Chương 27 – Người Pha-ri-si và Người Thu Thuế

✏ Tác giả: Samael Aun Weor, 📖 Tâm Lý Học Cho Sự Chuyển Hóa Triệt Để

Khi suy ngẫm một chút về các tình huống khác nhau trong cuộc sống, ta sẽ thấy việc tìm hiểu nghiêm túc những nền tảng tâm lý của mình là rất có giá trị.

Có người nương tựa vào chức vụ của mình, người khác lại nương tựa vào tiền bạc, một số nương tựa vào danh dự, người nọ lại nương tựa vào quá khứ của họ, cũng có người nương tựa vào chức danh này hay chức danh nọ, v.v., v.v., v.v.

Điều lạ lùng nhất là mọi người, dù giàu hay nghèo, đều cần tất cả những người khác và sống dựa vào người khác, mặc dù họ có thể rất khoa trương với tính kiêu ngạo và lòng tự ái đi chăng nữa.

Hãy dành vài phút để suy ngẫm về những gì chúng ta có thể mất đi. Số phận của chúng ta sẽ ra sao trong một cuộc chuyển hóa mãnh liệt và đẫm máu? Các nền tảng tâm lý của chúng ta sẽ nương tựa vào đâu? Thật khốn khổ cho chúng ta! Chúng ta tin rằng mình là người rất khoẻ mạnh mặc dù chúng ta yếu ớt một cách đáng sợ.

Nếu chúng ta thật sự khao khát Phúc Hạnh Chân Thật [1] thì chúng ta phải làm tan rã đi cái Tôi mà đang thấy chính nó là nền móng nương tựa của chúng ta.

Một cái Tôi như thế coi thường người khác, nó thấy bản thân nó tốt hơn tất cả mọi người, cái gì của nó cũng hoàn hảo, nó giàu hơn, thông minh hơn, giỏi hơn, v.v.

Bây giờ là lúc thích hợp để trích dẫn truyện ngụ ngôn của Chúa Giê-su, Kabir vĩ đại, về hai người đang cầu nguyện. Câu chuyện được kể cho những kẻ coi chính mình là đúng đắn và coi thường người khác.

Giê-su Kitô nói:

“Hai người đi lên đền thờ để cầu nguyện; một người là người Pha-ri-si [2], còn người kia là người thu thuế [3]. Người Pha-ri-si đứng riêng và cầu nguyện như sau: ‘Lạy Ðức Chúa Trời, con tạ ơn Ngài, vì con không như những người khác, tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như người thu thuế này. Con kiêng ăn mỗi tuần hai lần, và con dâng một phần mười mọi lợi tức của con.

Còn Người Thu Thuế đứng đằng xa, không dám ngước mắt lên trời, vừa đấm ngực vừa thưa rằng, ‘Lạy Ðức Chúa Trời, xin thương xót con, một kẻ tội lỗi.

Ta nói với các ngươi, người thu thuế này, khi đi xuống để về nhà mình, đã được xưng công chính chứ không phải người kia, vì ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” (Lu-ca 18:9-14)

Pharisee-and-Publican
Ảnh minh họa: Người Pha-ra-si và người thu thuế

Việc nhận ra rằng bản thân mình không là gì và không có gì, là điều không thể nếu chúng ta vẫn còn khái niệm “hơn” ở trong tâm. Ví dụ: Tôi đúng đắn hơn người kia, trí tuệ hơn người này người nọ, nhiều đức hạnh hơn người đó, giàu hơn, giỏi hơn trong kỹ năng sống, thuần khiết hơn, đáng tin cậy hơn trong các nhiệm vụ của mình, v.v., v.v., v.v.

Chúng ta không thể chui qua lỗ cây kim may khi chúng ta đang là người “giàu“, chừng nào mặc cảm về “hơn” vẫn tồn tại trong chúng ta.

“Con lạc đà chui qua lỗ cây kim may còn dễ hơn người giàu vào vương quốc Ðức Chúa Trời.” [4]

Việc tin rằng trường phái của tôi là tốt nhất và rằng của người hàng xóm thì không ra gì; rằng chỉ có tôn giáo của tôi mới đúng còn tất cả tôn giáo khác là giả tạo và nhầm lẫn; rằng bà xã của người nọ người kia là tồi tệ còn vợ tôi là thánh; rằng bạn Roberto của tôi là kẻ nghiện rượu và tôi lúc nào cũng là người đàn ông đứng đắn và điều độ, v.v., v.v., v.v., chính là lý do tại sao chúng ta thấy mình giàu có. Vì thế cho nên, đối với công việc tu tập trên con đường bí ẩn, chúng ta chính là những “con lạc đà” trong truyện ngụ ngôn Kinh Thánh.

