✏Tác giả: Samael Aun Weor, 📖 Chuyển Hóa Các Ấn Tượng Tâm lý
Bài viết này là chương IX của sách “La Ciencia De La Música” (Thư Giáng Sinh 1965-1966).

Liên quan đến chủ đề Tâm lý học, chúng ta phải phân biệt chính xác giữa “cái Tôi” và Bản thể. “Cái Tôi” không phải là Bản thể và Bản thể cũng không phải là “cái Tôi”. Mọi người hay nói “Bản thể của tôi” và nghĩ về Bản thể của mình mặc dù họ không thực sự biết Bản thể là gì và thường nhầm lẫn nó với “cái Tôi”.
Khi chúng ta gõ cửa, và nếu có người hỏi “Ai đấy?” thì chúng ta luôn trả lời là “Tôi đây”. Trong trường hợp này thì chẳng có gì là sai cả, chúng ta trả lời như vậy là đúng. Nhưng khi chúng ta nói rằng “Toàn bộ bản thể của tôi đang buồn, đang ốm, hay đang mệt mỏi, v.v.” thì quả thật, chúng ta đã mắc lỗi một cách vụng về, bởi vì con thú vật trí năng đáng thương được gọi nhầm là con người chưa sở hữu Bản thể [1].
[1] Chưa sở hữu Bản thể – Nếu chúng ta hiểu “Bản thể” (tiếng Anh: the Being) theo định nghĩa tiếng Phạn: Atman thì tất cả con người đều có Bản thể. Tuy nhiên, khi chúng ta chưa tạo ra các Dương thân (cơ thể Cảm xúc dương, cơ thể Tư tưởng dương, cơ thể Căn nguyên dương) thì chúng ta chưa “hiện thân” được Bản thể trong người và Bản thể không được thể hiện thông qua hành động và lời nói của chúng ta.
Chỉ có Bản thể mới có khả năng hành động [một cách chủ động]. Còn con người máy móc, loài thú vật trí năng đáng thương, thì không có khả năng làm bất cứ điều gì cả. Nó giống như một món đồ chơi cơ học đơn giản bị điều khiển bởi các thế lực xa lạ. Thú vật trí năng ảo tưởng rằng nó có khả năng hành động, nhưng thật ra nó không làm được gì cả mà mọi thứ đều diễn ra với nó một cách bị động. Khi bị ai đó đánh thì chúng ta phản ứng bằng cách đánh lại, khi bị đòi tiền thuê nhà thì chúng ta lo lắng xoay xở tiền, khi lòng tự ái bị tổn thương thì chúng ta phản ứng bằng cách nổi điên, v.v.
Loài động vật trí năng đáng thương luôn là nạn nhân của hoàn cảnh. Nó không có khả năng tạo ra hoàn cảnh một cách có ý thức nhưng lại lầm tưởng rằng mọi hoàn cảnh đều bắt nguồn từ chính nó. Thực sự chỉ có Bản thể mới có thể tạo ra được hoàn cảnh một cách có ý thức, nhưng tiếc là loài động vật trí năng bị nhầm gọi là con người vẫn chưa sở hữu được Tâm linh Sâu thẳm [2].
[2] Tâm linh Sâu thẳm – tiếng Anh: innermost
Nhiều học viên của những trường phái giả bí truyền và giả huyền học có rất nhiều tham vọng tinh vi về mặt tâm linh. Họ đã mắc sai lầm khi tách cái Tôi yêu quý của họ thành hai nửa một cách tùy tiện và phi lý. Họ coi một nửa đầu tiên là cái Tôi cao cấp và nửa kia thì họ khinh thường coi nó là cái Tôi hạ cấp. Điều lạ lùng nhất trong tất cả những điều này cũng là điều hài hước nhất và bi kịch nhất. Đó là việc nhìn cái Tôi hạ cấp phải vô vọng vật lộn vùng vẫy để phát triển và hoàn thiện bản thân để một ngày nào đó có thể hợp nhất được với cái Tôi cao cấp như nó hằng mong muốn.
