✏ Tác giả: Samael Aun Weor, 📖 Giáo dục nền tảng
Giáo viên muốn học sinh phải nhớ lời nói của họ, những cụm từ, những điều được viết trong sách giáo khoa, những chương sách, những bài tập phức tạp với tất cả các dấu chấm phẩy trong đó, v.v.
Ghi nhớ là việc cố gắng lưu trữ trong tâm trí những gì chúng ta đã nghe thấy và nhìn thấy, những gì chúng ta đã đọc được, những gì người khác đã nói với chúng ta, và những gì đã xảy ra với chúng ta, v.v.
Vượt qua các kỳ thi cũng đồng nghĩa với việc nhớ được những gì chúng ta đã học, đã đọc trong vô thức và nhắc lại nguyên văn, lặp đi lặp lại như con vẹt tất cả những gì chúng ta đã lưu lại trong trí nhớ.
Thế hệ ngày nay cần phải hiểu rõ rằng việc nhắc lại những dữ liệu được lưu trữ trong bộ nhớ như một con vẹt không đồng nghĩa với việc thấu hiểu sâu sắc. Ghi nhớ suông và thấu hiểu là hai việc khác nhau. Ghi nhớ mà không hiểu là vô dụng. Ký ức thuộc về quá khứ, nó là một cái gì đó đã chết, là cái không còn sự sống.
Tất cả học sinh của các trường phổ thông, cao đẳng và đại học cần thực sự hiểu được ý nghĩa thâm thúy của việc thấu hiểu sâu sắc. Điều này rất quan trọng, cấp bách và là một chủ đề mang tính thực tế và thời sự.
Thấu hiểu là một thứ gì đó xảy ra trực tiếp và tức thời, là thứ mà chúng ta trải nghiệm một cách mãnh liệt và sâu sắc, và từ đó chắc chắn sẽ khởi nguồn cho hành động có ý thức.

Ký ức, trí nhớ là những thứ đã chết rồi, những thứ thuộc về quá khứ. Thật không may là quá khứ lại trở thành lý tưởng, thành phương châm, thành quan niệm, thành hình mẫu mà chúng ta muốn bắt chước một cách máy móc và làm theo một cách vô thức.
Khi ở trong sự thấu hiểu đích thực, sự thấu hiểu sâu sắc, sự thấu hiểu đến tận sâu thẳm, chúng ta chỉ chịu ảnh hưởng của tâm thức, một sự ảnh hưởng thường trực được sinh ra từ Phật tính, và chỉ thế thôi.
Sự thấu hiểu chân chính được bộc lộ ra một cách tự phát, tự nhiên, đơn giản và tự do thay vì xuất phát từ một quá trình chọn lọc khiến ta nản chí. Sự thấu hiểu này vốn rất tinh túy và không bị vướng bận bởi bất kỳ sự lưỡng lự nào. Khi sự thấu hiểu được chuyển hóa thành động cơ bí mật của hành động, nó sẽ trở nên mạnh mẽ, kỳ diệu, mở mang và bồi đắp cho phẩm giá.
Khi một hành động dựa trên việc nhớ lại những gì chúng ta đã đọc, hoặc dựa trên lý tưởng mà chúng ta mong mỏi, hoặc dựa trên các chuẩn mực ứng xử mà chúng ta đã được học, hoặc dựa trên những kinh nghiệm mà chúng ta đã tích lũy trong trí nhớ, v.v., thì hành động ấy sẽ trở nên tính toán, nghĩa là nó trở thành một hành động phụ thuộc vào quá trình lựa chọn các phương án khiến ta nản chí. Đó là hành động mang tính nhị nguyên, dựa trên các phương án mang tính khái niệm mà kết cục chắc chắn sẽ gây ra sai lầm và đau đớn.
Ý tưởng về việc điều chỉnh hành động theo trí nhớ, cố gắng thay đổi hành động sao cho nó trùng khớp với những hồi ức đã được tích lũy trong trí nhớ của chúng ta, là một điều gì đó giả tạo, nực cười, không tự nhiên, mà kết cục chắc chắn sẽ chỉ dẫn đến sai lầm và khổ đau.
Bất kỳ kẻ ngốc nào mà khôn lỏi và có trí nhớ tốt thì luôn có thể thi đỗ hay lên lớp. Tuy nhiên, để thấu hiểu các chủ đề đã được học, các chủ đề sẽ được kiểm tra, là một việc rất khác: việc này không liên quan gì đến trí nhớ mà thuộc về trí tuệ thực sự. Ta không nên nhầm lẫn điều này với học thức thuần lý trí.
