Dòng âm thanh

✏ Tác giả: Samael Aun Weor 📖 Chuyển hóa Ấn tượng Tâm lý

Tiêu đề của bản gốc: “La Corriente Del Sonido” (bài giảng)

Tối nay, để chuẩn bị, chúng ta sẽ bắt đầu với một bài giảng. Sau đó chúng ta sẽ thực hiện một số liệu pháp chữa lành và cuối cùng sẽ là lễ Thánh thể Gnosis.

Trước hết, thầy cho rằng chúng ta cần phải thay đổi. Chúng ta phải ra khỏi trạng thái hiện tại của mình. Một sự thay đổi triệt để ở bên trong là điều cấp bách.

Rõ ràng là không có một tiến trình thay đổi nào mà lại không trải qua một “cú sốc” đặc biệt. Bảy nốt nhạc: ĐÔ, RÊ, MI, FA, SON, LA, SI hiển nhiên là có liên quan đến tất cả các sự kiện trong cuộc sống. Trên thực tế, ĐÔ-RÊ-MI có liên quan đến một chuỗi các sự kiện. Rồi, có một khoảng dừng giữa MI và FA. Tiếp theo là các nốt FA, SON, LA, SI, và giữa SI và ĐÔ lại có một khoảng dừng khác [1].

[1] ĐÔ, RÊ, MI, FA, SON, LA và SI:
Bản gốc có viết rằng khoảng dừng thứ hai nằm ở giữa LA và SI. Tuy nhiên, thông tin này trái với nhạc lý và không thống nhất với những điều thầy Samael đã viết ở một số sách khác cho nên chúng tôi đã sửa lại nội dung này trong bản dịch.

Khái niệm này đến từ giáo lý của G. I. Gurdjieff. Hãy tham khảo Chương 7 của tác phẩm Hành trình Đi Tìm Điều Kỳ Diệu để hiểu rõ hơn.

Nếu một người tự vạch định cho mình một kế hoạch nào đó trong đời thì chắc chắn họ phải bắt đầu với nốt ĐÔ. Sau đó, họ sẽ tiếp tục với nốt RÊ và kết thúc bằng nốt MI. Đến đoạn này, họ sẽ gặp phải nhiều khó khăn và bất tiện. Đó chính là khoảng dừng giữa MI và FA. Khi đó dòng âm thanh có xu hướng quay trở lại điểm xuất phát ban đầu [2].

[2] Trên bàn phím đàn piano, hai “khoảng dừng” giữa MI và FA, SI và ĐÔ là hai chỗ không có phím đen giữa hai phím trắng. Nốt nhạc trong gam Đô trưởng có thể tượng trưng cho các giai đoạn tiến triển của bất kỳ công việc. Những “khoảng dừng” chỉ các giai đoạn khó khăn.

Kết quả là những nỗ lực ban đầu, những dự án đã được triển khai thường sẽ thất bại. Nhưng nếu một người lại nỗ lực để vượt qua khoảng dừng này thì hiển nhiên là họ có thể tiếp bước trên con đường thẳng. Và thậm chí là động lực ban đầu còn tăng lên và rồi người đó sẽ thành công.

Tiếp theo là các nốt FA, SON, LA, nhưng giữa nốt SI và ĐÔ có một khoảng dừng mới. Nếu động lực ban đầu không được củng cố thì dòng âm thanh sẽ quay trở lại điểm xuất phát của nó. Rồi những hoạch định, dự án hoặc công việc kinh doanh sẽ thất bại. Vì lẽ đó, bảy nốt nhạc của âm giai là vô cùng quan trọng. Dòng âm thanh là một chủ đề tuyệt vời.

Giữa các nốt MI và FA và các nốt SI và ĐÔ, chúng ta phải đánh một cú sốc vào âm thanh. Ta luôn cần một cú sốc để có thể tồn tại, để đạt được một sự thay đổi, một sự chuyển hóa.

Khi một đứa trẻ được sinh ra, khi nó đến với thế giới, cú sốc đầu tiên đứa trẻ nhận thức được chính là hơi thở đầu tiên. Khi hít vào, đứa trẻ lần đầu tiên nhận được không khí và nó bắt đầu sống. Chúng ta cần một cú sốc vật lý đơn thuần như thế để tồn tại. Thực ra, ví dụ như chúng ta hít Carbon monoxide thay thế cho Oxy, Ni-tơ, v.v. thì cú sốc vẫn sẽ được tạo ra, nhưng nó sẽ không được cơ thể tiếp nhận. Cơ thể sẽ không tiếp nhận cú sốc này và cái chết sẽ đến.

Nền văn minh hiện đại được đề cao của chúng ta cũng cần một cú sốc để không bị chết đi hay hủy diệt. Cú sốc này chỉ có thể được thực hiện thông qua một nền văn minh khác siêu việt hơn chúng ta. Chỉ có cách đó thì nền văn minh này mới không chết đi. Cần phải phát minh ra loại “cú sốc” để đánh vào nền văn minh đang chết dần chết mòn này. Nhưng chúng ta vẫn chưa phát minh ra được loại “cú sốc” cần thiết để nền văn minh này có thể chuyển hóa và tiếp tục tồn tại. Hiển nhiên rằng thiếu đi cú sốc đó thì nền văn minh này sẽ phải lụi tàn.

Tiếp theo, chúng ta phải suy ngẫm về con người dưới ánh sáng của sách Sáng Thế Ký. Chỉ bằng cách này thì chúng ta mới hiểu được loại cú sốc nào có thể đưa chúng ta đến sự khai ngộ của Bản thể. Sáng Thế Ký cho chúng ta biết những gì? Trong sách có nói rằng: “Ban đầu Đức Chúa Trời tạo ra Trời và Đất” [Sáng Thế Ký 1:1, Kinh Thánh]. Những chuyên gia vô tri ngày nay cho rằng câu này đề cập đến các cõi trời vũ trụ vĩ mô và Trái Đất vật chất đơn thuần, Trái Đất nơi chúng ta đang sống.

