Chương 29 – Chém Đầu

✏ Tác giả: Samael Aun Weor, 📖 Tâm Lý Học Cho Sự Chuyển Hóa Triệt Để

Khi rèn luyện bản thân càng nhiều, chúng ta càng hiểu rằng việc loại trừ triệt để khỏi nội tâm tất cả mọi thứ đang làm chúng ta kinh tởm là cần thiết.

Những hoàn cảnh tồi tệ nhất, những tình huống nghiêm trọng nhất, những rắc rối khó khăn nhất, lại luôn tuyệt vời cho sự tự khám phá nội tại.

Trong những thời khắc bất ngờ và quan trọng, khi chúng ta lơ là nhất, các cái Tôi bí ẩn nhất sẽ luôn nổi lên, nhưng chúng ta chắc chắn sẽ phát hiện ra chúng nếu biết giữ mình nơi chánh niệm.

Các giai đoạn bình yên nhất trong đời chính là những lúc bất lợi nhất cho việc rèn luyện bản thân.

Có những giây phút phức tạp trong đời, khi chúng ta có xu hướng dễ dàng đồng nhất mình với các sự kiện và hoàn toàn quên đi bản thân. Trong những hoàn cảnh đó, chúng ta thường làm những việc ngu ngốc mà chẳng đi đến đâu cả. Ở những thời điểm đó, nếu chúng ta có thể duy trì chánh niệm thay vì lơ đãng, và luôn ý thức về bản thân, chúng ta sẽ phát hiện ra một số cái Tôi mà chính mình chưa từng ngờ rằng nó lại tồn tại.

Giác quan tự quan sát nội tại của toàn bộ nhân loại đã bị suy thoái. Tuy nhiên, nếu thực sự nghiêm túc quan sát bản thân từng giờ từng phút một, giác quan đó sẽ dần phát triển trở lại.

Một khi được sử dụng liên tục, giác quan tự quan sát sẽ tiếp tục phát triển. Vì vậy, chúng ta cũng sẽ gia tăng khả năng trực tiếp nhận thấy các cái Tôi mà trước đây chẳng có thông tin gì để nhận ra chúng cả.

Khi đứng trước giác quan của sự tự quan sát nội tại, mỗi một cái Tôi đang trú ngụ trong nội tại của chúng ta thật sự biến hóa dưới một hình dáng có mối liên hệ bí ẩn với loại khiếm khuyết nó đang hiện thân. Chắc chắn rằng diện mạo của mỗi cái Tôi đó có một hương vị tâm lý riêng, bằng cách đó chúng ta có thể nhận ra, nắm bắt, tóm gọn tính chất nội tại của khiếm khuyết đó bằng trực giác.

Ban đầu, học trò tu tập huyền thuật không biết bắt đầu từ đâu, anh ta cảm nhận được rằng việc rèn luyện bản thân là cần thiết nhưng lại hoàn toàn mất phương hướng.

Bằng cách tận dụng cơ hội từ những giây phút quan trọng, những tình huống khó chịu, những lúc khó khăn nhất, nếu biết duy trì chánh niệm, chúng ta sẽ phát hiện ra những khiếm khuyết rõ rệt nhất của bản thân, những cái Tôi chúng ta đang cần cấp bách tan rã.

Đôi khi chúng ta có thể bắt đầu với sự tức giận, hoặc với sự tự ái, hoặc với những khoảnh khắc ghê tởm của dục vọng, v.v., v.v., v.v.

Nếu thật sự muốn đạt được một sự thay đổi dứt khoát, chúng ta cần ghi nhớ tất cả các trạng thái tâm lý hàng ngày của mình.

Trước khi đi ngủ, chúng ta nên xem lại các sự kiện trong ngày, các tình huống bẽ mặt, tiếng cười ồn ào như sấm rền của Aristophanes và nụ cười tinh tế của Socrates [1].

Socrates bị tuyên phạt tự tử bằng thuốc độc – Tranh minh hoạ: La Mort de Socrate bởi Jaques Louis David, 1787

Có thể chúng ta đã làm tổn thương ai đó bằng tiếng cười nhạo, làm họ khó chịu bằng nụ cười nhạt hay chỉ với một cái nhìn khiếm nhã.

Chúng ta hãy nhớ rằng trong huyền học thuần túy, mọi thứ đều tốt đẹp khi xảy ra đúng lúc đúng chỗ, và xấu khi trật thời điểm hay chẳng đúng nơi [2].

