Chương 7 – Hành trình tìm kiếm điều diệu kỳ – P. D. Ouspensky

G. I. Gurdjieff (thầy của P. D. Ouspensky).
P. D. Ouspensky

Nhớ đến bản thân

Có một lần, khi đang nói chuyện với G., tôi đã hỏi liệu ông có cho rằng có thể đạt được trạng thái “thiên tâm”, không phải chỉ trong giây lát mà lâu dài hơn hay không. Tôi hiểu “thiên tâm” theo nghĩa là một trạng thái ý thức cao hơn mà con người có thể đạt được, theo cách mà trước đây tôi đã viết trong cuốn sách Tertium Organum của mình.

“Tôi không biết cái mà cậu gọi là ‘thiên tâm’”, G. nói, “nó là một thuật ngữ mơ hồ, không rõ ràng; bất kỳ ai đều có thể dùng nó để gọi bất cứ thứ gì mà anh ta thích. Đa phần, cái được gọi là ‘thiên tâm’ chỉ đơn giản là một ảo giác, là sự mơ mộng có tính liên đới được kết nối với sự hoạt động tăng cường của trung tâm cảm xúc. Đôi khi nó gần chạm ngưỡng trạng thái Định [tiếng Bắc Phạn: Samadhi], nhưng thông thường nó chỉ là một trải nghiệm cảm xúc chủ quan ở cấp độ của những giấc mơ. Nhưng thậm chí khi gạt những điều này sang một bên, trước khi có thể bàn về ‘thiên tâm’, ta cần phải định nghĩa được một cách khái quát ý thức là gì”.

“Cậu định nghĩa ý thức là gì?”

“Ý thức được coi là không thể định nghĩa”, tôi nói, “và quả thực, làm sao có thể định nghĩa nếu nó là một phẩm chất bên trong? Với những phương thức thông thường trên tay, không thể nào chứng minh được sự hiện hữu của ý thức ở một người khác. Chúng ta chỉ biết về sự tồn tại của nó ở chính mình”.

“Tất cả là nhảm nhí”, G. nói, “sự ngụy biện khoa học tầm thường. Đã đến lúc cậu vứt bỏ nó rồi. Điều cậu nói chỉ có một thứ là đúng: rằng cậu chỉ có thể biết về sự tồn tại của ý thức ở chính mình. Lưu ý là tôi nói rằng cậu có thể biết, vì cậu chỉ có thể biết nó khi cậu có nó. Và khi cậu không có nó, cậu có thể biết rằng mình không có nó, không phải tại thời điểm đó, mà là sau này. Ý tôi là khi nó quay trở lại, cậu có thể thấy rằng nó đã không ở đó trong một thời gian dài, và cậu có thể tìm hoặc nhớ lại khoảnh khắc khi nó biến mất và khi nó xuất hiện lại. Cậu cũng có thể xác định được những khoảnh khắc khi cậu đến gần hơn với ý thức và khi cậu rời xa hơn khỏi ý thức. Nhưng với việc quan sát ở chính mình sự xuất hiện và biến mất của ý thức, chắc chắn cậu sẽ thấy một thực tế mà lúc này cậu không thấy hay thừa nhận, và đó là những khoảnh khắc của ý thức rất ngắn và được ngăn cách bởi những quảng thời gian dài của sự vô thức, của sự hoạt động của cơ thể vật chất theo một cách máy móc. Từ đó cậu sẽ thấy rằng cậu có thể suy nghĩ, cảm nhận, hành động, nói, làm mà không ý thức về nó. Và nếu cậu học được cách nhìn vào bản thân trong những khoảnh khắc của sự ý thức và những giai đoạn dài của sự vô thức, thì cậu tuyệt đối cũng có thể nhìn được ở người khác khi họ có ý thức về điều họ đang làm và khi họ không có ý thức.”

“Sai lầm chủ yếu của cậu đến từ việc suy nghĩ rằng cậu luôn có ý thức, và nói chung là, hoặc là ý thức luôn hiện hữu hoặc là nó không bao giờ hiện hữu. Trên thực tế ý thức là một thuộc tính luôn thay đổi. Nhưng ý thức và những mức độ ý thức khác nhau cần phải được cảm nhận trong bản thân bằng trực giác, vị giác. Không một định nghĩa nào có thể giúp cậu trong trường hợp này và không thể nào có được một định nghĩa chừng nào cậu không hiểu được cái mà mình cần định nghĩa. Và khoa học, triết học không thể định nghĩa được ý thức bởi chúng muốn định nghĩa nó ở nơi mà nó không tồn tại. Cần phân biệt được giữa ý thức và khả năng ý thức. Chúng ta chỉ có khả năng ý thức và sự thoáng qua hiếm hoi của nó. Vì vậy chúng ta không thể định nghĩa được ý thức là gì”.

Tôi không thể khẳng định rằng những gì được nói về ý thức trở nên rõ ràng với tôi ngay tức khắc. Nhưng một trong những buổi nói chuyện sau đó đã giải thích được cho tôi những nguyên tắc được dùng làm cơ sở cho những lập luận này.

Một lần, lúc bắt đầu một cuộc họp, G. đã đặt một câu hỏi và yêu cầu tất cả những ai có mặt phải lần lượt trả lời. Câu hỏi đó là “Điều quan trọng nhất mà ta nhận thấy khi quan sát bản thân là gì?”

Một số người có mặt nói rằng, khi tìm cách quan sát bản thân, điều họ cảm thấy đặc biệt mạnh mẽ là một dòng chảy không ngừng của những suy nghĩ mà họ thấy không thể nào ngăn lại được. Những người khác nói về sự khó khăn trong việc phân biệt được công việc của một trung tâm với việc của trung tâm khác. Rõ ràng tôi đã không hiểu đúng câu hỏi, hoặc là tôi đã trả lời một câu hỏi khác do tôi đã tự nghĩ ra, bởi tôi đã trả lời rằng, điều ấn tượng nhất với tôi là tính liên kết của một thứ với thứ khác trong hệ thống, tính toàn vẹn của hệ thống, như thể nó là một “sinh vật”, và ý nghĩa quan trọng mới có của từ “biết”, bởi nó không chỉ bao hàm ý tưởng về việc biết điều này hay điều kia, mà là mối liên hệ giữa thứ này với tất cả những thứ khác.

Hiển nhiên G. không hài lòng với câu trả lời của chúng tôi. Tôi vốn đã bắt đầu hiểu được ông trong những hoàn cảnh như vậy và tôi thấy rằng ông kỳ vọng ở chúng tôi những chỉ dấu hay cái gì đó nhất định mà chúng tôi đã nói không trúng hay đã không hiểu.

“Không ai trong các cậu nhận ra được điều quan trọng nhất mà tôi đã chỉ ra cho các cậu”, ông nói. “Tức là, không ai trong các cậu nhận ra rằng các cậu không nhớ được bản thân mình”. (Ông đặc biệt nhấn mạnh những từ này). “Các cậu không cảm nhận bản thân mình; các cậu không có ý thức về bản thân mình. Với các cậu, ‘nó quan sát’ cũng giống như ‘nó nói’ ‘nó nghĩ’, ‘nó cười’. Các cậu không cảm nhận: tôi quan sát, tôi nhận thấy, tôi nhìn thấy. Mọi thứ vẫn là ‘được nhận thấy’, ‘được thấy’… Để thực sự có thể quan sát được bản thân, trước hết một người cần phải nhớ được bản thân” (Một lần nữa ông lại nhấn mạnh những từ này). “Hãy cố nhớ bản thân mình khi các cậu quan sát bản thân và sau đó nói kết quả cho tôi. Chỉ những kết quả đó mới có giá trị được bổ trợ bởi việc nhớ bản thân. Nếu không, bản thân các cậu không tồn tại trong những quan sát của mình. Trong trường hợp đó thì việc quan sát của các cậu còn có ý nghĩa gì?”

Những lời nói đó của G. đã khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Tôi chợt nhận ra rằng chúng chính là mấu chốt đối với những gì trước đó ông đã nói về ý thức. Nhưng tôi đã quyết định là sẽ không đưa ra bất kỳ kết luận gì, thay vào đó cố gắng nhớ bản thân trong khi quan sát bản thân mình.

Những lần cố gắng đầu tiên đã cho thấy việc đó khó đến thế nào. Những nỗ lực để nhớ bản thân đã không mang lại kết quả gì, ngoại trừ việc cho tôi thấy rằng trên thực tế chúng ta không bao giờ nhớ bản thân mình.

“Cậu còn muốn gì nữa?” G. nói. “Đây là một nhận xét rất quan trọng. Những người biết được điều này” (ông nhấn mạnh vào những từ này) “sẵn đã biết được rất nhiều rồi. Vấn đề nằm hoàn toàn ở chỗ không ai biết nó. Nếu cậu hỏi một người rằng anh ta liệu có nhớ được bản thân anh ta không, thì đương nhiên anh ta sẽ trả lời là có. Nếu cậu nói với anh ta rằng anh ta không thể nhớ được bản thân thì anh ta hoặc là sẽ tức giận với cậu, hoặc là sẽ cho rằng cậu là một kẻ ngu ngốc. Toàn bộ cuộc sống được dựa trên điều này, toàn bộ sự tồn tại của loài người, toàn bộ sự mù quáng của loài người. Nếu một người thực sự biết được rằng anh ta không thể nhớ bản thân, thì anh ta đã gần hiểu được Bản thể của mình”.

Tất cả những gì G. nói, tất cả những gì chính tôi suy nghĩ, và nhất là tất cả những nỗ lực để nhớ được bản thân đã cho tôi thấy, đã nhanh chóng thuyết phục tôi rằng tôi phải đối mặt với một vấn đề hoàn toàn mới mà cho đến nay khoa học và triết học chưa gặp phải.

Nhưng trước khi đưa ra kết luận, tôi sẽ mô tả những lần tôi đã cố để nhớ bản thân mình.

Ấn tượng đầu tiên là những nỗ lực để nhớ bản thây hay có ý thức về bản thân, tự nhủ với bản thân, tôi đang đi, tôi đang làm, và không ngừng cảm nhận cái Tôi này, đã ngăn chặn sự suy nghĩ. Khi tôi cảm nhận cái Tôi, tôi đã không thể suy nghĩ hay nói gì; thậm chí những cảm nhận của giác quan cũng trở nên nhẹ hơn. Hơn nữa, một người chỉ có thể nhớ về bản thân theo cách này trong một khoảng thời gian rất ngắn.

