Biện chứng tâm thức – Chương 1

✏ Tác giả: Samael Aun Weor 📖 Biên chứng tâm thức

“Nếu một người cảm thấy đau đớn hoặc bị tổn thương khi bị phỉ báng, vu khống, bị tố cáo hoặc bị buộc tội với bằng chứng giả mạo thì đó là dấu hiệu cho thấy người này vẫn mang trong mình cái tôi của sự tự mãn” – Samael Aun Weor.

PHƯƠNG PHÁP LÀM TAN RÃ CÁI TÔI

Phương pháp tốt nhất để làm tan rã cái tôi là trải nghiệm cuộc sống thực tiễn một cách mãnh liệt.

Sự tương tác với người xung quanh là một tấm gương kỳ diệu, khi nhìn vào đó ta có thể chiêm ngưỡng cái tôi một cách toàn diện.

Trong mối quan hệ với đồng loại của mình, những khiếm khuyết ẩn sâu trong tiềm thức nảy sinh một cách tự nhiên, chúng bộc phát ra ngoài bởi vì tiềm thức phản bội chúng ta. Nếu luôn ở trong trạng thái nhận thức tỉnh táo, thì chúng ta sẽ nhìn thấy được bản chất của những khiếm khuyết này. Niềm vui lớn nhất của học trò Gnosis là được ăn mừng khi phát hiện ra một trong những khiếm khuyết của mình. Khi một khiếm khuyết được phát hiện, nó sẽ chết. Khi phát hiện ra một khiếm khuyết, ta nên đặt nó vào một khung cảnh, giống như một người đang xem phim, nhưng không chê trách hay đánh giá.

Chỉ hiểu khiếm khuyết bằng lý trí là chưa đủ, thêm vào đó ta cần phải thiền sâu sắc trong nội tâm để nắm bắt được khiếm khuyết trong các cấp độ của tâm trí.

Tâm trí có nhiều cấp độ và chiều sâu và chừng nào ta chưa thấu hiểu được một khiếm khuyết ở tất cả các cấp độ của tâm trí thì công việc của chúng ta vẫn chưa hoàn thành. Khiếm khuyết đó sẽ vẫn tiếp tục tồn tại như một con quỷ cám dỗ trong sâu thẳm tiềm thức của chúng ta.

Khi một khiếm khuyết được thấu hiểu toàn diện ở tất cả các cấp độ của tâm trí, thì khiếm khuyết đó sẽ tan rã khi cái tôi nhân cách hóa nó đã được tan rã và tiêu biến thành cát bụi vũ trụ.

Đây là cách mà chúng ta tiếp tục chết trong từng khoảnh khắc. Đây là cách mà ta tiếp tục thiết lập trong mình một trung tâm ý thức cố định, một trọng tâm cố định.

Bên trong những người chưa ở trạng thái thoái hóa cuối cùng vẫn còn Phật tính, căn nguyên Phật tính nội tâm, vật chất tâm lý hay nguyên liệu thô để tạo ra thứ gọi là hồn.

Cái tôi đa nguyên ngu ngốc sử dụng vật liệu tâm lý nói trên vào những vụ nổ nguyên tử phi lý của sự đố kỵ, tham lam, hận thù, ghen tuông, tà dâm, bám chấp và chạy theo sự háo danh, v.v.

Khi cái tôi đa nguyên chết đi trong từng khoảnh khắc, vật liệu tâm lý ấy trở thành trung tâm ý thức cố định.

Đây là cách chúng ta dần dần cá thể hóa bản thân. Chúng ta có thể cá thể hóa bản thân bằng cách làm tan rã cái tôi. Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu rõ rằng tính cá thể không phải là tất cả. Với sự kiện ở Bethlehem [1] thì chúng ta nên chuyển sang tính siêu cá thể.

[1] Bethlehem là nơi sinh của Chúa Giêsu thành Nazareth. Sự kiện ở Bethlehem tượng trưng cho việc chúng ta hiện thân Đức Kitô.

Giáng Sinh” bởi Federico Barocci, 1597

Làm tan rã cái tôi là một việc rất nghiêm túc. Chúng ta cần phải tìm hiểu bản thân một cách sâu sắc, trong tất cả các cấp độ của tâm trí. Cái tôi là một cuốn sách nhiều tập.

Chúng ta cần nghiên cứu phép biện chứng, suy nghĩ, cảm xúc, hành động của mình trong từng khoảnh khắc, mà không biện minh hay lên án. Chúng ta cần phải thấu hiểu toàn vẹn từng khuyết điểm của mình đến tận những tầng sâu nhất của tâm trí.

Cái tôi đa nguyên là tiềm thức. Khi chúng ta làm tan rã cái tôi thì tiềm thức sẽ trở thành tâm thức.

Chúng ta cần chuyển tiềm thức thành tâm thức. Việc này chỉ có thể đạt được bằng cách tiêu diệt cái tôi.

Khi tâm thức dần dần chiếm hữu vị trí của tiềm thức thì chúng ta đạt được trạng thái gọi là ý thức liên tục.

Người có được ý thức liên tục thì sẽ sống có ý thức ở mọi thời điểm, không chỉ trong thế giới vật chất mà còn trong các cõi siêu việt.

Con người hiện có 97% tiềm thức. Đó là lý do tại sao tiềm thức ngủ sâu không chỉ trong thế giới vật chất, mà còn trong các thế giới siêu cảm khi cơ thể vật chất đang ngủ và sau khi chết.

Chúng ta cần cái tôi chết đi. Chúng ta cần chết đi trong từng khoảnh khắc, ngay bây giờ và ở đây, không chỉ trong thế giới vật chất, mà còn trong tất cả các cõi của tâm thức càn khôn.

Chúng ta không nên khoan dung với bản thân mình. Chúng ta nên thực hiện việc mổ xẻ cái tôi bằng con dao tự phê bình sắc bén.

TRẬN CHIẾN CỦA CÁC KHÁI NIỆM ĐỐI NGHỊCH

Một bậc chân sư vĩ đại đã nói: “Trước hết, hãy tìm kiếm sự khai ngộ, rồi mọi thứ khác sẽ được ban thêm cho con”. [2]

[2] “Vậy các ngươi đừng lo lắng mà nói rằng, ‘Chúng ta sẽ ăn gì?’ hoặc ‘Chúng ta sẽ uống gì?’ hoặc ‘Chúng ta sẽ mặc gì?’ Vì các dân ngoại luôn tìm kiếm những điều ấy, còn Cha các ngươi trên Trời đã biết các ngươi cần những điều ấy rồi. Nhưng trước hết hãy tìm kiếm vương quốc Ðức Chúa Trời và sự công chính của Ngài, để các ngươi sẽ được ban thêm mọi điều ấy nữa”.
(Chúa Giê-su, Ma-thi-ơ 6:31-33, Kinh Thánh).

Kẻ thù tồi tệ nhất của sự khai ngộ là cái tôi. Cần phải biết rằng cái tôi là một nút thắt trong dòng chảy của sự sống, một chướng ngại vật trí mạng trong dòng chảy của cuộc sống tự do.

Tăng hỏi Sư: “Thế nào là đạo?”

Núi đẹp quá!”, nhà sư nói về ngọn núi nơi thầy trú ẩn.

Tăng nói: “Kẻ học này hỏi đạo, sao sư lại nói núi đẹp?

Sư trả lời: “Chừng nào con vẫn chưa vượt qua ngọn núi thì con không thể đạt tới đạo“. [3]

[3] Trích “Cảnh Đức Truyền Đăng Lục”, Tập 7, Chương: Thiền Sư Duy Khoan. Xem thêm tại đây.

Một nhà sư khác đã hỏi thầy đó chính câu hỏi đấy. Bậc thầy trả lời:

“Đạo đây, ngay trước mắt con”.

“Sao con không thấy?” 

“Bởi vì con có cái tôi”.

“Thầy có thấy không?”

Chừng nào con vẫn nhìn mọi thứ bằng cái nhìn nhị nguyên và nói rằng ‘tôi không thể’, ‘Thầy có thể’, v.v. thì con vẫn sẽ bị che mắt bởi cái nhìn tương đối đó”.

“Khi không có con và không có thầy thì có thấy không?”

“Khi không có con và không có thầy thì còn ai muốn thấy?”. [4]

[4] Trích “Cảnh Đức Truyền Đăng Lục”, Tập 7, Chương: Thiền Sư Duy Khoan. Xem thêm tại đây.

Nền tảng của cái tôi là tâm trí nhị nguyên. Cái tôi được duy trì bởi trận chiến của các khái niệm đối nghịch.

Mọi suy nghĩ đều được hình thành dựa trên trận chiến của các khái niệm đối nghịch. Nếu nói “người này hoặc người kia cao” thì ý của ta là “người ta không thấp”. Nếu nói rằng “chúng tôi đang đi vào” thì ý của ta là “chúng tôi đang không đi ra”. Nếu nói rằng mình đang vui thì ta cũng đang khẳng định rằng mình không buồn, v.v.

Các vấn đề của cuộc sống chỉ là các dạng thức tinh thần với hai cực: tích cực và tiêu cực. Tâm trí tạo ra và duy trì các vấn đề. Khi chúng ta ngừng suy nghĩ về một vấn đề thì chắc chắn vấn đề đó sẽ kết thúc.

Niềm vui và nỗi buồn, khoái cảm và khổ đau, thiện và ác, chiến thắng và thất bại tạo thành trận chiến của các khái niệm đối nghịch. Đây cũng chính là nền tảng của cái tôi.

Chúng ta đang sống một cuộc sống khốn khổ và bị xô đẩy bởi các khái niệm đối nghịch: chiến thắng và thất bại, thích và không thích, khoái cảm và đau đớn, thất bại và thành công, cái này và cái kia, v.v.

Chúng ta cần phải giải phóng mình khỏi sự lộng hành của các khái niệm đối nghịch. Điều này chỉ có thể xảy ra thông qua việc học cách sống trong từng khoảnh khắc mà không khái niệm hóa sự việc dưới bất kỳ hình thức nào, không mơ mộng, không huyễn tưởng.

“Các bạn đã bao giờ quan sát thấy những viên đá bên đường tỏa sáng và tinh khiết như thế nào sau một cơn mưa xối xả chưa? Người ta chỉ có thể thán phục mà thốt lên ‘Ồ!'” [5].

[5] Trích “The Buddhist Sects of Japan, Vol. 84” bởi E Steinilber-Oberlin và Kuni Matsuo, 1938.

Chúng ta nên thấu hiểu cái “Ồ!” của sự vật mà không làm méo mó câu cảm thán này với trận chiến của các khái niệm đối nghịch.

Triệu Châu hỏi thầy Nam Tuyền: “Đạo là gì?”.

Nam Tuyền trả lời: “Đời sống hằng ngày là Đạo”.

“Có cách nào để sống theo không?”

“Nếu cố để sống theo thì con đã xa nó rồi”. [6]

[6] Nguồn: Vô Môn Quan, Tắc 19.

“Đừng cố gắng hát bài hát này, hãy để nó tự hát. Chẳng phải những trục trặc khiêm tốn tự đến sao?”. [7]

[7] Trích “Zen Buddhism” bởi Christmas Humphreys, Chương 6.

Hãy nhớ câu này: “Gnosis chỉ tồn tại trong thực tế. Nó héo tàn trong khái niệm trừu tượng, và khó mà tìm thấy ngay cả trong những ý nghĩ cao thượng nhất”.

Một vị tăng hỏi thiền sư Mục Châu: “Chúng ta phải mặc quần áo và ăn hàng ngày. Làm thế nào chúng ta có thể thoát khỏi điều này?”

Thiền sư trả lời: “Chúng ta ăn, chúng ta mặc quần áo”.

Vị tăng nói: “Con không hiểu”.

“Thế thì mặc quần áo vào và ăn đi”, thầy đáp. [8]

[8] Trích “古尊宿語錄” 2.6, theo bản dịch tiếng Anh ở “Zen Buddhism” bởi Christmas Humphreys, Chương 6.

Đây chính xác là hành động mà không bị vướng mắc vào các khái niệm đối nghịch: Chúng ta có ăn không? Chúng ta có mặc quần áo không? Tại sao chúng ta phải phức tạp hóa vấn đề này lên? Tại sao lại phải nghĩ đến những thứ khác trong khi đang ăn và mặc quần áo?

