✏ Tác giả: Samael Aun Weor, 📖 Tâm Lý Học Cho Sự Chuyển Hóa Triệt Để
Thời điểm cho việc suy ngẫm rất nghiêm túc về cái được gọi là: “Sự Quan tâm nội tại” đã đến. Không có một chút nghi ngờ gì nữa về cái mặt tai hại của “Sự Quan tâm tự thân nội tại”; cái mà ngoài việc thôi miên Tâm thức, còn khiến chúng ta mất rất nhiều năng lượng.
Nếu chúng ta không mắc sai lầm đồng nhất mình với cái Tôi nhiều như thế, thì quan tâm nội tại là điều không thể.
Khi một người đồng nhất mình với cái Tôi, người đó sẽ yêu bản thân mình quá mức, anh ta thương hại chính bản thân mình, anh ta chấp ngã tự thân, anh ta nghĩ rằng mình luôn cư xử rất tốt với người nọ người kia, với vợ, con, v.v., và rằng không ai biết ơn mình hết. Tóm lại, anh ấy là một vị thánh và tất cả những người khác chỉ là những kẻ xấu xa, vô lại.
Một trong những dạng phổ biến nhất của quan tâm tự thân ở bên trong là việc chúng ta bận tâm vì những gì người khác có thể nghĩ về mình; có lẽ họ cho rằng chúng ta không thật thà, chân thành, trung thực, can đảm, v.v.
Điều lạ lùng và đáng tiếc hơn cả là chúng ta lại phớt lờ sự hao tổn năng lượng một cách khủng khiếp cho các mối bận tâm này.
Thái độ thù địch đối với những người chưa bao giờ làm hại chúng ta chính xác là do các mối bận tâm được sinh ra từ sự quan tâm tự thân nội tại.
Trong những trường hợp này, khi chúng ta yêu bản thân mình quá mức, khi chúng ta chấp ngã bản thân kiểu như vậy, thì rõ ràng là cái Tôi, hay nói rõ hơn là các loại Tôi, thay vì trở nên tuyệt chủng thì chúng lại được củng cố một cách đáng sợ.
Khi đồng nhất mình với cái Tôi, một người sẽ thấy động lòng trắc ẩn với hoàn cảnh của chính mình và thậm chí còn lưu giữ sổ sách công nợ [1].
Vì vậy, anh ta nghĩ rằng người nọ hoặc người kia, bạn trai, bạn gái, hàng xóm, sếp hay bạn bè của anh ta, v.v., v.v., v.v., đã không trả nợ đúng hạn mặc dù ai cũng biết rằng anh ta đã đối xử tốt với họ; và bị giam cầm trong những suy nghĩ này, anh ấy trở nên quá đáng và nhàm chán với tất cả mọi người.
Trong thực tế, chúng ta không thể nói chuyện với một người như vậy bởi bất kỳ cuộc nói chuyện nào cũng buộc phải kết thúc với cuốn sổ công nợ và việc khoe khoang về những nỗi đau khổ của anh ta.
Có lời chép rằng trong việc Tu tập trên con đường Gnosis bí ẩn, sự tăng trưởng trí tuệ chỉ có thể đạt được qua việc tha thứ cho người khác.
Nếu một người sống phút này qua phút khác, giây này qua giây khác, đau khổ vì những gì người khác còn nợ mình, vì những gì họ đã làm cho mình, vì những cay đắng mà họ đã gây ra cho mình, luôn là một bài hát cũ như vậy, thì không thứ gì có thể phát triển ở bên trong người đó được.
Kinh Lạy Cha nói rằng: “Xin tha tội lỗi chúng con, cũng như chúng con tha thứ cho người có lỗi với chúng con.”
Cái cảm giác người khác còn mang nợ mình, cái nỗi đau chúng ta cảm nhận được bởi những điều sai trái mà người khác đã gây ra cho mình, v.v., sẽ cản trở tất cả sự tiến bộ nội tại của linh hồn.
Jesus, Kabir vĩ đại, có nói rằng:
“Nếu bị ai kiện, hãy nhanh chóng dàn xếp vấn đề với người đó khi trên đường đến tòa, để anh em không bị người đó giao cho quan tòa xét xử rồi bị quan tòa sai cảnh vệ giam vào tù. Tôi nói thật với anh em, chắc chắn anh em sẽ không ra khỏi đó cho đến khi trả hết đồng xu cuối cùng.” (Ma-thi-ơ 5:25-26, Kinh Thánh)
Nếu có người nợ chúng ta, chúng ta cũng là những con nợ. Nếu chúng ta đòi nợ đến những đồng xu cuối cùng, thì trước tiên chúng ta phải trả xong xu nợ cuối cùng.