Trước đó tôi đã thử một vài thí nghiệm về ngừng suy nghĩ được đề cập trong các cuốn sách về thực hành Yoga. Ví dụ, sự mô tả như vậy có trong cuốn sách From Adam’s Peak to Elephanta của Edward Carpenter, mặc dù mô tả đó rất khái quát. Và những nỗ lực ban đầu của tôi để nhớ bản thân, những thí nghiệm đầu tiên của tôi, đã gợi nhớ tôi về chính những điều đó. Thực ra nó gần như giống hệt nhau, chỉ có khác biệt duy nhất là với việc ngừng những suy nghĩ, sự chú ý của tôi đã hoàn toàn hướng tới nỗ lực ngăn chặn các suy nghĩ, còn với việc nhớ bản thân, sự chú ý được phân chia, một phần của nó hướng tới cùng nỗ lực đó, và phần còn lại tới sự cảm nhận về bản thân.

Nhận xét cuối cùng này đã cho phép tôi đi đến một định nghĩa chắc chắn về việc “nhớ bản thân”, và dù có thể nó rất không hoàn thiện nhưng trên thực tế nó đã rất hữu ích.

Tôi đang nói về việc phân chia sự chú ý, đây là đặc tính của việc nhớ bản thân.

Tôi đã thể hiện nó với bản thân mình theo cách sau:

Khi tôi quan sát thứ gì đó, sự chú ý của tôi hướng tới đối tượng tôi đang quan sát – một đường thẳng với một đầu mũi tên:

Khi mà cùng lúc ấy tôi cố gắng nhớ bản thân, sự chú ý của tôi vừa hướng đến sự vật được quan sát và vừa hướng đến bản thân tôi. Đầu mũi tên thứ hai xuất hiện trên đường thẳng:

Sau khi định nghĩa được điều này, tôi thấy rằng vấn đề nằm ở chỗ hướng sự chú ý về phía bản thân mà không làm suy yếu hay đánh mất sự chú ý hướng tới một thứ khác. Hơn nữa, cái “thứ khác” này có thể là hiện tượng bên trong tôi hay có thể là hiện tượng bên ngoài tôi.

Hai lần thử đầu tiên nhằm phân chia sự chú ý đã cho tôi thấy được tiềm năng của nó. Cùng lúc, tôi đã thấy rõ được hai điều:

Thứ nhất, tôi thấy rằng việc nhớ bản thân từ phương pháp này không hề có điểm chung với sự “cảm nhận bản thân” hay “phân tích bản thân”. Nó là một trạng thái mới mẻ, thú vị, với một hương vị vừa quen thuộc, vừa kỳ lạ.

Và thứ hai, tôi nhận ra rằng những khoảnh khắc nhớ bản thân thực tế có xảy ra [một cách tự nhiên] trong cuộc sống, mặc dù rất hiếm. Chỉ có việc cố ý tạo ra những khoảnh khắc này mới khiến nó cảm thấy khác thường. Thực ra tôi đã khá quen thuộc với nó từ khi còn nhỏ. Chúng có thể đến ở những bối cảnh mới, bất ngờ, chẳng hạn như ở một nơi mới, ở giữa những người mới gặp khi du lịch, khi mà bất chợt một người nhìn bản thân mình và nói: Lạ thật! Tôi và nơi này; hay trong những khoảnh khắc đầy cảm xúc, trong những giây phút hiểm nguy, vào thời điểm cần phải giữ bình tĩnh, khi một người nghe được giọng nói của chính mình và nhìn thấy, quan sát được bản thân mình từ bên ngoài.

Tôi thấy khá rõ ràng, những ký ức xưa nhất của tôi về cuộc sống, trong trường hợp của tôi là những ký ức từ rất sớm, đều là những khoảnh khắc của sự nhớ bản thân. Nhận xét này đã khiến tôi nhận ra rất nhiều điều. Tức là, tôi nhận ra rằng tôi thực sự chỉ có thể nhớ được những khoảnh khắc trong quá khứ mà ở đó tôi nhớ về bản thân mình. Còn với những khoảnh khắc khác, tôi chỉ có thể nhớ được là nó có xảy ra. Tôi không có khả năng tái hiện chúng một cách hoàn toàn để trải nghiệm lại chúng thêm lần nữa. Nhưng những khoảnh khắc mà ở đó tôi nhớ bản thân đều rất sống động và không hề có sự khác biệt với hiện tại. Tôi vẫn dè chừng chưa muốn đưa ra kết luận. Nhưng tôi đã có thể thấy rằng tôi đã chạm đến ngưỡng của một phát kiến vô cùng vĩ đại. Tôi vốn vẫn sững sờ trước sự yếu kém và không đầy đủ của trí nhớ con người. Có quá nhiều thứ đã biến mất. Vì một lý do nào đó, sự bất thường lớn nhất của cuộc sống đối với tôi nằm ở điều này. Ta trải nghiệm nhiều để làm gì khi mà sau đó ta lại quên đi? Hơn nữa, điều này cũng có nét gì đó mang tính thoái hóa. Một người cảm nhận điều gì đó mà với anh ta nó rất to tát, anh ta nghĩ mình sẽ chẳng bao giờ quên nó đi; một hay hai năm trôi qua – và nó không còn gì sót lại. Giờ đây tôi đã hiểu rõ vì sao điều này xảy ra và vì sao nó là tất yếu. Nếu ký ức của chúng ta chỉ duy trì sức sống của những khoảnh khắc của việc nhớ bản thân, thì có thể thấy rõ tại sao trí nhớ của chúng ta lại tồi tệ đến vậy.

Tất cả những điều này là thứ tôi nhận ra vào những ngày đầu. Sau đó, khi tôi bắt đầu học được cách phân chia sự chú ý, tôi thấy rằng việc nhớ bản thân đã tạo ra những cảm giác tuyệt vời, theo một cách tự nhiên, tức là tự thân chúng, chỉ đến với chúng ta một cách hiếm hoi và trong những điều kiện hết sức hạn chế. Vì vậy, chẳng hạn, vào lúc đó tôi vốn thường rất thích đi lang thang ở St. Petersburg vào ban đêm và “cảm nhận” những ngôi nhà, con phố. St. Petersburg chứa đầy những trực quan kỳ lạ đó. Những ngôi nhà, nhất là những ngôi nhà cũ kỹ, rất sống động, tôi gần như đã nói chuyện với chúng. Không hề có yếu tố “tưởng tượng” ở đây. Tôi không hề nghĩ về điều gì, tôi chỉ đơn giản là đi bộ trên đường và cùng lúc cố gắng nhớ bản thân và nhìn xung quanh; những trực quan tự nó đã đến.

Sau này tôi tiếp tục khám phá được những điều không ngờ theo cùng cách đó. Nhưng tôi sẽ nói về nó sau.

Đôi khi việc nhớ bản thân không được thành công; vào những lúc khác đi cùng với nó là những quan sát kỳ lạ.

Có một lần tôi đi dọc đường Liteiny đến Nevsky, và bất chấp mọi nỗ lực, tôi không thể duy trì sự chú ý đối với việc nhớ bản thân. Những tiếng động, sự di chuyển, mọi thứ đã khiến tôi sao nhãng. Cứ mỗi phút tôi lại mất đi mạch chú ý, tìm lại được nó, rồi lại tiếp tục đánh mất. Cuối cùng tôi cảm nhận điều gì đó như một sự khó chịu kỳ quặc trong mình và đã rẽ sang con phố bên tay trái sau khi đã quyết tâm duy trì sự chú ý tới thực tế là tôi muốn nhớ bản thân ít nhất là trong một khoảng thời gian nào đó, bằng bất cứ giá nào, cho tới khi tôi đi đến con đường tiếp theo. Tôi đã đi tới Nadejdinskaya mà không đánh mất sự chú ý, ngoại trừ trong những khoảnh khắc ngắn ngủi. Sau đó tôi lại rẽ sang hướng Nevsky và nhận ra rằng, ở những con phố yên tĩnh, tôi có thể bảo đảm không đánh mất dòng suy nghĩ một cách dễ dàng hơn, vì vậy tôi muốn thử thách bản thân ở những con phố ồn ào hơn. Tôi đã đến được Nevsky mà vẫn nhớ bản thân, và đã bắt đầu trải nghiệm được trạng thái cảm xúc kỳ lạ của sự bình yên nội tại và sự tự tin, là những thứ xuất hiện sau nhiều nỗ lực to lớn như vậy. Ở ngay đầu đường Nevsky là một tiệm thuốc lá, nơi họ sản xuất loại thuốc lá của tôi. Khi ấy vẫn còn nhớ bản thân, tôi đã quyết định liên lạc với tiệm đó để đặt mua một ít thuốc lá.

Hai tiếng sau tôi tỉnh giấc ở Tavricheskaya, là một nơi rất xa. Tôi đi taxi tới xưởng in. Cảm giác của sự tỉnh giấc là rất rõ rệt. Tôi gần như có thể nói rằng mình đã hồi tỉnh. Tôi lập tức nhớ được mọi thứ. Tôi đã đi dọc phố Nadejdinskaya như thế nào, tôi đã nhớ bản thân ra sao, tôi đã nghĩ đến thuốc lá thế nào, và với suy nghĩ này tôi dường như biến mất và chìm vào giấc ngủ sâu thế nào.

Cùng lúc ấy, khi đang đắm chìm trong giấc ngủ đó, tôi đã tiếp tục thực hiện những hành động liên tục và thiết thực. Tôi đã rời tiệm thuốc lá, về căn hộ của tôi ở phường Liteiny, gọi điện cho xưởng in. Tôi đã viết hai lá thư.

Và rồi tôi lại rời khỏi nhà. Tôi đi bộ ở lề trái đường Nevsky hướng tới Gostinoy Dvor với ý định đi đến Offitzerskaya. Sau đó tôi đổi ý vì lúc đó đã muộn. Tôi đã bắt taxi và đi tới Kavalergardskaya đến xưởng in. Và trên đường, khi đang lái xe dọc Tavricheskaya, tôi bắt đầu cảm thấy sự khó chịu kỳ lạ, như thể tôi đã quên mất điều gì đó – Và bất chợt tôi nhớ ra rằng mình đã quên mất việc nhớ bản thân.

Tôi đã kể lại những quan sát và suy luận của mình với những người trong nhóm của tôi, cũng như với các bạn văn chương của mình và những người khác.

