Cảm giác nhầm lẫn về cái Tôi

✏ Tác giả: Samael Aun Weor, 📖 Chuyển Hoá Ấn Tượng Tâm lý

Tiêu đề của bản gốc: El Falso Sentimiento del Yo (bài giảng)

Làm thế nào chúng ta có thể cảm nhận được một cách chân thật về Bản thể của mình được khi những cái Tôi đang cảm nhận và suy nghĩ thay cho chúng ta? Phần nghiêm trọng nhất của bi kịch này là người ta nghĩ rằng họ đang suy nghĩ, cảm thấy rằng họ đang cảm nhận, trong khi thực tế là trong một khoảnh khắc nhất định một người khác đang suy nghĩ trong bộ não đau khổ và đang cảm nhận trong trái tim đau đớn của chúng ta.

Chúng ta sẽ nói về cảm nhận về bản thân. Chúng ta nên suy ngẫm về cách chúng ta cảm nhận về bản thân. Sẽ tốt hơn nếu chúng ta hiểu sâu sắc về chủ đề của ảo giác về cái Tôi.

Từ tận đáy lòng, chúng ta luôn có cảm nhận về bản thân, nhưng sẽ tốt hơn nếu biết rằng cảm nhận này là đúng hay sai. Chúng ta cần phải hiểu được cảm nhận về cái Tôi là gì.

Trước hết, ta cần phải hiểu rằng mọi người sẵn sàng từ bỏ rượu chè, rạp chiếu phim, thuốc lá, tiệc tùng, v.v., nhưng lại không sẵn sàng từ bỏ nỗi khổ của chính họ. Người ta yêu thương nỗi đau, nỗi khổ của chính mình. Họ sẽ dễ dàng từ bỏ một khoảnh khắc hạnh phúc hơn là từ bỏ những đau khổ của mình.

Tuy nhiên, thật ngược đời là mọi người đều nói ghét bỏ đau khổ và phàn nàn về những nỗi đau của họ, nhưng khi thực tế là cần phải rời bỏ chúng, người ta kiểu gì cũng không sẵn sàng để làm như vậy.
Chắc chắn là chúng ta có nhiều bức ảnh sống về bản thân: những bức ảnh khi ta 18 tuổi, khi ta là thiếu niên, khi ta 21 tuổi, khi ta 28 hoặc 30 tuổi, v.v.

Mỗi bức ảnh tâm lý đó đều liên quan đến cả một tập hợp những đau khổ, rõ là như vậy. Chúng ta thích thú với việc xem lại những bức ảnh đó; chúng ta cảm thấy vui khi kể cho người khác nghe về những nỗi khổ của từng độ tuổi, những nỗi đau của từng thời kì mà chúng ta đã trải qua, v.v.

Có một hương vị lạ lùng, có thể nói là vượt ngoài khuôn phép, khi chúng ta nói về nỗi đau của mình, khi chúng ta nói rằng ta là người từng trải, khi chúng ta kể về những cuộc phiêu lưu thời niên thiếu, cách chúng ta đã phải làm việc như thế nào để tìm kế sinh nhai: khoảng thời gian đau đớn nhất trong cuộc đời của chúng ta, khi chúng ta cố gắng kiếm từng cắc bạc để tồn tại. Bao nhiêu là đau đớn! Bao nhiêu là khổ sở! Với tất cả những điều đó, chúng ta cảm thấy vui thích.

Khi chúng ta đang kể những câu chuyện như thế, ta thực sự là những kẻ du mục hăng say. Thay vì thấy khoái cảm trong men rượu hay khói thuốc, chúng ta thấy khoái cảm trong chuyện quá khứ, trong những gì chúng ta đã nói, những gì đã xảy đến cho chúng ta, những gì đã được nói với ta, trong cách sống mà ta đã có, v.v., v.v.

Chúng ta ưa thích một điều rất khác lạ và bất quy tắc. Chúng ta kiểu gì cũng không muốn quên đi những đau khổ của chính mình. Chúng là thứ thuốc phiện mà mọi người đều ưa, là thú vui mà ai cũng quý. Dường như cuộc sống càng khó khăn thì chúng ta càng cảm thấy mình đặc biệt và độc đáo. Tất nhiên, điều này thật ngớ ngẩn.

Nhưng hãy nhận ra rằng mọi sự kiện đều liên quan đến một cảm nhận, cảm nhận của cái Tôi, của bản thân. Chúng ta cảm thấy mình đang có mặt; chúng ta cảm thấy mình đang tồn tại. Trong những khoảnh khắc này khi các bạn đang ngồi đây lắng nghe, và khi thầy đang nói với các bạn, các bạn cảm thấy rằng mình đang cảm nhận. Các bạn có ở đây, trong trái tim mình, cảm nhận về bản thân mình. Nhưng các bạn có chắc rằng cảm nhận đó là đúng không? Có lẽ các bạn cảm thấy chắc chắn về điều này.

Cái cảm nhận mà bạn đang có trong khoảnh khắc này, cảm nhận rằng mình đang sống, cảm nhận về sự sống và tồn tại: đó là cảm nhận thực hay là cảm nhận giả? Sẽ tốt hơn nếu ta suy ngẫm một chút về tất cả những lập luận này.

Khi chúng ta ở đâu đó, có thể trong các quán rượu, hoặc trong các hộp đêm, chúng ta có cảm nhận không? Có, hiển nhiên là chúng ta có cảm nhận! Và cảm nhận đó có chính xác không? Mỗi độ tuổi đều liên quan đến một cảm nhận, bởi vì chúng ta có một cảm nhận khi ta 18 tuổi, một cảm nhận khác khi ta 25, một cảm nhận khác nữa khi ta 30, và khác nữa khi ta 35 tuổi, và chắc chắn là một người già sẽ có cảm nhận riêng của mình.

Cái nào trong số những cảm nhận đó là cái chính xác? Cảm nhận về bản thân chúng ta là một điều gì đó rất to lớn, bởi vì ta cảm thấy rằng mình đang cảm nhận, cảm thấy mình tồn tại, cảm thấy mình đang sống, cảm thấy mình đang có mặt, thấy mình có một trái tim, và nói: “Tôi”, “Tôi”, và “Tôi”, bởi chúng ta có rất nhiều cái “Tôi”. Cái nào trong số đó sẽ là sự thật chính xác? Hãy suy ngẫm về điều này. Hãy suy ngẫm! Sẽ rất có ích khi chúng ta cố gắng hiểu được điểm này.

Nếu ta làm tan rã bất kì một cái “Tôi” nào, giả sử là cái “Tôi” oán giận một ai đó, ta hạnh phúc vì đã làm tan rã được nó; nhưng nếu chính cảm nhận đó vẫn còn, thì nghĩa là có điều gì đó không ổn trong quá trình. Điều này chỉ ra rằng cái “Tôi” mà chúng ta nghĩ đã làm tan rã được nó đã không bị tan ra, bởi vì cảm nhận của cái “Tôi” đó vẫn còn.