Nước ở đúng nơi là tốt, nhưng nếu làm ngập nhà ngập cửa thì rõ ràng là xấu bởi nó đang ở không đúng chỗ, gây ra hư hỏng và tổn hại.

Lửa trong bếp và ở đúng chỗ, không những hữu dụng mà còn tốt đẹp, nhưng nếu lan ra phòng khách đốt cháy đồ đạc thì lại gây ra hư hỏng và tổn hại.

Đức hạnh dù có thánh thiện thế nào đi nữa, khi đặt đúng chỗ thì tốt, nếu không thì lại xấu và gây tổn thương. Đức hạnh không đúng chỗ có thể làm hại người khác nên nhất thiết phải dùng nó ở đúng nơi phù hợp.

Bạn sẽ nói gì về một giáo chức đang thuyết giảng lời của Chúa trong một nhà thổ? Bạn sẽ nói gì về một người đàn ông bình tĩnh và khoan dung, người đang ban phước cho một nhóm những kẻ tấn công đang cố hãm hiếp vợ và con gái của mình? Bạn sẽ nói gì về loại khoan dung này khi nó bị vượt quá giới hạn? Bạn nghĩ gì về thái độ từ thiện của một người đàn ông, người thay vì mang thức ăn về nhà cho gia đình lại chia tiền cho những kẻ trụy lạc? Ý kiến của bạn ra sao về người đàn ông tốt bụng, tại một thời điểm nhất định lại cho sát thủ mượn một con dao găm?

Các độc giả yêu mến, hãy nhớ rằng giữa các nhịp điệu của từng câu thơ cũng có thể ẩn chứa tội ác. Có nhiều đức hạnh trong một kẻ xấu xa, và cũng có nhiều xấu xa nơi một người đức hạnh.

Mặc dù có vẻ khó tin nhưng tội ác cũng ẩn nấp trong chính cây nhang của lời cầu nguyện.

Một tội phạm ngụy trang dưới lốt một vị thánh, hắn phô trương những nghĩa khí cao đẹp, hắn thể hiện bản thân như một người tử vì đạo và thậm chí còn hành lễ trong các ngôi đền thiêng liêng.

Vì giác quan tự quan sát nội tại phát triển thông qua việc rèn luyện thường xuyên, chúng ta có thể nhìn thấy tất cả những cái Tôi như nền tảng cơ bản của tính khí cá nhân, cho dù nó là Sanguine hay Choleric, Phlegmatic hay Melancholic.

Dù có thể quý độc giả sẽ không tin, những khởi tâm hiểm ác và bỉ ổi nhất nằm ẩn nấp đằng sau tính khí cá nhân của chúng ta, trong phần sâu thẳm nhất của nội tâm.

Khi liên tục phát triển giác quan tự quan sát nội tại, chúng ta có thể nhìn thấy những khởi tâm hiểm ác đó, có thể dõi theo những thể loại quái dị của hỏa ngục, nơi sự tỉnh thức của mình bị nhốt chặt.

Nếu một người chưa diệt trừ được những khởi tâm đen tối, những lầm lạc méo mó của bản thân, chắc chắn rằng tận nơi sâu thẳm nhất, người đó rồi sẽ tiếp tục trở thành một thứ gì đó không nên tồn tại, một dị dạng, hay một vật kinh tởm.

Tồi tệ nhất của tất cả điều này là vật kinh tởm không nhận ra tính kinh tởm của chính bản thân nó; nó tự cho rằng nó là người tốt đẹp, đích đáng, đến nỗi nó phàn nàn vì sự thiếu hiểu biết của người khác, than vãn vì người xung quanh không biết ơn nó, nói rằng họ không hiểu nó, khóc khi khẳng định rằng họ nợ nó, rằng họ đã trả nợ bằng tiền đen, v.v., v.v., v.v.

Giác quan tự quan sát nội tâm cho phép chúng ta trực tiếp thực chứng công việc bí mật chúng ta làm để phân rã cái Tôi này hoặc cái Tôi kia (khiếm khuyết tâm lý nào đó) trong một thời điểm nhất định. Có lẽ chúng ta đã phát hiện ra nó trong những hoàn cảnh khó khăn khi chúng ta ít ngờ tới.