Thầy không phủ nhận rằng câu này đề cập đến “Trái Đất” trong số những thứ khác nữa, nhưng cụ thể là nó đang đề cập đến con người như là một tiểu vũ trụ. Các cõi Trời là những trạng thái tâm thức bên trong chính chúng ta, bên trong bản thân con người. Khi đề cập đến “đất” thì đó chính là cơ thể vật chất của con người, đó là “đất triết học” mà các nhà luyện kim đan thời trung cổ đã nhắc đến. Vì vậy, ban đầu, Đức Chúa tạo ra Trời, chính là trạng thái tâm thức cấp cao của con người, và sau đó Ngài tạo ra đất, chính là cơ thể vật chất.

Sáng Thế Ký có thêm rằng: “Trái Đất hỗn loạn và trống rỗng, và linh hồn của Đức Chúa Trời di chuyển trên mặt nước…” [Sáng Thế 1:2, Kinh Thánh]. Câu này ngụ ý điều gì? Chỉ đơn giản là sinh vật ba não bộ hoặc ba trung tâm bị gọi nhầm là “con người”, là “thú vật trí năng” với một mảnh đất [cơ thể vật chất] hỗn loạn và trống rỗng và một tâm trí hoàn toàn lộn xộn. Con người là một mớ hỗn độn thực sự, họ chỉ tin vào thông tin từ năm giác quan của mình, họ sống trong thế giới của ham muốn thú vật mà không biết gì về sự thật, về những điều huyền bí, họ hoàn toàn vô minh và chưa từng nhận được một tia sáng, v.v.

Họ là những người tầm thường, là những người chúng ta gặp khi đi chợ, nơi quảng trường công cộng, là những “kẻ thô tục ở Trái Đất” được đề cập đến trong nghi thức của học viện thứ hai của Gnosis, v.v. Họ là những kẻ thô lỗ và đầy nhục dục. Đó chính là sự tầm thường của cuộc sống con người, sự tầm thường của tất cả hàng triệu con người hoặc các thú vật hình người sống trên Trái Đất hiện nay.

Nhưng chúng ta phải làm thế nào để thoát khỏi trạng thái này? Hãy tưởng tượng trong giây lát rằng chúng ta leo lên một tòa tháp để nhìn xuống một đám đông. Chúng ta có thể làm gì để họ ra khỏi trạng thái hiện tại của mình? Mỗi một người trong đám đông này rõ ràng là một mảnh đất [cơ thể vật chất] hỗn loạn và trống rỗng. Đây là điều hiển nhiên. Chúng ta phải làm gì? Cần phải có một cú sốc đặc biệt. Chỉ có cách này thì mới thay đổi được, chỉ có cách này thì cú sốc mới có thể xảy ra.

Sáng Thế Ký nói rằng khi Đức Elohim tạo ra ánh sáng Ngài đã nói: “Phải có ánh sáng’, thì có ánh sáng”. Và Ngài chia tách ánh sáng khỏi bóng tối. Sáng Thế Ký đang đề cập đến bóng tối nào ở đây? Đó chính là bóng tối trong mỗi người chúng ta, bên trong hòn đá triết học. Nhưng, bóng tối đó thuộc loại gì? Bóng tối đó được cấu thành bởi các cấu trúc tâm lý phi nhân tính. Các cấu trúc này nhân cách hóa các khiếm khuyết tâm lý của chúng ta: thù hận, tham lam, dục vọng, đố kỵ, kiêu căng, lười biếng, tham ăn, v.v. Ở đây thầy mới chỉ nêu ra bảy đại tội, những loại tội lỗi này nhân lên với bảy tội lỗi khác và thêm một số tội khác nữa, và cứ thế chúng là một quân đoàn tội lỗi.

Sáng tạo trời đất – ảnh minh hoạ từ Kinh Thánh Coverdale, 1535

Chúng ta hãy nghĩ xem những cấu trúc tâm lý này là gì. Nhà thơ Virgil xứ Mantua đã nói: “Ngay cả khi chúng ta có cả ngàn cái lưỡi để nói và cái miệng bằng thép thì chúng ta vẫn không thể nào liệt kê tường tận tất cả những khiếm khuyết của mình”. [3] Chính các khuyết điểm này tạo nên cái bóng tối ở bên trong chúng ta.

[3] Aeneid, sách VI, dòng 625–627.

Phân tách ánh sáng khỏi bóng tối là một việc rất khó. Ánh sáng là ý thức tối cao của con người. Chúng ta phải giành giật ánh sáng ra khỏi bóng tối. Bằng cách này thì chúng ta có thể kéo được ánh sáng ra khỏi mỗi cấu trúc tâm lý phi nhân tính. Trên thực tế, việc này đòi hỏi một nỗ lực siêu phàm ở bên trong mỗi người, ngay bây giờ và ở đây.

Hãy giành giật lấy ánh sáng từ bóng tối! Điều này có nghĩa là chúng ta phải phá hủy tất cả những “chai lọ” đang giam giữ Phật tính ở bên trong, ta phải làm tan rã những cấu trúc đó, ta phải nghiền nát chúng để ánh sáng của Phật tính có thể được giải phóng. Đó là ý nghĩa của việc tách ánh sáng khỏi bóng tối. “Và Ngài gọi ánh sáng là ‘ngày’, còn gọi bóng tối là ‘đêm’ [của sự vô minh và lầm lỗi]”. [4] Chúng ta phải biết cách thấu hiểu. Thầy tin rằng anh em đang suy ngẫm về điều này.

 [4] “Đức Chúa Trời phán: “Phải có ánh sáng”, thì có ánh sáng. Đức Chúa Trời thấy ánh sáng là tốt đẹp. Đức Chúa Trời phân rẽ ánh sáng khỏi bóng tối. Đức Chúa Trời gọi ánh sáng là “ngày”, và bóng tối là “đêm”. Vậy, có buổi tối và buổi sáng. Đó là ngày thứ nhất.”

(Sáng Thế Ký 1:3-5)
“Chúng ta phải giành giật ánh sáng ra khỏi bóng tối. Bằng cách này thì chúng ta có thể kéo được ánh sáng ra khỏi mỗi cấu trúc tâm lý phi nhân tính.”

Tiếp tục như vậy, trong sách Sáng Thế Ký, chúng ta sẽ thấy cách Đấng Tạo Hóa (hoặc Elohim) tách những Vùng thượng thủy khỏi vùng hạ thủy. Việc này thuộc về lĩnh vực luyện kim đan. [5]

[5] Elohim phán, “Phải có bầu trời ở giữa nước; hãy để nó phân cách nước với nước” [thượng thuỷ với hạ thuỷ]. Vậy Elohim tạo dựng bầu trời và phân cách nước ở dưới bầu trời với nước ở trên bầu trời, thì có như vậy. Elohim gọi bầu trời là không trung. Vậy có hoàng hôn và bình minh – ngày thứ nhì.

