Các cấp độ khuất kín của tiềm thức

✏Tác giả: Samael Aun Weor, 📖 Chuyển Hoá Các Ấn Tượng Tâm lý

Bài viết này trích từ chương XI của “La Ciencia de la Música” (Lá Thư Giáng Sinh 1965-1966).

Vào một đêm mùa thu cách đây không lâu một học trò Gnosis nói với thầy của mình rằng: “Con không còn quan tâm đến việc Khai ngộ Bản thể hay hoàn thiện bản thân nữa. Con chỉ muốn nỗ lực giải phóng cho giai cấp vô sản. Còn những chuyện khác… con không quan tâm“.

Vị thầy trả lời: “Nước và xà phòng không hại ai cả. Con có thể tiếp tục công việc của mình để giúp giai cấp vô sản nhưng hãy dùng thật nhiều xà phòng khi tắm nhé“. Người học trò đã hiểu ngụ ý của thầy và không nói gì nữa.

Có những người giữ bề ngoài trong sạch, họ không ăn thịt, không uống rượu, không hút thuốc và khoe khoang về sự khiết tịnh của mình, nhưng về đêm họ lại mộng tinh.

Có những người tham loại bỏ lòng tham; họ căm ghét lòng tham nhưng lại tham loại bỏ lòng tham. Có nhiều người thèm muốn những đức hạnh, cái Tôi của họ mê mẩn những huy chương, danh vọng và những đức hạnh. Những kẻ đáng thương, họ tin rằng bằng cách thèm khát các đức tính tốt thì họ sẽ có được các đức tính tốt.

Con người không muốn nhận ra rằng mình chưa có tình yêu trong trái tim, và rằng chỉ bằng cách hiểu thấu tất cả các quá trình của hận thù trong các hang cùng ngõ hẻm và các khu vực khác nhau của tiềm thức thì hận thù mới chấm dứt. Khi đó, cái mà ta gọi là tình yêu mới được sinh ra một cách tự nhiên và thuần khiết. Đây chính là cách mà tình yêu ra đời.

Các cấp độ khuất kín của tiềm thức (Ảnh minh hoạ: Telmd.com)

Con người thèm khát đức tính vị tha, nhưng chỉ khi hiểu được một cách thấu đáo sự hoạt động của tính vị kỷ trong các cấp độ khác nhau của tiềm thức thì ta mới triệt tiêu được tính vị kỷ. Một khi tính vị kỷ chết đi thì bông hoa quý giá của lòng vị tha sẽ dễ dàng chớm nở trong chúng ta.

Con người thèm khát đức tính khiêm nhường quý báu, nhưng những kẻ đáng thương này không muốn hiểu rằng đức tính khiêm nhường là một loài hoa vô cùng hiếm lạ, chỉ cần ta cảm thấy hài lòng với việc mình có đức tính ấy thì nó không còn tồn tại trong ta nữa. Ta cần phải hiểu thấu đáo quá trình của sự kiêu căng trong các cấp độ khuất kín của tiềm thức. Đây là cách mà ta có thể chấm dứt sự kiêu căng, và sau đó bông hoa hiếm lạ của đức tính khiêm nhường sẽ dễ dàng chớm nở trong chúng ta.

Người ta thèm khát đức hạnh khiết tịnh [1], thế nhưng chỉ khi ta chuyển hóa và làm thăng hoa năng lượng tình dục, chỉ khi ta hiểu thấu mọi quá trình của dục vọng trong các cấp độ ẩn khuất của tiềm thức, thì thói hư tật xấu này mới bị triệt tiêu. Khi đó, bông hoa hiếm lạ của đức hạnh khiết tịnh sẽ được sinh ra trong chúng ta một cách tự nhiên và tuyệt vời.

[1] Khiết tịnh là tình yêu của một trái tim tinh khiết. Đức hạnh khiết tịnh không ngụ ý rằng chúng ta phải kiêng tình dục. Để hiểu ý nghĩa của từ “khiết tịnh” chúng ta phải học cách phân biệt giữa dục vọng và ái lực tình dục tự nhiên. Ở mức độ vật chất thì hai khái niệm này có thể được phân biệt vì dục vọng dẫn đến cực khoái tình dục trong khi ái lực tình dục tự nhiên tăng cường cho cảm giác yêu thương nhưng không dẫn đến cực khoái. Về mặt tâm lý thì chúng ta phân biệt dục vọng và ái lực tình dục bằng cảm xúc: trong dục vọng chúng ta có một cảm giác tham lam và vội vàng nhưng với ái lực tình dục tự nhiên thì chúng ta cảm thấy mãn nguyện, hạnh phúc, ấm áp, yêu thương và bình an.

Con người thèm muốn đức tính hòa nhã, nhưng chỉ khi hiểu thấu được mọi quá trình của sự giận dữ trong các ngõ ngách thuộc về tiềm thức của tâm trí, thì đức tính hòa nhã quý giá này mới được sinh ra trong chúng ta.

Con người thèm muốn đức tính chuyên cần, nhưng chỉ khi thấu hiểu trọn vẹn các quá trình của sự lười biếng trong mọi cấp độ ẩn khuất của tiềm thức thì thói lười biếng mới bị tan rã, và tính chuyên cần mới được sinh ra trong chúng ta.

Lòng đố kị là cội nguồn bí mật của hành động trong cái xã hội tự mãn và văn minh này. Có những người thèm muốn có được niềm vui khi người khác thành công, nhưng chỉ khi họ hiểu thấu rằng lòng đố kị chính là sự buồn phiền khi người khác thành công và rằng nỗi buồn này diễn ra trong mọi khu vực của tiềm thức, thì nỗi buồn đó mới bị tan rã và niềm vui cho sự thành công của người khác mới được sinh ra trong chúng ta.

