✏ Tác giả: Samael Aun Weor, 📖 Nền tảng của giáo dục Gnosis (Chương 24)
Một người đàn ông sinh năm 1900 và qua đời ở tuổi 65. Nhưng trước năm 1900 ông ấy đã ở đâu và sau năm 1965 ông ấy sẽ về đâu? Khoa học truyền thống không biết gì về tất cả những điều này cũng như tất cả các câu hỏi khác liên quan đến sự sống và cái chết.
Nhìn chung, có thể khẳng định rằng: con người chết vì thời hạn của họ đã kết thúc và sẽ không có ngày mai cho tính cách của một người đã chết.
Mỗi ngày là một con sóng của thời gian, mỗi tháng lại là một con sóng khác của thời gian, mỗi năm cũng vậy – một con sóng thời gian khác và tất cả những con sóng này liên kết với nhau tạo thành con sóng vĩ đại của cuộc đời. Vì vậy, thời gian là một vòng tròn và cuộc đời của mỗi con người là một vòng tròn khép kín.
Tính cách của con người được sinh ra, phát triển và chết đi trong hạn định của nó. Tính cách không bao giờ có thể tồn tại ngoài hạn định đó. Vấn đề thời gian như thế là một vấn đề đã được nghiên cứu bởi nhiều học giả. Không còn nghi ngờ gì nữa, thời gian là chiều không gian thứ tư.

Hình học Euclid chỉ có thể được áp dụng cho thế giới ba chiều. Nhưng thế giới có bảy chiều không gian và chiều thứ tư là thời gian.
Tâm trí con người coi sự vĩnh cửu như việc kéo dài thời gian theo một đường thẳng. Quan niệm này là vô cùng sai lầm vì sự vĩnh cửu thuộc chiều không gian thứ năm.
Mỗi khoảnh khắc trong cuộc sống xảy ra trên [trục] thời gian và không ngừng lặp đi lặp lại.
Sự sống và cái chết là hai cực hợp nhất với nhau. Cái chết kết thúc vòng đời của một người để một vòng đời khác được bắt đầu. Một chu kỳ kết thúc để một chu kỳ khác được bắt đầu. Như vậy, cái chết có liên quan mật thiết đến luật tái diễn vĩnh cửu. Điều này có nghĩa là chúng ta phải trở lại, quay lại với thế giới này sau khi chết, để diễn lại cùng một vở kịch về kiếp sống của mình. Tuy nhiên, nếu tính cách con người bị diệt vong cùng với cái chết, thì ai hay cái gì sẽ trở lại?
Cần phải làm rõ một lần và mãi mãi rằng cái Tôi là thứ sẽ tiếp tục tồn tại sau cái chết, rằng cái Tôi là thứ trở về với thung lũng đầy nước mắt này.
Quan trọng là độc giả không được nhầm lẫn giữa luật tái sinh (return) [1] với thuyết tái hiện thân (reincarnation) [2] được giảng dạy bởi hội thông thiên học hiện đại. Lý thuyết tái hiện thân nói trên có nguồn gốc từ giáo lý của đức Krishna, một tôn giáo Ấn Độ theo kiểu Vệ đà. Tuy nhiên thật không may là lý thuyết đó đã bị các “nhà cải cách” chỉnh sửa và làm sai lệch.
[1, 2] Tái sinh, tái hiện thân: ở đây tác giả đang đề cập đến một vấn đề trong tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh, trong đó từ “reincarnate” được dùng để chỉ việc tái sinh. Tác giả không đồng ý với việc dùng từ này vì “reincarnate” bắt nguồn từ “incarnate” với ý nghĩa là “hoá thân” hoặc là “hiện thân”. Vì thế, sẽ hoàn toàn sai lầm nếu nói rằng “sau khi chết tôi sẽ reincarnate (tái hoá thân)” vì chỉ có các vị Phật mới có thể hoá thân được. Trong tiếng Việt chúng ta không gặp vấn đề này: người Việt không bao giờ nhầm lẫn giữa “tái sinh” và “tái hoá thân”. Sự khác biệt mà tác giả muốn nhấn mạnh giữa “tái sinh” và “tái hoá thân” ở đây là việc tái sinh xảy ra theo nghiệp quả và chúng ta không thể chủ động chọn nơi để tái sinh. Còn các vị Phật thì có thể chủ động gửi Phật tính để hoá thân ở bất kỳ nơi nào họ muốn.

