Tiêu đề của bản gốc: La Transvalorización (bài giảng)
GnosisVN: Tiêu đề tiếng Tây Ban Nha của bài giảng này là Transvalorización. Từ này xuất phát từ nhà triết học Friedrich Nietzsche. Nietzsche có nguyên tắc gọi là “transvaluation of all values” (tiếng Đức: Umwertung aller Werte). Về cơ bản thì mọi người hay quan tâm đến những thứ không thực sự đáng được quan tâm và không quan tâm đến những thứ quan trọng nhất. Vì thế, “transvaluation” có nghĩa là chúng ta cần định xét và hoán đổi lại các giá trị trong cuộc sống.
Nếu một người không cảm nhận được tình yêu với việc tu tập, thì người đó sẽ không thể kết nối con đường tu hành Gnosis với cuộc sống hằng ngày. Nếu không có mối liên hệ nào giữa việc rèn luyện với cuộc sống thì rõ ràng là chúng ta sẽ không rèn luyện gì cả, thế thôi.
Nếu chúng ta cảm thấy việc đọc một vài cuốn sách và đi nghe một vài bài giảng là đủ mà không thực sự rèn luyện, thì đây là một vấn đề nghiêm trọng. Khi một người không rèn luyện theo những giáo lý đã được đưa ra trong sách và qua các bài giảng thì rõ ràng là họ sẽ không thể hiểu được con đường tu hành Gnosis.
Chúng ta hãy nhớ lại câu truyện ngụ ngôn về ông thương gia trong kinh Phúc Âm Kitô giáo. Ông thương gia này muốn sở hữu viên ngọc trai quý nhất thế giới, nhưng khi tìm thấy nó thì ông ta lại chưa đủ tiền mua. Vậy ông đã làm gì? Ông ta đã bán tất cả mọi thứ mình có, toàn bộ gia tài, tất cả mọi thứ ông sở hữu để có được viên ngọc trai quý giá đó và cuối cùng ông đã mua được nó [1].
[1] Nước Trời cũng giống như một thương gia kia đi tìm viên ngọc trai quý. Khi tìm được rồi, liền về bán hết tài sản để lấy tiền mua viên ngọc trai ấy.”
(Ma-thi-ơ 13:45-46, Kinh Thánh)

Cũng giống như câu chuyện trên, công việc tu hành Gnosis là một viên ngọc trai quý giá. Để lấy được viên ngọc trai này, một người phải từ bỏ tất cả các mối quan tâm thứ cấp, bỏ lại tất cả mọi thứ cám dỗ chúng ta trên thế giới này để hoàn toàn cống hiến bản thân cho việc rèn luyện.
Tuy nhiên, chúng ta có nhiều cấu trúc tâm lý đa dạng bên trong, chúng nhân cách hóa sự tham lam, tức giận, dục vọng, ghen tị, háu ăn, lười biếng, v.v. Tất cả các yếu tố đó kéo chúng ta theo nhiều hướng khác nhau, hướng ta tới vô vàn các mối quan tâm ích kỷ. Năng lượng tâm linh của chúng ta bị mắc víu vào các sở thích khác nhau, vào những giá trị này hay giá trị kia, v.v. Mỗi người cần phải giải phóng năng lượng tâm linh của mình khỏi những cái Tôi tâm lý ấy. Nếu một người giải phóng được năng lượng này thì người đó có thể tập trung vào viên ngọc quý, chính là công việc tu hành Gnosis.
Khi một người giải phóng được năng lượng đang bị mắc kẹt trong những cái Tôi tâm lý, khi một người rút được năng lượng ra khỏi những mối quan tâm vật chất và ích kỷ, ra khỏi những ham muốn dục vọng và những thứ không quan trọng, khi một người chỉ tập trung năng lượng này vào một hướng, vào công việc rèn luyện Gnosis, thì hiển nhiên rằng người đó sẽ kết nối được việc tu tập với cuộc sống. Khi đó họ sẽ cống hiến hết mình cho việc rèn luyện bản thân. Điều này, tự nhiên sẽ dẫn đến một sự thay đổi triệt để.
Nếu thực sự muốn thay đổi một cách triệt để thì ta cần phải hiểu rằng tình yêu dành cho công việc tu tập chính là nền tảng. Khi nói về tình yêu, chúng ta cần phải phân tích chính xác và chi tiết. Đừng quên rằng trong khi tìm hiểu, chúng ta phải chính xác như những nhà toán học và trong lúc diễn đạt, chúng ta phải đòi hỏi khắt khe.
Bản thân “tình yêu” là một từ trừu tượng. Chúng ta cần cụ thể hóa thứ mà ta gọi là tình yêu. Trước hết, chúng ta hãy tham khảo kinh Phúc Âm Kitô giáo. Kabir Giê-su vĩ đại đã nói: “Bởi điều này mà mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đồ của tôi: Đó là có tình yêu thương giữa anh em.” [2] Ngoài ra thì Kabir vĩ đại còn nói một câu rất ý nghĩa khác: “Anh em phải yêu Thiên Chúa trên tất cả mọi thứ và yêu người xung quanh như chính bản thân mình” [3], nói cách khác là “Không đối xử với người khác theo cách mà anh em không muốn người khác đối xử với mình“.
[2] Giăng 13:35, Kinh thánh
[3] Mác 12:30-31, Kinh thánh
Khi nghĩ đến tình yêu, người ta cảm thấy một điều gì đó chạm tới trái tim mình. Nhưng vì tâm lý bị giam cầm trong trạng thái chủ quan, vì chưa đưa ra được những suy nghĩ khách quan, nên mọi người chưa hiểu được ý nghĩa sâu xa của từ này. Chúng ta không thể trì hoãn được hơn nữa việc tìm hiểu ý nghĩa của tình yêu.
