Cây sự sống và Kabbalah

(bài giảng của thầy Samael Aun Weor)
Tiêu đề bản gốc: “Los distintos mundos o regiones del universo”
Tải bản PDF, sách điện tử epub

Lời mở đầu

Hôm nay chúng ta sẽ nói về các thế giới hoặc các cõi trong vũ trụ.

Thông thiên học Đông phương cũng như các trường phái giả bí truyền và giả huyền học khác nhau có nói về “các tầng siêu cảm”. [Tiếng Anh: Supra-sensible planes]

Thuật ngữ “tầng” rõ là rất dễ gây hiểu nhầm, nó dẫn tới một quan niệm sai lầm về tầng này ở trên tầng kia, giống như các bậc thang chồng lên nhau.

Chính vì điều này mà Gnosis đã quyết định không sử dụng thuật ngữ đó. Chúng tôi thường dùng từ “cõi” hoặc “thế giới siêu cấp”, nằm trong các chiều không gian khác nhau của tự nhiên và vũ trụ. Như thế, kiến thức này trở nên dễ hiểu và rõ ràng hơn. 

Ngoài thế giới vật chất của hình học ba chiều còn có nhiều khía cạnh khác trong vũ trụ, ở trên và dưới còn có nhiều cõi khác. Chắc chắn rằng phía trên thế giới của hình học ba chiều còn có các chiều kích cao cấp và bên dưới cũng có các chiều kích tự nhiên hạ cấp, nằm ở bên trong hành tinh nơi chúng ta đang sống.

Cõi Vật Chất

Nếu tìm hiểu kỹ thế giới vật chất xung quanh, chúng ta sẽ thấy nhiều hiện tượng máy móc như các cơ chế điện-sinh học, sinh lý, trao đổi chất, xúc tác, hóa học, nhiệt lượng, v.v., những cơ chế mà chắc chắn phải có một cơ sở, một nền tảng.  

Ví dụ, sẽ thật vô lý nếu cho rằng một sinh vật được hình thành chỉ từ các phân tử hóa-lý lại có khả năng nói, suy nghĩ, cảm nhận và hành động.

Nếu như vậy thì chúng ta hẳn đã có thể chế tạo ra những sinh vật tương tự.

Người ta có thể phản biện lại rằng “rô-bốt hoạt động rất tuyệt”. Chúng tôi không phủ nhận điều đó nhưng rõ ràng là không một rô-bốt nào có thể sáng lập ra được một trường phái triết học chẳng hạn. Không rô-bốt nào có thể viết nên được một tác phẩm huyền học siêu việt. Hãy chỉ cho tôi một con rô-bốt có thể viết được một tác phẩm tuyệt vời như “Giáo Lý Bí Nhiệm” của Helena Petrovna Blavatsky.

Helena Petrovna Blavatsky, tác giả của sách “Giáo Lý Bí Nhiệm”

Đúng là rô-bốt biết hành động nhưng nó chỉ hành động trong một phạm vi hạn chế. Chúng chỉ hoạt động được trong khuôn khổ máy móc của mình. Chúng không thể hành động hay suy nghĩ vượt ra khỏi những giới hạn được chỉ định. 

Bởi vậy cho đến nay chúng ta thậm chí vẫn chưa tìm thấy một “Frankenstein” nào có thể bắt chước con người. Một “cỗ máy” như vậy không hề tồn tại. Những điều này hướng chúng ta đến việc hiểu một cách rõ ràng rằng thế giới vật chất của hình học ba chiều không phải là tất cả.

Cõi Khí Lực

Rõ ràng là cõi hóa-lý cần một “nisus formativus”, một nền tảng để nó có thể hoạt động. Nếu xem xét bất kì sinh vật nào, chúng ta sẽ thấy rằng sinh vật đó có các quá trình tiêu hóa, đào thải, sinh sản, nhận thức, cảm nhận, tạo ra nhiệt lượng, v.v. Rõ ràng là, điều này cho thấy rằng ngoài các phân tử hóa học đơn thuần còn có các cấu trúc, các nền tảng mà khoa học chính thống chưa biết đến.

[1] Nisus formativus là sức mạnh hình thành cơ thể vật chất. Năng lực này đảm bảo rằng cơ thể của mỗi loài sinh vật phát triển theo hình dáng riêng của nó.

Chúng ta biết chắc chắn rằng mọi hiện tượng hóa-lý đều được duy trì bởi cơ thể khí lực của Trái Đất. Đó là cõi khí lực, là chiều thứ tư, trục thứ tư của thế giới vật chất. Đó là thế giới ê-te hay khu vực bốn chiều của hành tinh nơi chúng ta đang sống, đi lại và tồn tại. Ngoài thế giới khí lực còn có các cõi giới khác nhưng trước tiên chúng ta hãy xem xét kĩ lưỡng cõi khí lực này.

Chắc chắn rằng Trái Đất của chúng ta có một bản kép, một bản sao chính xác. Đó chính là căn nguyên sức sống của nó, là cơ thể khí lực của Trái Đất.

Trong cơ thể con người cũng như trong bất kì cơ thể động vật nào đều có bốn thể ê-te. Thể thứ nhất có thể được gọi là “ê-te hóa học”. Đó chính là ê-te liên quan đến các quá trình tiêu hóa và đào thải hữu cơ. Thể thứ hai là “ê-te sự sống”, liên quan đến các quá trình sinh sản. Thể thứ ba là “ê-te sáng chói”. Ê-te này cho phép sinh vật có nhận thức giác quan bên ngoài cũng như phát sinh nhiệt lượng. Và thể thứ tư, căn nguyên khí lực thứ tư, “ê-te phản chiếu” liên quan đến trí tưởng tượng và ý chí của mọi sinh vật.

Khi nhìn một bông hoa, chúng ta không chỉ ngưỡng mộ các cấu trúc hình học và những cánh hoa tuyệt đẹp mà còn cả màu sắc của nó nữa. Rõ ràng là những màu sắc tự nhiên này có liên quan chặt chẽ với ê-te sáng chói của vũ trụ.

Mắt của chim đại bàng tinh sắc đến kinh ngạc. Loài chim này có thể nhìn thấy từ trên mây bất kì con chim hay con bò sát nào và nó lập tức lao xuống con mồi. Tất nhiên đó là thức ăn của nó nhưng con mắt của chim đại bàng chỉ cho chúng ta thấy về ê-te sáng chói. Nếu không có ê-te sáng chói thì sẽ không có nhận thức.

Chúng ta ngưỡng mộ sức mạnh ý chí của những thiên tài vĩ đại và điều này có liên quan đến ê-te phản chiếu. Ánh sáng, sức nóng, màu sắc và âm thanh có thể kết tinh trong mọi tạo vật thông qua bốn thể ê-te phổ quát.

Khi nhà huyền học (với ê-te sáng chói và ê-te phản chiếu được hấp thụ hoàn toàn trong cơ thể cảm xúc của họ) đến thăm các cõi địa đàng hoặc thiên đàng của thế giới ê-te, họ nhìn thấy những kì quan và vẻ đẹp thực thụ với những ngọn núi trong suốt như pha lê mang một màu xanh khó tả. Ở đây cũng có những ngôi đền của thiên nhiên.

Mọi sinh vật ở vương quốc động vật đều có tổ chức. Các tinh chất (hay còn gọi là Phật Tính) liên tục được tái sinh trong các cơ thể động vật khác nhau, được gọi là “tinh linh“. Chúng đi dự lễ tại những ngôi đền bí mật của mình ở thiên đường, tức là ở chiều không gian thứ tư.

Trong thế giới thực vật, mỗi loài cây cỏ cũng có tinh linh riêng và được tổ chức theo họ. Ví dụ như họ cam, họ bạc hà, họ thông. Mỗi họ thực vật đều có đền thờ riêng trong thế giới ê-te, ở đó chúng được các Deva [thần linh] hướng dẫn. Các tinh linh này luôn khao khát một ngày nào đó được trở thành con người.

Trong vườn địa đàng Eden, ở cõi ê-te, “khu vườn của các Hesperides”, [2] như Don Mario Roso de Luna – một nhà văn nổi tiếng người Tây Ban Nha đã nói, ở “vùng đất hứa” của Môi-se, nơi những dòng suối của sự sống trong lành với sữa và mật tuôn chảy, là những vẻ đẹp khôn lường. [3]

[2] Hesperides: Trong thần thoại Hy Lạp, Hesperides là các nữ thần của buổi tối và ánh sáng vàng của hoàng hôn là “những người con gái của buổi tối” hay “nữ thần của phương Tây”.

[3] Đoạn này đề cập đến Xuất Ai-cập Ký 3:7-8 trong Kinh Thánh Cựu Ước:

CHÚA phán, “Ta đã thấy nỗi khổ của dân Ta ở Ai-cập. Ta đã nghe tiếng kêu van của chúng vì bọn cai nô của chúng. Phải, Ta đã biết nỗi khốn khổ của chúng, vì thế Ta ngự xuống để cứu chúng khỏi tay dân Ai-cập và đem chúng ra khỏi xứ ấy, để đưa chúng vào một xứ tốt đẹp và rộng rãi, một xứ đượm sữa và mật, xứ của dân Ca-na-an, dân Hít-ti, dân A-mô-ri, dân Pê-ri-xi, dân Hi-vi, và dân Giê-bu-si.

“Khu vườn Hesperides” bởi Frederic Leighton, 1892. Trong thần thoại Hy Lạp, Hesperides là nữ tinh linh bảo vệ quả táo vàng của nư thần Hera.

Người ta ngây ngất khi chiêm ngưỡng các Gnome (tinh linh của đất và khoáng vật) ở giữa những tảng đá, những sinh vật bé nhỏ đã được nhắc đến bởi Philippus Aureolus Theophrastus Bombastus von Hohenheim hay còn gọi là “Paracelsus“.

Người ta choáng ngợp khi nhìn thấy các Salamander (tinh linh của nguyên tố lửa) trong ngọn lửa, các sinh vật đó trông giống như những con thằn lằn nhỏ. Chúng thực sự đem lại sự sống cho nguyên tố lửa.

Người ta cũng không khỏi xúc động khi chiêm ngưỡng các Sylph (tinh linh của nguyên tố khí) vui nhộn của cõi ê-te, những tinh linh đã tạo ra hình dạng kì lạ cho những đám mây.

Người ta không khỏi ngất ngây khi nhìn thấy các Nereid (tinh linh của nguyên tố nước) của biển cả, họ xây dựng cung điện dưới đáy biển. Người ta kể rẳng khi một Nereid yêu một con người, nàng sẽ đưa người yêu về nhà mình nơi đáy biển để cùng nhau xây dựng tổ ấm. Dĩ nhiên là con người đó đã phải thoát xác vì anh ta đã lấy một Nereid.