Nếu chúng ta tha thứ cho một ai đó, và hơn thế nữa, nếu chúng ta xóa bỏ nỗi đau mà người đó đã gây nên, và nếu chúng ta tiếp tục với cùng một cảm nhận đó, điều đó cho thấy chúng ta đã không xóa bỏ được nỗi ưu phiền đó, hoặc kí ức xấu đó, hoặc hành động xấu mà ai đó đã gây nên cho chúng ta; cái “Tôi” của nỗi oán giận vẫn tiếp tục, một cách sống động.

Chúng ta đang chạm đến một điểm rất nhạy cảm, vì tất cả chúng ta đều đang rèn luyện bản thân mình. Ví dụ, đã bao nhiêu lần chúng ta tin rằng ta đã làm tan rã được cái “Tôi” của sự trả thù, nhưng cảm nhận mà ta đã có vẫn còn ở đó; điều này cho thấy ta đã không làm tan rã được cái “Tôi” đó, đó là hiển nhiên!

Trong chúng ta có bao nhiêu cảm nhận thì có bấy nhiêu cấu trúc tâm lý [1] hoặc cái Tôi. Nếu chúng ta có 10,000 cấu trúc tâm lý, chắc chắn ta sẽ có 10,000 cảm nhận về bản thân. Mỗi cái Tôi có cảm nhận riêng của nó. Thế nên, trong quá trình rèn luyện bản thân, có một điều mà chúng ta phải chú ý: đó là cảm nhận.

[1] Cấu trúc tâm lý – (tiếng Phạn: Saṅkhāra, tiếng Việt: Hành)

Con quỷ của lý trí (Phi-lát) [2] luôn trốn tránh trách nhiệm khi nó phản bội đức Kitô. Đám đông của những cái Tôi luôn chống lại đức Kitô.

[2] Phi-lát – Câu truyện của chúa Giê-su trong Kinh thánh có 3 kẻ phản bội: Giu-đa, Phi-lát, Cai-phe. Ba người này tượng trưng cho ba thành phần xấu trong tâm của chúng ta.

Tất cả chúng ta có ba kẻ phản bội trong tâm: Giu-đa là con quỷ của lòng tham. Phi-lát là con quỷ của lý trí [khi tìm cách biện hộ cho hành động xấu]. Cai-phe là con quỷ của ác cảm. Ba kẻ phản bội này đóng đinh cho đức Chúa Toàn Hảo trong sâu thẳm linh hồn của chúng ta. (Samael Aun Weor – The Great Rebellion)

Khi đọc câu viết ở trên, chúng ta thấy rằng câu chuyện này xảy ra trong lịch sử cũng như ở trong tâm của chúng ta. Khi nói rằng Phi-lát trốn tránh trách niệm, thầy đang chỉ đoạn sau này trong Kinh Thánh:

Phi-lát nói: “Vậy ta phải xử thế nào với Giê-su gọi là đấng Kitô?” Họ đồng loạt trả lời: “Đóng đinh nó trên cây thập tự!” Tổng đốc hỏi: “Người nầy đã làm điều ác gì?” Nhưng họ lại la lớn hơn: “Đóng đinh nó trên cây thập tự!”
Vì vậy, khi Phi-lát thấy mình chẳng làm được gì, lại còn có thể nẩy sinh bạo động, nên lấy nước và rửa tay trước dân chúng, rồi nói: “Ta vô tội về huyết của người nầy; đó là việc của các ngươi.” Cả dân chúng đều trả lời: “Xin huyết của nó đổ trên chúng tôi và con cháu chúng tôi!” Vậy Phi-lát tha Ba-ra-ba cho họ, và đánh đòn Đức Chúa Giê-su, rồi giao Ngài để đóng đinh vào thập tự giá. (Ma-thi-ơ 27:22-26)

Phi-lát lấy nước và rửa tay (Pilate se lavant les mains) bởi Mattias Stom, 1630

Cũng như thế trong tâm chúng ta: khi xuất hiện ý định làm một việc xấu thì lý trí sẽ nghĩ ra cách biện hộ cho hành động đó, hay để nói rằng đó không phải là trách nhiệm của mình hay không phải là lỗi của mình. Bằng cách đó thì lý trí “đóng đinh” cho đức Kitô nội tâm, đóng đinh cho những phẩm chất tốt trong tâm của chúng ta.”

Chúng ta có thể đã triệt tiêu cái “Tôi” của lòng kiêu hãnh ích kỉ ra khỏi lý trí nhưng liệu thứ cảm nhận của lòng kiêu hãnh ích kỉ có còn tiếp tục tồn tại trong chúng ta không? Thứ cảm giác “Tôi trước nhất, tôi thứ hai và tôi thứ ba”? [3] Hãy thành thật với chính mình: nếu cảm nhận đó vẫn tiếp tục tồn tại thì cái “Tôi” của sự kiêu hãnh ích kỉ vẫn tồn tại. Vậy nên hôm nay thầy mời các bạn tìm hiểu vấn đề của Cảm nhận.

[3] Tôi trước nhất, thứ hai, thứ ba – Đây là từ ngữ tiếng Tây Ban Nha để chỉ một người lúc nào cũng nghĩ về bản thân mình.”

Cần nhiều công sức để khiến người ta đưa ra quyết định tìm hiểu sự cần thiết của việc làm tan rã cái tôi, nhưng còn mất nhiều công sức hơn nữa để khiến họ hiểu được cảm nhận là gì, điều mà thông thường rất mỏng manh, rất vi tế. Dù sao, trong việc rèn luyện chính mình, các bạn thân mến của tôi, có ba dòng mà chúng ta phải hiểu:

  • Thứ nhất: Làm việc với bản thân mình, với mục đích nhằm làm tan rã những cấu trúc tâm lý bên trong chúng ta, cái hiện thân sống động của những sai lầm của chúng ta.
  • Thứ hai: Làm việc với người khác; chúng ta phải học cách liên hệ bản thân với những người khác một cách chính xác.
  • Thứ ba: Yêu lấy công việc này, làm vì chính bản thân công việc đó.

Ví dụ, nếu một người nói rằng anh ta đang rèn luyện, và tin rằng anh ta đang rèn luyện bản thân, nhưng không có sự thay đổi nào xuất hiện ở người đó; nếu cảm nhận sai lầm của cái “Tôi” vẫn tiếp diễn, nếu mối quan hệ của anh ta với những người khác vẫn như vậy, thì điều này chứng tỏ rằng anh ta không thay đổi, và nếu anh ta không thay đổi, thì anh ta đang không rèn luyện bản thân một cách đúng đắn, điều đó là hiển nhiên!

Chúng ta cần thay đổi, nhưng nếu sau một thời gian rèn luyện mà cảm nhận về cái “Tôi” vẫn giữ nguyên, nếu lối hành xử vẫn giữ nguyên, liệu có thể nghĩ rằng chúng ta đã thay đổi hay không? Sự thật là không, và mục đích của những việc học tập này là để thay đổi.