Nếu bạn đang ăn thì hãy ăn; nếu đang mặc quần áo thì hãy mặc và nếu đang đi bộ trên đường thì hãy đi, đi và đi, nhưng đừng suy nghĩ về những thứ khác. Hãy chỉ làm việc mà bạn đang làm. Đừng trốn tránh sự thật, đừng gán cho mọi thứ nhiều ý nghĩa, ký hiệu, bài giảng, và lời cảnh báo. Đừng nhầm lẫn giữa trải nghiệm về sự thật và những câu chuyện ngụ ngôn. Hãy trải nghiệm sự thật với tâm trí ở trạng thái “đón nhận” trong mọi khoảnh khắc.

Hãy hiểu rằng tôi đang nói với các bạn về con đường của hành động mà không có trận chiến đau đớn của các khái niệm đối nghịch.

Hành động mà không có sự phân tâm, không trốn tránh, không huyễn tưởng, không khái niệm hóa dưới bất kỳ hình thức nào.

Hỡi các bạn yêu quý, hãy thay đổi tính cách của mình thông qua hành động thông minh, không bị mắc kẹt trong trận chiến của các khái niệm đối nghịch.

Khi chúng ta đóng cửa không cho huyễn tưởng đi vào thì trực giác sẽ được thức tỉnh.

Khi không còn trận chiến của các khái niệm đối nghịch, chúng ta sẽ hành động bằng trực giác. Đó là hành động viên mãn. Ở nơi nào có sự viên mãn thì ở nơi đó cái tôi sẽ vắng bóng.

Hành động bằng trực giác sẽ dẫn ta đến sự thức tỉnh của tâm thức.

Hãy làm việc và nghỉ ngơi một cách hợp lý. Hãy hoà mình vào dòng chảy của cuộc sống. Hãy xả hết dòng nước đục ngầu và thối rữa của thói quen suy nghĩ. Rồi trong khoảng không đó, trí tuệ Gnosis và niềm vui của cuộc sống sẽ tuôn trào.

Khi không còn cuộc chiến giữa các khái niệm đối nghịch thì hành động thông minh này sẽ nâng chúng ta đến một tầm cao mà ở đó, một điều gì đó phải được phá vỡ. Khi mọi thứ diễn ra tốt đẹp thì cái mái nhà kiên cố của suy nghĩ sẽ bị phá vỡ. Ánh sáng và sức mạnh của Bản thể sâu thẳm sẽ tràn vào tâm trí, một tâm trí đã ngừng ngủ mơ.

Sau đó, trong thế giới vật chất cũng như ở các cõi cao hơn, khi cơ thể vật chất đang ngủ, chúng ta sẽ sống hoàn toàn tỉnh thức và khai sáng, tận hưởng phúc lạc của cuộc sống ở các cõi siêu việt.

Việc liên tục tạo áp lực lên tâm lý và rèn luyện sẽ thức tỉnh tâm thức. Nếu chúng ta đang ăn nhưng lại nghĩ về kinh doanh thì rõ ràng là chúng ta đang mơ. Nếu chúng ta đang lái ôtô nhưng lại nghĩ đến người yêu, thì tất nhiên là chúng ta không tỉnh táo, chúng ta đang mơ. Nếu chúng ta đang làm việc và nhớ đến bạn bè hoặc anh em của mình, v.v., thì rõ ràng là chúng ta đang mơ.

Mọi người đang sống mơ ngủ trong thế giới vật chất, và cũng mơ ngủ trong các cõi nội tại khi cơ thể vật chất đang ngủ.

Ta cần phải ngừng mơ ngủ trong các cõi nội tại. Khi ngừng mơ trong thế giới vật chất thì chúng ta sẽ thức tỉnh ngay tại đây và bây giờ, và sự thức tỉnh đó sẽ xuất hiện trong các cõi siêu việt.

Trước hết, ta hãy tìm kiếm sự khai ngộ và mọi thứ ấy sẽ được ban thêm cho các anh em“.

“Nhưng trước hết hãy tìm kiếm vương quốc Ðức Chúa Trời và sự công chính của Ngài, rồi anh em sẽ được mọi thứ ấy”. (Chúa Giêsu: Ma-thi-ơ 6:33)

Bất kỳ người nào đã khai sáng thì có thể thấy con đường. Những người chưa khai sáng thì sẽ không nhìn thấy con đường, sẽ dễ bị lạc lối và rơi xuống vực thẳm.

Chúng ta cần cố gắng và thận trọng vô cùng trong từng giây phút, từng khoảnh khắc để không bị ngủ mơ giữa ban ngày. Chỉ một phút thiếu ý thức là đủ để tâm trí lại mơ tưởng ngay khi ta sực nhớ ra cái gì đó, khi nghĩ đến một chuyện khác liên quan đến công việc và hành động mà chúng ta đang làm trong hiện tại.

Nếu chúng ta học cách tỉnh táo trong từng khoảnh khắc ở thế giới vật chất, thì chúng ta cũng sẽ sống tỉnh táo và ý thức được về bản thân trong từng khoảnh khắc ở các cõi siêu việt khi cơ thể vật chất đang ngủ và cả sau khi chết.

Thật đau đớn khi biết rằng tâm thức của nhân loại đang ngủ say và chìm sâu trong giấc mơ, không chỉ trong lúc cơ thể đang ngủ, mà ngay cả trong trạng thái, trớ trêu thay, được gọi là tỉnh thức.

Hành động không bị dính mắc vào tâm nhị nguyên sẽ thức tỉnh tâm thức.

K-N

Trước những lời phán xét nghiêm trọng của dư luận, tôi phải tuyên bố rằng mục tiêu cơ bản của mỗi học trò Gnosis là trở thành một K-N, một Kosmos-Người.

Tất cả mọi người chúng ta đều sống trong một Kosmos. Từ Kosmos có nghĩa là trật tự. Chúng ta không bao giờ được quên điều này.

Kosmos-Người là một người có năm trung tâm vận hành một cách hoàn hảo, trong tâm và trong Phật tính của mình.

Năm trung tâm là trung tâm vận động, trung tâm sinh dục, trung tâm bản năng, trung tâm cảm xúc, trung tâm lý trí

Để trở thành Kosmos-Người, chúng ta cần phải học cách nhận biết được sự biểu hiện của ba lực chính của vũ trụ: tích cực, tiêu cực và trung tính.

Nhưng trên con đường trở thành Kosmos-Người, một con đường hoàn toàn tích cực, chúng ta thấy rằng mọi lực tích cực đều phải đối chọi với một lực tiêu cực.

Chúng ta sẽ nhận thức được cơ chế của lực đối lập thông qua việc quan sát bản thân.

Bất cứ khi nào chúng ta dự định thực hiện một hành động đặc biệt, bất kể đó là việc tiêu diệt cái tôi, kiểm soát [dục vọng trong lúc quan hệ] tình dục, làm một công việc đặc biệt hay triển khai một chương trình cụ thể thì chúng ta nên quan sát và tính toán lực kháng cự; bởi vì theo bản chất, thế giới và các cơ chế của nó có xu hướng kích thích sự kháng cự và sự kháng cự đó sẽ được nhân lên gấp đôi.

Công trình càng lớn thì lực kháng cự sẽ càng lớn. Nếu học cách tính toán lực kháng cự, chúng ta cũng sẽ có thể thành công trong việc phát triển công trình của mình. Đấy chính là năng lực của thiên tài, của người đã khai sáng.

LỰC KHÁNG CỰ

Lực kháng cự chính là các lực đối lập. Lực kháng cự là vũ khí bí mật của cái tôi.

Lực kháng cự là lực tâm lý của cái tôi chống lại việc chúng ta ý thức về các khiếm khuyết tâm lý của mình.

Khi lực kháng cự xuất hiện, cái tôi có xu hướng đi lạc đề và tìm cách bào chữa để bịt miệng hoặc che giấu lỗi lầm.

Do lực kháng cự mà giấc mơ trở nên khó giải thích và việc biết chính bản thân mình trở nên mờ mịt.

Lực kháng cự hoạt động dựa trên một cơ chế phòng thủ. Cơ chế này phớt lờ những lỗi tâm lý khó chịu, để chúng ta không nhận thức được chúng và tiếp tục là nô lệ tâm lý.

Nhưng, trong thực tế, tôi phải nói rằng chúng ta có thể vượt qua được lực kháng cự bằng các biện pháp sau:

  1. Nhận ra lực kháng cự.
  2. Xác định lực kháng cự.
  3. Thấu hiểu lực kháng cự.
  4. Rèn luyện trong lực kháng cự.
  5. Vượt qua và làm tan rã lực kháng cự bằng phương pháp siêu động lực tình dục.

Nhưng cái tôi sẽ chiến đấu lại trong quá trình phân tích sự kháng cự để che giấu những ngụy biện, bởi việc này đe dọa quyền thống trị của nó trong tâm trí chúng ta.

Khi cái tôi đang chống trả, chúng ta phải khẩn cầu đến một sức mạnh siêu việt hơn tâm trí, đó chính là ngọn lửa của con rắn Kundalini của người Hindu.

Trong nhiều nền văn minh, hình biểu tượng của một con rắn quấn quanh một cái gậy tượng trưng cho Kundalini đi lên cột sống.

THỰC HÀNH

Thông qua việc thực hành, trải nghiệm và áp dụng vào đời sống bất kỳ một phương pháp nào mà tôi đã cống hiến cho nhân loại, học trò chắc chắn sẽ giải phóng được tâm lý.

Có người hay nói về những điều kỳ diệu như luân hồi, Atlantis, thuật luyện kim đan, cái tôi, về các biểu hiện của cõi cảm xúc, v.v. Đối với thế giới bên ngoài, họ là chuyên gia về những chủ đề này nhưng thực chất họ chỉ nhận được thông tin từ lý trí. Trong sâu thẳm, những người này không biết bất cứ điều gì. Khi sắp chết, những người hay thể hiện này chẳng còn gì ngoài thông tin lưu trữ trong bộ nhớ. Những thứ này là vô dụng ở thế giới bên kia bởi vì tâm thức của họ vẫn tiếp tục ngủ mê.

Nếu một người bị giam cầm trong lý thuyết, nếu họ không chịu thực hành, không ý thức được về những gì tôi đã dạy trong sách, nếu họ cứ để giáo lý trong bộ nhớ, thì có thể nói rằng người ta đã lãng phí thời gian của mình một cách thảm hại.

Trí nhớ là nền tảng để hình thành trung tâm lý trí. Khi một người khao khát tìm hiểu nhiều hơn, khi tầm nhìn của họ vượt qua giới hạn của tiềm thức, khi họ bắt đầu nhìn lại những lý thuyết trong trí nhớ và phân tích hay thiền để tìm hiểu về những sự kiện mới xảy ra hay về những giáo lý trong một cuốn sách huyền học, thì khi đó những giá trị này sẽ chuyển sang bộ phận cảm xúc của trung tâm lý trí.

Khi một người hoàn toàn tập trung trong thiền để tìm hiểu về ý nghĩa sâu xa của những giáo lý này, thì rõ ràng là giáo lý đó sẽ được chuyển sang trung tâm cảm xúc và sẽ được cảm nhận trong sâu thẳm của tâm hồn.

Khi giáo lý – những giá trị có thể nhận biết được của Phật tính – đã được trải nghiệm hoàn toàn thì giá trị đó cuối cùng sẽ còn mãi ở trong tâm thức và sẽ không bao giờ mất đi. Qua đó, Phật tính sẽ được củng cố thêm nữa.

Bây giờ, chúng ta đã hiểu cách để hiểu sâu hơn về những giáo lý Gnosis mà tôi đã truyền tải trong cuốn sách này và các cuốn sách tôi đã viết trước đây.

Việc thực hành thiền có tác dụng rất mạnh mẽ giúp chúng ta ý thức về giáo lý Gnosis. Tuy nhiên, chúng ta đừng phạm sai lầm cất giữ những lời dạy trong mớ lý thuyết hoặc trong trí nhớ. Bởi nếu cứ như vậy, chúng ta sẽ không bao giờ làm chủ được tâm trí.