Việc quan sát bản thân mình từng giờ từng phút để biết rõ mình đang nương tựa vào những nền tảng tâm lý nào là vô cùng cấp bách.

Khi chúng ta phát hiện ra điều gì làm mình khó chịu nhất tại một thời điểm nào đó, khi có điều này hay điều kia làm ta bực mình, thì lúc đó chúng ta biết được mình đang nương tựa vào những nền tảng tâm lý nào.

Đó chính là những nền tảng được các Phúc Âm Kitô Giáo gọi là xây nhà trên cát“. [5]

Chúng ta phải ghi lại một cách tỉ mỉ cái cách mà mỗi khi chúng ta coi thường người khác và cảm thấy mình hơn người; dù nguyên nhân là do chức danh hay địa vị xã hội, kinh nghiệm sống hay tiền bạc, v.v., v.v., v.v.

Cảm thấy mình là người giàu, hơn người nọ người kia vì lí do nào đó là một sai lầm nghiêm trọng. Những người như thế không thế vào được Vương Quốc Trời.

Việc phát hiện ra những gì làm chúng ta cảm thấy phổng mũi, những gì làm thoả mãn cái tâm kiêu ngạo của mình là một điều tốt. Nó cho chúng ta biết mình đang dựa vào những nền tảng tâm lý nào.

Tuy nhiên, việc quan sát kiểu như vậy không được dừng lại chỉ ở mặt lý thuyết; chúng ta phải thực hành và quan sát bản thân mình một cách cẩn thận và thẳng thắn từng giờ từng phút một.

Khi nào chúng ta bắt đầu hiểu rằng mình không có gì và không là gì, khi nào chúng ta từ bỏ những hoang tưởng tự cao tự đại, hay nhận ra sự ngu dại của rất nhiều chức danh, danh dự và cảm giác hư ảo rằng mình hơn những người xung quanh, thì đó chính là dấu hiệu cho biết rằng chúng ta đã bắt đầu thay đổi.

Chúng ta không thể thay đổi nếu cứ bám chấp vào cái [yếu tố tâm lý] đang nói: “Nhà của Tôi”, “Tiền của Tôi”, “Tài sản của Tôi”, “Công việc của Tôi”, “Đức tính của Tôi”, “Tài năng trí khôn của Tôi”, “Tài năng hội họa của Tôi”, “Kiến thức của Tôi”, “Uy tín của Tôi”, v.v., v.v., v.v.

Việc bám chấp vào “Của Tôi“, vào “Tôi” là quá đủ để cản trở chúng ta nhận ra rằng mình không là gì và không có gì ở bên trong.

Chúng ta sẽ thấy ngạc nhiên trước cảnh tượng của một vụ hỏa hoạn hoặc đắm tàu; trong cơn liều mạng, [trước khi chạy thoát] mọi người hay vơ lấy những thứ nực cười, những đồ vật không quan trọng chút nào.

Tội nghiệp người ta! Họ thấy chính mình trong những vật đó, họ nương tựa vào sự ngu dại, họ gắn kết bản thân mình với những thứ không quan trọng chút nào.

Khi chúng ta nghĩ bản thân mình là những thứ bên ngoài, và lấy chúng làm nền tảng tâm lý của mình, tức là chúng ta đang ở trong một trạng thái vô thức tuyệt đối.

Cảm nhận về “Sự Tồn Tại” (Bản thể Đích thực) chỉ có thể đạt được bằng cách làm tan biến các cái Tôi mà chúng ta mang theo ở bên trong; nếu không, sự cảm nhận này là điều không thể.

Thật không may, những người tôn thờ cái Tôi không chấp nhận việc này, họ coi chính mình là thần thánh; họ nghĩ rằng mình sở hữu những thân thể vinh hiển” như Phaolô thành Tarsus đã nói [6], họ tưởng rằng cái Tôi là thánh thiện, và không ai có thể giúp được họ loại bỏ các suy nghĩ ngớ ngẩn này ra khỏi đầu.

Chúng ta không biết làm gì với những người như vậy; chúng ta giải thích nhưng họ không hiểu; họ lúc nào cũng bám chấp vào cát bụi là nền tảng để xây nhà của mình, họ luôn bị mắc kẹt trong những giáo điều của mình, trong sự thay đổi thất thường và trong sự ngu dại.

Nếu những người này quan sát bản thân một cách nghiêm túc thì họ sẽ tự thực chứng được giáo lý của cái Tôi đa nguyên; họ sẽ phát hiện ra trong mình có nhiều người hay còn gọi là các cái Tôi đang sống ở bên trong họ.