(Sáng Thế Ký 1:6-8)

Rõ ràng, trong chúng ta có Azoth thô, nghĩa là quặng thô. Khi Azoth thô hay khoáng chất thô – chính là Exiohehary [6] hay tinh trùng thiêng liêng – được chuyển hóa, hoặc nói theo các thuật ngữ khác là khi các dịch tiết ra bởi tuyến nội tiết tình dục được chuyển hóa, thì chúng ta nhận được năng lượng. Năng lượng này sẽ đi lên não thông qua các kênh đã được giải phẫu học huyền bí chỉ rõ.

[6] Trong sách “Beelzebub’s Tales to his Grandson”, Exiohehary chỉ tinh dịch.

Dạng vật chất-năng lượng này rõ ràng là kim hồn của tinh trùng thiêng liêng, là Exiohehary. Theo thầy, gọi là vật chất-năng lượng vì [vật lý học hiện đại] đã đi đến một thuyết “đơn nguyên”, trong đó chúng ta không phân biệt giữa năng lượng và khối lượng. Năng lượng sáng tạo của Ngôi lời thứ ba [7] vừa là vật chất vừa là năng lượng cùng một lúc. Chất này đi lên não qua các kênh tinh dịch.

[7] Ngôi lời thứ ba là Đức Thánh Linh, là năng lượng sinh dục. Đọc thêm bài viết về Ngôi Lời tại đây.

Do đó, kim hồn của tinh dịch thiêng liêng vừa là năng lượng và vừa là vật chất. Dưới dạng chất, chúng ta có thể gọi đó là “thủy ngân của triết học bí ẩn”. Đây không phải là một dạng thủy ngân khô giống như của cái Tôi [dục vọng], hay giống như những cấu trúc tâm lý mà nhân cách hóa cho những sai lầm của chúng ta. Không phải vậy! Đây là một chất lỏng, là thủy ngân dạng dung dịch.

Khi nhìn nhận mọi thứ theo quan điểm này, chúng ta thấy cách các vùng thượng thủy trở nên tách rời, hoặc tách biệt khỏi vùng hạ thủy; có “sự tách biệt giữa các khối nước”.

“Và Đức Chúa trời đã tách các vùng nước khỏi nhau, vùng thượng thủy với vùng hạ thủy”. [Sáng Thế Ký 1:6-8] Rõ ràng rằng những vùng thượng thủy đó là Thủy Ngân, đã phải trải qua nhiều giai đoạn trước khi xứng đáng nhận được Lưu Huỳnh.

Ban đầu, những vùng nước thủy ngân đó có màu đen giống như than đá. Sau này, nhờ có quá trình thăng hoa vĩ đại, nghĩa là bằng cách tinh luyện “bí tích của giáo hội Rôma”, là giáo hội của tình yêu (vì “Roma” viết ngược lại là “amor” [tình yêu]), bằng cách tinh luyện một bí tích như vậy, thì thầy nói rằng một người đã chuyển hóa được nước đen sang trắng và sau cuối cùng thành vàng.

Trong thuật luyện kim đan có sử dụng các con vật để làm biểu tượng cho các giai đoạn này của thủy ngân. Ban đầu thủy ngân có màu đen và được tượng trưng bởi một con quạ đen. Sau đó chuyển sang màu trắng và được tượng trưng bởi một con chim bồ câu trắng. Tiếp theo, nó chuyển sang màu vàng và được tượng trưng bởi một con đại bàng vàng. Cuối cùng nó có màu đỏ và được tượng trưng bởi một con công đỏ.

Như vậy, thủy ngân phải trải qua bốn giai đoạn: thứ nhất màu đen, thứ hai màu trắng, thứ ba màu vàng và thứ tư màu đỏ. Những giai đoạn này được thực hiện thông qua sự thăng hoa, qua việc rèn rũa trong Lò rèn của Cyclops.

Vậy là bạn đang dần hiểu bí tích của nhà thờ Rôma. Các bạn đã phải biết đến bí tích này rồi bởi các bạn đang ở học viện thứ ba. Chúng ta biết rằng những học trò vào học viện thứ ba đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Đây là những người đã hoàn thành bước chuẩn bị và đã học qua học viện thứ nhất và thứ hai. Đó là lý do những hình biểu tượng, đại diện lại được dùng để nói với những học trò này, để xem liệu họ có khả năng nắm bắt được giáo lý hay không.

Khi chuyển sang màu vàng, hiển nhiên là thủy ngân sẽ nhận được lưu huỳnh. Lưu huỳnh là gì? Đó là ngọn lửa thiêng làm cho thủy ngân sinh sôi nảy nở. Vì vậy, dòng thủy ngân khi được hòa vào ngọn lửa sẽ đi lên não qua ống tủy sống.

Chúng ta đã nói về vùng thượng thủy, nhưng còn vùng hạ thủy thì sao? Những vùng hạ thủy này lúc đầu đen ngòm, rồi vẩn đục và cuối cùng trở nên trong suốt. Hạ thủy phải được kết tinh giống như một dạng thủy tinh mềm dẻo dễ uốn. Việc này được gọi là “tách nước khỏi nước để một vùng đất khô trồi lên”, đó chính là Đất. [8]

[8] Ðức Chúa Trời phán, “Nước ở dưới không trung phải tụ lại một chỗ, và phải có đất khô xuất hiện”, thì có như vậy. Ðức Chúa Trời gọi nơi khô cạn là đất và nơi nước tụ lại là biển. Ðức Chúa Trời thấy điều đó là tốt đẹp.

(Sáng Thế Ký 1:9-10)

Nhưng vùng đất khô nào? Chúng ta đang đề cập đến “vùng đất Khô” nào ở đây? Sáng Thế Ký có ngụ ý gì khi nhắc đến vùng đất khô? Vâng, ở đây Sáng Thế Ký đang đề cập đến các cơ thể hiện sinh cao cấp của Bản thể.