YÊU CẦU

Thực tế phũ phàng đã cho thấy rằng nhiều người không hiểu được tính siêu việt của việc rèn luyện Gnosis, và rằng phần lớn mọi người không phải là người chủ gia đình tốt.

Khi một người không phải là người chủ gia đình tốt thì rõ ràng người đó chưa sẵn sàng để bước vào con đường lưỡi dao này. Để rèn luyện Biện chứng Tâm thức thì trước hết một người cần phải là người chủ gia đình tốt.

Một người cuồng tín, điên rồ, thất thường, v.v., thì không thích hợp cho sự thay đổi toàn vẹn [trong cuộc sống tâm linh]. Một kẻ không làm tròn bổn phận gia đình thì không thể đạt được sự thay đổi lớn lao. Một người cha tồi, một người vợ tồi hay một người chồng tồi, một người bỏ nhà đi theo nhân tình, thì sẽ không bao giờ đạt được chuyển hóa triệt để.

Nền tảng của cuộc chuyển hóa tâm lý yêu cầu sự cân bằng hoàn hảo trong gia đình. Trước khi có thể thay đổi, một người đã phải là một người chồng tốt, người cha tốt, người anh tốt, và người con ngoan. Ta phải làm tròn bổn phận với nhân loại khổ sở. Ta phải trở thành một người tử tế.

Người nào không làm tròn được những yêu cầu này thì sẽ không bao giờ có thể tiến bộ được trong những giáo lý mang tính đột phá này.

TƯ TƯỞNG CHỦ BẠI

Động vật trí năng bị gọi nhầm là con người luôn đinh ninh rằng việc triệt tiêu cái tôi, khả năng kiểm soát dục vọng một cách tuyệt đối, và sự khai ngộ nội tâm của Bản thể đều là những điều không tưởng và bất khả thi. Thế nhưng họ không nhận ra rằng lối suy nghĩ chủ quan này là kết quả của các yếu tố tâm lý chủ bại, các yếu tố này thao túng thân tâm của những người chưa tỉnh thức.

Con người của thời đại suy tàn và thoái hóa này mang trong mình một cấu trúc tâm lý, một chướng ngại lớn trên con đường tiêu diệt cái tôi, đó chính là tư tưởng chủ bại.

Suy nghĩ chủ bại ngăn cản con người vượt qua cuộc sống vô thức của mình để tiến lên những trạng thái cao cấp hơn. Đa số mọi người tự xem mình là thất bại ngay cả khi họ chưa bắt đầu cuộc đấu tranh hoặc công việc tu tập Gnosis.

Chúng ta phải quan sát và phân tích bản thân, ngay bây giờ và ở đây, để khám phá ra những phương diện tạo nên cái gọi là tư tưởng chủ bại ở bên trong chính mình.

Tổng hợp lại, ta có thể nói rằng có ba thái độ chủ bại phổ biến:

  1. Cảm thấy bất lực do thiếu học thức
  2. Cảm thấy bất lực để bắt đầu công cuộc chuyển hóa triệt để
  3. Đi đâu cũng hát bài ca tâm lý: “Tôi chẳng bao giờ có cơ hội để thay đổi hoặc để thành công!”

Thái độ thứ nhất

Về việc cảm thấy bất lực do thiếu học thức, chúng ta phải nhớ rằng tất cả các nhà hiền triết vĩ đại như Hermes Trismegistus, Paracelsus, Platon, Socrates, Chúa Giê-su, Homer, v.v., đều chưa bao giờ học đại học. Bởi vì sự thật là mỗi người đều có một vị thầy của riêng mình, đó chính là bản thể, vượt ra ngoài tâm trí và chủ nghĩa duy lý sai lầm. Đừng nhầm lẫn giáo dục với trí tuệ và kiến thức.

Kinh nghiệm trực tiếp về các bí ẩn của cuộc sống, về vũ trụ và tự nhiên, là một sức mạnh phi thường cho phép chúng ta đạt được sự thay đổi toàn vẹn.

Thái độ thứ hai

Những người máy được lập trình bởi Kẻ Phản Kitô – khoa học duy vật – cảm thấy thua thiệt vì họ thấy mình không có năng lực. Chúng ta nên phân tích điều này. Do ảnh hưởng của một nền giáo dục học thuật sai lầm làm lệch lạc các giá trị của Bản thể, thú vật trí năng đã tạo ra trong tâm trí họ hai cái tôi kinh khủng cần phải được loại bỏ, đó là: ý niệm cố định rằng “Tôi sẽ thua!”, và việc lười thực hành các phương pháp Gnosis. Chỉ có thực hành các phương pháp Gnosis mới giúp họ có được kinh nghiệm cần thiết để giải phóng bản thân khỏi mọi trạng thái vô thức, và từ bỏ khuynh hướng chủ bại một lần và mãi mãi.

Giáo lý của Kẻ phản Kitô – k. 1502 – bởi Luca Signorelli

Thái độ thứ ba

Tư duy của con người vô thức là: “Người ta chẳng bao giờ cho tôi cơ hội!”

Hoàn cảnh trong kiếp sống có thể được thay đổi. Chính bản thân mỗi người tạo ra các hoàn cảnh của riêng mình. Mọi thứ đều được vận hành bởi luật nhân quả, nhưng một luật cấp cao có thể được ưu tiên hơn một luật cấp thấp.

Việc loại bỏ cái tôi chủ bại là khẩn cấp và không thể trì hoãn được. Điều quan trọng không phải là bao nhiêu lý thuyết mà là bao nhiêu nỗ lực siêu việt đã được bỏ ra trong công cuộc chuyển hóa tâm thức. Con người đích thực có thể tự tạo ra theo ý muốn những hoàn cảnh thuận lợi cho việc phát triển tâm linh hoặc tâm lý của mình.

CHIÊM TINH TÂM LÝ HỌC

Trong cuốn sách của sự sống có dòng chữ viết bằng than cháy hồng, rằng bất kì ai đã loại bỏ triệt để được cái tôi thì đều có thể chủ động thay đổi cung hoàng đạo của mình cùng với ảnh hưởng của nó.

Nhân danh sự thật, tôi tuyên bố rằng Đấng ở trong tôi đã chủ động thay đổi cung hoàng đạo của mình. Tính cách cũ của tôi thuộc cung Song Ngư, nhưng giờ đây tôi thuộc về Bảo Bình, một cung mang tính đột phá kinh khủng!

Không thể phủ nhận rằng các cung hoàng đạo còn có ảnh hưởng và còn thao túng chúng ta chừng nào chúng ta vẫn chưa chuyển hóa được tâm lý bên trong mình. Nhưng với những học trò khao khát được khai ngộ, con đường của họ nên bắt đầu bằng việc chuyển hóa bản thân mình, vượt ra khỏi những gì đã được hình thành bởi các cung hoàng đạo.

Việc nói rằng cung hoàng đạo này không tương thích với cung khác là hoàn toàn ngớ ngẩn, bởi vì cái không tương thích chính là các cái tôi, những yếu tố không mong muốn ở bên trong.

Chiêm tinh học của thời đại suy tàn này là vô dụng, bởi vì nó chỉ là món hàng mua bán. Chiêm tinh học đích thực của các nhà hiền triết xứ Chaldea đã bị lãng quên.

Con người vô thức không muốn thay đổi bởi vì họ cho rằng: “Đấy là do cung hoàng đạo của tôi, đó là ảnh hưởng của cung hoàng đạo của tôi!”, v.v. Tôi sẽ không ngừng nhấn mạnh rằng điều quan trọng là phải thay đổi cảm xúc và tinh thần.

Sức mạnh đích thực của các cung hoàng đạo phát ra từ Bản thể, từ dải ngân hà. Sức mạnh này cho chúng ta một trọng tâm cố định. Chúng ta cần thay đổi tâm trí để sức mạnh này có thể thâm nhập và hiển thị trong ta.

Chúng ta không cần tìm kiếm ánh sáng từ lá số tử vi vì ánh sáng sẽ bùng lên khi chúng ta đã loại bỏ đặc điểm tâm lý chính của mình, và khi ta đã tạo ra một “bầu da” mới (là tâm trí mới) và rót vào đó giáo lý về chiêm tinh tâm lý học mà tôi đã giảng trong cuốn “Khóa học Chiêm tinh”.

Chúng ta phải chuẩn bị bầu ra mới dể nhận rượu mới.”

Chỉ có bản thể và Đức Mẹ Thần thánh mới có thể giải phóng chúng ta khỏi những lá số tử vi trên báo và tạp chí rẻ tiền, và mang lại cho chúng ta một nền giáo dục toàn vẹn.

Chúng ta phải rũ bỏ lớp bụi từ các thế kỷ cổ xưa, loại bỏ tất cả tập tục và niềm tin cũ nát của mình, thoát khỏi lòng cuồng tín về chiêm tinh. Lối suy nghĩ “Tôi bị cung hoàng đạo của mình chi phối, làm gì có biện pháp nào để khắc phục đâu!” là lối suy nghĩ rất chủ quan, là sự ngụy biện mà cái tôi dùng để đánh lạc hướng chúng ta.

THUẬT HÙNG BIỆN CỦA CÁI TÔI

Khi phân tích kĩ lưỡng động vật hai chân ba não được gọi là con người, chúng ta đi đến kết luận hợp lý rằng loài người chưa có trung tâm thức cố định, hay là trọng tâm cố định.

Chúng ta không thể khẳng định rằng loài động vật hai chân đã được cá thể hóa nhưng chúng ta chắc chắn rằng họ đã được bản năng hóa. Có nghĩa là, họ bị điều khiển bởi các cái tôi, các cái tôi thao túng trung tâm bản năng theo ý của chúng.

Cái tôi yêu quý không có bất kì một tính cá thể [11] nào, nó là tổng hợp của các yếu tố bất hòa, là tổng hợp của các cathexis nhỏ lỏng lẻo – năng lượng tâm lý của cái tôi.

[11] Tính cá thể (tiếng Anh: individuality) – cụm từ này đến từ các tác phẩm của nhà tâm lý học Carl Jung. Đọc thêm bài viết chi tiết tại đây.

Trong quân đoàn của các cái tôi, mỗi cái tôi nhỏ thực sự có quan điểm cá nhân riêng, có kế hoạch riêng, ý tưởng riêng và tài hùng biện riêng của nó.

Tài hùng biện của cái tôi là nghệ thuật ăn nói lưu loát và khéo léo, tinh tế đến mức chúng ta không nhận ra mình đã rơi vào sai lầm từ khi nào. Tài hùng biện của cái tôi cao siêu đến mức chúng ta không nhận ra rằng tâm thức của mình đang ngủ mê.

Chúng ta thấy rằng cái tôi với những lời hùng biện của nó đã dẫn các quốc gia vào một cuộc chạy đua vũ trang: “Khối lượng vũ khí hạng nặng – máy bay, tàu chiến, xe bọc thép – được mua bán trong nước ở các quốc gia của thế giới thứ ba đã tăng gấp đôi từ năm 1973 đến 1976, trong khi lượng nhập khẩu của họ cũng tăng gấp đôi”. Điều thú vị là trong thời đại mà người ta nói về hòa bình và kiểm soát vũ khí, các quốc gia được cho là đang phát triển lại tăng cường khả năng hủy diệt của mình, với sự giúp đỡ của các quốc gia được cho là đã công nghiệp hóa! Ta có thể hỏi, đây có phải là con đường đúng đắn để giải trừ quân bị và hướng đến hòa bình thế giới không? Hoàn toàn ngược lại. Đây chính là tài hùng biện của cái tôi!

Trong khi loài động vật hai chân tiếp tục bị mê hoặc bởi những phát minh kỳ diệu của khoa học duy vật (Kẻ Phản Kitô), thì ở Ethiopia đã có 200.000 người chết đói kể từ năm 1973 đến nay [12]. Đây có phải là văn minh không? [Không,] đây là tài hùng biện của cái tôi.

[12] “Năm 1973 đến nay” – Thầy Samael Aun Weor chết ngày 24 tháng 12, 1977. Vì thế, chúng ta đoán rằng thầy đã viết câu này vào những năm 1975-1977.

Nhóm “Người vô danh đi xe đạp” cũng thế, họ sàn sàn tuổi nhau, ăn mặc theo kiểu các “Thiên thần địa ngục” [13], mặc áo khoác da có khóa kéo to uỵch. Xe của họ là những chiếc xe đạp Schwinn cũ đã được sửa lại, với càng xe được nối dài để trông giống như xe máy.

