✏ Tác giả: Samael Aun Weor, 📖 Chuyển Hoá Các Ấn Tượng Tâm lý
Bài viết này được trích từ chương 1 của “Didáctica del Autoconocimiento”, một cuốn sách được xuất bản lần đầu vào năm 1980, ba năm sau khi tác giả chết.
Khi chúng ta chú tâm với ý thức thì ta không thể bị đồng nhất [với đối tượng]. Sự mê muội xuất hiện khi ta đồng nhất bản thân mình với mọi người, mọi thứ và mọi ý tưởng. Và sự mê muội này tạo ra giấc ngủ của Tâm thức.
Rõ ràng là Luật Tái Diễn có tồn tại và tất cả các sự kiện đều lặp lại, tất cả các sự kiện đều tái diễn giống như những lần nó đã xảy ra trước kia, cùng với các hậu quả tốt và xấu. Rõ ràng là nếu ai đó có quyết tâm sâu sắc thì người ấy sẽ có thể hoàn toàn thay đổi cuộc sống của mình.
Chủ đề này liên quan đến việc chuyển hóa bản thân. Chúng ta đã đề cập đến tầm quan trọng của cuộc sống trong các bài nói trước rồi. Chúng ta cũng đã nói rằng một người chính là những gì diễn ra trong cuộc sống của anh ta, và cuộc sống ấy giống như một bộ phim. Khi chết, chúng ta hồi tưởng lại bộ phim này để diễn lại nó trong Thế giới Cảm xúc và khi đầu thai lại thì chúng ta mang bộ phim này để phóng chiếu lên màn hình của Cơ thể vật chất.
“Chuyển hóa” có nghĩa là thay đổi một thứ này thành một thứ khác. Tất cả mọi thứ đều sẽ phải thay đổi; đây là một điều tất nhiên.
Theo các sách Phúc âm, con người trên trái đất được ví như một hạt giống[1] có khả năng phát triển. Biểu tượng hạt giống đó có ý nghĩa tương tự như sự chuyển hóa. Vì chúng có cùng ý tưởng về sự phục sinh: một người được sinh ra một lần nữa. Rõ ràng là nếu hạt giống không chết đi thì cây sẽ không được sinh ra.
[1] Hạt giống – “Quả thật, quả thật, tôi nói với anh em, nếu một hạt lúa mì không rơi xuống đất và chết, nó chỉ là một hạt; nhưng nếu chết đi, nó sẽ kết nhiều hạt. Ai yêu mạng sống mình là hủy diệt nó, còn ai ghét mạng sống mình trong thế gian này sẽ giữ được nó cho sự sống vĩnh cửu.” (Giăng 12:24-25. Kinh Thánh)
Các nhà luyện kim đan thời Trung cổ đã nói về quá trình chuyển hóa chì thành vàng. Tuy nhiên, việc này không phải lúc nào cũng ám chỉ kim loại vật chất đơn thuần. Họ thường dùng từ đó để biểu thị sự biến đổi của Nhân Cách Chì thành Tâm Linh Vàng. Vì vậy, chúng ta nên suy ngẫm về tất cả những điều này.
Trong mọi sự chuyển hóa đều có sinh và diệt.
Theo giáo lý Gnosis, chúng ta coi con người là một nhà máy ba tầng, hấp thu vào ba loại thực phẩm.
- Thức ăn thông thường: thường tương ứng với tầng dưới cùng của nhà máy, là tầng của dạ dày.
- Không khí: loại thực phẩm này này ở tầng thứ hai, và có liên quan đến phổi.
- Ấn tượng tâm lý: không nghi ngờ gì là loại thực phẩm này có liên quan mật thiết với não bộ hoặc tầng thứ ba.
Vậy nên chúng ta có: ấn tượng cho não bộ, không khí cho phổi và thức ăn cho dạ dày.
Thực phẩm chúng ta ăn phải trải qua một loạt các bước chuyển hóa liên tiếp; điều này không ai có thể chối cãi. Cơ chế của sự sống chính là một quá trình chuyển hóa. Mỗi sinh vật của vũ trụ đều sống bằng cách biến đổi chất này thành chất khác. Ví dụ, rau biến đổi không khí, nước và muối của đất thành các chất thiết yếu, thành các chất quan trọng cho sự sống chúng ta. Vì vậy, tất cả mọi thứ đều là quá trình chuyển hóa.
Các quá trình lên men của Thế giới tự nhiên biến đổi tuỳ theo tác động của ánh sáng mặt trời. Không ai có thể bàn cãi về việc những lớp nhạy cảm của hệ sinh thái trên bề mặt trái đất dẫn tất cả năng lượng Vũ trụ về phía bên trong của Hành tinh. Tuy nhiên từng loài thực vật, từng loài côn trùng, từng sinh vật, và cả “động vật trí năng” được gọi nhầm là con người, đều hấp thụ và tiêu hóa một số loại năng lượng vũ trụ nhất định, sau đó chúng biến đổi những năng lượng ấy và truyền vào các lớp bên trong của Hành tinh Sống[2] một cách vô thức. Những năng lượng đã được biến đổi như vậy có liên quan mật thiết đến toàn bộ hệ thống trao đổi năng lượng của Hành tinh Sống mà ở đó chúng ta đang cư trú. Không nghi ngờ gì nữa, tùy theo loài, mỗi sinh vật sẽ biến đổi các năng lượng nhất định một cách khác nhau và sau đó nó sẽ truyền lại vào bên trong Trái đất để phục vụ cho hệ thống trao đổi năng lượng của thế giới. Như vậy, mỗi sinh vật đều thực hiện cùng một chức năng chung.
[2] Hành tinh Sống – toàn bộ trái đất là một sinh vật to lớn, có linh hồn và tâm linh riêng.