Trong cõi ê-te có những sinh vật nhỏ bé với sức mạnh phi thường. Nơi đây, có những sinh vật nhỏ xíu mà chỉ cần dùng lưỡi gươm lửa chạm vào là đủ để làm nổi lên hoặc dập tắt một cơn bão. Cũng có những sinh vật khác có khả năng làm núi lửa phun trào.

Đức Manjushri (Văn-thù-sư-lợi) với thanh gươm rực lửa. Trong giấc mơ chúng ta rút thanh gươm này từ trong cột sống.

Các thiên thần của sự sống hoạt động trong thế giới ê-te. Sứ mệnh cao cả của họ là ban cho mỗi con người một cơ thể khí lực khi đầu thai, tái sinh và tái hiện thân. Những vị thiên thần Deva này hiển nhiên có quyền năng điều khiển nước ối và mọi loại vật chất nói chung.

Cõi Cảm Xúc

Ở trên cõi khí lực là cõi cảm xúc. [tiếng Anh: Astral Plane] Chúng ta sẽ không khỏi kinh ngạc khi được chiêm ngưỡng cõi này. Ánh sáng của cõi cảm xúc [tiếng Anh: Astral Light] chính là “thủy ngân” và “ma-giê” của các nhà luyện kim đan cổ đại, là con “rồng bay” của Medea, là “INRI” của người Kitô giáo, là “Tarot” của người Bohemian. Đó là ngọn lửa được phóng ra từ vầng hào quang của Mặt Trời và gắn vào Trái Đất do lực hấp dẫn và sức nặng của bầu khí quyển.

INRI” được khắc vào một biển ở trên cây thánh giá của Chúa Giê-su

Người ta kinh ngạc khi chiêm ngưỡng cõi cảm xúc rộng lớn. Các thành viên của hội Thông Thiên Học gọi đó là Kamaloka. Quả thực, cõi này có bảy vùng, được các nhà Thông thiên học gọi là các “tầng phụ” [subplane].

Chúng tôi muốn chân thành nói rằng thế giới này có bảy sắc điệu, bởi như tôi đã nói, chúng ta không dùng từ “tầng” [plane] hoặc “tầng phụ” [subplane] trong từ vựng Gnosis.

Trong cõi cảm xúc, có hai phần rõ ràng: một phần có thể được gọi là “cõi cảm xúc cao cấp” và phần kia là “Kamaloka hạ cấp” [5] theo cách nói của người Ấn Độ.

[5] Kamaloka (tiếng Phạn): Kama (lòng tham) + Loka (cõi)

Trong cõi cảm xúc có linh hồn của những người chết, người đã khuất, người đã rời bỏ cơ thể vật chất của mình.

Ở đó cũng có các thiên thần – Deva – của thiên nhiên. Trong cõi cảm xúc, chúng ta có thể khấn gọi các đấng tạo hóa của vũ trụ và sẽ được họ đáp lời. Thế giới cảm xúc có nhiều ngôi đền huyền học, nơi gặp gỡ của các bậc chân sư của hội Huynh Đệ Trắng phổ quát. Chúng ta có cách thức và phương tiện để đi vào thế giới đó theo ý muốn.

Tất cả mọi thứ đều có một bản sao của nó trong cõi cảm xúc, ngay cả Trái Đất cũng có bản sao của nó trong cõi cảm xúc.

Cõi Lý Trí

Vượt xa khỏi cõi cảm xúc, có thế giới của tâm trí càn khôn. Các nhà Thông Thiên Học khẳng định rằng cõi này là “Devachan”, rằng “sau khi chết, những người đã xa lìa thể xác sẽ trải qua một thời gian hạnh phúc ở đó trước khi đầu thai lại”.

Chúng tôi phải nhấn mạnh rằng mặc dù phần trên của cõi lý trí đúng là đẹp đẽ phi thường, nhưng không phải ai cũng có thể vào được đó. Thông thường, họ sẽ đầu thai trước khi tận hưởng những niềm vui sướng của cõi Devachan.

Trong cõi này có nhiều đền thờ, nơi lưu giữ các tác phẩm của Hermes Trismegistus. Đó là những tác phẩm kể về các phép màu, những kì quan, cũng như các chiến tích vĩ đại của ông.

Cõi Căn Nguyên

Đằng sau thế giới lý trí là thế giới căn nguyên. Gọi như vậy là vì ở cõi này, nhân và quả không ngừng diễn ra trong một hiện tại vĩnh cửu.

Nhiều tác giả Thông Thiên Học phương Đông khẳng định rằng “sau khi chết, hầu hết mọi người sẽ đi vào cõi căn nguyên”. Quan niệm này là hoàn toàn sai lầm vì nếu việc truy cập vào cõi lý trí đã khó rồi thì truy cập vào cõi căn nguyên còn khó hơn nhiều.

Cõi căn nguyên có màu xanh dương đậm, lạ thường. Cơ thể căn nguyên tỏa sáng tuyệt đẹp. Những ngọn núi ở đó thẫm đẫm một màu xanh dương khó tả. Đó là thế giới của nguyên nhân và kết quả. Nơi đây, ta thấy hoạt động của nghiệp quả: mỗi nhân sẽ trổ quả ra sao, mỗi quả có nhân thế nào và tiến trình của nhân quả trong khoảnh khắc vĩnh cửu của cuộc sống. Chúng ta có thể nói rằng cõi căn nguyên là một thế giới của những con sóng, của hành động và kết quả. Ở đó, các nguyên tắc căn bản điều khiển nghiệp với trí tuệ vĩ đại.

Cõi Trực Giác

Rời khỏi cõi căn nguyên, chúng ta đến cõi Buddhi hay còn gọi là cõi trực giác. Cơ thể Buddhi hay cơ thể trực giác của vũ trụ thật vĩ đại, siêu phàm, nó chứa đựng cả hệ mặt trời và còn hơn thế nữa.

[5.5] Buddhi (trực giác) khác với Bodhi (bồ đề)

Cõi này được gọi là cõi “trực giác” vì ở đó chúng ta có trực giác mạnh mẽ. Chính nhờ trực giác mà ở cõi này chúng ta có thể lĩnh hội được tri thức siêu việt thiêng liêng.

Cõi Atman

Vượt xa ra ngoài cõi trực giác, là cõi Atman, thứ “không thể diễn tả được”. Atman rõ ràng là một cõi với vẻ đẹp phi thường.

Niết bàn

Vượt ngoài thế giới Atman, xa hơn nữa là Niết bàn. Niết bàn là cõi phúc lạc tối thượng. Ở Niết bàn, cuộc sống mở ra một cách tự do trong khoảnh khắc vĩnh cửu, trong hiện tại vĩnh cửu. Những ai được sống trong cõi Niết bàn sẽ được hưởng phúc lạc vô tận, họ vượt ra khỏi thiện và ác.

Những bậc sống ở cõi Niết bàn được chia ra làm hai nhóm: cư dân niết bàn hữu dư và cư dân niết bàn vô dư.

“Cư dân Niết bàn hữu dư” nghĩa là gì? Ta hiểu đó là những bậc đã đạt tới Niết bàn mà vẫn còn dư lại một vài “yếu tố” của cái tôi. Nói vậy không có nghĩa là họ đã nhập Niết bàn với cái tôi của mình, nhưng họ để lại đây, trong thế giới hữu quan này, các “yếu tố” của cái tôi chưa được tan rã.

Còn “cư dân Niết bàn vô dư” nghĩa là gì? Đó là những bậc đã nhập Niết bàn và đã tiêu diệt hoàn toàn mọi yếu tố không mong muốn, không còn những yếu tố chủ quan. Họ không để lại trong thế giới này bất kì cấu trúc tâm lý phi nhân tính nào nữa. Có thể nói, họ là những người “đã chết hẳn”.

Các Cõi Cao Hơn

Niết bàn không phải là tất cả. Bên trên Niết bàn có cõi Bát Niết bàn (Parinirvana), nơi mà niềm hân hoan tăng lên tột độ. Trên Bát Niết bàn là Đại Bát Niết bàn (Mahaparinirvana), rồi đến cõi Adi và cuối cùng là cõi Đơn tử (Monad).

Cõi Đơn tử là gì? Đó là thế giới của Ngôi Lời thứ ba, cõi giới phi thường khôn tả mà Shiva, Ngôi Lời thứ ba, sống và hoạt động.

Mỗi người trong chúng ta đều có một Shiva thần thánh riêng ở cõi này. Đó là vị vua mà một ngày nào đó phải bước vào thế giới hữu quan này, phải được hợp nhất trong cơ thể này, phải được bao bọc trong sự hiện hữu của chính mình.

Ngoài ra còn có những cõi cao hơn, như cõi của Đấng Ki-tô Càn Khôn và cõi của Đức Chúa Cha.

Vâng, các anh chị em, những gì mà chúng tôi vừa tóm tắt sơ qua ở trên đều đã được mô tả trong nhiều tập sách của phái Thông thiên học, phái giả Rosicrucian, v.v. Bây giờ, chúng ta sẽ nghiên cứu nội dung này một cách chi tiết hơn, dưới ánh sáng giáo lý Kabbalah của người Do Thái.

Kabbalah

Anh chị em thân mến, chúng ta phải hiểu rằng đằng sau mọi viễn cảnh càn khôn này, sau hàng loạt cõi giới mà tôi đã mô tả sơ lược, là một Đấng vượt qua ngoài mọi nhận biết. Toàn bộ con người và thánh thần đều phải phủ phục với lòng khiêm tốn tột cùng trước vị này.

Nếu hỏi bất kì một đạo sư nào của hội Huynh Đệ Trắng về bản thân họ, vị ấy sẽ nói: “Tôi chỉ đang ở bên bờ của một đại dương bao la vĩ đại”.

Giáo lý Kabbalah của người Do Thái có nói về hiện tượng xuất phát từ các sephirah. [6] Những hiện tượng này là cái gì, và từ đâu ra?

[6] Sephirah (tiếng Do Thái: סְפִירוֹת): https://gnosisvn.org/2017/03/19/sephirah-sephiroh/

Các cõi giới này chính là các Sephirah. Chúng đến từ đâu? Chúng đã ra đời như thế nào? Các Sephirah được phóng ra từ cõi Tuyệt đối. Xin nhắc lại: tôi đang nói về các Sephirah. Khi nói về các cõi giới của vũ trụ là chúng ta đang nói về các Sephirah. Điều này có nghĩa là các cõi giới siêu cảm và các Sephirah là một.

Các Sephirah bắt nguồn từ cõi Tuyệt đối.

Kether (Phiên âm: Ke-ther)

Người ta nói rằng sephirah đầu tiên được hình thành là Kether, đấng Thái cổ. Nhưng chúng ta cần hiểu vị tôn giả này là ai, “gương mặt vĩ đại” này là gì.

Giáo lý Kabbalah của người Do Thái nói rằng đó là “điều bí ẩn trên mọi bí ẩn, lòng nhân từ trên mọi nhân từ và sự thiện lành trên mọi thiện lành.”