[13] Thiên thần Địa ngục (tiếng Anh: Hells Angels) là băng đảng xe máy. Ở thời điểm sách này được xuất bản, họ gắn liền với tội phạm và nghiện thuốc bất hợp pháp. Ảnh minh họa của nhiếp ảnh giả Bill Ray, 1965

Động vật hai chân chỉ muốn sống trong thế giới nhỏ bé của mình, cái thế giới không còn gì hữu ích nữa. Tâm lý học duy vật, tâm lý học thực nghiệm, đều vô ích cả. Bằng chứng là những bộ môn tâm lý học này đã không thể giải quyết được những vấn đề tinh thần ảnh hưởng đến người Hoa Kỳ. Bằng chứng cho điều này là tại các thành phố lớn của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, các “băng đảng” nổi tiếng vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển. Hãy nhìn xem, ở thành phố New York có nhóm “Kẻ bẩn thỉu”, bao gồm các thành viên tầm 30 tuổi, mặc quần áo bẩn và đi ủng da. Họ tụ tập trên các mái nhà và tự hào vì được coi là những tay chơi bi-a điêu luyện.

Đối với mỗi người trong số hàng nghìn thành viên của các băng đảng ở Hoa Kỳ đó thì bạo lực được coi là một phần trong cuộc sống của họ, và thật đáng thương là những động vật hai chân ở các quốc gia khác cũng muốn bắt chước các băng đảng này. Liệu đây có phải sự giải thoát tâm lý không? Không! Đây là tài hùng biện mà cái tôi đã dùng để đánh lừa tất cả mọi người. Chỉ bằng cách áp dụng vào thực tế những giáo lý mà tôi đã truyền đạt trong cuốn “Tâm lý học cho sự chuyển hóa triệt để” thì động vật hai chân mới có thể giải phóng bản thân ra khỏi thuật hùng biện của cái tôi.

TRUNG TÂM Ý THỨC CỐ ĐỊNH

Động vật hai chân ba não không có bất kỳ tính cá thể nào, họ không có một trung tâm ý thức cố định. Mỗi suy nghĩ, cảm xúc và hành động của họ đều phụ thuộc vào các tai vạ mà cái tôi gây nên trong mỗi khoảnh khắc để điều khiển các trung tâm chỉ huy của cỗ máy con người.

Nhiều người trong chúng ta đã hy sinh và chịu khổ đau trong nhiều năm để đấu tranh cho phong trào Gnosis. Những người này đã thấy được những điều thực sự kinh khủng. Nhiều người đã khóc thề sẽ cống hiến cho Gnosis đến tận cuối đời. Họ đã hứa trung thành vĩnh viễn với đại nghĩa và phát biểu những bài diễn văn kinh động. Rồi thì sao? Máu và nước mắt của họ đã trở thành cái gì? Những lời tuyên thệ ghê gớm của họ đã trở thành gì? Tất cả đều là vô ích, đó chỉ là một cái tôi thoáng qua trong tích tắc đã thề thốt, nhưng khi một cái tôi khác đến thay thế cái tôi đã thề thốt chung thủy đó thì họ rời bỏ khỏi Gnosis, hoặc phản bội đại nghĩa, hoặc gia nhập các trường phái nhỏ khác và phản bội các tổ chức của phong trào Gnosis.

Thực sự, con người không thể duy trì mục tiêu liên tục bởi vì họ không có trung tâm ý thức cố định. Họ không phải là một cá thể. Cái tôi của họ là tổng thể của nhiều cái tôi nhỏ.

Nhiều người mong chờ phúc lạc vĩnh cửu khi thể xác chết đi, nhưng cái chết của thể xác không giải quyết được vấn đề của cái tôi.

Sau khi chết, cathexis lỏng lẻo – cái tôi – vẫn tiếp tục được bao bọc trong cơ thể phân tử [14] của nó. Động vật hai chân có thể đã chết, nhưng cathexis lỏng lẻo – năng lượng của cái tôi – vẫn tồn tại trong cơ thể phân tử, và sau đó cái tôi tiếp tục được duy trì trong hậu duệ [15] [các kiếp sau] của chúng ta, nó quay lại để thỏa mãn những ham muốn của mình và tiếp tục những bi kịch tương tự.

[14] Cơ thể phân tử: Cơ thể cảm xúc âm
[15] cái tôi được duy trì trong hậu duệ – con người hay đầu thai ở kiếp sau vào trong gia đình họ đã sống chung ở kiếp hiện tại.

Đã đến lúc chúng ta phải hiểu được sự cần thiết của việc thay đổi bên trong một cách toàn vẹn, rõ ràng, để thiết lập một trung tâm ý thức cố định. Chỉ bằng cách này thì chúng ta mới có thể cá thể hóa bản thân, chỉ bằng cách này thì chúng ta mới có thể tiêu diệt được quân đoàn cái tôi, chỉ bằng cách này thì chúng ta mới có thể trở thành những cá thể thức tỉnh.

Con người thời nay giống như một con tàu đầy ắp hành khách, mỗi hành khách đều có những kế hoạch và dự án riêng của họ. Con người thời nay không có một tâm trí duy nhất, họ có nhiều tâm trí. Mỗi cái tôi có một tâm trí riêng của nó.

May mắn thay, bên trong động vật hai chân còn có một thứ khác, đó là Phật tính. Nếu suy ngẫm một cách nghiêm túc về nguyên tắc đã nói ở trên, chúng ta có thể kết luận rằng đây là chất liệu tâm lý cao cấp nhất mà ta có thể dùng để định hình tâm hồn của mình.

Chúng ta tạo nên tâm hồn bằng cách thức tỉnh Phật tính. Thức tỉnh Phật tính nghĩa là thức tỉnh tâm thức. Việc thức tỉnh tâm thức cũng tương đương với việc tạo ra trong chúng ta một trung tâm ý thức cố định. Chỉ những ai đã thức tỉnh được tâm thức thì mới có thể trở thành một cá thể. Tuy nhiên, trạng thái cá thể không phải là đích cuối cùng, sau này chúng ta phải đạt tới trạng thái siêu cá thể.

SIÊU CÁ THỂ

Chúng ta cần loại bỏ cái tôi để cá thể hóa và sau đó siêu cá thể hóa chính mình. Chúng ta cần làm tan rã cái tôi để có trung tâm ý thức cố định, chủ đề mà chúng ta đã nghiên cứu trong chương trước.

Cái tôi đa nguyên đã lãng phí chất liệu tâm lý một cách ngu ngốc vào những vụ nổ nguyên tử của thù hằn, tham lam, dục vọng, đố kỵ, kiêu căng, lười biếng, háu ăn, v.v..

Một khi cái tôi chết đi thì chất liệu tâm lý bị mắc kẹt trong chúng ta sẽ trở thành trung tâm ý thức cố định.

Ngày nay, con người – hay đúng hơn là loài động vật hai chân tự nhận mình là “con người” – thực sự chỉ là một cỗ máy do quân đoàn cái tôi điều khiển.

Hãy quan sát bi kịch của những người yêu nhau: Bao nhiêu là thề hẹn! Bao nhiêu là nước mắt! Bao nhiêu ý định tốt! Rồi thì sao? Tất cả những gì còn lại chỉ là ký ức buồn.

Họ lấy nhau, rồi thời gian trôi qua, người chồng yêu một người phụ nữ khác hoặc người vợ yêu một người đàn ông khác, và lâu đài giấy của họ sụp đổ. Tại sao? Bởi vì con người vẫn chưa có được trung tâm ý thức cố định của mình.

Cái tôi bé nhỏ hôm nay đã thề thốt một tình yêu vĩnh cửu bị thay thế bằng cái tôi nhỏ bé khác không liên quan gì đến lời hứa đó. Đơn giản vậy thôi. Chúng ta cần cá thể hóa bản thân và mình chỉ chỉ có thể làm được điều này bằng cách tạo ra một trung tâm ý thức cố định.

Chúng ta cần tạo ra một trung tâm ý thức cố định, và điều này chỉ có thể đạt được bằng cách làm tan rã cái tôi đa nguyên.

Nếu có thể nhìn thấy tất cả những mâu thuẫn nội tâm của mình trong gương, thì chúng ta sẽ phát điên lên mất. Nguồn gốc của những mâu thuẫn như vậy là từ cái tôi đa nguyên.

Bất cứ người nào muốn làm tan rã cái tôi thì đều phải bắt đầu bằng việc hiểu rõ những mâu thuẫn nội tâm của mình. Không may thay, người ta lại thích tự lừa dối bản thân để không phải nhìn thấy những mâu thuẫn của chính mình.

Bất cứ người nào muốn làm tan rã cái tôi đều phải bắt đầu từ việc ngừng lừa dối. Tất cả mọi người đều dối trá với chính bản thân mình, tất cả mọi người đều lừa dối chính mình.

Nếu muốn biết tính đa nguyên của cái tôi và những mâu thuẫn lâu năm của mình thì chúng ta không được lừa dối bản thân. Người ta tự lừa dối bản thân để không nhìn thấy những mâu thuẫn nội tâm của họ.

Tất cả những ai phát hiện ra các mâu thuẫn nội tâm đều cảm thấy xấu hổ về bản thân. Đương nhiên là thế vì người đó thấu hiểu rằng mình chẳng là ai, rằng mình chỉ là một kẻ bất hạnh, một loài giun dế khốn khổ trên trái đất.

Khám phá ra những mâu thuẫn nội tâm của chính mình đã là một thành công, vì khi đó khả năng phán đoán nội tại tự nhiên sẽ được giải phóng, cho phép chúng ta thấy rõ con đường trở thành cá thể và siêu cá thể.

Hạnh phúc và sức khỏe toàn vẹn

Chúng ta cần có hạnh phúc và sức khỏe toàn vẹn. Tất cả chúng ta đều đau khổ, chúng ta gặp nhiều đắng cay trong cuộc sống, và chúng ta muốn thay đổi.

Trong mọi trường hợp, tôi nghĩ rằng hạnh phúc và sức khỏe toàn vẹn luôn là kết quả của sự tự trọng.

Điều này nghe sẽ khá kì lạ đối với một nhà kinh tế học, một nhà thông thiên học, v.v. Tự trọng thì có liên quan gì đến các vấn đề kinh tế, các vấn đề về lao động hoặc lực lượng lao động, hoặc vốn kinh doanh, v.v.?

Tôi muốn bình luận như sau: cấp độ tâm thức của chúng ta thu hút những hoàn cảnh trong cuộc sống của mình. Chúng tôi từng sống trong một ngôi nhà rất đẹp ở thành phố Mexico. Phía sau nhà có một khoảng đất trống rất rộng. Vào một ngày nọ, có một nhóm mà chúng tôi gọi là “người nhảy dù” đã xâm chiếm khu đất đó. Chẳng bao lâu sau, họ dựng lên những căn lều bằng bìa cứng và sống ở đó. Tất nhiên những căn lều này đã trở thành thứ bẩn thỉu trong khu đất ấy. Tôi không muốn xem thường họ, nhưng nếu những căn lều kia thực sự sạch sẽ thì tôi đã không có gì phản đối. Thật không may, nhóm người ấy vô cùng bẩn thỉu.

Một cộng đồng “nhảy dù”

Từ nóc nhà, tôi đã quan sát rất kĩ cuộc sống của họ: họ xúc phạm nhau, làm tổn thương nhau, không tôn trọng nhau. Nói chung, cuộc sống của họ thật kinh hoàng, khổ sở và tồi tệ.

Lúc trước cảnh sát không đến tuần tra quanh khu này, còn bây giờ họ luôn xuất hiện ở đây. Khu vực này đã từng là một khu dân cư yên bình, nhưng sau này nó trở thành địa ngục. Từ đó, tôi đã thực chứng rằng cấp độ tâm thức thu hút những hoàn cảnh trong cuộc sống của chúng ta. Hiển nhiên là như thế.

Giả sử rằng sau một đêm, một cư dân trong số đó quyết tâm từ ngày mai anh ta sẽ tôn trọng bản thân và tôn trọng những người khác, thì rõ ràng điều đó sẽ dẫn đến sự thay đổi.