Trong mọi thứ đều có sự chuyển hóa. Như vậy, vỏ ngoài của Trái đất là cơ quan chịu trách nhiệm cho sự chuyển hóa. Khi chúng ta ăn một loại thức ăn cần thiết cho việc sinh tồn thì thức ăn đó rõ ràng là sẽ được chuyển hoá theo từng giai đoạn. Ai đang thực hiện quá trình chuyển hóa các chất này bên trong chúng ta vậy? Đó là trung tâm Bản năng. Trung tâm này rất thông minh, sự khôn ngoan của nó thực sự đáng kinh ngạc. Bản thân quá trình tiêu hóa là một cơ chế chuyển đổi. Thức ăn trong dạ dày, tức là phần dưới của nhà máy ba tầng của cơ thể người, bị chuyển hóa. Nếu một loại thức ăn nào đó đi vào trong cơ thể mà không qua dạ dày thì sinh vật sẽ không thể hấp thụ các vitamin và protein của thức ăn, việc này giống như kiểu chứng khó tiêu. Vì vậy, khi suy ngẫm về vấn đề này thì chúng ta sẽ hiểu ra sự cần thiết của việc phải trải qua một quá trình chuyển hóa.
Rõ ràng là thực phẩm vật chất được chuyển hóa. Nhưng có một điều chúng ta phải suy ngẫm: đó là việc biến đổi các Ấn tượng tâm lý một cách phù hợp. Nói một cách chính xác thì thế giới tự nhiên không cần “động vật trí năng” chuyển hóa các ấn tượng cho bản thân. Tuy nhiên, sẽ thật tuyệt vời nếu chúng ta có thể chuyển hóa các ấn tượng [để đem lại lợi ích cho chính mình]. Hầu hết những người chúng ta gặp trong cuộc sống thực tiễn đều tin rằng thế giới vật chất này sẽ mang lại cho họ những gì họ đang khao khát hay những gì họ đang tìm kiếm. Đây thực sự là một sai lầm vô cùng lớn. Cuộc sống chỉ có thể đi vào trong chúng ta, vào cơ thể của chúng ta thông qua những ấn tượng. [Vì thế], một người không thể thực sự làm thay đổi cuộc sống của chính mình nếu người ta không chuyển hóa những ấn tượng đang đi vào tâm trí.
Không có cái gì gọi là thế giới bên ngoài cả. Chúng ta đang nói về một điều hoàn toàn mới lạ vì tất cả mọi người đều tin rằng thế giới vật chất là một thực tế. Nhưng nếu đi sâu hơn một chút thì ta sẽ thấy những gì chúng ta đang thực sự nhận được trong từng khoảnh khắc, trong từng giây phút, đều là những ấn tượng. Nếu chúng ta gặp một người làm ta hài lòng hoặc không hài lòng thì điều đầu tiên chúng ta nhận được là những ấn tượng có bản chất như vậy. Cuộc sống là một chuỗi liên tiếp những ấn tượng. Cuộc sống không giống như những kẻ vô tri nổi tiếng vẫn tưởng: rằng bản chất cuộc sống chỉ là một thứ gì đó mang tính vật chất mà thôi.
Cuộc sống thực sự chỉ đơn thuần là những ấn tượng. Rõ ràng là những ý tưởng chúng ta đang trình bày rất khó hiểu, khó lĩnh hội. Ví dụ như chúng ta nhìn thấy một người đang ngồi trên ghế và mặc bộ áo màu gì đó, người đó đang vẫy chào chúng ta, đang mỉm cười với chúng ta, v.v., thì người này là có thật, phải không? Nhưng nếu chúng ta suy ngẫm sâu sắc về tất cả những điều này thì chúng ta sẽ đi đến kết luận rằng những gì có thật đều là những ấn tượng. Những điều này đến tâm trí một cách tự nhiên thông qua cửa sổ của các giác quan. Nếu không có các giác quan, chẳng hạn như mắt để nhìn, tai để nghe, hoặc miệng để nếm thức ăn, thì cái mà chúng ta gọi là cơ thể vật chất liệu có tồn tại đối với chúng ta không? Tất nhiên là không rồi, hoàn toàn không. Cuộc sống đến với chúng ta dưới dạng những ấn tượng và đó chính là nơi mà chúng ta có thể rèn luyện bản thân.
Trước hết chúng ta phải làm gì? Chúng ta phải thấu hiểu những việc cần làm. Làm thế nào chúng ta có thể thực hiện được việc chuyển hóa tâm lý trong chính mình? Câu trả lời là bằng cách thực hiện việc rèn luyện trên các ấn tượng mà chúng ta đang nhận được trong từng khoảnh khắc, trong từng giây phút. Việc rèn luyện đầu tiên này được gọi là “cú sốc đầu tiên của ý thức”[3]. Việc này liên quan đến những ấn tượng, là tất cả những gì về thế giới bên ngoài mà chúng ta nhận biết. Vật thật hay người thật có kích thước như thế nào? Chúng ta cần chuyển đổi nội tâm bản thân mỗi ngày. Khi chúng ta muốn chuyển hoá về mặt tâm lý của chính mình thì chúng ta cần phải rèn luyện với những ấn tượng mà chúng ta tiếp nhận được.
[3] Cú sốc đầu tiên của ý thức – Để nâng ý thức sang một cấp độ hoạt động cao hơn thì chúng ta cần sự tác động của những cú sốc. Cụm từ này xuất phát từ giáo lý của G. I. Gurdjieff. Hãy tham khảo tác phẩm “In Search of the Miraculous” (Hành trình tìm kiếm điều diệu kỳ) của P. D. Ouspensky.