Tôi kể với họ rằng đây là trọng tâm của toàn bộ hệ thống và của toàn bộ công trình rèn luyện bản thân; và giờ đây việc rèn luyện bản thân không còn chỉ là những lời nói sáo rỗng mà là một thực tế có thật với ý nghĩa quan trọng mà nhờ nó tâm lý học trở nên chính xác và cùng lúc trở thành một ngành khoa học thiết thực.

Tôi đã nói rằng tâm lý học của châu Âu và phương Tây nói chung đã bỏ qua một thực tế có tầm quan trọng to lớn, đó là, chúng ta không nhớ về bản thân mình; rằng chúng ta sống và hành xử và lý luận trong những giấc ngủ sâu, không phải như một phép ẩn dụ mà là một thực tế tuyệt đối. Và rằng, cùng lúc đó, chúng ta có thể nhớ bản thân nếu có đủ cố gắng, rằng chúng ta có thể tỉnh giấc.

Tôi đã bàng hoàng trước sự khác biệt giữa sự hiểu biết của những người trong nhóm của tôi với những người ngoài nhóm. Những người thuộc nhóm của tôi hiểu, tuy không phải cùng lúc, rằng chúng tôi đã chứng kiến điều “kỳ diệu”, và rằng nó là thứ gì đó “mới mẻ”, một thứ chưa từng tồn tại ở bất cứ nơi đâu.

Những người khác không hiểu điều này; họ quá xem nhẹ nó và đôi lúc họ còn chứng minh cho tôi thấy rằng những giả thuyết đó trước đây đã từng tồn tại.

A. L. Volinsky là người tôi từng gặp thường xuyên và trao đổi rất nhiều từ năm 1909, tôi rất coi trọng những ý kiến của ông, ông thấy rằng ý tưởng về việc “nhớ đến bản thân” không phải là thứ gì ông chưa từng biết đến.

“Đây là sự tổng giác”, ông nói với tôi. “Cậu đã đọc Logic của Wundt chưa? Ở đó cậu sẽ thấy định nghĩa mới nhất của ông về sự tổng giác. Nó chính là cái mà cậu đã kể đến. ‘Sự quan sát đơn giản’ chính là nhận thức [perception]. ‘Sự quan sát với sự nhớ đến bản thân’ như cậu nói, là sự tổng giác [apperception]. Tất nhiên Wundt đã biết đến nó”.

Tôi không muốn tranh luận với Volinsky. Tôi đã đọc sách của Wundt. Và tất nhiên những gì Wundt đã viết hoàn toàn không phải là cái tôi đã nói với Volinsky. Wundt đã đến rất gần với ý tưởng này, nhưng những người khác cũng đã đến gần không kém và cuối cùng đều đã đi theo con đường khác. Ông đã không nhìn ra được tầm quan trọng của ý tưởng ẩn đẳng sau những suy nghĩ của ông về những hình thức nhận thức khác nhau. Và do không thấy được tầm quan trọng của ý tưởng đó, đương nhiên ông đã không thấy được vị trí trung tâm mà ý tưởng về sự vắng bóng ý thức và ý tưởng về việc tạo ra ý thức đó một cách tự nguyện cần phải có trong tư duy của chúng ta. Chỉ có điều tôi thấy khá lạ là Volinsky đã không thấy được điều này, kể cả khi tôi đã chỉ nó ra cho ông.

Sau đó tôi tin chắc rằng ý tưởng này đã bị che khuất bởi một tấm màn bất khả xâm phạm đối với nhiều người vốn rất thông minh – và phải rất lâu sau tôi mới hiểu được vì sao lại như vậy.

Định luật của quãng tám

Lần tiếp theo G. đến từ Moscow, ông thấy chúng tôi đang chìm đắm trong các thí nghiệm về việc nhớ bản thân và các cuộc thảo luận về những thí nghiệm đó. Nhưng trong bài giảng đầu tiên của mình, ông đã nói về một vấn đề khác.

“Ở kiến thức đúng đắn, sự nghiên cứu về con người cần phải được tiến hành song song với nghiên cứu về thế giới, và nghiên cứu thế giới cần chạy song song với nghiên cứu về con người. Các định luật ở mọi nơi đều giống nhau, ở thế giới cũng như ở con người. Sau khi đã thuần thục được những nguyên tắc của bất kỳ định luật nào, chúng ta cần cùng lúc tìm kiếm sự biểu thị của nó cả ở thế giới và ở con người. Hơn nữa, một số định luật có thể được quan sát dễ dàng hơn ở thế giới, số khác có thể quan sát dễ hơn ở con người. Vì vậy, trong một số trường hợp nhất định, sẽ tốt hơn nếu bắt đầu với thế giới rồi sau đó chuyển sang con người, và trong những trường hợp khác sẽ tốt hơn khi bắt đầu với con người rồi chuyển sang thế giới”.

“Sự nghiên cứu song song về thế giới và con người cho học trò thấy sự thống nhất cơ bản của vạn vật và giúp người đó tìm được sự tương đồng của các hiện tượng thuộc những lĩnh vực khác nhau”.

“Số định luật cơ bản điều chỉnh mọi tiến trình ở cả thế giới và con người là rất ít. Những kết hợp con số khác nhau của một vài lực cơ bản có thể tạo ra hàng loạt các hiện tượng tưởng chừng như rất khác nhau”.

“Để có thể hiểu được cơ chế vận hành của vũ trụ, cần phải quy tụ các hiện tượng phức tạp thành những lực cơ bản này”.

“Định luật cơ bản đầu tiên của vũ trụ là định luật về ba lực, hay còn gọi là ba nguyên tắc, hay như nó thường được gọi, là định luật bộ ba. Theo định luật này, mọi hành động, mọi hiện tượng trong mọi thế giới, không hề có ngoại lệ, đều là kết quả của hành động đồng thời của ba lực – lực dương, lực âm và lực trung hòa. Chúng ta đã bàn về vấn đề này, và trong tương lai chúng ta sẽ quay trở lại với định luật này với mỗi vấn đề nghiên cứu mới”.

“Định luật cơ bản tiếp theo của vũ trụ là định luật bộ bảy, hay còn gọi là định luật của quãng tám”.

“Để hiểu được ý nghĩa của định luật này, cần coi vũ trụ như được bao gồm bởi các rung động. Những rung động này hoạt động trong mọi loại hình thái, khía cạnh và mật độ của vật chất cấu thành nên vũ trụ, từ thứ mỏng manh nhất cho tới thứ to tát nhất; chúng phát ra từ nhiều nguồn khác nhau và phát đi nhiều hướng khác nhau, cắt nhau, va chạm nhau, tăng cường, làm suy yếu, ngăn chặn nhau, v.v.”

“Ở khía cạnh này, theo các quan điểm thông thường được phương Tây chấp nhận, các rung động có tính liên tục. Điều này có nghĩa là các rung động thường được cho là di chuyển không bị cản trở, tiếp tục tăng hay giảm liên tục chừng nào xung lực ban đầu tạo ra rung động còn tiếp tục hoạt động và vượt qua được sự kháng cự của môi trường rung động. Khi xung lực trở nên cạn kiệt và kháng cự của môi trường đạt ưu thế thì các rung động tự nhiên sẽ lặng dần và ngừng lại. Nhưng cho đến khi đạt được thời điểm này, tức là, cho đến khi bắt đầu sự suy yếu, các rung động sẽ phát triển đồng đều và dần dần, và khi không có sự kháng cự, chúng thậm chí có thể trở nên bất tận. Như vậy, một trong những tiền đề cơ bản nhất của vật lý học là sự tiếp diễn của các rung động, mặc dù tiền đề này chưa từng được định hình một cách chính xác bởi nó chưa từng bị phản đối. Ở một trong những giả thuyết mới nhất, tiền đề này đã bắt đầu bị lung lay. Dù sao vật lý học vẫn còn xa mới chạm được đến cái nhìn đúng đắn về bản chất của các rung động, hay điều gì tương ứng với khái niệm của chúng ta về các rung động, trong thế giới thực”.

“Trong trường hợp này, kiến thức cổ đại trái với khoa học đương đại bởi nền tảng của sự hiểu biết về các rung động của kiến thức cổ đại là nguyên tắc về sự ngắt quãng của các rung động”.

“Nguyên tắc ngắt quãng rung động có nghĩa là sự hữu hạn và bản chất cần có của mọi rung động, cho dù tăng hay giảm, để có thể phát triển không phải một cách đồng đều mà với những đợt tăng tốc hay giảm tốc theo chu kỳ. Nguyên tắc này còn có thể được thể hiện một cách chính xác hơn nếu chúng ta nói rằng xung lực ban đầu trong rung động không hoạt động một cách đồng nhất, mà trên thực tế, trở nên mạnh mẽ hơn hoặc yếu hơn một cách luân phiên. Xung lực hoạt động mà không thay đổi bản chất, còn các rung động chỉ phát triển một cách đồng đều  trong một quãng thời gian nhất định, được xác định bởi bản chất của xung lực, môi trường, các điều kiện, v.v. Nhưng vào một thời điểm nhất định sẽ xảy ra một thay đổi nhất định trong hoạt động của xung lực và có thể nói rằng các rung động không còn tuân theo nó và trong một thời gian ngắn ngủi chúng chậm lại và ở một chừng mực nào đó thay đổi bản chất hoặc hướng đi; ví dụ, các rung động đi lên ở một thời điểm nào đó bắt đầu đi lên chậm hơn, và các rung động đi xuống bắt đầu di chuyển xuống chậm hơn. Sau sự chậm lại tạm thời này, ở cả sự đi lên và đi xuống, các rung động một lần nữa đi vào kênh cũ và trong một quãng thời gian nhất định chúng đi lên hoặc đi xuống một cách đồng đều đến một thời điểm nhất định khi sự đối trọng đối với sự phát triển của chúng lại diễn ra. Ở đây điều quan trọng là các chu kỳ hoạt động đồng đều của đà di chuyển là không bằng nhau và những thời điểm chậm lại của các rung động không tương xứng với nhau. Một chu kỳ chậm hơn, chu kỳ khác sẽ dài hơn”.

“Để xác định được những thời điểm chậm lại này, hay đúng hơn là những đối trọng của sự đi lên và đi xuống của các rung động, các đường phát triển của rung động được chia thành các chu kỳ tương ứng với sự nhân đôi hay chia đôi của số các rung động trong một khoảng thời gian nhất định”.

[Dịch giả: “Số rung động trong một khoảng thời gian nhất định” được gọi là “tần số”].