Câu nói “Không đối xử với người khác theo cách mà bạn không muốn được đối xử” có thể được hiểu như sau: “Hãy ý thức về người khác và về chính bản thân mình“. Câu nói “yêu Thiên chúa trên tất cả mọi thứ” và “yêu đồng loại như yêu chính bạn“, có thể được hiểu là “hãy ý thức về yếu tố thần thánh trong tâm chúng ta, ý thức về yếu tố thần thánh ở trong đồng loại và trong chính ta“. Bởi vậy, chúng ta cần ý thức về thứ được gọi là tình yêu, thứ mà chúng ta có thể coi là “Ý thức“.
Nếu một người không ý thức về đồng loại của mình thì làm sao người ta có thể yêu hay hiểu đồng loại được? Chúng ta phải ý thức về đồng loại nếu chúng ta thực sự muốn hiểu họ. Chỉ khi hiểu người khác thì ta mới có thể yêu thương họ được. Nhưng, để có thể ý thức về đồng loại của mình thì chúng ta phải ý thức được về bản thân mình trước.
Nếu một người không ý thức về bản thân thì làm sao người ta có thể ý thức về đồng loại được? Và nếu người ta không ý thức về đồng loại của mình thì làm sao họ có thể hiểu đồng loại được? Và nếu không hiểu đồng loại thì họ sẽ đối xử với đồng loại ra sao? Đây là điểm quan trọng mấu chốt. Chúng ta phải có tình yêu với công việc tu hành Gnosis, nhưng nếu không hiểu thì chúng ta sẽ không tu hành được. Cho nên hiểu biết chính là nền tảng.
Tiếp theo dòng phân tích này, chúng ta có thể nói rằng: có ba loại tình yêu. Khi Chúa Giê-su hỏi các môn đệ về tình yêu của họ dành cho Ngài thì chúng ta phải hiểu câu hỏi này một cách sâu xa. Bởi lẽ có tình yêu thuần tình dục, có tình yêu thuần cảm xúc, và có tình yêu tỉnh thức. Chúng ta nói rằng: “Tình yêu là định luật nhưng đó phải là tình yêu tỉnh thức.“
Nhiều người chỉ hiểu nhau thông qua tình dục mà thôi, đây là thứ tình yêu thuần tình dục. Một số người khác có trọng tâm trong trung tâm cảm xúc, tức là là họ chỉ phát triển tình yêu thuần cảm xúc. Tình yêu thuần cảm xúc giữa hai người chắc chắn là sẽ dao động giữa hai thái cực yêu và ghét. Loại tình yêu này không ổn định, nó đầy những cay đắng, đam mê, ghen tuông, v.v. Do đó, ta không thể phân loại nó là một tình yêu đúng đắn theo nghĩa đầy đủ nhất của từ này được.
Không nghi ngờ gì là chỉ có tình yêu có ý thức mới xứng đáng được chúng ta tôn thờ. Nhưng để có được tình yêu tỉnh thức thì trước hết điều không thể thiếu được là phải rèn luyện bản thân. Chúng ta phải loại bỏ các yếu tố tâm lý không mong muốn ở bên trong, nếu không thì ta sẽ không bao giờ có được tình yêu tỉnh thức. Làm thế nào mà một người có thể có tình yêu tỉnh thức khi vẫn còn đầy những cảm xúc thuần tuý, cùng với dục vọng, ghen tuông và nghi ngờ được?
Để tình yêu tỉnh thức này được sinh ra, chúng ta phải loại bỏ các yếu tố của dục vọng, ghen tuông, giận dữ, v.v., ta phải loại bỏ những yếu tố nhục dục thuần tuý v.v., phải học cách luôn luôn đặt mình vào quan điểm và vị trí của người khác. Thật khó để học được cách đặt mình vào vị trí của người khác, thật quá khó! Bất cứ ai học được cách để có được tình yêu tỉnh thức thì đều biết cách đặt mình vào quan điểm của người khác.
Câu nói “Không đối xử với người khác theo cách mà bạn không muốn được đối xử” có thể được hiểu như sau: “Hãy ý thức về người khác và về chính bản thân mình“. Nếu một người không đặt mình vào quan điểm của người khác thì họ sẽ hoàn toàn thất bại, họ sẽ không bao giờ có tình yêu tỉnh thức với bất cứ ai cả. Nhưng, để đặt mình vào vị trí của người khác thì chúng ta phải dẹp sự tự ái sang một bên.
Thật không may, con người đã được sinh ra trong khuôn mẫu của lòng tự ái. Rõ ràng là chúng ta phải loại bỏ từng lớp một các khía cạnh của lòng tự ái. Phần lớn những gì được gọi là “tình yêu” của một người đàn ông dành cho một người phụ nữ, hoặc ngược lại, về cơ bản chỉ là sự mở rộng của lòng tự ái mà thôi.
Nếu thực sự chúng ta muốn học cách nhìn nhận theo quan điểm của người khác thì cái Tôi của sự tự ái phải bị tiêu diệt, nó phải bị tan rã, bị đốt thành tro bụi. Thông thường, không ai biết làm thế nào để nhìn sự vật theo quan điểm của người khác, không ai biết đặt mình vào vị trí của người khác, mọi người đều bị chi phối bởi cái Tôi của lòng tự ái. Họ còn lâu mới nghĩ được đến việc đặt mình vào vị trí hay quan điểm của người khác.