Tại sao chúng ta gọi việc chuyển hóa các ấn tượng là “cú sốc đầu tiên của ý thức”? Bởi vì một cú sốc là những gì chúng ta không thể quan sát một cách máy móc đơn thuần. Ta không bao giờ có thể thực hiện được việc chuyển hóa các ấn tượng một cách máy móc; việc này đòi hỏi một loại nỗ lực có ý thức về bản thân.
Rõ ràng là khi bắt đầu hiểu được công việc này thì chúng ta bắt đầu chấm dứt việc để bản thân hoạt động như một con người máy móc chỉ để phục vụ các mục đích của Tự nhiên. Hoạt động theo cơ chế máy móc đi ngược lại với sự Khai ngộ bản thể bên trong của chúng ta. Bây giờ anh em bắt đầu thấu hiểu được ý nghĩa của tất cả những gì thầy nói. Nếu bây giờ anh em dùng nỗ lực của chính mình để ngẫm nghĩ về ý nghĩa của tất cả những gì được dạy ở đây, nếu anh em bắt đầu quan sát bản thân thì anh em sẽ thấy rằng về mặt tu tập huyền học, mọi thứ đều liên quan mật thiết đến việc chuyển hóa năng lượng và kết quả tự nhiên của sự chuyển hoá này.
Ví dụ, trong việc rèn luyện với những phản ứng tiêu cực của tâm trạng tức giận, với việc bị đồng nhất [với đối tượng], với việc “quan tâm đến bản thân quá mức”[4], với những cái Tôi liên tiếp, về những lời nói dối, về sự tự biện minh, về những lời bào chữa, về trạng thái vô thức của chúng ta, tất cả đều liên quan đến việc chuyển hoá các ấn tượng.
[4] Quan tâm đến bản thân quá mức (tiếng Anh: self-consideration) – Đây là cụm từ phiên dịch từ tiếng Nga trong tác phẩm của P. D. Ouspensky. Hãy tham khảo cụm từ “Quan tâm” trong bài viết này để hiểu rõ hơn: https://gnosisvn.org/2021/03/01/chuong-8-hanh-trinh-tim-kiem-dieu-dieu-ky-cua-p-d-ouspensky/
Khi hiểu như thế thì các anh em sẽ đồng ý rằng, ở một mức nào đó thì bản thân công việc rèn luyện tương đương với việc quyết tâm thay đổi bản thân. Vì vậy ta cần phải suy ngẫm về điều này, ta phải hiểu thế nào là “cú sốc đầu tiên của ý thức”. Ta cần hình thành một nếp thay đổi khi tiếp nhận các ấn tượng. Đừng quên điều đó!
Thông qua thấu hiểu về việc rèn luyện, anh em thực sự có thể chấp nhận cuộc sống như một sự rèn luyện. Khi đó anh em sẽ luôn ở trong trạng thái nhớ đến bản thân[5]. Chính trạng thái này của Ý thức sẽ đưa anh em đến thực tế khủng khiếp của việc chuyển hóa ấn tượng.
[5] Nhớ đến bản thân (tiếng Anh: Self-remembering) là cụm từ của G. I. Gurdjieff. Đôi khi việc này được gọi là “quan sát bản thân” nhưng từ “quan sát” không chính xác bằng từ “nhớ”. Nhớ đến bản thân có nghĩa là chúng ta phải liên tục duy trì ý thức về ý thức của bản thân mình, kể cả khi đang quan sát những đối tượng khác.
Theo cách suy nghĩ tự nhiên của anh em, trong trường hợp bình thường, hay nói đúng hơn là siêu bình thường, thì những ấn tượng tương tự sẽ dẫn đến một cuộc sống tốt đẹp hơn. Cuộc sống sẽ không tiếp diễn theo cách cũ nữa. Anh em sẽ bắt đầu suy nghĩ và hiểu theo một cách mới. Và đương nhiên đó sẽ là điểm khởi đầu của quá trình chuyển hóa bản thân. Tuy nhiên, nếu anh em cứ tiếp tục suy nghĩ theo thói quen cũ thì rõ ràng là sẽ không có một sự thay đổi bên trong nào cả. Chuyển hóa những ấn tượng của cuộc sống chính là chuyển hóa bản thân. Chúng ta có thể đạt được cách suy nghĩ hoàn toàn mới này. Anh em sẽ hiểu một cách tự nhiên rằng: chúng ta liên tục phản ứng. Tất cả những phản ứng này tạo thành cuộc sống cá nhân của chúng ta, nhưng thay đổi cuộc sống không có nghĩa là chúng ta thực sự thay đổi cách phản ứng của mình.
Tuy nhiên, cuộc sống bên ngoài đến với chúng ta thông qua những ấn tượng đơn thuần, buộc chúng ta phải phản ứng. Cuộc sống chủ yếu bao gồm một loạt các phản ứng tiêu cực liên tiếp như một phản xạ không ngừng đối với những ấn tượng đi vào Tâm trí. Vì vậy, nhiệm vụ của chúng ta là phải chuyển hóa những ấn tượng về cuộc sống để sao cho chúng không gây ra kiểu phản ứng như vậy nữa. Nhưng để đạt được điều đó ta cần phải tự quan sát bản thân liên tục, trong từng khoảnh khắc và trong từng giây phút. Do đó, điều cấp bách là ta phải nghiên cứu những ấn tượng của chính mình.
