Stephen Laberge và quá trình nghiên cứu giấc mơ sáng suốt

✏ Tác giả: Stephen Laberge, 📖 Yoga giấc mơ

Yoga giấc mơ và giấc mơ sáng suốt được chỉ dạy và thực hành ở tất cả các nền văn hóa, tín ngưỡng trên thế giới từ thời xa xưa nhất. Tuy nhiên, khi khoa học hiện đại bắt đầu quan tâm tới tâm lý học, nhiều người trong giới khoa học cho rằng con người không thể duy trì ý thức tỉnh táo trong khi cơ thể vật lý của họ đang ngủ. Năm 1978 Giáo sư Stephen Laberge và một nhóm nghiên cứu giấc ngủ tại trường Đại học Stanford đã đưa ra bằng chứng và cuối cùng cũng đã thuyết phục được cộng đồng nghiên cứu tâm lý học quốc tế rằng giấc mơ sáng suốt thực sự có tồn tại. Dưới đây là một trích đoạn trong cuốn sách “Lucid Dreams” của Giáo sư Stephen Laberge, trong đó ông kể câu chuyện về cách mà ông và nhóm nghiên cứu của mình tìm được cách để những người đang ngủ sử dụng sự chuyển động của đôi mắt để bày tỏ với các nhà quan sát bên ngoài rằng họ đang tỉnh táo và hoàn toàn ý thức được trong giấc mơ, trong khi cơ thể họ đang ngủ trên giường.

– Nhóm dịch GnosisVN
Giáo sư Stephen Laberge

Ngay từ đầu, tôi đã hứng thú với vấn đề vốn được Charles Tart đề xuất, rằng có khả năng liên lạc từ giấc mơ sáng suốt tới thế giới bên ngoài, trong khi giấc mơ đang diễn ra.

Vấn đề là ở chỗ, khi hầu hết cơ thể của người đang mơ bị tê liệt trong chu kỳ ngủ REM [1], thì làm sao để người đang mơ đó phát đi được thông điệp như vậy? Một người đang mơ sáng suốt có thể làm được gì trong giấc mơ để giúp mà có thể được các nhà khoa học có thể quan sát hay đo lường được? Tôi đã nảy ra một kế hoạch. Có một ngoại lệ hiển nhiên đối với sự tê liệt cơ bắp này, do sự chuyển động của đôi mắt không hề bị hạn chế trong chu kỳ ngủ REM. Rốt cục, sự chuyển động nhanh của đôi mắt chính là nguồn gốc của tên gọi cho chu kỳ này của giấc ngủ.

[1] REM là từ viết tắt của Rapid Eye Movement (sự chuyển động nhanh của con mắt).

Tâm lý học phân loại bốn trạng thái ngủ khác nhau. Giấc mơ diễn ra chủ yếu là trong trạng thái được gọi là REM. Trong lúc ngủ, tâm trí của chúng ta thường bị ngắt kết nối với cơ bắp của cơ thể và đó là lý do tại sao các bộ phận của cơ thể vật chất không chuyển động khi chúng ta đi lại trong thế giới của giấc mơ. Tuy nhiên, con mắt là trường hợp ngoài lệ: khi chúng ta chuyển động mắt trong mơ thì con mắt của cơ thể vật chất chuyển động theo phía chúng ta đang nhìn. Vì thế, khi chúng ta nhìn vào mí mắt và thấy con mắt của một người đang chuyển động trong lúc ngủ thì chúng ta biết rằng người ta đang mơ.

Giấc ngủ mắt chuyển động nhanh (REM)

Những công trình nghiên cứu về giấc mơ trước đây cho thấy rằng, đôi khi có sự tương ứng chính xác giữa hướng chuyển động mắt có thể quan sát được của người đang mơ và hướng người đó đang nhìn trong giấc mơ của mình. Trong một ví dụ điển hình, một chủ thể được đánh thức từ giấc ngủ REM sau khi thực hiện khoảng hai chục lần chuyển động mắt theo chiều ngang. Anh ta cho biết rằng, trong giấc mơ anh ta đã theo dõi một trận đấu bóng bàn, và ngay trước khi bị đánh thức, anh ta đang theo dõi một cú đánh dài bằng tầm nhìn trong mơ của mình.