Tôn trọng bản thân nghĩa là gì? Đó là từ bỏ việc phạm pháp, không trộm cắp, không tà dâm, không ngoại tình, không ghen tị với hạnh phúc của người khác, sống khiêm tốn và giản dị, từ bỏ thói lười biếng, trở thành một người năng động, gọn gàng, tử tế, v.v. 

Khi một công dân tôn trọng chính mình, họ sẽ thay đổi cấp độ tâm thức của họ, và khi thay đổi cấp độ tâm thức đó, chắc chắn họ sẽ thu hút những hoàn cảnh sống mới. Đó là vì họ có quan hệ với những người tử tế hơn, với loại người khác, và có thể những mối quan hệ đó sẽ tạo ra sự thay đổi về kinh tế và xã hội trong đời sống của họ. Như thế, những gì tôi đang nói sẽ thành hiện thực, lòng tự trọng toàn vẹn sẽ tạo nên an sinh toàn vẹn về xã hội và kinh tế. Nhưng nếu một người không biết tôn trọng chính mình, họ cũng sẽ không tôn trọng đồng loại và sẽ tự chuốc lấy cho mình một cuộc đời khốn khổ và bất hạnh.

Hạnh phúc và sức khỏe toàn vẹn khởi nguồn từ việc tôn trọng chính mình.

Tự phản chiếu

Chúng ta không nên quên rằng ngoại cảnh chỉ là sự phản chiếu của nội tâm. Immanuel Kant, nhà triết gia xứ Konigsberg, cũng đã nói như vậy. Nếu nghiên cứu kỹ quyển “Phê Phán Lý Tính Thuần Túy” thì chắc chắn chúng ta sẽ khám phá ra rằng ngoại cảnh khởi phát từ nội tâm, theo nguyên văn của một trong những nhà tư tưởng vĩ đại nhất của mọi thời đại.

Phê Phán Lý Tính Thuần Túy là tác phẩm triết học vĩ đại của Immanuel Kant

Hình ảnh bên ngoài của một người và hoàn cảnh xung quanh họ là kết quả của hình ảnh tự thân. Mỗi chúng ta đều có một hình ảnh tự thân. Từ này được ghép bởi hai từ “tự thân” và “hình ảnh” và có ý nghĩa vô cùng sâu sắc.

Ngay lúc này, bức ảnh của Santiago xuất hiện trong đầu tôi. Ai đó đã chụp một bức ảnh cho anh bạn Santiago của chúng tôi, và điều kì lạ là có hai Santiago xuất hiện: một người trong tư thế đứng nghiêm, mặt hướng về phía trước; người còn lại ở phía trước người kia, với khuôn mặt ở một vị trí khác. Làm thế nào mà có thể có hai Santiago xuất hiện trong cùng một bức ảnh?

Tôi tin rằng bức ảnh này đáng để được phóng to ra bởi vì nó có thể được dùng để chỉ cho tất cả những ai quan tâm đến những giáo lý này. Tôi nghĩ Santiago thứ hai hẳn là hình ảnh tự phản chiếu của Santiago thứ nhất, rõ ràng là thế; bởi vì có lời chép rằng hình ảnh bên ngoài của một người và hoàn cảnh xung quanh họ chính là kết quả của hình ảnh tự thân.

Người ta cũng viết rằng ngoại cảnh chỉ đơn thuần là sự phản chiếu của nội tâm. Vì vậy, nếu chúng ta không tôn trọng chính mình, nếu hình ảnh bên trong của chúng ta vô cùng nghèo nàn, nếu chúng ta có đầy rẫy khiếm khuyết về tâm lý hay đạo đức, thì chắc chắn là những sự khó chịu bên trong đó sẽ bùng phát ra bên ngoài, chẳng hạn như những khó khăn về kinh tế, xã hội, v.v. Chúng ta đừng quên rằng hình ảnh bên ngoài và hoàn cảnh xung quanh một người là kết quả của hình ảnh tự thân của chính người đó.

Tất cả chúng ta đều có một hình ảnh tự thân. Chúng ta có thể chụp lại hình ảnh bên ngoài. Nhưng ở bên trong chúng ta còn có một hình ảnh nữa. Nói rõ hơn thì ở bên ngoài chúng ta có hình ảnh vật chất có thể thấy được, còn ở bên trong thì chúng ta có hình ảnh dạng tâm lý và siêu cảm.

Nếu bên ngoài chúng ta có một hình ảnh nghèo khó khốn khổ và nếu đi kèm với hình ảnh này là những hoàn cảnh tồi tệ, tình hình kinh tế khó khăn, các loại vấn đề và xung đột, bất kể ở nhà, ở nơi làm việc hay trên đường phố, v.v., thì điều này đơn giản là vì chúng ta có một hình ảnh tâm lý nghèo nàn, đầy khuyết điểm, đáng sợ, và chúng ta chỉ đang phản chiếu sự khốn cùng và trống rỗng của mình, phản chiếu tình trạng của bản thân lên môi trường xung quanh mà thôi.

Nếu muốn thay đổi thì chúng ta cần một sự chuyển hoá toàn diện và lớn lao. Hình ảnh, giá trị và danh tính sẽ phải thay đổi hoàn toàn.

Tôi đã viết trong một số cuốn sách của mình rằng mỗi chúng ta là một điểm trong không gian và đóng vai trò như một phương tiện cho một tổng giá trị cụ thể. Một số người đóng vai trò là phương tiện cho các giá trị vĩ đại và một số người khác đóng vai trò là phương tiện cho các giá trị tầm thường; đây là lý do tại sao mỗi người là khác biệt. Đa số mọi người đóng vai trò là phương tiện cho các giá trị của cái tôi. Các giá trị này có thể là tích cực hoặc tiêu cực. Do đó, hình ảnh, giá trị và danh tính là một tổng thể duy nhất.

Tôi muốn nói rằng chúng ta cần trải qua một sự chuyển hóa triệt để và tôi khẳng định một cách dứt khoát rằng danh tính, giá trị và hình ảnh phải được thay đổi hoàn toàn.

Chúng ta cần một danh tính mới, giá trị mới và một hình ảnh mới; đây là một cuộc chuyển hóa tâm lý, một cuộc cách mạng nội tâm. Thật vô lý khi cứ tiếp tục bị mắc kẹt trong cái vòng luẩn quẩn này. Chúng ta cần phải thay đổi một cách toàn vẹn.

Hình ảnh tự thân của một người tạo ra hình ảnh bên ngoài của họ. Khi nói về hình ảnh tự thân, tôi đang đề cập đến hình ảnh tâm lý mà chúng ta có bên trong. Hình ảnh tâm lý của chúng ta sẽ thế nào? Đó có phải là hình ảnh của sự phẫn nộ, tham lam, dục vọng, đố kỵ, tự mãn, lười biếng, háu ăn, hay là gì? Bất kỳ hình ảnh nào mà chúng ta có về bản thân, hay nói đúng hơn là hình ảnh tự thân, sẽ khởi sinh ra hình ảnh bên ngoài một cách tự nhiên.

Hình ảnh bên ngoài, cho dù có được ăn mặc đẹp, vẫn có thể tồi tệ. Có lẽ nào hình ảnh của người kiêu ngạo lại có thể là một hình ảnh đẹp, một người mà không ai chịu nổi vì không có lấy một chút khiêm tốn nào? Hình ảnh của một kẻ đầy dục vọng thì có lấy gì là thú vị không? Một người đầy dục vọng hành xử như thế nào, sống ra sao, phòng ngủ của họ trông như thế nào, hành xử của họ trong cuộc sống tình dục với người khác giới như thế nào? Liệu người đó đã bị thoái hóa rồi? Hình ảnh bên ngoài của một người đầy ghen tị sẽ thế nào, một người mà khổ sở khi thấy người khác hạnh phúc, một người vì lòng đố kỵ mà ngấm ngầm gây đau khổ cho người khác? Hình ảnh của một kẻ lười biếng, không muốn lao động, ở bẩn và gớm ghiếc, thì như thế nào? Còn hình ảnh của kẻ háu ăn thì ra sao?

Do đó, hình ảnh bên ngoài thực sự là sự phản chiếu của hình ảnh bên trong và điều này là không thể bác bỏ.

Danh tính, giá trị và hình ảnh mà chúng ta hiện đang có về bản thân thật tồi tàn. Chính vì vậy mà đời sống xã hội có đầy rẫy những xung đột và các vấn đề về kinh tế. Ngày nay, không có ai là vui vẻ, không có ai là hạnh phúc. Nhưng liệu hình ảnh, giá trị và danh tính của chúng ta có thể thay đổi được hay không? Chúng ta có thể tạo ra được một danh tính mới, giá trị mới, một hình ảnh mới hay không? Tôi quả quyết khẳng định rằng điều này là hoàn toàn có thể.

Nếu một người học được cách tôn trọng bản thân thì họ sẽ thay đổi cuộc sống của mình, không chỉ trong lĩnh vực đạo đức hoặc tâm lý mà còn trong cả lĩnh vực xã hội, kinh tế và thậm chí là chính trị. Nhưng chúng ta phải thay đổi. Đó là lý do tại sao tôi muốn nhấn mạnh rằng danh tính, giá trị và hình ảnh cần phải được thay đổi.

Không nghi ngờ gì là chúng ta cần phải làm tan rã cái tôi. Tất cả chúng ta đều có cái tôi. Khi chúng ta gõ cửa một nhà thì chủ nhà thường hỏi, Ai đấy? Chúng ta trả lời: “Tôi”. Nhưng, tôi là ai, “bản thân mình” là gì?

Thực ra cái tôi là tổng thể của các giá trị tiêu cực và tích cực. Chúng ta có thể làm tan rã cái tôi, chấm dứt những giá trị tích cực và tiêu cực này, và sau đó chúng ta có thể trở thành phương tiện phục vụ cho những giá trị mới, những giá trị của Bản thể. Nhưng trong trường hợp này chúng ta cần một phương pháp mới, nếu như chúng ta muốn loại bỏ tất cả các giá trị hiện có để tạo ra một sự thay đổi.

Phân Tâm Học

Phân tâm học nội tại là phương pháp để nhận biết và loại bỏ những giá trị tích cực và tiêu cực ở bên trong.

Chúng ta cần phải dùng đến phân tâm học nội tại. Khi một người dùng đến phân tâm học nội tại để biết về những khiếm khuyết tâm lý thì sẽ có một cản trở lớn xuất hiện; tôi muốn nhấn mạnh đến lực chuyển di ngược [16].

[16] Ở bối cảnh này “sự chuyển di ngược” là ảo tưởng về bản thân. Tham khảo bài viết chi tiết về khái niệm này tại đây.

Một người có thể tìm hiểu bản thân, có thể quay vào bên trong, nhưng khi cố gắng làm điều này thì khó khăn từ sự chuyển di ngược sẽ nảy sinh. Giải pháp nằm ở việc hướng sự chú ý vào bên trong với mục đích khám phá bản thân, để biết chính mình và loại bỏ những giá trị tiêu cực làm tổn thương tâm lý chúng ta trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội và thậm chí là cả trong lĩnh vực tâm linh.

Tôi muốn nhắc lại là khi một người cố gắng hướng vào bên trong để khám phá bản thân và để biết chính mình thì thật không may là sự chuyển di ngược lập tức nảy sinh. Chuyển di ngược là một phản lực làm cho việc hướng vào bên trong trở nên khó khăn. Nếu không có sự chuyển di ngược thì việc hướng nội sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Chúng ta cần phân tâm học nội tại; chúng ta cần tự khám phá nội tâm để thực sự biết chính mình. Homo Nosce Te ipsum… – “Hỡi con người, hãy biết chính mình, ngươi sẽ biết cả vũ trụ và các vị thần” [17].

[17] Đây là câu châm ngôn được khắc trên ngưỡng cửa của đền Delphi.

Khi áp dụng phương pháp phân tích cấu trúc, một người sẽ biết được những cấu trúc tâm lý cản trở và gây khó khăn cho việc quan sát nội tại. Bằng cách biết những cấu trúc này, chúng ta sẽ thấu hiểu chúng. Và qua việc thấu hiểu, chúng ta có thể vượt qua được các trở ngại.