Chúng ta không được để các ấn tượng đến [với chúng ta] một cách chủ quan và máy móc. Nếu chúng ta làm được như vậy cũng giống như bắt đầu một cuộc sống mới, một cuộc sống có ý thức hơn. Một cá nhân có thể cứ để những ấn tượng đến với bản thân mình một cách máy móc như vậy, nhưng nếu anh ta không mắc phải sai lầm này, nếu anh ta chuyển hoá những ấn tượng đó, thì anh ta sẽ bắt đầu sống có ý thức; vì vậy chúng ta nói đây là “cú sốc đầu tiên của ý thức”. Cú sốc đầu tiên của ý thức này bao gồm việc chuyển hóa những ấn tượng ngay khi chúng chạm đến tâm trí; sau đó chúng ta có thể rèn luyện với kết quả của những ấn tượng đó. Rõ ràng là các ấn tượng đó sẽ nhanh chóng biến mất mà không để lại những ảnh hưởng vô thức như cách cũng vẫn hay gây ra những thảm họa trong tâm chúng ta.
Khi chúng ta rung động ở một mức độ nhất định với việc rèn luyện, khi chúng ta nhận ra giá trị của giáo lý này, thì công việc tu luyện Gnosis sẽ tập trung vào nơi mà các ấn tượng xuất hiện và bị tính cách phân tán một cách vô thức đến những chỗ sai lầm trong tâm thức để gợi lên những phản ứng theo thói quen cũ.
Thầy sẽ cố gắng giải thích điều này đơn giản hơn [để anh em hiểu]. Ví dụ, nếu chúng ta ném một viên đá vào một hồ nước trong như pha lê thì các ấn tượng sẽ được tạo ra trong đó, và sóng trên mặt hồ truyền đi từ trung tâm ra ngoài chính là phản ứng đối với những ấn tượng do đá tạo ra, phải vậy không? Phải, bây giờ ta hãy xem xét ví dụ này. Chúng ta hãy tưởng tượng tâm trí giống như một cái hồ. Đột nhiên, hình ảnh một người hiện ra. Hình ảnh đó giống như một hòn đá ở ví dụ trên chạm đến mặt hồ tâm trí của chúng ta; sau đó tâm trí sẽ phản ứng dưới dạng các ấn tượng, phải vậy không? Ý thầy là, dưới dạng các phản ứng.
Ấn tượng tạo ra những hình ảnh chạm đến tâm trí, phản ứng chính là câu trả lời cho những ấn tượng đó. Nếu bạn ném một quả bóng vào tường thì bức tường sẽ bị tác động (nhận được ấn tượng), sau đó phản ứng sẽ xảy ra khi mà quả bóng nảy lại phía người đã ném nó. Có thể quả bóng không trực tiếp nảy trở lại về phía anh ta nhưng dù sao thì quả bóng cũng bật lại và đó là một phản ứng.
Vì vậy, thế giới được hình thành bởi những ấn tượng. Ví dụ, hình ảnh của một cái bàn đến với tâm trí chúng ta thông qua các giác quan. Chúng ta không thể nói rằng cái bàn đã chạm tới chúng ta hay cái bàn đã đi vào bên trong bộ não của chúng ta, nghe rất nực cười. Nhưng hình ảnh của cái bàn đã được thiết lập bên trong chúng ta. Sau đó tâm trí của chúng ta phản ứng ngay lập tức, tâm trí nói rằng: đây là một cái bàn được làm bằng gỗ hoặc kim loại, v.v. Bây giờ giả dụ như có những ấn tượng không hề dễ chịu, những lời nói khó nghe của một kẻ hay lăng mạ. Liệu chúng ta có thể thay đổi những lời nói của kẻ lăng mạ này không? Lời nói thì đã là như thế rồi. Vậy chúng ta có thể làm gì đây? Chúng ta có thể chuyển hoá những ấn tượng mà những lời nói đó đã tạo ra trong mình. Đúng, ta có thể làm điều đó.
Giáo lý Gnosis dạy chúng ta kết tinh nguồn lực thứ hai trong chính mình (Đấng Kitô) với một nguyên lý cơ bản rằng: “Chúng ta phải vui mừng đón nhận những biểu hiện khó chịu của đồng loại”. Đây là cách để chuyển hoá những ấn tượng được tạo ra trong chúng ta khi ta nghe những lời lăng mạ của kẻ khác. Nguyên lý cơ bản này tự nhiên sẽ giúp chúng ta kết tinh nguồn lực thứ hai (Đấng Kitô) trong chính mình, để Đấng Kitô đến và hình thành trong chúng ta. Đây là một nguyên lý cao siêu, hoàn toàn huyền học.

Nếu chúng ta không biết gì về thế giới vật chất ngoài những ấn tượng của nó thì thế giới vật chất không mang tính “bên ngoài” như mọi người vẫn tưởng. Emmanual Kant có lý do chính đáng khi nói rằng: “Thế giới bên ngoài cũng chính là thế giới bên trong”. Vậy nên, nếu thế giới nội tại là quan trọng nhất thì chúng ta phải chuyển hoá những thứ bên trong. Các ấn tượng thuộc về thế giới nội tâm. Do đó, tất cả các đồ vật, sự vật và tất cả những gì chúng ta nhìn thấy đều tồn tại bên trong dưới dạng những ấn tượng không ngừng rung động trong tâm trí ta. Kết quả vô thức của những ấn tượng như vậy là việc tạo ra tất cả những yếu tố vô nhân tính mà chúng ta mang bên trong mình, thứ mà ta thường gọi là những cái Tôi, và tổng thể những cái Tôi ấy kết hợp cấu thành Bản thân Tôi.
Ví dụ, chúng ta hãy giả sử rằng một người nào đó nhìn thấy một phụ nữ khiêu gợi và anh ta không chuyển hóa ấn tượng này. Kết quả là những ấn tượng thuộc loại dâm đãng đó sinh ra ham muốn chiếm hữu. Ham muốn đó trở thành kết quả vô thức của những ấn tượng nhận được, và nó kết tinh, hình thành trong tâm lý chúng ta. Nó được chuyển đổi thành một cấu trúc nữa, nghĩa là, thành một yếu tố vô nhân đạo hết hợp cấu thành cái Tôi.