Sự thay đổi phải được triệt để, bởi vì ngay cả bản sắc của chúng ta cũng phải mất đi đối với chính ta. Ví dụ, một ngày nào đó người A sẽ đi tìm người A nhưng người này đã không còn tồn tại nữa, anh ta đã biến mất với chính mình, điều đó là rõ ràng. Một ngày nào đó, người B sẽ nói, “Chuyện gì đã xảy ra với B?” B đã không còn tồn tại, anh ta đã biến mất với chính mình.

Vậy, sự thực là ngay cả bản sắc riêng của ta cũng phải mất đi đối với chính chúng ta; chúng ta phải đổi khác hoàn toàn. Thầy biết trong số các học viên ở đây có một số người, mà thầy sẽ không nói tên, đã theo học với thầy từ nhiều năm trước, và thầy thấy họ vẫn như trước đây. Họ không thay đổi, họ vẫn có cùng lối hành xử và vẫn phạm cùng những sai lầm như 20 năm trước. Ngày hôm nay họ vẫn phạm lại cùng những sai lầm đó.

Điều này chỉ ra rằng họ không có thay đổi, không có gì mới cả. Giờ họ ra sao? Như họ của 20 năm trước, hoặc 10 hoặc 50 năm trước. Thay đổi ư? Không hề! Thế thì, họ đang làm gì ở đây?

Họ đang mất thời gian một cách thảm hại, đúng không? Bởi vì những bài học của chúng ta có mục tiêu là thay đổi về tâm lý, để trở nên những con người khác; nhưng nếu chúng ta tiếp tục như cũ, nếu anh X vẫn như 10 năm trước, thì anh ta đã không thay đổi mà cũng không làm gì cả ngoài việc tiêu phí thời gian của mình một cách thảm hại, điều đó là hiển nhiên!

Vậy nên thầy mời tất cả các bạn suy ngẫm về điều đó. Bạn có muốn thay đổi hay không? Nếu bạn vẫn luôn như vậy, thì những người kia đang làm gì? Tại sao họ tập hợp ở đây trong Học Viện Thứ Ba [4], để làm gì? Chúng ta cần phải suy ngẫm nhiều hơn.

[4] Học Viện Thứ Ba – Trường phái Gnosis của thầy Samael có ba lớp, được gọi là ba Học Viện (tiếng Anh: three chambers). Học viện thứ 3 là lớp cao nhất.

Một chỉ dẫn về cảm nhận của cái “Tôi”: cảm nhận của cái “Tôi” luôn là sai lầm, không bao giờ chính xác.

Chúng ta cần phân biệt giữa cảm nhận của cái “Tôi” và cảm nhận của Bản thể. Bản thể là Bản thể, và lý do nó tồn tại để là chính Bản thể. Cảm nhận của Bản thể thì luôn chính xác, nhưng cảm nhận của cái “Tôi” là một cảm nhận nhầm lẫn, một cảm nhận ảo.

Vì sao các học viên thích thú với những bức ảnh tâm lý của họ của 10, 20, 30 năm về trước? Điều gì xảy ra với họ? Mỗi bức ảnh tâm lý chia sẻ những cảm nhận khác nhau. Phải: cảm nhận của một thiếu niên uống rượu say, cảm nhận của một thanh niên 20 tuổi với bạn gái, hoặc theo những lối trụy lạc, v.v., cái nào trong số những cảm nhận đó là đúng? Cái mà chúng ta có khi ta còn trẻ 18 tuổi, hay cái mà chúng ta có hôm nay ở tuổi 50 hay 60? Cái nào là đúng? Trong những cảm nhận đó không có cái nào là thật cả. Không có cái nào đúng. Tất cả đều sai. Cảm nhận của người thanh niên 18 tuổi cảm thấy rằng mình có cả thế giới phía trước và rằng mọi cô gái đều yêu mình, là sai. Cảm nhận của người thanh niên 20 tuổi tin rằng anh ta có thể thống trị cả thế giới nhờ khuôn mặt đẹp trai của mình, là sai. Tất cả những điều đó đều là sai!

Cái nào trong số những cảm nhận đó là thực? Chỉ tâm thức mới có thể cho cảm nhận thực; đừng quên rằng tâm thức và Bản thể không cách nhau quá xa.

Tâm thức và Bản thể

Có ba mặt của cuộc sống: Bản thể (Sat trong tiếng Phạn), tâm thức (Chit), và phúc lạc (Ananda). Nhưng tâm thức thực sự của Bản thể, cái ở cách Bản thể không quá xa, bị mắc kẹt ở giữa vô số cấu trúc tâm lý là hiện thân của các sai lầm của chúng ta, các sai lầm mà chúng ta mang theo bên trong mình.

Chỉ có tâm thức mới có thể cho chúng ta một cảm nhận đúng đắn; cảm nhận đó có vẻ là tàn nhẫn với những người khác, bởi vì những người đó bị mắc kẹt trong những cảm nhận sai lầm không có bất kì mối liên hệ nào với cảm nhận đích thực của Bản thể.

Cảm nhận của tâm thức chân chính và khách quan mới là thực sự quan trọng, nhưng để chúng ta có được cảm nhận đích thực của tâm thức chân chính khách quan, trước hết chúng ta cần làm tan rã các cấu trúc tâm lý.

Cùng với sự tan rã của các cấu trúc tâm lý khác nhau, những hiện thân sống của các khiếm khuyết của chúng ta, tiếng nói của tâm thức sẽ ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn. Cảm nhận của Bản thể, nghĩa là của tâm thức, sẽ ngày càng được cảm thấy rõ hơn theo trực giác. Và tương ứng với cảm giác của chúng ta về tâm thức, ta sẽ nhận ra rằng chính cảm nhận ảo của cái “Tôi” dẫn ta đến sai lầm.

Nhưng điều này lại tinh tế lạ thường, bởi vì trong cuộc sống tất cả chúng ta đều đã nếm nhiều đau khổ, đó là điều hiển nhiên. Chúng ta cũng đã đi qua con đường sai lầm, điều đó rõ ràng. Trong mọi khía cạnh của cuộc sống chúng ta, trong mỗi khoảnh khắc, chúng ta đã cảm thấy ở đây, trong trái tim, một điều gì, một cái gì đó, một cái gì đó có tên là cảm nhận.

Chúng ta đã luôn xem cái điều gì đó như là tiếng nói của tâm thức chúng ta. Chúng ta đã xem cái đó như là cảm nhận của bản thân ta, cảm nhận thực sự, và chúng ta đã tuân theo cảm nhận đó như là điều duy nhất có thể dẫn ta đi qua con đường thẳng, v.v. Nhưng thật không may, chúng ta đã lầm, các bạn thân mến. Bằng chứng cho sai lầm đó là rất lâu sau đó chúng ta đã có những cảm nhận khác hẳn, khác hoàn toàn, và lâu sau hơn nữa chúng ta lại có những cảm nhận khác nữa, cũng khác biệt hoàn toàn.