Rõ ràng, khi được trộn với lửa thiêng hoặc lưu huỳnh, thủy ngân đi lên mang theo một lượng muối nhất định (muối thăng hoa). Muối này kết tinh trong chúng ta, trong chính chúng ta, theo định luật quãng tám. [9]

[9] Định luật quãng tám được giải thích thêm ở Chương 7 sách Hành trình Đi Tìm Điều Kỳ Diệu.

Trong thuật luyện kim đan, muối, lưu huỳnh và thủy ngân khi pha trộn vào nhau, được đặt cho một cái tên là “Azoe”. Nói chung, azoe đó sẽ kết tinh trong chúng ta theo định luật quãng tám. Ở một quãng tám cao hơn, nó sẽ kết tinh trong chúng ta, trở thành cơ thể cảm xúc. Sự kết tinh này tuân theo định luật bộ bảy, với định luật vĩnh hằng Heptaparaparshinock [10] theo bảy nốt nhạc: Đồ, Rê, Mi, Fa, Son, La, Si.

[10] Heptaparaparshinock là định luật bộ bảy. Định luật này được giải thích trong sách của Ouspensky, đọc thêm tại đây.

Ở một quãng tám cao hơn, cũng với những nốt trong thang âm giai, muối, lưu huỳnh và thủy ngân cũng kết tinh thành cơ thể lý trí.

Và cuối cùng, một sự kết tinh thứ ba diễn ra trong cơ thể căn nguyên hay cơ thể ý chí tỉnh thức. Nếu một người sở hữu các cơ thể vật chất, cảm xúc, lý trí và căn nguyên, thì người đó có thể nhận được các nền tảng đạo đức, linh hồn và tâm linh để chuyển hóa thành một con người với hình ảnh và dáng dấp giống như các vị Thần.

Trong tất cả các tiến trình của phép luyện kim đan, hình ảnh “mọi thứ cây ra trái và có hạt giống” [11] đều tượng trưng cho những hiện tượng nội tại. Vậy thì rõ ràng là cây tri thức, cây của khoa học về thiện và ác, cũng phải “ra trái” như vậy trong chúng ta.

[11] Elohim phán, “Nầy, Ta ban cho các ngươi mọi thứ thảo mộc có hạt giống trên mặt đất, mọi thứ cây ra trái và có hạt giống; các ngươi sẽ dùng chúng làm thức ăn”. (Sáng Thế Ký 1:29, Kinh Thánh)

Hạt giống trí tuệ phải nảy mầm trong chúng ta. Ánh sáng tâm linh phải chiếu rọi chúng ta. Mặt trời tâm linh phải cho chúng ta sự sống cho đến tận cuối cùng, sau khi đã nỗ lực thực hành phép luyện kim đan, đã loại bỏ được các cấu trúc tâm linh hạ cấp, đã thuần hóa những con “cá” và “thú vật” ở bên trong, sau khi đã trở thành vua và chúa của những thú vật này cho đến ngày chúng bị tiêu diệt. Sau đó, vào ngày thứ sáu của Sáng thế, con người xuất hiện với hình ảnh và dáng dấp giống như các vị Thần.

Nhưng vì lý do này mà họ vẫn chưa phải là một linh hồn sống [12]. Con người được tạo ra vào ngày thứ sáu chỉ có hình ảnh và dáng dấp giống các vị Thần, nhưng họ không phải là một linh hồn sống. Linh hồn sống là con người của ngày thứ bảy. Đó là thực sự là một linh hồn sống, một con người mang trong mình những đặc tính thần thánh của một con người siêu việt, một bậc thầy phục sinh. Sáng Thế Ký đã chỉ rõ về điều này trong chương thứ hai.

[12] Linh hồn sống (Tiếng Do Thái: Nephesh Chaiah) trong truyền thống Kabbalah là một tâm hồn (Nephesh) mà đã có được phần tâm linh (Chaiah) của mình, chính là linh hồn.

Thật vậy, để biến mình thành con người có hình ảnh và dáng dấp giống các vị thần, chúng ta cần một cú sốc đặc biệt. Đó là tri thức khách quan của huyền học. Rõ ràng là để trở thành một linh hồn sống, chúng ta cần một cú sốc đặc biệt thứ ba.

Cụ thể là: để có một cơ thể vật chất, chúng ta cần một cú sốc vật chất đó là luồng không khí hít vào khi mới sinh ra. Để có con người trong hình ảnh và dáng dấp giống các vị thần, chúng ta cần một cú sốc khác; cú sốc này được chỉ rõ trong câu nói rằng: “Elohim nói, ‘phải có ánh sáng’, thì có ánh sáng. Elohim thấy ánh sáng là tốt đẹp. Elohim phân rẽ giữa ánh sáng và bóng tối”. [Sáng Thế Ký 1:3-4]

Người vô minh cần một cú sốc đặc biệt. Họ cần một người để đẫn họ đến với sự hiểu biết, đến với giáo lý tâm linh học. Họ cần nhận được ánh sáng của huyền học. Ánh sáng này sẽ mang đến cho họ một cú sốc đặc biệt. Chỉ có cú sốc đặc biệt này mới có thể chuyển hóa người vô minh. Sau này, vào ngày thứ sáu, cú sốc này có thể biến họ thành một “con người có hình ảnh và dáng dấp giống các vị thần”.

Vào Ngày thứ Bảy, mọi thứ đã thay đổi. Để trở thành một linh hồn sống, con người của ngày thứ bảy cần có một cú sốc rất đặc biệt khác. Con người sinh ra vào ngày thứ sáu có hình ảnh và dáng dấp giống các vị Thần, nhưng chưa phải là một linh hồn sống. Để trở thành một linh hồn sống thì phải có cú sốc thứ ba.

Nếu con người của ngày thứ sáu (có hình ảnh và dáng dấp giống các vị thần) muốn trở thành một linh hồn sống, thì họ phải trở thành một người phục sinh. Một người không thể phục sinh được nếu không có một cú sốc đặc biệt. Họ cần phải xuống, đi xuống các cõi hỏa ngục, xuống cõi thứ chín, để làm tan rã các ác quỷ của Mặt Trăng đen.

Nhiều lần thầy đã giải thích rằng Mặt Trăng tâm lý có hai mặt: một mặt chúng ta có thể nhìn thấy còn mặt kia thì không. Giống như Mặt Trăng cũng có hai mặt, một mặt có thể nhìn thấy và một mặt bị khuất ở phía bên kia. Do đó, thầy phải nói với các bạn rằng, Mặt Trăng tâm lý ở bên trong chúng ta cũng có hai mặt: một mặt có thể nhìn thấy, có nghĩa là các khuyết điểm có thể nhìn thấy bằng mắt thường, và một mặt ẩn, không thể nhìn thấy được.

