Tác giả: Samael Aun Weor,
Tâm Lý Học Cho Sự Chuyển Hóa Triệt Để
Mỗi người là chính cuộc sống của mình. Nếu một người không thay đổi gì bên trong mình, nếu anh ta không chuyển hoá cuộc sống của mình một cách triệt để, không rèn luyện bản thân, thì anh ta đang cực kỳ lãng phí thời gian của mình.
Cái chết là sự quay trở về với điểm khởi đầu cuộc sống của mỗi người, và mọi thứ có thể lặp lại một lần nữa.
Các tài liệu huyền học giả và đạo bí truyền giả đã nói nhiều về chủ đề các cuộc sống[1] liên tiếp; tốt hơn, chúng ta nên dành thời gian suy nghĩ về những đời kiếp liên tiếp.
Cuộc sống của mỗi chúng ta, cùng với tất cả các chu kỳ của nó, luôn như vậy, luôn tự lặp đi lặp lại từ kiếp này sang kiếp khác qua vô số thế kỷ.
Chắc chắn rằng, chúng ta sẽ lại tiếp tục trong hạt giống của hậu duệ; điều này đã được làm sáng tỏ.
Cuộc sống của mỗi chúng ta nói riêng là một cuốn phim sống mà khi chết chúng ta sẽ mang theo vĩnh viễn.
Mỗi chúng ta mang theo cuốn phim của mình và đầu thai trở lại để chiếu lại một lần nữa trên màn hình của một đời kiếp mới.
Việc lặp lại các kịch tính, các hài kịch và các bi kịch là một tiền đề cơ bản của Luật Tái Diễn.
Trong mỗi đời kiếp mới các tình huống luôn luôn lặp lại như trước. Các diễn viên trong các cảnh này là những người sống ở bên trong chúng ta, là những cái Tôi.
Nếu chúng ta tiêu diệt các diễn viên, những cái Tôi luôn là nguồn gốc của các diễn cảnh lặp đi lặp lại trong cuộc sống chúng ta, thì việc lặp lại các tình huống đó sẽ trở thành điều không thể.
Tất nhiên, không có các diễn viên thì không thể có các diễn cảnh; điều này là không thể phủ định được, không thể bác bỏ được.
Đây là cách chúng ta có thể giải phóng bản thân mình khỏi Luật Quay Trở Lại và Tái Diễn; như thế chúng ta có thể thực sự trở thành những người tự do.
Rõ ràng rằng, mỗi nhân vật (các cái Tôi) mà chúng ta mang theo ở bên trong lặp lại vai diễn của mình từ kiếp này sang kiếp khác; nếu chúng ta tiêu diệt nó, nếu diễn viên chết thì vai diễn sẽ kết thúc.
Khi suy ngẫm một cách nghiêm túc về Luật Tái Diễn hay về việc lặp lại các cảnh trong mỗi đời kiếp, chúng ta sẽ khám phá ra bằng việc tự quan sát nội tâm những căn nguyên bí ẩn của vấn đề này.
Nếu trong kiếp trước lúc hai mươi lăm tuổi, chúng ta đã có một cuộc phiêu lưu tình ái, thì chắc chắn rằng trong kiếp sau, cái Tôi của cuộc tình đó sẽ lại đi tìm người phụ nữ trong mơ của mình ở tuổi hai mươi lăm.

Nếu người phụ nữ đó mới chỉ có mười lăm tuổi [tại thời điểm cuộc tình kiếp trước], cái Tôi của cuộc phiêu lưu đó sẽ tìm người yêu của nó trong kiếp sau ở chính xác tuổi đó.
Thật dễ hiểu rằng hai cái Tôi, của anh ấy cũng như của cô ấy, sẽ tìm nhau bằng thần giao cách cảm và sẽ gặp lại nhau để lặp lại cuộc phiêu lưu tình cảm từ kiếp trước.
Hai kẻ thù kiếp trước đã đánh nhau đến chết sẽ tìm nhau một lần nữa trong kiếp sống mới để lặp lại bi kịch ở tuổi đó.
Nếu trong kiếp trước hai người tranh chấp về bất động sản ở tuổi bốn mươi, thì sang kiếp sau ở đúng tuổi đó họ sẽ tìm gặp nhau bằng thần giao cách cảm để lặp lại việc tương tự.
Bên trong mỗi chúng ta là rất nhiều người với những cuộc hẹn[2] chồng chất; điều này không thể bác bỏ.
Một tên trộm mang theo trong mình một hang ổ trộm cắp với các cuộc hẹn phạm tội khác nhau. Một tên sát nhân mang theo trong người một “câu lạc bộ” những kẻ sát nhân, và một kẻ đầy dục vọng mang cả một nhà chứa trong tâm.