Chúng ta sẽ tiếp tục suy ngẫm. Trong chính chúng ta có sân hận, tham lam, dục vọng, đố kỵ, kiêu ngạo, lười biếng và tham ăn. [6]
[6] Danh sách này được Công giáo gọi là “bảy mối tội đầu”
Sân hận. Tại sao vậy? Bởi vì nhiều ấn tượng đi vào nội tâm và chúng ta không bao giờ chuyển hóa chúng. Kết quả vô thức của những ấn tượng về sự tức giận như vậy là việc hình thành nên những cái Tôi tồn tại và sống trong tâm chúng ta, luôn khiến chúng ta cảm thấy tức giận.
Tham lam. Không còn nghi ngờ gì nữa là nhiều thứ có thể đánh thức lòng tham trong chúng ta: tiền bạc, châu báu, đủ thứ vật chất, v.v. Những thứ đó, những vật thể đó đi vào chúng ta dưới dạng những ấn tượng, dưới dạng một hình thái khác, sự cuốn hút bởi vẻ đẹp hay niềm vui, v.v. Những ấn tượng như vậy nếu không được chuyển hóa sẽ tự nhiên biến thành những cái Tôi của lòng tham.
Dục vọng. Thầy đã nói rằng các hình thức dục vọng khác nhau đã đến với chúng ta dưới dạng những ấn tượng, nghĩa là, những hình ảnh kiểu khiêu dâm nảy sinh bên trong tâm trí của chúng ta, rồi phản ứng của những hình ảnh đó là dục vọng. Vì chúng ta đã không chuyển hóa những gợn sóng ham muốn đó, những ấn tượng đó, cảm giác dục vọng đó, sự khiêu gợi không lành mạnh đó, nên kết quả cũng nhanh chóng được tạo ra. Kết quả là hoàn toàn vô thức: những cái Tôi mới được sinh ra trong nội tâm chúng ta, những cái Tôi bệnh hoạn.
Không ai có thể nói rằng mình nhìn thấy một cái cây, người ta chỉ nhìn thấy hình ảnh của cái cây chứ không phải cái cây. Như Emmanuel Kant đã nói, không ai trực tiếp nhìn thấy sự vật, mà chỉ nhìn thấy hình ảnh của sự vật mà thôi; nghĩa là, ấn tượng về một cái cây, về một sự vật, nảy sinh trong chúng ta, và những điều này là nội tại. Chúng ta sẽ nhanh chóng thấy được kết quả vô thức của những việc này. Đó là sự ra đời của những cái Tôi mới, chúng đến để nô dịch Tâm thức của chúng ta hơn nữa, để làm cho trạng thái ngủ mê của chúng ta càng trầm trọng hơn.
Khi anh em thực sự thấu hiểu rằng mọi thứ liên quan đến thế giới vật chất tồn tại bên trong chúng ta chỉ là những ấn tượng thì anh em cũng hiểu được sự cần thiết của việc chuyển hóa những ấn tượng đó. Và khi làm được điều này thì anh em cũng sẽ chuyển hóa bản thân. Không có gì đau đớn hơn những lời vu khống hoặc lời nói của một kẻ lăng mạ. Nhưng nếu anh em có khả năng chuyển hóa những ấn tượng được tạo ra bên trong mình bởi những lời nói như vậy thì những ấn tượng này sẽ trở nên vô hiệu; nghĩa là, chúng giống như một tấm séc của một tài khoản không có tiền. Chắc chắn là những lời nói của một kẻ lăng mạ chỉ gây ra tác động khi chính người bị xúc phạm cho phép điều đó xảy ra. Vì vậy, nếu người bị xúc phạm không cho phép những lời nói lăng mạ tác động đến họ, thì thầy nhắc lại, chúng vẫn chỉ giống như một tấm séc của một tài khoạn cạn tiền mà thôi. Khi anh em hiểu được điều này thì anh em có thể chuyển hóa ấn tượng về những lời nói như vậy thành một cái gì đó khác; chuyển hóa thành tình thương, thành sự thấu hiểu cho kẻ lăng mạ. Đương nhiên, điều này hàm ý sự chuyển hóa. Vì vậy, chúng ta cần không ngừng chuyển hóa những ấn tượng, không chỉ những ấn tượng hiện tại mà cả những ấn tượng trong quá khứ.
Có rất nhiều ấn tượng tâm lý bên trong chúng ta. Chúng ta mắc phải sai lầm là đã không chuyển hóa chúng trong quá khứ. Hậu quả vô thức của những ấn tượng là các cái Tôi mà chúng ta phải làm tan rã để Tâm thức có thể được tự do và thức tỉnh. Nếu anh em chuyển hóa những sự việc và những cái tôi bên trong mình, bên trong tâm trí mình, những ấn tượng đó, thì cuộc sống của anh em sẽ được chuyển hóa. Ví dụ như khi có một cái tôi bên trong mình kiêu căng tự mãn về địa vị xã hội, về tiền bạc của mình, nhưng khi bắt đầu suy nghĩ, rằng địa vị xã hội của mình cũng chỉ là vấn đề tâm lý, rằng đó là một loạt các ấn tượng đã đi vào tâm trí, các ấn tượng về địa vị xã hội, khi nghĩ rằng địa vị đó chẳng qua cũng chỉ là vấn đề tâm lý, khi khi phân tích tính chủ quan về giá trị của nó, thì ta sẽ nhận ra rằng địa vị đó tồn tại trong tâm trí mình dưới dạng những ấn tượng. Ấn tượng do tiền bạc và địa vị xã hội tạo ra không hơn gì một ấn tượng trong tâm trí mà thôi. Chỉ thông qua việc hiểu rằng chúng chỉ là những ấn tượng của tâm trí, và chuyển hóa chúng, thì sự kiêu hãnh mới tiêu tan và dần biến mất, lòng khiêm tốn sẽ được sinh ra trong chúng ta.