Khi biết chính mình thì một người có thể thay đổi. Chừng nào còn chưa biết chính mình thì bất kỳ sự thay đổi nào cũng chỉ mang tính chủ quan mà thôi. Nhưng trước hết, chúng ta cần phân tích bản thân. Làm thế nào để vượt qua được lực chuyển di ngược? Bởi lực này làm cho phân tâm học nội tại hoặc phân tích bản thân trở nên khó khăn. Việc này chỉ có thể được thực hiện bằng cách phân tích cấu trúc [18].

[18] Học thuyết phân tích cấu trúc (Structural Analysis) và học thuyết phân tích giao dịch (Transactional Analysis) là nền tảng của trường phái tâm lý học của bác sĩ Eric Berne. Tham khảo thêm tại đây.

Bác sĩ tâm lý Eric Berne là người sáng lập phái tâm lý học “Phân tích Giao dịch” và “Phân tích Cấu trúc” – Ảnh chân dung năm 1969

Nhưng chúng ta cần một cái gì đó hơn thế nữa, chúng ta cũng cần phân tích giao dịch. Có giao dịch ngân hàng, giao dịch thương mại, v.v. Tương tự như vậy thì cũng có giao dịch tâm lý.

Các yếu tố tâm lý ở bên trong đều có thể mang ra để giao dịch, trao đổi, đấu tranh, hoán đổi vị trí v.v. Những yếu tố này không phải là một cái gì đó bất động, chúng luôn ở trong trạng thái chuyển động.

Khi một người đã khám phá được toàn diện một khiếm khuyết nào đó, như tức giận, tham lam, dục vọng, lười biếng, háu ăn, v.v., thì người đó có thể đạt được nhiều tiến bộ vượt bậc về mặt tâm lý.

Khi một người hiểu được các quá trình tâm lý và các cấu trúc thông qua phương pháp phân tích giao dịch thì những khó khăn trong việc tự xem xét tâm lý nội tại sẽ chấm dứt. Sau đó, việc tự khám phá bản thân sẽ thành công mỹ mãn.

Để đạt được sự tự khám phá toàn diện, trước tiên chúng ta phải bắt đầu bằng cách tách mình ra khỏi khiếm khuyết muốn loại bỏ và sau đó làm tan rã khiếm khuyết đó.

Một khiếm khuyết đã bị tan rã sẽ giải phóng một vài phần trăm tinh chất (Phật tính) tâm hồn. Khi chúng ta làm tan rã từng giá trị sai lầm hay nói cách khác là các khiếm khuyết của mình, thì tinh chất tâm hồn vốn bị mắc kẹt bên trong sẽ được giải phóng. Cuối cùng thì tinh chất được giải phóng hoàn toàn đó sẽ chuyển hóa triệt để chúng ta. Trong chính khoảnh khắc này, những giá trị vĩnh cửu của Bản thể sẽ được bộc lộ qua chúng ta. Đây chắc chắn là một điều kỳ diệu không chỉ đối với chúng ta mà còn đối với cả nhân loại.

Khi các giá trị tiêu cực bị tan rã hay tan biến thì chúng ta sẽ tôn trọng bản thân và người khác, và có thể nói là chúng ta sẽ trở thành suối nguồn của lòng nhân hậu cho toàn thế giới, một con người hoàn hảo, tỉnh thức và kỳ diệu.

Như một kết quả hay hệ quả tất yếu, hình ảnh tự thân huyền bí của một người tỉnh thức sẽ là khởi đầu cho hình ảnh hoàn hảo của một công dân cao quý. Hoàn cảnh của họ cũng sẽ hữu ích về mọi mặt, họ sẽ là một mắt xích vàng trong chuỗi cuộc sống càn khôn vĩ đại. Họ sẽ là một tấm gương cho toàn thế giới, một suối nguồn phúc lạc cho nhiều chúng sinh, một đấng khai sáng theo nghĩa siêu việt nhất của từ này, họ sẽ luôn tận hưởng được phúc lạc.

ĐỘNG LỰC TÂM LÝ

Khi nghiên cứu về động lực tâm lý, chúng ta cần hiểu được cách thức và lý do tại sao tâm trí hoạt động.

Tâm trí chắc chắn là một công cụ mà chúng ta cần học cách sử dụng một cách thông minh. Nếu chúng ta chưa biết cách thức và lý do hoạt động của tâm trí thì việc kỳ vọng công cụ này hoạt động một cách hiệu quả là hết sức vô lý.

Khi biết được cách thức và lý do hoạt động của tâm trí, khi biết được các chức năng của tâm trí thì một người có thể kiểm soát tâm trí. Sau đó, tâm trí sẽ trở thành một công cụ hữu ích và hoàn hảo, một phương tiện kỳ diệu giúp chúng ta nỗ lực cống hiến vì lợi ích của nhân loại.

Quả thật, chúng ta cần một hệ thống thực tế nếu chúng ta thực sự muốn biết về tiềm năng của tâm trí con người.

Trong thời đại này có rất nhiều hệ thống để kiểm soát tâm trí. Nhiều người nghĩ rằng chỉ cần thực hành một số bài tập giả tạo nhất định thì đã có thể kiểm soát tâm trí một cách kỳ diệu rồi. Có nhiều trường phái, nhiều hệ thống, nhiều lý thuyết về tâm lý nhưng làm thế nào để có thể sử dụng tâm trí một cách hữu ích? Nếu chưa hiểu được cách thức và lý do hoạt động của tâm trí thì chúng ta chưa thể có được một tâm trí hoàn hảo. Hãy suy ngẫm về điều này.

Để có một tâm trí hoàn hảo, chúng ta cần phải biết về các chức năng của tâm trí. Tâm trí hoạt động như thế nào? Tại sao tâm trí lại hoạt động? Đây là hai câu hỏi mà chúng ta chắc chắn phải trả lời.

Ví dụ, khi ném một hòn đá vào một cái hồ thì sẽ tạo nên các gợn sóng. Đây là phản ứng của hồ, của nước khi viên đá được ném xuống. Tương tự, nếu ai đó mỉa mai chúng ta thì những lời này sẽ chạm đến tâm trí và nó sẽ phản ứng lại, tiếp theo đó những xung đột sẽ xảy ra.

Toàn bộ thế giới đang có vấn đề, toàn bộ thế giới sống trong xung đột. Tôi đã quan sát rất kỹ các ban tranh luận của nhiều tổ chức, trường phái, v.v. Họ đều không tôn trọng lẫn nhau. Tại sao? Bởi vì họ không tôn trọng chính mình.

Hãy quan sát một thượng nghị viện, một hạ viện hoặc đơn giản là ban giám hiệu của một trường học. Chỉ cần ai nói một điều gì đó là những người khác cảm thấy bị động chạm và trở nên tức giận rồi đáp trả bằng những lời thậm tệ hơn. Kết cục là các thành viên của hội đồng quản trị cãi vã nhau trong một cuộc hỗn loạn lớn. Phản ứng tâm lý của mỗi một người trước các tác động của ngoại cảnh đều rất gay gắt.

Người ta thực sự cần phân tâm học nội tại để khám phá tâm trí của chính mình. Chúng ta cần hiểu bản thân mình rõ hơn một chút, về mặt lý luận. Ví dụ, tại sao mình lại phản ứng trước lời nói của một người anh em như vậy? Trong những tình huống như thế này hay thế nọ, chúng ta luôn là nạn nhân. Nếu ai đó muốn ta bằng lòng, họ chỉ cần vỗ vai và nói vài câu hòa nhã. Nếu ai đó muốn ta buồn bã, họ chỉ cần nói một vài lời khó chịu.

Vậy thì lý trí tự do thực sự của chúng ta ở đâu? Là gì? Chúng ta phụ thuộc rõ rệt vào người khác, chúng ta là nô lệ. Các quá trình tâm lý của chúng ta phụ thuộc hoàn toàn vào người khác. Chúng ta không thể kiểm soát các quá trình tâm lý của mình và điều này thật khủng khiếp.

Mọi người thống trị chúng ta cùng các quá trình nội tâm của ta. Ví du:

Một người bạn đột nhiên đến mời chúng ta đi dự tiệc. Chúng ta đến nhà bạn, anh ấy mời ta một ly rượu. Vì ngại từ chối nên ta nhận ly rượu ấy, cạn ly, rồi lại thêm một ly nữa, cứ thế chúng ta uống cho đến say. Người bạn này là chúa tể và là người cai trị các quá trình tâm lý của chúng ta.

Một tâm trí như vậy thì làm được gì? Nếu ai đó thống trị chúng ta, nếu cả thế giới có quyền thống trị chúng ta, thì lý trí tự do của chúng ta nằm ở đâu? Lý trí tự do của chúng ta là gì?

Đột nhiên, chúng ta đứng trước một người khác giới, chúng ta đồng nhất với họ và rồi cuối cùng thì kết thúc bằng việc tà dâm và ngoại tình. Điều này có nghĩa là người khác giới đó đã lấn lướt và chiến thắng quá trình tâm lý của chúng ta, người đó đã điều khiển chúng ta, bắt chúng ta phải theo ý họ. Đây có phải là tự do hay không?

Thú vật trí năng được nhầm gọi là con người trong thực tế đã được dạy để phủ nhận danh tính, giá trị và hình ảnh đích thực của mình. Danh tính đích thực, giá trị đích thực và hình ảnh Bản thể sâu thẳm của mỗi chúng ta là gì? Có lẽ đó là cái tôi hay là tính cách? Không! Chúng ta có thể vượt ra khỏi cái tôi và khám phá Bản thể bằng phương pháp phân tâm học nội tại.

Không nghi ngờ gì nữa, chính Bản thể mới là danh tính, giá trị và hình ảnh đích thực của chúng ta. Bản thể là K – N, Kosmos-Người hay Người Kosmos [19]. Thật không may, như tôi đã nói thì thú vật trí năng bị gọi nhầm là con người đã tự dạy mình cách phủ nhận những giá trị nội tại của chính mình, họ đã rơi vào chủ nghĩa duy vật của thời đại suy tàn này, đã quỳ gối đầu hàng trước mọi tệ nạn trên Trái Đất và vẫn đang bước đi trên con đường lầm lỗi.

[19] Kosmos (tiếng Hy lạp cổ: κόσμος) là “trật tự” hay là “vũ trụ”

Thật là vô lý khi chấp nhận một nền văn hóa tiêu cực được hấp thụ vào bên trong chúng ta một cách chủ quan chỉ để tránh phải đối phó với lực kháng cự. Thật không may là con người ngày nay thích đi theo con đường ít kháng cự nhất và chấp nhận nền văn hóa chủ nghĩa duy vật sai lầm của thời đại này. Họ để cho nền văn hóa này ăn sâu vào tâm lý của mình. Đây chính là cách dẫn họ đến việc phủ nhận giá trị đích thực của Bản thể.

HÀNH ĐỘNG SÚC TÍCH CỦA BẢN THỂ

Hành động súc tích của bản thể là biểu hiện gọn gàng, hành động ngắn gọn mà bản thể đích thực của mỗi chúng ta thực hiện theo cách tổng hợp, chính xác như toán học hay như bảng tính Pythagoras.

Bảng tính Pythagoras (Py-ta-go)

Tôi muốn các bạn suy ngẫm sâu sắc về hành động súc tích của Bản thể. Hãy nhớ rằng ở thế giới phía trên, trong không gian vô hạn, trong không gian tinh tú, mọi hành động đều là kết quả của một phương trình và một công thức chính xác. Tương tự như vậy thì chúng ta có thể khẳng định một cách dứt khoát bằng suy luận logic đơn thuần rằng hình ảnh thực sự của chúng ta, Kosmos-Người nội tại, là hoàn hảo và vượt ra khỏi mọi giá trị giả tạo.

Không nghi ngờ gì là mỗi hành động của bản thể là kết quả của một phương trình và công thức chính xác. 

Có một số trường hợp bản thể thành công trong việc thể hiện bản thân thông qua một người đã thay đổi được hình ảnh, giá trị và danh tính của mình. Những người như thế đã trở thành nhà tiên tri đích thực, người được khai sáng thực sự.

Nhưng đáng tiếc thay có một số người đã nguyện phụng sự như một phương tiện của bản thể nhưng thực tế thì họ lại chưa hiểu được ý định của đấng thiêng liêng.