Theo giáo lý chính thực, nguyên gốc của Đức Krishna, chỉ có những anh hùng, những người dẫn đường hay những người có tính cá thể linh thiêng mới có thể tái hiện thân.
Cái tôi đa nguyên tái sinh quay trở lại, nhưng đây không phải là tái hiện thân. Do đó, đa số mọi người quay trở lại, nhưng đó không phải là tái hóa thân.
Khái niệm về sự trở lại của các sự vật và hiện tượng, hay quan điểm về sự lặp lại vĩnh cửu là rất cổ xưa. Ta có thể tìm thấy nó trong học thức Pythagore và cả trong vũ trụ quan cổ đại của người Ấn Độ với sự trở lại vĩnh cửu ngày và đêm của Brahma, sự lặp lại không ngừng của Kalpa, v.v., luôn luôn liên kết chặt chẽ với học thức Pythagore và luật tái diễn vĩnh cửu hoặc luật tái sinh vĩnh cửu.
Đức Phật Thích Ca đã giảng dạy giáo lý tái sinh vĩnh cửu và bánh xe luân hồi một cách rất trí tuệ, nhưng giáo lý của ngài đã bị những môn đệ làm sai lệch đi rất nhiều.
Đương nhiên là tính cách của mỗi con người phải được tạo ra trong mỗi kiếp sống. Tính cách này được hình thành trong bảy năm đầu đời. Vào tuổi thơ, môi trường gia đình, xã hội và nhà trường mang lại cho tính cách con người nét đặc trưng của nó. Tấm gương của người lớn là yếu tố quyết định cho việc hình thành tính cách của trẻ em. Đứa trẻ học được từ những ví dụ nhiều hơn là những lời dạy bảo. Không may là những lối sống sai lầm, những thói hư tật xấu của người lớn là những tấm gương hoen ố, đem lại cho tính cách của đứa trẻ sự đa nghi và đồi truỵ điển hình của thời đại chúng ta đang sống hiện nay.
Ví dụ như trong thời buổi hiện đại bây giờ, ngoại tình đã trở nên phổ biến như cơm bữa và điều này khó có thể hiểu được. Tình trạng này tạo nên cảnh địa ngục ngay trong nhà. Bởi vậy mà ngày nay, nhiều đứa trẻ phải chịu đựng đau đớn và uất hận trước những đòn roi của cha dượng, mẹ kế. Rõ ràng là nếu cứ như thế thì tính cách của đứa trẻ sẽ phát triển trong vòng vây của đau đớn, phẫn uất và hận thù.
Có một câu ngạn ngữ rằng: “Con nhà người ta lúc nào cũng thối”. Tất nhiên, cũng có những trường hợp ngoại lệ nhưng chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay (mà vẫn thừa ra vài ngón). Những cuộc cãi vã giữa cha mẹ do ghen tuông, tiếng khóc than của một người mẹ thống khổ hay của một người cha bị áp bức, phá sản và tuyệt vọng, hằn sâu vào tính cách của đứa trẻ một nỗi đau không thể xóa nhòa, một nỗi sầu mà suốt đời không thể quên được.
Trong những ngôi nhà sang chảnh, bà chủ kiêu ngạo ngược đãi người giúp việc khi thấy họ đi làm đẹp hoặc trang điểm khuôn mặt vì những điều đó làm tổn thương niềm kiêu hãnh của bà. Khi đứa trẻ nhìn thấy những cảnh tệ hại này, chúng sẽ cảm thấy bị tổn thương sâu sắc, cho dù nó đứng về phía người mẹ kiêu ngạo của mình hay nó đứng về phía người giúp việc bị sỉ nhục bất hạnh kia, thì kết quả luôn là thảm hại cho tính cách trẻ thơ.
