Biện chứng Tâm thức – Chương 2

✏ Tác giả: Samael Aun Weor, 📖 Biện chứng tâm thức

HÌNH ẢNH, GIÁ TRỊ, DANH TÍNH

Liên quan đến các cơ chế của tâm, chúng ta cần phải hiểu cách thức và lý do hoạt động của tâm trí.

Liên quan đến các cơ chế của tâm, chúng ta cần phải hiểu cách thức và lý do của các chức năng của tâm trí.

Để thực sự hiểu về tiềm năng tâm trí của con người, chúng ta cần một hệ thống thực tế.

Chúng ta cần cải thiện chất lượng của những giá trị, danh tính và hình ảnh của chính bản thân mình. Thầy nghĩ rằng việc thay đổi giá trị, hình ảnh và danh tính căn bản là rất quan trọng.

Thú vật trí năng [1] bị gọi nhầm là “con người” đã tự dạy cho mình cách xóa bỏ đi những danh tính, giá trị và hình ảnh thực sự của nó.

[1] Thú vật trí năng – G. I. Gurdjieff gọi con người là “sinh vật có ba não bộ” (tiếng Anh: three-brained beings). Ba não bộ của con người là não bộ lý trí (trong đầu), não bộ cảm xúc (trong trái tim), và não bộ bản năng-vận động-sinh dục. Các loại động vật có xương sống được Gurdjieff gọi là “sinh vật hai não bộ” vì chúng có cảm xúc và bản năng sinh dục nhưng không có lý trí. Động vật không xương sống được gọi là “sinh vật một não bộ” vì chúng nó chỉ có bản năng; không có cảm xúc, cũng không có khả năng lý trí. Khi thầy Samael gọi con người là “thú vật trí năng” thì ý thầy là ngoài khả năng lý trí thì con người bình thường chẳng khác gì các loại động vật. Nếu chúng ta thực sự muốn trở nên siêu việt hơn so với các động vật (về mặt tâm linh) thì chúng ta phải rèn luyện để phát triển các cơ thể cao cấp được gọi là Dương thân.

Thật là ngớ ngẩn khi chấp nhận một nền văn hóa tiêu cực, chủ quan, đã hằn sâu vào tâm trí chúng ta chỉ vì đó là con đường ít trở ngại nhất. Chúng ta cần một nền văn hóa mang tính khách quan.

Việc chấp nhận đi theo con đường ít trở ngại nhất một cách mù quáng, việc chấp nhận nền văn hóa chủ quan của thời đại suy đồi này, là một việc ngu ngốc không thể bào chữa.

Chúng ta cần phải trải qua một cuộc cách mạng toàn diện và một sự thay đổi dứt khoát về mặt hình ảnh, giá trị và danh tính.

Hình ảnh bên ngoài của một người và các ngoại cảnh đa dạng xung quanh người này chính là kết quả của hình ảnh bên trong và các quá trình tâm lý của người đó.

Còn hình ảnh nguyên mẫu của bản thân lại khác, nó là hình ảnh K. M. nội tại, trật tự của con người hay là Kosmos-Người [2], là nguyên mẫu thần thánh hay còn gọi là Bản thể đích thực của chúng ta.

[2] Kosmos-Người – trong tiếng Hy Lạp, từ Kosmos là “trật tự”, “tạo hóa”, “vũ trụ”. Kosmos-Người là trật tự bí ẩn của tâm linh con người, là nguồn gốc của tâm thức.

Hình ảnh, giá trị và danh tính nên được thay đổi hoàn toàn. Đây là một cuộc Cách mạng Toàn diện. Chúng ta cần danh tính, giá trị và hình ảnh của Bản thể.

Nếu khám phá ra được những nguồn dự trữ trí lực trong tâm trí thì chúng ta có thể giải phóng được trí lực ấy. Các nguồn dự trữ trí lực là những thành phần của Bản thể giúp định hướng chúng ta trong việc làm tan rã cái Tôi và việc giải phóng tâm trí. Các giá trị của Bản thể hình thành nên trí lực [3].

[3] Dịch giả: ở đoạn này chúng tôi đã xóa hai câu bị lặp lại trong bản gốc.

Chúng ta luôn phải biết phân biệt giữa tâm trí và Bản thể. Khi một người nhận ra rằng tâm trí bị mắc kẹt trong cái Tôi thì đấy chính là lúc người đó bắt đầu trưởng thành.