Nhiều vị thánh đã tiến rất nhanh nhưng lại bị sa lầy vào niềm tin rằng mình đã loại bỏ được toàn bộ cái Tôi. Đúng là họ đã tiêu diệt được nhiều yếu tố phi nhân tính từ phần có thể nhìn thấy được của Mặt Trăng tâm lý, nhưng họ lại chưa làm tan rã các yếu tố phi nhân tính từ phần ẩn của Mặt Trăng tâm lý kia. Họ đắm mình trong Niết bàn hoặc Đại Niết bàn (Mahāparinirvāṇa), và cứ đinh ninh rằng những yếu tố không mong muốn trong tâm đã bị tan rã, đã bị nghiền nát. Chỉ mãi về sau họ mới nhận ra rằng mình vẫn chưa đến đích, rằng mình còn nhiều yếu tố không mong muốn ở trong phần ẩn của Mặt Trăng tâm lý.

Sau đó họ sẽ phải quay lại với công việc tu tập.

Vì vậy, anh chị em thân mến của thầy, thật tốt nếu hiểu được rằng chừng nào một người chưa loại bỏ được các yếu tố không mong muốn trong tâm thì người đó rõ ràng là sẽ gặp vấn đề. Những người nghĩ rằng họ có thể tiến bộ mà không cần loại bỏ các yếu tố không mong muốn trong tâm là sai, hoàn toàn sai.

Người được tạo ra theo hình ảnh và dáng dấp giống với Elohim vĩnh hằng (Đấng đã tạo ra thiên đường cùng vạn vật trong đó, Trái Đất cùng mọi thứ trên đó) nhất thiết phải nhận một cú sốc đặc biệt, nếu họ thực sự muốn trở thành một linh hồn sống.

Cú sốc này sẽ không xảy ra được nếu họ không đi xuống cõi thứ chín [13]. Cú sốc này chỉ có thể xảy ra ở cõi này. Chỉ ở cõi này họ mới có thể nhận được một cú sốc đặc biệt như vậy. Khi nhận được cú sốc thì cũng chỉ ở cõi này họ mới có thể làm tan rã những yếu tố không mong muốn ở bên trong.

[13] Cõi thứ chín là cõi sinh khí. “Đi xuống cõi thứ chín” có nghĩa là tập karmamudra, là phép tình dục. Đọc thêm tại đây.

Trong [Kitô giáo] huyền bí, việc rèn luyện liên quan đến Mặt Trăng đen được gọi là “Lễ điểm đạo của Giu-đa”, nghĩa là Kiếp nạn của Đức Chúa Cha.

Hiếm có con người nào đạt đến những đỉnh cao như vậy. Tuy nhiên, thầy đang hoàn thành nhiệm vụ chỉ cho bạn con đường dẫn đến sự giải phóng cuối cùng.

Con đường này không dành cho những kẻ ngu ngốc. Nó không dành cho những người bị mắc kẹt trong những khuôn khổ đạo đức được dựng nên bởi rất nhiều những “động vật trí năng dáng người”. Đây là một con đường khó. Con đường này được gọi là “con đường đầy sao” vì nó được tượng trưng bởi tám ngôi sao trên bầu trời; một con đường đầy rẫy những nguy hiểm không lường trước được, một con đường thống khổ và đau đớn.

Nicholas Flamel, nhà luyện kim đan nổi tiếng thời Trung cổ, đã đi theo con đường này. Đó là con đường dẫn đến Compostela.

Bạn phải hiểu từ nghĩa của từ “Compostela”. “Compo” có nghĩa là “nhận”, “stela” hoặc là “stella” có nghĩa là “ngôi sao”. Như vậy Compostela nghĩa là: “nhận ngôi sao”. Để trở thành một linh hồn sống, một người phải nhận ngôi sao 6-cánh, cũng chính là dấu của Solomon. Hơn thế nữa, điều này cũng đã được ghi lại rằng nấm mồ của một điểm đạo đồ phải tỏa sáng.

Năm 1761, Étienne François Villain vẽ lại ảnh này theo ảnh chạm khắc ở Sainte-Geneviève des Ardens. Bản gốc được khắc vào năm 1402, khi Nicolas Flamel còn sống.
Dấu của Solomon – thế kỳ 11

Đừng quên rằng Đức Mẹ Kundalini thiêng liêng là người đi lên trên nấm mộ của các điểm đạo đồ; Khi nói đến nấm mộ của các điểm đạo đồ, thầy đang không đề cập đến các nấm mồ vật lý mà là những nấm mồ tâm lý nơi chúng ta chôn cất những cái Tôi đã chết.

Nấm mồ tỏa sáng trong những điểm đạo đồ khi những cái Tôi đã được chôn ở trong mồ, đấy chính là ý nghĩa của ngôi sao 6-cánh.

Nicholas Flamel, người hành hương đến Compostela, tượng trưng cho nhiều thứ, trong đó có thủy ngân của triết học bí mật hay tông đồ Gia-cô-bê Tiền [14].

[14] Gia-cô-bê Tiền là Gia-cô-bê con của Zêbêđê. Ngài được gọi là “Tiền” là để phân biệt với Gia-cô-bê Hậu, con của Anphê.

Rõ ràng là mười hai tông đồ mà Kinh Thánh nhắc đến, không chỉ đơn thuần là mười hai tông đồ trong lịch sử như những chuyên gia vô tri vẫn tưởng, không! [Đó chính là] mười hai năng lực bên trong Bản thể. Đây là mười hai phần độc lập và chủ động, và thậm chí là không phụ thuộc vào Bản thể cá nhân riêng biệt của chúng ta.

Không nghi ngờ gì là trong số mười hai tông đồ, thì người thú vị nhất là Gia-cô-bê Tiền; Gia-cô-bê tượng trưng cho thủy ngân của triết học bí mật, và thủy ngân là nền tảng của công trình tu tập vĩ đại. Chúng ta có thể nói Gia-cô-bê là thánh bảo hộ của Công trình Vĩ đại.