Những cá nhân nào muốn hành động trong cuộc sống dựa trên lý tưởng, lý thuyết và tất cả những hồi ức đã được tích lũy trong kho ký ức thì sẽ luôn quanh đi quẩn lại trong việc so sánh nọ kia. Chừng nào còn so sánh thì chừng đó còn sự đố kỵ. Họ so sánh mình với những người hàng xóm, họ so sánh con cái và họ hàng của mình với con cái và họ hàng của những người hàng xóm. Họ so sánh nhà cửa, đồ đạc, quần áo và tất cả tài sản của mình với tài sản của những người hàng xóm. Họ so sánh ý tưởng của mình, lý trí của con mình với ý tưởng và lý trí của người khác. Đây là lý do tại sao lại có sự đố kỵ. Rồi sự đố kỵ này sẽ biến thành động cơ bí mật cho hành động của họ.
Thật không may cho thế giới này là toàn bộ cơ chế của xã hội đều dựa trên sự đố kỵ và lòng tham vô đáy. Mọi người đều đố kỵ với người khác. Chúng ta đố kỵ với những ý tưởng, sự vật và con người. Chúng ta muốn ngày càng có nhiều tiền hơn, tích lũy thêm nhiều ý tưởng mới trong đầu hơn, những thứ mới để làm lóa mắt những người xung quanh chúng ta.
Trong sự thấu hiểu chân chính, chính đáng và đích thực phải có tình yêu chân thật, chứ không chỉ đơn thuần là lời nói từ trí nhớ.
Những điều mà chúng ta ghi nhớ, những thứ chỉ ở trong trí nhớ, sẽ sớm rơi vào quên lãng vì trí nhớ của chúng ta không đáng tin cậy. Học sinh lưu giữ trong kho trí nhớ của mình những lý tưởng, lý thuyết và toàn bộ những tài liệu vô dụng cho cuộc sống thực tiễn, bởi vì những thứ đó cuối cùng sẽ biến mất khỏi trí nhớ của họ mà không để lại một dấu vết.
Nhiều người cứ sống theo kiểu chỉ đọc và đọc trong vô thức. Họ cảm thấy thích thú với việc lưu lại đống lý thuyết trong kho trí nhớ của mình, hủy hoại tâm trí mình và làm hỏng nó một cách thảm hại.
Chúng tôi không phản đối việc nghiên cứu sâu sắc và việc nhận biết dựa trên sự thấu hiểu sâu sắc. Chúng tôi chỉ lên án những phương pháp sư phạm lỗi thời cổ hủ, chúng tôi lên án tất cả các hệ thống giáo dục vô thức và bất kỳ phương pháp ghi nhớ thuần túy nào, v.v., bởi vì khi đã thực sự thấu hiểu rồi thì không cần ghi nhớ.
Chúng ta cần học hành, chúng ta cần những cuốn sách bổ ích, chúng ta cần giáo viên trong các trường học, cao đẳng và đại học. Tương tự như vậy, chúng ta cần các đạo sư, người hướng dẫn tâm linh, các vị mahatma, v.v. Tuy nhiên, ta cần phải hiểu giáo lý một cách toàn vẹn mà không chỉ nhồi nhét vào kho trí nhớ không đáng tin cậy của mình.
Chừng nào chúng ta vẫn phạm phải sai lầm là so sánh bản thân với những hồi ức được lưu lại trong trí nhớ và so sánh bản thân với lý tưởng về hoài bão của chúng ta thì chừng đó chúng ta vẫn còn chưa thực sự tự do.
Chỉ khi thực sự thấu hiểu những giáo lý đã được học, thì chúng ta không cần phải ghi nhớ những giáo lý đó cũng như không phải chuyển hóa những giáo lý đó thành lý tưởng.
Tình yêu đích thực không thể tồn tại được khi chúng ta vẫn cứ so sánh bản thân mình trong hiện tại với con người mà chúng ta muốn trở thành trong tương lai, khi chúng ta so sánh giữa cuộc sống thực tế của mình với lý tưởng hoặc hình mẫu mà chúng ta muốn học theo.