Tôi đã biết rằng khi mơ sáng suốt một người có thể tự do nhìn theo bất kỳ hướng nào người ta muốn, vì chính tôi đã làm điều đó. Tôi chợt nhận ra rằng, bằng cách chuyển động mắt trong mơ theo một mô hình có thể nhận diện, có lẽ tôi có thể phát đi một tín hiệu nào đó ra thế giới bên ngoài khi đang mơ sáng suốt. Tôi đã thử làm việc này trong giấc mơ: tôi chuyển động hướng nhìn lên, xuống, lên, xuống, lên, với nhịp từ một đến năm. Theo tôi biết, đó là lần đầu tiên một tín hiệu được phát một cách có chủ đích từ thế giới giấc mơ. Tuy nhiên, vấn đề duy nhất là ở chỗ không có ai ở thế giới bên ngoài để ghi lại quá trình đó!

phòng thí nghiệm giấc ngủ ở bệnh viện Newport

Thứ tôi cần là một phòng thí nghiệm giấc mơ. Tôi biết Đại học Stanford có một phòng thí nghiệm tuyệt vời đặt dưới sự chỉ đạo của nhà tiên phong về nghiên cứu giấc ngủ và giấc mơ, Giáo sư William C. Dement. Mùa hè năm 1977 tôi đã tìm hiểu và tìm được một nhà nghiên cứu, Giáo sư Lynn Nagel tại Trung tâm Nghiên cứu giấc ngủ Đại học Stanford, một người rất hứng thú với tiềm năng nghiên cứu về giấc mơ sáng suốt trong phòng thí nghiệm.

Đến tháng 9 cùng năm đó, tôi đã nộp hồ sơ nhập học tại Đại học Stanford với đề xuất nghiên cứu về giấc mơ sáng suốt như một phần trong chương trình tiến sĩ ngành tâm thần sinh lý học. Đề xuất của tôi đã được phê duyệt, và trong mùa thu năm 1978 tôi đã bắt đầu nghiên cứu về giấc mơ sáng suốt. Các thành viên trong hội đồng khoa của tôi có các giáo sư Karl Pribram và Roger Shepard của khoa tâm lý học, cùng với Vincent Zarcone Jr. và William Dement của khoa tâm thần học. Do Lynn Nagel không phải là thành viên khoa của Đại học Stanford, mối quan hệ của chúng tôi hoàn toàn mang tính không chính thức. Tuy nhiên, Lynn trên thực tế đã đóng vai cố vấn và đối tác chính của tôi trong nghiên cứu luận văn.

Tôi và Lynn đã nhanh chóng tìm cách đưa tôi đến phòng thí nghiệm giấc ngủ. Đáng tiếc là, vào đêm đầu tiên của tôi, chúng tôi đã quyết định thử xem có nên đánh thức tôi vào khởi điểm của mỗi chu kỳ REM để nhắc tôi mơ sáng suốt khi quay lại giấc ngủ hay không. Khi nhìn lại, có thể thấy đây rõ ràng không phải là ý tưởng tốt, bởi kết quả là tôi có được rất ít giấc ngủ REM. Bị nhắc nhở phải mơ sáng suốt cũng không có ích cho lắm, bởi nó càng khiến tôi không thể mơ nổi! Điều xảy ra trong giấc mơ đầu tiên của tôi còn tồi tệ hơn nữa. Phòng thí nghiệm giấc ngủ của Stanford bịt kín cửa sổ để cho phép thực hành nghiên cứu một cách biệt lập về thời gian. Vì thế tôi có đôi chút cảm giác bị giam giữ, và hiển nhiên, để bù đắp lại, tôi đã có giấc mơ như sau. Dường như tôi đã thức giấc vào lúc bình minh và ngắm cảnh mặt trời mọc tuyệt đẹp qua tranh cửa sổ cạnh giường của tôi. Nhưng khi mới chỉ kịp giật mình vì cảnh tượng khác thường này thì tôi đã bị đánh thức bởi giọng nói của Lynn nhắc nhở tôi phải mơ sáng suốt.[2]