Chúng ta không có khả năng thực sự thấu hiểu cho đến khi chúng ta giết chết cái Tôi của sự tự ái. Nếu một người làm được việc này thì người đó sẽ có một bước tiến tuyệt vời. Nếu một người phá huỷ được tất cả các cấu trúc tâm lý đang nhân cách hoá cho sự kiêu ngạo, sự tự cao tự đại và sự không khoan dung, thì người đó sẽ có những tiến bộ phi thường. Bởi tâm lý kiêu ngạo mà chúng ta cảm thấy mình quan trọng, chúng ta cư xử với người khác theo kiểu chuyên quyền bạo chúa. Đó chính là chướng ngại cho sự thức tỉnh của tâm thức. Một người kiêu ngạo sẽ không bao giờ có thể yêu được đồng loại. Làm thế nào để yêu được đồng loại với tâm kiêu ngạo?
Chúng ta có thể nói gì về cái Tôi của sự tự cao tự đại? Tại sao chúng ta lại cảm thấy mình cao cả vĩ đại, quan trọng hơn người khác trong khi chúng ta chỉ là những con giun khốn khổ trong bùn đất? Cái Tôi của sự tự cao tự đại, của việc tin rằng tôi vượt trội hơn những người khác cũng là một chướng ngại cho sự tỉnh thức. Còn sự không khoan dung sẽ dẫn đến tính hay chỉ trích; chúng ta thấy những khiếm khuyết của người khác, nhưng chúng ta lại không thấy được khiếm khuyết của chính mình. Chúng ta chỉ chăm chăm nhìn vào lỗi của người khác. Chỉ khi một người đặt mình vào vị trí của người khác thì họ mới học được cách trở nên khoan dung hơn đối với đồng loại. Kết quả là những lời chỉ trích mang tính gây hại và tổn thương sẽ biến mất.
Vì vậy việc học cách đặt mình vào vị trí của người khác là cần thiết. Một kẻ ăn cắp thì sao? Chúng ta chỉ trích một người trộm cắp nhưng chúng ta có chắc chắn rằng mình chưa bao giờ trộm cắp trong kiếp này hay kiếp trước không?
Có ai nói được như vậy không? Còn kẻ ngoại tình kia thì sao? Ai đó phạm tội ngoại tình, và chúng ta lại chỉ trích người đó. Nhưng chúng ta có chắc chắn được rằng mình chưa bao giờ ngoại tình không? Cứ như thế, có người mắc lỗi và chúng ta lại chỉ trích họ. Làm sao mà chúng ta có thể chắc chắn được rằng mình chưa bao giờ mắc lỗi như vậy?
Tất nhiên, khi một người đã phát triển được lòng khoan dung thì những lời chỉ trích mang tính hủy hoại đó sẽ biến mất và và cái Tôi tâm lý sẽ bị phá hủy. Vì vậy, chúng ta cần phát triển lòng khoan dung. Nhưng để lòng khoan dung có thể nảy sinh một cách tự nhiên ở bên trong thì các cấu trúc tâm lý của sự không khoan dung cần phải được loại bỏ. Chỉ như vậy thì lòng khoan dung mới được sinh ra bên trong chúng ta. Điều này thật rõ ràng, trọn vẹn theo đúng ý nghĩa sâu sắc nhất của lòng khoan dung. Nếu có thể hoán đổi tính cách của mình với người hàng xóm chỉ trong chốc lát, chúng ta sẽ ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng mình chỉ trích họ nhiều như thế nào. Sau trải nghiệm như thế, chúng ta sẽ học được cách không chỉ trích người khác.
Học cách đặt mình vào vị trí và quan điểm của người khác là rất quan trọng. Đây là việc không thể thiếu được. Thật không may là mọi người không biết cách để đặt mình vào vị trí của người khác. Bởi vậy mà họ thất bại một cách thảm hại. Chắc chắn rằng Tâm thức rất kỳ lạ.
Tâm thức là Tình yêu; Tình yêu và Tâm thức là hai phần của cùng một thứ. Nếu một người thực sự cố gắng có ý thức về bản thân thì người ta cũng sẽ có ý thức về người khác. Ví dụ như những kẻ tra tấn người khác. Chúng ta sẽ ngạc nhiên khi thấy họ vô thức như thế nào! Bởi vì khi tra tấn người khác, họ cũng đang tự tra tấn chính mình. Nếu một người tra tấn một người khác thì trước sau gì họ cũng sẽ bị tra tấn lại. Đây là một vòng luẩn quẩn.
Để đạt được sự tiến bộ của Bản thể, một người cần phải xem xét tất cả những khía cạnh này. Khi một người bắt đầu công việc tu tập Gnosis, thì người đó phải đấu tranh một cách kinh khủng giữa những giá trị trong quá khứ và những gì họ muốn đạt được.
Như thầy đã nói, chúng ta có nhiều mối quan tâm khác nhau. Ở bên trong ta có nhiều cấu trúc tâm lý, hướng đến những mối quan tâm khác nhau về kinh tế, chính trị, xã hội, đam mê, v.v.. Đây là những chướng ngại cản trở sự cống hiến hết mình cho công việc tu hành Gnosis. Cần phải triệt để và dứt khoát chuyển từ giai đoạn này sang giai đoạn mới. Cần phải từ bỏ tất cả mọi thứ trên thế gian này để cống hiến hết mình cho việc tu tập.
Thật không may là mọi người lại không nghĩ như vậy. Nhìn chung, học trò cứ quanh quẩn một thời gian dài giữa quá khứ và tương lai; giữa các giá trị trong quá khứ và việc rèn luyện Gnosis. Việc này tạo nên một trạng thái vô định, không rõ ràng bên trong những người muốn rèn luyện nhưng lại không cống hiến hết mình cho việc tu tập.
