Trong các phiên bản Kinh Thánh tiếng Việt, Chúa Giê-su dùng danh hiệu “Con Người” (viết hoa) khi nói về bản thân. Cụm từ này cũng xuất hiện nhiều trong Kinh Thánh Cựu Ước (phần Kinh Thánh trước thời điểm của Chúa Giê-su). Kinh Thánh tiếng Anh thường dịch từ này là: “Son of Man”, theo nghĩa đen tức là “Con của Người”. Trong tiếng Do Thái từ này là (בן–אדם, ben-‘adam), có thể dịch là “Con của Người” hoặc “Con của Adam”, vì Adam có nghĩa là “Người”. Kinh Thánh tiếng Việt dịch בן–אדם là Con Người, viết chữ hoa.

12Tôi quay lại để xem tiếng của ai đã nói với tôi; vừa quay lại, tôi thấy bảy cây đèn bằng vàng, 13ở giữa các cây đèn ấy có ai trông giống như Con Người, mình mặc áo choàng dài tới chân, ngang ngực có thắt đai bằng vàng. 14Ðầu và tóc Ngài trắng như lông chiên trắng, như tuyết, mắt Ngài như ngọn lửa hừng, 15chân Ngài như đồng đánh bóng đã được luyện trong lò lửa, tiếng Ngài như tiếng của nhiều dòng nước. 16Ngài cầm bảy ngôi sao trong tay phải; từ miệng Ngài thoát ra một thanh gươm hai lưỡi sắc bén, và mặt Ngài như mặt trời lúc đang nắng chói.
(Khải Huyền 1:12-16, Kinh Thánh Bản Dịch 2011)
Thư Viện Tin Lành giải thích như sau:
Ý Nghĩa Trong Cựu Ước
Danh hiệu “con người” (בן–אדם, ben-‘adam) được chép 107 lần trong Cựu Ước, phần lớn được ghi lại trong sách Ê-xê-chi-ên (93 lần). Trong Thánh Kinh Cựu Ước, từ ngữ “con người” được hiểu với ba ý nghĩa chính:
Ý nghĩa đầu tiên của từ ngữ này được dùng để mô tả tình trạng thấp hèn của loài người so với sự cao cả oai nghi quyền năng của Đức Chúa Trời. Ý nghĩa đó được ghi lại trong Dân Số Ký 23:19; Gióp 25:6, 35:8; Thi Thiên 8:4, 80:17, 144:3, 146:3; Ê-sai 51:12, 56:2; Giê-rê-mi 49:18, 49:33, 50:40, 51:43; Đa-ni-ên 8:17. Từ ý nghĩa này, một số chữ “con người – ben-‘adam” trong nguyên tác đã được dịch là “phàm nhân” trong bản Kinh Thánh Việt Ngữ 2011.
Ý nghĩa thứ hai của chữ “con người” trong Cựu Ước được ghi lại trong sách Ê-xê-chi-ên. Tất cả 93 lần từ ngữ này được dùng trong sách Ê-xê-chi-ên đều chỉ về Tiên tri Ê-xê-chi-ên. Vì phần lớn chữ “con người” trong Cựu Ước được dùng để chỉ về Tiên tri Ê-xê-chi-ên cho nên chữ này còn được người Do Thái hiểu một cách mặc định là đấng tiên tri.
Ý nghĩ thứ ba của từ ngữ này trong Thánh Kinh Cựu Ước được Tiên tri Đa-ni-ên dùng để mô tả một nhân vật rất đặc biệt, được ký thuật như sau: “Tôi lại nhìn thấy một vị giống như con người đến với những đám mây trời. Vị ấy đến gần và được đưa đến trước mặt Đấng Thượng Cổ. Đấng Thượng Cổ ban cho vị ấy quyền thống trị, vinh quang và vương quốc. Mọi dân tộc, mọi quốc gia, mọi ngôn ngữ đều phục vụ vị ấy. Quyền thống trị Ngài là quyền đời đời, chẳng hề mai một; và vương quốc Ngài không bao giờ suy vong” (Đa-ni-ên 7:13-14).
Nhân vật mà Tiên tri Đa-ni-ên dùng danh hiệu “con người” để mô tả trong những câu Kinh Thánh trên có những đặc điểm của Đấng Messiah đã được dự ngôn. Một số học giả Do Thái về sau, dựa trên khải tượng của Tiên tri Đa-ni-ên, đã cho rằng “Con Người” là một danh hiệu khác của Đấng Messiah.
Ý Nghĩa Trong Tân Ước
Trong Thánh Kinh Tân Ước, danh hiệu “Con Người” (ὁ υἱὸς τοὺ ἀνθρώπου) được dùng để chỉ về Đức Chúa Jesus. Trong Kinh Thánh tiếng Việt, chữ này thường được viết hoa.
Bốn sách Phúc Âm đã dùng chữ “Con Người” 81 lần: 30 lần trong Ma-thi-ơ, 14 lần trong Mác, 25 lần trong Lu-ca, và 12 lần trong Giăng. Chữ “Con Người” cũng được ghi lại 1 lần trong Công Vụ, 1 lần trong Hê-bơ-rơ, và 2 lần trong sách Khải Huyền.
Đức Chúa Jesus thường dùng danh hiệu “Con Người” để chỉ về chính Ngài. Vài thí dụ tiêu biểu về ý nghĩa này như: “Chồn cáo có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ gối đầu.” (Ma-thi-ơ 8:20) “Vì Con Người đã đến để cứu kẻ bị lạc mất.” (Ma-thi-ơ 18:11) “Vì Con Người là Chúa của ngày Sa-bát.” (Ma-thi-ơ 12:8) “Như Giô-na đã ở trong bụng cá ba ngày và ba đêm, Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày và ba đêm.” (Ma-thi-ơ 12:40).