[2] Khi ông nhìn qua cửa sổ và thấy bình minh thì ông biết luôn mình đang mơ, vì cửa sổ đó đã được bịt kín, và lúc đó thì giấc mơ sáng suốt đã bắt đầu. Nhưng không may, giáo sư Lynn đã gọi Stephen dậy và việc này làm mất cơ hội nghiên cứu về giấc mơ sáng suốt đó.

Chúng tôi đã quyết định rằng, lần sau sẽ để cho tôi có nhiều cơ hội hơn – vừa là để ngủ và vừa để mơ sáng suốt. Chúng tôi lên lịch cho buổi theo dõi tiếp theo vào một tháng sau đó – là lần tiếp theo có thể sử dụng phòng thí nghiệm – tình cờ nó lại rơi vào thứ sáu ngày 13 của tháng 1 năm 1978. Mỗi khi tôi mơ sáng suốt ở nhà trong khi chờ đợi ngày định mệnh ấy, tôi thường nhắc nhở bản thân rằng mình sẽ làm lại điều này ở phòng thí nghiệm. Cuối cùng đêm ấy cũng đến, và Lynn đã nối tôi với máy để quan sát điện tim đồ ghi lại lúc tôi đang ngủ. Trước đó tôi mong rằng thứ 6 ngày 13 sẽ là ngày may mắn của tôi, và thực tế đã đúng như vậy.

Tôi thực sự đã ngủ rất ngon, và sau sáu tiếng rưỡi trên giường, tôi đã có giấc mơ sáng suốt đầu tiên trong phòng thí nghiệm. Một phút trước đó, tôi đã mơ – nhưng rồi tôi bỗng phát hiện ra rằng chắc hẳn tôi đang ngủ bởi tôi không thể nhìn, cảm nhận hay nghe thấy gì. Tôi vui mừng tự nhủ rằng mình đang ngủ trong phòng thí nghiệm. Hình ảnh của một thứ giống như là sách hướng dẫn sử dụng máy hút bụi hay đồ nội thất nào đó lướt qua. Với tôi nó chỉ như một vật trôi nổi trên dòng chảy tâm thức, nhưng khi tôi tập trung vào nó và cố gắng đọc chữ viết trên đó, hình ảnh ấy dần trở nên ổn định và tôi cảm nhận được việc mình mở mắt (trong mơ). Và rồi đôi bàn tay tôi xuất hiện, cùng với phần còn lại của cơ thể trong mơ của tôi, và tôi đang nhìn cuốn sách hướng dẫn đó trên giường. Căn phòng trong mơ của tôi là một bản sao khá tốt của căn phòng tôi ngủ trên thực tế. Do giờ đây tôi đã có một cơ thể trong mơ, tôi đã quyết định thực hiện việc chuyển động mắt như chúng tôi đã thỏa thuận để làm tín hiệu. Tôi di chuyển ngón tay theo chiều dọc trước mặt và theo dõi nó bằng đôi mắt. Nhưng vì quá phấn kích khi cuối cùng cũng làm được điều này, ý nghĩ đó đã làm gián đoạn giấc mơ của tôi, khiến nó phai mờ đi chỉ vài giây sau đó.

Tiếp theo, chúng tôi quan sát hai lần chuyển động lớn của mắt trong bảng tâm đồ ngay trước khi tôi tỉnh giấc từ chu kỳ ngủ REM kéo dài mười ba phút. Cuối cùng, ở đây là bằng chứng khách quan cho thấy đã có một giấc mơ sáng suốt xảy ra trong giấc ngủ REM!