Kết luận là mọi người lãng phí quá nhiều thời gian. Tuy nhiên, có một số người quyết tâm từ bỏ mọi thứ để có được “viên ngọc quý”. Chúng ta cần hoán đổi giá trị cuộc sống, xét định lại các giá trị cũ, để sau đó có thể cống hiến cho công việc rèn luyện bản thân một cách nghiêm túc.
Việc hoán đổi giá trị rất quan trọng. Ta nên hiểu việc hoán đổi giá trị cuộc sống như thế nào? Hoán đổi giá trị nghĩa là gì? Thông thường thì người ta đánh giá mọi thứ theo lợi ích cá nhân nhưng việc hoán đổi giá trị đi xa hơn thế. Thông qua đó, chúng ta sẽ hiểu rằng những lợi ích về kinh tế, xã hội, v.v., là vô dụng và phù phiếm, và việc tu hành là quan trọng hơn tất cả. Khi xét định lại các giá trị, chúng ta sẽ phải từ bỏ nhiều mối quan tâm ích kỷ để cống hiến hết mình cho công việc rèn luyện Gnosis siêu việt.
Hiển nhiên rằng sự đoạn diệt của Phật giáo là mấu chốt ở đây. Các thành viên của hội Thông Thiên Học đều kinh hoàng khi nghe đến từ “đoạn diệt”. Người ta nói rằng sự đoạn diệt ở đây hay ở các thế giới khác đều rất đau đớn. Nhưng chúng ta cần phải trải qua sự đoạn diệt vĩ đại này. Chúng ta không cần phải sợ chết. Thật không may, mọi người đều sợ chết, và đều chống lại giáo lý này một cách vô thức.
Những người đang nghe thầy nói, các bạn có chắc rằng ngay lúc này đây mình đang không phản đối lời giải thích của thầy về công việc tu hành Gnosis không? Có ai chắc chắn rằng mình không thấy nhàm chán, không ngáp lên ngáp xuống hay không? Các bạn không thấy rằng lời giảng này đang trở nên khô khan sao?
Ngược lại, nếu lúc này thầy bắt đầu nói chuyện với các bạn về xổ số hoặc cách cải thiện tình hình kinh tế, hoặc làm thế nào để được viên mãn trong tình yêu, hoặc những điều đại loại như thế, thì thầy đảm bảo rằng các bạn sẽ không ngáp ngắn ngáp dài nữa. Nhưng khi thầy trực tiếp nói chuyện về việc rèn luyện bản thân, việc mà chúng ta gọi là “đoạn diệt Phật giáo” thì chắc chắn là trong sâu thẳm mỗi người đều chống lại. Tại sao vậy? Bởi vì cái Tôi không bao giờ muốn ngừng tồn tại.
Cái Tôi chối bỏ loại giáo lý này, bởi vì nó đánh vào sự tồn tại của chính cái Tôi. Có ai trong số các bạn muốn ngừng tồn tại không? Các bạn muốn tồn tại ở đây và cả sau khi chết nữa.
Một số người có thể nói: Chà, tôi không muốn sống trong thế giới vật chất này nữa, tôi muốn từ bỏ thế giới này. Nhưng động cơ thầm kín ở đây là gì? Rõ ràng bạn nói như vậy đơn giản chỉ vì bạn đang khao khát được sống trong các cõi siêu việt, trong điều kiện tốt đẹp hơn một chút mà thôi.
Tại sao các linh mục có rất nhiều người theo? Bởi vì các linh mục không đưa ra giáo lý về sự đoạn diệt Phật giáo cho các môn đồ, họ chào bán cho mọi người tấm hộ chiếu lên thiên đàng, để có một cuộc sống thoải mái ở “thế giới bên kia”, tận hưởng đủ các loại đặc quyền.

Ví dụ, nếu một góa phụ để lại một tài sản kếch xù cho giáo xứ thì rõ ràng là bà ta sẽ được trao cho một tấm hộ chiếu để lên thiên đàng. Kể cả bà ta đã từng là một kẻ giết người khét tiếng, một tên tội phạm, nhưng chỉ cần xưng tội với “ngài linh mục”, thì bà ta sẽ có đủ điều kiện để nhận hộ chiếu lên thiên đàng. Bây giờ, nếu để lại thêm một khoản tiền nữa cho ngài linh mục thì hẳn là bà ta sẽ phóng thẳng lên thiên đường. Bà ta thậm chí sẽ không phải trải qua Ngục luyện tội [4], và sẽ rất vui vẻ. Điều này thu hút và làm mọi người hài lòng, nó là một “trò chơi” rất hiệu quả, vì cái Tôi không thích bất cứ ai chĩa súng vào ngực nó cả.
[4] Ngục luyện tội (tiếng Anh: Purgatory) – Theo giáo lý Công giáo thì Luyện ngục hay Ngục luyện tội là nơi mà các linh hồn tín đồ Kitô giáo sẽ đến sau khi chết nếu họ chưa đủ hoàn hảo để lên thẳng thiên đàng. Các linh hồn này phải “tạm trú” ở nơi gọi là Ngục luyện tội để được thanh tẩy. Tuỳ vào trạng thái hiện tại mà các linh hồn sẽ trú lại nơi đây một thời gian dài hay ngắn trước khi có thể được lên thiên đàng.
Ví dụ, những lá thư từ khắp Trung Mỹ và Nam Mỹ gửi đến cho thầy như mưa. Họ hỏi thầy về luân xa, về các lễ điểm đạo, về siêu năng lực, vị trí xã hội, vị trí của phong trào Gnosis, tình hình kinh tế, về các vấn đề của tình yêu, v.v., nhưng thầy rất ít khi nhận được thư hỏi về việc làm tan rã cái Tôi. Mọi người đòi hỏi siêu năng lực, cấp bậc huyền học, điểm đạo, tiền bạc, vị trí này nọ, v.v., nhưng thật là đau xót khi thầy không thể tìm thấy dù chỉ là một người muốn cống hiến hết mình cho việc giết chết cái Tôi. Vâng thưa các bạn, ý thầy là chết, là không tiếp tục sống.