Rõ ràng chúa Giêsu đã chỉ rõ điều đó […] với một cụm từ “Abba” (Đức Cha). Chắc chắn, Kether là Đức Cha bí ẩn của chúng ta. Như vị thầy vĩ đại Helena Petrovna Blavatsky đã nói, “có bao nhiêu con người dưới mặt đất thì có bấy nhiêu Đức Cha trên thiên đàng.”

Và như vậy, mỗi chúng ta đều có Đức Cha bí ẩn của mình, Đức Cha trên thiên đàng. Đó chính là Kether, vị tôn giả của mọi thời đại, đấng Thái cổ, gương mặt vĩ đại. Trong Kether chứa đựng tất cả các Sephirah khác.

Vào thuở bình minh của sự sống chỉ có đấng Thái cổ, mọi thứ khác đều bắt nguồn từ Ngài. Tất cả các Sephirah khác, các thế giới, hay các cõi như chúng tôi đã nói, cũng đều bắt nguồn từ Kether.

Chokmah (phiên âm: Khâkh-ma)

Từ Kether, sephirah thứ hai được phát ra là Chokmah. Chokmah là Kitô, nhưng đừng nghĩ về Kitô như một chủ thể chỉ sống trong vùng đất thánh. [6.1] Không! Kitô là một điều gì đó vĩ đại hơn thế: Kitô là một căn nguyên phổ quát và vĩnh cửu, tồn tại vượt ra ngoài cái tôi, bên ngoài tính cách, bên ngoài tính cá thể.

[6.1] Vùng đất thanh ở đây là Israel.

Do đó, sự biểu hiện đầu tiên, sự hiện hữu đầu tiên (như chúng ta đã nói) là đấng Thái cổ. [Sau đó], Kether lại hiển lộ mình trong Kitô, nhưng không phải là cá thể Chúa Kitô. Không! Kitô ở đây là một căn nguyên phổ quát, một nguyên lý được hiện thể trong mỗi con người khi đã hoàn toàn sẵn sàng. Các bạn cần phải biết cách hiểu đúng điều này: không phải là chúng ta tìm cách hạ thấp bậc chân sư vĩ đại Yeshuah Ben Pander, hay chính là Giêsu thành Na-xa-rét, không phải thế!

Chúng ta biết rằng chân sư vĩ đại này là người hoàn hảo. Như mọi người đều biết, Ngài đã được học đạo ở Ai Cập. Ngài cũng đã được nhận điểm đạo vào giáo phái bí ẩn của Chaldea, Ba Tư, Hy Lạp, đây là sự thật. Chúng ta cũng biết rằng Ngài đã tiếp thu căn nguyên huyền học tốt nhất ở Tây Tạng mà hiện giờ ở đó vẫn còn một tu viện phụng thờ ngài. Tất cả chúng ta đều biết điều này. Trước khi đến vùng đất thánh là Ngài đã được chuẩn bị một cách đầy đủ.

Nhưng Kitô Càn Khôn không chỉ hiển lộ qua Chúa Giêsu – Yeshua Ben Pander – mà còn hiển lộ một cách sống động trong thánh Giăng Báp-tít. Đó là lý do người ta nói thánh Giăng là một “Christus”.

Ai cũng biết về việc tranh cãi giữa những môn đệ Gnosis của đất thánh. Một số khẳng định rằng “Giêsu thành Na-xa-rét chỉ là một trong số những người đệ tử của thánh Giăng” và rằng “thánh Giăng mới là người được xức dầu thực sự”. Thực tế là cả thánh Giăng và Chúa Giêsu đều là hiện thân của Kitô.

Cách đây rất lâu, Hermes Trismegistus, thần Thoth vĩ đại với hóa thân là chim cò quăm, đã hiện thân đấng Kitô. Ở Ấn Độ, Krishna là hiện thể sống của Kitô Càn Khôn. Trong số những người Inca ở Peru, Manco-Capac là hiện thân của Kitô Càn Khôn. Và ở Mexico, chúng ta có Quetzalcoatl, đấng Kitô sống, hiện thể trong một con người.

Thế nên, đức Chúa, đấng Kitô, sẽ hiện thể trong bất cứ người nào đã sẵn sàng.

Kitô là một căn nguyên phổ quát. Kitô là Vishnu của thánh địa Ấn Độ Giáo, là Osiris của người Ai Cập, là thần Mặt Trời của các dân tộc cổ đại, là Ahuramazda của Zarathustra, v.v.

Thế giới của Kitô là nhất thể. Đó là cõi giới của Chokmah. Trong cõi ấy, tất cả chúng ta đều là một. Trong Kitô, sự đa dạng cũng là sự hợp nhất.

Khi tìm hiểu về thánh Giăng, tôi đã có nhiều trải nghiệm phi thường đáng kinh ngạc. Khi tìm hiểu về Kitô Càn Khôn, tôi cũng đã choáng váng với những gì mình biết được.

Lúc này đây, bỗng tôi nhớ đến một vài ký ức lạ thường. Một ngày nọ, khi đang thiền sâu, tôi đã bước vào trạng thái có thể gọi là Nirvikalpa-Samadhi. Rồi tôi bỏ lại mọi phương tiện [7] và tiến vào cõi giới của Kitô, của Vishnu, vượt trên cá thể, tính cách và cái tôi.

[7] Bỏ lại mọi phương tiện – tức là thầy đã xuất ra khỏi tất cả cơ thể vật chất, cơ thể khí lực, cơ thể cảm xúc, cơ thể lý trí, cơ thể căn nguyên, cơ thể Buddhi và cơ thể Atman.

Tôi đã thử tìm hiểu cuộc đời của Chúa Giêsu, vào thời điểm Ngài chịu phép rửa tội, và một điều kì lạ đã xảy đến với tôi. Mặc dù cũng bất toàn như bất kì sinh vật nào khác, nhưng lúc đó tôi đã thấy mình trở thành Chúa Giêsu đang làm những phép màu và những điều kỳ diệu. Đương nhiên, điều này rất kỳ lạ.

Khi đến sông Giô-đanh, thánh Giăng đang đợi tôi. Ngài mặc áo choàng thánh như một thầy tế cao cấp. Tôi thấy Giăng ở bậc thềm của nhà thờ. Ngài mời tôi vào và tôi đi theo. Khi đến gần bàn thờ, thánh Giăng đã thốt lên: “Giêsu, hãy cởi áo của Ngài ra!”

Thế là tôi làm theo, chỉ chừa lại một dải khố.

Sau đó, Giăng Báp-tít bước vào bể nước. Ngài lấy dầu thiêng ra, thứ dầu dùng để xức cho các điểm đạo đồ. Khi đó tôi đã được xức dầu. Rồi thánh Giăng ra lệnh cho tôi ngồi vào một chiếc ghế, ở đó tôi nhìn thấy biểu tượng của Chúa Ba Ngôi (Brahma, Vishnu, và Shiva) tỏa sáng rực rỡ trong không gian vô tận.

Khi trạng thái định qua đi, tôi trở về trong cơ thể của mình và thốt lên: “Gì cơ? Mình, mình đã biến thành Giêsu? Mình, kẻ còn không xứng cởi quai dép cho Chân sư Giêsu, thậm chí không xứng để lau bụi giày cho Thầy, đã trở thành Chúa Giêsu sao? Điều này là không thể!”

Rồi tôi nói: “Bây giờ mình sẽ nghiên cứu về thánh Giăng. Bây giờ mình sẽ không nghiên cứu Chúa Giêsu nữa, mà là Giăng.”

Rồi, tôi đã nhập thiền và nhập định trở lại. Tôi rời khỏi mọi cơ thể và chờ đợi trong cõi giới của Kitô. Trong cõi đó, tôi đã thử tìm hiểu về thánh Giăng Báp-tít. Khi làm như vậy, khung cảnh đã thay đổi, tôi không còn thấy mình là Chúa Giêsu của xứ Na-xa-rét nữa mà đã trở thành thánh Giăng. Các nhân vật vẫn xuất hiện như cũ nhưng lần này đảo ngược vai. Bấy giờ, tôi, Giăng nói với Chúa Giêsu rằng: “Mời ngài cởi áo ra, ta sẽ làm phép rửa tội cho ngài!”

Thánh Giăng làm lễ xúc dầu cho Chúa Giê-su

Tôi lấy dầu ra và xức cho Chúa Giêsu. Khi quay lại cơ thể vật chất sau khi xuất định, tôi đã hiểu ra mọi việc: trong thế giới của Kitô không có tính cách, không có cá thể, không có cái tôi. Ở đó tất cả chúng ta là một. Ở đó, chúng ta là đấng Kitô, là Đức Phật, là Tiên Tri Mohammed. Ở đó chúng ta là tất cả.

Khi ở trong các cõi ấy, nếu tôi thử nghiên cứu về bất kì ai trong số các bạn ở đây thay vì nghiên cứu về Chúa Giêsu hay Thánh Giăng, hẳn tôi đã thấy chính mình trở thành người đó. Tôi hẳn đã có cảm giác như bạn đã có, làm những gì bạn làm, nói những gì bạn nói, v.v.

Trong cõi Chokmah không có tính cách. Ở đó tất cả chúng ta là một. Đó là lí do vì sao người ta nói “đa dạng chính là nhất thể”.

Như vậy, Chokmah là cõi giới của Kitô.

Binah (Phiên âm: Bi-na)

Hóa thân thứ ba là Binah, là Đức Thánh Linh. Một số nhà Kabbalah học cho rằng Chokmah mang tính nam và Binah mang tính nữ. Quan điểm này hơi sai lầm vì chắc chắn rằng Binah có thể phân cực thành dạng nam hoặc nữ.

Trong cõi giới của Binah có Logos thứ ba – thần Shiva riêng của bất kì ai trong chúng ta, bản thể chân thật, đích thực của ta. Đó là lý do tại sao người ta hay nói rằng “Shiva là người con đầu tiên của tạo hóa.”

Binah hiển lộ dưới hình tướng của Đức mẹ Kundalini. Do đó mà nhiều nhà Kabbalah học nghĩ rằng Binah mang tính nữ. Nhưng không, Binah mang cả tính nam và tính nữ. Trong dạng nam, Binah là Shiva và trong dạng nữ, Binah là Durga hay Kali, là tiềm năng Shakti của vũ trụ. Và mỗi chúng ta đều có một Shiva và một Shakti hay Đức mẹ của riêng mình.

Nam thần Shiva và nữ thần Shakti tượng trưng cho hai khía cạnh nam và nữ của Đức Thánh Linh.

Như vậy, hỡi anh chị em, ba sephirah tối thượng gồm có: Đức Chúa Cha kính yêu, Đức Chúa Con tôn kính, và Đức Thánh Linh mạnh mẽ thông tuệ.