Kể từ khi truyền hình được phát minh thì sự hòa thuận trong gia đình đã không còn. Trước kia, khi người chồng trở về nhà sau một ngày làm việc sẽ được người vợ ra đón với tràn ngập niềm vui. Ngày nay người vợ không còn ra đón chồng ở cửa vì cô ấy còn bận xem vô tuyến. Trong những gia đình hiện đại, người cha, người mẹ, con trai, con gái, dường như đã trở thành những cỗ máy tự động vô thức trước màn hình vô tuyến. Giờ đây người chồng chẳng thể trò chuyện với vợ về bất kỳ vấn đề nào trong ngày, về công việc, v.v., bởi vì cô ấy vẫn còn mơ ngủ khi đang xem lại bộ phim của ngày hôm qua, những cảnh địa ngục của Al Capone [3], hay điệu nhảy mới nhất của nhạc hiện đại, v.v.
[3] Al Capone là tên trùm mafia nổi tiếng ở Mỹ.
Những đứa trẻ lớn lên trong các gia đình hiện đại ngày nay chỉ nghĩ đến những khẩu đại bác, súng ngắn, đồ chơi súng máy để bắt chước và tái diễn theo cách riêng của mình các cảnh tội ác kiểu địa ngục như đã thấy trên màn hình vô tuyến. Đáng tiếc rằng phát minh truyền hình tuyệt vời này lại được sử dụng với những mục đích mang tính hủy hoại. Nếu nhân loại biết sử dụng phát minh này một cách đúng mực, như để nghiên cứu khoa học tự nhiên, hay để dạy nghệ thuật hoàng gia đích thực của Mẹ thiên nhiên, hay cung cấp những giáo lý tuyệt vời cho người dân, thì phát minh này đã là một phước lành cho nhân loại, nó đã có thể được sử dụng một cách thông minh để trau dồi cho tính cách con người.
Việc nuôi dưỡng tính cách của trẻ em với âm nhạc loạn nhịp, không hài hòa và thô tục rõ ràng là vô lý. Tương tự thế, thật ngu ngốc khi nuôi dưỡng tính cách của trẻ bằng những câu chuyện về trộm cắp và cảnh sát, những cảnh tượng đồi bại và mại dâm, những bộ phim ngoại tình và phim khiêu dâm, v.v. Kết quả của một quá trình như vậy có thể được nhìn thấy trong những “kẻ nổi loạn vô cớ” [4] với những tên sát nhân trẻ, v.v.
[4] “Kẻ nổi loạn vô cớ” là bộ phim nổi tiếng của diễn viên James Dean, năm 1955. Tuy nhiên, ở đây thầy đang đề cập đến những kẻ nổi loạn thực sự.”

Thật là đáng buồn khi các bà mẹ đánh đòn con cái của họ, chửi rủa chúng với những lời cay nghiệt và độc ác. Những hành vi đó sinh ra sự oán giận, thù hận, mất đi tình yêu thương, v.v. Trong thực tế, chúng ta thấy rằng khi trẻ em lớn lên trong bạo lực, đòn roi và những tiếng la hét chửi rủa, chúng sẽ trở thành những con người hỗn láo, xấc xược, thiếu đi lòng tôn kính và lễ phép.
Điều quan trọng là phải hiểu được nhu cầu cần thiết của việc tạo ra trạng thái cân bằng thực sự bên trong các tổ ấm gia đình. Cần phải hiểu rằng, sự dịu dàng và nghiêm khắc phải được cân bằng [5] với nhau trên cán cân công lý.
