✏ Tác giả: Samael Aun Weor, 📖 Chương 52 – Tarot & Kabbalah
Mỗi vũ trụ trong không gian vô hạn đều có một mặt trời trung tâm riêng; và tất cả các mặt trời tâm linh đó hợp với nhau thành Ain Soph Aur [1], vũ trụ nguyên thuỷ [tiếng Anh: protocosmos], Sự Tuyệt đối Dương tính.
Sự Tuyệt đối Dương tính được hình thành bởi nhiều mặt trời tâm linh siêu việt [tiếng Anh: transcendental], và thần thánh.
Cái mà H. P. Blavatsky gọi là “Hơi thở Vĩ đại, hoàn toàn vượt qua khả năng thấu hiểu của chính bản thân nó“, xuất phát từ “sự tuyệt đối dương tính đại bi và thiêng liêng” của chúng ta.
Một số tác giả khác đã nói nhiều về Mặt trời Thiêng liêng và Tuyệt đối [2], và hiển nhiên là mỗi hệ mặt trời đều được chi phối bởi một trong những mặt trời tâm linh này. Những Mặt trời Tâm linh Thiêng liêng phi thường và lấp lánh này, với vẻ đẹp lộng lẫy vô hạn trong không gian, tồn tại thực sự. Đó là những quả cầu rực rỡ mà các nhà thiên văn học sẽ không bao giờ nhìn thấy được qua kính viễn vọng của họ.
Điều này có nghĩa là nhóm các thế giới của chúng ta [3] có một Mặt trời Tuyệt đối thiêng liêng của riêng nó [4], cũng như các Hệ Mặt trời khác trong sự vô hạn bất biến.
Vũ trụ nguyên thuỷ, hay còn gọi là vũ trụ đầu tiên, thiêng liêng vô hạn, vượt qua khả năng thấu hiểu; trong đó không có một nguyên tắc máy móc nào. Nó được cai trị bởi một định luật riêng biệt và duy nhất.
Khi chúng ta suy ngẫm sâu sắc về sự Tuyệt đối Dương tính, chúng ta sẽ thấy rằng ở đằng sau nó là sự tự do trọn vẹn nhất, hạnh phúc tuyệt đối nhất, vì mọi thứ được cai trị bởi định luật đơn nguyên đó.
Chắc chắn rằng trong Sự Tuyệt Đối Thiêng Liêng và Dương tính, trong Mặt trời Tâm linh Trung ương của Hệ [mặt trời] nơi chúng ta sống, di chuyển và là nơi cư trú của Bản thể chúng ta, không có bất kỳ loại [định luật] máy móc nào. Vì thế cho nên, hiển nhiên rằng phúc lạc toàn hảo nhất ngự trị ở đó.
Rõ ràng rằng trong Mặt trời Tâm linh Trung ương, được cai trị bởi định luật đơn nguyên, có sự hạnh phúc bất biến của Đức Thánh Sống Bất diệt. Không may thay, mỗi khi chúng ta càng rời xa Mặt trời Tuyệt đối và Thiêng liêng, chúng ta càng lấn sâu vào các thế giới phức tạp, nơi mở đầu của sự vô thức, sự máy móc, và những nỗi đau.
Hiển nhiên, trong vũ trụ thứ hai với ba định luật [5], hay còn gọi là ayocosmos (bao gồm các hành tinh, mặt trời và khoảng không [6]), niềm vui là không thể sánh được [với Sự Tuyệt đối] bởi vật chất loãng hơn. Ở vũ trụ này, bản chất bên trong của mỗi nguyên tử chỉ bao gồm ba hạt nguyên tử [7] của Sự Tuyệt đối.
Vũ trụ thứ ba mới khác biệt làm sao, macrocosmos (Thiên hà, Dải ngân hà của chúng ta), vũ trụ được cai trị bởi sáu định luật. Ở đó, tính vật chất tăng lên bởi mỗi nguyên tử đều có sáu Nguyên tử của Sự Tuyệt đối ở bên trong nó.