Thật nực cười khi đầu óc kém cỏi của loài động vật trí năng lại tạo ra cái Tôi cao cấp, rồi ban những thuộc tính thần thánh cho nó, và tùy ý cho nó những quyền năng để kiểm soát tâm trí và trái tim. Chính cái Tôi tách mình làm hai, chính cái Tôi ấy lại muốn nhập vào nhau sau khi bị chia tách, chính cái Tôi ấy tự tách ra và rồi lại muốn hợp nhất lại. Tham vọng của cái Tôi không có giới hạn, nó muốn và khao khát trở thành ông chủ, thành Diva, thành Chúa, v.v.
Cái Tôi tự chia tách để quay trở lại hợp nhất thành một, cứ như thế cái Tôi lầm tưởng rằng những tham vọng siêu thần thánh của nó được hiện thực hóa. Tất cả những mánh khóe này của cái Tôi đều là ảo tưởng tinh vi của tâm trí, là những thứ viển vông vô giá trị. Tâm trí tạo ra cái Tôi cao cấp nực cười theo ý thích của nó, rồi hóa trang cho nó thành Mahatma [vị thầy vĩ đại] và đặt cho nó một cái tên huyễn hoặc và sau đó tự khoác lác với chính mình rồi rơi vào tình trạng hoang tưởng.
Chúng tôi có biết trường hợp của một kẻ điêu ngoa râu tóc bù xù, ông ta mặc áo choàng của Dòng Tên Kitô giáo và rêu rao với mọi người rằng mình chính là hóa thân của Chúa Giêsu Kitô. Nhiều người ngu ngốc đã tự nhiên tôn thờ người này, và vẫn tiếp tục tôn thờ đến tận bây giờ.
Khi có sở thích xấu là tạo ra cái Tôi cao cấp như một thực thể riêng biệt và siêu thần thánh, tâm trí có xu hướng bóp méo thực tại bằng cách nhầm tưởng rằng thực thể đó là Bản thể, là cái Sâu thẳm nhất, là Thực tại. Tâm trí tùy tiện muốn cái Tôi cao cấp do nó tạo ra trở thành Bản thể, và ngu ngốc gán cho nó những thứ mà tự nó tạo ra, những thứ không liên quan gì đến Bản thể. Trò ngớ ngẩn này của tâm trí tương tự như việc làm tiền giả, tâm trí tạo ra một Bản thể giả, và đồng tiền giả ở đây chính là cái Tôi cao cấp. Những người điêu ngoa có sự tự ái khủng khiếp và đáng sợ, họ sống trói buộc với bản thân mình, họ tôn thờ đồng tiền giả của họ – cái Tôi cao cấp kiêu ngạo.
Những kẻ điêu ngoa đều tâm thần lố bịch, họ đều đánh giá quá cao bản thân mình và coi mình là một vị thần mà mọi người có nghĩa vụ phải tôn thờ. Tuy nhiên, không phải tất cả những người ngụy tạo ra cái Tôi cao cấp đều rơi vào tình trạng hoang tưởng như vậy. Có rất nhiều người cuồng tín không phải là điêu ngoa mà chỉ khao khát phát triển hơn để hợp nhất được với cái Tôi cao cấp. Những kẻ cuồng tín đó không ăn một miếng thịt hay uống bất kỳ một ly rượu nào và họ chỉ trích nặng nề bất cứ ai cho dù người đó chỉ ăn một miếng thịt nhỏ hoặc cầm một ly rượu trong tay để nâng ly. Những kẻ cuồng tín này thật không thể chịu nổi. Họ thường ăn chay hoàn toàn và tin rằng mình rất thánh thiện, nhưng khi về nhà thì họ lại tàn nhẫn với vợ con, v.v. Những người này thích tà dâm, gian dâm, thèm muốn, tham vọng; nhưng họ vẫn nghĩ rằng mình rất thánh thiện.
Tâm trí chỉ là vật cản đối với Bản thể và tâm trí không biết gì về Thực tại. Nếu ý nghĩ biết về Thực tại, về cái Sâu thẳm nhất, về Bản thể, thì con người đã trở nên toàn thiện rồi.