Bạn đã bao giờ suy nghĩ về cái gì làm bạn vui lòng hay khó chịu nhất? Bạn đã bao giờ suy ngẫm về những động cơ bí mật trong các hành động của mình? Vì sao bạn muốn có nhà đẹp? Vì sao bạn muốn có xe ô-tô phiên bản mới nhất? Vì sao bạn luôn luôn muốn ăn mặc thời trang mới nhất? Vì sao bạn tham vọng trở thành người không tham lam? Tại một thời điểm nào đó, cái gì làm bạn cảm thấy mình đã bị xúc phạm? Điều gì tâng bốc bạn nhất trong ngày hôm qua? Vì sao có lúc nào đó bạn cảm thấy mình hơn người nọ người kia? Đã bao giờ bạn cảm thấy mình hơn người khác? Vì sao bạn kiêu ngạo khi kể về những vinh quang của mình? Sao bạn không thể im mồm khi nghe chuyện ngồi lê đôi mách? Phải chăng bạn đã nhận ly rượu vì phép lịch sự? Bạn đã nhận lời hút thuốc kể cả khi không có thói xấu đó, lẽ nào do quan niệm về người có giáo dục hay về sự nam tính? Bạn có chắc chắn rằng bạn đã thành thật trong cuộc nói chuyện đó không? Và khi bạn biện hộ cho bản thân, khi bạn khoác lác, khi bạn kể về chiến thắng của mình, hay khi thuật lại tới lui về những lời trước đây bạn đã nói với người khác, bạn có hiểu rằng mình đang tự đắc không?

Ngoài việc cho phép bạn thấy rõ cái Tôi bạn đang làm tan rã, giác quan tự quan sát nội tâm cũng cho phép bạn nhìn thấy những kết quả rõ ràng và cụ thể của công việc nội tại bạn đang làm.

Ban đầu, các khởi tâm đen tối, những thành phần dị dạng tâm lý nhục nhã trong nhân cách của bạn, xấu xí và quái dị hơn những con quái vật khủng khiếp nhất tồn tại tận nơi đáy biển hay trong những khu rừng sâu thẳm nhất trái đất. Khi việc rèn luyện bản thân có nhiều tiến triển, bạn sẽ có thể thực chứng thông qua giác quan tự quan sát nội tại rằng những thứ ghê tởm đó đang giảm dần, và ngày càng nhỏ đi…

Thật thú vị khi biết rằng, lúc mất dần kích thước, giảm dần số lượng và cũng dần dần nhỏ đi, những thể loại thú tính càng ngày càng đẹp hơn; chúng từ từ chuyển sang hình dáng trẻ con, rồi cuối cùng tan rã thành cát bụi vũ trụ; khi đó, cái Tính chất bị giam giữ lâu nay được thả tự do, giải phóng và thức tỉnh.

Chắc chắn rằng tâm trí không thể thay đổi bản chất của một khiếm khuyết tâm lý; với sự hiểu biết rõ ràng chúng ta có thể đặt tên này tên kia cho khiếm khuyết nhằm biện hộ cho nó từ cấp độ này sang cấp độ khác, v.v., nhưng tự nó lại không có khả năng tiêu diệt, tan rã.

Chúng ta cần gấp một sức mạnh rực lửa vượt trội hơn so với tâm trí, một sức mạnh có khả năng tự khử khiếm khuyết tâm lý thành cát bụi vũ trụ.

Thật may mắn, sức mạnh xà tính đó tồn tại bên trong chúng ta, ngọn lửa kỳ diệu mà các nhà phép luyện kim thời trung cổ đặt tên bí ẩn là Stella Maris. [Sức mạnh đó chính là] Đức Trinh Nữ của Biển Cả, Azoe trong khoa học của Hermes, và Tonantzin của Mexico ở thời đại Aztec. Quả thứ sinh đó của Bản thể chúng ta, Đức Chúa Mẹ nội tại của chúng ta, luôn được tượng trưng bởi Con Rắn Thiêng Liêng của những Đại Giáo Pháp Bí Ẩn.

Sau khi đã quan sát và hiểu sâu sắc khiếm khuyết tâm lý này hay kia (hiện thân của cái Tôi nào đó), nếu chúng ta cầu xin Đức Mẹ Vũ trụ của mình – bởi mỗi chúng ta đều có một Đức Mẹ riêng – làm tan rã, khử thành cát bụi vũ trụ cái khiếm khuyết đó, cái Tôi đối tượng trong việc rèn luyện nội tại của chúng ta; chắc chắn rằng nó sẽ giảm dần về lượng và từ từ bị nghiền nát.