Chúng ta sẽ tiếp tục với chủ đề về chuyển hóa ấn tượng này. Ví dụ, hình ảnh một người phụ nữ dâm đãng đi vào tâm trí chúng ta. Hình ảnh này rõ ràng là một ấn tượng. Chúng ta có thể biến đổi ấn tượng dục vọng đó thông qua sự thấu hiểu. Ngay trong lúc đó, ta chỉ cần nghĩ về việc người phụ nữ này rồi cũng sẽ phải chết và thân thể cô ấy sẽ thối rữa dưới mồ. Điều này là quá đủ để biến ấn tượng ham muốn đó thành sự khiết tịnh. Nếu những ấn tượng này không được chuyển hoá, nó sẽ biến thành những cái Tôi của dục vọng.
Vậy nên chúng ta phải chuyển hóa những ấn tượng nảy sinh trong tâm trí của mình thông qua sự hiểu biết. Thầy tin rằng anh em sẽ dần hiểu rằng thế giới bên ngoài không chỉ bề ngoài như mọi người thường tưởng. Mọi thứ đến với ta từ thế giới bên ngoài thực sự lại là ở bên trong. Chúng đơn thuần là những ấn tượng tâm lý ở bên trong. Không ai có thể đặt một cái cây, một cái ghế, một ngôi nhà, một cung điện, hay một hòn đá trong tâm trí mình cả. Mọi thứ đến với tâm trí chúng ta dưới dạng những ấn tượng, chỉ thế mà thôi.
Ấn tượng đến từ một thế giới mà chúng ta gọi là bên ngoài và không phải là bên ngoài như chúng ta đã lầm tưởng. Vậy nên chúng ta cần chuyển hóa những ấn tượng này thông qua sự thấu hiểu. Nếu ai đó chào đón chúng ta, khen ngợi chúng ta thì làm thế nào chúng ta có thể chuyển hóa sự kiêu căng mà những lời khen ngợi đó tạo ra trong ta được? Rõ ràng là những lời khen ngợi và những lời tán dương không là gì khác ngoài những ấn tượng đến trong tâm trí và tâm trí phản ứng dưới dạng thức của sự kiêu căng. Nhưng nếu những ấn tượng này được chuyển hóa thì sự kiêu căng sẽ không thể xuất hiện được. Vậy làm thế nào để chúng ta có thể chuyển hóa lời nói của một kẻ xu nịnh đây? Câu trả lời là thông qua sự thấu hiểu.
Khi một người thực sự hiểu rằng mình không khác gì một sinh vật vô cùng nhỏ bé ở một góc của vũ trụ, thì thực sự người ta sẽ chuyển hóa những ấn tượng về sự khen ngợi, về sự tâng bốc, thành một thứ gì đó khác. Chúng ta chuyển hóa những ấn tượng đó về với bản chất đích thực của chúng: là cát bụi, cát bụi vũ trụ, bởi vì ta thấu hiểu được vị trí của chính mình. Chúng ta biết rằng hành tinh Trái đất chỉ là một hạt cát trong vũ trụ. Chúng ta hãy nghĩ về thiên hà mình đang sống, nó bao gồm cả hàng triệu thế giới. Trái đất là gì vậy? Nó chỉ là một hạt bụi trong vô hạn, và chúng ta có thể nói rằng mình là những vi sinh vật đang sống trên hạt bụi đó. Rồi sao nữa? Nếu chúng ta thấu hiểu được điều này khi đang được tâng bốc thì ta có thể chuyển hóa các ấn tượng liên quan đến sự tâng bốc và khen ngợi, và kết quả là chúng ta sẽ không phản ứng bằng cách tỏ ra kiêu hãnh nữa, phải vậy không? Càng suy ngẫm nhiều hơn về điều này thì chúng ta càng thấy sự cần thiết của việc chuyển hóa hoàn toàn các ấn tượng.
Tất cả những gì ta nhìn thấy bên ngoài chính là nội tâm bên trong. Nếu không rèn luyện nội tâm thì chúng ta đang bước trên con đường đến sai lầm, bởi vì như vậy ta sẽ không sửa đổi được những thói quen của mình. Nếu muốn trở nên khác biệt thì chúng ta cần phải chuyển hóa bản thân một cách toàn diện. Nếu muốn chuyển hóa chính mình thì chúng ta phải bắt đầu chuyển hóa những ấn tượng thú tính thành những yếu tố của sự hiến dâng. Sau đó, sự chuyển hóa, sự biến đổi năng lượng tình dục sẽ phát sinh trong chúng ta.
Chắc chắn rằng các ấn tượng này đáng được chúng ta phân tích một cách chính xác và rõ ràng. Chúng ta đã đón nhận hoặc đã tích lũy ra nhân cách, nhân cách này tiếp nhận những ấn tượng của cuộc sống nhưng lại không chuyển hóa chúng bởi vì nhân cách gần giống như một thứ đã chết rồi. Nếu các ấn tượng có thể chạm trực tiếp vào Phật tính thì rõ ràng là chúng sẽ được chuyển hóa bởi vì trên thực tế Phật tính sẽ đặt chúng vào trung tâm phù hợp trong Cỗ máy Con người.