[5] Ở đây thầy đang đề cập đến hai trụ cột Jiakhin và Boaz trong đền thờ của vua Sa-lô-môn, tượng trưng cho công lý và lòng thương hoặc cho sự nghiêm khắc và dịu dàng. Xem thêm bài Hai trụ Jiakhin và Boaz
Người cha đại diện cho sự nghiêm khắc. Người mẹ đại diện cho sự dịu dàng. Người cha hiện thân cho trí tuệ. Người mẹ tượng trưng cho tình yêu.Trí tuệ và tình yêu, sự nghiêm khắc và dịu dàng, luôn cân bằng lẫn nhau trên cán cân của vũ trụ. Cha mẹ phải cân bằng lẫn nhau vì tổ ấm của mình.
Điều quan trọng và cấp thiết là tất cả các bậc cha mẹ phải hiểu được sự cần thiết của việc gieo những giá trị tâm linh vững bền vào trong tâm trí của con trẻ. Điều đáng tiếc là trẻ em hiện đại không còn có ý thức tôn kính. Ý thức đó bị mất đi do những câu chuyện về cao bồi, những tên cướp chống lại cảnh sát, do truyền hình, phim ảnh, v.v., tất cả những điều này đã làm hư tâm trí của trẻ.
Cuộc cách mạng chuyển hóa tâm lý của phong trào Gnosis vạch ra một sự phân định rõ ràng, chính xác giữa cái Tôi và Phật tính. Trong ba hoặc bốn năm đầu đời của trẻ chỉ có vẻ đẹp của Phật tính được biểu hiện. Khi đó, đứa trẻ thật dịu dàng, ngọt ngào và xinh đẹp trong tất cả các khía cạnh tâm lý của chúng. Tuy nhiên, khi cái tôi bắt đầu kiểm soát tính cách dịu dàng của đứa trẻ thì tất cả vẻ đẹp của Phật tính sẽ dần biến mất và thay vào đó là những khiếm khuyết tâm lý đặc trưng của con người bắt đầu phát triển.
Giống như việc phân biệt giữa cái tôi và Phật tính, chúng ta cũng cần phải phân biệt giữa tính cách và Phật tính. Con người được sinh ra với Phật tính chứ không phải với tính cách. Bởi vậy, tính cách cần phải được tạo ra. Tuy nhiên, tính cách và Phật tính nên được phát triển một cách hài hòa và cân bằng với nhau.
Trong thực tế, khi tính cách được phát triển một cách thái quá đến mức Phật tính bị mai một thì hệ quả sẽ là một người vô dụng. Những quan sát và thực nghiệm nhiều năm đã cho phép chúng tôi nhận ra rằng, khi Phật tính được phát triển quá mức mà không có sự chú ý đến việc tu dưỡng tính cách một cách hài hòa thì kết quả sẽ tạo ra một người tu hành không có lý trí, không có tính cách. Một con người có tấm lòng cao thượng nhưng lạc lõng và không có năng lực. Sự phát triển hài hòa giữa tính cách và Phật tính hình thành nên những con người xuất chúng.
Mọi thứ chúng ta thực sự sở hữu nằm ở trong Phật tính. Mọi thứ trong tính cách chỉ là vay mượn. Trong Phật tính, chúng ta có những phẩm chất bẩm sinh của mình còn trong tính cách chúng ta có tấm gương từ người lớn, từ những gì chúng ta đã học ở nhà, ở trường và trên đường phố. Trẻ em cần phải nhận được dưỡng chất cho cả Phật tính và tính cách.
Phật tính được nuôi dưỡng bằng sự dịu dàng, tình thương vô hạn, tình yêu, âm nhạc, hoa lá, cái đẹp, sự hài hòa, v.v. Tính cách phải được nuôi dưỡng bởi tấm gương tốt đẹp của người lớn, và bởi sự dạy dỗ thông minh từ nhà trường, v.v.
Trẻ em cần phải đi học tiểu học lúc bảy tuổi, sau khi đã học xong mầm non. [6]
[6] Hệ thống giáo dục ở Mexico khác với Việt Nam.