Chỉ thông qua việc thiền sâu sắc thì chúng ta mới có thể trải nghiệm được Bản thể – cái Sâu thẳm nhất, và những trải nghiệm về Bản thể này giúp chúng ta hoàn toàn chuyển hóa bản thân. Những kẻ điêu ngoa thường xuyên tạc những trải nghiệm như vậy, họ tự phóng chiếu trong tâm trí vô thức rồi sau đó họ vội vàng thông báo cho mọi người. Những kẻ điêu ngoa thường là nạn nhân của sự tự lừa dối, họ tin rằng mình là những vị thần và khao khát cả thế giới phải tôn thờ họ.
Nếu chưa thực sự nắm vững cả kỹ thuật lẫn khoa học của môn khoa học huyền bí được gọi là thiền thì ta hoàn toàn không thể trải nghiệm được Bản thể – Tâm linh Sâu thẳm – Thực tại. Ta cũng sẽ hoàn toàn không thể trải nghiệm được Bản thể nếu không thành công trong việc làm chủ được sự tĩnh lặng và sự im lặng của tâm trí. Tuy nhiên, chúng ta không được tự lừa dối mình hay “nhầm nhọt sang trồng trọt”, bởi vì cái Tôi cũng tham vọng và thèm khát đạt được sự im lặng đó, thậm chí là nó bịa đặt làm giả trạng thái đó.
Trong lúc thiền sâu thì chúng ta cần sự tĩnh lặng và im lặng hoàn toàn của tâm trí, nhưng chúng ta không cần sự tĩnh lặng và sự im lặng giả tạo do cái Tôi tạo ra. Chúng ta không được quên rằng khi ma quỷ cử hành thánh lễ, với những bài giảng của mình nó có thể lừa dối cả những người tinh khôn nhất.
Đương nhiên là nếu chúng ta bị lay động bởi sự ham muốn trải nghiệm Bản thể, và ép tâm trí im lặng bằng vũ lực, bằng ý thích nhất thời, hay sự tra tấn, trói buộc, thì chúng ta chỉ đạt được sự im lặng giả tạo và sự tĩnh lặng tùy tiện do cái Tôi tạo ra. Ai thực sự muốn có sự im lặng chính đáng chứ không phải sự im lặng giả tạo, [ai muốn có được] sự tĩnh lặng thực sự chứ không phải sự tĩnh lặng giả tạo, thì phải hợp nhất bản thân, không để phạm lỗi phân tách mình thành chủ thể và khách thể, người suy nghĩ và ý nghĩ, cái Tôi và cái không phải Tôi, người kiểm soát và người bị kiểm soát, cái Tôi cao cấp và cái Tôi hạ cấp, Tôi và suy nghĩ của tôi, v.v.
Người biết cách thiền là người đang đi trên con đường khai sáng nội tâm, nếu chúng ta muốn học thiền thì chúng ta phải hiểu rằng không có sự khác biệt giữa cái Tôi và suy nghĩ của tôi, tức là giữa người suy nghĩ và ý nghĩ.
Tâm con người không phải là bộ não, bộ não được tạo ra để dựng lên ý nghĩ nhưng nó không phải là ý nghĩ. Bản chất của tâm là năng lượng tinh tế, nhưng chúng ta lại mắc sai lầm khi tự phân chia bản thân thành hàng ngàn mảnh nhỏ của tâm, và các mảnh ấy khi ghép lại sẽ tạo lên đội quân của cái Tôi đa nguyên.
Trong lúc ngồi thiền, khi chúng ta cố gắng ghép lại những mảnh tâm trí với mục đích hợp nhất bản thân thì tất cả những mảnh ghép này tạo thành một mảnh ghép khác lớn hơn. Điều này làm chúng ta càng phải vật lộn, và kết quả là tâm trí không thể đạt được sự tĩnh lặng và im lặng. Do đó, trong khi thiền, chúng ta không được chia tách giữa cái Tôi cao cấp và cái Tôi hạ cấp, Tôi và những suy nghĩ của tôi, tâm trí của tôi và cái Tôi, bởi vì tâm trí và cái Tôi, suy nghĩ của tôi và tôi, tất cả đều là một: cái Tôi, cái Tôi đa nguyên, bản thân mình, v.v.