Đức Chúa Jesus dùng danh hiệu “Con Người” khi nói về sự khổ hình và sự chết của Ngài. Trong 14 lần danh hiệu “Con Người” được ghi lại trong Phúc Âm Mác, 9 lần Chúa dùng để nhắc đến sự chết của Chúa. “Con Người phải chịu nhiều đau khổ. Các trưởng lão, các trưởng tế, và các thầy dạy giáo luật sẽ loại trừ Người. Người sẽ bị giết, rồi ba ngày sau sẽ sống lại.” (Mác 8:31) “Khi xuống núi Ngài ra lịnh cho họ không được nói với ai những gì họ đã thấy cho đến khi Con Người từ cõi chết sống lại.” (Mác 9:9) “Con Người sẽ bị phản nộp vào tay người ta. Họ sẽ giết Người, và Người sẽ bị giết, nhưng ba ngày sau Người sẽ sống lại.” (Mác 9:31).
Đức Chúa Jesus còn dùng danh hiệu “Con Người” để mô tả sự tái lâm và uy quyền của Ngài. “Vì như sét chớp ở phương đông và nhoáng ở phương tây thể nào, sự hiện đến của Con Người cũng thể ấy” (Ma-thi-ơ 24:27). “Trong ngày Con Người được hiển lộ cũng sẽ như vậy” (Lu-ca 17:30). “Khi Con Người đến, liệu Con Người sẽ thấy đức tin còn trên mặt đất chăng?” (Lu-ca 18:8). “Nhưng từ bây giờ trở đi Con Người sẽ ngồi bên phải ngai quyền năng của Ðức Chúa Trời” (Lu-ca 22:68).
(Thư Viện Tin Lành)
Trong chương hai của sách Hôn Nhân Hoàn Hảo thầy Samael Aun Weor giải thích về ý nghĩa của danh hiệu Con Người trong bối cảnh huyền học:
Trong kinh Khải Huyền, thánh Giăng mô tả cho chúng ta về Con Người, “đứa con sinh ra từ những nụ hôn của chúng ta”, bằng những câu văn sau:
“Vào ngày của Chúa, tôi được Đức Thánh Linh cảm hóa, nghe thấy đằng sau một tiếng [Ngôi Lời] vang như thể tiếng kèn, rằng, ta là Alpha và Omega, là đấng trước hết và đấng sau cùng. Điều ngươi thấy, hãy chép vào một quyển sách mà gởi cho bảy hội thánh tại Ê-phê-sô [luân xa gốc], Si-miệc-nơ [luân xa xương cùng], Bẹt-găm [luân xa búi mặt trời, gần rốn], Thi-a-ti-rơ [luân xa tim], Sạt-đe [luân xa thanh quản có phép tạo thành của Ngôi Lời], Phi-la-đen-phi [con mắt thông thái, luân xa thiên mục ở giữa hai lông mày] và Lao-đi-xê [vương miện của các thần thánh, luân xa của tuyến tùng].
Bấy giờ tôi quay lại đặng xem tiếng nói với tôi đó là gì. Vừa quay lại, tôi thấy bảy chơn đèn vàng. Ở giữa những chơn đèn, có ai đó tựa như Con Người, mặc áo dài đến tận chân [loại áo dài lanh trắng của các bậc thầy, loại áo dài quang vinh, thắt đai vàng ngang ngực.” [Bảy ngọn nến mà Thánh Khải Huyền nhìn thấy là Bảy Đền Thờ dọc tủy sống (hay còn gọi là bảy luân xa)]
“Ngoài ra, đầu và tóc ngài trắng như lông cừu và trắng như tuyết, mắt ngài như ngọn lửa hừng [luôn tinh khiết và nguyên vẹn]; bàn chân ngài như đồng nguyên chất sáng rực trong lò lửa, giọng ngài như tiếng của nhiều dòng nước [đây là nước ở trong người, là tinh dịch]. Trong tay phải ngài có bảy ngôi sao [bảy thiên thần phụ trách về bảy luân xa của tủy sống]; từ miệng ngài thò ra một thanh gươm hai lưỡi sắc và dài [là Cái Động Từ] và mặt ngài như mặt trời chiếu sáng lúc rực rỡ nhất. Khi thấy ngài, tôi ngã xuống như chết dưới chân ngài; nhưng ngài đặt tay phải lên tôi và nói: “Đừng sợ. Tôi là Đấng Đầu Tiên và Đấng Cuối Cùng, là đấng đang sống; tôi đã chết, nhưng này, tôi sống muôn đời bất tận, Amen. Tôi có chìa khóa của hoả ngục và của sự chết.
(Khải Huyền 1:10-18, Kinh Thánh)Khi Đức Kitô Nội Tại nhập vào tâm hồn [Soul], ngài chuyển hóa thành tâm hồn. Ngài hòa nhập vào tâm hồn và tâm hồn hoà nhập vào Ngài, Ngài trở thành con người và tâm hồn trở nên thần thánh. Từ sự hòa hợp của sự nhân tính và sự thần thánh trong thuật luyện kim đanh sinh ra cái mà đấng cứu thế đáng kính của chúng ta gọi là Con Người.
(Samael Aun Weor – Hôn Nhân Hoàn Hảo – Chương 7)