Tôi đã gửi ghi chú tới cuộc họp năm 1979 của APSS [3] ở Tokyo để đề cập đến việc này và các bằng chứng khác cho thấy các giấc mơ sáng suốt gắn liền với giấc ngủ REM. Tất nhiên, tôi không mong chờ rằng bất kỳ ai có thể được thuyết phục về thực tế của giấc mơ sáng suốt chỉ bằng bản tóm tắt ngắn này nhưng khi ấy tôi vẫn muốn chia sẻ kết quả với các nhà nghiên cứu giấc mơ khác một cách sớm nhất có thể.

[3] APSS (Tiếng Anh: Association for the Psychophysiological Study of Sleep): Hiệp hội Nghiên cứu Tâm sinh lý Giấc ngủ

Không dễ gì để có thể lặp lại thành công ban đầu của chúng tôi. Sáu đêm tiếp theo của tôi ở phòng thí nghiệm đã không mang lại một giấc mơ sáng suốt nào. Lúc đó, tôi vẫn chưa hình thành MILD (Mnemonic Induction of Lucid Dreams – Kích hoạt giấc mơ sáng suốt bằng trí nhớ), phương pháp giúp tôi kích hoạt giấc mơ sáng suốt theo ý muốn, như tôi đã mô tả ở Chương 6. Sau khi tôi đã thành thục phương pháp MILD, chúng tôi đã thử lại, và vào tháng 9 năm 1979 tôi đã có thêm hai giấc mơ sáng suốt ở phòng thí nghiệm giấc ngủ Stanford. Khi ấy tôi vẫn có nhiều giấc mơ sáng suốt ở nhà hơn là ở phòng thí nghiệm, nhiều khả năng là do ở nhà tôi thư giãn hơn. Vì vậy chúng tôi đã thu xếp để đặt máy điện tâm đồ ở nhà tôi trong vòng sáu tuần. Trong kỳ nghỉ lễ Giáng sinh ấy, tôi đã thành công trong việc ghi nhận thêm khoảng một tá các giấc mơ sáng suốt nữa, và một lần nữa, các tín hiệu chuyển động mắt của tôi lại cho thấy chúng đều diễn ra trong chu kỳ ngủ REM.

Đến năm 1980, những lời đồn bắt đầu xuất hiện về sự quan tâm của chúng tôi đối với giấc mơ sáng suốt, và một vài người mơ sáng suốt khác đã tình nguyện tham gia thử phát tín hiệu giấc mơ sáng suốt trong phòng thí nghiệm. Roy Smith, một nhà nghiên cứu nội trú khoa tâm thần học, là người đầu tiên thành công. Các giấc mơ sáng suốt của ông cũng diễn ra trong chu kỳ ngủ REM. Hai người phụ nữ là Beverly Kedzierski, một nhà khoa học vi tính, và Laurie Cook, một vũ công, đã hoàn thiện nhóm chủ thể mơ sáng suốt đầu tiên của chúng tôi. Chúng tôi tự gọi mình là nhóm oneironaut, một từ tôi sáng tạo ra từ nguồn gốc Hy Lạp, có nghĩa là những nhà thám hiểm thế giới nội tại của giấc mơ. Kết quả của những thí nghiệm đầu tiên đó đã tạo thành phần lớn luận án tiến sĩ của tôi, với tựa đề là Giấc mơ Sáng suốt: Cuộc nghiên cứu mang tính khai phá về tiềm thức trong giấc ngủ.

Giờ đây chúng ta hãy cùng quay trở lại với APSS và câu chuyện về những nỗ lực của tôi nhằm công bố phương pháp mới về sự liên lạc từ trạng thái mơ và bằng chứng rằng giấc mơ sáng suốt có thể xảy ra khi ta thực sự đang ngủ.