Mười hai vị tông đồ của lịch sử đã tồn tại thực sự, thầy không phủ nhận điều đó, nhưng họ đại diện hoặc tượng trưng cho mười hai vị tông đồ ở bên trong mỗi chúng ta.

Thầy không có ý nói rằng tất cả những người có mặt ở đây đều đã hiện thân mười hai vị tông đồ ở bên trong. Thầy chưa nói đến đoạn đấy. Thầy không muốn phóng đại việc này. Để hiện thân mười hai vị tông đồ, chắc chắn chúng ta cần phải chết đi trong chính mình, chúng ta cần phải tiêu diệt cái Tôi thú tính.

Mười hai siêu năng lực này hiển nhiên đã được Đức Cha gửi vào bụng Đức Mẹ Thần Thánh Kundalini. Từ đây, các năng lực dần biểu hiện và đi vào cơ thể vật chất của chúng ta.

Đừng nhầm lẫn mười hai siêu năng lực với mười hai giác quan. Chắc chắn rằng chúng ta có mười hai giác quan: năm giác quan bình thường và bảy “thánh đường” [15] được Thánh Giăng đề cập trong sách Khải Huyền. Mười hai giác quan này khác với mười hai siêu năng lực. Tuy nhiên, mười hai giác quan ít nhiều có liên quan đến mười hai siêu năng lực.

[15] Bảy thánh đường – Ở tác phẩm Thông Điệp Bảo Bình Samael Aun Weor giải thích rằng bảy thánh đường trong Sách Khải Huyền tượng trưng cho bảy giác quan liên quan đến bảy luân xa trong cơ thể chúng ta. Hãy đọc thêm về bảy thánh đường ở bài viết này.

Vì vậy, anh chị em thân mến của thầy, ví dụ như Gia-cô-bê, người đại diện cho công trình vĩ đại. Chúng ta có thể nói là, các giáo lý về công trình vĩ đại đến từ Đức Cha của mọi ánh sáng và đi vào tâm của chúng ta qua người tông đồ Gia-cô-bê. Nhưng đừng nghĩ đây là nhân vật Gia-cô-bê của lịch sử. Thầy nhắc lại, thầy đang nói về Gia-cô-bê riêng trong mỗi người chúng ta.

Bên trong chúng ta có 12 năng lực, 24 nhà thông thái, bốn nguyên tố, v.v. Bản thể của mỗi chúng ta giống như một đội quân toàn những đứa trẻ ngây thơ, những đứa bé sơ sinh. Mỗi bộ phận của Bản thể đều có quyền tự chủ, có ý thức về bản thân và có tính tự lập.

Việc chúng ta cần phải hoàn thiện từng bộ phận của Bản thể là đúng đắn và là sự thật. Nhưng điều này chỉ có thể thực hiện được bằng cách loại bỏ các yếu tố chủ quan của nhận thức.

Việc hoàn thiện những phần cao cấp của Bản thể là việc rất khó. Người nào đạt được sự hoàn hảo trong các phần cao cấp của Bản thể thì sẽ nhận được thứ hạng Ischmetch. Rất ít người đạt được thứ hạng cao như vậy.

Chúng ta phải bắt đầu ngay bây giờ bằng việc tạo ra con người theo hình ảnh và dáng dấp giống Đấng tạo hóa ở bên trong bản thân mình. Con người này không thể được tạo thành nếu không có một cú sốc đặc biệt. Cú sốc này đến từ Gnosis. Chính ánh sáng đó sẽ đưa ta ra khỏi trạng thái hỗn loạn và sẽ biến ta thành một người được khai ngộ Bản thể.

Nhưng chúng ta sẽ lạc lối nếu chỉ dừng lại ở đó. Chúng ta cần trở thành những con người siêu việt. Chúng ta cần phải tạo ra bên trong mình một linh hồn sống của ngày thứ bảy.

Để làm được điều này chúng ta cũng cần một cú sốc đặc biệt. Những “chuyên gia vô tri” không hiểu được điều này. Khi một điểm đạo đồ đã được tạo ra theo hình ảnh và dáng dấp của Đấng Sáng Tạo, [và người ấy] cố gắng biến mình thành một linh hồn sống thì không ai hiểu được họ cả.

Bây giờ bạn có thể tự giải thích lý do tại sao mười hai Tông đồ đã bị vu khống.

Họ đã bị vu khống bởi “những người có đức hạnh”, các “linh mục” trong đền thờ và những “nhà thông thái”. Những người “có đức hạnh” là ai? Các “linh mục” trong đền thờ là ai? Những “nhà thông thái” là ai? Điều này đáng được giải thích rõ.

Những “thầy dạy giáo luật“, những người thuần lý trí, những người bị ràng buộc bởi các luật lệ đã mục rỗng và thối nát, họ là những người đạo đức giả luôn lên án các điểm đạo đồ. Thực sự những “nhà thông thái” này là ai? Họ chỉ đơn giản là những người rất giàu kinh nghiệm, thực sự rất sáng suốt, nhưng họ lại không bao giờ hiểu được các điểm đạo đồ. Cuối cùng, các linh mục là ai vậy? Họ là người đến từ một giáo phái nào đó.

Vậy nên mười hai vị Thánh, mười hai năng lực, mười hai vị Tông đồ, thường bị vu khống, nhưng họ vẫn vững bước trên con đường phải đi. Gia-cô-bê Tiền, vị thánh bảo trợ thiêng liêng của công trình vĩ đại, đã bước đi vững chãi trên con đường đến Compostela.

(Thầy đang nói bằng một ngôn ngữ huyền học cao cấp dành cho những người ở học viện thứ Ba. Bởi thầy hiểu rằng chúng ta không chấp nhận những người chưa chuẩn bị kỹ càng vào đây, phải vậy không? Thầy đang nói vậy vì thầy nghĩ rằng các bạn đã sẵn sàng, các bạn đang ở học viện thứ ba rồi.)

Bởi vậy, các anh chị em thân mến của thầy có thể thấy rằng những cú sốc là cần thiết cho sự chuyển hóa. Những cú sốc này là thiết yếu.