Đây là “Luật Talion“: “Mắt đền mắt, răng đền răng.” [2] Một vòng luẩn quẩn, vô lý.
Chúng ta đòi hỏi những lời xin lỗi, sự cung phụng vô đối và sự nhục nhã từ người khác vì những gì sai trái mà họ đã gây ra cho mình, thì chúng ta cũng phải chịu những việc tương tự như vậy, mặc dù cho chúng ta có coi mình là những con cừu non.
Bắt mình sống theo những quy luật không cần thiết là điều ngớ ngẩn; tốt hơn là chúng ta nên sống theo những ảnh hưởng mới.
Luật lệ của Lòng Từ Bi thì luôn có sức ảnh hưởng lớn hơn Luật của kẻ bạo lực: “Mắt đền mắt, răng đền răng.”
Sống một cách thông minh theo những ảnh hưởng tuyệt vời của con đường tu tập bí ẩn Gnosis, để quên rằng mọi người còn mắc nợ ta và để loại bỏ trong tâm trí ta mọi loại Quan tâm tự thân là việc rất cấp bách, cần thiết và không thể trì hoãn.
Chúng ta đừng bao giờ chấp nhận trong chính mình cái cảm giác của sự trả thù, oán giận, những cảm xúc tiêu cực, lo lắng cho những sai trái người khác gây ra cho chúng ta, bạo lực, ghen tị, ghi nhớ không ngừng về nợ nần, v.v., v.v., v.v.
Gnosis là dành cho những học trò chân thành, những người thực sự muốn tu tập và thay đổi.
Nếu chúng ta quan sát mọi người, chúng ta có thể thấy một cách trực tiếp rằng ai cũng có bài ca của riêng mình.
Mỗi người đều hát bài ca tâm lý của riêng mình; tôi muốn đề cập và nhấn mạnh đến vấn đề sổ sách công nợ tâm lý, đến cảm giác rằng người khác mắc nợ chúng ta, đến những ca thán và quan tâm tự thân, v.v.
Đôi lúc mọi người hát bài ca của mình rất tự nhiên mà không hề bị lên dây cót, hay được khuyến khích, nhưng đôi khi là sau một vài ly rượu vang…
Chúng tôi nói rằng bài hát nhàm chán của chúng ta phải được loại bỏ; nó trói buộc chúng ta từ bên trong, nó đánh cắp rất nhiều năng lượng của chúng ta.
Trong các vấn đề liên quan đến Tâm lý học cho sự chuyển hóa triệt để, một người hát quá hay (chúng ta không đề cập đến giọng nói hay hoặc tiếng hát thể chất) chắc chắn không thể vượt qua được bản thân mình, người đó bị mắc kẹt trong quá khứ…
Một người bị cản trở bởi những bài hát buồn không thể thay đổi “Cấp độ Tâm thức” của mình, anh ta không thể vượt quá những gì anh ta đang là.
Để vượt tới một cấp độ Tâm thức cao hơn, chúng ta cần phải ngừng lại những gì mình đang là; chúng ta phải từ bỏ cái mình đang là.
Nếu chúng ta tiếp tục như những gì mình đang là, chúng ta sẽ không bao giờ có thể vượt tới một cấp độ Tâm thức cao hơn.

Ảnh minh hoạ: Nhạc công guitar già bởi Pablo Picasso
Trong lĩnh vực của cuộc sống thực tế, những điều bất thường đều có thể xảy ra. Một số người thường kết bạn với người khác chỉ vì họ có thể ca bài của mình cho người đó một cách dễ dàng.
Thật không may, những mối quan hệ như vậy kết thúc ngay khi ca sĩ bị yêu cầu phải im lặng, phải thay đổi đĩa hát, hay nói về một điều gì khác, v.v.
Sau đó, người ca sĩ liền oán giận và đi tìm một người bạn mới, một người sẵn sàng lắng nghe anh ta trong một thời gian vô hạn.
Người ca sĩ đòi hỏi một người có thể hiểu được anh ta, như thể việc hiểu người khác là rất dễ dàng vậy.