Người ta đã thảo luận rất nhiều về phẩm chất của mỗi sephirah này. Theo trải nghiệm của tôi, Đức Chúa Cha là trí tuệ, Đức Chúa Con là tình yêu, và Đức Thánh Linh là sức mạnh (tất nhiên không loại trừ cả trí tuệ). Ba đấng tối thượng này tạo thành vương miện sephirah vĩ đại, nhưng tất cả đều bắt nguồn từ đấng Thái cổ, từ Đức Cha bí ẩn.

Hiển nhiên, vùng Atziluth trong Kabbalah bao gồm ba cõi tối cao này. Đó là thế giới huy hoàng, nơi có niềm hạnh phúc phi thường, vượt ra ngoài thiện và ác.

Chesed (Phiên âm: Khe-seđ)

Chesed được phát ra, được hóa thân từ vương miện của các sephirah đó. Chesed chính là Atman, là bản thể, cõi giới phi thường khôn tả của Atman.

Cõi này là phúc lạc khôn xiết. Atman là bản thể của chúng ta. Bản “Kinh trí tuệ” cổ đại có nói:

Trước khi bình minh giả đến trên Trái Đất này, những người sống sót sau trận cuồng phong và bão tố đã ca ngợi bản thể và những sứ giả của bình minh đã xuất hiện trước mặt họ.

[8] Câu này được trích từ sách “Suối nguồn Tuổi trẻ Kỷ nguyên” (The Dayspring of Youth)

Bản thể là toàn năng. Trong thế giới của Atman, chúng ta biết được thực tế trần trụi của thế giới. Ví dụ như, trong cõi vật chất, chúng ta nhìn thấy một chiếc bàn thờ và trên đó có vài cuốn sách. Trong cõi ê-te, ta có thể nhìn thấy một bản sao của cái bàn thờ ấy. Trong cõi cảm xúc ta vẫn thấy cái bàn thờ đó, nhưng nó có vẻ sáng hơn một chút. Trong cõi lý trí, ta thậm chí còn biết được nội dung của những cuốn sách đặt trên đó. Trong cõi căn nguyên ta thấy được xa hơn: ta có thể biết được phần tâm linh của những quyển sách đó. Trong cõi Buddhi hay cõi trực giác, chúng ta thấy bàn thờ, những cuốn sách và ngay lập tức bằng trực giác ta biết được ý nghĩa sâu xa của chúng. Thế nhưng trong cõi Atman, tất cả đều được quy về con số và toán học: ở đó chúng ta biết cái bàn thờ có bao nhiêu nguyên tử, những nguyên tử trí tuệ tiêu biểu cho từng từ ngữ được viết trong những cuốn sách đó. Cuối cùng, tất cả mọi thứ đều được quy giản về những con số.

Thế nên cõi giới Atman là một cõi giới của hiện thực trần trụi. Khi một người chưa từng thâm nhập vào cõi giới Atman, họ sẽ cảm thấy đó là một thế giới lạ thường, mơ hồ, thần thánh; có điều gì đó mà họ không thể mô tả, điều gì kiểu như: “không biết gọi là gì”. Nhưng lần đầu tiên khi chủ động đi vào cõi giới ấy, họ sẽ choáng ngợp khi thấy đó là thế giới của hiện thực rất trần trụi.

Ví dụ, ở đó chúng ta không chỉ thấy một ngôi đền như trên thế giới vật chất mà chúng ta còn biết chính xác có bao nhiêu nguyên tử trong ngôi đền đó. Không những thế, chúng ta còn biết được tính chất của mỗi nguyên tử. Cõi giới ấy là sự tổng hợp của mọi thứ thành toán học. Vậy nên đó là thế giới của thực tế, vượt ra ngoài khả năng lĩnh hội.

Nếu chúng ta đi bằng cơ thể Atman và muốn ghé vào bếp của một nhà nào đó, ta sẽ không chỉ thấy thức ăn mà còn biết chính xác mỗi thức ăn đó có bao nhiêu nguyên tử, có những khoáng chất gì, thành phần gì, mỗi phân tử có cấp độ tâm thức ra sao, tinh linh của chúng thế nào và chúng phát triển tới đâu, v.v.

Geburah (Phiên âm: G-vu-ra)

Atman tiếp tục hiển lộ, mở rộng hơn trong cõi Buddhi, là cõi trực giác.

Với đàn ông, họ sẽ cảm thấy vô cùng hân hoan khi tìm thấy trong cõi ấy Valkyrie của họ, phụ nữ thành Shulem trong bài ca Solomon, linh hồn tính nữ thần thánh, nàng Helena của thành Troy. Tương tự vậy, phụ nữ cũng rất hân hoan khi tìm thấy trong cõi ấy người yêu dấu nhất, Solomon của họ, chú rể mãi mãi của họ.

[9] Bài ca của vua Solomon, hay còn gọi là Sách Nhã Ca, là sử thi trong kinh thánh, là bài ca tình yêu với một phụ nữ Shulamite (שׁוּלַמִּית). Ý nghĩa của từ này trong tiếng Do Thái không rõ nhưng thường được hiểu là “xứ Shulem”.

Như vậy là trong cõi Buddhi hoặc cõi trực giác, chúng ta gặp được người phối ngẫu đích thực của mình. Đây là thế giới của những điều rực rỡ phi thường.

Các nhà Kabbalah học nói rằng Geburah là sự khắc nghiệt. Sự khắc nghiệt đó được chế ngự bởi Sao Hỏa. Các nhà Kabbalah học luôn đánh đồng Sao Mộc (Jupiter), cha của các vị thần, với Atman. Tuy nhiên, tôi biết rằng Atman được chế ngự bởi chiến binh, bởi Sao Hỏa vì Atman phải chiến đấu để được giải thoát. Còn với Buddhi, Geburah, người ta đã luôn muốn gắn liền nó với Sao Hỏa.

[10] Geburah trong tiếng Do Thái nghĩa là sự khắc nghiệt, quyền năng.

[11] Trong chiêm tinh học, Sao Hoả liên quan đến chiến tranh và võ thuật. Đó là lý do tại sao võ thuật trong tiếng Anh được gọi là “martial arts”. “Martial” nghĩa là “của Sao Hỏa” (tiếng Anh: Mars).

Một nhà Kabbalah học mà tôi không nêu tên ở đây, đã phàn nàn rằng họ không thành công khi cố gắng tập trung và thiền hướng về Geburah-Sao Hỏa. Khi họ thử tập trung vào Yesod thì làm được, nhưng Geburah-Sao Hỏa thì không.

Đương nhiên, làm sao họ có thể thành công được! Đúng là không thể nào thành công. Các bạn không thấy rằng việc tập trung vào Sao Hỏa – Geburah là vô lý ư? Bởi lẽ cõi giới của Geburah là cõi Buddhi hay trực giác (nơi đàn ông tìm thấy Valkyrie của mình và phụ nữ thấy người yêu dấu của họ) nên Geburah không phải được cai trị bởi Sao Hỏa mà là bởi Mặt Trời.

Vì thế nếu các học giả Kabbalah không có trải nghiệm trực tiếp với các sephirah mà chỉ thuần túy dựa vào lý trí, họ sẽ thất bại. Lý thuyết suông thôi thì chưa đủ mà cần phải có trải nghiệm thực tế.

Tôi đang nói với các bạn dựa trên trải nghiệm của mình, bởi vì mặc dù trong Geburah có con sư tử của luật lệ nhưng cũng có cả lòng thương và tình yêu. Với lý do chính đáng, Solomon đã hát cho nàng thành Sulem xinh đẹp nghe trong sách “Nhã ca”.

Chính ở trong cõi Buddhi hay cõi trực giác mà chúng ta thực sự cảm nhận được tính nhất thể của cuộc sống, nơi ta trải nghiệm sự hiệp thông với toàn bộ hệ mặt trời Ors.

[12] Ors là tên gọi hệ mặt trời của chúng ta trong tác phẩm “Beelzebub’s Tales to his Grandson” bởi G. I. Gurdjieff

Tiphereth (Phiên âm: Tiph-ê-ret)

Tiếp đến, Geburah chia ra thành Tiphereth. Tiphereth chính là cõi căn nguyên, một thế giới nơi mọi thứ đều trôi chảy, lên và xuống, phát triển và thoái trào. Ở cõi này có chu kỳ tâm thu và tâm trương (tâm thu và tâm trương chung của toàn bộ vũ trụ). Ở đây có tất cả các kỳ tâm thu và tâm trương của vũ trụ vĩ đại này.

Trong cõi căn nguyên, các lãnh thần [13] hoạt động rất tích cực, ở đó ta có các vị Archon [14] phụ trách về luật pháp. Đó là một thế giới mà, tôi xin được nhắc lại, nhân và quả gắn liền với nhau trong một hiện tại vĩnh cửu.

[13] Lãnh Thần – https://vi.wikipedia.org/wiki/Phẩm_trật_Thiên_thần_trong_Kitô_giáo

[14] Archon – từ này chỉ các vị thiên thần lớn. Ví dụ như mỗi hành tinh được một vị Archon cai quản.

Người ta đã nói khá rõ rằng nhân hồn (Tiphereth) được hoàn toàn Kitô-hóa và rằng chính tại Tiphereth chúng ta loại bỏ đến những nhân tố cuối cùng của cái tôi. Đúng vậy, vì ở đó chúng ta kết thúc với căn nguyên của ego, của cái tôi.

Chúng ta có thể đến đâu khác để chấm dứt các nguyên nhân đã tạo nên các cái tôi ở bên trong? Rõ là phải đến thế giới của căn nguyên tự nhiên, đó là Tiphereth.

Trong thế giới đó, nhân hồn yêu và được yêu. Nhân hồn phải kết hôn với người phối ngẫu của mình trong cõi Buddhi, là cõi trực giác.

Chúng ta có thể nói rằng Tiphereth là đấng cứu thế. Như vậy bộ ba sephirah trên cùng là vương miện vĩ đại gồm Kether, Chokmah, và Binah thì tổng hợp lại ta có Đức Cha riêng, toàn vẹn và không thể chia cắt. Bộ ba thứ hai là tam giác gồm Atman – Buddhi – Manas, hay nói theo kiểu Kabbalah là Chesed, Geburah và Tiphereth, bộ ba này trở thành Đức Chúa Con trong chúng ta. Đó là lý do vì sao khi Phi-líp nói với Chúa Giêsu:

“Hãy cho chúng con thấy Đức Cha”. 

Thì vị thầy vĩ đại trả lời ông:

“Người nào thấy Ta (Chúa Con) là đã thấy Cha.”

[Giăng 14:8-9, Kinh Thánh]

Thế đấy!

Một lần khi tôi đang chuyên chú rèn luyện trong thế giới Tiphereth, sau khi đã hoàn thành một công việc rèn luyện huyền học đặc biệt, Chokmah đã nhập vào tôi giống như nhân hồn. Lúc đó tôi cảm thấy khác hoàn toàn.