Tất cả mọi người, kể cả những “Pháp sư đen” [5], đều muốn được sống, được trở thành một lãnh chúa vĩ đại, đầy quyền năng nhưng lại không muốn khó nhọc trải qua cái chết. Thực tế là chỉ với cái chết thì những gì mới mẻ mới được sinh ra. Nếu hạt mầm không chết thì cây sẽ không mọc lên được [6], nhưng chúng ta lại không muốn hiểu điều đó.
[5] Pháp sư đen – các đệ tử của thầy Samael hay dùng từ này để chỉ những người theo con đường tà đạo. Đôi khi họ dùng từ này với thái độ kiêu ngạo, họ cho rằng bản thân mình là người tu hành tốt và họ gọi người khác là pháp sư đen. Ở đây thầy Samael đang phê phán về thái độ tự cao tự đại của những đệ tử đó.
[6] “Quả thật, quả thật, tôi nói với anh em, nếu một hạt lúa mì không rơi xuống đất và chết, nó chỉ là một hạt; nhưng nếu chết đi, nó sẽ kết nhiều hạt.”
(Giăng 12:24, Kinh thánh)
Một số người phàn nàn trong thư rằng họ vẫn không thể xuất hồn trong cơ thể cảm xúc một cách có ý thức được, rằng họ muốn được khai ngộ nhưng họ không thể nhận được thông điệp từ các cõi siêu việt, v.v. và nhiều vấn đề khác nữa. Họ không muốn nhận ra rằng sẽ không có sự khai ngộ nếu tâm thức chưa được giải phóng. Họ cũng không muốn nhận ra rằng tâm thức sẽ không bao giờ được giải phóng nếu cái Tôi chưa bị phá hủy.
Họ không muốn thừa nhận rằng họ muốn được khai ngộ nhưng lại không muốn chết đi. Những trường phái không dạy về cái chết của cái Tôi thì có ích gì? Sự khai ngộ, sự giải thoát sẽ không đến nếu cái Tôi không chết đi. Vì vậy nếu một người không giết đi cái Tôi trong chính mình thì người đó đang lãng phí thời gian một cách thảm hại. Để cái Tôi chết đi trong chính mình, một người phải có tình yêu với việc tu tập, phải cảm thấy yêu mến và gắn bó với công việc này.
Khi tâm thức bị mắc kẹt trong cái Tôi, trong các cấu trúc tâm lý cấu thành nên cái “bản thân Tôi”, thì tâm thức sẽ chỉ hoạt động theo cách nó đã bị điều kiện hoá [7]. Khi tâm thức của một người còn bị mắc kẹt trong cái Tôi thì đương nhiên là tâm lý của người đó sẽ bất thường.
[7] điều kiện hoá: cụm từ này chỉ thuyết điều kiện hoá cổ điển của bác sĩ tâm lý học Ivan Pavlov. Tâm lý bị điều kiện hoá khi nó hoạt động một cách vô thức theo thói quen.
Chúng ta liên tục nghe nói về những trường hợp con người bị người ngoài hành tinh, những sinh vật từ vũ trụ, bắt đi. Khi trở lại, những người đã bị bắt đi trên những con tàu vũ trụ ấy luôn tiết lộ rằng họ đã được đưa vào phòng thí nghiệm trên các tàu đó. Những người ngoài hành tinh luôn nghiên cứu họ trong phòng thí nghiệm, và sau đó để họ yên. Họ được đưa đi du hành và rồi được đưa về lại nơi đã bị bắt đi. Rõ ràng là trên những con tàu vũ trụ lớn, được điều khiển bởi những người anh em từ những thế giới khác, có các phòng thí nghiệm tuyệt vời.
Nhưng tại sao họ lại bắt những con người ở trái đất đi và đưa vào các phòng thí nghiệm? Các bạn đã bao giờ nghĩ về điều này chưa? Đơn giản là bởi vì con người trên trái đất là những sinh vật ở trạng thái tâm lý bất thường, họ không phải là người bình thường. Họ là những sinh vật có tâm lý kỳ cục, rất không bình thường, họ sống trong một trạng thái mê ngủ. Đó chính là lý do căn nguyên. Hiển nhiên là như thế. Họ được chữa trị trong một chốc lát và được đưa vào phòng thí nghiệm trên những con tàu vũ trụ ấy.
Những sự bất thường trên trái đất này thu hút rất nhiều chú ý của người ngoài hành tinh, bởi vậy mà họ đã đưa người trái đất đi để nghiên cứu trong các phòng thí nghiệm. Con người trên trái đất là những sinh vật bất thường, đó là thực tế phũ phàng. Bây giờ chúng ta sẽ giải thích rõ tất cả những điều này. Một người chỉ có thể có một tâm lý bình thường khi người ta rèn luyện chính mình, còn nếu không thì việc này là không thể.
Trong thời kỳ cổ xưa của thế giới chúng ta, tâm lý của những sinh vật ba não đã từng bình thường. Vì vậy, nhân loại đã hoà nhập được với những nền văn minh của các hành tinh khác. Trước đây, cơ quan Kundabuffer [8] đã được ban cho loài người với mục đích thiết lập sự ổn định cho vỏ địa chất của trái đất. Nhưng thật không may, sau khi cơ quan gớm ghiếc này bị huỷ diệt thì tâm lý con người đã trở nên bất thường. Đó là bởi vì hậu quả của cơ quan ghê tởm đó vẫn còn tích tụ trong năm trung tâm xử lý [9] của cỗ máy cơ thể.
