người như thế rõ ràng không thể thoát khỏi sự thất bại. Họ là những kẻ thèm muốn các khả năng đặc biệt của các Thánh Nhân, nhưng lại không sẵn lòng chết đi trong chính bản thân mình.
Việc loại bỏ các khiếm khuyết tâm lý là một cái gì đó thật tuyệt vời và kỳ diệu, điều này ám chỉ sự tự quan sát tâm lý một cách nghiêm ngặt.
Việc thực thi các phép thần thông là có thể khi một người giải phóng hoàn toàn sức mạnh tuyệt vời của ý chí.
Tuy nhiên, bởi ý chí của con người hay bị mắc kẹt trong mỗi cái Tôi, nên rõ ràng là nó sẽ bị chia thành nhiều ý chí, và mỗi ý chí đó sẽ xử lý theo điều kiện [4] riêng của nó.
Do đó, việc mỗi cái Tôi sở hữu ý chí vô thức của riêng nó là một điều rất dễ hiểu.
Vô số các ý chí bị mắc kẹt bên trong những cái Tôi thường xuyên xung đột với nhau, khiến cho chúng ta trở thành những nạn nhân của hoàn cảnh; bất lực, yếu đuối, khốn khổ và vô dụng.
Ghi chú
[1] Nicolas Flamel và Raymond Lully là hai bậc thầy phép luyện kim đan nổi tiếng.
[3] Ý chí – Tâm Thức là Tinh chất hay còn gọi là Phật tính.
[4] Điều kiện ở đây chỉ khái niệm phản xạ có điều kiện trong tâm lý học.
[5] Đoàn thể Trắng – xem định nghĩa của Bạch Đại Hội Quán
[6] Cấu trúc Tâm lý – hành (tiếng Việt), samskara (tiếng Phạn). Hành là uẩn thứ tư trong Ngũ uẩn của triết lý Phật giáo
← Trước: Chương 27 – Người Pha-ri-si và Người Thu Thuế | Tiếp theo: Chương 29 – Chém đầu |