“Hãy cùng hình dung về một đường rung động tăng dần. Hãy suy ngẫm về thời điểm rung động với tần số một nghìn lần trên một giây. Sau một quãng thời gian nhất định, tần số rung động được nhân đôi, tức là đạt con số hai nghìn.”

“Người ta đã phát hiện và xác định được rằng ở quãng tần số này, giữa một tần số rung động nhất định và con số gấp đôi nó, có hai điểm xảy ra sự chậm lại của việc tăng số rung động. Một điểm ở gần điểm đầu nhưng không phải ở chính xác điểm đó. Điểm thứ hai xảy ra ở gần cuối”.

“Kiểu như thế này:

“Những định luật điều chỉnh sự chậm lại hay chênh lệch của các rung động khỏi hướng chính của chúng đã được khoa học cổ đại biết đến. Những định luật này đã kịp thời được lồng ghép vào một công thức hay bảng biểu nhất định và được bảo tồn đến thời của chúng ta. Theo công thức này, quãng tần số trong đó tần số rung động được nhân đôi được chia làm tám bước không đều nhau tương ứng với tốc độ tăng của tần số rung động. Bước thứ tám lặp lại bước đầu với số rung động tăng gấp đôi. Quãng tần số tăng gấp đôi này, hay đường phát triển của tần số rung động, giữa một tần số rung động nhất định và con số gấp đôi của nó, được gọi là một quãng tám, tức là bao gồm tám bước”.

“Nguyên tắc chia một chu kỳ thành tám phần không đồng đều, trong đó tần số rung động được nhân đôi, được dựa trên việc quan sát sự gia tăng không đồng đều của tần số rung động trong toàn bộ quãng tám, và các ‘bước’ riêng rẽ của quãng tám cho thấy sự tăng tốc và giảm tốc vào những thời điểm khác nhau trong sự phát triển của nó”.

“Dưới lớp vỏ của công thức này, những ý tưởng về quãng tám đã được truyền lại từ giáo viên tới học sinh, từ một trường học sang trường học khác. Từ những thời xa xôi nhất, một trong những trường học này đã nhận thấy rằng có thể áp dụng công thức này với âm nhạc. Theo cách này, các thang âm bảy nốt đã được hình thành, chúng được biết đến từ thời cổ xưa nhất, rồi bị quên lãng, và rồi lại được phát hiện hay ‘tìm thấy’”.

“Thang âm bảy nốt là công thức của định luật vũ trụ đã được các trường phái tâm linh học cổ đại phát hiện ra và áp dụng với âm nhạc. Tuy nhiên, cùng lúc đó, nếu ta nghiên cứu sự biểu thị của định luật quãng tám ở các loại rung động khác, chúng ta sẽ thấy rằng các định luật ở mọi nơi đều giống nhau, và rằng ánh sáng, nhiệt, hóa học, từ trường và các rung động khác đều chịu sự điều chỉnh của những định luật giống nhau, như sóng âm thanh. Ví dụ, thang ánh sáng được giới vật lý biết đến; trong hóa học, hệ thống tuần hoàn của các nguyên tố hoá học chắc chắn liên hệ chặt chẽ với nguyên tắc quãng tám, mặc dù sự liên kết này vẫn chưa được khoa học thấy rõ”.

“Sự nghiên cứu về cấu trúc của thang âm bảy nốt là nền tảng tốt để hiểu được định luật quãng tám của vũ trụ”.

“Một lần nữa chúng ta hãy lấy một quãng tám đi lên, tức là quãng tám trong đó tần số rung động tăng dần. Giả sử rằng quãng tám này bắt đầu với một nghìn chu kỳ trên một giây. Chúng ta hãy gọi tần số một nghìn chu kỳ này là nốt Đô. Các rung động tăng trưởng, tức là, tần số của chúng tăng. Ở điểm mà chúng đạt hai nghìn chu kỳ rung động trên một giây sẽ có một nốt Đô thứ hai, tức là nốt Đô của quãng tám tiếp theo”.

“Quãng tần số giữa hai nốt Đô này, tức là quãng tám này, được chia thành bảy phần không bằng nhau bởi tần số rung động không tăng một cách đồng đều”.

“Tỷ lệ cao độ của các nốt nhạc, hay của tần số rung động sẽ là như sau:

“Nếu chúng ta coi nốt Đô là 1 thì nốt Rê sẽ là 9/8, Mi là 5/4, Fa là 4/3, Sol là 3/2, La là 3/2, Si là 15/8, và Đô là 2”.

“Chênh lệch trong sự tăng tốc hay tăng nốt nhạc, hay chênh lệch về cao độ sẽ là như sau:

Giữa Đô và Rê 9/8 :1 = 9/8

Giữa Rê và Mi 5/4 : 9/8 = 10/9

Giữa Mi và Fa 4/3 : 5/4 = 16/15 (sự tăng chậm lại)

Giữa Fa và Sol 3/2 : 4/3 = 9/8

Giữa Sol và La 5/3 : 3/2 = 10/9

Giữa La và Si 15/8 : 5/3 = 9/8

Giữa Si và Đô 2: 15/8 = 16/15 (sự tăng chậm lại lần nữa).

“Sự chênh lệch giữa các nốt hay chênh lệch cao độ giữa các nốt được gọi là các quãng. Chúng ta thấy rằng có ba loại quãng trong quãng tám: 9/8, 10/9 và 16/15, bằng số tròn chúng lần lượt là 405, 400 và 384 [1]. Quãng nhỏ nhất 16/15 xảy ra giữa Mi và Fa và giữa Si và Đô. Đây chính xác là những điểm chậm lại ở quãng tám”.

[1] Dịch giả: 

Mẫu chung nhỏ nhất của 9/8, 10/9, 16/15 là 360.

(9/8) * 360 = 405

(10/9) * 360 = 400

(16/15) * 360 = 384

“Liên quan đến thang nhạc (bảy nốt), người ta thường coi là (trên lý thuyết) có hai nửa cung giữa hai nốt nhạc, ngoại trừ hai quãng Mi-Fa và Si-Đô, hai quãng này chỉ có một nửa cung và trong đó một nửa cung được coi là bị gạt ra”.

“Theo cách này có thể có được hai mươi nốt, trong đó tám nốt là cơ bản: Đô, Rê, Mi, Fa, Sol, La, Si, Đô, và mười hai nốt phụ: hai nốt phụ giữa hai cặp nốt sau:

Đô-Rê

Rê-Mi

Fa-Sol

Sol-La

La-Si

và một nốt phụ giữa hai cặp nốt sau:

Mi-Fa

Si-Đô

“Nhưng trên thực tế, tức là, trong âm nhạc, thay vì mười hai nửa cung phụ, chỉ có năm nốt nửa cung được lấy, tức là có một nốt nửa cung giữa:

Đô-Rê

Rê-Mi

Fa-Sol

Sol-La

La-Si

“Giữa Mi và Fa và giữa Si và Đô, nốt nửa cung không hề được lấy”.

“Theo cách này, cấu trúc của thang âm bảy nốt tạo ra một giản đồ của định luật vũ trụ gồm các ‘cung’, hay các nửa cung khuyết. Ở khía cạnh này, khi các quãng tám được nhắc tới theo nghĩa của ‘vũ trụ’ hay ‘cơ khí’, thì chỉ những quãng giữa Mi-Fa và Si-Đô mới được gọi là các ‘cung’”.

“Nếu ta nắm được ý nghĩa đầy đủ của nó, định luật của quãng tám sẽ cho chúng ta cách giải thích hoàn toàn mới về tổng thể cuộc sống, về tiến trình và sự phát triển của các hiện tượng trên mọi phương diện của vũ trụ mà ta quan sát được. Định luật này lý giải vì sao không có đường thẳng ở tự nhiên và vì sao chúng ta không thể nghĩ hay hành động [một cách chủ động], vì sao mọi thứ với ta đều là bị suy nghĩ [một cách bị động], vì sao mọi thứ xảy ra với chúng ta [một cách bị động] và thường xảy ra theo cách trái ngược với những gì ta muốn hay kỳ vọng. Tất cả những điều này là tác động rõ ràng và trực tiếp của các ‘cung’, hay sự chậm lại trong sự phát triển của các rung động”.

“Chính xác thì điều gì xảy ra vào thời điểm các rung động chậm lại? Sự chệch hướng so với định hướng ban đầu đã xảy ra. Quãng tám bắt đầu với định hướng được biểu thị bằng mũi tên:

“Nhưng sự chệch hướng xảy ra giữa Mi và Fa; đường thẳng bắt đầu ở Đô đã thay đổi hướng

và thông qua Fa, Sol, La và Si, nó đi xuống theo một góc so với định hướng ban đầu, được thể hiện bởi ba nốt đầu tiên. Giữa Si và Đô đã xảy ra ‘cung’ tiếp theo – một sự chệch hướng mới, tiếp tục thay đổi về định hướng”.

“Quãng tám tiếp theo có sự chệch hướng thậm chí còn lớn hơn, tiếp theo nó là sự chệch hướng lớn hơn thế nữa, khiến cho đường của quãng tám ở chặng cuối có thể trở thành đường vòng cung và tiến triển ngược chiều với định hướng ban đầu”.

“Khi phát triển hơn nữa, đường của quãng tám hay đường của sự phát triển của các rung động có thể trở về định hướng ban đầu, nói cách khác là tạo thành một đường tròn đầy đủ”.

“Định luật này cho thấy vì sao các đường thẳng không bao giờ xảy ra trong các hoạt động của chúng ta, vì sao sau khi bắt đầu làm một việc, trên thực tế chúng ta lại thường xuyên làm một điều hoàn toàn khác, thường trái ngược với việc ban đầu, mặc dù chúng ta không nhận ra điều này và tiếp tục nghĩ rằng chúng ta vẫn đang làm điều mà chúng ta đã bắt đầu làm”.

“Tất cả những điều này và nhiều điều khác chỉ có thể được lý giải với sự trợ giúp của định luật quãng tám cùng với sự hiểu biết về vai trò và tầm quan trọng của các ‘cung’ khiến cho đường phát triển của lực thường xuyên thay đổi, đi theo đường đứt gãy hay quay đầu trở thành sự trái ngược của chính nó, v.v”.