Có một cuốn sách có thể dẫn đường cho tất cả chúng ta, một cuốn sách đầy trí tuệ nhưng không ai hiểu nó. Cuốn sách này ai cũng có thể mua ngoài chợ. Nó được bán hàng loạt nhưng không một ai cầm sách trên tay có thể hiểu được nó. “Ai xứng đáng để mở cuộn sách và tháo gỡ các ấn của nó?” [16] Không một ai, cả người trên trời cũng như dưới đất. Sẽ không một ai có thể mở cuốn sách hoặc tháo gỡ ấn của nó. Thầy đang nói về cuốn Khải Huyền của Thánh Gioan. Không một ai hiểu được cuốn sách đó. Cũng nhờ vậy mà cuốn không bị ô nhiễm, còn không thì giờ có lẽ nó cũng chỉ là một cái xác. Nhưng bởi không hiểu được nên người ta đã để nguyên cuốn sách như vậy. Trong sách Khải Huyền của Thánh Gioan, có tất cả khoa học của công việc tu tập vĩ đại. Đúng thế!

[16] “Ai xứng đáng để mở cuốn sách” – Câu này được chép từ Khải Huyền 5:2.

Gia-cô-bê được thể hiện [trong các tranh vẽ] với cuốn Khải Huyền trên tay. Ông mang theo một cái gậy, trên mũ của ông là một chiếc vỏ sò. Ông dựa vào cây trượng của mình (cây gậy) [17] và cầm cuốn Khải Huyền cuộn lại ở tay kia. Chiếc vỏ sò toả sáng trên mũ ông. Chiếc mũ ấy là một vật rất kỳ lạ, nó được làm bằng một quả bí ngô.

[17] Cây gậy tượng trưng cho cột sống.

Thánh Gia-cô-bê Tiền bởi Jacomart, 1450
Thánh Gia-cô-bê Tiền bởi hoạ sĩ Juan de Flandes, 1507
Thánh Gia-cô-bê Tiền bởi Bartolomé Esteban Murillo, 1655

Chúng ta hãy nhớ rằng, chính xác là vào thời Trung cổ, nhiều nhà huyền học mang theo nước thánh trong một quả bí ngô; nước thánh ở đây chính là thủy ngân của triết học bí mật.

Sách Khải Huyền có thể dẫn đường nếu chúng ta nhận giáo lý từ Đức Cha của tất cả ánh sáng. Chúng ta chỉ có thể nhận được giáo lý này qua Gia-cô-bê. Gia-cô-bê chính là thủy ngân của triết học bí mật. Thủy ngân này phải được chuẩn bị trong lò rèn của Cyclops, trong Laboratorium Oratorium [18] của Ngôi lời thứ ba. Ở đó, chúng ra phải chuẩn bị thủy ngân trước khi đi vào rèn luyện. Chúng ta cần trộn thủy ngân và lưu huỳnh theo đúng cách với muối thăng hoa [19].

[18] Laboratorium-Oratorium (tiếng Latin) – dịch theo nghĩa đen đây là “Phòng thí nghiệm-phòng cầu nguyện”. Trong thuật luyện kim đan từ này chỉ việc luyện tập phép tình dục thiêng liêng.


[19] Xem thêm về “Thuỷ ngân, lưu huỳnh, muối” tại đây.

Trở lại với Sáng Thế Ký, chúng ta phải nói rằng đây là một tác phẩm mà mọi người cũng không hiểu. Kinh Thánh bắt đầu với Sáng Thế Ký và kết thúc với Khải Huyền. Ai hiểu được Sáng Thế Ký? Ai hiểu về Khải Huyền? Không một ai hết. Có những tác giả cho rằng toàn bộ Sáng Thế Ký chỉ liên quan đến con người mà thôi. Chúng ta hãy đừng phóng đại nghĩa đen của văn bản như thế. Các sách này cũng liên quan đến cả vũ trụ.

Khi tạo ra con người ở bên trong theo hình ảnh và dáng dấp giống Đức Chúa Cha thì rõ ràng là chúng ta đang sử dụng chính năng lực mà Đức Chúa Cha đã dùng để tạo ra thế giới. Chúng ta giống như một phần nhỏ của thế giới, ở đó chúng ta phải thực hiện quá trình tạo hóa. Theo hướng này, chúng ta hiểu được cách Đức Chúa Cha tạo ra thế giới. Vì vậy, dưới dạng biểu tượng và phúng dụ thì Sáng Thế Ký cũng có thể được áp dụng cho những tiểu vũ trụ. [19.1]

[19.1] Tiểu vũ trụ chỉ con người.

Không ai có thể hiểu được Sáng Thế Ký nếu họ không phải là một nhà luyện kim đan. Các nhà luyện kim đan cũng biết điều này. Ví dụ, để tạo ra được con người theo hình ảnh và dáng dấp giống Đức Chúa Cha thì chúng ta buộc phải có muối, lưu huỳnh và thủy ngân. Việc này diễn ra trong Đại Vũ trụ.

Archeus xuất hiện từ không gian vô tận. Archeus được tạo thành từ muối, lưu huỳnh và thủy ngân. Từ Archeus, một trật tự thống nhất mới, một hệ Mặt Trời mới được hình thành. Ở dưới này [ở thế giới vật chất], chúng ta phải tạo ra một Archeus ở bên trong với muối, lưu huỳnh và thủy ngân, để từ Archeus này bắt đầu nảy mầm. [Archeus nội tại này] không phải là một thể thống nhất mới trong vũ trụ, mà là một con người được tạo ra theo hình ảnh và dáng dấp của Đấng Sáng Tạo.

Linh hồn sống có sáu đinh ba trên sừng. Hình ảnh này rõ ràng đang nhắc ta nhớ đến dấu của Vua Solomon, ngôi sao sáu cánh. Ngôi sao này phải có sáu đinh ba ở từng cánh. Một người như vậy mới là người khai ngộ Bản thể. Đây là một người có thể vững vàng khẳng định mình với Anklad [20] thiêng liêng. Như vậy, anh chị em thân mến của thầy, bài nói của chúng ta đến đây là kết thúc.

[20] Anklad – Theo chương 47 của sách Beelzebub’s Tales to his Grandson bởi G. I. Gurdjieff, Anklad là cấp bậc thấu hiểu và lập luận cao nhất mà một điểm đạo đồ có thể đạt được. Câu chuyện trong sách đó cũng giải thích thêm về đinh ba và sừng.

Ngôi sao sáu cánh với đinh ba ở mỗi cánhảnh minh họa từ “The Lesser Key of Solomon”, Mathers và Crowley dịch.