Thế thì cái nào trong số đó là thật? Vậy là chúng ta đã là nạn nhân của một sự tự lừa dối. Chúng ta đã luôn nhầm lẫn cảm nhận của cái “Tôi” với cảm nhận của Bản thể. Chúng ta đã luôn bị dẫn dắt bởi sự tự lừa dối, và ở đây không thể có ngoại lệ.

Thầy cũng đã đi qua con đường lầm lạc khi thầy từng tin rằng cảm nhận của cái “Tôi” là cảm nhận của Bản thể. Không có ngoại lệ nào: mỗi người trong chúng ta đã từng là nạn nhân của sự tự lừa dối! Để chạm đến cảm nhận chân thực, để đạt đến đúng cảm nhận đó, đó là một điều to lớn; cảm nhận chân xác đó thuộc về tâm thức tối thượng của Bản thể.

Chúng ta phải đi qua con đường của trí tuệ tối thượng và tâm linh cao quý, và theo đó, khi chúng ta đi qua con đường của sự tự nhận thức và tự quan sát bản thân từng lúc một, con đường vô cùng khó khăn, chúng ta sẽ học được cách cảm nhận chính xác, chúng ta sẽ học nhận biết được cảm nhận chân thực của tâm thức tối thượng của Bản thể.

Điều thực sự quan trọng đối với tất cả chúng ta là Bản thể, và cảm nhận đóng một vai trò lớn trong lĩnh vực về Bản thể này. Đã bao lần chúng ta từng tin rằng mình đang làm tốt trên đường đời, thấy mình được dẫn dắt bởi cảm nhận sống động của một thực tại chân thực, và rồi thực tế là chúng ta còn làm tệ hơn trước, bởi vì ta đang bị dẫn dắt bởi cảm nhận sai lầm của cái “Tôi”?

Mọi người sống trong phàn nàn và cảm thấy vui thú với những lời phàn nàn của họ, nhưng họ sẽ không bao giờ từ bỏ đau khổ của họ. Điều thầy đang nói thật thậm tệ nhưng đó là sự thật! Vì một cảm nhận sai lầm của cái “Tôi”, chúng ta có thể để vuột mất cả đời; nghĩa là chúng ta cảm nhận sai lầm về cái “Tôi” qua tuổi 30 và 40 và 50 và 60, rồi chúng ta đến tuổi 80, nếu ta đến được, bởi vì nhiều người chết trước khi 80 tuổi. Khái niệm sai lầm đó, nói rõ hơn là cảm nhận sai lầm của cái “Tôi” đã hoàn toàn bọc kín chúng ta bên trong cái tôi, và cuối cùng chúng ta chết mà không tiến thêm được một bước nào.

Thông thường, khi mọi người đối mặt với những sự kiện khác nhau trong cuộc đời thì họ không nhận những trải nghiệm đó vào tâm thức một cách trực tiếp. Không: họ có một đống định kiến và phán xét khủng khiếp trong tâm trí! Với bất kì một tình huống mới nào cũng xuất hiện ngay lập tức một phán xét sẵn có hoặc một định kiến nào đó.

Sự thực là những trải nghiệm của cuộc sống đến một cách gián tiếp với tâm thức; do vô số thành kiến và những cảm nhận sai lầm và mâu thuẫn với nhau mà chúng ta mang bên trong, các trải nghiệm không bao giờ chạm được đến tâm thức, và kết quả là chúng ta tiếp tục ngủ mê suốt cả cuộc đời.

Ta hãy quan sát một ông già, 80 tuổi chẳng hạn, bị suy nhược thần kinh, suy nghĩ lạc hậu, mắc kẹt trong một vài giáo điều. Ông ta có một cảm nhận hoàn toàn sai lầm về bản thân mình. Khi một điều gì đó xảy đến với ông ta, nó không chạm được đến tâm thức của ông: tất cả những gì chạm đến ông ta đều đi vào tâm trí của ông, và vì tâm trí này đầy những phán xét, tập quán, thói quen máy móc, v.v., mà nó phản ứng lại theo sự điều kiện hoá tâm lý [6] của riêng nó; thế là nó phản ứng một cách dữ dội, hèn nhát, v.v. và v.v.

[6] điều kiện hoá tâm lý – trong bối cảnh tâm lý học, câu này chỉ “phản xạ có điều kiện”. Phản xạ có điều kiện là một phương thức phản xạ của động vật bậc cao. Trong đó, động vật tìm kiếm cảm giác tích cực hay tránh cảm giác tiêu cực bằng cách lặp lại những hành vi mà trước đó đã ra kết quả như ý. Khi đã thành thói quen rồi thì việc này diễn ra một cách vô ý thức. Đọc thêm.

Hãy quan sát một ông già 80 tuổi và cách phản ứng của ông ta. Chắc chắn là bạn biết một người như thế rồi. Những kiểu phản ứng của ông lúc nào cũng lặp lại như cũ. Tại sao? Bởi vì mọi điều xảy đến với tâm trí của ông ta không chạm được tâm thức của ông; nó đi vào tâm trí, và rồi tâm trí diễn dịch thông tin theo cách riêng của nó.

Tâm trí đánh giá mọi thứ theo bề ngoài và thói quen, như thể nó tin đó là sự thật, và ảo giác của cái Tôi xác nhận lối suy nghĩ sai lầm đó của nó. Kết luận: kẻ nào mang ảo giác của cái Tôi sẽ đánh mất cả đời của mình một cách khốn khổ.

Ta cần phải tiến đến cảm nhận đúng đắn, nhưng cái này thuộc về tâm thức. Không ai có thể đạt được cảm nhận đúng đắn đó nếu họ chưa làm tan rã các cấu trúc tâm lý. Khi một người đang làm tan rã các cấu trúc tâm lý, cảm nhận đúng trở nên rõ ràng hơn, và khi các cấu trúc đó được triệt tiêu hoàn toàn thì cảm nhận đúng cũng trở nên toàn diện. Thông thường thì cảm nhận đúng đắn của Bản thể phủ nhận cảm nhận sai lầm của cái “Tôi”. Cảm nhận đúng đắn của tâm thức vượt xa bất kì quy tắc đạo đức nào, càng vượt xa bất kì luân lý do một tôn giáo nào thiết lập, v.v. Thông thường, những luân lý do các tôn giáo khác nhau lập nên, về bản chất, đều là sai lầm. Khi tâm thức của con người chìm trong giấc ngủ sâu, thì người ta phát minh ra các hệ thống sư phạm, xã hội, đạo đức, giáo dục và luân lý khác nhau để chúng ta có thể đi trên một đường thẳng, nhưng tất cả những điều đó đều vô ích.