Nữ thần Đurga giết ác quỷ Asura Mahishasura (Đạo Bà La Môn) – Bức Tranh Tường ở Đèn thờ Pashupatinath, Nepal

Đương nhiên, tất cả điều này hàm ý rằng việc rèn luyện đó phải liên tiếp theo chiều sâu, liên tục không ngừng, bởi không có cái Tôi nào có thể bị tan rã ngay lập tức. Giác quan tự quan sát nội tại sẽ có thể thấy quá trình tiến bộ của công việc đó, công việc liên quan đến thứ ghê tởm mà chúng ta thực sự muốn làm tan rã.

Stella Maris, mặc dù có thể quý độc giả sẽ không tin, lại là dấu ấn tinh tú trong tiềm năng tính dục của con người.

Hiển nhiên, Stella Maris có sức mạnh hiệu quả trong việc làm tan rã những vật dị dạng mà chúng ta mang theo trong tâm lý nội tại.

Vụ chém đầu của Giăng Báp tít khiến chúng ta phải suy ngẫm; chúng ta không thể thay đổi triệt để nếu trước đó chưa từng trải qua sự chém đầu.

Tranh: Salome với Đầu của Giăng Baptit bởi Caravaggio, 1610

Bản thể thứ sinh của chúng ta, Tonantzin, Stella Maris, như sức mạnh điện tính [3] chưa được toàn bộ nhân loại biết đến, nằm tiềm tàng trong sâu thẳm chúng ta, có sức mạnh bề ngoài cho phép chém đầu bất kỳ cái Tôi nào, trước lần cuối cùng nó tan rã.

Stella Maris là ngọn lửa triết học [4], nằm tiềm tàng trong tất cả vật chất hữu cơ và vô cơ.

Những xung lực tâm lý có thể kích hoạt sự hoạt động mãnh liệt của ngọn lửa đó, sau đó việc chém đầu có thể xảy ra.

Một số cái Tôi sẽ bị chém đầu ở giai đoạn đầu của việc rèn luyện tâm lý, một số cái Tôi khác ở giai đoạn giữa, và những cái Tôi còn lại ở giai đoạn cuối. Stella Maris, với năng lực tính dục hỏa tính, có đầy đủ ý thức về công việc phải làm và việc chém đầu sẽ được thực hiện đúng lúc, tại thời điểm thích hợp.

Khi chưa hoàn thiện việc tan rã tất cả vật kinh tởm tâm lý này, tất cả vật dâm dật, tất cả sự đáng nguyền rủa: sự trộm cắp, sự ghen tị, sự ngoại tình bí mật hay công khai, sự tham tiền hay tham phép thần thông, v.v., kể cả khi chúng ta tin rằng mình là người có vinh dự, là người luôn giữ lời hứa, thành thật, lịch sự, bác ái, nội tâm tốt đẹp, v.v., hiển nhiên rằng chúng ta sẽ trở nên không hơn gì những mồ mả được quét vôi trắng, bên ngoài đẹp, nhưng bên trong đầy thối rữa và ghê tởm. [5]

Sự uyên bác mọt sách, trí tuệ ngụy tạo, kiến thức toàn thể về những kinh sách thiêng liêng, dù thuộc về phương Đông hay phương Tây, từ Nam hay Bắc, huyền thuật giả, đạo bí truyền giả, niềm tin tuyệt đối rằng mình đã nghiên cứu đủ tốt rồi, việc tin tuyệt đối vào chủ nghĩa bè phái không khoan nhượng, v.v., không có lợi ích gì cả, vì trong thực tế, chúng ta đang phớt lờ những thứ vẫn còn tồn tại tận trong sâu thẳm, các khởi tâm đen tối, những điều đáng nguyền rủa, và những vật quái dị đang nấp đằng sau khuôn mặt xinh đẹp, sau vẻ bề ngoài khả kính, ở dưới lớp y phục thánh nhân của một kẻ quyền chức thiêng liêng, v.v.

Chúng ta cần phải thành thật với bản thân, hỏi chính mình muốn cái gì? Có phải chúng ta chỉ đến với giáo pháp Gnosis vì sự tò mò không? Nếu không thực sự muốn trải qua sự chém đầu thì chúng ta đang tự lừa dối bản thân mình, chúng ta đang bảo vệ sự thối rữa của mình, chúng ta đang theo chiều hướng đạo đức giả.