Nhân cách là thuật ngữ được áp dụng cho tất cả những gì chúng ta đã tích lũy trong tâm trí. Rõ ràng là nó diễn dịch tất cả các ấn tượng từ mọi khía cạnh của cuộc sống theo một kiểu rất hạn chế và khuôn mẫu phụ thuộc vào những tính chất của nó và những mối liên kết trong tâm. Trong bối cảnh tu luyện, đôi khi chúng ta so sánh nhân cách với một người lễ tân rất tồi, một người ngồi ở sảnh tiếp tân và phụ trách tất cả các ý tưởng, quan niệm, định kiến, quan điểm và thành kiến. Cô lễ tân này có rất nhiều từ điển, đủ các thể loại bách khoa toàn thư, sách tham khảo, v.v.. nhưng cô ta lại không hề giao tiếp với ba trung tâm xử lý (là trung tâm lý trí, trung tâm cảm xúc và trung tâm thể chất). Hệ quả tất yếu là cô ấy hầu như luôn mắc sai lầm khi giao tiếp với các trung tâm. Điều này có nghĩa là các ấn tượng được gửi đến những chỗ sai, đến các trung tâm không liên quan. Đương nhiên, điều này tạo ra những kết quả sai lầm.
Thầy sẽ đưa ra một ví dụ để anh em có thể hiểu rõ hơn. Giả sử rằng một người phụ nữ chăm sóc đến một người đàn ông với sự quan tâm và kính trọng sâu sắc. Rõ ràng là những ấn tượng mà ông đang nhận được trong tâm của mình là do nhân cách mang lại, và nhân cách đã chuyển chúng đến một trung tâm xử lý không phù hợp. Thông thường thì chúng được gửi đến trung tâm tình dục. Sau đó, người đàn ông tin chắc rằng người phụ nữ đang yêu ông ấy và tất nhiên là ông ta sẽ nhanh chóng thả những lời nói bóng gió trăng hoa. Rõ ràng là nếu người phụ nữ này chưa từng có cảm xúc như vậy đối với ông ta thì chắc chắn cô ấy sẽ rất ngạc nhiên. Đây là kết quả của việc chuyển hóa ấn tượng một cách tệ hại.
Bây giờ anh em đã thấy nhân cách là một cô lễ tân tồi tệ đến mức nào. Ta không thể phủ nhận một điều là cuộc sống của con người phụ thuộc vào cô lễ tân này, một người mà chỉ tìm kiếm sự chuyển hóa trong sách tham khảo của mình một cách vô thức, thậm chí cô ta còn không hiểu nó thực sự có ý nghĩa gì, và do đó, cô ta cứ thế truyền thông tin đi mà không hề lo lắng về những hậu quả mà có thể xảy ra. Cô ta chỉ cảm thấy rằng mình đang làm nhiệm vụ của mình. Đây là tình trạng của nội tâm chúng ta.
Điều quan trọng cần ta thấu hiểu trong câu chuyện phúng dụ này là nhân cách con người mà chúng ta đã tích lũy và nên tích lũy bắt đầu điều khiển cuộc sống của chúng ta. Đây là một điều rất quan trọng và không có gì để bàn cãi; thật là vô lí nếu ta cứ tưởng rằng việc này chỉ xảy ra với một số người cụ thể nào đó mà thôi, vì việc này có thể xảy ra với tất cả mọi người, cho dù họ là ai đi chăng nữa.
Rõ ràng là những phản ứng trước những tác động của thế giới bên ngoài như vậy góp phần cấu thành nên cuộc sống của chính chúng ta. Theo nghĩa này, chúng ta có thể nhấn mạnh rằng nhân loại hoàn toàn vô thức. Trong cuộc đời, mỗi người chúng ta đều đã hình thành một tập hợp các phản ứng mà rồi sẽ trở thành những trải nghiệm thực tế trong cuộc sống của chúng ta. Rõ ràng là, mỗi hành động tạo ra một phản ứng. Cũng như vậy, mỗi loại hành động nhất định đều tạo ra một loại phản ứng nhất định. Chúng ta gọi những phản ứng như vậy là trải nghiệm.
Ví dụ, điều quan trọng là chúng cần phải hiểu rõ hơn hành động và phản ứng của mình, để ta có thể thư giãn tâm trí. Thư giãn tâm trí thật tuyệt vời. Anh em hãy nằm lên giường hoặc nằm trên một chiếc ghế thoải mái, từ từ thư giãn tất cả các cơ bắp, và sau đó bỏ hết tất cả các loại suy nghĩ, ham muốn, cảm xúc và hồi tưởng ra khỏi tâm. Khi tâm tĩnh lặng thì chúng ta có thể hiểu bản thân mình rõ hơn. Những khoảnh khắc an tĩnh và im lặng tinh thần như vậy là khi chúng ta thực sự có thể thẩm tra một cách trực tiếp cái thực tế phũ phàng của tất cả các hành động trong cuộc sống thực tiễn của chúng ta.
Khi tâm trí được nghỉ ngơi tuyệt đối thì chúng ta sẽ nhận ra rằng một đống những yếu tố lớn và nhỏ, các hành động và phản ứng, những ham muốn và đam mê, v.v., là một thứ gì đó xa lạ với chúng ta. Nhưng các yếu tố này chờ đợi thời cơ để kiểm soát chúng ta, kiểm soát nhân cách của chúng ta. Đây là giá trị của sự im lặng và tĩnh lặng của tâm trí. Rõ ràng, những hiểu biết có được khi hoàn toàn thư thái sẽ dẫn chúng ta đến những hiểu biết về bản thân.

Vì vậy, tất cả cuộc sống, nói chính xác hơn là cuộc sống bên ngoài, những gì chúng ta nhìn thấy, nghe thấy và có thể trải nghiệm, đều là phản ứng của mỗi người đối với những ấn tượng đến với ta từ thế giới vật chất. Thật là một sai lầm lớn nếu ta nghĩ rằng cái được gọi là cuộc sống là một thứ gì đó cố định hay chắc nịch. Và cũng thật sai lầm nếu ta nghĩ rằng ai cũng [có những ấn tượng] giống nhau. Chắc chắn là không có một người nào có cùng ấn tượng cả. Khi nói về cuộc sống của nhân loại nói chung thì những ấn tượng này là vô hạn.
