Kinh Lạy Cha (Ma-thi-ơ 6:5-15)

5“Khi các ngươi cầu nguyện, đừng làm như bọn đạo đức giả, vì họ thích đứng cầu nguyện giữa hội đường hay các ngã đường, cốt cho người ta trông thấy. Quả thật, Ta nói với các ngươi, họ đã được phần thưởng của họ rồi. 6Nhưng khi ngươi cầu nguyện, hãy vào phòng riêng, đóng cửa lại, rồi cầu nguyện với Cha ngươi, Đấng hiện diện trong nơi kín đáo, và Cha ngươi, Ðấng thấy trong nơi kín đáo, sẽ thưởng cho ngươi.
7Khi ngươi cầu nguyện, đừng lặp đi lặp lại vô ích như các dân ngoại, vì họ nghĩ rằng nhờ nói nhiều, lời cầu nguyện của họ sẽ được nhậm. 8Các ngươi đừng làm như họ, vì Cha các ngươi đã biết rõ các ngươi cần điều gì trước khi các ngươi cầu xin Ngài. 9Vậy các ngươi hãy cầu nguyện như thế nầy:
  ‘Lạy Cha chúng con trên trời,
  Nguyện danh Cha được tôn thánh,
  10Nguyện vương quốc Cha mau đến,
  Nguyện ý Cha được nên dưới đất như trên trời.
  11Xin cho chúng con hôm nay lương thực siêu việt. [1]
  12Xin tha tội lỗi chúng con, cũng như chúng con tha thứ cho người có lỗi với chúng con.
  13Xin đừng để chúng con bị cám dỗ, nhưng xin cứu chúng con khỏi kẻ ác.
  [Vì vương quốc, quyền năng, và vinh hiển đều thuộc về Cha đời đời vô cùng. A-men.’] 
14Vì nếu các ngươi tha thứ những vi phạm của người ta, Cha các ngươi trên trời cũng sẽ tha thứ các ngươi. 15Nhưng nếu các ngươi không tha thứ người ta, Cha các ngươi cũng sẽ không tha thứ những vi phạm của các ngươi.”

(Trích Kinh Thánh, bản dịch 2011)

[1] Lương thực siêu việt – Trong bản dịch tiếng Việt của Kinh Lạy Cha có câu “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”. Từ “hằng ngày” bắt nguồn từ ἐπιούσιος trong tiếng Hy Lạp. Thánh Giêrônimô đã dịch Kinh Thánh Hy Lạp sang tiếng Latinh vào năm 382. Trong phiên bản Kinh Lạy Cha, Ma-thi-ơ 6:11, ngài đã dịch từ ἐπιούσιος là siêu việt (supersubstantialem). Tuy nhiên, trong Lu-ca 11:3, ngài lại dịch ἐπιούσιος là hằng ngày (quotidianum). Mặc dù bản gốc của cả hai phiên bản giống nhau, nhưng ngài lại dịch hai lần với hai ý nghĩa khác nhau. Trong những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo, đa số các học giả đều phân tích từ này với ý nghĩa “siêu việt” vì họ cho rằng Chúa Giêsu đang đề cập đến một loại lương thực tâm linh liên quan đến lễ ban thánh thể, chứ không chỉ đơn giản là bánh mỳ vật chất. Tuy nhiên, các bản dịch tiếng Anh mới hơn dùng từ “daily bread” theo với nghĩa tương tự như “lương thực hằng ngày” trong bản dịch tiếng Việt.

Hãy đọc thêm về Lương thực siêu việt ở chương 18 của sách Tâm lý học cho sự chuyển hoá triệt để.

(Nguồn https://en.wikipedia.org/wiki/Epiousios)

Nếu trước hết chúng ta đồng nhất với chính bản thân mình và sau đó đồng nhất mình với những việc phù phiếm của thế giới bên ngoài, thì chúng ta không thể tha thứ. Hãy nhớ lại Kinh Lạy Cha: “Xin Cha tha nợ chúng con như chúng con cũng tha cho kẻ có nợ chúng con”. Nhưng tôi phải nói thêm là, nếu chúng ta chỉ tha thứ thôi thì vẫn chưa đủ. Chúng ta còn phải xóa bỏ những món nợ. Có người có thể tha thứ cho kẻ thù nhưng lại không bao giờ xóa bỏ những món nợ. Chúng ta cần phải chân thành, chúng ta cần phải xóa nợ.

(Samael Aun Weor – Biện Chứng Tâm Thức)

Có lời chép rằng trong việc Tu tập trên con đường Gnosis bí ẩn, sự tăng trưởng trí tuệ chỉ có thể đạt được qua việc tha thứ cho người khác.

Nếu một người sống phút này qua phút khác, giây này qua giây khác, đau khổ vì những  gì người khác còn nợ mình, vì những gì họ đã làm cho mình, vì những cay đắng mà họ đã gây ra cho mình, luôn là một bài hát cũ như vậy, thì không thứ gì có thể phát triển ở bên trong người đó được.

Kinh Lạy Cha nói rằng: “Xin tha tội lỗi chúng con, cũng như chúng con tha thứ cho người có lỗi với chúng con.”

Cái cảm giác người khác còn mang nợ mình, cái nỗi đau chúng ta cảm nhận được bởi những điều sai trái mà người khác đã gây ra cho mình, v.v., sẽ cản trở tất cả sự tiến bộ nội tại của linh hồn.

(Samael Aun Weor – Tâm lý học cho sự chuyển hoá triệt để, Chương 24)

Leave a Reply