Trong những trường phái khả kính nhất của trí tuệ bí truyền và huyền thuật, có những người thành thật nhưng nhầm lẫn, họ rất muốn giác ngộ, nhưng họ không dâng mình cho sự tan rã của những thứ kinh tởm nội tại.

Nhiều người cho rằng thông qua các ý định tốt, con người có thể đạt được sự thánh hóa. Rõ ràng rằng nếu chúng ta không rèn luyện mãnh liệt với những cái Tôi mà mình mang theo trong nội tại, chúng sẽ tiếp tục tồn tại tận nơi sâu thẳm của vẻ bề ngoài đạo đức và lối hành xử tốt đẹp.

Đã đến lúc chúng ta phải biết rằng mình là những ác nhân được ngụy trang bởi tấm áo dài của thánh nhân, là những con chó sói đội lốt con chiên, là những kẻ ăn thịt người mặc áo hiệp sĩ, là tên đao phủ trốn sau cây thánh giá thiêng liêng, v.v.

Dù chúng ta trông rất oai nghiêm trong đền thờ hay trong giảng đường của ánh sáng và hòa thanh, dù các bạn xung quanh thấy chúng ta rất thanh bình và ngọt ngào, dù chúng ta có bề ngoài rất tôn kính và khiêm nhường, nhưng nơi sâu thẳm nội tâm chúng ta vẫn tiếp tục tồn tại các dị vật kinh tởm của hỏa ngục và tất cả các thứ quái dị của chiến tranh.

Trong Tâm lý học cho sự chuyển hóa triệt để, chúng ta thấy rõ sự cần thiết phải thay đổi triệt để, và việc này chỉ có thể thực hiện được khi chúng ta tuyên chiến với bản thân mình cho đến chết, một cuộc chiến thảm khốc và không khoan nhượng.

Chắc chắn rằng không ai trong chúng ta có giá trị gì cả; mỗi chúng ta là một sự ô nhục của Trái Đất, một thể loại bỉ ổi.

May mắn thay, Giăng Báp tít đã dạy chúng ta Con đường Bí ẩn: chết trong chính mình nhờ chém đầu tâm lý.

← Trước: Chương 28 – Ý ChíTiếp theo: Chương 30 – Trọng Tâm Cố Định

Ghi Chú

[1] “tiếng cười ồn ào như sấm rền của Aristophanes và nụ cười tinh tế của Socrates”:

Tôi mỉm cười khi thấy rằng khoái cảm sinh ra từ đau đớn: cũng như thế, hạnh phúc vĩnh viễn bắt nguồn từ đau khổ của đời này. (Trong Kịch “Socrates” của Voltaire, Socrates nói câu này ngay trước khi chết https://en.wikisource.org/wiki/Socrates_(Voltaire)/Act_III)

Aristophanes (446 TCN– 386 TCN), là một nhà soạn hài kịch của Hy Lạp cổ đại. Ông nổi tiếng vì các tác phẩm mang tính châm biếm, đả kích chính trị, phê bình văn học. Năm 423 TCN Aristophanes viết hài kịch “Những Đám Mây”, châm biếm Socrates. (nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/Aristophanes)

Socrates (469 TCN – 399 TCN) là một triết gia Hy Lạp cổ đại, là người đặt nền móng cho thuật hùng biện dựa trên hệ thống những câu hỏi đối thoại. Ông bị chính quyền khi đó kết tội làm bại hoại tư tưởng của thanh niên do không thừa nhận hệ thống các vị thần cũ được thành Athena thừa nhận, bảo hộ và truyền bá các vị thần mới. Vì thế ông bị tuyên phạt tự tử bằng thuốc độc.

[2] Mọi sự đều có thời của nó, và mọi việc ở dưới trời đều có kỳ của nó:
Có thời sinh ra, và có kỳ qua đời;
Có thời trồng, và có kỳ nhổ những gì đã trồng;
Có thời giết chết, và có kỳ chữa lành;
Có thời đạp đổ, và có kỳ dựng lên;
Có thời khóc, và có kỳ cười;
Có thời than khóc, và có kỳ nhảy nhót reo mừng;
Có thời quăng đá đi, và có kỳ lượm đá lại;
Có thời bám giữ, và có kỳ buông ra;
Có thời được, và có kỳ mất;
Có thời giữ lại, và có kỳ vất đi;
Có thời xé rách, và có kỳ vá may;
Có thời im lặng, và có kỳ nói lên;
Có thời thương yêu, và có kỳ ghét bỏ;
Có thời chiến tranh, và có kỳ hòa bình.