[8] Kundabuffer – Ý tường này được giải thích đầy đủ hơn trong tác phẩm “Beelzebub’s Tales to his Grandson” bởi G. I. Gurdjieff. Xem thêm Kundabuffer
[9] Năm trung tâm xử lý bao gồm: 1. trung tâm lý trí, 2. trung tâm cảm xúc, 3. trung tâm vận động, 4. trung tâm bản năng, 5. trung tâm sinh dục (theo G. I. Gurdjieff)
Hậu quả của việc này là thứ mà chúng ta gọi là cái Tôi. Khi tâm thức bị mắc kẹt trong cái Tôi thì nó bắt đầu vận hành theo kiểu bất thường và thật không may, nó vẫn đang duy trì kiểu bất thường đó.
Do đó, mục đích của chúng ta là tạo ra các sinh vật bình thường, đưa họ ra khỏi trạng thái tâm lý bất thường mà họ đang rơi vào. Hãy nhìn vào những điều bất thường trên Trái Đất. Một trong số đó là sự không khoan dung. Thật nghiêm trọng khi ta chỉ nhìn thấy khuyết điểm của người khác mà không nhìn thấy khuyết điểm của chính mình. Nếu chúng ta cảm thấy khó chịu bởi lỗi lầm của người khác thì chúng ta cũng đang có lỗi lầm đó ở bên trong chính mình.
Nếu chúng ta chỉ trích về thái độ, suy nghĩ hoặc động cơ của những người xung quanh mà không có bằng chứng xác đáng thì đó là điều bất thường. Ví dụ như khi nhìn thấy một người có thái độ này khác, thì chúng ta có nên phán xét người đó không? Sự thật chỉ có thể được kiểm chứng và thấu hiểu khi xem xét dưới giác quan của khả năng tự quan sát tâm lý. Nhưng nếu chúng ta không sử dụng giác quan tự quan sát tâm lý bản thân, thì làm sao chúng ta có thể hiểu sự thật một cách trọn vẹn được?
Khi tiến bước trên con đường này, chúng ta nhận ra rằng những người xung quanh mình không hề bình thường, rằng việc ngồi lê đôi mách về những gì ông này bà kia đã nói chỉ thấy trên hành tinh Trái Đất mà thôi. Với những người bình thường, những lời đồn thổi thị phi không được chấp nhận vì người bình thường không bao giờ ngồi lê đôi mách. Thói quen đó chỉ dành riêng cho thế giới của những người không bình thường mà thôi.
Hãy quan sát cách tâm trí của mọi người phản ứng với nhau. Ví dụ, hãy quan sát khi một người đang ám chỉ điều gì đó về một người khác, người kia liền phản ứng dữ dội, cảm thấy bị tổn thương và bị xúc phạm. Điều này thật bất thường. Ở một thế giới cao cấp trong vũ trụ, khi một người nói với người khác điều gì đó thì người này sẽ im lặng, không tranh cãi hay cảm thấy bị xúc phạm, bởi vì mọi người đều có quyền tự do ngôn luận.
Vào một dịp nọ, khoảng 30 năm trước trên cõi siêu việt, thầy đã nói chuyện với thiên thần Anael về một số phẩm tính nhất định mà thầy tin là mình có, nhưng thực sự lại chưa có. Sau khi quan sát thì Anael chỉ ra cho thầy thấy sai lầm của mình với một lý do thích đáng. Nhưng khi đó thầy vẫn quen với cách thảo luận trên Trái Đất, nên thầy đã phản đối một chút. Thầy đã vận dụng hết tất cả các võ lập luận của mình. Anael chỉ lắng nghe mà không nói một lời nào. “Ôi!” Và đúng lúc thầy hoàn thành bài phát biểu của mình, khi “buổi biểu diễn hùng biện kiểu như Cicero” của thầy kết thúc, thì Anael tôn kính cúi đầu, quay lưng lại và lùi bước. Ngài không nói một lời nào. Ngài đã nói tất cả mọi thứ cần nói và cũng đã để cho thầy nói những gì thầy muốn nói. Tất nhiên là thầy đã nói tất cả những gì mình muốn nói. Thầy đã nói nhiều đến dường nào? Hẳn là rất nhiều điều, nhưng ngài vẫn kính cẩn im lặng, lịch sự lắng nghe thầy, rồi sau đó lặng lẽ quay lưng và rời đi.

Vào một dịp khác, thầy đã nói chuyện với Sivananda ở cõi siêu việt. Thầy nhớ rằng trước đó thầy đã giảng bài ở một hội thảo. Ở đó thầy đã nói về Tantra và về giáo lý Tantra, về “secreto secretorum” [10] của phòng thí nghiệm luyện kim đan. Sau khi rời khỏi hội thảo thì Sivananda lập tức đến chỗ thầy. Lúc đó ông ấy vừa mới chết. Ông nói: “Các ông có thấy không? Bằng những việc làm này, các ông đang khiến giáo lý trở nên thô tục“. Ý ông là thầy đang tiết lộ ra chìa khóa của thuật luyện kim đan. “Các ông không thể truyền bá giáo lý này một cách bừa bãi được.”