Làm sao chúng ta có thể cảm nhận được Bản Thể chân thật khi các cái Tôi này đang cảm nhận hộ chúng ta, suy nghĩ hộ chúng ta?

Điều tệ nhất trong tất cả những bi kịch này là chúng ta nghĩ rằng mình đang thực sự suy nghĩ, cảm thấy rằng mình đang có cảm xúc, khi trong thực tế lại là một cái Tôi, tại thời điểm đó, đang suy nghĩ với bộ não bị tra tấn của chúng ta và cảm nhận bằng trái tim đau khổ của chúng ta.

Chúng ta quả là bất hạnh! Biết bao nhiêu lần chúng ta nghĩ rằng mình đang yêu nhưng trong thực tế lại là một kẻ khác ở bên trong, một kẻ đầy dục vọng đang lạm dụng trái tim ta.

Chúng ta quả là khốn khổ! Chúng ta nhầm lẫn đam mê cầm thú với tình yêu! Tuy nhiên, đó lại là một kẻ khác ở trong chúng ta, trong tính cách của chúng ta, kẻ đang trải qua những điều nhầm lẫn đó.

Tất cả chúng ta đều nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ nói những lời của người Pha-ri-si trong ngụ ngôn Kinh Thánh: “Lạy Ðức Chúa Trời, con tạ ơn Ngài, vì con không như những người khác“, v.v., v.v., v.v.

Tuy thế mà, mặc dù nghe khó tin, việc này lại xảy ra hàng ngày. Người bán thịt ở chợ nói: “Tôi khác với những người bán thịt kém chất lượng và lừa dối mọi người.”

Ông chủ cửa hàng bán vải kêu rằng: “Tôi không giống những người bán hàng khác, họ giàu có vì biết ăn bớt khi đo vải.”

Người bán sữa khẳng định: “Tôi không giống những người bán sữa khác vì họ đổ nước vào sữa của họ. Tôi thích làm người thật thà”.

Bà chủ nhà nói với khách rằng: “Tôi không giống các cô gái hay cặp kè với những đàn ông khác; Ơn Chúa vì tôi là người có đạo đức, tôi chung thuỷ với chồng mình.”

Tóm lại, mọi người toàn là những kẻ đồi bại, không công bằng, hay ngoại tình, trộm cấp, ngoan cố, còn mỗi chúng ta là một con cừu hiền lành, một “Vị Thánh Sô-cô-la Đáng Yêu“, ai cũng muốn có, giống như một đứa trẻ vàng ngọc trong nhà thờ.

Chúng ta quá dại dột! Chúng ta thường nghĩ rằng mình không bao giờ làm những việc ngu ngốc và ngang ngạnh giống người khác, và vì thế nên chúng ta kết luận rằng mình là những người tuyệt vời. Thật không may, chúng ta không nhìn thấy những điều ngu ngốc và những hành động dã tâm mà chúng ta đang làm.

Cũng có những giây phút hiếm hoi trong cuộc sống khi tâm trí của chúng ta nghỉ ngơi, không một chút lo lắng. Khi tâm trí thanh thản, khi tâm trí ở trong tĩnh lặng, những điều mới mẻ sẽ đến.

Vào những khoảnh khắc đó chúng ta có thể nhìn thấy những cơ sở, những nền tảng mà mình đang nương tựa.

Khi tâm trí ở trong một trạng thái hoàn toàn tĩnh lặng ở bên trong, chúng ta có thể thực chứng được thực tế trần trụi của cái nền móng cát bụi[5] của cuộc sống mà chúng ta đã xây nhà của mình trên đó.


Ghi chú

[1] Phúc Hạnh Chân Thật (Tiếng Anh: Beatitude) – chỉ trạng thái phúc lạc, đại lạc trong tâm khi chúng ta buông bỏ các mối quan tâm liên quan đến bản thân và từ bỏ cái Tôi.

Khi thấy đoàn dân đông, Chúa Giê-su đi lên sườn núi; sau khi ngài ngồi xuống thì các môn đồ đến gần. Rồi ngài bắt đầu dạy họ:
“Hạnh phúc cho những người ý thức về nhu cầu tâm linh của mình, vì Nước Trời thuộc về họ.
Hạnh phúc cho những người than khóc, vì sẽ được an ủi.
Hạnh phúc cho những người ôn hòa, vì sẽ được thừa hưởng trái đất.
Hạnh phúc cho những người đói khát sự công chính, vì sẽ được no đủ.
Hạnh phúc cho những người có lòng thương xót, vì sẽ được thương xót.
Hạnh phúc cho những người có lòng trong sạch, vì sẽ thấy Đức Chúa Trời.
Hạnh phúc cho những người tạo sự hòa thuận, vì sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời.
Hạnh phúc cho những người bị ngược đãi vì sự công chính, bởi Nước Trời thuộc về họ.
Hạnh phúc cho anh em khi bị người ta mắng nhiếc, ngược đãi và vu cho đủ điều ác vì đã theo tôi. Hãy hân hoan và vui mừng hớn hở, vì anh em có phần thưởng rất lớn ở trên trời; các nhà tiên tri thời xưa cũng từng bị ngược đãi như vậy.”