“Sự vận động đó của sự vật, tức là sự thay đổi định hướng của nó, chúng ta có thể quan sát ở mọi vật. Sau một chu kỳ nhất định của hoạt động của năng lượng hay một cảm xúc mạnh mẽ hay một sự hiểu biết đúng đắn, sẽ xảy ra một phản ứng, công việc trở nên buồn chán, mệt mỏi; những khoảnh khắc đuối sức và bất cần len lỏi vào cảm giác; thay vì tư duy đúng đắn thì ta bắt đầu tìm kiếm sự thỏa hiệp; sự kìm nén, tránh né những vấn đề khó khăn. Nhưng đường thẳng tiếp tục phát triển mặc dù giờ đây nó không còn cùng hướng với lúc ban đầu. Công việc trở nên máy móc, cảm giác trở nên ngày càng suy yếu, bị hạ xuống mức độ của các sự kiện thông thường trong ngày; suy nghĩ trở nên giáo điều, phàm tục. Mọi thứ tiến triển theo cách này trong một quãng thời gian nhất định, và một lần nữa phản ứng sẽ xảy ra, một lần nữa có sự ngưng lại, một lần nữa có sự thay đổi. Sự phát triển của lực có thể tiếp tục nhưng công việc vốn được khởi đầu với nhiệt huyết và hứng khởi đã trở thành một nghĩa vụ và sự hình thức một cách vô dụng; một số thành tố hoàn toàn xa lạ đã len lỏi vào cảm giác – cân nhắc, bực tức, khó chịu, thù địch; suy nghĩ quay vòng theo hình tròn, lặp lại cái đã biết từ trước, và lối thoát vốn đã được tìm thấy giờ trở nên ngày càng bị đánh mất”.

“Điều tương tự xảy ra ở mọi lĩnh vực của hoạt động con người. Trong văn học, khoa học, nghệ thuật, triết học, tôn giáo, ở cá nhân và trên hết ở xã hội và đời sống chính trị, chúng ta có thể quan sát cách mà đường thẳng phát triển của các lực thay đổi khỏi định hướng ban đầu, và theo thời gian, đi theo hướng hoàn toàn trái ngược mà vẫn bảo tồn được cái tên ban đầu của nó. Nghiên cứu lịch sử từ góc nhìn này cho thấy những sự kiện đáng ngạc nhiên nhất mà con người máy móc chẳng hề màng tới. Có lẽ những ví dụ thú vị nhất về sự thay đổi hướng đi của đường thẳng trong sự phát triển của các lực nằm ở lịch sử tôn giáo, nhất là lịch sử Thiên Chúa giáo, nếu nó được nghiên cứu một cách bình thản. Hãy nghĩ xem đường phát triển của các lực hẳn đã phải thay đổi hướng bao nhiêu lần để đi từ sách Phúc Âm giảng dạy về tình thương để tới Tòa án Dị giáo [2]; hay đi từ những thầy tu khổ hạnh vào những thế kỷ ban đầu nghiên cứu về Thiên Chúa giáo bí truyền đến những nhà triết học kinh viện tính toán số lượng các thiên thần có thể đặt trên đầu một mũi kim [3]”.

[2] Từ sách Phúc Âm đến Tòa án Dị giáo – sách Phúc Âm dạy về tình yêu và cách tha thứ cho đồng loại; Tòa án Dị giáo tra tấn và giết những người không đồng ý với quan niệm tôn giáo của họ.

[3] Từ thầy tu khổ hạnh đến nhà triết học kinh viện – các nhà tu khổ hạnh ở sa mạc Ai Cập trong ba thế kỷ đầu tiên của Thiên Chúa giáo tìm hiểu một cách nghiêm túc về chân lý của vũ trụ và còn người; còn việc tính ra số lượng các thiên thần trên mũi kim là hết sức nhảm nhí. Tuy nhiên, các nhà triết học kinh viện (tiếng Anh: scholastics) là hậu duệ của các thầy tu khổ hạnh. Cũng như thế, Tòa án Dị giáo là hậu duệ của những người viết sách Phúc Âm.

“Định luật quãng tám lý giải được rất nhiều hiện tượng trong cuộc sống chúng ta, những hiện tượng vốn không thể hiểu nổi”.

“Đầu tiên là nguyên tắc về sự chệch hướng của các lực”.

“Thứ hai là thực tế là không một thứ gì trên thế giới này ở nguyên một vị trí hay duy trì mãi bản chất như cũ, mọi thứ đều di chuyển, mọi thứ đều đi đâu đó, đều thay đổi, và chắc chắn sẽ phát triển hoặc đi xuống, suy yếu hoặc thoái hóa, tức là nó di chuyển dọc đường đi lên hoặc đi xuống của quãng tám”.

“Và thứ ba, là trong bản thân sự phát triển thực tế của cả các quãng tám đi lên và đi xuống, luôn xảy ra những sự dao động, sự thăng trầm”.

“Đến nay chúng ta đã chủ yếu bàn về sự không tiếp nối của các rung động và về sự chệch hướng của các lực. Giờ đây chúng ta cần nắm rõ được hai nguyên tắc khác: tính tất yếu của sự đi lên hoặc đi xuống ở mọi đường thẳng phát triển của các lực, và sự dao động định kỳ, tức là sự thăng trầm, ở tất cả các đường thẳng, dù là đi lên hay đi xuống”.

“Không gì có thể phát triển mà vẫn ở một cấp độ như cũ. Đi lên hoặc đi xuống là điều kiện tất yếu của vũ trụ trong bất kỳ hành động nào. Chúng ta không hiểu và cũng không thấy điều gì đang diễn ra xung quanh và bên trong chúng ta, hoặc là vì chúng ta không chấp nhận rằng sự đi xuống là tất yếu khi không có sự đi lên, hoặc bởi chúng ta coi sự đi xuống là đi lên. Đây là hai nguyên nhân cơ bản của sự lừa dối bản thân. Chúng ta không nhìn thấy điều đầu tiên bởi chúng ta thường xuyên nghĩ rằng mọi thứ có thể ở nguyên một cấp độ trong thời gian dài; và chúng ta không thấy điều thứ hai bởi những sự đi lên ở nơi mà ta thấy chúng trên thực tế là bất khả thi, hệt như việc cố gắng gia tăng ý thức bằng các phương thức cơ học”.

“Sau khi học được cách phân biệt giữa các quãng tám đi lên hoặc đi xuống trong cuộc sống chúng ta cần phải học cách phân biệt sự đi lên và đi xuống bên trong chính những quãng tám. Cho dù ứng dụng với lĩnh vực nào trong cuộc sống, chúng ta có thể thấy rằng không thứ gì có thể duy trì được sự cân bằng và liên tục; ở khắp nơi và ở mọi thứ con lắc sẽ đung đưa, ở mọi nơi và ở mọi thứ các con sóng đều đi lên và đi xuống. Năng lượng của chúng ta ở hướng này hay hướng khác bất chợt tăng và sau đó cũng đường đột suy yếu; tâm trạng của chúng ta ‘trở nên tốt hơn’ hay ‘trở nên tồi tệ hơn’ mà không có lý do gì hiển nhiên; cảm giác, khát vọng, ý định, quyết định của chúng ta – tất cả theo thời gian đều đi qua những chu kỳ đi lên hoặc đi xuống, trở nên mạnh mẽ hơn hoặc suy yếu hơn”.

“Và có lẽ có hàng trăm con lắc di chuyển theo hướng này hay hướng kia bên trong con người. Những sự đi lên hay đi xuống này, những dao động như cơn sóng đó của tâm trạng, suy nghĩ, cảm giác, năng lượng, quyết tâm, là những chu kỳ của sự phát triển của các lực giữa các ‘cung’ của quãng tám cũng như chính các ‘cung’ đó”.

“Nhiều hiện tượng, kể cả những hiện tượng có bản chất tâm lý cũng như hiện tượng kết nối trực tiếp với cuộc sống chúng ta đều phụ thuộc vào định luật quãng tám và ba biểu hiện chính của nó. Sự khiếm khuyết và không đầy đủ trong kiến thức của chúng ta trong mọi lĩnh vực đều phụ thuộc vào định luật quãng tám mà không có ngoại lệ, chủ yếu bởi vì chúng ta luôn bắt đầu ở một hướng và sau đó đi theo hướng khác mà không nhận ra điều đó”.

“Như đã nói từ trước, định luật quãng tám và tất cả các biểu hiện của nó đã được kiến thức cổ đại biết đến”.

“Kể cả sự phân chia thời gian của chúng ta, tức là các ngày trong tuần được chia thành ngày làm việc và Chủ Nhật, đều được gắn kết với cùng những thuộc tính và điều kiện bên trong của hoạt động của chúng ta, và chúng phụ thuộc vào định luật chung. Giai thoại của Kinh Thánh về việc thế giới được tạo ra trong sáu ngày, và đến ngày thứ bảy Chúa nghỉ ngơi cũng là một cách thể hiện định luật quãng tám, hoặc là chỉ dấu của nó, mặc dù là một chỉ dấu không đầy đủ”.

“Những quan sát dựa trên sự hiểu biết về định luật quãng tám cho thấy rằng những ‘rung động’ có thể phát triển theo nhiều cách khác nhau. Ở các quãng tám bị ngắt quãng, chúng chỉ bắt đầu rồi lại rơi xuống, bị nhấn chìm hoặc nuốt chửng bởi những rung động khác mạnh hơn đi ngang qua hay ngược chiều với chúng. Ở những quãng tám chệch hướng khỏi định hướng ban đầu của các rung động, chúng thay đổi bản chất và mang lại kết quả trái ngược với những gì được kỳ vọng lúc ban đầu”.

“Và chỉ những quãng tám ở tầm vũ trụ, kể cả đi lên và đi xuống, thì những rung động mới phát triển một cách liên tục và tuần tự, đi theo cùng một hướng với lúc ban đầu”.

“Những quan sát sâu hơn cho thấy sự phát triển đúng đắn và liên tục của các quãng tám, mặc dù rất hiếm, nhưng có thể được quan sát ở tất cả các sự kiện của cuộc sống và trong hoạt động của thiên nhiên, thậm chí là con người”.

“Sự phát triển đúng đắn của những quãng tám này dựa trên cái thoạt nhiên giống như một sự ngẫu nhiên. Điều đôi khi xảy ra là các quãng tám đi song song với một quãng tám có sẵn, cắt ngang hoặc trùng với nó, theo một cách nào đó lấp đầy những ‘cung’ và giúp cho các rung động của quãng tám có sẵn có thể phát triển tự do, không đối trọng. Việc quan sát những quãng tám phát triển đúng đắn đó đã xác định được thực tế là nếu vào một thời điểm cần thiết, tức là, vào thời điểm mà quãng tám có sẵn đi qua một ‘cung’, thì sẽ có một ‘cú sốc bổ sung’ đi vào nó tương ứng về lực và bản chất, nó sẽ phát triển hơn nữa mà không bị cản trở, trên đường thẳng ban đầu, vừa không mất đi bất cứ gì vừa không thay đổi bản chất”.