(Giảng Sư 3:1-8, Kinh Thánh)

[3] Từ tính / điện tính: khóa học bí truyền phương tây hay dùng từ này để chỉ năng lực âm và dương. Năng lực từ tính chỉ lực âm và điện tính là lực dương.

[4] Ngày xưa, từ “triết học” (tiếng Anh: Philosophy) chỉ một con đường tu tập huyền bí, bao gồm thực hành thiền và khí công.

[5] Mồ mả được quét vôi trắng: “Khốn cho các ngươi, những thầy dạy giáo luật và những người Pha-ri-si, những kẻ đạo đức giả! Vì các ngươi giống như mồ mả tô trắng; bên ngoài trông đẹp đẽ nhưng bên trong chứa đầy xương người và mọi thứ nhớp nhúa.”

(Ma-thi-ơ 23:27 – Kinh Thánh)

Trích dẫn liên quan

“Mỗi người cần phải làm tan rã các cái Tôi tốt và họ cũng cần phải làm tan rã các cái Tôi xấu. Người ta cần phải làm tan rã những cái tôi hữu ích, và những cái vô dụng.

Một ngày nọ, một người bạn của tôi có một nhà máy sản xuất quần ở đất nước El Salvador đã hỏi tôi: “Thưa thầy, nếu tôi làm tan rã cái tôi hữu ích làm quần trong nhà máy của tôi, thì ai sẽ làm quần trong nhà máy? Tôi sẽ phá sản, nhà máy của tôi sẽ đóng cửa.”

Đừng lo lắng, tôi đã nói với bạn tôi. Nếu bạn làm tan rã cái Tôi làm quần trong nhà máy của bạn, một phần của Bản thể bạn tương ứng với điều đó và khéo léo trong tất cả các loại hình nghệ thuật sẽ thay thế cái Tôi đó và sẽ đảm nhận công việc làm quần của bạn. Và anh ấy sẽ làm cho chiếc quần tốt hơn, thực sự. Thế là bạn tôi hài lòng và tiếp tục con đường rèn luyện bản thân.

Cái Tôi tốt biết thực hiện những việc tốt; chúng làm việc tốt, nhưng chúng không biết cách làm việc tốt. Chúng làm điều tốt kể cả khi chúng không nên làm điều đó. Chúng bố thí cho một người hút cần sa. Để hắn ta có thể đi mua thêm cần sa. Chúng bố thí cho một người say rượu để anh ta có thể tiếp tục say. Chúng thậm chí còn bố thí cho một người giàu yêu cầu bố thí, và những thứ như thế. Vì vậy, cái Tôi tốt không biết cách làm việc tốt. […]

Cuối cùng, cái mà chúng ta gọi là tốt là gì? Chúng ta hãy nhận thức về cái mà chúng ta gọi là thiện và ác. Tốt là khi ở vị trí thích hợp của nó. Cái ác là cái nằm ngoài vị trí thích hợp của nó. Ví dụ, lửa trong bếp là tốt, đúng không? Nhưng còn ngọn lửa đốt cháy màn cửa, hoặc thiêu sống chúng ta: bạn muốn nó như thế nào? Bạn có muốn trở thành ngọn đuốc rực lửa? Tôi tin rằng bạn sẽ không muốn.

Bây giờ chúng ta hãy xem nước. Ở đây nước trong cốc này là tốt. Ngay cả nước trong nhà bếp để rửa chén và cốc cũng tốt. Nước đài phun nước nhỏ là tốt. Nhưng còn khi nước tràn ngập tất cả các phòng của ngôi nhà này? Nó sẽ rất tệ phải không? Vì vậy, tốt là tất cả mọi thứ ở vị trí của nó và xấu là tất cả mọi thứ nằm ngoài vị trí của nó. Một đức tính, thánh thiện như nó có thể, nhưng nếu nó ra khỏi vị trí của nó, thì nó trở thành xấu xa.”

– Samael Aun Weor, Trích từ một bài giảng về cái Tôi

Leave a Reply