Trong việc triệt tiêu cái Tôi, ta cần phải kết hợp giữa việc phân tích cấu trúc và phân tích tương giao [4].

[4] Học thuyết phân tích cấu trúc và phân tích tương giao, được gọi là “transactional analysis”, là trường phái tâm lý học của bác sĩ tâm lý Eric Berne. Nội dung cơ bản của học thuyết này được giới thiệu trong tác phẩm nổi tiếng, “Games People Play”, xuất bản lần đầu năm 1964.

Chỉ có năng lượng của trí lực mới có thể giải phóng được tâm trí thông qua việc làm tan rã các yếu tố tâm lý tiêu cực.

TỰ PHÊ BÌNH

Chúng ta nên thành thật với bản thân và mổ xẻ cái Tôi bằng chiếc dao mổ “tự phê bình”. Thật ngớ ngẩn khi ta chỉ biết chỉ trích lỗi của người khác; điều căn bản là ta phải nhận ra những sai sót của mình và loại bỏ chúng dựa trên cơ sở phân tích và sự hiểu biết sâu sắc.

Ta chỉ có thể hành động tập thể khi mỗi cá nhân có khả năng hành động riêng lẻ và có ý thức tuyệt đối và đầy đủ về những việc họ đang làm

Các hệ thống Biện chứng Tâm thức trông có vẻ rất dài dòng đối với những người thiếu kiên nhẫn, nhưng ta không có sự lựa chọn nào khác cả. Nhiều người muốn thay đổi trật tự tâm lý và xã hội một cách nhanh chóng và ngay lập tức. Họ tạo ra những khuôn mẫu cứng nhắc, những chế độ tâm trí độc tài. Họ không hy vọng những người khác có thể học cách suy nghĩ mà chỉ muốn ra lệnh bắt buộc người khác phải nghĩ theo một cách nhất định.

Mọi thay đổi đột ngột đều đánh lạc hướng ta khỏi mục tiêu chính và con người lại trở thành nạn nhân của cái thứ họ đã vật lộn chống lại. Tất cả mọi nguyên nhân dẫn đến việc thất bại của bất kỳ tổ chức nào đều nằm trong chính bản thân chúng ta.

HÌNH ẢNH BẢN THÂN

Ta không nên nhầm lẫn giữa việc xác định danh tính, hình ảnh, và giá trị của bản thân một cách chính xác với giáo lý kỳ diệu về việc không đồng nhất bản thân mình [với các đối tượng].

Chúng ta cần phải học lại theo kiểu mới thay vì việc giữ khư khư một nền văn hóa lỗi thời và suy thoái trong tâm trí mình.

Chúng ta cần có một quan niệm chính xác về bản thân. Mỗi người đều có một quan niệm sai lầm về chính mình. Ta không thể trì hoãn việc nhìn nhận lại chính mình để có thể nhận biết bản thân mình, giáo dục lại bản thân mình và đánh giá lại bản thân mình một cách chuẩn xác.

Khi bị mắc kẹt trong cái Tôi thì tâm trí không thể nhận biết được những giá trị đích thực của Bản thể. Làm sao mà tâm trí có thể nhận ra được những gì nó chưa từng biết đến?

Sự tự do bên trong chỉ có thể đạt được khi tâm trí được giải phóng.

Các quan niệm sai lầm về bản thân là thứ kìm kẹp tâm trí. Những thứ bên ngoài chỉ đơn thuần là sự phản ánh của bên trong nội tâm.

Hình ảnh [nội tâm] của một người khởi nguồn cho hình ảnh bên ngoài của người đó. Bên ngoài là tấm gương phản chiếu nội tâm bên trong. Mỗi người là kết quả của các quá trình tâm lý của chính mình.

Mọi người nên tự khám phá tâm trí của mình nếu muốn xác định giá trị và hình ảnh chính xác về bản thân. 99% suy nghĩ của con người là tiêu cực và có hại.

TỰ ÁI MỘ

Trong mọi mối quan hệ tương tác xã hội đều tồn tại sự tự khám phá, sự tự bộc lộ.

Thực tế, khi tâm trí ở trạng thái nhận thức tỉnh táo trong lúc tương tác thì những khiếm khuyết tiềm ẩn sẽ dần bộc lộ và hiện ra rõ ràng. Chúng ta sẽ thấy bản chất thực sự của chúng trong bản thân mình.