Khi chúng ta thực sự hiểu rằng cái Tôi cao cấp và cái Tôi hạ cấp, cũng như suy nghĩ của tôi và tôi, v.v., đều là cái Tôi, là Bản thân mình, thì rõ ràng bằng sự hiểu biết sâu sắc, chúng ta sẽ được giải phóng khỏi tư tưởng nhị nguyên, sau đó tâm trí sẽ thực sự tĩnh lặng và im lặng đến tận sâu thẳm. Chỉ khi tâm trí thực sự tĩnh lặng, và đạt được trạng thái im lặng đích thực thì chúng ta mới có thể có trải nghiệm Thực tại là gì, Bản thể đích thực, tâm linh sâu thẳm là gì.
Chừng nào tâm còn bị trói buộc trong thuyết nhị nguyên thì nó hoàn toàn không thể được hợp nhất. Tinh chất của tâm (Phật tính) rất quý giá nhưng không may nó bị cuốn vào trận chiến của sự đối chọi. Trong lúc ngồi thiền, nếu Tinh chất của tâm thoát ra khỏi sự trói buộc từ hai phía đối lập thì chúng ta mới có thể trải nghiệm Thực tại, Bản thể, tâm linh sâu thẳm.
Khi ta cố gắng gom tất cả những mảnh ghép của tâm mình thành một thì chúng ta đang suy nghĩ theo thuyết nhị nguyên. Khi tâm ta là nô lệ của thiện và ác, nóng và lạnh, lớn và nhỏ, dễ chịu và khó chịu, có và không, v.v. thì chúng ta cũng đang suy nghĩ theo thuyết nhị nguyên. Cái này cũng tồn tại khi chúng ta phân tách giữa cái Tôi cao cấp và cái Tôi hạ cấp, và khi chúng ta mong muốn cái Tôi cao cấp kiểm soát chúng ta trong lúc ngồi thiền.
Những người đã từng trải nghiệm Bản thể vào một thời điểm nào đó trong khi thiền sẽ vĩnh viễn thoát khỏi nguy cơ rơi vào hoang tưởng. Bản thể – tâm linh sâu thẳm – Thực tại, hoàn toàn khác với những gì mà những người theo huyền học giả và các trường phái huyền bí giả gọi là cái Tôi cao cấp hay cái Tôi thần thánh.
Trải nghiệm về Thực tại hoàn toàn khác biệt, nó không giống với bất cứ điều gì mà tâm trí đã từng trải nghiệm. Trải nghiệm về Thực tại không thể được truyền đạt cho bất kỳ ai bởi vì nó không giống với bất cứ điều gì mà tâm trí đã trải nghiệm trước đây. Khi ai đó đã có trải nghiệm về Thực tại thì họ sẽ hiểu rất sâu sắc tình cảnh bất hạnh mà họ đang gặp phải và chỉ khao khát được biết chính mình mà không mong muốn trở thành cái gì đó cao siêu hơn.
Ngày nay, loài thú vật trí năng đáng thương mà được nhầm gọi là con người chỉ có một yếu tố hữu ích bên trong. Yếu tố đó chính là Phật tính, Tinh chất của tâm, mà nhờ nó chúng ta có thể trải nghiệm Bản thể – Tâm linh Sâu thẳm, Thực tại. Yếu tố quý giá này bị mắc kẹt trong cái chai của lý trí động vật. Khi thiền sâu thì tâm trí sẽ trở nên hoàn toàn tĩnh lặng và được ở trong im lặng tuyệt đối từ trong ra ngoài, không chỉ ở mức độ bề nổi mà còn trong mọi hang cùng ngõ hẻm, mọi ngóc ngách của tiềm thức. Sau đó thì yếu tố quý giá là Tinh chất này thoát ra khỏi sự kìm kẹp và hòa nhập với Bản thể, với Tâm linh Sâu thẳm, để có được trải nghiệm về Thực tại.