Nhiều người thèm muốn bỏ được thói phàm ăn, nhưng chỉ bằng cách hiểu thấu mọi quá trình của sự tham ăn trong tiềm thức thì chúng ta mới chấm dứt được thói này.

Học trò theo trường phái Gnosis phải học cách khám phá tiềm thức thông qua thiền. Dùng lý trí để hiểu một khiếm khuyết thôi là chưa đủ, chúng ta còn phải nghiên cứu cả tiềm thức để hiểu nó.

Nhiều khi một khiếm khuyết nào đó biến mất ở bề nổi của lý trí nhưng lại vẫn tiếp tục tồn tại ở các vùng tiềm thức của tâm.

Chúng ta cần chết đi trong từng khoảnh khắc. Khi những khiếm khuyết bị triệt tiêu thì cái Tôi cũng theo đó mà chết đi trong từng khoảnh khắc. Cái Tôi thèm khát những phẩm hạnh để củng cố chính nó. Nhưng chúng ta đừng thèm khát phẩm hạnh; các phẩm hạnh được sinh ra ngay trong chúng ta khi những khiếm khuyết chết đi, khi cái Tôi dần tan rã.

Chỉ với một tâm trí an tĩnh và im lặng, chìm sâu trong trạng thái thiền thì chúng ta mới có thể đào từ nấm mồ của ký ức tiềm thức ra mọi thứ thối nát mà con người mang theo bên mình suốt hàng ngàn năm nay, từ thời cổ đại. Tiềm thức là ký ức, tiềm thức là nấm mồ đen, bên ngoài thì đẹp đẽ còn bên trong thì bẩn thỉu. Thật không dễ chịu chút nào khi nhìn vào nấm mồ đen của tiềm thức và thấy hết mọi xương xẩu và mọi thứ thối rữa từ quá khứ. Trong ngôi mộ tiềm thức đen kịt ấy thì từng khiếm khuyết ẩn khuất đều bốc mùi, nhưng ta càng nhìn vào nó thì càng dễ dàng đốt nó đi và biến nó thành tro bụi. Đây là cách mà chúng ta chết đi trong từng khoảnh khắc. Chúng ta cần loại bỏ hết mọi sự thối rữa tiềm thức trong nấm mồ ký ức kia. Chỉ với sự an tĩnh và sự yên lặng trong tâm hồn thì chúng ta mới đào ra được mọi thứ thối rữa trong quá khứ từ nấm mồ tiềm thức đen tối, và thiêu nó thành tro bụi bằng ngọn lửa tuyệt vời của sự hiểu biết sâu sắc.

Khi khám phá về tiềm thức, nhiều học viên Gnosis đã mắc sai lầm là phân chia bản thân họ thành lý trí và tiềm thức, thành người phân tích và người bị phân tích, chủ thể và đối tượng, người nhận thức và người tiếp nhận, tôi và tiềm thức của tôi, v.v. Kiểu phân chia này tạo ra sự đối lập, sự đấu tranh, những cuộc chiến giữa Tôi là ai và tiềm thức của tôi là gì, giữa lý trí và tiềm thức. Những cuộc đấu tranh thế này thật ngớ ngẩn, vì Tôi và tiềm thức của tôi đều là Tôi, đều là Tôi tiềm thức. Lý trí và tiềm thức đều là tiềm thức, bởi vì lý trí cũng chính là tiềm thức [2]. Loài thú vật trí năng có chín mươi bảy phần trăm là tiềm thức. Cỗ máy con người vẫn chưa đánh thức được tâm thức, vì thế nó vẫn chỉ là cỗ máy con người mà thôi.

[2] Lý trí chính là tiềm thức – trong tâm lý học phương Tây từ “tiềm thức” chỉ những cơ chế tâm lý mà chúng ta không nhận thức được bằng ý nghĩ. Tuy nhiên, trong bối cảnh của Gnosis, suy nghĩ cũng được coi như là cơ chế tiềm thức vì chúng ta không cần dùng ý thức để suy nghĩ. Ai cũng đã từng có lúc đang miên man suy nghĩ về một chủ đề gì đó và một lúc sau mới giật mình nhận ra rằng mình đã mơ màng. Và chúng ta cũng không nhớ rõ mình đã ở trạng thái đó bao lâu và nghĩ về cái gì. Việc này xảy ra là do cơ chế suy nghĩ của chúng ta hoạt động một cách vô thức. Khi luyện tập quan sát bản thân thì chúng ta đưa ý thức vào những suy nghĩ đó. Tuy nhiên lý trí và ý nghĩ vẫn được coi như là cơ chế máy móc của não bộ vì nó không đòi hỏi ý thức.

Khi tâm trí bị phân tách giữa lý trí và tiềm thức, giữa người phân tích và kẻ bị phân tích, v.v., thì sẽ có đối kháng và đấu tranh, và ở đâu có đối kháng và đấu tranh thì ở đó không có sự an tĩnh và im lặng của tâm trí. Chỉ với sự an tĩnh và im lặng tuyệt đối của tâm trí, chúng ta mới có thể lôi ra mọi thứ thối rữa của quá khứ từ trong nấm mồ đen của tiềm thức, để thiêu cháy nó và tiêu biến nó thành tro bụi bằng ngọn lửa của sự hiểu biết. Chúng ta đừng nói: “Cái Tôi của tôi có sự giận dữ, tham lam, ham muốn, kiêu căng, lười biếng, tham ăn, v.v.”. Tốt hơn thì ta hãy nói: “Tôi có sự giận dữ, tham lam, v.v.“.


Leave a Reply