Chìm sâu bên trong tất cả con người chúng ta là những kẻ cuồng ái bản thân, yêu bản thân say đắm. Nếu quan sát một ca sĩ trên sân khấu kịch, ta sẽ thấy anh ta yêu chính mình một cách điên cuồng, anh ta tôn thờ, thần tượng chính mình, và khi khán giả dành cho anh ta những tràng pháo tay, anh ta sẽ đạt đến tột đỉnh của sự ái kỷ, vì đây chính xác là những gì anh ta mong muốn, những gì anh ta kỳ vọng, những gì anh ta chờ đợi với lòng khát khao vô hạn.

Thật vậy, khi một người chăm lo quá mức đến ngoại hình của mình thì đó là biểu hiện sống động của sự ái kỷ. Cái Tôi tự tô điểm để người khác tôn thờ nó.

Khi cái Tôi bắt đầu kiểm soát nhân cách của đứa trẻ thì vẻ đẹp tự nhiên sẽ biến mất, thay vào đó là sự đánh giá thái quá về cái Tôi “yêu quý”. Và rồi đứa trẻ sẽ mơ mộng về việc thống trị thế giới và trở thành người quyền lực nhất Trái Đất.

TỰ ĐÁNH GIÁ

Khi một người cho phép khả năng tự đánh giá [5] hay đánh giá nội tại được thể hiện trong mình một cách tự nhiên, thì người đó sẽ được tiếng nói của tâm thức dẫn lối và sẽ bước đi trên con đường đúng đắn.

[5] Khả năng tự đánh giá – hãy chú ý từ “tự nhiên” ở câu này. Nếu chúng ta sử dụng lý trí để đánh giá bản thân thì đó không phải là khả năng đánh giá tự nhiên. Kết quả duy nhất mà chúng ta có thể đạt được khi dùng lý trí để đánh giá bản thân là trạng thái trầm cảm và thất vọng với bản thân mình mà thôi. Khả năng tự đánh giá ở đây là khả năng của Bản thể. Đó là trí tuệ siêu việt, không liên quan đến các khuôn mẫu đạo đức của văn hóa và xã hội.

Trên thực tế, khi một người biết vâng phục khả năng tự đánh giá thì người đó đang tự mình trở thành một công dân tốt, một người chồng tốt, một nhà truyền giáo tốt, một phụ huynh tốt, v.v.

Ta cần phải tự khám phá bản thân để biết được những mâu thuẫn nội tâm của mình. Những ai mà khám phá ra được bản thân mình thì cũng có thể thành công trong việc giải thể cái Tôi đa nguyên.

Những mâu thuẫn nội tâm xuất phát từ cái Tôi đa nguyên; những mâu thuẫn to lớn mà chúng ta mang theo ở bên trong khiến cuộc sống của chúng ta trở nên cay đắng một cách đau đớn. Chúng ta là người làm công nhưng chúng ta lại muốn trở thành kẻ thống trị; chúng ta là binh lính, nhưng chúng ta lại muốn trở thành tướng lĩnh. Chúng ta nghĩ về việc có được ngôi nhà riêng của mình và khi có nhà rồi thì chúng ta lại bán đi vì ngôi nhà này làm ta mệt mỏi và sau đó chúng ta lại muốn có một ngôi nhà khác.

Chúng ta không bằng lòng với bất kỳ cái gì cả, chúng ta tìm kiếm hạnh phúc trong các ý tưởng và kể cả những ý tưởng đó cũng chóng vánh trôi qua. Chúng ta lại tìm kiếm hạnh phúc trong tương tác với bạn bè, những người hôm nay ở bên ta nhưng ngày mai thì lại chống lại ta. Do đó, chúng ta thấy đấy, mọi thứ đều chỉ là ảo tưởng.

Không có gì trong cuộc sống có thể mang lại cho chúng ta hạnh phúc. Chúng ta là những người khốn khổ với quá nhiều mâu thuẫn.

Cần phải chấm dứt cái Tôi đa nguyên; chỉ bằng cách này chúng ta mới có thể chấm dứt được nguồn gốc bí mật của tất cả những mâu thuẫn và đắng cay của mình.

Trên thực tế, những người đã thành công trong việc làm tan rã cái Tôi, đều sở hữu Trung tâm Ý thức Cố định.