Có một thứ đạo lý thuộc về tâm thức, nhưng đạo lý này sẽ bị những kẻ sùng đạo của những tổ chức tôn giáo khác nhau coi là trái đạo lý. Có một quyển sách, quyển của Paravidyas [7] ở Tây Tạng, với một đạo lý không phù hợp với bất kì giáo phái nào, bởi vì nó thuộc về tâm thức.

[7] Paravidyas – phiên bản khác có từ “Paramitas”

Thầy không phản đối bất kì hình thức tôn giáo nào; thầy chỉ phản đối một số hình thức, hoặc có thể nói là phản đối một số cấu trúc gỉ sét ngày nay đang giam giữ lấy tâm thức, tâm trí và trái tim. Đó là những cấu trúc thoái hóa của những đạo lý truyền thống sai lầm. Thầy đang phản đối những thứ đó.
Mục tiêu của giáo lý này không phải để tuân theo hay sống theo những đạo lý khô cứng và cổ xưa; điều chúng ta phải làm ở đây là phát triển khả năng thấu hiểu. Chúng ta phải liên tục xét đoán bản thân [8] với mục đích để biết mình có gì và mình thiếu gì.

[8] xét đoán bản thân – dịch giả: hãy cẩn thận ở chỗ này vì nhiều người hiểu lầm: Khi chúng ta sử dụng lý trí để xét đoán bản thân mình thì việc đó không dẫn đến đâu cả; chúng ta chỉ cảm thấy mệt mỏi và ghét bản thân mình thôi. Chúng ta phải học cách để cho tâm thức làm việc này.

Nếu chúng ta muốn đi con đường đúng đắn, ta phải nhận biết rằng chúng ta có rất nhiều thứ phải loại bỏ và rất nhiều thứ phải đạt được, nhưng cảm nhận sai lầm của cái Tôi cản trở nhiều người tiến bước trên con đường của sự giải thoát: cảm nhận sai lầm của cái Tôi luôn bị lẫn lộn với cảm nhận của Bản thể.

Tất cả chúng ta đều có thể thất bại trong kiếp này do thứ ảo giác của cái Tôi, nếu ta không chịu mở mắt.

Đơn Tử

Điều thực sự quan trọng là Bản thể, nhưng nó rất sâu sắc, rất uyên thâm. Thực sự, Bản thể chính là Đơn tử nội tại. Hãy nhớ lại Leibnitz và thuyết Đơn tử nổi tiếng của ông. Bản thân Đơn tử là cái mà chúng ta có thể gọi là Neshamah (נשמת) trong tiếng Do Thái, nghĩa là Atman-Buddhi (trong tiếng Phạn).

Atman là ai? Là Cái tận cùng sâu thẳm, là Bản thể. Quyển sách “The Dayspring of Youth” nói như sau về chủ đề này:

Trước khi bình minh ảo đến trên trái đất này, những người đã sống sót qua cơn cuồng phong và cơn bão đã ngợi ca cái sâu thẳm nhất, và những sứ giả của bình minh đã xuất hiện trước họ.

Neshamah là Atman-Buddhi, là Đơn tử được Leibnitz mô tả trong “Triết học Đơn tử” [9] của ông. Atman là cái sâu thẳm nhất, Buddhi là Linh hồn [10], là tâm thức tối thượng của Bản thể. Atman và Buddhi kết hợp với nhau được gọi là Đơn tử, đó là điều hiển nhiên. Đơn tử được chia đôi trong Nhân hồn. (Nhân hồn được những nhà Đông phương học [11] gọi là Manas Cao cấp.) Ban đầu thì Nhân hồn là một phôi thai trọn vẹn nhưng sau khi được chia đôi thì Tinh chất [hay còn gọi là Phật tính] xuất hiện. Tinh chất là phần duy nhất [của tâm hồn] mà được hiện thân trong các động vật trí năng. Tinh chất đó bị mắc kẹt trong những cấu trúc tâm lý khác nhau mà chúng ta mang bên trong mình.

[9] Triết học Đơn tử – Tiêu đề bản gốc: “La Monadologie”, 1714

[10] Linh Hồn, Tâm Linh – Trong những năm phát triển giáo pháp của hội Thông thiên học, định nghĩa cụ thể của các cụm từ này đã được sửa lại để phân biệt rõ hơn giữa các khái niệm tinh vi. Tác phẩm “Esoteric Buddhism” của A. P. Sinnett định nghĩa bảy thành phần của con người như sau:

Tiếng ViệtTiếng PhạnTiếng Anh
Cơ thể vật chấtRūpaPhysical body
Sức sống (khí)PranaVitality
Cơ thể cảm xúcLinga ShariraAstral Body
Thú hồnKāma rūpaAnimal Soul
Nhân hồnManasHuman Soul
Linh hồnBuddhiSpiritual Soul
Tâm Linh (cái sâu thẳm nhất)AtmanSpirit
Bảy thành phần của con người theo A. P. Sinnet (Hội Thông Thiên Học)

[11] Nhà Đông phương học (Tiếng Anh: Orientalists) – từ này chỉ hội Thông thiên học

Trong tiếng Do Thái, Neshamah (נשמת) chính xác là Atman, đó là phần không thể tả được của Atman, trong khi Ruach (רוח) là Buddhi nhưng thông thường thì từ Ruach [Elohim] chỉ Atman-Buddhi. Nephesh (נפש) là Nhân hồn hay còn gọi là Linh hồn căn nguyên. Nephesh chính xác là nguồn gốc của Tinh chất mà mọi người đều có bên trong. Tinh chất đó cần phải được đánh thức vì đó là phần tâm thức chúng ta có bên trong. Thật không may, nó đang ngủ mê và bị mắc kẹt trong những cấu trúc tâm lý phi nhân tính mà chúng ta mang bên trong mình.

Cuộc cách mạng của tâm thức

Ta cần hiểu rằng khi một người rèn luyện bản thân mình và tiến vào con đường của cuộc cách mạng về tâm thức với khao khát nhận được những Thành phần Tinh thần và Tâm linh của mình, có nghĩa là khao khát trở thành một ngôi đền cho Đơn tử nội tâm (bởi vì hiển nhiên là khi Tinh chất đã phát triển, hiển lộ và thức tỉnh thì nó hoàn toàn hợp nhất với Nhân hồn trong Thế giới Căn nguyên). Nhiều thời gian sau đó điều tuyệt nhất xảy đến: sự kết hợp, sự hòa hợp của Nhân hồn đó với Đơn tử. Khi điều đó xảy ra, bậc chân sư chứng ngộ bản thể.

Vậy nên, ta cần phải rèn luyện với Tinh chất. Chúng ta phải bắt đầu bằng việc phóng thích nó, giải thoát cho nó. Tinh chất là một mảnh của Nhân hồn trong mọi sinh vật, và ta cần phải đánh thức nó vì nó đang ngủ say trong mỗi cấu trúc tâm lý mà ta mang bên trong mình.