Ai mà lại không cảm nhận được sự biến đổi khi Kitô thâm nhập vào mình? Nhưng điều kì lạ là chính ở trong Tiphereth, trong thế giới của đấng cứu thế, tôi đã thực chứng được hiện tượng này.

Tam giác đầu tiên luôn được gọi là “Vương miện của các sephirah” hoặc “Tam giác của Ngôi lời“. Tam giác thứ hai luôn được gọi là “Tam giác của Đức Chúa Con”, hay “Tam giác đạo đức” vì ở đó chúng ta nhận biết được đâu là thiện và ác. Tiếp đến là tam giác thứ ba, tam giác của huyền thuật. Tiếp đến, Tiphereth chia ra thành Netzakh (là thế giới tâm trí), rồi Netzakh được chia thành Hod.

Netzakh (Phiên âm: Net-sakh)

Tất cả mọi thứ đều có trong tâm càn khôn. Đúng là ở tâm trí hạ cấp chúng ta thấy bản sao – hoặc hình thái tâm trí – của toàn bộ nền văn minh lỗi thời và lầm lạc này, nhưng đồng thời ở tâm trí cao cấp (mà thông thiên học phương Đông gọi là Devachan), chúng ta có tâm trí thuần khiết.

Nhưng chúng ta phải rèn luyện nỗ lực trong sâu thẳm cõi Netzakh. Trong thế giới tâm trí, chúng ta phải loại bỏ ra khỏi hiểu biết của mình mọi phần tử không xứng đáng, mọi yếu tố phi nhân tính, mọi sự hư hỏng lầm lạc.

Helena Petrovna Blavatsky, trong tác phẩm vĩ đại của mình với tựa đề “Tiếng nói Vô Thinh”, đã thốt lên:

“Trước khi ngọn lửa vàng có thể cháy ổn định, chân đèn phải được bảo vệ cẩn thận ở một nơi lặng gió.”

[15] Câu này đến từ Chí Tôn Ca 6:19, được bà Blavatsky trích trong phần III của sách Tiếng nói Vô Thinh, dòng 267

Như vậy, các bạn có thể hiểu được rằng, làm sao ngọn lửa tâm linh có thể cháy sáng nếu tâm trí ta chứa đầy bụi bặm vũ trụ? Thế nên việc thanh lọc tâm trí là cấp thiết và không thể trì hoãn.

Trong cõi Netzakh, chúng ta sẽ hiểu được mình cần rèn luyện đến mức nào để thực sự đạt đến sự khai sáng. Cõi giới Netzakh được gọi là “thế giới của chiến thắng”. Vì sao? Vì chúng ta phải chiến thắng tâm trí và thoát khỏi ảnh hưởng của nó. Đó là cách chúng ta đạt được chiến thắng. Đó là chính công việc khó khăn nhất.

[16] Trong tiếng Do Thái, từ “Netzach” nghĩa là “chiến thắng”

Trên con đường bí mật, những người rèn luyện theo các giáo lý uy nghiêm bí mật được ẩn giấu trong chiếc hòm của thời đại cổ xưa, đã được cảnh báo hàng trăm lần trên đường đi rằng: “Cho đến đây người đã đi đúng đường. Nhưng giờ khi người chuẩn bị rèn luyện tâm trí, hãy nhớ rằng tất cả những người đã thử đều thất bại. Hiếm thấy ai không thất bại vì tâm trí thực sự gian trá và nguy hiểm.”

Các bạn đang ngồi trong phòng này nghe tôi nói. Chính xác là các bạn đến đây để nghe tôi nói và tôi ở đây để nói cho các bạn những sự thật vĩ đại. Nhưng vấn đề nghiêm trọng là ở chỗ này: chúng ta có chắc chắn được là ngày mai bạn cũng sẽ ở đây không? Chính các bạn đã chứng kiến nhiều người từng đến đây và rồi không đến nữa. Một số người thậm chí còn van nài để được vào học viện thứ ba, họ đã được phép nhưng sau đó đã không quay lại nữa. Tâm trí là thế đấy!

Giờ đây các bạn có thể tự giải thích được vì sao sự giải thoát cuối cùng là khó khăn. Bây giờ bạn cũng sẽ hiểu được vì sao cõi Netzakh được gọi là chiến thắng, “cõi chiến thắng” bởi vì đương nhiên nếu chúng ta chinh phục được tâm trí tức là ta đã chiến thắng. Ai giải thoát được khỏi tâm trí chính là người chiến thắng, là một vị Phật.

Trong thế giới của tâm trí có những ngôi đền kì vĩ. Ở cõi nãy có bản sao của đại dương sâu thẳm và các lục địa. Với cơ thể tâm trí, chúng ta có thể du hành qua hệ mặt trời và xa hơn nữa. Chúng ta có thể du hành đến những nơi đó.

Trong phương tiện [cơ thể tâm trí] ấy, vang lên các giai điệu diệu kì của Devachan, như chiếc đàn hạc phi thường trong không gian vô tận. Các ngôi đền của thần Hermes với những cánh cổng vinh quang, tỏa sáng trong ngọn lửa của toàn vũ trụ. Đây là nơi chúng ta có thể tìm hiểu về mọi công trình vĩ đại chân sư Hermes đã thực hiện.

Hod (Phiên âm: Hôđ)

Tiếp đến, Netzakh được chia ra thành cõi giới Hod theo cách gọi của nhà Kabbalah học, hay là cõi cảm xúc.

Rõ ràng, vùng hạ cấp của Hođ chính là vùng hạ cấp Kamaloka mà người Ấn Độ Giáo nói đến.

[17] Kamaloka – trong tiếng Phạn, kama là tham vọng và loka là cõi giới hoặc là hành tinh.

Ở vùng thượng cấp có nhiều Mahatma, nhiều thiên thần huy hoàng ngập tràn phúc lạc. Ở vùng hạ cấp có các hội phù thủy thời trung cổ, các ngôi đền của phép thuật đen, những linh hồn đau buồn, những chúng sinh đau khổ, những kẻ rên rỉ khóc than và cả những kẻ độc ác.

[18] Mahatma – trong tiếng Phạn, maha là “vĩ đại” và atma là “linh hồn”. Mahatma là linh hồn vĩ đại, là vị thánh.

Yesod (Phiên âm: Ye-sôđ)

Xuống đến phần tiếp theo là Yesod, cõi ê-te, nơi lưu chứa năng lượng tình dục của toàn thế giới. Khối đá lập phương của Yesod chính là tình dục. Rõ ràng, thế giới của Yesod – như chúng ta đã nói – là thế giới ê-te. Như vậy, Netzach, Hod cùng với Yesod tạo thành “tam giác thần thông”.

[19] Khối đá lập phương – https://gnosisvn.org/2022/09/16/xay-nha-tren-cat-xay-nha-tren-da/

Malkuth (Phiên âm: Mal-khut)

Chúng ta đang ở đây trong thế giới vật chất, trong sephirah sa ngã này, trong Malkuth. Đây là nơi chúng ta học tập, chuẩn bị và rèn luyện. Nhưng Malkuth không chỉ là thế giới vật chất.

Hãy nhớ rằng bên trong Trái Đất, trong các chiều kích hạ cấp, có các Klipoth. Các cõi Klipoth này đến từ Malkuth.

Kliphoth (Phiên âm: Cli-pôt)

Có chín chiều kích hạ cấp được biểu trưng một cách trí tuệ trong “Thần Khúc” của Dante. Trong chín chiều kích hạ cấp này, loài người bị thoái hóa. Nhiều người vào vương quốc của Klipoth trước khi kết thúc chu kỳ đầu thai ở cõi vật chất bởi vì họ quá cố chấp một cách sai lạc, nhưng cũng có những người vào vương quốc này vì thời gian của họ đã hết.

Chúng ta đã được biết sự thật là mỗi người được phân cho 108 kiếp sống. Nếu chu kì 108 kiếp này hết [trước khi thoát khỏi luân hồi] thì chúng ta sẽ bị giáng xuống thế giới của Klipoth, kể cả khi chúng ta không phải người xấu xa hay lầm lạc.

Tôi biết một người mà tôi không tiện nói tên, anh ấy vẫn đang còn sống trên Trái Đất và đôi mắt vẫn có thể nhìn thấy ánh sáng êm dịu của ban ngày. Đó là một người con ngoan, theo học ngành y, bố mẹ anh rất yêu quý anh. Anh ấy mới bị tai nạn giao thông, bị ô tô đâm và lúc đó tôi nảy ra ý định tìm hiểu về tình hình của anh ta trong các thế giới vô hình.

Đương nhiên tôi đã tìm thấy anh ấy và nhân danh sự thật mà nói rằng anh ấy không ở các cõi thượng cấp của thế giới ba chiều. Không! Anh ta ở trong thế giới của Klipoth, trong cõi thứ nhất của chỗ ta có thể gọi là “vùng mặt trăng hạ cấp”, trong cõi thứ nhất của Thần Khúc. Sẽ có người thắc mắc rằng: nếu anh ta còn sống thì làm sao có thể như thế được? Vâng, đúng là anh ta còn sống. Tuy nhiên, đã qua 108 kiếp sống và chu kì kiếp sống của anh ta đã hết. Bây giờ, dù là một người con ngoan, một công dân tốt nhưng vì anh ta đã không làm gì trong bất kì một kiếp sống nào để đạt tới sự khai ngộ cho nên bánh xe đã quay rồi, bánh xe của luân hồi. Giờ đây anh ta đang bị thoái hóa trong vương quốc chất khoáng chìm sâu dưới lòng đất.

Tôi biết một người khác nữa, một phụ nữ. Cô ấy vẫn đang sống trên mặt đất, nhưng đã chìm vào trong cõi thứ ba của Thần Khúc. Rõ là cô ấy đã lạm dụng năng lượng sáng tạo của Ngôi Lời thứ ba và sa vào con đường đen tối. Khi qua đời, cô ấy sẽ tiếp tục sống trong vùng đó, trong cõi thứ ba của Thần Khúc.

[20] Lạm dụng năng lượng sáng tạo – cô này đã bị rơi vào tính dục thoái hóa.

Có một người khác nữa đang ở trong cõi thứ năm của Thần Khúc. Người này đã qua đời. Có những sinh linh lầm lạc đến độ khi hồn lìa khỏi xác là họ nhập ngay lập tức vào cõi thứ chín [của Thần Khúc].

Thế còn những kẻ tống tiền, những kẻ sát nhân đã bắt cóc người khác, lấy tiền chuộc và giết cả con tin như ta vẫn đọc được trong tin tức báo chí đưa hàng ngày và liên tục diễn ra trên toàn thế giới thì sao? Những kẻ quái ác như thế chắc chắn là ứng cử viên cho cõi thứ chín của Thần Khúc.