Hỏi đáp

Học trò: Thưa thầy, một người có cần đạt tới cấp bậc cao nhất trước khi có thể trở thành một đinh ba, một “người đinh ba” không?

Thầy: Một người trở thành một đinh ba ư? Không. Đinh ba đánh dấu chính xác mức độ hoàn hảo một người đạt được trong lý trí khách quan. Nếu một người chỉ có năm cây đinh ba, thì họ được tạo ra với hình ảnh và dáng dấp giống với Đức Chúa Cha vĩnh hằng. Nếu năm cây đinh ba xuất hiện ở sừng trên trán, thì rõ ràng họ là một người được tạo ra với hình ảnh và dáng dấp giống với Đấng Tạo Hóa, nhưng không phải là một linh hồn sống. Một linh hồn sống, thầy nhắc lại, có sáu cây đinh ba trên sừng của mình.

Chúng ta biết rất rõ “cây đinh ba” là gì, là một dụng cụ có ba mũi nhọn. Vâng, Lu-xi-phe có sừng. Những chiếc sừng này là của Lu-xi-phe bên trong mỗi chúng ta. [Lu-xi-phe nội tại] là phản ánh của Ngôi Lời. Về nguyên tắc, Lu-xi-phe là Ác Quỷ, đen như than. Khi một người diệt trừ cái Tôi, Lu-xi-phe đó lại là Tổng lãnh Thiên Thần ánh sáng. Bằng cách nhập vào chúng ta, Ngài làm chúng ta biến thành Tổng lãnh Thiên Thần. Ngài cũng giữ lại những chiếc sừng bạc của mình (sừng bạc của các Heirophant [đạo sĩ]). Số lượng đinh ba thể hiện mức độ tiến bộ của Ngài.

Học trò: Thưa thầy, chúng con đã biết rằng có những vị thầy đi con đường đến cõi Tuyệt đối. Chúng con cũng được biết rằng tất cả các thiên thần không sa ngã và đang nhập vào cõi Tuyệt đối đều nằm ngoài mọi khả năng hiểu biết. Vậy còn có sự tôn vinh nào nữa trong cõi Tuyệt đối không? Nhưng có những bậc thầy sau khi đã có được viên ngọc quý thì lại ném nó xuống nước một lần, hai lần đến cả ba lần. Vậy thì mục đích mà những vị thầy này theo đuổi là gì? Giả sử rằng sự tôn vinh mà họ đạt được trong cõi Tuyệt đối vẫn là chưa đủ thì những vị thầy đó đang tìm kiếm sự tôn vinh hay trí tuệ nào nữa?

Thầy: Ở Ấn Độ, người ta biết rằng những điểm đạo đồ hay Yogi đang tìm kiếm sự hòa hợp với Thượng đế và sau khi đã tìm được Thượng đế rồi thì họ không còn gì để tìm kiếm nữa. Tuy nhiên, nếu muốn tiến bộ thêm một chút nữa, thì họ phải đi sâu vào lòng Thượng đế. Để đi sâu vào lòng Thượng đế (vì Thượng đế không phải là người; Thượng đế chính là bản chất thần thánh [của tất cả mọi người]), ta cần đi xuống một lần nữa bằng cách đi lùi, ta phải cố gắng làm Hòn đá triết học sống lại và đi lên trở lại.

Con Phượng Hoàng – Bảo Tảng J. Paul Getty, thế kỷ 13

Rõ ràng, nếu ai đó làm như vậy, họ sẽ thâm nhập vào sâu hơn. Công việc này được biểu tượng bởi con chim phượng hoàng nổi tiếng. Đó là một con chim bay lượn xung quanh, và có vương miện bằng vàng tối thượng, chân nó bằng vàng, bộ lông nó màu xanh lam, nó sống hàng nghìn, hàng vạn năm. Thần thoại kể rằng cuối cùng khi cảm thấy mệt mỏi với cuộc sống, con chim ấy đã làm một cái tổ bằng trầm hương, nhựa thơm, lô hội, gỗ đàn hương, v.v., và ở đó nó bùng cháy.

Con Phượng Hoàng, thế kỷ 13, bảo tàng J. Paul Getty

Toàn bộ thiên nhiên chìm đắm trong nỗi buồn sâu thẳm khi nhìn thấy con chim phượng hoàng hóa thành tro bụi. Nhưng cuối cùng nó đã phục sinh từ đống tro tàn của chính mình, mạnh mẽ, huy hoàng và sâu sắc hơn trước. Cả thiên nhiên đều kính sợ và ngưỡng mộ nó.

Vì vậy, ai mà ném hòn đá triết học xuống nước để tìm kiếm một thứ gì đó, để tìm cách phục sinh cho hòn đá của chính mình về sau này, thì họ sẽ phải trả giá bằng rất nhiều đau đớn, rất nhiều hy sinh, rất nhiều khổ cực. Nhưng bù lại, người đó sẽ mang lại sự sống cho một hòn đá có nhiều sức mạnh hơn, thần thánh hơn, một hòn đá của những đức hạnh phi thường nhất, không thể nào tả xiết.

Học trò: Thưa thầy, nhưng chúng con được biết rằng có những bậc thầy đã vượt ra ngoài tình dục. Bởi vậy mà những người này bị cấm quan hệ tình dục. Vậy chúng ta có thể nghĩ rằng trong cõi Tuyệt đối còn một cấp bậc tôn vinh nào khác nữa, phải không?

Thầy: Không nghi ngờ gì nữa, con đường dẫn đến lòng của Đức Cha Vĩnh Hằng Chung của Vũ trụ chính là con đường tình dục, không có con đường nào khác. Những ai đắm mình trong lòng của Đức Cha Vĩnh Hằng Chung của Vũ trụ sẽ không bao giờ quay lại với tình dục nữa. Nhưng để hòa mình vào lòng của Đức Cha Vĩnh Hằng Chung của Vũ trụ là rất khó. Hiếm có ai đạt được điều này. Không phải là không thể, nhưng rất khó.

Chỉ những người hòa mình trong lòng của Đức Cha Vĩnh Hằng Chung của Vũ trụ mới là những người đã gõ cánh cửa số 13 trong cõi Ain, trong cõi Sat Chưa-biểu-hiện. Chỉ những người này mới đủ khả năng để vượt ra ngoài tình dục.


Bài viết liên quan


Leave a Reply