Chắc chắn rằng cuộc sống là những ấn tượng của chúng ta về nó, và rõ ràng là chúng ta có thể chuyển hóa những ấn tượng như vậy nếu chúng ta quyết tâm làm việc này. Nhưng như thầy đã nói thì đây là một ý tưởng rất khó hiểu, bởi vì khả năng thôi miên của các giác quan rất mạnh mẽ. Mặc dù điều này nghe có vẻ khó tin nhưng tất cả con người đều đang ở trong trạng thái bị thôi miên tập thể.
Sự thôi miên như vậy là hậu quả mà cơ quan Kundabuffer[7] gớm ghiếc để lại. Sau khi nó đã được loại bỏ khỏi cơ thể của nhân loại thì chúng ta vẫn còn các cấu trúc tâm lý hay còn gọi là các yếu tố vô nhân tính mà tổng thể của nó cấu thành nên Bản thân tôi, Chính tôi. Những yếu tố lớn và nhỏ này lại điều kiện hoá Ý thức và giữ ý thức ở trạng thái bị thôi miên. Vì vậy, kết quả là sự thôi miên kiểu tập thể. MỌI NGƯỜI ĐỀU BỊ THÔI MIÊN.
[7] Kundabuffer – Từ này xuất phát từ tác phẩm “Beelzebub’s Tales to his Grandson” bởi G. I. Gurdjieff. Trong chương mười của tác phẩm đó tác giả giải thích rằng loài người của thời Lemuria cổ xưa có đuôi. Mục đích của cái đuôi, được Gurdjieff gọi là Kundabuffer, là để dẫn khí lực của cơ thể xuống trái đất và để kết nói tâm lý con người với thế giới vật chất. Cái đuôi là cần thiết cho sự phát triển của loài người kỷ Lemuria. Nhưng ngày này, chúng ta không cần nó nữa. Mặc dù loài người hiện tại không có đuôi vật chất nhưng cơ thể khí lực của chúng ta vẫn có một đường mạch dẫn khí lực từ gốc cột sống xuống. Đến ngày hôm nay cơ quan Kundabuffer phi vật chất đó vẫn ảnh hưởng đến tâm lý của nhân loại, làm chúng ta bị mê cảm giác của giác quan vật chất và thế giới vật chất. Trong lúc ngồi thiền nhiều người cảm nhận được dòng khí lực chạy xuống chân trái với một cảm giác giống khoái cảm tình dục. Đó chính là Kundabuffer.
Tâm trí bị mắc kẹt trong thế giới của năm giác quan đến nỗi nó không biết được phải làm thế nào để thoát ra. Tâm trí tin chắc rằng bản thân nó là một vị thần. Vì vậy, chúng ta vẫn nhầm lẫn cuộc sống nội tâm của mình, cuộc sống thực sự của những suy nghĩ và cảm xúc, với những khái niệm mang tính lý luận và thuần lý trí. Mặc dù vậy, đồng thời chúng ta cũng vẫn biết rất rõ nơi mình thực sự đang sống là ở đâu: ở thế giới của những cảm xúc và suy nghĩ. Đây là điều mà không ai có thể phủ nhận. Cuộc sống là những ấn tượng và chúng ta có thể chuyển hóa chúng.
Vì vậy, chúng ta cần học cách chuyển hoá các ấn tượng một cách tốt hơn. Tuy nhiên, chúng ta sẽ không thể chuyển hoá được gì hết nếu chúng ta cứ bám vào thế giới của năm giác quan.
Như thầy đã nói trong các bài giảng trước đây, trong khi rèn luyện nếu ta thấy rằng việc rèn luyện là tiêu cực thì đó là lỗi của chính chúng ta. Tuy nhiên, từ góc nhìn của các giác quan thì chúng ta lại thấy rằng lỗi là ở người này hay người nọ ở bên ngoài, cái người mà chúng ta nhìn thấy bằng mắt và nghe được bằng tai. Đến lượt họ thì người này sẽ lại đổ lỗi cho chúng ta. Nhưng thật sự, lỗi lầm là ở những ấn tượng mà chúng ta có về mọi người.
Nhiều khi chúng ta nghĩ rằng một người thật ngoan cố nhưng sâu thẳm bên trong người này lại là một con cừu non nhu mì. Ta cần học cách chuyển hoá tất cả những ấn tượng mà chúng ta có trong cuộc sống của mình. Ta cần học cách vui mừng đón nhận những biểu hiện khó chịu của đồng loại. Nói một cách khoa học về những ấn tượng đến với chúng ta và về cách biến đổi chúng thì ta có thể nói như sau: những ấn tượng đến với chúng ta tương ứng với Hydro 48[8].
[8] Hydro 48 – trong tác phẩm “In Search of the Miraculous”, P.D. Ouspensky giải thích rằng thầy G. I. Gurdjieff sử dụng từ “Hydro” (tiếng Anh: Hydrogen) để chỉ hạt nguyên tử cơ bản nhất và giải thích tất cả quá trình chuyển hoá năng lực vật chất cũng như năng lực tâm linh trong vũ trụ bằng cách nói về sự chuyển hoá của các loại “Hydro”. Trong hệ thống của Gurdjieff, có nhiều loại “Hydro” khác nhau. Ví dụ: loại Hydro được Gurdjieff gọi là hydro 12 tương ưng với hydro vật chất của hoá học, hydro 24 của Gurdjieff là flo, hydro 48 là clo, hydro 96 là brôm, hydro 192 là iốt.