Từ ‘hợp đề’ hay là ‘tổng hợp đề’ thường xuất hiện trong các sách và bài giảng của Samael Aun Weor. Chúng tôi hiểu từ này theo hai cách khác nhau, tuỳ vào bối cảnh:
- Trong bối cảnh của biện chứng, hợp đề chỉ một lý giải mới, giải quyết mâu thuẫn giữa hai quan điểm đối lập được gọi là ‘chính đề’ và ‘phản đề’.
- Trong sách “Phê phán Lý tính Thuần túy” của nhà triết học Immanuel Kant, hợp đề được định nghĩa là “hành động kết hợp các ý tưởng khác nhau lại và nhận biết những điểm chung trong cùng một cấu trúc nhận thức”. (Phê phán Lý tính Thuần túy A77/B103) Kant cũng nói rằng hợp đề là quá trình “tổng hợp các yếu tố của nhận thức và kết hợp chúng thành một nội dung nhất định”. (Phê phán Lý tính Thuần túy A78/B103)
Từ Biện chứng được dùng để chỉ một cuộc thảo luận giữa hai quan điểm trái chiều vì mục đích tìm kiếm sự thật. Nó khác với tranh luận, là khi một bên có ý định áp đảo bên kia bằng cách chứng minh rằng quan điểm trái chiều là sai. Nó cũng khác với thảo luận mô phạm với mục đích là để giáo viên giảng dạy cho học sinh.
Trong các cuốn sách và bài giảng của mình, Samael Aun Weor nói tới phương pháp biện chứng của chính đề, phản đề, hợp đề. Đây là phương pháp mà tại đó chúng ta đưa ra hai quan điểm trái chiều, được gọi là chính đề và phản đề, rồi sau đó xem xét chúng cùng với nhau nhằm tìm ra một sự thật ở tầm cao hơn và bao hàm cả chính đề và phản đề. Sự thật cao hơn đó được gọi là hợp đề.
Trang “Biện chứng” trên wikipedia giải thích như sau:
Phép biện chứng là một phương pháp triết học, cụ thể hơn, tư duy con người – phát triển theo một cách thức được đặc trưng bởi cái gọi là ba đoạn biện chứng:
1. Chính đề: đầu tiên có một ý tưởng, hoặc một lý thuyết, hoặc một xu hướng vận động nào đó được gọi là một “chính đề”; một chính đề như thế thường sẽ tạo ra cái đối lập, do là, giống như hầu hết các sự vật tồn tại trên trời đất, có lẽ nó sẽ có giá trị hạn chế và sẽ có các điểm yếu
2. Phản đề: ý tưởng hoặc xu hướng vận động đối lập được gọi là “phản đề”, bởi vì nó nhằm phản đối lại cái trước tiên, tức chính đề. Cuộc tranh đấu giữa chính đề và phản đề diễn ra cho tới khi đạt được một giải pháp nào đó mà, theo một nghĩa nhất định, vượt lên trên cả chính đề và phản đề do nó phát hiện ra được các giá trị riêng của chúng và do nó cố gắng bảo tồn các tinh hoa và tránh các hạn chế của cả hai;
3. Hợp đề: giải pháp đạt được ở bước thứ ba này được gọi là “hợp đề”. Đến khi đạt được, hợp đề đến lượt nó có thể lại trở thành bước thứ nhất trong một của ba đoạn biện chứng mới khác, và quá trình sẽ lại tiếp diễn như thế nếu hợp đề cụ thể vừa đạt được lại trở nên thiếu thuyết phục, hoặc trở nên không thỏa mãn. Trong trường hợp này, mặt đối lập sẽ lại nổi lên, và điều này có nghĩa là cái hợp đề vừa đạt được có thể được mô tả như là một chính đề mới, cái chính đề tạo ra một phản đề mới. Do đó, ba đoạn biện chứng sẽ lại diễn ra ở một trình độ cao hơn, và nó có thể đạt tới cấp độ cao hơn khi một hợp đề khác xuất hiện.