“Trong trường hợp đó, có sự khác biệt cơ bản giữa các quãng tám đi lên và đi xuống”.

“Ở quãng tám đi lên, ‘cung’ đầu tiên xuất hiện giữa Mi và Fa. Nếu năng lượng bổ sung tương ứng đi vào điểm này thì quãng tám sẽ phát triển mà không bị cản trở đến nốt Si, nhưng giữa Si và Đô nó sẽ cần một ‘cú sốc bổ sung’ mạnh hơn nhiều so với giữa Mi và Fa để có được sự phát triển đúng đắn, bởi những rung động của quãng tám ở điểm này có cao độ cao hơn nhiều và để có thể vượt qua sự đối trọng đối với sự phát triển của quãng tám thì cần có cường lực mạnh hơn”.

“Mặt khác, một quãng tám đi xuống, ‘cung’ lớn nhất xảy ra ở điểm ngay đầu của quãng tám, ngay sau nốt Đô đầu tiên và vật chất dùng để lấp đầy nó thường được thấy ở chính nốt Đô hay ở các rung động phụ do Đô tạo ra. Vì lý do này, một quãng tám đi xuống phát triển dễ dàng hơn nhiều so với quãng tám đi lên, và với việc đi qua Si, nó đạt tới Fa mà không có sự cản trở; ở đây cần có ‘cú sốc bổ sung’, mặc dù cường độ của nó thấp hơn nhiều so với ‘cú sốc’ đầu tiên giữa Đô và Si”.

“Ở quãng tám to lớn của vũ trụ, chúng đến với chúng ta dưới hình thức các tia của tạo hóa, chúng ta có thể thấy ví dụ hoàn chỉnh đầu tiên về định luật quãng tám. Tia của tạo hóa bắt đầu với cõi Tuyệt đối. Cõi Tuyệt đối là cái Tất cả. Cái Toàn thể chứa đựng sự hợp nhất trọn vẹn, ý chí trọn vẹn và ý thức trọn vẹn, nó tạo ra những thế giới bên trong nó, theo cách này quãng tám đi xuống của thế giới được bắt đầu. Cõi Tuyệt đối là nốt Đô của quãng tám này. Những thế giới mà cõi Tuyệt đối tạo ra bên trong nó là nốt Si. ‘Cung’ giữa nốt Đô và Si trong trường hợp này được lấp đầy bởi ý chí của cõi Tuyệt đối. Quá trình tạo hóa được phát triển hơn nữa bởi xung lực ban đầu và ‘cú sốc bổ sung’. Nốt Si đi tới nốt La, và với chúng ta nó chính là thế giới các ngôi sao, là dải Ngân Hà. La đi vào Sol – Mặt Trời, hệ Mặt Trời của chúng ta. Sol đi vào Fa – thế giới của các hành tinh. Và ở đây giữa thế giới của các hành tinh như một tổng thể, Trái Đất của chúng ta xảy ra như một ‘cung’. Điều này có nghĩa là phóng xạ của các hành tinh mang những ảnh hưởng khác nhau tới Trái Đất nhưng không thể đạt tới nó, hay nói một cách đúng hơn là không được nhận, và Trái Đất phản chiếu lại chúng. Để có thể lấp đầy ‘cung’ của tia tạo hóa ở điểm này, một công cụ đặc biệt được tạo ra để nhận và truyền những ảnh hưởng đến từ các hành tinh. Công cụ này là sự sống hữu cơ trên Trái Đất. Sự sống hữu cơ truyền tới Trái Đất tất cả những ảnh hưởng dành cho nó và khiến sự phát triển hơn nữa và tăng trưởng của Trái Đất trở nên khả thi, tức là nốt Mi của quãng tám vũ trụ, và rồi của Mặt Trăng hay nốt Rê, sau đó là một nốt Đô khác – Tính Không. Tia của sự tạo hóa đã đi qua giữa cõi Tuyệt đối và Tính Không”.

“Cậu có biết lời nguyện cầu ‘Đức Chúa linh thiêng, Đấng toàn năng linh thiêng, Đấng bất tử linh thiêng’ không? [4]. Lời nguyện cầu này đến từ kiến thức cổ đại. Chúa linh thiêng nghĩa là cõi Tuyệt đối hay cái Toàn thể. Đấng toàn năng linh thiêng cũng có nghĩa là cõi Tuyệt đối hay Tính Không. Đấng bất tử linh thiêng có ý nghĩa là cái ở giữa chúng, tức là sáu nốt nhạc của tia của tạo hóa, với sự sống hữu cơ. Cả ba hợp với nhau tạo thành một. Đây là sự cùng tồn tại và không thể chia cắt của Đức Chúa Ba Ngôi”.

[4] Đức Chúa linh thiêng, Đấng toàn năng linh thiêng, Đấng bất tử linh thiêng (Tiếng Anh: Holy God, Holy Mighty, Holy Immortal, [have mercy on us]). Lời cầu nguyện này được nhà thờ Chính Thống Giáo gọi là Trisagion.

“Giờ đây chúng ta cần đi sâu vào ý tưởng về ‘cú sốc bổ sung’, thứ khiến cho các đường của lực có thể đạt tới một mục tiêu được nhắm tới. Như tôi đã nói, các cú sốc có thể xảy ra ngẫu nhiên. Sự ngẫu nhiên tất nhiên là một thứ rất bất định. Nhưng những đường phát triển đó vốn được làm thẳng một cách ngẫu nhiên và con người đôi khi có thể nhìn thấy, giả định, hay kỳ vọng, đã tạo ra trong anh ta, hơn bất kỳ thứ gì khác, ảo giác về những đường thẳng. Có nghĩa là, anh ta cho rằng các đường thẳng là quy tắc, còn các đường đứt gãy là ngoại lệ. Điều này tạo ra trong anh ta ảo giác rằng điều này có thể làm; có thể đạt được một mục tiêu định sẵn. Trên thực tế, một người không thể làm điều gì. Nếu hoạt động của anh ra kết quả bởi ngẫu nhiên, mặc dù nó chỉ giống với mục tiêu ban đầu về bề ngoài hay tên gọi, anh ta vẫn khẳng định với bản thân và những người khác rằng anh ta đã đạt được mục tiêu mình đặt ra và rằng bất kỳ ai khác cũng có thể đạt được mục tiêu của mình, và những người khác tin anh ta. Trên thực tế đây là một ảo giác. Một người có thể thắng trong trò cò quay. Nhưng nó là sự ngẫu nhiên. Việc đạt được một mục tiêu mà một người tự đặt ra cho mình trong cuộc sống hay bất kỳ lĩnh vực nào trong đời cũng chỉ là một sự ngẫu nhiên tương tự. Khác biệt duy nhất là, với trò cò quay, ít nhất người kia biết được chắc chắn mình đã thắng hay thua trong từng đợt riêng rẽ, tức là trong từng lần quay. Nhưng trong các hoạt động trong cuộc sống, nhất là với những hoạt động mà nhiều người quan tâm và khi nhiều năm đã trôi qua giữa thời điểm bắt đầu cái gì đó và kết quả của nó, một người có thể dễ dàng tự lừa dối mình và coi kết quả ‘có được’ là kết quả mong muốn, tức là, anh ta tin rằng mình đã thắng trong khi nhìn một cách tổng thể anh ta không thắng”.

“Sự xúc phạm lớn nhất đối với một ‘người-máy’ là nói với anh ta rằng anh ta không thể làm gì, không thể đạt được gì, rằng anh ta không bao giờ hướng tới bất kỳ mục tiêu gì, và với việc cố gắng hướng tới nó, anh ta tất yếu sẽ tạo ra một mục tiêu khác. Tất nhiên thực tế điều này không thể khác. ‘Người-máy’ này nằm trong tay của sự ngẫu nhiên. Các hoạt động của anh ta có thể ngẫu nhiên rơi vào một kênh nào đó được tạo ra bởi các lực vũ trụ hay cơ khí và chúng có thể ngẫu nhiên đi dọc kênh này trong một khoảng thời gian nhất định, tạo ra ảo giác rằng những mục tiêu kiểu này đã đạt được. Những kết quả tương ứng một cách ngẫu nhiên với mục tiêu mà chúng ta đặt ra cho mình hay việc đạt được những mục tiêu trong các vấn đề nhỏ, không hệ lụy đã tạo ra ở bên trong người-máy niềm tin rằng anh ta có thể đạt được bất kỳ mục tiêu nào, ‘có khả năng thắng được thiên nhiên’ như nó vẫn được gọi, có khả năng ‘sắp xếp toàn bộ cuộc sống của anh ta’, v.v”.

“Trên thực tế tất nhiên anh ta không thể làm bất cứ thứ gì như vậy, không chỉ bởi anh ta không thể kiểm soát những thứ bên ngoài mình, mà còn vì anh ta không thể kiểm soát kể cả những thứ bên trong mình. Vế sau này cần được hiểu và tiêu hóa một cách rõ ràng; cùng lúc, cần phải hiểu rằng việc kiểm soát được các vấn đề bắt đầu với việc kiểm soát được những thứ bên trong chúng ta, với việc kiểm soát được chính chúng ta. Một người không thể kiểm soát được bản thân mình, hay sự vận động của sự vật bên trong mình, thì không thể kiểm soát được bất cứ thứ gì”.

“Làm sao để có thể kiểm soát được?”

“Phần kỹ thuật của điều này được lý giải bởi định luật quãng tám. Các quãng tám có thể phát triển cùng lúc và liên tục theo hướng mong muốn nếu các ‘cú sốc bổ sung’ đi vào chúng vào thời điểm cần thiết, tức là vào thời điểm khi các rung động chậm lại. Nếu các ‘cú sốc bổ sung’ không vào ở những thời điểm cần thiết thì các quãng tám sẽ đổi hướng. Việc hy vọng rằng những ‘cú sốc’ tự chúng có thể ngẫu nhiên đến từ một nơi khác vào thời điểm cần thiết đương nhiên là điều hão huyền. Con người vẫn còn có thể lựa chọn giữa việc tìm định hướng cho các hoạt động của mình một cách tương ứng với đường thẳng cơ học của các sự kiện vào một thời điểm nhất định, nói cách khác là ‘đi theo hướng gió thổi’ hay ‘bơi theo dòng’, kể cả khi nó trái với chiều hướng, niềm tin, mối thương cảm nội tại của anh ta, hoặc việc cam chịu với những thất bại của mọi thứ anh ta bắt đầu làm; hoặc anh ta có thể học cách thừa nhận những thời điểm xảy ra các ‘cung’ trên tất cả các đường thẳng của hoạt động của mình và học cách tạo ra ‘cú sốc bổ sung’, nói cách khác là học cách áp dụng vào những hoạt động của chính mình phương pháp mà các lực vũ trụ tận dụng khi tạo ra các ‘cú sốc bổ sung’ vào những thời điểm cần thiết”.