The Sermon on the MountCarl Bloch, 1890
Ma-thi-ơ 5:1-12: “Bài giảng trên núi” bởi hoạ sĩ Carl Bloch, 1877

[2] Pha-ri-si: là một trường phái đạo Do Thái, có quyền lực trong đạo và trong chính phủ tại thời điểm của Chúa Giê-su. Trong các tác phẩm của Samael Aun Weor, người Pha-ri-si tượng trưng cho những người hay phán xét người khác trong khi bản thân họ có tội lỗi. Hãy đọc thêm ở đây.

[3] Người thu thuế (tiếng Anh: Publican)

Ở thế kỷ thứ I và II, người Publican đóng vai trò quan trọng trong hệ thống thu thuế của Đế Quốc La Mã. Mỗi 1-2 năm Đế Quốc La Mã lại mời các Publican báo giá cho hợp đồng thu thuế cho một phạm vi quyền hạn nhất định. Publican nào dành được hợp đồng phải nộp luôn giá trên hợp đồng, rồi họ sẽ có quyền thu thuế trên phạm vi quyền hạn đó cho đến khi hợp đồng hết hạn. Tiền thuế publican thu trong thời gian hợp đồng thuộc về họ, chứ không cần nộp lại cho Đế Quốc. Hệ thống này có rủi ro tài chính cho người Publican vì nếu không thu được tiền thuế bằng giá hợp đồng thì họ phải chịu lỗ. Dù vậy nhưng các Publican hay lợi nhiều từ hệ thống này, đặc biệt khi họ biết cách đánh lừa dân để thu thuế cao hơn so với giá đúng. (Nguồn: Wikipedia)

Trong các bài giảng của Chúa Giê-su, người thu thuế đại diện cho loại người tham lam và giàu có, họ phạm tội rất nặng nhưng họ biết rằng mình có lỗi. Kinh Thánh nhấn mạnh rằng những người phạm tội nặng, khi nhận biết sai lầm của mình và sám hối thật lòng thì còn hơn những người sống theo đạo đức giả và không nhận ra sai lầm của mình. Truyện của Xa-ki-ơ trong Lu-ca 19:1-10 có đoạn kể như sau:

Đức Chúa Jêsus vào Giê-ri-cô, đi ngang qua thành phố. Tại đó, có một người tên Xa-chê, làm trưởng ngành thuế vụ và giàu có. Ông tìm cách xem Đức Chúa Jêsus là ai, nhưng không thấy được, vì đoàn dân thì đông mà ông lại thấp. Vậy, Xa-chê chạy trước và trèo lên cây sung để nhìn Ngài, vì Ngài sắp đi qua đó. Khi Đức Chúa Jêsus đến chỗ ấy thì ngước mắt lên và phán với ông: “Hỡi Xa-chê, hãy xuống mau, vì hôm nay Ta phải ở lại nhà của ngươi.” Xa-chê vội vàng trèo xuống và mừng rỡ tiếp rước Ngài. Mọi người thấy vậy đều phàn nàn: “Người nầy vào nhà kẻ tội lỗi mà trọ!” Nhưng Xa-chê đứng trước mặt Chúa và thưa: “Lạy Chúa, nầy, tôi lấy phân nửa tài sản của tôi mà cho người nghèo; nếu có làm thiệt hại ai bất kỳ việc gì, tôi sẽ đền gấp tư.” Đức Chúa Jêsus phán với ông: “Hôm nay sự cứu rỗi đã vào nhà nầy, vì người nầy cũng là con cháu Áp-ra-ham. Bởi Con Người đã đến để tìm và cứu kẻ bị hư mất.”