Như vậy, liệu có phải các sinh linh chỉ cần lần lượt trải qua các lần tái sinh là sẽ tiến đến sự giải thoát cuối cùng – như thành viên của các trường phái giả bí truyền và giả huyền học vẫn nhấn mạnh? Rõ ràng là không! Bởi vì minh chứng (và thực tế đã cho thấy) rằng thay vì tiến hóa, chúng ta đang thoái hóa.

Nếu nhìn vào bức tranh toàn cảnh của nhân loại, các bạn có thể nhận thấy điều này ở hàng triệu sinh linh đang cư trú trên bề mặt Trái Đất. Những đám đông kia có thuần khiết và đẹp đẽ không? Họ có phải những người trong sáng của Arcadia cổ đại không? Những người ngoài kia có phải những người đã từng tôn thờ Mặt Trời và các tinh linh vào buổi bình minh, khi Trái Đất của chúng ta còn mang trọn vẻ đẹp đẽ huy hoàng? Các bạn có nghĩ rằng con người đang sống trong thời đại này có thể vào vườn địa đàng Eden? Đâu là sự hoàn hảo của hàng triệu chúng sinh ngoài kia? Chúng ta chưa thấy đúng không? Và đó có phải là tiến hóa? Ngược lại, đó thực sự là thoái hóa.

Tôi không biết những tín đồ của thuyết tiến hóa đang dựa vào đâu để khẳng định rằng mọi thứ đang phát triển, trong khi thực tế loài người đang dần đánh mất tất cả. Các giác quan của con người đã thoái hóa, họ trở nên kỳ quái và xấu xa. Chúng ta có đang sống trong thời kì mà những con sông của sự sống trong lành chảy tràn sữa và mật, khi mà cây đàn lia của Orpheus vang vọng khắp vũ trụ. Thật đáng buồn đây không phải thời kì đó, khi loài người đã từng tôn thờ các vị thần thánh.

Trên phố, chúng ta gặp những người trông thật ngây thơ, giống như những người đến từ vườn địa đàng Eden. Trông họ mới ngây thơ làm sao. Có thật như vậy không? Họ nắm tay nhau dạo bước – thật tình cảm và ngọt ngào – trong vẻ ngoài thuần khiết. Nhưng nếu nhìn vào sâu bên trong họ, chúng ta sẽ thấy những điều tà dâm, trụy lạc. Thế giới này là như vậy đấy, ở đây, ở kia và ở khắp mọi nơi!

Thế nên, thuyết tiến hóa thật sai lầm. Việc khẳng định rằng chúng ta đều đang tiến hóa trở thành thần thánh là một lời dối trá, vì sự thật đang chứng minh điều ngược lại.

Đâu rồi những kim tự tháp với các giáo phái huyền bí vĩ đại của chúng? Vâng, chúng ở đó, ở Teotihuacan, vô hồn và lạnh lẽo! Đâu rồi những kim tự tháp Ai Cập cùng các vị tư tế? Kim tự tháp vẫn ở đó với những khối đá bị Mặt Trời nung nóng, mang trên mình sức nặng hàng thế kỉ! Nhưng chuyện gì đã xảy ra với các vị tư tế? Giờ đây, ở ngoài kia, họ đang lang thang, sa ngã và mắc kẹt trong bùn lầy.

Thời gian gần đây tôi đã băn khoăn và tìm hiểu về một vấn đề quan trọng. Chúng ta đã nói nhiều về sứ đồ Gia-cô-bê, vị thánh bảo hộ của công trình vĩ đại. Bức thư càn khôn của vị sứ đồ vĩ đại vẫn còn đó, nhưng có một điều khiến tôi bối rối: Tôi đã đến thế giới của tâm thức càn khôn, sephirah Hod, đó vì tôi muốn tìm hiểu về một điều.

Thánh Gia-cô-bê Tiền bởi Bartolomé Esteban Murillo, 1655

Tôi phát hiện ra rằng, trong một kiếp trước đây vị này từng là một trong những “Huiracocha” nổi tiếng. Điều này nghe lạ tai, đúng không? Gia-cô-bê của đất thánh đã xuất hiện ở Tây Ban Nha và sau đó là ở những nơi khác. Ông ấy là một người bất tử, rõ ràng là như thế.

[21] Huiracocha – vị thần của người dân tộc Inca ở châu Mỹ.

Nhưng nếu mọi thứ chỉ dừng lại ở đó thì đã không có gì phải ngạc nhiên. Điều nghiêm trọng là ở chỗ, ông ấy đã sa ngã và cũng mất đi cơ thể bất tử của mình. Nhưng vị thánh bảo hộ của công trình vĩ đại lại có thể sa ngã ư? Không thể nào, hẳn là ta sẽ nói như vậy. Nhưng thực sự ông ấy đã sa ngã và hiện giờ ông ấy sống ở Brazil và đang theo phong trào Gnosis của chúng ta. Ông đang làm việc phụng sự cho nhân loại. Đúng vậy, ông ấy đang nỗ lực để tự cứu chuộc lại mình. Nhưng các bạn thấy đấy: những người bất tử cũng có thể sa ngã.

Chung quy lại, anh chị em thân mến, trong thời đại này mọi thứ đều là bóng tối sâu thẳm: những thiên thần bị sa ngã, thánh địa bị mạo phạm, điểm đạo đồ bị đánh bại, khổ đau và cay đắng.

Đây có thể được gọi là tiến hóa hay không? Không! Nếu ngay cả những người vĩ đại cũng sa ngã, vậy những người còn chưa bao giờ trở thành tư tế hay tương tự thì sao? Chúng ta nói được gì về những đám đông kia, những đám người hỗn tạp đến và đi qua những con đường của thượng đế? Họ hoàn thành số mệnh của mình, họ hoàn thành chu kì đầu thai và rồi họ sa xuống các thế giới của Klipoth. Thế mới tốt cho bản thân họ và mọi người xung quanh.

Số phận của chúng ta sẽ như thế nào nếu những người lầm lạc không đi xuống các thế giới của Klipoth? Cứ thử tưởng tượng, nếu không có căn nguyên tối cao, nếu không có một sức mạnh tự nhiên nào để làm tan rã cái tôi, nếu cái tôi được phép phát triển thì nó sẽ vươn đến đâu? May mắn thay, bánh xe sẽ quay không ngừng: khi một người chưa được khai ngộ, họ sẽ bị giáng xuống lòng đất để thanh lọc bản thân. Cuối cùng thì điều mà nguyên lý thiêng liêng muốn đều có lợi cho chúng ta.

Đúng là khi sa xuống những vùng đó thì chúng ta sẽ khổ sở, nhưng sau cái chết thứ hai chúng ta sẽ rời khỏi nơi đó trong trạng thái thuần khiết, ngây thơ và đẹp đẽ để tiến vào thiên đường (phải, các thiên đường tinh linh của thế giới Yesod, thế giới ê-te) và rồi bắt đầu một hành trình mới trong hình hài của các tinh linh đơn giản, của các Gnome của vương quốc khoáng chất.

Những cõi này trong tự nhiên là những thiên đường kì diệu. Được đến những thiên đường của thế giới thực vật là một trải nghiệm đẹp tuyệt vời. Nơi đây có những vẻ đẹp đến không tưởng. Và rồi từ thực vật tiếp tục trở thành động vật và cuối cùng chinh phục lại hình hài con người với một trạng thái thuần khiết, trong trắng, mang những khả năng diệu kì.

Vì vậy, mặc dù ở những cõi giới Klipoth là khổ đau nhưng đó là để giải thoát cho chúng ta, vì lợi ích của chúng ta. Lòng nhân từ thiêng liêng thật vĩ đại. Mọi điều ác dù lớn đến đâu đều có một hình phạt tương ứng. Nhưng mọi hình phạt đều có giới hạn và không ai phải trả nhiều hơn số nợ của mình. Cho dù tội ác có nặng đến đâu, hình phạt luôn có giới hạn.

Vì vậy, loài người này mặc dù đã trở nên lầm lạc, nhưng chắc chắn hình phạt cho họ sẽ có giới hạn. Họ sẽ tan rã cùng với cái chết thứ hai trong lòng Trái Đất và cuối cùng Phật tính tự do của họ sẽ tiếp tục quá trình tiến hóa mới, lộng lẫy và hài hòa.

Chúng ta phải hiểu tất cả những điều này, anh chị em thân mến. Chúng ta phải nhận thức được về các sephirah, về Klipoth, tiến hóa và thoái hóa.

Những ai thực sự muốn thoát khỏi các quá trình tiến hóa và thoái hóa của các sephirah đều phải chọn con đường trung đạo, con đường bát chánh đạo, con đường hẹp dẫn đến sự giải thoát cuối cùng bởi vì (trong thế giới của) các sephirah chỉ có sự tiến hóa và thoái hóa.

[22] “Hãy vào cổng hẹp vì cổng rộng và đường rộng dẫn đến sự hủy diệt; có nhiều người đi vào đường đó; trong khi cổng hẹp và đường hẹp dẫn đến sự sống, lại có ít người tìm vào.”

(Ma-thi-ơ 7:13-14, Kinh Thánh)

Bốn thế giới

Ban đầu, tất cả mọi sự biểu hiện đều ở trong Ngôi lời, trong đấng Thái cổ. Trong cõi giới Atziluth, Ngôi lời trực tiếp điều khiển mọi thứ. Nhưng khi Ngôi lời mở ra để hình thành các sephirah, khi các sephirah này được hiển lộ, mọi thứ thay đổi: chúng rơi dần vào thế giới hiện thể, cho đến khi rơi vào thế giới vật chất.

Cõi giới Atziluth là gì? Đó là cõi giới huy hoàng, cõi giới vương miện của các sephirah, thế giới của hạnh phúc tuyệt vời.

[23] Thầy Samael gọi Atziluth là “vương miện của các sephirah” vì cõi giới này bao gồm ba sephirah trên đỉnh cây sự sống: Kether, Chokmah, Binah.

Thế giới của Briah là gì? Đó là thế giới của tâm linh. Ở đó ta có Atman – Buddhi – Manas của Thông thiên học phương Đông, tức là Chesed, Geburah và Tiphereth của Kabbalah Do Thái.

Cõi giới của Yetzirath là gì? Yetzirah bao gồm cõi lý trí và cõi cảm xúc.

Và cuối cùng là thế giới của Assiah, chính là thế giới vật chất cùng với các vùng hạ cấp hay là các cõi Klipoth.

Như vậy, bốn thế giới: Atziluth, Briah, Yetzirah và Assiah được vận hành một cách thông minh.

Thế giới nào là vĩ đại nhất? Tôi nhắc lại, đó là thế giới của Atziluth.