Nghiêm trọng hơn cả là việc trí khôn phớt lờ sự có mặt của những người này hay những cái Tôi bên trong chính mình và những cuộc hẹn nguy hiểm khủng khiếp sắp được thực hiện.
Tất cả các cuộc hẹn này, của những cái Tôi trú ngụ trong chúng ta, đang diễn ra [trong tiềm thức] bên dưới lý trí của chúng ta.
Đây là những sự việc mà chúng ta bỏ qua, những điều xảy đến với chúng ta, các sự kiện được xử lý trong tiềm thức và vô thức của tâm.
Chúng ta đã được dạy với những lý lẽ xác đáng rằng dù nắng hay mưa, mọi việc cứ xảy đến.
Thật vậy, chúng ta cứ tưởng rằng mình đang sống chủ động, tuy nhiên chúng ta chẳng làm gì cả; mọi việc cứ thế xảy ra, điều này là tiền định, máy móc…
Tính cách của ta chỉ là công cụ của nhiều người khác nhau (các cái Tôi), bằng phương tiện đó mỗi người đó (các cái Tôi) thực thi các cuộc hẹn của mình.
Có nhiều thứ xảy ra ở các tầng lớp tâm lý thấp hơn khả năng nhận thức của chúng ta; rủi thay, chúng ta phớt lờ những việc đang xảy ra ở bên dưới lý trí yếu ớt của mình.
Chúng ta cho rằng mình thông thái trong khi sự thật là chúng ta thậm chí không biết rằng mình không biết. Chúng ta là những khúc gỗ khổ sở bị quăng quật bởi những con sóng biển dữ dội của cuộc sống.
Chúng ta phải chết trong bản thân mình[3] thì mới có thể thoát ra khỏi tình trạng nhục nhã, vô ý thức, và đáng tiếc này…
Làm sao chúng ta có thể thức tỉnh được nếu ta chưa chết đi? Chỉ có cái chết mới mang lại những thứ mới mẻ! Nếu như hạt giống không chết đi thì làm sao cây có thể nảy mầm[4].
Ai đã thật sự thức tỉnh sẽ vì thế mà có đầy đủ tâm thức khách quan, sự toả sáng đích thực, hạnh phúc…
Ghi chú
[1] Dịch giả: ở đây, thầy đang đề cập về vấn đề của ngôn ngữ trong tiếng Tây Ban Nha. Các sách huyền học phương Tây thường dùng từ “cuộc sống” để chỉ “đời kiếp” vì tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha không có từ tương tự như “đời kiếp”. Theo thầy Samael thì một “cuộc sống” bao gồm nhiều đời kiếp.
[2] cuộc hẹn: Khi hai cái Tôi giao tiếp với nhau trong kiếp này thì chúng sẽ kết duyên với nhau để gặp lại nhau trong các kiếp sau. Thầy Samael gọi việc kết duyên để gặp lại trong các kiếp sau là một “cuộc hẹn” (tiếng anh: Appointment). Đó là nguồn gốc của luật tái diễn.
[3] (Rô-ma 6:4-8, Kinh Thánh):
“Vậy qua phép báp-têm, chúng ta được chôn với Ngài trong sự chết của Ngài, để như Ðấng Christ nhờ vinh hiển của Ðức Chúa Cha được sống lại từ trong cõi chết thể nào, chúng ta cũng có thể sống một đời mới thể ấy. Vì nếu chúng ta đã hiệp nhất với Ngài trong sự chết của Ngài thể nào, chắc chắn chúng ta cũng sẽ hiệp nhất với Ngài trong sự sống lại của Ngài thể ấy. Chúng ta biết rằng con người cũ của chúng ta đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Ngài để bản ngã tội lỗi có thể bị tiêu diệt, và để từ đó trở đi chúng ta không còn làm nô lệ cho tội lỗi nữa; vì ai đã chết thì đã được giải thoát khỏi quyền lực của tội lỗi. Nếu chúng ta đã cùng chết với Ðấng Christ, chúng ta tin rằng chúng ta cũng sẽ cùng sống với Ngài.”
[4] (Giang 12:24, Kinh Thánh)
“Quả thật, quả thật, Ta nói với các ngươi, nếu hạt lúa mì kia không gieo xuống đất và chết đi thì nó chỉ là một hạt; nhưng nếu chết đi, nó sẽ kết quả nhiều.”
← Trước: Chương 24 – Bài Ca Tâm Lý | Tiếp: Chương 26 Tâm thức tự thân của trẻ sơ sinh → |