Tinh chất đó có cảm nhận đúng đắn riêng của nó. [Cảm nhận của Tinh chất] khác biệt, hoàn toàn khác biệt với cảm nhận sai lầm của cái Tôi. Tinh chất đó, với cảm nhận của nó, bắt nguồn từ Linh hồn Căn nguyên hay Linh hồn Vũ trụ đích thực. Vậy nên cảm nhận mà Tinh chất có cũng chính là cảm nhận của Linh hồn Vũ trụ, là cùng một cảm nhận tồn tại trong Linh hồn [Spiritual Soul], cùng một cảm nhận tồn tại trong Cái sâu thẳm nhất hay còn gọi là Atman.

Khi một người bước vào con đường này, người đó phát hiện ra rằng họ đã tiến vào con đường của cuộc cách mạng về tâm thức. Cuộc cách mạng tâm thức thực sự dữ dội bởi vì nó đi kèm với cuộc cách mạng của lý trí và cuộc cách mạng của vật chất. Cuộc cách mạng tâm thức kích hoạt một chuỗi các cuộc cách mạng phi thường của lý trí và kết quả của những cuộc cách mạng lý trí đó là một cuộc cách mạng vật chất. Ví dụ: trong thuật luyện kim đan, người ta nói đến sự trẻ hóa [recrudescence [12]] của cơ thể vật chất, và tính bất khả xâm phạm [invulnerability], và sự biến đổi [mutation].

[12] Recrudescence [tiếng Tây Ban Nha: Reincrudación] – trong thuật luyện kim đan từ này chỉ hiện tượng cơ thể vật chất hồi phục trạng thái lúc trẻ sau khi đã già hay sau khi chết hoặc kim loại lấy lại trạng thái nguyên thủy.

Hiển nhiên rằng khi một người đã đạt đến sự thức tỉnh hoàn toàn, đạt đến sự khai sáng, thì người đó có thể tự nuôi dưỡng mình bằng Cây sự sống, và hiển nhiên là nếu họ muốn thì cơ thể vật chất của họ có thể trở nên bất khả xâm phạm và thay đổi được, và điều đó chỉ có thể đạt được thông qua sự tái sinh của thuật giả kim. Người đã được khai sáng biết rất rõ làm thế nào cho cơ thể trẻ hóa [recrudescence]. Vì vậy, có ba cuộc cách mạng trong một: cuộc cách mạng của tâm thức, cuộc cách mạng của lý trí, và cuộc cách mạng của vật chất.

Những tu sĩ vĩ đại của tâm thức, những người đã thực sự đạt đến sự thức tỉnh, được khai sáng: nhiều người trong số họ là bất tử. Hãy nhớ lại Sanat Kumara, Đấng Thượng Cổ, nhà sáng lập Trường Điểm Đạo của Hội Ái Hữu Trắng, người đã đưa cơ thể vật chất của mình từ sao Kim đến Trái đất.

Bậc thầy vĩ đại ấy, người đã sống trong thế giới này quá lâu hơn cần thiết, đã ở lại đây để giúp đỡ những người đi trên con đường khó khăn dẫn đến sự giải thoát cuối cùng; nếu muốn Sanat Kumara có khả năng đắm mình vào trong đại dương của Ánh sáng Vĩ đại, nhưng ông đã từ bỏ tất cả những niềm hạnh phúc đó để ở lại với chúng ta, và ông vẫn đang ở bên chúng ta vì tình yêu dành cho chúng ta.

Trên con đường này chúng ta cần biết đối xử một cách đúng đắn với những người xung quanh. Nếu chúng ta rèn luyện bản thân, chúng ta cũng phải giơ cao ngọn đuốc để soi sáng con đường cho người khác, để chỉ ra con đường, và đó là điều mà các nhà truyền giáo Gnosis đang làm: chỉ cho người khác thấy con đường của sự giải thoát.

Ở Phương Đông, người ta nói rõ về hai loại người đi theo con đường này: loại thứ nhất bao gồm những người được gọi là Thanh văn [śrāvaka] và Bích chi Phật [pratyeka-budhha]. Hiển nhiên, họ là những người tu khổ hạnh và biết rằng cảm nhận sai lầm của cái Tôi dẫn chúng ta đến thất bại. Họ đã nỗ lực tu luyện hết mình, họ đã thọ giới, và một vài trong số họ thậm chí đã tiêu diệt được cái Tôi, nhưng họ không làm gì cho người khác, cho đồng loại của mình.

Rõ ràng, các vị Thanh văn và Bích chi Phật được hưởng thụ một sự khai sáng nhất định và một vài niềm hạnh phúc, nhưng họ chưa trở thành những vị Bồ tát đích thực theo nghĩa chính xác nhất của từ này.

Bồ đề tâm nghĩa là gì?

Nói đơn giản thì [một vị Bồ tát] hiện diện ở các cõi [luân hồi] trong suốt nhiều đời kiếp và từ bỏ hạnh phúc của bản thân để làm việc vì nhân loại. Họ có các cơ thể hiện sinh bằng vàng ròng bởi vì đó chính là Bồ đề tâm. [Bồ đề tâm] là các cơ thể hiện sinh cao cấp của Bản thể với trí tuệ và trải nghiệm bắt nguồn từ vô vàn thời đại nối tiếp nhau. Bồ đề tâm của một vị Phật chính là một vị Bồ tát đã được chuẩn bị một cách đúng đán để có thể thực thi hiệu quả mọi công việc mà đức Phật nội tâm đã giao cho ngài.

Các bạn có nghĩ rằng một vị Bồ tát mà đã thực sự phát triển bản thân mình trong lĩnh vực sống của Bồ đề tâm có thể thất bại trong những công việc mà vị đó phải làm hay không? Rõ ràng là không, vì vị đó đã được chuẩn bị kĩ càng. Khi nói về “Bồ đề tâm” chúng ta đang nói về tất cả những kinh nghiệm, tất cả kiến thức có được qua nhiều thời đại, những cơ thể bằng vàng ròng, và trí tuệ vĩ đại của vũ trụ.

Rõ ràng, vị Bồ tát nào có Bồ đề tâm thì hiện diện qua nhiều đại kiếp [Maha-Manvantara] và cuối cùng trở thành một đấng toàn tri. [Các vị Bồ Tát] phải nỗ lực để đạt đến sự toàn tri bởi vì nó không thể đến như một món quà. Nó là sản phẩm của nhiều đời kiếp của vũ trụ và của việc không ngừng từ bỏ [hạnh phúc để hy sinh cho chúng sinh]. Vị Bồ tát có Bồ đề tâm trong mình, nghĩa là có tổng hợp những kinh nghiệm, kiến thức, các cơ thể vàng ròng, v.v., thì sẽ không bao giờ để cho mình bị cảm nhận sai lầm của cái “Tôi” dẫn dắt.