Đã quá muộn để tôi và Lynn Nagel trình bày kết quả của mình tại cuộc họp APSS năm 1980. Thay vào đó, chúng tôi đã trình báo cáo ngắn về những kết luận ban đầu để gửi cho tạp chí Science vào tháng 3 năm 1980 với tựa đề Giấc mơ sáng suốt được xác nhận bởi sự liên lạc chủ động trong chu kỳ ngủ REM. Chúng tôi vô cùng phấn kích với những phát kiến của mình và háo hức chờ phản hồi.

Hai tháng sau chúng tôi nhận được hồi âm từ Science. Các biên tập viên của các tạp chí khoa học chủ yếu đưa ra quyết định dựa trên ý kiến của những người phê duyệt, chuyên gia khuyết danh trong lĩnh vực liên quan. Một trong hai người phê duyệt của chúng tôi đã viết rằng, “Đây là một báo cáo tuyệt vời, đã tạo ra cách thức xác nhận giấc mơ sáng suốt trong phòng thí nghiệm. Những hàm ý của giấc mơ sáng suốt rất hay và quan trọng, và có thể sẽ có một lĩnh vực nghiên cứu mới phát sinh từ phát kiến này. Báo cáo này được viết rất rõ ràng và cô đọng, và tôi khuyến nghị ở mức cao nhất việc xuất bản nó”.

Tuy nhiên, phản hồi của người phê duyệt thứ hai lại hoàn toàn trái ngược. Người này nhìn nhận bài viết của chúng tôi dưới góc nhìn của công trình của Rechtschaffen và thấy rằng quá “…khó để hình dung việc các chủ thể cùng lúc vừa mơ giấc mơ của mình và vừa phát tín hiệu cho người khác,” tương tự như đã nhận xét về một nghiên cứu khác. Dường như ông không thể chấp nhận, trên cơ sở triết lý, rằng kết quả của chúng tôi có tính khả thi. Hệ quả là ông đã nghĩ ra được một số “vấn đề về cách phân tích kết quả” – tất cả những cách để lý giải cho việc vì sao chúng tôi có thể đi đến những kết luận sai lầm như vậy. Hiển nhiên, ông không khuyến nghị xuất bản, và bên biên tập đã dựa vào phán xét của ông.

Vào tháng 9, chúng tôi đệ trình bản chỉnh sửa bài viết tới Science sau khi đã mở rộng nghiên cứu ban đầu với gấp đôi số người mơ sáng suốt và quan sát nhằm làm rõ những điểm mà nhà phê bình thứ hai thấy có vấn đề. Nhưng bài viết vẫn bị từ chối, một lần nữa vì lý do mang tính triết lý. Vấn đề dường như nằm ở chỗ các nhà phê bình của chúng tôi – nhiều khả năng là các thành viên của APSS – đơn giản đã không tin rằng giấc mơ sáng suốt có thể xảy ra. Với hy vọng được xem xét một cách hoàn toàn mới mẻ, chúng tôi đã gửi bài tới Nature, tạp chí tương đương với Science của Anh. Tuy nhiên, nó bị trả lại và không có sự phê bình. Theo biên tập của Nature, chủ đề giấc mơ sáng suốt “không thu hút được sự quan tâm” để được cân nhắc! Nói tóm lại, sau sáu tháng, cuối cùng chúng tôi cũng đã xuất bản được bài viết của mình trên một tạp chí về tâm lý học có tên Perceptual and Motor Skills. [4]

[4] Science và Nature là hai tạp chí khoa học nổi tiếng nhất thế giới. Stephen Laberge muốn xuất bản ở đó để có danh tiếng. Việc xuất bản ở tạp chí Perceptual and Motor Skills ngụ ý rằng ông đã hạ thấp tiêu chuẩn. 