Thâm nhập vào vũ trụ thứ tư, deuterocosmos (hệ mặt trời của chúng ta), vũ trụ được cai trị bởi mười hai định luật, chúng ta thấy rằng vật chất ở đây dày đặc hơn bởi thực tế cụ thể là mỗi nguyên tử đều có mười hai nguyên tử của của Sự Tuyệt đối.
Nếu chúng ta cẩn thận khảo sát vũ trụ thứ năm, mesocosmos (hành tinh Trái đất) được cai trị bởi hai mươi tư định luật, chúng ta sẽ thấy rằng bất kỳ nguyên tử nào của vũ trụ này cũng có hai mươi tư nguyên tử của Sự Tuyệt đối ở bản chất bên trong của nó.
Chúng ta hãy nghiên cứu chi tiết vũ trụ thứ sáu, microcosmos (con người), được cai trị bởi bốn mươi tám định luật. Chúng ta sẽ thấy bằng phương tiện của Nhãn thông Thiêng liêng rằng các nguyên tử của loài người đều có bốn mươi tám nguyên tử của sự Tuyệt đối.
Chúng ta hãy đi xuống một chút nữa và bước vào vương quốc của chủ nghĩa vật chất thô sơ nhất, vũ trụ thứ bảy, tritocosmos (các Thế giới Hoả ngục); chúng ta sẽ khám phá ra rằng dưới lớp vỏ của hành tinh nơi mình đang sống chính là khu vực thứ nguyên cấp duới thứ nhất, được cai trị bởi chín mươi sáu định luật. Mật độ của khu vực này đã đặc lên đáng sợ, do mỗi nguyên tử đều có chín mươi sáu nguyên tử của Sự Tuyệt đối trong Bản chất Sâu thẳm của nó.
Trong khu vực hoả ngục thứ hai, mỗi nguyên tử có một trăm chín mươi hai nguyên tử của Sự Tuyệt đối. Trong khu vực thứ ba, mỗi nguyên tử lại có ba trăm tám mươi bốn nguyên tử của Sự Tuyệt đối, v.v., v.v., v.v., và như vậy tính vật chất tăng lên một cách rất đáng sợ và khủng khiếp.
Hiển nhiên, chúng ta càng ngày càng rời xa ý nguyện của Sự Tuyệt Đối và rơi vào cơ chế phức tạp của Thiên Nhiên vĩ đại, khi chúng ta càng chìm sâu hơn vào các định luật phức tạp. Nếu chúng ta muốn chinh phục lại Tự do, chúng ta phải giải thoát mình khỏi tất cả sự máy móc đó, tất cả các định luật đó, và trở lại với Đức Cha.
Rõ ràng, chúng ta phải đấu tranh một cách mạnh mẽ để giải thoát mình khỏi 48, 24, 12, 6, và 3 định luật đó để thực sự trở về với Mặt trời Thiêng liêng và tuyệt đối trong hệ mặt trời của chúng ta.
Ghi chú
[1] Ain Soph Aur (tiếng Do Thái: אין סוף אור) là “ánh sáng vô hạn” hoặc “ánh sáng của tính không“. Trong Kabbalah, hệ phái huyền bí Do Thái, sự thuyệt đối có ba lớp:
- Ain (אין): Không, Tính Không
- Ain Soph (אין סוף): Vô hạn
- Ain Soph Aur (אין סוף אור): Ánh sáng Vô hạn.
[2] Mặt trời Thiêng liêng và Tuyệt đối (tiếng Anh: Most Holy Sun Absolute) – cụm từ này xuất phát từ sách “Các câu chuyện của Beelzebub cho cháu trai” (Tiếng Anh: Beelzebub’s Tales to his Grandson) của tác giả G. I. Gurdjieff.