[10] secreto secretorum – giáo lý bí mật nhất
Thầy bắt đầu lại cuộc thảo luận với một giọng điệu khác, thầy nói: “Tôi sẵn sàng trả lời tất cả các câu hỏi của ông. Tôi sẵn sàng thảo luận“. Mặc dù là một người Trái Đất nhưng Sivananda có cảm nhận giác quan rất tốt. Ông ngồi khoanh chân theo phong cách phương Đông và đi vào thiền sâu. Một lúc sau, thầy cảm thấy như có ai đang đào bới ở bên trong đầu mình. Thầy nhìn quanh và thấy bậc yogi vẫn đang thiền sâu. Sau khi thiền xong, ông ấy đứng dậy, đến gần, ôm thầy và nói: “Bây giờ thì tôi đã hiểu ra thông điệp mà ông đang mang đến cho nhân loại.”
“Samael, tôi đồng ý với ông, và tôi sẽ khuyên mọi người đọc sách của ông, tôi sẽ giới thiệu quyển sách này cho cả thế giới, giờ thì tôi đã hiểu tất cả mọi thứ rồi“. Thầy cũng ôm ông ấy, và nói: “Tôi cũng rất quý trọng ông, Sivananda“. Mặc dù cũng chỉ là một người trên Trái Đất, nhưng Sivananda có trí tuệ cao hơn so với những người khác. Ít nhất ông ấy có thái độ khác với người trên Trái Đất, một thái độ huyền học phi thường. Vì vậy, này các anh em yêu quý, hiển nhiên là một người chỉ trở nên hiểu biết khi họ làm tan rã cái Tôi mà thôi.
Khi một người học cách nhìn nhận vấn đề theo quan điểm của người khác thì họ sẽ trở nên khoan dung, và tính chỉ trích sẽ biến mất. Một người trở nên bình thường khi người đó phá hủy cái Tôi và bắt đầu hành động khác đi, hoàn toàn khác với những người xung quanh. Tuy nhiên, một người bình thường sẽ cảm thấy đau lòng khi thấy cách những người khác đối xử với nhau. Nếu một người nói điều gì đó ám chỉ về người khác thì người kia sẽ phản ứng lại vì họ cảm thấy như mình đang bị đánh giá, việc này chỉ xảy ra ở thế giới của chúng ta, thế giới của những người bất thường. Ở những nơi mà mọi người có tâm lý bình thường thì không ai phản ứng như vậy cả.
Vì thế nên các bạn hãy xem xét, suy ngẫm, và yêu con đường tu hành. Nếu không có tình yêu với con đường tu hành thì ta sẽ không bao giờ rèn luyện bản thân được. Nếu không thực sự yêu thích con đường tu hành thì ta cũng sẽ không bao giờ kết nối được cuộc sống của mình với công việc tu tập. Nếu không kết nối được cuộc sống với tu tập thì ta sẽ không bao giờ thực sự hiểu được công việc tu tập. Đây là những thứ ta cần phải thấu hiểu.
Thầy chỉ muốn các bạn trải qua sự đoạn diệt của Phật giáo và đánh thức Ý thức. Chừng nào các bạn vẫn chưa trải qua sự đoạn diệt của Phật giáo thì các bạn vẫn đang ở trong một tình cảnh tồi tệ. Nếu các bạn hỏi thầy là các bạn đang như thế nào thì thầy sẽ phải nói rằng các bạn đang ở trong một tình cảnh tồi tệ. Tại sao? Bởi vì thầy thấy các bạn còn đang sống và điều này rất nghiêm trọng. Khi một người còn sống thì người ta không thể hiểu người khác được, người ta không thể thực sự nghiên cứu trong thế giới tâm linh, người ta cứ quanh đi quẩn lại trong cái thế giới mà họ trao đổi những ý kiến chủ quan cho nhau và đưa ra những khái niệm rời rạc, không chính xác.
Khi một người chết đi thì người ấy sẽ không còn tồn tại ở đây và trong tất cả các thế giới khác nữa. Đây là cách một người thực sự chết. Các bạn có tin rằng mình có thể đạt được tới Niết Bàn trong khi bạn vẫn còn sống? Rõ ràng là không rồi. Niết Bàn là thiên đường, đó là lý do tại sao các Phật tử đã nói: “Sự tan rã của cái Tôi chính là Niết bàn“. Đó là nền tảng của giáo lý.
Hôm nay thầy đã nhấn mạnh với các bạn về tầm quan trọng của việc rèn luyện. Và nhiệm vụ thầy giao cho các bạn là làm tan rã cái Tôi của sự ái kỷ (đây là việc căn bản), và phải làm tan rã cả những cái Tôi khác của sự không khoan dung, sự kiêu ngạo, sự tự cao tự đại.
Chúng ta nghĩ mình quan trọng ư? Không ai ở đây là quan trọng cả. Sự kiêu ngạo, sự tự cao tự đại và thái độ không khoan dung là chướng ngại cho việc yêu thương những người xung quanh. Các bạn cần phải loại bỏ tình yêu thuần cảm xúc và thay thế bằng tình yêu tỉnh thức. Đó là việc thiết yếu. Tình yêu thuần cảm xúc đầy những ghen tuông và si mê. Đó không phải là tình yêu. Có lẽ tốt hơn nên gọi đó là khổ đau, xin lỗi vì thầy đã phải dùng từ đó. Chúng ta cần tình yêu có ý thức. “Tình yêu là định luật, nhưng đó phải là tình yêu tỉnh thức”.
Mặc dù không thích việc nhắc đi nhắc lại nhưng thầy vẫn phải nói với các bạn rằng chúng ta phải học cách yêu thương đồng loại của mình. Ta không thể yêu họ nếu chúng ta không hiểu họ, và chúng ta không thể hiểu họ nếu chúng ta không ý thức về họ và về chính mình. Một người không thể ý thức được về chính mình nếu người đó không loại bỏ những cái Tôi mà thầy đã nói tối nay: cái Tôi của sự tự ái, của sự không khoan dung và của sự kiêu ngạo. Hãy hiểu và loại bỏ chúng đi.