Tôi đã nhấn mạnh một cách khá chi tiết những khó khăn ban đầu mà chúng tôi gặp phải để có thể làm rõ một thực tế: mãi đến năm 1980, các nhà nghiên cứu giấc ngủ nói chung và các thành viên của APSS nói riêng, gần như đồng quan điểm trong việc phủ nhận, không coi giấc mơ sáng suốt là một hiện tượng thực sự của giấc ngủ, dù ở chu kỳ REM hay bất kỳ chu kỳ nào khác. Ở khía cạnh bằng chứng, giấc mơ sáng suốt vẫn bị coi là một thứ dị thường, một hiện tượng tỉnh táo giống như mơ giữa ban ngày can thiệp vào giấc ngủ; nhưng dù sao vẫn không phải là thứ gì mà các nhà nghiên cứu giấc ngủ cần phải bận tâm.

Vào tháng 6 năm 1981, cùng tháng với thời điểm bài viết của chúng tôi xuất hiện, tôi đã trình bày bốn bài viết về giấc mơ sáng suốt tới kỳ họp APSS lần thứ hai mươi mốt ở Hyannis Port, Massachusetts. Thật may là, đến nay, số liệu của chúng tôi đã đủ mạnh để thuyết phục thậm chí là những người hoài nghi nhất rằng giấc mơ sáng suốt là một hiện tượng thực sự của giấc ngủ REM. Với giấc ngủ sáng suốt, sức nặng của bằng chứng cuối cùng đã tương xứng [5] với sự lạ thường của thực tế.

[5] “Các tuyên bố phi thường đòi hỏi các bằng chứng phi thường” – đây là nguyên tắc nổi tiếng của nhà thiên văn học Carl Sagan. 

Sau tất cả những sự kháng cự mà ban đầu chúng tôi gặp phải, thoạt nhiên tôi đã khá ngạc nhiên, rồi sau đó là vui mừng khi nhận thấy những phản hồi tích cực đối với bài thuyết trình của tôi. Một số nhà khoa học nói riêng với tôi rằng, trước khi thấy được số liệu của chúng tôi, họ đã cho rằng không thể nào có giấc mơ sáng suốt, nhưng giờ đây họ đã buộc phải thay đổi suy nghĩ của mình. Trong số đó có một số người từng thể hiện sự bất tín của mình trên trang giấy. Tôi thấy được khích lệ vô cùng khi thấy những dấu hiệu của sự chân thành và cởi mở trước những ý tưởng mới như vậy, và đã có sự tôn trọng lâu dài đối với những nhà khoa học đó. Đáng tiếc, sự cởi mở đó không phải lúc nào cũng là quy tắc trong khoa học – cũng như trong bất kỳ lĩnh vực khai phá nào của nhân loại.

Nhưng điều này thực tế đã minh họa một điều về cách vận hành của khoa học (khi nó được vận hành đúng cách). “Khoa học” thực ra là một cộng đồng các nhà khoa học tuân thủ theo một bộ tiêu chuẩn chung về sự xác nhận. Như vậy, khoa học có xu hướng mang tính bảo thủ – kháng cự quá mạnh mẽ với ý tưởng mới, và bám quá chặt vào những tư tưởng được chấp nhận trong quá khứ. Triết gia Thomas Kuhn từng cho rằng những học thuyết mới trong khoa học không thay thế học thuyết cũ cho đến khi những người ủng hộ học thuyết cũ chết đi! Tôi từng lo sợ điều này sẽ đúng với APSS và giấc mơ sáng suốt, và đã ngạc nhiên, vui mừng khi thấy mình sai.

Trong quan điểm của cộng đồng nhà khoa học, giấc mơ sáng suốt từng bị gắn liền với huyền học và parapsychology [6], nhưng giờ đây đã được chấp nhận như một ngành khoa học chính thống và là một chủ đề nghiên cứu xác đáng. Đây là một bước đi quan trọng hướng tới việc khai phá rộng hơn và sự phát triển ngành khoa học về giấc mơ sáng suốt.

[6] Parapsychology là một chuyên ngành tìm hiểu về các hiện tượng lạ. Nó không được giới khoa học chấp nhận như là một môn khoa học đích thực.


Leave a Reply