“Khả năng tạo ra các ‘cú sốc bổ sung’ nhân tạo mang đến ý nghĩa thiết thực đối với việc nghiên cứu định luật quãng tám và khiến việc nghiên cứu đó trở nên bắt buộc và cần thiết nếu con người muốn bước ra khỏi vai trò của một người quan sát thụ động hoặc khỏi điều đang xảy ra với anh ta và xung quanh anh ta”.

“‘Người-máy’ không thể làm gì. Mọi thứ xảy ra với anh ta và xung quanh anh ta. Để có thể làm điều đó, cần phải biết được định luật quãng tám, biết về những thời điểm của các ‘cung’ và có khả năng tạo ra những ‘cú sốc bổ sung’ cần thiết”.

“Chỉ có thể học điều này trong trường huyền học, tức là một trường được tổ chức một cách đúng đắn, tuân theo các truyền thống bí truyền. Không có sự giúp đỡ của trường huyền học, một người không thể nào tự mình hiểu được định luật quãng tám, các điểm xảy ra các ‘cung’ và các cách để tạo ra những ‘cú sốc’. Anh ta không thể hiểu được bởi cần có những điều kiện nhất định cho mục đích này, và những điều kiện này chỉ có thể được tạo ra ở một ngôi trường được tạo ra trên cơ sở những nguyên tắc này”.

“Một ngôi trường được tạo ra dựa trên nguyên tắc định luật quãng tám như thế nào sẽ được giải thích sau. Và điều này rồi sẽ giải thích được cho cậu một khía cạnh của sự thống nhất giữa định luật bộ bảy và định luật bộ ba. Trước mắt, chỉ có thể nói rằng, với giáo lý của trường học, con người được đưa cho những ví dụ về cả những quãng tám đi xuống (sự sáng tạo) và đi lên (hoặc tiến hóa) của vũ trụ. Tư duy của phương Tây không hiểu biết về các quãng tám hay định luật bộ ba và đã lẫn lộn giữa các đường đi lên, đi xuống và không hiểu được rằng đường thẳng tiến hóa đi ngược lại với đường thẳng tạo hóa, tức là, nó đi ngược lại nó giống như đi ngược dòng”.

“Khi nghiên cứu về định luật quãng tám, cần nhớ rằng các quãng tám trong quan hệ với nhau được chia thành cái cơ bản và cái phụ. Quãng tám cơ bản có thể được ví như thân cây, chúng tạo ra những nhánh cây là những quãng tám phụ. Bảy nốt cơ bản của quãng tám và hai ‘cung’ là tác nhân của những định hướng mới, cùng nhau chúng tạo ra chín mối kết nối của một chuỗi, ba nhóm bộ ba”.

“Các quãng tám cơ bản được kết nối với các quãng tám phụ theo một cách nhất định. Từ những quãng tám phụ bậc thứ nhất xuất hiện các quãng tám phụ bậc hai, và cứ như thế. Cấu trúc của các quãng tám có thể được ví như cấu trúc của một chiếc cây. Từ thân cây thẳng cơ bản xuất hiện các cành cây ở tất cả các mặt, chúng được chia ra và tỏa thành các nhánh – trở nên ngày càng nhỏ hơn, và cuối cùng được bao phủ bởi lá. Quá trình tương tự diễn ra trong cấu trúc của các lá cây, sự hình thành của các mạch, khía lá, v.v”.

“Giống như mọi thứ trong tự nhiên, cơ thể con người đại diện cho cái tổng thể nhất định và chứa bên trong và bên ngoài nó sự tương quan tương tự. Theo con số của những nốt nhạc của quãng tám và các ‘cung’ của nó, cơ thể con người có chín số đo cơ bản được thể hiện bởi số lượng các chỉ số cố định. Ở các cá nhân, những con số này đương nhiên có sự khác biệt lớn, nhưng chỉ trong một giới hạn nhất định. Chín số đo cơ bản này tạo ra quãng tám đầy đủ ở bậc thứ nhất, bằng cách kết hợp theo một cách nhất định tạo ra những số đo của các quãng tám phụ, từ đó chúng tạo ra những quãng tám phụ khác, v.v. Theo cách này, có thể có được số đo của bất kỳ chi hay bộ phận nào của cơ thể con người do chúng đều có mối quan hệ nhất định với nhau”.

Định luật quãng tám đương nhiên đã dấy lên nhiều cuộc thảo luận lớn trong nhóm của tôi và khiến chúng tôi thấy khó hiểu. G. đã luôn cảnh báo chúng tôi trước việc phỏng đoán và giả định nhiều quá.

“Các cậu phải hiểu và cảm nhận định luật này trong mình” – ông nói. “Chỉ khi đó các cậu mới có thể nhìn thấy nó bên ngoài mình”.

Điều này đương nhiên là đúng. Nhưng khó khăn không chỉ nằm ở đây. Chỉ hiểu biết một cách “máy móc” về định luật quãng tám tôi đã phải mất rất nhiều thời gian. Và chúng tôi thường xuyên trở lại với nó, đôi khi có những phát hiện không ngờ, khi khác lại mất đi cái mà trước đó dường như đã được xác định.

Giờ đây rất khó để thể hiện được cách ở các thời điểm khác nhau ý tưởng này hay ý tưởng kia trở thành trọng tâm trong nghiên cứu của chúng tôi, thu hút sự quan tâm lớn nhất, làm dấy lên nhiều cuộc thảo luận nhất. Ý tưởng về định luật quãng tám tự nó đã trở thành một trọng tâm thường trực. Chúng tôi thường xuyên trở lại với nó; chúng tôi nói về nó và bàn về các khía cạnh khác nhau trong tất cả các cuộc gặp cho đến khi chúng tôi dần nghĩ về mọi thứ từ góc nhìn của ý tưởng này.

Trong buổi nói chuyện đầu tiên, G. chỉ vạch ra ý chung về ý tưởng đó và chính ông cũng thường xuyên trở lại với nó, chỉ ra cho chúng tôi những khía cạnh và ý nghĩa khác nhau của nó.

Trong một trong những cuộc gặp sau đó, ông đã minh họa một bức tranh khá thú vị về một ý nghĩa khác của định luật quãng tám, theo đó ông đã đi sâu vào mọi thứ.

“Để có thể hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của định luật quãng tám, cần phải có ý tưởng rõ ràng về một đặc tính khác của các rung động, cái gọi là “rung động nội tại”. Có nghĩa là, bên trong các rung động, những rung động khác diễn ra, và tất cả các quãng tám có thể được phân tích thành rất nhiều các quãng tám nội tại”.

“Từng nốt của bất kỳ quãng tám nào cũng có thể coi là một quãng tám của một phương diện khác”.

“Từng nốt của những quãng tám nội tại này một lần nữa chứa đựng một quãng tám hoàn chỉnh khác và cứ thế, trong một khoảng cách khá là dài, nhưng không phải là bất tận, bởi có giới hạn nhất định đối với sự phát triển của các quãng tám nội tại”.

“Những rung động nội tại này diễn ra đồng thời trong các ‘môi trường’ với các độ dày khác nhau, thâm nhập lẫn nhau; chúng được phản ánh ở nhau, tạo ra nhau; ngừng, ngăn cản hoặc thay đổi lẫn nhau”.

“Hãy hình dung về những rung động ở một chất hay môi trường với một độ dày nhất định. Giả sử chất hay môi trường này bao gồm các nguyên tử khá thô của thế giới 48, từng nguyên tử trong đó có thể coi là sự tích tụ của bốn mươi tám nguyên tử cơ bản. Những rung động diễn ra trong môi trường này có thể chia thành các quãng tám và các quãng tám có thể chia thành các nốt. Hãy hình dung rằng chúng ta đã lấy một quãng tám của những rung động này để tiến hành phân tích. Chúng ta cần nhận ra rằng trong quãng tám này diễn ra những rung động của những chất nhỏ hơn. Chất của thế giới 48 được bão hòa bởi chất của thế giới 24; các rung động của thế giới 24 có quan hệ nhất định với những rung động của chất của thế giới 48; tức là, từng nốt trong rung động của chất của thế giới 48 chứa một quãng tám đầy đủ gồm các rung động trong chất của thế giới 24”.

“Đây là những quãng tám bên trong”.

“Chất của thế giới 24 từ đó được thấm bởi chất của thế giới 12. Ở chất này cũng có những rung động và từng nốt của các rung động của thế giới 24 chứa một quãng tám đầy đủ của những rung động của thế giới 12. Chất của thế giới 12 được thấm bởi chất của thế giới 6. Chất của thế giới 6 được thấm bởi chất của thế giới 3. Thế giới 3 được thấm bởi chất của thế giới 1. Những rung động tương ứng tồn tại trong từng thế giới này và các thứ bậc luôn giống nhau, tức là, từng nốt của các rung động của chất thô hơn chứa đựng một quãng tám đầy đủ của những rung động của chất tinh hơn”.

“Nếu chúng ta bắt đầu với những rung động của thế giới 48, chúng ta có thể nói rằng một nốt của những rung động trong thế giới này chứa đựng một quãng tám hay bảy nốt của các rung động của thế giới hành tinh. Từng nốt của các rung động của thế giới hành tinh chứa đựng bảy nốt của rung động trong thế giới của Mặt Trời. Từng rung động của thế giới Mặt Trời sẽ chứa bảy nốt của rung động của thế giới các ngôi sao, v.v”.

“Việc nghiên cứu các quãng tám nội tại, nghiên cứu mối quan hệ của chúng với các quãng tám bên ngoài và cách mà quãng tám bên trong có thể ảnh hưởng lên quãng tám bên ngoài, cấu thành một phần rất quan trọng của nghiên cứu về thế giới và con người”.

Ở cuộc gặp tiếp theo, G. một lần nữa nói về tia Tạo hóa, một phần lặp lại và phần khác bổ sung và phát triển điều ông đã nói trước đó.