Để thấu hiểu được một người khác, chúng ta phải thấu hiểu được chính mình. Không may thay, một ca sĩ giỏi luôn tin rằng mình hiểu chính mình.
Có rất nhiều ca sĩ bị ảo tưởng. Họ hát bài “không ai hiểu tôi” và mơ tưởng về một thế giới kỳ diệu, nơi họ là những nhân vật trung tâm.
Tuy nhiên, không phải ca sĩ nào cũng hát ở chốn công cộng; cũng có những người kín đáo; họ không trực tiếp hát bài ca của mình, mà hát nó một cách bí mật.
Họ là những người đã làm việc rất nhiều, đã chịu đựng quá nhiều, những người cảm thấy thất vọng, những người nghĩ rằng cuộc sống nợ họ tất cả những gì mà họ không có đủ khả năng đạt được.
Thường thì họ sẽ cảm thấy buồn rầu ở bên trong, một cảm giác vô cùng chán chường và đơn điệu, một sự mệt mỏi và thất vọng ở bên trong và trong hoàn cảnh đó các suy nghĩ dần dần tích lũy.
Không còn nghi ngờ gì nữa, những bài ca bí mật này sẽ đóng lại cánh cửa dẫn tới con đường Giác ngộ Bản thể nội tại.
Thật không may, chúng ta sẽ không chú ý đến những bài ca bí mật ở bên trong đó nếu chúng ta không chủ tâm quan sát chúng.
Rõ ràng, toàn bộ việc tự quan sát cho phép ánh sáng thâm nhập vào bản thân, vào sâu thẳm bên trong chúng ta.
Không một sự thay đổi ở bên trong nào có thể xảy ra trong tâm trí của chúng ta nếu không có sự dẫn đường của ánh sáng của sự quan sát.
Chúng ta cần phải quan sát bản thân khi ở một mình, cũng như khi chúng ta đang giao lưu với mọi người.
Khi ở một mình, những cái Tôi riêng biệt, những suy nghĩ khác biệt, những cảm xúc tiêu cực, v.v., đều biểu hiện.
Không phải lúc nào chúng ta cũng có những người đồng hành tốt khi ở một mình. Trong những lúc cô đơn tuyệt đối, đối mặt với những kẻ đồng hành tồi tệ là điều hoàn toàn bình thường, rất tự nhiên. Các cái Tôi tiêu cực nhất, nguy hiểm nhất thường xuất hiện khi chúng ta đang ở một mình.
Nếu chúng ta muốn thay đổi triệt để thì chúng ta cần phải hy sinh các nỗi đau khổ của chính mình. [3]
Nhiều khi, chúng ta bày tỏ nỗi đau khổ của mình qua các bài ca có lời hay câm lặng.
Ghi chú
[1] lưu giữ sổ sách công nợ: chỉ việc ghi nhớ tất cả những điều để sau này có thể “đòi nợ” một cách trực tiếp (trả thù người đã làm hại mình) hoặc gián tiếp (hại người khác hoặc chính mình, đi khoe khoang về những nỗi đau khổ của mình, v.v.)
[2] “Anh em từng nghe lời truyền dạy rằng: ‘Mắt đền mắt, răng đền răng’. Nhưng tôi nói với anh em: Đừng chống cự người ác, nếu bị ai tát má bên phải thì hãy đưa luôn má bên trái cho họ.” (Ma-thi-ơ 5:38-39, Kinh Thánh)
[3] Hy sinh các nỗi đau khổ của chính mình:
“Chúng ta cần phải hiểu rằng mặc dù người ta có thể sẵn sàng bỏ rượu, rạp chiếu phim, thuốc lá, tiệc tùng, v.v., nhưng lại không bỏ được các nỗi đau khổ của chính mình. Người ta mê đắm trong những nỗi đau và sự khổ ải của chính mình. Đối với họ thì từ bỏ một giây phút hạnh phúc còn dễ hơn là từ bỏ sự khổ đau. Tuy vậy mà, dường như là một nghịch lý, mọi người đều ca cẩm về những khổ ải và phàn nàn về những nỗi đau; nhưng khi thực sự cần phải từ bỏ chúng thì kiểu gì họ cũng không chịu.”
(Trích dẫn từ một bài giảng của thầy Samael Aun Weor)
← Trước: Chương 23 – Thế giới quan hệ | Tiếp theo: Chương 25 – Luật Quay Trở Lại và Tái Diễn |