Khi một người phụng sự như là một phương tiện của bản thể nhưng lại chưa cống hiến phi vụ lợi cho nhân loại, thì người đó vẫn chưa hiểu được bản chất của công thức chính xác ẩn dưới mọi hành động súc tích của Bản thể. Một người chỉ có thể thấu hiểu được hành động súc tích của Bản thể khi họ không còn bám chấp vào kết quả của hành động, khi họ không mong đợi bất kỳ phần thưởng nào và khi họ lấy tình yêu làm động cơ thúc đẩy trong công việc cống hiến cho nhân loại.

Tôi nhắc lại, chúng ta cần phải trải qua một sự thay đổi toàn diện về bản thân. Hình ảnh, giá trị và danh tính phải thay đổi. Hình ảnh trẻ trung của con người hạ giới thật đẹp biết bao. Tuy nhiên, sẽ tốt hơn nhiều nếu chúng ta có được hình ảnh tâm linh và thiên giới ngay bây giờ và ở đây, trong thân thể bằng xương bằng thịt.

Thay vì sở hữu giá trị sai lầm của cái tôi thì chúng ta nên đặt giá trị tích cực của bản thể ở trong trái tim và tâm trí của mình. Thay vì một danh tính tầm thường, chúng ta hãy phát triển một danh tính để phụng sự bản thể.

Chúng ta hãy suy ngẫm về sự cần thiết của việc trở thành biểu hiện sống động của Bản thể. Bản thể là Bản thể và lý do tồn tại của Bản Thể chính là Bản Thể.

Chúng ta phải phân biệt rõ ràng giữa biểu hiện và tự biểu hiện. Cái tôi có thể biểu hiện nhưng cái tôi sẽ không bao giờ có thể tự biểu hiện. Cái tôi được biểu hiện qua tính cách và những biểu hiện này là chủ quan. Cái tôi nói những gì người khác đã nói, thuật lại những gì người khác đã kể, giải thích những gì người khác đã giải thích. Nhưng cái tôi không bao giờ có thể tự biểu hiện rõ ràng như bản thể.

Sự tự biểu hiện khách quan đích thực của Bản thể mới là điều quan trọng. Khi Bản thể biểu hiện qua chúng ta, sự biểu hiện này là hoàn hảo và súc tích.

Chúng ta phải làm tan rã cái tôi dựa trên phân tâm học nội tại để cho Ngôi lời, lời nói của Bản thể được biểu hiện qua chúng ta.

LÒNG TỰ ÁI

Người ta nói nhiều về tính háo danh của phụ nữ. Thực sự, đây là biểu hiện sống động của lòng tự ái.

Một người phụ nữ khi đứng trước gương hoàn toàn trở thành một kẻ cuồng ái ngưỡng mộ bản thân, tự tôn sùng chính mình đến mức điên cuồng. Họ trang điểm lồng lộn, tô vẽ khuôn mặt và uốn tóc chỉ với mục đích duy nhất là khiến cho người khác thốt lên: “Bạn thật lộng lẫy, bạn thật xinh đẹp, bạn trông như một nữ thần vậy!”, v.v.

Cái tôi luôn cảm thấy thích thú khi mọi người chiêm ngưỡng nó. Cái tôi tô điểm bản thân để được người khác ngưỡng mộ. Cái tôi tin rằng mình đẹp đẽ, trong sáng, thánh thiện, đức hạnh và đặc biệt không tả xiết, v.v. Không ai tin rằng mình ác độc, tất cả mọi người đều cho rằng bản thân mình tốt đẹp và công bằng.

Lòng tự ái thật khủng khiếp. Ví dụ, những người cuồng tín của chủ nghĩa duy vật do tự ái mà không chấp nhận sự tồn tại của các chiều cao cấp của không gian. Họ sùng ái bản thân quá mức và tất nhiên là họ muốn các chiều cao cấp của không gian, của vũ trụ và của sự sống siêu cảm phải tuân theo ý thích tùy hứng của cá nhân họ. Họ không có khả năng vượt ra khỏi những tiêu chuẩn và lý thuyết thiển cận của chính mình, vượt ra ngoài cái tôi yêu quý và những nguyên tắc lý trí của họ.

Cái chết vật lý không giải quyết được vấn đề trí mạng của cái tôi. Chỉ có cái chết tâm lý của cái tôi mới giải quyết được khổ đau của con người. Nhưng cái tôi lại yêu bản thân mình quá mức và không bao giờ nó lại muốn chết. Chừng nào cái tôi còn tồn tại thì bánh xe luân hồi, bánh xe trí mạng của bi kịch con người vẫn sẽ luân chuyển.

Khi thật sự yêu thì chúng ta từ bỏ được cái tôi. Trong cuộc sống, để tìm được một người thực sự đang yêu là rất hiếm. Mọi người đều say mê nhưng đó không phải là tình yêu. Người ta say mê khi gặp người mình thích. Nhưng họ sẽ bắt đầu nhìn thấy những sai sót, khiếm khuyết giống mình ở người kia và người kia sẽ trở thành một tấm gương để họ có thể chiêm nghiệm toàn diện về bản thân mình. Thực sự là họ đang không yêu người yêu của mình, họ chỉ yêu bản thân mình và thích thú khi nhìn thấy bản thân mình trong tấm gương này mà thôi. Đó chính là nơi họ gặp gỡ bản thân và lầm tưởng rằng mình đang yêu một người khác. Cái tôi thích thú khi đứng trước gương và cảm thấy hạnh phúc khi nhìn thấy chính mình trong những người có những phẩm chất, đức tính và khuyết điểm tương tự.

Chỉ bằng cách chấm dứt lòng tự ái, chỉ khi tâm trí thoát khỏi mọi giả định, chỉ khi cái tôi vắng bóng, thì chúng ta mới có thể trải nghiệm được sự thật.

Những người thuyết giáo nói nhiều về sự thật, nhưng liệu có thể biết được sự thật khi sự tự ái vẫn còn tồn tại trong chúng ta?

Nhiều người sẽ chỉ trích tác phẩm “Biện chứng Tâm thức” này. Như mọi khi, những người giả uyên bác sẽ cười nhạo những tuyên bố khác thường này vì lời dạy này không trùng khớp với những giả định trong lý trí và những lý thuyết phức tạp trong ký ức của họ.

Các học giả không có khả năng lắng nghe “Tâm lý học cho sự chuyển hóa triệt để” với tinh thần cởi mở, không vướng mắc vào các giả định, lý thuyết và định kiến trong tâm trí. Họ không có khả năng mở lòng đón nhận những điều mới mẻ với một tâm trí hợp nhất, một tâm trí không bị phân chia bởi cuộc chiến giữa chính đề và phản đề.

Các học giả chỉ nghe để đối chiếu với các giả định trong trí nhớ của họ. Các học giả chỉ nghe để dịch lại theo ngôn ngữ của những thành kiến và định kiến của họ, rồi đi đến kết luận rằng giáo lý của Biện chứng Tâm thức chỉ là huyễn tưởng. Các học giả luôn làm như vậy, tâm trí của họ đã bị thoái hóa đến mức họ không còn khả năng khám phá những điều mới mẻ nữa.

Cái tôi ngạo mạn muốn mọi thứ phải trùng khớp với lý thuyết và giả định lý trí của nó. Cái tôi muốn tất cả ý thích ngẫu hứng của nó phải được thỏa mãn. Nó muốn toàn thể vũ trụ phải tuân theo các thí nghiệm của mình.

Cái tôi khinh miệt tất cả những ai làm tổn thương lòng tự ái của nó. Cái tôi tôn thờ các lý thuyết và định kiến của mình.

Nhiều khi chúng ta khinh miệt người khác một cách vô cớ. Tại sao? Đơn giản vì người đó là hiện thân cho những lỗi lầm mà chúng ta đang giấu kín ở bên trong và chúng ta không thích họ phô bày những lỗi lầm đó. Thực sự là chúng ta đang khiển trách người khác vì những lỗi lầm ở bên trong sâu thẳm của chính mình.

Trên đời này không ai là hoàn hảo cả, tất cả chúng ta đều giống nhau. Mỗi chúng ta chỉ là con sâu xấu xí trong lòng của thực tế vĩ đại.

Khi một người không có khuyết điểm ở chỗ này, thì họ sẽ có khuyết điểm ở chỗ khác. Một số người không thèm muốn tiền bạc nhưng họ lại thèm muốn danh vọng, danh dự, bạn tình, v.v. Có những người không ngoại tình với vợ của người khác nhưng họ lại nhân danh tình anh em toàn cầu để “ngoại tình” với các giáo lý, tức là họ và pha trộn các tín ngưỡng. [19.1]

[19.1] Ngoại tình với các giáo lý – trong tiếng Tây Ban Nha, từ “ngoại tình” (adulterar) có hai ý nghĩa: “ngoại tình” và “pha trộn, biến đổi một cách sai lầm”.

Có người không ghen tuông với vợ của mình nhưng họ lại “ghen tuông” [20] với mối quan hệ bạn bè, tín ngưỡng, giáo phái, tài sản, v.v. Đây chính là bản chất con người, chúng ta đều giống nhau như đúc.

[20] Trong tiếng Tây Ban Nha từ “ghen tuông” (celan) cũng có thể được hiểu như là “bủn xỉn”, “ngại chia sẻ vì sợ thiếu”

Không có ai lại không yêu bản thân mình. Ta đã nhiều lần phải nghe người khác thao thao bất tuyệt hàng giờ về bản thân họ, về những kỳ tích, tài năng, đức hạnh của họ, v.v.

Cái tôi yêu bản thân đến mức nó ghen tị với hạnh phúc của người khác. Phụ nữ tô điểm cho mình bằng nhiều phụ kiện, một phần là để thu hút sự chú ý của đàn ông và một phần là để đánh thức lòng đố kỵ ở những người phụ nữ khác. Tất cả mọi người đều ghen tị với nhau. Tất cả mọi người đều ghen tị với chiếc váy, chiếc vòng cổ đẹp của người khác, v.v. Họ đều ngưỡng mộ bản thân và không muốn thấy mình kém cỏi hơn người khác; họ là những kẻ hoàn toàn cuồng ái bản thân.

Một số người theo các trường phái giả huyền học, một số tín đồ của các giáo phái yêu bản thân đến mức họ đã tin rằng mình là suối nguồn của lòng khiêm tốn và sự thiêng liêng. Họ cảm thấy tự hào về lòng khiêm tốn của chính mình. Họ tự hào ghê gớm.

Không có một anh chị em nào theo giả huyền học mà trong sâu thẳm lại không tự mãn về sự thiêng liêng, lộng lẫy và vẻ đẹp tinh thần của chính mình.

Cái tôi yêu bản thân quá mức đến nỗi nó cho rằng mình tốt và hoàn hảo, ngay cả khi nó không nói ra ngoài.

Không một anh chị em nào theo trường phái giả huyền học lại tin rằng mình ác độc hay cố chấp. Tất cả bọn họ đều cho rằng mình là thánh và hoàn hảo ngay cả khi họ thực sự không chỉ ác độc, mà còn cố chấp.

AHIMSA (Phi bạo lực)

Ahimsa là tư tưởng thuần túy của Ấn Độ, tư tưởng phi bạo lực. Ahimsa thực sự được truyền cảm hứng từ tình yêu phổ quát. Himsa có nghĩa là muốn giết, muốn hãm hại người khác. Do đó, Ahimsa có nghĩa là từ bỏ mọi ý định về việc dùng bạo lực để giết hoặc hãm hại người khác.

Ahimsa trái ngược với tâm kiêu ngạo. Ahimsa là lòng vị tha và tình yêu thương tuyệt đối. Ahimsa là hành động cương trực.