“Tia Tạo hóa cũng giống với các tiến trình được hoàn thành vào một thời điểm nhất định và có thể coi là một quãng tám. Đây sẽ là một quãng tám đi xuống trong đó nốt Đô đi vào Si, Si vào La và tiếp tục như vậy.

“Cõi Tuyệt đối hay “Toàn thể” (thế giới 1) sẽ là Đô; tất cả các thế giới (thế giới 3) – Si; tất cả Mặt Trời (thế giới 6) – La; Mặt Trời của chúng ta – Sol; tất cả các hành tinh (thế giới 24) – Fa; Trái Đất (thế giới 48) – Mi; Mặt Trăng (thế giới 96) – Rê. Tia Tạo hóa bắt đầu với cõi Tuyệt đối. Cõi Tuyệt đối là Tất cả, nó là – Đô”.

“Tia Tạo hóa kết thúc ở Mặt Trăng. Xa hơn Mặt Trăng sẽ không còn gì. Đây cũng là cõi Tuyệt đối – Đô” [5].

[5] Ghi chú của biên tập: Theo Samael Aun Weor, thông tin này không chính xác; tia này tiếp tục đi xuống xa hơn Trái Đất và Mặt Trăng.

“Khi xem xét tia Tạo hóa hay quãng tám của vũ trụ, chúng ta thấy rằng các ‘cung’ cần xuất hiện trong sự phát triển của quãng tám này: quãng thứ nhất giữa Đô và Si, tức là giữa thế giới 1 và thế giới 3, giữa cõi Tuyệt đối và ‘tất cả các thế giới’, và quãng thứ hai giữa Fa và Mi, tức là giữa thế giới 24 và thế giới 48, giữa ‘tất cả các hành tinh’ và Trái Đất. Nhưng ‘cung’ đầu tiên đã bị lấp đầy bởi ý chí của cõi Tuyệt đối. Một trong những biểu hiện của ý chí của cõi Tuyệt đối chính là sự lấp đầy ‘cung’ này thông qua biểu hiện có ý thức của một lực trung hòa lấp đầy ‘cung’ giữa các lực chủ động và bị động. Với ‘cung’ thứ hai tình hình phức tạp hơn. Có gì đó thiếu vắng giữa các hành tinh và Trái Đất. Những ảnh hưởng của các hành tinh không thể truyền tới Trái Đất một cách liên tục và đầy đủ. Một ‘cú sốc bổ sung’ là hết sức cần thiết; việc tạo ra những điều kiện mới nào đó để bảo đảm các lực được truyền một cách đúng đắn là hết sức cần thiết”.

“Những điều kiện để bảo đảm sự truyền đi của các lực được tạo ra bởi sự dàn xếp các bộ phận sáng chế cơ học giữa các hành tinh và Trái Đất. Bộ phận sáng chế cơ học này, ‘trạm thu truyền lực’ này là sự sống hữu cơ trên Trái Đất. Sự sống hữu cơ trên Trái Đất được tạo ra để lấp đầy quãng giữa các hành tinh và Trái Đất”.

“Sự sống hữu có thể được coi như là bộ phận giác quan của Trái Đất. Sự sống hữu cơ hình thành một thứ giống như một thước phim nhạy cảm phủ đầy lên mặt địa cầu và tiếp nhận những ảnh hưởng đến từ các hành tinh mà nếu không có nó thì chúng sẽ không thể đến được Trái Đất. Hoa quả, động vật và các vương quốc của loài người theo cách này cũng quan trọng như vậy đối với Trái Đất. Một vùng đất chỉ phủ đầy cỏ tiếp nhận những loại ảnh hưởng nhất định của các hành tinh và truyền chúng tới Trái Đất. Cùng vùng đất đó với một nhóm người trên nó sẽ tiếp nhận và truyền những loại ảnh hưởng khác. Dân số châu Âu tiếp nhận một loại ảnh hưởng của hành tinh và truyền chúng tới Trái Đất. Dân số châu Phi tiếp nhận ảnh hưởng loại khác của hành tinh, và cứ như vậy tiếp diễn”.

“Mọi sự kiện lớn trong dòng đời của đại chúng con người được tạo ra bởi ảnh hưởng của các hành tinh. Chúng là kết quả của việc tiếp nhận ảnh hưởng của các hành tinh. Xã hội loài người là một loại đại chúng hết sức nhạy cảm với việc tiếp nhận ảnh hưởng của các hành tinh. Và bất kỳ sự căng thẳng nhỏ ngẫu nhiên nào ở các hành tinh cũng có thể được phản ánh một cách phóng đại trong nhiều năm ở lĩnh vực này hay lĩnh vực khác của hoạt động con người. Cái gì đó ngẫu nhiên và rất ngắn ngủi diễn ra trên không gian các hành tinh. Điều này lập tức được đại chúng loài người tiếp nhận, và con người ta bắt đầu ghét và giết lẫn nhau, biện minh cho hành động của mình bởi những học thuyết về tình anh em, quyền bình đẳng, hay tình thương, hay công lý”.

“Sự sống hữu cơ là bộ phận giác quan của Trái Đất và cùng lúc đó nó cũng là bộ phận phóng xạ. Với sự trợ giúp của sự sống hữu cơ, từng phần của bề mặt Trái Đất bao phủ một vùng nhất định vào tất cả các thời điểm đều phát đi các loại tia nhất định theo hướng của Mặt Trời, các hành tinh và Mặt Trăng. Liên quan đến điều này, Mặt Trời cần một loại phóng xạ, các hành tinh một loại khác và Mặt Trăng một loại khác nữa. Mọi thứ xảy ra trên Trái Đất đều tạo ra phóng xạ theo loại này. Và nhiều điều thường xảy ra chỉ vì những loại phóng xạ nhất định là cần thiết cho một địa điểm nhất định trên bề mặt của Trái Đất”.

Khi nói như vậy, G. đã hướng sự chú ý của chúng tôi tới sự bất tuân của thời gian, tức là, của thời lượng của các sự kiện trong thế giới hành tinh và trong đời sống con người. Phải sau này tôi mới rõ được về tầm quan trọng từ việc nhấn mạnh vào điểm này của ông.

Cùng lúc đó ông liên tục nhấn mạnh vào thực tế là cho dù điều gì xảy ra ở tấm phim mỏng của sự sống hữu cơ này, nó luôn phục vụ lợi ích của Trái Đất, Mặt Trời, các hành tinh và Mặt Trăng; không có thứ gì không cần thiết và không có thứ gì độc lập có thể xảy ra trong nó bởi nó được tạo ra vì một mục đích nhất định và chỉ có tính phục tùng.

Và sau khi đã đi sâu vào chủ đề này ông đã cho chúng tôi một biểu đồ về cấu trúc của quãng tám trong đó có một đường kết nối là “sự sống hữu cơ trên Trái Đất”.

“Quãng tám phụ hay quãng tám nhánh này là tia Tạo hóa bắt đầu ở Trái Đất” – ông nói.

“Trái Đất, nốt Sol của quãng tám vũ trụ, bắt đầu ở một thời điểm nhất định và nghe như nốt Đô, Sol-Đô”.

“Cần nhận thức rằng tất cả các nốt của bất kỳ quãng tám nào, ở thời điểm này là mọi nốt của quãng tám vũ trụ, có thể là nốt Đô của quãng tám nhánh khác phát ra từ nó. Hoặc chính xác hơn, có thể nói rằng bất kỳ nốt nào của bất kỳ quãng tám nào có thể đồng thời là bất kỳ nốt nào của bất kỳ quãng tám nào đi qua nó”.

“Ở thời điểm hiện tại Sol bắt đầu nghe giống Đô. Đi xuống tới cấp độ của các hành tinh quãng tám này đi vào nốt Si; đi xuống thấp hơn nó tạo ra ba nốt là La, Sol, Fa, chúng tạo ra và cấu thành sự sống hữu cơ trên Trái Đất dưới hình thức mà chúng ta biết đến nó; nốt Mi của quãng tám này hòa với nốt Mi của quãng tám vũ trụ, tức là với Trái Đất, và nốt Rê với Rê của quãng tám vũ trụ, tức là với Mặt Trăng”.

Ngay tức khắc chúng tôi cảm thấy rằng có rất nhiều ý nghĩa trong quãng tám nhánh này. Thứ nhất, nó cho thấy rằng sự sống hữu cơ, được thể hiện trên biểu đồ bởi ba nốt, có hai nốt cao hơn, một nốt ở cấp độ của các hành tinh, một ở cấp độ của Mặt Trời, và rằng nó bắt đầu ở Mặt Trời. Điểm cuối này là điểm quan trọng nhất bởi một lần nữa, cũng như với những thứ khác trong hệ thống của G., nó mâu thuẫn với ý tưởng hiện đại thông thường về sự sống được bắt nguồn từ dưới. Trong những giải thích của ông, sự sống đến từ phía trên.

Rồi có rất nhiều buổi nói chuyện về các nốt Mi, Rê của quãng tám nhánh. Tất nhiên, chúng tôi không thể định nghĩa Rê là gì. Nhưng nó rõ ràng được kết nối với ý tưởng về thức ăn cho Mặt Trăng. Một sản phẩm nào đó của sự tan rã của sự sống hữu cơ đã đi đến Mặt Trăng; nó chắc hẳn phải là nốt Rê. Liên quan đến nốt Mi, có thể nói đến nó một cách khá chắc chắn. Sự sống hữu cơ chắc chắn đã biến mất trong Trái Đất [6].

[6] Dịch giả: ý nghĩa của câu này trong bản gốc không rõ.

Vai trò của sự sống hữu cơ trong cấu trúc của bề mặt Trái Đất là không thể tranh cãi. Ở đó có sự sinh sôi của các hòn đảo san hô và núi đá vôi, sự hình thành của các lớp than đá và sự tích tụ dầu khí; sự thay đổi của đất dưới ảnh hưởng của thực vật, sự phát triển của thực vật ở các hồ nước, sự “hình thành đất màu mỡ bởi những con sâu”, sự biến đổi khí hậu do việc cạn hồ và phá rừng, và nhiều thứ khác mà chúng ta biết cũng như không biết đến.

Nhưng bên cạnh điều này, quãng tám nhánh còn cho thấy rõ rằng mọi thứ được được phân loại một cách dễ dàng và chính xác thế nào trong hệ thống mà chúng tôi đang nghiên cứu. Mọi thứ bất thường, bất ngờ và ngẫu nhiên đều biến mất, và kế hoạch bao la và được tính toán kỹ lưỡng của vũ trụ bắt đầu xuất hiện. 



Leave a Reply