Cảm nhận sai lầm về cái Tôi này có thể trở nên vi tế một cách đáng sợ; có những người đã được tinh luyện nhiều về tâm linh và vẫn là nạn nhân của cảm nhận sai lầm của cái Tôi. Hiểu được điều này chính là nền tảng cơ bản trong Công trình Vĩ đại.

Tất cả chúng ta đều có quyền đạt được sự khai sáng, nhưng ta không nên thèm khát nó. Thay vì thèm khát sự khai sáng, chúng ta nên tập trung vào việc làm tan rã các cấu trúc tâm lý mà ta mang trong mình, và cảnh giác với cảm nhận sai lầm của cái Tôi, triệt tiêu nó đi, bởi vì nó có thể cản trở ta. Nó có thể khiến chúng ta tự lừa dối mình và làm chúng ta tin rằng mình đang làm rất tốt. Nó có thể khiến chúng ta tin rằng đó là tiếng nói của tâm thức, trong khi thực tế nó là tiếng nói của cái Tôi.

Thầy muốn các bạn hiểu rõ rằng một ngày kia các bạn sẽ phải tạo nên Bồ đề tâm bên trong mình, có nghĩa là bạn phải rèn luyện chính mình để trau dồi kinh nghiệm và kiến thức. Với kinh nghiệm đó, với kiến thức đó, bạn sẽ không thất bại.

Khi bạn triệt tiêu được những cấu trúc tâm lý đem đến cho bạn cảm nhận sai lầm của cái Tôi, bạn sẽ được ăn bánh mì của trí tuệ, thứ bánh mì siêu bổ dưỡng đến từ trên cao; bởi vì mỗi lần làm tan rã một cấu trúc tâm lý, ta lại giải phóng được một phần trăm của tâm thức, và hẳn nhiên thu được một phẩm hạnh, một kiến thức mới, một điều gì đó phi thường.

Nói về phẩm hạnh, thầy phải nói với các bạn rằng những người không thấy được giá trị nội tại cũng không biết được giá trị của phẩm hạnh. Ví dụ: nếu một người không cảm động khi thấy đá quý chẳng hạn, [thì họ cũng không hiểu được giá trị của phẩm hạnh.] [13] Giá trị của những phẩm hạnh đến từ bên trong và ta không thể đạt được bất kì phẩm hạnh nào nếu trước đó ta không triệt tiêu được khuyết điểm đối nghịch. Ví dụ, chúng ta không thể đạt được đức khiết tịnh nếu ta không triệt tiêu khiếm khuyết của dục vọng. Chúng ta không thể đạt được đức hiền lành nếu ta không tẩy ra khỏi mình khiếm khuyết của lòng oán giận. Chúng ta không thể đạt được đức vị tha nếu ta không loại bỏ khiếm khuyết của sự vị kỉ.

[13] Đá quý chỉ có giá trị vì nó đẹp. Phẩm hạnh cũng thế: giá trị thực tiễn gần như là không có những giá trị nội tại lại rất cao.

Điều thực sự quan trọng là hiểu được sự cần thiết của việc triệt tiêu các khiếm khuyết; chỉ bằng cách này thì những viên đá quý của phẩm hạnh mới hiện ra trong chúng ta. Dù sao đi nữa, mục đích của bài giảng này là kêu gọi các bạn chú ý đến cảm nhận sai lầm của cái Tôi. Các bạn sẽ phải học cách cảm nhận tâm thức, học cách có được cảm nhận đúng đắn của tâm thức cao cấp của Bản thể, cái tâm thức cao cấp phát ra từ, hay bắt nguồn từ, Atman, điều không diễn tả được, có nghĩa là Cái Sâu Thẳm Nhất, là Bản thể.

Vậy, các anh chị em thân mến, bài giảng của chúng ta kết thúc ở đây. Nếu có ai muốn hỏi gì về chủ đề này thì cứ hỏi tự nhiên.


[Dịch giả Gnosis VN bỏ câu hỏi đầu tiên vì không hiểu rõ ý nghĩa]

Có câu hỏi khác không? Ai cũng có thể hỏi; thầy không muốn bất kì ai còn điều gì nghi ngờ.

Câu hỏi: Thưa thầy, khi chúng ta qua mỗi độ tuổi, có phải những cái Tôi đặc trưng liên quan đến từng độ tuổi sẽ xuất hiện hay không?

Samael Aun Weor: Chắc chắn là có, theo Luật Tái diễn. Bởi vì nếu trong một tiền kiếp ta đã có một trận ẩu đả trong quán rượu, cái Tôi của trận ẩu đả đó vẫn nằm sâu trong chính ta, chờ đợi khoảnh khắc tuổi 30 xuất hiện một lần nữa. Khi đến tuổi đó, khiếm khuyết này sẽ đi tìm một quán rượu với ý định muốn gặp lại người mà trước đây đã ẩu đả với nó. Khiếm khuyết trong người kia cũng làm điều tương tự, và cả hai sẽ gặp nhau trong quán rượu và đánh nhau lần nữa. Đó là Luật Tái diễn. Nếu ở tuổi 25 ta đã có một mối tình, thì đến cùng độ tuổi đó cái “Tôi” đang chờ đợi sâu bên trong sẽ nổi lên, sẽ kiểm soát lý trí, kiểm soát trái tim, và sẽ đi tìm người yêu dấu trong mơ của nó. Người kia cũng sẽ làm như vậy, và cả hai sẽ gặp nhau để lặp lại cuộc phiêu lưu đó. Vì vậy, rô-bốt con người được lập trình bởi Luật Tái diễn. Tuy nhiên, Bản thể, Bản thể đích thực ấy, không được thế hiện trong những “động vật trí năng”; Bản thể thường sống trong dải Ngân Hà, di chuyển trong dải Ngân Hà. Những gì hoạt động trong thế giới này là rô-bốt, được lập trình bởi Luật Tái diễn.

Ta cần phải triệt tiêu cái tôi và đánh thức tâm thức, để Đơn tử, Atman-Buddhi, Vua-Mặt trời, Ruach Elohim như Môi-se nói là “chuyển động qua lại trên mặt nước” [14] trong thời khởi nguyên của thế giới, được thể hiện một cách tự nhiên bên trong chúng ta, được hiển lộ, được thấm nhuần con người chúng ta. Chỉ người đó mới có thể làm vậy.

[14] chuyển động qua lại trên mặt nước –

Ban đầu Đức Chúa Trời tạo ra trời và đất. Bấy giờ, đất không có hình dạng rõ rệt và trống không, sự tối tăm bao trùm mặt nước sâu, thần khí [Ruach Elohim] của Đức Chúa Trời chuyển động qua lại trên mặt nước. Đức Chúa Trời phán: “Hãy có ánh sáng”. Thế là có ánh sáng.

(Sáng thế ký 1:1-3, Kinh Thánh)

Mọi người tin rằng mình đang hành động nhưng họ không làm gì cả. Họ chỉ hành động theo Luật Tái diễn. Họ là những cái máy được lập trình, thế thôi.