Nhưng ban đầu, mọi sự biểu hiện đều ở trong đấng Thái cổ, trong thiện lành của mọi thiện lành. Tất cả đều đến từ đó. Ngôi Lời trực tiếp điều khiển mọi sephirah. Tôi nhắc lại: TRỰC TIẾP, vì trong cõi tiếp theo – cõi của Briah – Ngôi Lời hiển lộ thông qua thứ bậc của các thiên thần. Trong thế giới của Yetzirath cũng vậy và trong thế giới của Assiah – chính là thế giới vật chất – Ngôi Lời hiển lộ thông qua các luân xa của hành tinh Trái Đất, qua các cung hoàng đạo, các hành tinh của hệ mặt trời, và thậm chí qua các tattva hay là các rung động. Ngôi Lời chỉ có thể hành động trực tiếp, không qua trung gian, trong thế giới của Atman.

Một điều thú vị là Malkuth, thế giới vật chất mà chúng ta đang sống (cũng chính là một sephirah sa ngã), trước đây đã từng ở trong đấng Thái cổ. Malkuth là một hiện thể đến từ đấng Thái cổ, và dần dần biến đổi đến trạng thái hiện tại. Điều này thật tuyệt vời! Do đó, sẽ đến ngày Malkuth sẽ trải qua những chuyển hóa liên tiếp cho đến khi trở về với nguồn gốc của mình, về với cõi Kether hay là đấng Thái cổ.

Như vậy, mười sephirah tiến hóa và thoái hóa. Tuy nhiên, điều thú vị nhất về các sephirah không phải là quá trình tiến hóa hay thoái hóa, mà sự chuyển hóa cách mạng của chúng. Mỗi chúng ta có thể thực hiện cuộc cách mạng chuyển hóa sephirah ngay trong chính mình, bây giờ và ở đây bằng cách bước đi trên con đường lưỡi dao, con đường dẫn ta đến sự khai ngộ nội tâm của bản thể.

Da’at (Phiên âm: Đa-at)

Dù gì đi chăng nữa, chúng ta không được quên rằng nhờ sự kết hợp vĩ đại của Shiva và Shakti, tức là sự kết hợp của Đức Cha bí ẩn và Đức Mẹ thần thánh ở khối đá lập phương của Yesod, từ đó sinh ra một điều phi thường. Tôi đang đề cập đến sephirah Da’at, đó chính là tri thức về tantra.

Chúng ta cần sử dụng tri thức đó, ta cần nhận ra tri thức đó trong chính mình, bởi vì chính nhờ Tantra mà ta đưa được ngọn lửa thiêng đi lên trong cột sống. Chính nhờ tri thức Tantra, tức là thông qua Da’at mà một ngày nào đó chúng ta có thể chuyển hóa lại thành Đấng Thái cổ, chính ta trở thành đấng Thái cổ.

Nói một cách ngắn gọn, chúng ta cần tích hợp mười sephirah trong chính mình, ngay bây giờ và ở đây. Các sephirah ở ngay trong chúng ta, nhưng ta phải tích hợp chúng để trở thành các vị thần.

Ain Soph Aur (Phiên âm: Ên Sôph Ôr)

Khi đã đạt được điều này, chúng ta sẽ có quyền gõ lên cánh cửa thứ mười một, nhưng trước đó chúng ta phải tích hợp hoàn toàn mười sephirah. Rồi khi đã tích hợp và hoàn thiện, chúng ta có thể gõ lên cánh cửa thần kỳ đó và nó sẽ mở ra. Phía trong [cánh cửa đó] là Ain Soph Aur, khía cạnh thứ ba của cõi tuyệt đối vĩ đại.

[23] Cánh cửa thứ 11 – thầy Samael tính 10 cánh cửa cho 10 sephirah trên cây sự sống. Cánh cửa thứ 11 dẫn đến Ain Soph Aur trên đỉnh cây.

Ain Soph và Ain (phiên âm: Ên Sôph, Ên)

Nếu theo tiến trình phát triển này trong vũ trụ, đến một ngày chúng ta sẽ có thể gõ lên cánh cửa thứ mười hai, chính là Ain Soph. Và cuối cùng, phước thay cho người nào gõ được lên cánh cửa thứ mười ba, cánh cửa của Ain, vì người đó sẽ trở thành một Sat-guru, tức là một hiện thể sống của cõi tuyệt đối, ở ngay bây giờ và ở đây, người đó sẽ trở thành một vị thần vượt lên cả thiện và ác.

Hỡi anh chị em thân mến, hãy nhớ rằng con số mười ba là con số thiêng liêng. Chúa Giêsu và mười hai tông đồ họp thành mười ba người, một nhóm mười ba người. Mười ba cũng là số người trong hội đồng trưởng lão cai quản thánh địa Anahuac. Lịch của người Aztec cũng dựa trên con số mười ba.

Trong giáo lý bí mật của Anahuac, chúng ta biết rằng có mười ba cõi trời. Điều này khiến ta phải suy ngẫm. Có mười ba thế giới kết hợp với mười ba sephirah. Đó là bởi vì đấng Thái cổ, tốt lành của mọi tốt lành, sephirah thứ mười (Kether), chưa phải là cao nhất: đấng Thái cổ hiện thể từ một sephirah cao hơn, chính là sephirah thứ mười một (Ain Soph Aur), rồi sephirah thứ mười một cũng hiện thể từ sephirah thứ mười hai (Ain Soph) và Ain Soph là hiện thể từ sephirah thứ mười ba (Ain).

Như vậy, có mười ba cõi trời, mười ba thế giới. Hệ mặt trời của chúng ta có mười ba hành tinh; chúng ta hãy liệt kê:

  1. Trái Đất
  2. Sao Thuỷ
  3. Sao Kim
  4. Mặt Trời
  5. Sao Hỏa
  6. Sao Mộc
  7. Sao Thổ
  8. Sao Thiên Vương
  9. Sao Hải Vương
  10. Sao Diểm Vương
  11. Vulcan
  12. Persephone
  13. Clarion

Mười ba hành tinh này tượng trưng cho mười ba sephirah, tạo thành mười ba cõi trời của trí tuệ Nahuatl.

Như vậy, hỡi anh chị em thân mến, nếu chúng ta muốn trở thành thánh thần, việc quan trọng nhất là phải khai ngộ tất cả các sephirah của Kabbalah bên trong chính mình. Toàn bộ giáo lý mà chúng tôi giảng dạy ở đây đều dẫn đến điều đó.

Chúng ta sẽ kết thúc buổi nói chuyện tối nay tại đây. Tuy nhiên, tôi sẵn lòng trả lời những gì anh chị em muốn hỏi về chủ đề này. Nếu có gì cần hỏi, các bạn có thể đưa ra.

Hỏi đáp

Học trò: Thưa thầy, nghe thầy giảng, con nhớ đến một bài nói chuyện của một người tự xưng là “Swami” ở Hoa Kỳ. Thầy có thể giải thích cho chúng con nguồn gốc của từ “Swami” đó trong ngữ cảnh của chủ đề sephirah không?

Thầy Samael: Vâng, người anh em thân mến, rõ ràng là những thuật ngữ tiếng Phạn này đã bị lạm dụng rất nhiều. Ví dụ, danh hiệu “swami” có nhiều tiêu chuẩn rất khắt khe. “Swan” (tiếng Anh nghĩa là “thiên nga”), “Choan” hay “Yoan” là từ rất thiêng liêng. Loài thiên nga (Swan hay Choan) là Ngôi Lời thứ ba. Thiên nga mang ý nghĩa là đấng được phục sinh bên trong.

Khi con thiên nga, con phượng hoàng, được phục sinh từ đống tro tàn của nó, khi Đức vua của chúng ta trỗi dậy từ ngôi mộ pha lê và đến thế giới này để nhìn bằng con mắt xác thịt và chạm vào những thứ vật chất thì không nghi ngờ gì nữa, ngài là một Swami. Nhưng việc sử dụng danh hiệu này một cách bừa bãi “chỉ vì thế thôi”, sử dụng nó theo cách mà rất nhiều người ở Ấn Độ và thậm chí ở phương Tây đã dùng thì lại là một sự báng bổ, một sự mạo phạm, một sự xúc phạm đối với Ngôi Lời thứ ba.

[24] Phượng hoàng được phục sinh từ tro tàn: https://gnosisvn.org/2023/05/25/phuong-hoang/

Điều này cũng xảy ra tương tự với các thuật ngữ như “satguru”. “Satguru” được hiểu là người đã gõ cửa và tiến vào sảnh đường thứ mười ba, nghĩa là người đó là hiện thân chân thực nhất của cõi tuyệt đối trong một thân thể con người: một vị thần, như Giê-su thành Na-xa-rét.

Giả sử có một người nào đó, bất kể là ai (tôi không nhắc đến một người cụ thể nào, vì thật không phải phép khi nêu tên người ta), tuỳ ý gọi mình “satguru”. Việc này là một tội ác, bởi vì không ai trong chúng ta xứng đáng được lau giày cho một vị Satguru.

Đứng trước một vị Satguru, chúng ta chỉ là con sâu cái kiến trong bùn đất. Thế mà trong những thời kì thế giới khủng hoảng và đạo đức suy tàn như thế này, những danh hiệu thiêng liêng nhất đều bị xúc phạm. Sự thực là thế đấy!

Còn câu hỏi nào nữa không, anh chị em thân mến?

Học trò: Đức Cha hiển lộ trở thành Đức Mẹ, nhưng theo như thầy giải thích thì Binah – Ngôi Lời thứ ba – cũng mở ra hiển lộ thành người phối ngẫu thần thánh của mình. Con không hiểu điều này, thưa thầy.

Thầy Samael: Đây là một điểm rất trừu tượng mà nhiều học trò trong mọi thời đại đều bị vướng mắc. Việc hiểu các bộ ba (trimurti) là một điều rất khó khăn với tâm trí. Chỉ có dựa trên trực giác và trải nghiệm huyền bí trực tiếp thì chúng ta mới thực sự hiểu được.

Có nhiều bộ ba khác nhau. Ví dụ, bộ ba của Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh, hoặc theo tiếng Phạn là Brahma, Vishnu và Shiva, đó cũng là một bộ ba. Tất cả các bộ ba đều giống nhau và cũng khác nhau. Ta cần rất nhiều trực giác và trải nghiệm trực tiếp mới có thể không bị nhầm lẫn.

Không còn nghi ngờ gì nữa, tam giác thứ nhất [bao gồm Kether, Chokmah, Binah] là Ngôi Lời, tam giác thứ hai [bao gồm Geburah, Chesed, Tiphereth] là tam giác đạo đức, và tam giác thứ ba [Netzakh, Hod, Yesod] là tam giác huyền thuật.

Tam giác Ngôi Lời gồm Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh. Tam giác này là nhất thể, trọn vẹn, không thể chia cắt. Thế nên không cần phải chia nhỏ hơn nữa. Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh nói chung được gọi là “Đức Cha” và thầy chỉ gọi như thế: “Đức Cha”. Thế thôi!

Đức Cha ấy hiển lộ trong Shakti và từ hai vị này sinh ra Đức Con, tâm linh thần thánh trong mỗi con người đến với thế giới này. Khi nói ra điều này, trong thâm tâm chúng ta đang không lừa dối, chúng ta đang nói ra một sự thật vĩ đại. Tâm linh thần thánh này là con của chồng của Shakti. Người con này là do Shakti thụ thai nhờ vào công trình và hồng ân của chồng mình – Ngôi Lời thứ ba.

