✏ Tác giả: Samael Aun Weor, 📖 Tâm Lý Học Cho Sự Chuyển Hóa Triệt Để
Trong thời đại u tối này, thoát khỏi những ảnh hưởng tai hại của cuộc sống đương nhiên là rất khó nhưng là điều không thể bỏ qua; nếu không cuộc sống sẽ nuốt chửng chúng ta.
Bất cứ công việc rèn luyện bản thân nào được thực hiện với mục tiêu để đạt được sự phát triển tâm lý và tâm linh đều đi kèm với sự cô lập, rõ ràng là như thế bởi vì dưới sự ảnh hưởng của cuộc sống thông thường, chúng ta chỉ có thể phát triển tính cách mà thôi.
Chúng tôi không hề có ý định phản đối việc phát triển tính cách. Đương nhiên, đây là việc cần thiết cho sự sinh tồn, nhưng nó chỉ đơn thuần là cái gì đó giả tạo, nó không phải là chân lý, là bản chất đích thực của chúng ta.
Nếu động vật trí năng đáng thương, bị gọi nhầm là con người, thay vì tách mình [ra khỏi những sự kiện bên ngoài], lại đồng nhất mình với tất cả các sự kiện trong cuộc sống thực tiễn và lãng phí năng lực của mình vào những cảm xúc tiêu cực, vào các mối quan tâm vị kỷ cá nhân, vào các câu chuyện ngồi lê đôi mách linh tinh hời hợt, không có giá trị khai trí, thì không có một yếu tố đích thực nào có thể được phát triển trong anh ta ngoại trừ những gì thuộc về thế giới máy móc.
Chắc chắn rằng những người muốn thật sự phát triển Tinh Chất trong mình thì cần phải đạt được trạng thái kín gió [tiếng Anh: hermetically sealed]. [Thuật ngữ] này chỉ một trạng thái nội tâm liên quan trực tiếp đến việc giữ im lặng.
Cụm từ kín gió [hermetically sealed] bắt nguồn từ thời xưa, khi một giáo lý, có liên quan đến tên của Hermes, về việc phát triển nội tại của con người, đã được truyền dạy một cách bí mật. [sealed: kín gió, hermetically: theo phương pháp của Hermes Trismesgistus]

Nếu một người muốn phát triển một điều gì đó chân thật trong tâm thì rõ ràng người đó phải tránh việc làm mất năng lượng tâm lý của mình.
Khi một người bị rò rỉ năng lượng và không có sự tách biệt trong nội tâm thì không còn nghi ngờ gì nữa, người đó sẽ không thể đạt được sự phát triển của một cái gì đó chân thật trong tâm.
Cuộc sống thường ngày muốn nuốt chửng chúng ta một cách không thương xót; chúng ta phải chiến đấu với nó, chúng ta phải học cách bơi ngược dòng…
Công việc rèn luyện này đi ngược lại với cuộc sống, nó rất khác thường. Dù vậy, chúng ta vẫn phải rèn luyện trong từng khoảnh khắc. Tôi gọi đó là sự Chuyển Hóa Triệt Để Tâm Thức.
Rõ ràng là nếu thái độ của chúng ta đối với cuộc sống hàng ngày về cơ bản là sai lầm, nếu chúng ta tin rằng mọi thứ đều phải suôn sẻ, chỉ như vậy thôi, thì sự thất vọng sẽ đến…
Mọi người đều muốn mọi thứ diễn ra tốt đẹp “vì thế đấy”, vì mọi thứ phải đi theo kế hoạch của họ, nhưng thực tế thô cằn thì lại khác; chừng nào mà một người còn chưa thay đổi ở bên trong thì dù có thích hay không, người đó sẽ vẫn luôn là một nạn nhân của hoàn cảnh.
Người ta nói và viết nhiều thứ vớ vẩn đa cảm về cuộc đời nhưng Tâm lý học cho Sự chuyển hóa triệt để này thì khác.
Giáo pháp này đi thẳng vào ý chính, vào các sự việc cụ thể, rõ ràng và dứt khoát; nó khẳng định một cách rõ ràng rằng “thú vật trí năng” bị gọi nhầm là con người chỉ là một loài động vật hai chân máy móc, vô ý thức và đang ngủ say.
Người “chủ nhà tốt” sẽ không bao giờ chấp nhận Tâm Lý Học Cho Sự Chuyển Hóa Triệt Để; anh ta cứ chạy theo các nghĩa vụ của mình như một người cha, một người chồng, v.v. Vì thế cho nên anh ta luôn nghĩ những gì tốt nhất về mình. Nhưng thực ra anh ta chỉ đang đáp ứng các yêu cầu của thế giới tự nhiên mà thôi.
Ngược lại, chúng ta có thể nói rằng có một người “chủ nhà tốt” [1] kiểu khác, người mà bơi ngược dòng, người không cho phép mình bị nuốt chửng bởi cuộc sống; tuy nhiên chúng ta rất hiếm khi tìm được những người như vậy trên thế giới này.
Khi một người suy nghĩ theo các tư tưởng trong “Tâm Lý Học Cho Sự Chuyển Hóa Triệt Để” này, người đó sẽ có một góc nhìn đúng đắn về cuộc sống.
Ghi chú
[1] Từ “tốt” trong cụm từ “chủ nhà tốt” được dùng trong câu này với đúng nghĩa đen của nó, khác với nghĩa mỉa mai được dùng trong các đoạn văn trước đó. Cụm từ “chủ nhà” ở đây phải được hiểu theo nghĩa bóng, là một người làm chủ cuộc sống tâm linh của mình.
Trích đoạn II Các Vua 20:1 sau làm rõ hơn ý nghĩa của cụm từ “chủ nhà“.
Trong những ngày ấy Ê-xê-chia bị bệnh và gần chết. Tiên Tri Ê-sai con của A-mô đến thăm ông và nói, “Chúa phán rằng: Hãy sắp đặt việc nhà của ngươi, vì ngươi sẽ qua đời. Ngươi sẽ không qua khỏi cơn bệnh này“
Cụm từ “sắp đặt việc nhà” có nghĩa là “chuẩn bị cho cái chết“, “người chủ nhà tốt” là một người biết chăm lo cho cuộc sống tâm linh và việc rèn luyện bản thân để chuẩn bị tốt cho cái chết của mình.
← Trước: Chương 18 – Lương thực siêu việt* | Tiếp theo: Chương 20 – Hai Thế Giới |