Trẻ em nên học những chữ cái đầu tiên thông qua các trò chơi, như vậy việc học sẽ trở nên hấp dẫn, thú vị, vui vẻ đối với chúng. Giáo dục nền tảng nên dạy cho trẻ ngay từ khi còn ở mầm non về ba khía cạnh của tính cách con người: tư duy, vận động và cảm xúc. Điều này cần phải được đặc biệt chú trọng. Như vậy tính cách của trẻ mới được phát triển một cách hài hòa và cân đối.
Việc hình thành và phát triển tính cách của một đứa trẻ là một nhiệm vụ vô cùng nghiêm túc với các bậc phụ huynh và giáo viên nhà trường. Chất lượng tính cách của con người hoàn toàn phụ thuộc vào những chất liệu tâm lý mà nhờ đó tính cách được tạo ra và được nuôi dưỡng.
Xung quanh các khái niệm về tính cách, Phật tính và cái tôi, các học giả tâm lý học có rất nhiều sự nhầm lẫn. Một số học giả nhầm lẫn giữa tính cách với Phật tính, những người khác lại nhầm lẫn giữa cái tôi với Phật tính.
Do đó, có rất nhiều trường phái giả bí truyền hoặc giả huyền học lấy việc vượt qua ảnh hưởng của tính cách làm mục tiêu rèn luyện của họ. Cần phải làm rõ rằng, tính cách không phải là thứ mà chúng ta phải tan rã. Thứ mà chúng ta cần phải tan rã là cái tôi, bản thân tôi, phải biến cái tôi thành cát bụi của vũ trụ. Tính cách chỉ đơn thuần là một phương tiện của hành động, một phương tiện cần thiết để sáng tạo và xây dựng.
Trên đời này có những kiểu tính cách như của Caligula [Gaius Caesar], Attila Rợ Hung, Hitler, v.v. Nhưng dù là kiểu tính cách nào đi chăng nữa, cho dù có ngoan cố đến đâu, thì tính cách vẫn có thể được chuyển hóa triệt để sau khi cái tôi hoàn toàn được tan rã.
Vấn đề là việc làm tan rã cái tôi khiến nhiều người theo thuyết giả huyền học cảm thấy rối trí và khó chịu. Họ tin chắc rằng cái tôi là thần thánh, rằng cái tôi cũng là Bản thể, là Đơn tử thần thánh, v.v. Vâng, điều quan trọng và cấp thiết là phải hiểu rằng cái tôi không có gì là thần thánh cả.
Cái tôi là Sa-tan của Kinh thánh, nó chỉ là một mớ ký ức: những ham muốn, dục vọng, hận thù, phẫn uất, nhục dục, ngoại tình. Đó là nghiệp kế thừa từ gia đình, chủng tộc, quốc gia, v.v
Nhiều người tuyên bố một cách ngốc nghếch rằng, trong chúng ta có một cái tôi cao cấp thần thánh và một cái tôi hạ cấp. Cao cấp và hạ cấp luôn là hai phần của cùng một thứ. Cao cấp hay hạ cấp là hai phần của cùng một cái tôi.
Bản thể thần thánh, đơn tử, tâm linh sâu thẳm nhất, không có gì liên quan đến cái tôi. Bản thể là bản thể và chỉ vậy thôi. Lý do tồn tại của bản thể chính là bản thể.
Tính cách vốn dĩ chỉ là một phương tiện, và không là gì khác cả. Vậy nên, hoặc là Bản thể có thể biểu hiện thông qua tính cách hoặc là cái tôi có thể biểu hiện qua tính cách, tất cả đều tuỳ thuộc vào chúng ta.
Điều cấp thiết là phải làm tan rã cái tôi, để chỉ có tinh chất tâm lý [Phật tính] của Bản thể đích thực của chúng ta được biểu lộ qua tính cách.
Điều không thể thiếu là các nhà giáo phải hiểu đầy đủ, sự cần thiết của việc trau dồi một cách hài hòa ba khía cạnh của tính cách con người.
Sự cân bằng hoàn hảo giữa tính cách và Phật tính, sự phát triển hài hòa giữa suy nghĩ, cảm xúc và vận động, cùng với đạo đức mới chính là nền tảng của giáo dục cơ bản.