[3] nhóm thế giới: các hành tinh trong hệ mặt trời của chúng ta
[4] Mặt trời Thiêng liêng và Tuyệt đối của riêng nó: hiển nhiên rằng mọi hệ mặt trời đều có một mặt trời của riêng nó. Tuy nhiên, “Mặt trời Thiêng liêng” ở đây chỉ “Mặt trời ở đằng sau Mặt trời“, là một thực tế phi vật chất.
[5] Ba định luật – Các cụm từ liên quan đến định luật và số lượng định luật trong các tầng lớp vũ trụ xuất phát từ giáo pháp của G. I. Gurdjieff. Giáo pháp này được đề cập đến ở trong sách “Tìm kiếm điều Kỳ diệu” (Tiếng Anh: In Search of the Miraculous) của P. D. Ouspensky, là đệ tử của Gurdjieff. Các khái niệm trong đoạn văn này được giải thích trong chương 7 của sách đó.
[6] Khoảng không (Tiếng Anh: Firmament):
Elohim bèn làm nên khoảng không và phân cách khối nước ở dưới khoảng không với khối nước ở trên khoảng không. Thế là có như vậy. Elohim gọi khoảng không là Trời. Vậy có buổi tối và buổi sáng, đó là ngày thứ nhì.
Elohim phán: “Nước ở dưới trời hãy tụ lại một nơi, và phần cạn hãy lộ ra”. Thế là có như vậy. – (Sáng thế 1:7-9, Kinh Thánh)
Về ý nghĩa của cụm từ “khoảng không”, Kinh Zohar nói như sau:
Rabbi Jehuda nói: “Ở phía trên, có bảy khoảng không, được hình thành và cai trị bởi định luật vĩ đại của sự hoà hợp phổ quát. Tetragrammaton, hay cái tên thiêng liêng, chính là biểu tượng [của Sự Hoà hợp đó]. Khoảng không được đề cập đến ở đây được hình thành ở giữa hai vùng nước. Nó ở phía trên các Hayoth hay còn gọi là chúng sinh, chia cách nước ở trên với nước ở dưới và nó là một vùng trung gian ở giữa cả hai. Khi nước ở dưới gọi cho nước ở trên, nước ở trên sẽ thông qua khoảng không đó để ban sức sống và sức mạnh cho các chúng sinh đó. Có lời chép rằng, “Khu vườn đóng kín là em gái của tôi, là vợ của tôi, một dòng suối đóng kín, một suối nguồn đóng ấn. (Cant. iv. 12).”
“Khu vườn đóng kín” có nghĩa là người vợ bị đọng lại ở đó, là Đức Mẹ vũ trụ của mọi chúng sinh, [đức mẹ] là cội nguồn của dòng sông vĩ đại của sự sống. Nếu dòng sông đó ngừng chảy thì vùng nước ở dưới cũng sẽ bị đọng lại và cằn cỗi [hay vô sinh]. Cũng giống như các dòng sông và suối sẽ đóng băng khi gió từ phương bắc tràn về, cho đến khi hơi ấm từ phương nam thổi đến làm tan những giá băng, cũng như thế dòng sông của sự sống chỉ chảy vào thế giới của con người dưới ảnh hưởng của sự sống thánh thiện. Đó chính là ý nghĩa bí ẩn của khoảng không tồn tại ở giữa vùng trên và vùng dưới của sự sống. Các kinh không nói, “Hãy tạo ra một khoảng không và đặt nó ở trong nước, tức là ở giữa nước phía trên và nước phía dưới; vì khoảng không này đã tồn tại từ trước khi thế giới được tạo ra và chỉ được đặt ở vị trí giữa chúng, tức là ở phía trên các Hayoth, là các chúng sinh.“
[7] Nguyên tử – vì thầy nói rằng “trong mỗi nguyên tử có ba nguyên tử của sự Tuyệt đối“, cho nên chúng ta có thể thấy rằng hai cụm từ “nguyên tử“” và “nguyên tử của sự Tuyệt đối” là hai khái niệm khác nhau.