[4] (Mác 10:17-27, Kinh Thánh)

Khi Chúa Giê-su vừa lên đường, một người chạy đến quỳ trước mặt ngài và hỏi: “Thưa Thầy Tốt Lành, tôi phải làm gì để được hưởng sự sống vĩnh cửu?”. Chúa Giê-su đáp: “Sao anh gọi tôi là tốt lành? Không ai là tốt lành, ngoại trừ Đức Chúa Trời. Hẳn anh biết các điều răn: ‘Đừng giết người, đừng phạm tội ngoại tình, đừng trộm cắp, đừng làm chứng dối, đừng lừa gạt ai và hãy hiếu kính cha mẹ’”. Người ấy nói: “Thưa Thầy, tôi đã giữ mọi điều đó từ thuở nhỏ”. Chúa Giê-su nhìn người ấy, cảm thấy yêu thương người và nói: “Anh còn thiếu một điều: Hãy đi bán những gì mình có mà cho người nghèo, anh sẽ được của báu trên trời; và hãy đến làm môn đồ tôi”. Nghe vậy, người ấy rất buồn và rầu rĩ bỏ đi vì có nhiều của cải.

Chúa Giê-su đưa mắt nhìn quanh rồi nói với các môn đồ: “Người có nhiều tiền vào Nước Đức Chúa Trời thật khó biết bao!”. Các môn đồ ngạc nhiên khi nghe ngài nói thế. Nhưng Chúa Giê-su nói: “Các con ơi, vào được Nước Đức Chúa Trời thật khó biết bao! Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Đức Chúa Trời”. Họ càng ngạc nhiên nên hỏi ngài: “Thế thì ai mới có thể được cứu?”. Chúa Giê-su nhìn thẳng vào họ và phán: “Với loài người thì không thể, nhưng với Đức Chúa Trời thì mọi sự đều có thể”.”

[5] (Ma-thi-ơ 7:24-27, Kinh Thánh):

Vậy, ai nghe những lời này của tôi và làm theo thì giống như một người khôn ngoan xây nhà trên nền đá. Khi có mưa to gió lớn và nước lũ tràn đến thì nhà không sập vì đã được xây trên nền đá. Còn ai nghe những lời này mà không làm theo thì giống như một người dại xây nhà trên cát. Khi có mưa to gió lớn và nước lũ tràn đến thì nhà sụp đổ tan tành.

[6] Về thân thể vinh hiển, Sứ đồ Phaolô nói sau:

Nhưng có người sẽ nói: “Người chết sẽ được sống lại như thế nào? Họ sống lại với thân thể nào?”. Hỡi người không biết lý lẽ! Vật anh gieo xuống đất, nó phải chết thì mới được sống. Về vật anh gieo, không phải anh gieo thân cây đã lớn mà chỉ gieo hạt, dù là hạt lúa mì hay loại hạt nào khác; nhưng Đức Chúa Trời ban cho nó cái thân theo ý ngài và ban cho mỗi hạt giống một thân riêng. Chẳng phải mọi thân thể đều giống nhau; thân thể của loài người thì khác, thân thể của gia súc thì khác, của loài chim thì khác và của loài cá cũng khác. Có thân thể trên trời và thân thể dưới đất; nhưng sự vinh hiển của thân thể trên trời thì khác, và sự vinh hiển của thân thể dưới đất cũng khác. Sự vinh hiển của mặt trời thì khác, sự vinh hiển của mặt trăng thì khác, sự vinh hiển của ngôi sao cũng khác; thật ra, sự vinh hiển của mỗi ngôi sao đều khác nhau.

Sự sống lại của người chết cũng vậy. Khi được gieo là thân thể dễ mục nát, khi được sống lại là thân thể không hề mục nát. Khi được gieo là thân thể ô nhục, khi được sống lại là thân thể vinh hiển. Khi được gieo là thân thể yếu đuối, khi được sống lại là thân thể mạnh mẽ. Khi được gieo là thân thể xác thịt, khi được sống lại là thân thể thần linh. Nếu có thân thể xác thịt thì cũng có thân thể thần linh. Vì thế có lời viết: “Người thứ nhất là A-đam đã trở thành một người sống”. A-đam sau cùng đã trở thành thần linh ban sự sống. Tuy nhiên, không phải thân thể thần linh có trước, mà thân thể xác thịt có trước và sau đó mới có thân thể thần linh. Người đầu tiên ra từ đất và được tạo nên bằng bụi đất, người thứ hai đến từ trời. Những người bằng bụi đất thì giống với người đã được tạo nên bằng bụi đất; những người ở trên trời thì giống với đấng đến từ trời. Chúng ta mang hình ảnh của người được tạo nên bằng bụi đất thế nào thì cũng sẽ mang hình ảnh của đấng đến từ trời như vậy.
(I Cô-rinh-tô 15:35-49, Kinh Thánh)

← Trước: Chương 26 – Tâm thức tự thân của trẻ sơ sinh Tiếp theo: Chương 28 – Ý Chí


Leave a Reply