Hãy làm tan rã sự tự cao tự đại, bởi vì chúng ta không quan trọng. Cả chính thầy, người sáng lập của phong trào Gnosis, cũng không thể coi bản thân mình là người quan trọng. Hãy coi thầy như là một con sâu hèn mọn trong bùn đất, và chỉ thế thôi. Thầy không nghĩ và thầy cũng không muốn nghĩ rằng thầy vĩ đại hơn các bạn. Thầy chỉ là người phục vụ của các bạn, một người phục vụ khiêm nhường.
Chừng nào chúng ta vẫn còn cảm thấy bản thân mình quan trọng thì chừng đó chúng ta vẫn bước đi trên con đường sai lầm. Bài giảng của thầy đến đây là hết, nếu có ai muốn hỏi gì thì cứ tự do hỏi nhé.
Hỏi: Thưa thầy Samael, giáo viên mầm non nên dạy điều này cho trẻ con như thế nào? Cơ sở để cho trẻ con hiểu được tình yêu đối với đồng loại là gì và bọn trẻ nên nuôi dưỡng những giá trị này như thế nào?
Đáp: Thực sự thì tình yêu đối với những người xung quanh là thứ nghe rất lãng mạn, rất đẹp. “Các con hãy thương yêu nhau như ta đã thương yêu các con“. [Giăng 13:34, Kinh Thánh] Nhưng nếu chúng ta không hiểu những lời của Kabir Giê-su vĩ đại, thì câu này chẳng qua cũng chỉ là một lời hoa mỹ mà thôi. Như thầy đã nói, để yêu người khác, các con thực sự phải có ý thức. Tình yêu và ý thức là một. Ý thức là tình yêu. Nếu một người không có ý thức về người khác thì rõ ràng là họ đang không yêu thương người khác. Chúng ta phải có ý thức về người khác. Làm sao mà một người có thể ý thức được về người khác nếu họ không ý thức được về bản thân mình? Ta phải bắt đầu bằng cách ý thức về bản thân trước khi ý thức về những người khác. Khi một người đang dần trở nên có ý thức về bản thân thì người ấy sẽ có ý thức hơn về những sai lầm của chính mình, về những khiếm khuyết của chính mình, v.v. Sau đó họ bắt đầu có ý thức về những người khác. Khi có ý thức về những người khác và về chính mình thì người ta sẽ không còn chỉ trích nữa, họ sẽ không còn nói: “Thằng này là đứa trộm cắp, tên kia là kẻ giết người”. Người ta sẽ không nói điều đó vì họ ý thức được về bản thân mình và biết rằng mình cũng đã nhiều lần trộm cắp, mình cũng đã nhiều lần giết người [11]. Người ta sẽ không còn nói: “Ông này khoác lác, ông kia lập dị” nữa vì họ biết rằng mình cũng đã nhiều lần khoe mẽ, rằng mình cũng đã nhiều lần cư xử một cách kỳ quặc.
[11] Mình cũng đã nhiều lần giết người – câu này có thể hiểu theo hai cách. Thứ nhất: khi tức giận ai đó thì thực ra là chúng ta cũng đang có những cảm xúc và động cơ tương tự như kẻ giết người rồi. Nếu lúc đó không giết người thì chẳng qua là vì chúng ta coi bản thân mình là người văn minh hay vì sợ bị đi tù mà thôi. Còn về mặt tâm linh, thì chúng ta vẫn không khác gì một kẻ giết người (hãy tham khảo Ma-thi-ơ 5:22 trong Kinh Thánh). Thứ hai: cũng có thể là chúng ta đã phạm tội giết người ở kiếp trước.
Hỏi: Thưa thầy, trong luận án của mình, thầy nói rằng chúng con nên coi trọng việc tu hành và thầy đã đưa ra ví dụ về một viên ngọc quý. Cá nhân con bây giờ có cơ hội nghiên cứu tâm lý học học thuật. Trước đây con đã đưa ra quyết định cống hiến hết mình cho nhiệm vụ truyền giáo. Nếu như vậy thì việc cống hiến hết mình để nghiên cứu tâm lý học theo kiểu học thuật có phải là một bước giật lùi trên con đường tu tập không? Con muốn thầy cho con một câu trả lời thực tiễn liên quan đến mục đích của con đối với công việc tu tập này.
Đáp: Chắc chắn là tâm lý học theo chiều hướng học thuật đang phát triển trên một con đường sai lạc, không may là như vậy. Vấn đề ở đây không chỉ là việc nhồi nhét những lý thuyết sai lệch vào đầu, mà còn là việc gây hại cho đầu óc một cách ngu xuẩn. Tâm lý học đích thực phải được dành riêng cho việc tự khám phá cái Tôi, để học hỏi kiến thức về các cấu trúc tâm lý trong mỗi chúng ta và loại bỏ các cấu trúc tâm lý này. Nói một cách khác là để tự khám phá bản thân mình một cách sâu sắc và trực tiếp mà không cần đến những lý thuyết ngớ ngẩn.
Hỏi: Thưa thầy, có lẽ người ta muốn nghiên cứu theo một cách chủ quan nào đó, như thông qua sự ái kỷ chẳng hạn.
Đáp: Thực ra thì việc nghiên cứu không gây hại cho trí óc. Nhưng khi chúng ta tập trung vào điều gì đó thì ta phải có sự chọn lọc. Rõ ràng là chúng ta chọn lọc thức ăn để đưa vào dạ dày, cũng như vậy, chúng ta phải chọn lọc loại kiến thức để đưa vào trí não.