Trên thế giới có rất nhiều trường phái và hệ thống. Nhiều người sống như những con bướm, lượn đi lượn lại từ trường phái này sang trường phái khác và luôn đầy những mâu thuẫn nội tâm. Họ luôn cảm thấy không hài lòng, luôn muốn tìm kiếm đường đi nhưng lại họ không nhìn thấy con đường đó ngay cả khi nó đang ở rất gần ngay trước mắt. Cái Tôi đa nguyên không để họ nhìn thấy con đường của sự thật và sự sống. Kẻ thù tồi tệ nhất của sự Khai ngộ chính là cái Tôi.

Có người hỏi một bậc thầy : “Con đường đúng là con đường nào?”
“Quả là một ngọn núi hùng vĩ!” – Bậc thầy nói về ngọn núi nơi ông trú ẩn.
“Con đang không hỏi về ngọn núi mà con đang hỏi về con đường”.
“Chừng nào con vẫn chưa vượt qua được ngọn núi đó thì con vẫn chưa thể tìm thấy con đường.” – Người thầy trả lời.

Cái Tôi cũng có thể làm những việc tốt và đạt được nhiều công đức giúp cải thiện tính cách tâm lý của mình nhưng cái Tôi sẽ không bao giờ có thể đạt đến sự Khai ngộ.

Chúng ta nên tìm kiếm sự Khai ngộ vì từ đó ta sẽ được ban thêm mọi thứ khác. Ta không thể đạt được sự Khai ngộ khi chưa có Trung tâm Ý thức Cố định [6].

[6] Trung tâm Ý thức Cố định – vì chúng ta có rất nhiều cái Tôi khác nhau và các cái Tôi liên tục đổi chỗ cho nhau trong tâm cho nên chúng ta không thể đặt ra một mục tiêu và hợp nhất tất cả hành động của mình để đạt tới mục tiêu đó. Ví dụ: chúng ta quyết tâm giảm cân, tức là một cái Tôi trong tâm chúng ta quyết định giảm cân, nhưng sau vài hôm ăn kiêng và tập thể dục thì một cái Tôi khác trong tâm lại muốn ăn bánh ngọt và xem phim. Khi cái Tôi muốn giảm cân chiếm ý thức của chúng ta thì chúng ta quyết tâm giảm cân nhưng khi ý thức bị điều khiển bởi một cái Tôi khác thì chúng ta lại hành động trái ngược với mục tiêu ban đầu. Vì ý thức của chúng ta liên tục đổi từ cái Tôi này sang cái Tôi kia nên chúng ta không có “Trung tâm Ý thức Cố định”. Khi các cái Tôi bị tan rã thì tất cả ý chí của chúng ta sẽ được hợp nhất. Khi đó chúng ta sẽ có Trung tâm Ý thức Cố định. “Cố định” có nghĩa là chúng ta có thể đặt mục tiêu và không có những hành động và ý nghĩ đi trái với mục tiêu của mình.

Ta không thể có một Trung tâm Ý thức Cố định nếu chưa làm tan rã cái Tôi đa nguyên.

BIỂU MẪU CỦA BẢN THÂN

Thông tin thuần lý trí và các ý tưởng từ bên ngoài không phải là trải nghiệm sống. Hiểu biết đến từ sách không giống hiểu biết từ thực nghiệm. Bài giảng, bài thi, bài thao diễn trên thế giới ba chiều đơn thuần đều không phải là [giáo dục] toàn diện.

Khi ta có ý kiến, quan niệm, lý thuyết và giả thuyết về hiện tượng này hoặc hiện tượng kia, thì điều này không có nghĩa là ta có thể xác minh, trải nghiệm hay có ý thức toàn vẹn về các hiện tượng đó.

Phải có một dạng năng lực vượt trội hơn tâm trí, một dạng năng lực không bị phụ thuộc vào lý trí và có khả năng mang lại cho chúng ta hiểu biết và trải nghiệm trực tiếp về bất kỳ hiện tượng nào.

Chỉ bằng cách giải phóng bản thân khỏi tâm trí thì chúng ta mới có thể thực sự trải nghiệm được thực tại tiềm ẩn đằng sau bất kỳ hiện tượng nào.

Thế giới chẳng qua chỉ là một hình tướng ảo trong tâm và chắc chắn sẽ tan biến vào ngày cuối cùng của Đại Kiếp Vũ trụ [tiếng Phạn: Kalpa].