Câu hỏi: Thưa thầy, có phải Thế chiến thứ hai là sự tái hiện của Thế chiến thứ nhất không?

Samael Aun Weor: Mọi thứ luôn lặp lại theo Luật Tái diễn. Thế chiến thứ hai chỉ là sự lặp lại của Thế chiến thứ nhất, và Thế chiến thứ ba sẽ chỉ là sự lặp lại của Thế chiến thứ hai. Có câu hỏi nào khác không?

Câu hỏi: Thưa thầy, làm sao một người có thể có cảm giác rằng họ đã triệt bỏ một khiếm khuyết, hoặc tại một thời điểm họ cảm thấy rằng nó đang được đẩy lùi trong khi thực tế thì nó vẫn còn tồn tại?

Samael Aun Weor: Được rồi. Thực tế là một người có thể tin rằng họ đã triệt tiêu được một khiếm khuyết tâm lý nào đó, nhưng nếu cảm nhận của cái Tôi đó vẫn tiếp diễn bên trong, điều đó có nghĩa là khiếm khuyết đó đã không được triệt bỏ. Vậy, đó là một cách để biết được liệu chúng ta đã triệt bỏ được một cái Tôi nào đó hay chưa. Đó là một tiêu chí cho ta biết được liệu ta đã triệt bỏ được một cấu trúc tâm lý hay chưa.

Câu hỏi: Thưa thầy, thầy giải thích như thế nào về việc Thiên thần Adonai có thể có nghiệp?

Samael Aun Weor: Được rồi. Adonai, “con của ánh sáng và hạnh phúc”, không có nghiệp. Nếu anh ta đã mất một chút thời gian vào việc loại bỏ một vài yếu tố không mong muốn, đó là một điều đã qua rồi.

Câu hỏi: Con hiểu rằng nghiệp của Thiên thần Adonai là do “những kí ức của Linh hồn”.

Samael Aun Weor: Đó là một phỏng đoán. Chúng ta phải sống với thực tế. Thầy không biết đức Adonai có nghiệp hay không. Nếu có thì thầy chưa được thông báo về điều đó. Thực tế cơ bản là như thế. Thầy hiểu rằng ngài không có nghiệp. Hiện giờ ngài có cơ thể vật chất và đang sống ở châu Âu; ngài là một tu sĩ phi thường, thuộc về Hiệp hội của các Bậc giác ngộ Dương. [15] Ngài làm việc với những trung tâm siêu việt của Bản thể và sống như một người vô danh ở châu Âu, ở Pháp. Có ai hỏi gì nữa?

[15] Hiệp hội của các Bậc giác ngộ Dương (Conscious Circle of Solar Humanity) – Tức là ngài đang làm việc cùng với các bậc thầy vĩ đại nhất trên thế giới. Từ “Dương” ở đây chỉ các vị đã phát triển các cơ thể siêu việt được gọi là Dương Thân.

Câu hỏi: Thưa thầy, bên cạnh thầy Sanat Kumara, có những Kumara khác hay không?

Samael Aun Weor: Khi nói “Kumara” [Tiếng Phạn: kumāra], ta hiểu rằng đó là mọi người được phục sinh, bất kì người “X” nào. Nếu người ta đã phục sinh thì họ được gọi là Kumara. Dĩ nhiên, những Kumara giống như Pitri [Tiếng Phạn: pitṛ] là những người đã giúp sáng tạo, giúp trao sự sống cho hình hài con người vật chất của chúng ta. [16]

[16] Kumara, Pitri – Trong đạo Bà La Môn, cả hai từ này chỉ những người xuất hiện đầu tiên khi thế giới này bắt đầu xuất phát khỏi tâm của Brahman (Bà La Môn). (Brahman tương ứng với Tính không trong Phật giáo.) Theo H. P. Blavatsky thì có bảy Kumara. Bốn Kumara đầu tiên được dân chúng biết đến là Sanât-Kumâra, Sananda, Sanaka, và Sanatana. Ba Kumara còn lại là bí mật và có tên là Sana, Kapila, and Sanatsujâta. (H. P. Blavatsky, The Secret Doctrine vol. I)

Pitri là những tổ tiên của nhân loài, theo định nghĩa của Blavatsky trong sách The Secret Doctrine vol. II.
Bên cạnh đó, tác phẩm Beelzebub’s Tales to his Grandson của G. I. Gurdjieff để cập đến Sanat Kumara. Trong đó Gurdjieff mô tả Sanat Kumara như một vị thầy tâm linh bất tử.

Đối với thầy, các Agnishvatta [tiếng Phạn: Agniṣvātta] có vẻ thú vị hơn các Kumara. Họ là những vị thần mặt trời. Các vị thần mặt trời từng cai quản Trái đất ở thời của chủng tộc loài người đầu tiên và sau đó họ đã quay về Mặt trời. Họ đến từ Mặt trời và đã quay về đó, và chủng tộc thứ sáu [17] vĩ đại trong tương lai sẽ được các vị thần mặt trời ghé thăm một lần nữa. Họ sẽ đến từ Mặt trời và sẽ sống giữa nhân loại. Họ sẽ thiết lập chủng tộc gốc rễ thứ sáu trên bề mặt Trái đất. Họ sẽ cai quản con người, các quốc gia và các ngôn ngữ, như họ cai quản mười hai chòm sao hoàng đạo. Dĩ nhiên chòm quan trọng nhất là Leo. Mặt trời lên ngôi tại cung Leo.

[17] chủng tộc gốc rễ – Hội Thông Thiên Học Việt Nam gọi đó là “giống dân chính”. Đây không phải là “chủng tộc” theo định nghĩa thông thường vì theo quan điểm huyền học thì các chủng tộc trên trái đất trong thời này được Hội Thông Thiên Học gọi là những “giống dân phụ” và tất cả đều thuộc về cùng một chủng tộc gốc rễ. Theo chiêm tinh học Ấn Độ thì con người trên trái đất phát triển và thoái hoá theo chu kỳ. Trước đây trái đất của chúng ta đã có bốn chủng tộc khác và con người hiện tại là chủng tộc thứ năm. Sau này sẽ có hai chủng tộc nữa trước khi hết một đại chu kỳ của trái đất. Thầy Samael viết về chủ đề này trong sách Gnostic Anthropology. Bên cạnh đó, các tác phẩm của bà H. P. Blavatsky cũng nói về lịch sử của các chủng tộc trên trái đất.

Các vị thần mặt trời đến Trái đất theo chu kì, mỗi khi một chủng tộc mới xuất hiện.

Nhưng mà chúng ta không nên đi quá xa khỏi chủ đề mình đã học. Chúng ta cần phải chú tâm vào việc nghiên cứu bản thân mình nhiều hơn một chút, và chú ý đến cảm nhận đó của cái Tôi. Thầy dứt lời ở đây.


Leave a Reply