Bất kỳ sự so sánh nào cũng thật ghê tởm. Bất kỳ sự so sánh nào cũng mang đến sự sợ hãi, đố kỵ, tự mãn, v.v. Sợ hãi vì không đạt được điều mình muốn, đố kỵ vì sự tiến bộ của người khác, tự mãn vì tin rằng mình vượt trội hơn người khác.
Điều quan trọng trong thực tiễn cuộc sống là chúng ta không được khoác lác và tự cho mình là thánh bởi chúng ta đầy xấu xa, đố kỵ, ích kỷ, tham lam, v.v. Ngược lại, chúng ta phải bắt đầu từ con số không tuyệt đối, và thấu hiểu sâu sắc về trạng thái thực sự của mình chứ không phải về một trạng thái mà chúng ta muốn đặt tới hoặc là mình tưởng tượng ra.
Cái Tôi, cái được gọi là “bản thân mình”, không thể nào tan rã được nếu chúng ta không học cách quan sát bản thân, cách nhận thức để hiểu một cách hiệu quả và hoàn toàn thực tế về con người thực sự của chúng ta trong hiện tại.
Nếu chúng ta thực sự muốn thấu hiểu, chúng ta phải lắng nghe những bậc thầy, những đạo sư, những thầy tu, và những người hướng dẫn tâm linh chân chính của mình, v.v.
Những thanh thiếu niên thuộc thế hệ mới này đã mất đi lòng kính trọng và tôn kính đối với các bậc cha mẹ, các giáo viên, những bậc thầy guru, những vị mahatma, và những người hướng dẫn tâm linh chân chính, v.v.
Chúng ta không thể thấu hiểu được những giáo lý này nếu không biết tôn kính cha mẹ, những bậc thầy, những giáo viên và những người hướng dẫn tâm linh chân chính của mình.
Việc ghi nhớ đơn thuần trong trạng thái vô thức những gì chúng ta đã học được bằng trí nhớ mà không có sự hiểu biết sâu sắc sẽ làm tổn thương tâm trí và trái tim, khơi dậy lòng đố kỵ, nỗi sợ hãi, sự tự mãn, v.v.
Khi thực sự biết lắng nghe một cách sâu sắc và có ý thức, thì một sức mạnh kỳ diệu sẽ nảy nở bên trong mỗi chúng ta. Sức mạnh này nằm ngoài mọi quy trình vô thức, mọi suy luận và sự ghi nhớ suông. Đây là một sự thấu hiểu phi thường, tự nhiên và đơn giản.
Nếu bộ não của học sinh được giải phóng khỏi gánh nặng của việc cố gắng ghi nhớ thông tin, thì ta hoàn toàn có thể dạy cấu tạo của hạt nhân và bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học cho những học sinh trung học cơ sở. Cũng như vậy, ta có thể dạy cho sinh viên cao đẳng hiểu được định luật tương đối và vật lý lượng tử.
Khi nói chuyện với một số giáo viên của các trường trung học, chúng tôi hiểu rằng họ bị gắn chặt vào phương pháp sư phạm lạc hậu và cổ hủ một cách cuồng nhiệt. Họ muốn các học sinh phải học thuộc lòng tất cả mọi thứ mà không cần thấu hiểu. Đôi khi họ cũng công nhận rằng hiểu tốt hơn nhớ, nhưng họ vẫn khăng khăng bắt học sinh phải ghi nhớ các công thức vật lý, hóa học, toán học, v.v.
Rõ ràng đây là một quan niệm sai lầm. Khi một công thức vật lý, hóa học, toán học, v.v., được hiểu một cách khôn ngoan, không chỉ ở cấp độ thuần lý trí mà còn ở các cấp độ khác của tâm trí, bao gồm: vô thức, tiềm thức, ý thức hạ cấp, v.v., thì việc ghi nhớ lại những kiến thức này trong bộ nhớ là không cần thiết. Bởi lẽ các kiến thức này đã trở thành một phần của tâm trí chúng ta và có thể được thể hiện bằng kiến thức bản năng tức thì khi hoàn cảnh cuộc sống đòi hỏi. Kiến thức toàn vẹn này cung cấp cho chúng ta một loại trí tuệ toàn năng nhất định, là một dạng biểu hiện khách quan có ý thức.
Sự thấu hiểu sâu sắc ở tất cả các cấp độ của tâm trí chỉ có thể đạt được bằng cách thiền nội tại sâu sắc.