(https://vi.wikipedia.org/wiki/Biện_chứng)

Việc sử dụng ba thuật ngữ chính đề, phản đề, hợp đề (thesis, antithesis, synthesis) được bắt nguồn từ Johann Gottleib Fichte. Dưới đây, chúng tôi trích dẫn đoạn mô tả về các thuật ngữ này từ cuốn sách Những công trình nổi bật của Johann Gottlieb Fichte (The popular works of Johann Gottlieb Fichte), xuất bản năm 1848. Đoạn chúng tôi trích dưới đây được lấy từ hồi ký về Fichte do William Smith viết.
Nguồn gốc của sự đối lập, cũng như nguyên tắc để điều hòa nó, cần được tìm ở bản chất của chính chủ thể tư duy. Tâm thức của chính chúng ta là nguồn của mọi kiến thức tích cực và chắc chắn của chúng ta. Nó có trước và là cơ sở của mọi kiến thức khác; đúng hơn là nó bao gồm trong đó tất cả những điều ta thực sự biết. Chỉ duy nhất những thực tế từ trải nghiệm trong tâm trí của chúng ta mới chứa đựng thực tế thực sự đối với chúng ta; bất cứ thứ gì đi xa hơn thế, cho dù chúng ta có thể suy luận rằng nó có khả năng cao là đúng, đều không thuộc về phạm trù của kiến thức. Vì vậy, ở đây, sâu thẳm trong chính tâm trí, chúng ta cần tìm được một xuất phát điểm cố định và chắc chắn cho triết lý. Fichte đã tìm ra một xuất phát điểm như vậy ở định đề hay tiền đề là A == A. Định đề này ai ai cũng thừa nhận là tuyệt đối và đúng một cách vô điều kiện. Nhưng với việc khẳng định định đề này chúng ta cũng khẳng định sự tồn tại của chính mình, bởi chính sự khẳng định là hành vi tâm lý của chúng ta. Do đó, định đề này có thể được biến thành Bản thân = Bản thân. Nhưng bản thân sự khẳng định này đòi hỏi phải có sự tồn tại của một thứ tồn tại ở bên ngoài chủ thể của nó, nói cách khác, từ tiền đề khẳng định,
A == A
[A bằng A]
sẽ phát sinh định đề phủ định,
!(A) != A
[Không phải A khác A]
hoặc như được nêu ở trên,
Không phải Bản thân != Bản thân
[Không phải Bản thân khác Bản thân]
Với hành vi phủ định như vậy, tâm trí ta mặc định sự tồn tại của một sự không phải bản thân đối lập với chính nó, và tạo ra giới hạn đối với sự tồn tại của nó. Sự đối lập này xảy ra trong mọi hành vi của tâm thức; và trong những giới hạn có tính tự nguyện và tự phát mà tâm trí tự đặt ra cho hoạt động của mình, nó tạo ra một thế giới khách quan cho chính mình.
Vì vậy, bản chất căn bản của sự tồn tại hữu hạn là sự giả định về chính nó (chính đề), và về thứ gì đó đối lập với nó (phản đề); hai khái niệm này có quan hệ có đi có lại, ngụ ý lẫn nhau, và vì thế tương đồng với nhau (hợp đề). Bản thân khẳng định cái Không phải Bản thân và được khẳng định ở trong nó; hai khái niệm này không thể tách rời, nói đúng hơn thì chúng là một khái niệm duy nhất được thay đổi bởi các thái độ khác nhau của tâm trí. Nhưng do những thái độ này trong mọi tình huống đều được Bản thân mặc định một cách tự nguyện, nên bản thân nó là sự tồn tại thực sự duy nhất, và cái Không phải Bản thân, cũng như các khía cạnh khác nhau được gán cho nó, chỉ là những hình thức khác nhau của hoạt động của Bản thân. Vì vậy, ở đây Chủ nghĩa hiện thực và Chủ nghĩa lý tưởng trùng nhau về danh tính của chủ thể và đối tượng tư duy, và nguyên tắc tuyệt đối của kiến thức được phát hiện trong chính tâm trí.