Con người tôi, cơ thể của bạn, bạn bè tôi, các thứ, gia đình tôi, v.v, những gì mà người Hindu gọi là “maya” hay ảo ảnh, những hình tướng tâm huyễn ảo này không sớm hay muộn rồi cũng sẽ tan biến thành cát bụi vũ trụ.

Những người ta thương yêu, những người yêu quý nhất xung quanh ta, v.v., chỉ là những hình thái đơn giản trong tâm trí; họ không thực sự tồn tại.

Chủ nghĩa nhị nguyên của lý trí, chẳng hạn như khoái lạc và đau khổ, khen và chê, chiến thắng và thất bại, giàu có và khốn cùng, chính là những thứ góp phần tạo nên cái cơ chế khổ đau của tâm trí.

Chừng nào còn là nô lệ của tâm trí thì chừng đó biểu mẫu của bản thân [7] và hạnh phúc thực sự vẫn chưa thể tồn tại trong chúng ta.

[7] Biểu mẫu của bản thân (Tiếng Tây Ban Nha: Auto Idea) – Tác giả không đưa ra định nghĩa cho từ này. Tuy nhiên, dịch giả hiểu từ “idea” ở bản gốc theo định nghĩa trong lý thuyết của các hình thức của Platon. Từ gốc tiếng Hy Lạp là idea (ἰδέα). Platon sử dụng từ “idea” như là từ bằng nghĩa với εἶδος (eidos), có nghĩa là hình thức hay là biểu mẫu. Lý thuyết của các Hình thức dạy rằng cách hình thức chúng ta thấy trong thế giới vật chất chỉ là hình bóng của các biểu mẫu hay còn gọi là lý tưởng, hoàn hảo và bất diệt, được ẩn giấu ở thế giới siêu việt và chỉ có biểu mẫu đó mới thực sự tồn tại. Vì thế thì từ “idea” ở đây được hiểu như là “lý tưởng” hay là “biểu mẫu”, chứ không phải là “ý tưởng” hoặc là “ý nghĩ”.

Không ai có thể phát triển biểu mẫu lý tưởng của bản thân cùng với hạnh phúc đích thực chừng nào người đó vẫn còn là nô lệ của tâm trí.

Thực tại không phải là các học thuyết sách vở hoặc ý kiến của người khác mà là kinh nghiệm trực tiếp.

Những người giải phóng bản thân khỏi lý trí đều có thể trải nghiệm và cảm nhận được sự thay đổi triệt để của một yếu tố trong tâm.

Khi chúng ta giải phóng bản thân khỏi tâm trí thì tâm trí sẽ trở thành một phương tiện hữu ích, linh hoạt và dễ uốn nắn. Khi đó, chúng ta có thể dùng tâm thức để thể hiện bản thân mình.

Với lý luận cao cấp chúng ta sẽ thấy rằng trên thực tế, việc giải phóng bản thân khỏi tâm trí tương đương với việc đánh thức tâm thức và chấm dứt những hành động vô thức. Nhưng chúng ta phải đi vào vấn đề chính này và hiểu rằng: ai hay cái gì nên tránh xa những ý kiến khổ não của người khác? Rõ ràng, câu trả lời cho câu hỏi này là: Tâm thức! Đó là chính là một phần tâm hồn của chúng ta. Tâm thức là thứ có thể và nên được giải phóng.

Những ý tưởng giả văn học của người khác chỉ làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên cay đắng. Hạnh phúc đích thực chỉ có được khi chúng ta giải phóng mình khỏi lý trí.

Tuy nhiên, chúng ta nên nhận ra rằng sẽ luôn có một trở ngại lớn ngăn cản lòng khát khao giải phóng tâm thức; Thầy muốn nói đến trận chiến kinh hoàng giữa chính đề và phản đề.

Điều đáng buồn là Phật tính hay Ý thức lại bị giam giữ trong cái lý trí nhị nguyên phóng đại về sự đối lập: có và không, thiện và ác, cao và thấp, của tôi và của bạn, hài lòng và không hài lòng, sung sướng và khổ đau, v.v.

Thật tuyệt vời để hiểu sâu sắc rằng, khi cơn cuồng phong của những ý tưởng vay mượn chấm dứt trong đại dương tâm trí và cuộc đấu tranh của những sự đối lập kết thúc thì Phật tính sẽ thoát ra, hòa mình vào thứ gọi là Thực tại, tỏa ra biểu mẫu lý tưởng của bản thân và những ý tưởng hạt giống một cách huy hoàng nhất.


Leave a Reply