Khi nào chúng ta hiện thân Đức Thánh Linh một cách toàn vẹn trong chính mình, khi Đức Chúa Con được sinh ra trọn vẹn trong ta, thì chúng ta sẽ hiểu được các bộ ba.

Tôi không biết khó khăn nằm ở đâu. Tôi không thấy có chỗ nào gây hiểu nhầm, nếu nó rõ ràng như vậy. Vấn đề là ta không được chia nhỏ tam giác thứ nhất quá nhiều, bởi vì Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh là một tổng thể đơn nhất toàn vẹn và được gọi chung là “Đức Cha”.

Tam giác thứ hai được gọi là tam giác đạo đức. Trọng tâm của nó đã được tất cả những học giả Kabbalah nghiên cứu. Đó chính là sephirah Tiphereth, là nhân hồn, là đấng Cứu thế, đấng Kitô trong chúng ta.

Và tam giác thứ ba là tam giác huyền thuật, được hình thành từ Netzakh, Hođ và Yesod. Netzakh là tâm trí, Hod là cảm xúc và Yesod là tình dục. Trọng tâm nền tảng của tam giác này là Yesod, khối đá lập phương, tình dục. Vì vậy, khối đá đó là nơi Shiva và Shakti gặp gỡ, họ hợp nhất trong thế giới của tình dục, trong cõi thứ chín và từ đó sinh ra Da’at, tri thức Tantra mà nhờ đó ta có thể đưa ngọn lửa thiêng đi lên cột sống để trở thành một bậc chân sư.

Và chúng ta đã biết rằng Malkuth là một sephirah sa ngã. Đó chính là thế giới vật chất.

Như vậy, nếu muốn, chúng ta có thể gọi tam giác Ngôi Lời là Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con, và Đức Thánh Linh, và đặt tên cho mỗi khía cạnh của tam giác Ngôi Lời tối thượng ấy. Tuy nhiên, chúng ta không nên phân tích nó quá nhiều, bởi vì xét cho cùng Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con, và Đức Thánh Linh là toàn vẹn và nhất thể.

Tam giác thứ nhất là không thể chia cắt và thường được gọi chung là “Đức Cha”. Nhưng có đúng là sephirah thứ ba, Binah, có thể tiếp tục mở ra thành Shakti ở dạng tiềm năng không? Đúng như vậy. Shakti là vợ của Binah nhưng Binah cùng với Chokmah và Kether, cả ba đều là một Đức Cha, là chồng của Đức Mẹ.

Có câu hỏi nào khác không? Mời em đặt câu hỏi…

Học trò: Với những người đã sa vào các cõi địa ngục trong khi vẫn đang sống trong thế giới ba chiều thì khi chết đi thì họ có xuống lần lượt từ cõi thứ nhất, rồi thứ hai, hay họ sẽ xuống thẳng cõi thứ năm, thứ chín, hoặc bất kì nơi nào khác?

Thầy Samael: À, một người rung động mạnh nhất với cõi nào thì họ sẽ đi thẳng vào cõi đó. Thầy biết một người phụ nữ (thầy sẽ không nêu tên), cô ấy thậm chí là một người tốt bụng nhưng đã hoàn thành 108 kiếp sống của mình và ngay lúc này cô ấy đang ở trong vùng thứ nhất, vùng mặt trăng hạ cấp, vùng hạ lưu thứ nhất hoặc là cõi thứ nhất của Thần Khúc. Cô ấy thích những thứ của thế giới vật chất này. Đương nhiên là thế. Cô đồng nhất mình với cõi địa ngục ấy, vì trong đó cuộc sống rất giống với cuộc sống ở thế giới vật chất này.

Thầy biết một trường hợp khác nữa, người này rất nóng tính và luôn có xu hướng gây gổ, họ xem tiền bạc là tôn giáo và không hướng đến bất kì nguyên tắc tâm linh nào. Người này đang ở trong vùng Sao Hỏa hạ cấp hoặc hạ lưu Sao Hỏa thứ năm, trong cõi thứ năm của Thần Khúc.

Như thế, có những người khác cố chấp đến mức họ ngay lập tức vào cõi thứ chín. Họ là những người biết mình sai nhưng vẫn không chịu thay đổi. Trong cuốn sách “Hell, Devil, and Karma” của thầy (tạm dịch: “Địa ngục, quỷ dữ và nghiệp chướng”) thầy đã không chỉ rõ chi tiết đó, nhưng đến lần tái bản thứ hai thầy sẽ mở rộng chi tiết đó, đây là một điều khá quan trọng.

Được rồi, còn câu hỏi nào nữa không?

Học trò: Thưa Thầy, những kẻ ngoan cố đang ở trong cõi thứ chín của Thần Khúc, nhưng vì đó cũng là nơi cái tôi bị đánh tan thành cát bụi vũ trụ, vậy có phải những cái tôi của những người này cũng phải đi xuống lần lượt từng cõi, giống cái tôi của những linh hồn lạc lối khác?

Thầy Samael: Theo luật hấp dẫn của thế giới, ta biết rằng mọi thứ đều hướng về trọng tâm, giống như một vật nào đó rơi xuống về trung tâm của Trái Đất. Thế nên, ví dụ một người đã vào cõi thứ nhất của Thần Khúc, họ sẽ đi xuống dần dần, từ cõi này đến cõi kia đến khi họ tới cõi thứ chín. Chính ở cõi thứ chín mà người ta trở thành cát bụi vũ trụ, là khi họ trải qua cái chết thứ hai mà kinh Khải Huyền của Thánh Giăng nói đến.

Đương nhiên, những tiến trình phá huỷ cái tôi kinh khủng nhất đã bắt đầu ở cõi [địa ngục] thứ tám. Có một phép màu kinh ngạc ở đây: Chúng ta đã nghe nói rằng “quỷ dữ có đuôi” và ta phải hiểu điều này cho đúng. Quả thật, cơ quan Kundabuffer gớm ghiếc chính là ngọn lửa từ xương cụt đi xuống các địa ngục nguyên tử của con người. Nhưng khi phân tích loại fohat này, chúng tôi phát hiện ra một điều kinh ngạc: trong thế giới ngầm, Đức Mẹ bị phân cực theo hướng tiêu cực. Thật đáng sợ! Đức Mẹ xuất hiện trong “cái đuôi quỷ dữ” nổi tiếng trong cõi thứ tám. Hãy đọc Thần Khúc, bạn sẽ thấy thông tin ở đó.

Con rắn [Kundalini ở trạng thái tiêu cực] chính là cái đuôi của quỷ dữ. Mẹ nuốt chửng sinh linh đã lạc lối. Đó là một bữa tiệc thịnh soạn cho con rắn, nó ngấu nghiến sinh linh đó để tiêu diệt cái tôi, biến cái tôi thành cát bụi và tiêu diệt nó hoàn toàn trong cõi thứ chín. Quá trình tiêu diệt hoàn toàn cái tôi xảy ra ở cõi thứ chín. Và vì sao con rắn huỷ diệt hoàn toàn cái tôi? Mẹ làm như vậy là để Phật tính, hay có thể nói là “đứa con” của Mẹ, có thể rời khỏi địa ngục. Đó là hình tướng mà Đức Mẹ đã hiển lộ để cứu rỗi các sinh linh của người.

Ảnh minh họa về quỷ dữ với cái đuôi Kundabuffer: “Chúa Giê Su Bị Cám Dỗ”, Cambridge Psalter Arundel Ms. 157, k. 1200-1225

Còn câu hỏi nào khác không?

Học trò: Nếu như kẻ ngoan cố rơi thẳng xuống cõi thứ chín, có phải thế nghĩa là thời gian ở hỏa ngục của họ sẽ ngắn hơn so với những linh hồn lạc lối khác bắt đầu quá trình thoái hóa ở thế giới ngầm từ cõi thứ nhất?

Thầy Samael: Chà, tâm trí rất xảo quyệt. Đó là trò chơi của tâm trí. Đúng là nhìn bên ngoài thì có vẻ là như vậy thật nếu không có luật [nhân quả]. Chúng ta sẽ tưởng rằng một kẻ tai ác sa xuống cõi thứ chín hẳn sẽ tan rã nhanh chóng và thoát ra, thế là xong! Thế chẳng khác nào một người phạm một tội ác khủng khiếp bị vào tù và được thả ra ngay lập tức. Không, luật là luật.

Thực tế là, những kẻ rất tai ác khi vào cõi thứ chín, họ sẽ phải ở trong đó đến khi nào trả hết nghiệp, bởi vì các vị thẩm phán nghiệp cai quản tất cả việc này. Không có gì là tình cờ cả. Các vị thẩm phán chịu trách nhiệm đưa ra hình phạt theo cách phù hợp chính xác cho từng người. Thế nên các bạn không cần phải vắt óc nhiều về chuyện này.

Còn câu hỏi nào khác không?

Học trò: Có cách nào mà những kẻ xấu xa tuyệt đối đấy, ngay cả trong cõi thứ chín, có thể chuyển hóa bản thân một cách triệt để không?

Thầy Samael: Cụm từ “xấu xa tuyệt đối” khá nghiêm trọng nhỉ? Rõ ràng, nếu ta nói “tuyệt đối” theo một cách tương đối, thì [câu trả lời là] có khả năng. Thế nhưng, có những kẻ sa đoạ đến mức họ thậm chí không còn một nguyên tử Phật tính tự do nào, rõ ràng là vậy. Nhưng kẻ ác có thể chuyển hóa được không? Không, họ không có khả năng, bởi vì hóa ra là ác tính càng mạnh mẽ thì người ta càng yêu đuối khi chìm xuống lòng Trái Đất. Ở đó họ thoái hóa, hay nói đúng hơn là đi lùi. Tiến trình ở đó bị đảo ngược.

Ví dụ, ở các cõi bên dưới, khi một người càng đi xuống thì họ càng yếu dần và khi đến điểm đạo thứ mười ba thì họ sẽ trải qua cái chết thứ hai. Khi đó họ không còn là quỷ dữ nữa và Phật tính sẽ được giải phóng.

Đừng quên rằng trong vực thẳm thì sự thật được nguỵ trang dưới bóng tối. Trên các cõi siêu cấp có lễ điểm đạo của hội Huynh Đệ Trắng phổ quát. Tương tự như vậy, trong hoả ngục cũng có các điểm đạo của hội Huynh Đệ Đen. Ví dụ như, khi đạt đến điểm đạo thứ mười ba trong lòng Trái Đất thì một người sẽ tan rã và trở thành cát bụi. Khi một người sa ngã, họ sẽ ngày càng yếu đi. Thậm chí họ còn không muốn phát triển nữa.


Leave a Reply