Mohandas Gandhi, 1931

Mahatma Gandhi đã lấy Ahimsa làm nền tảng cho giáo lý chính trị của mình. Gandhi định nghĩa biểu hiện của Ahimsa như sau:

“[Phi bạo lực] không phải là từ bỏ mọi đấu tranh đích thực chống lại cái ác. Ngược lại, phi bạo lực theo quan niệm của tôi, thiết lập một chiến dịch chống lại cái ác một cách tích cực hơn sự trả đũa, bởi bản chất của sự trả đũa làm tăng tính cố chấp. Tôi đề nghị chống lại sự vô đạo đức bằng sự phản kháng về mặt lý trí và theo sau đó là sự phản kháng về mặt đạo đức. Tôi cố gắng làm cùn thanh gươm của một bạo chúa, không phải bằng cách dùng một thanh gươm sắc hơn để đánh lại nó, mà bằng cách làm cho ông ta thất vọng, bằng cách không thể hiện bất kỳ sự kháng cự nào về mặt vật chất. Tôi sẽ để sức kháng cự của tâm hồn thay thế [cho sức kháng cự vật chất] và sẽ thoát khỏi sự tấn công của ông ta. Sức kháng cự này trước hết sẽ làm ông ta bị chói mắt và sau đó sẽ buộc ông ta phải công nhận. Và hành động công nhận đó sẽ không làm bẽ mặt kẻ tấn công mà sẽ đề cao phẩm giá của hắn…” [21]

Không có vũ khí nào mạnh mẽ hơn một tâm hướng thiện!

[21] Trích “Non-violence in Peace and War” bởi M. K. Gandhi, ấn bản 1942, trang 48.

Cái tôi là thứ gây ra sự mất đoàn kết, phản bội và hỗn loạn cho nhân loại đau khổ đáng thương. Tâm kiêu ngạo, sự phản bội và thiếu tình anh em đã chia rẽ nhân loại.

Cái tôi đã không được tạo ra bởi Đức Cha, Tâm Linh hay vật chất. Cái tôi được tạo ra bởi tâm trí và nó sẽ chỉ ngừng tồn tại khi chúng ta thấu hiểu nó hoàn toàn trong tất cả các cấp độ của tâm trí. Chỉ bằng hành động đúng đắn, nhập định đúng đắn, ý chí đúng đắn, lối sống đúng đắn, nỗ lực đúng đắn và tri thức đúng đắn thì chúng ta mới có thể làm tan rã cái tôi [22]. Điều cấp bách là phải thấu hiểu tất cả những điều này một cách sâu sắc nếu chúng ta thực sự muốn đạt được sự thay đổi triệt để của Biện chứng Tâm thức.

[22] Đoạn này đang để cập đến sáu phần trong Bát chánh đạo của Phật giáo:
hành động đúng đắn – chính nghiệp (pi. sammā-kammanta, sa. samyak-karmānta)
nhập định đúng đắn – chính định (pi. sammā-samādhi, sa. samyak-samādhi)
ý chí đúng đắn – chính tư duy (pi. sammā-saṅkappa, sa. samyak-saṃkalpa)
lối sống đúng đắn – chính mệnh (pi. sammā-ājīva, sa. samyag-ājīva)
nỗ lực đúng đắn – chính tinh tiến (pi. sammā-vāyāma, sa. samyag-vyāyāma)
tri thức đúng đắn – chính kiến (pi. sammā-diṭṭhi, sa. samyag-dṛṣṭi)

Bản chất của tính cách là năng lượng. Nó được hình thành từ thời thơ ấu qua những thói quen, phong tục, ý tưởng, v.v. Tính cách được củng cố bởi những trải nghiệm của cuộc sống. Cả tính cách và cái tôi cần phải được tan rã. Về khía cạnh tâm lý, giáo lý của chúng tôi triệt để hơn giáo lý của Gurdjieff và Ouspensky.

Chúng ta không nên nhầm lẫn tính cách với cái tôi. Sự thật là tính cách được hình thành trong bảy năm đầu đời, còn cái tôi là lỗi lầm kéo dài từ thế kỷ này sang thế kỷ khác và mỗi lần đầu thai thì sự vô thức của nó càng trở nên mạnh mẽ hơn.

Cái tôi sử dụng tính cách như một công cụ để hành động. Chủ nghĩa personalismo [23] là kết quả của sự pha trộn giữa cái tôi và tính cách. Chính cái tôi đã sáng lập ra chủ nghĩa tôn thờ cá nhân. Thực sự, chủ nghĩa personalismo sinh ra sự tự cao tự đại, lòng thù hận, bạo lực, v.v. Ahimsa bác bỏ tất cả những thứ này.

[23] Chủ nghĩa personalismo chỉ việc tôn thờ một người lãnh đạo và hoạt động theo các tư tưởng và xu hướng cá nhân của người đó thay cho những nguyên tắc và tư tưởng phổ quát, đặc biệt là trong lĩnh vực chính trị. Tham khảo thêm về Chủ nghĩa Cá nhân tại đây.

Chủ nghĩa personalismo phá hoại hoàn toàn các tổ chức huyền học. Chủ nghĩa personalismo tạo ra tình trạng hỗn loạn và lộn xộn. Chủ nghĩa personalismo hoàn toàn có thể phá hủy bất kỳ tổ chức nào.

Trong mỗi lần đầu thai thì cái tôi tạo ra một tính cách mới. Mỗi người đều khác nhau trong mỗi đời kiếp.

Chúng cần phải biết cách sống. Khi cái tôi tan rã thì thực tại vĩ đại, hạnh phúc đích thực, thực tế không tên [24] sẽ đến với chúng ta.

[24] Thực tế không tên – hãy tham khảo ghi chú về Đấng Tự hữu Hằng Hữu tại đây.

Chúng ta cần phân biệt giữa Bản thể và cái tôi. Con người hiện nay chỉ có cái tôi. Con người chưa hiện thân được Bản thể. Việc hiện thân Bản thể là cấp bách bởi chúng ta cần biết rằng Bản thể là hạnh phúc vô hạn.

Thật vô lý khi nói rằng Bản thể là “cái tôi cao cấp”, “cái tôi thần thánh”, v.v. Vì bản thể là phổ quát và thuộc về toàn bộ vũ trụ và không thể có bất kỳ hương vị nào của cái tôi. Chúng ta hãy đừng cố thần thánh hóa cái tôi.

Ahimsa là phi bạo lực trong suy nghĩ, lời nói và hành động. Ahimsa là tôn trọng ý tưởng của người khác, tôn trọng tất cả các tôn giáo, trường học, giáo phái, tổ chức, v.v.

Chúng ta đừng mong đợi cái tôi tiến hóa bởi vì cái tôi không bao giờ có thể tự hoàn thiện bản thân. Chúng ta cần một cuộc chuyển hóa triệt để của tâm thức. Công cuộc chuyển hóa tâm thức là sự chuyển hóa duy nhất chúng ta chấp nhận.

Khi chúng ta chết đi trong từng khoảnh khắc thì sự hòa hợp giữa người với người sẽ dần dần phát triển. Khi chúng ta chết đi trong từng khoảnh khắc thì tinh thần hợp tác sẽ dần dần thay thế hoàn toàn cho sự cạnh tranh. Khi chúng ta chết đi trong từng khoảnh khắc thì thiện chí sẽ thay thế cho ác ý.

Giáo lý Ahimsa dựa trên Biện chứng Tâm thức, dựa trên sự chuyển hóa triệt để của tâm thức.

Những người thành ý sẽ chấp nhận Ahimsa. Chúng ta không thể tạo ra một trật tự mới trong tâm lý mà lại bỏ qua giáo lý về phi bạo lực.

Ahimsa nên được nuôi dưỡng trong tổ ấm gia đình bằng cách đi theo con đường Hôn nhân Hoàn hảo. Hạnh phúc chỉ có thể ngự trị trong những tổ ấm qua suy nghĩ và hành động phi bạo lực.

Ta nên coi Ahimsa là nền tảng của cuộc sống hàng ngày, tại văn phòng, tại công xưởng, ở vùng nông thôn, ở nhà, trên đường phố, v.v. Chúng ta nên sống theo giáo lý phi bạo lực.

HÀNH VI BẦY ĐÀN

Hành vi bầy đàn là xu hướng của bộ máy con người để khi hòa nhập vào nhóm mà không có bất kỳ sự phân biệt hay kiểm soát nào.

Hãy quan sát hành vi của một người khi ở cùng một nhóm người hoặc một đám đông. Tôi chắc chắn rằng rất ít người dám đi ra đường một mình và ném đá vào người khác. Tuy nhiên, họ lại có thể làm thế khi đi cùng một nhóm. Một người có thể bị cuốn vào một cuộc biểu tình công cộng và khi hăng máu lên thì họ có thể hùa theo đám đông để ném đá người khác, mặc dù sau đó người này sẽ tự hỏi sao mình lại làm điều đó?

Khi ở trong một đám đông, con người cư xử rất khác. Họ làm những điều không bao giờ làm khi ở một mình. Điều này là vì sao? Đó là do họ đã mở cửa tiếp nhận ấn tượng tiêu cực và cuối cùng làm những việc mà họ sẽ không bao giờ làm khi ở một mình.

Khi một người mở cửa tiếp nhận những ấn tượng tiêu cực thì họ không chỉ thay đổi trật tự của trung tâm cảm xúc trong trái tim mà còn làm cho nó trở nên tiêu cực. Ví dụ, chúng ta mở cửa tiếp nhận cảm xúc tiêu cực từ một người đang rất tức giận vì ai đó làm tổn thương họ. Và rồi cuối cùng chúng ta kết bè phái với người kia chống lại những người mà đã làm tổn thương họ. Rồi chúng ta cũng đầy tức giận trong khi chúng ta không hề liên quan gì đến vấn đề của người kia.

Giả sử rằng một người mở cửa tiếp nhận ấn tượng tiêu cực từ một người say rượu, rồi cuối cùng người ấy cạn một ly, sau đó là hai, ba,… và đến tận mười ly. Cuối cùng thì người ấy cũng trở thành một con sâu rượu.

Giả sử rằng khi một người mở cửa tiếp nhận những ấn tượng tiêu cực về một người khác giới thì cuối cùng khả năng cao là người đó cũng sẽ tà dâm và phạm đủ các loại tội khác [25].

[25] 7 đại tội – Tham khảo thêm bài viết chi tiết tại đây.

Nếu chúng ta mở cửa tiếp nhận những ấn tượng tiêu cực của một kẻ nghiện thì cuối cùng chúng ta có thể cũng sẽ hút cần sa hoặc sử dụng một số chất kích thần khác. Kết cục là thảm họa sẽ đến.

Đây là cách mà con người tiêm nhiễm cho nhau trong bầu không khí tiêu cực. Kẻ trộm biến người khác thành kẻ trộm. Kẻ giết người tiêm nhiễm cho người khác. Kẻ nghiện tiêm nhiễm cho người khác. Và những kẻ nghiện ngập, trộm cắp, lợi dụng, giết người, v.v, sẽ nhân lên. Tại sao? Chúng ta phạm phải lỗi lầm là luôn mở rộng cửa cho cảm xúc tiêu cực và điều này không bao giờ là đúng cả. Chúng ta hãy biết chọn lọc cảm xúc.

Nếu ai đó mang đến cho chúng ta những cảm xúc tích cực về ánh sáng, về vẻ đẹp, về sự hài hòa, về hạnh phúc, về tình yêu, về sự hoàn hảo, thì chúng ta hãy mở rộng cánh cửa của trái tim mình cho người ấy. Nhưng nếu ai đó mang đến cho chúng ta những cảm xúc tiêu cực như căm ghét, bạo lực, ghen tuông, nghiện ma túy, nghiện bia rượu, tà dâm và ngoại tình, thì tại sao chúng ta lại phải mở rộng cửa trái tim mình? Chúng ta hãy đóng cửa lại! Hãy đóng cửa trước những cảm xúc tiêu cực.

Khi một người suy ngẫm về hành xử bầy đàn thì họ có thể hành động một cách hoàn hảo hơn và làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

SỰ BIẾN DẠNG CỦA NGÔN TỪ

Tiếng nổ của một khẩu đại bác có thể phá hủy kính cửa sổ. Mặt khác, một lời nói nhẹ nhàng có thể xoa dịu một cơn tức giận hay thịnh nộ; nhưng một ngôn từ xúc phạm, chói tai lại có thể tạo ra sự sân hận, u uất, buồn bã, hận thù, v.v.

Người ta nói rằng “im lặng là vàng” nhưng nói đúng hơn là: lên tiếng khi cần im lặng hay im lặng khi cần lên tiếng đều không đúng.

Có tội ác không lời; cũng có lời vu khống. Một người nên suy tính với lòng cao thượng về kết quả của những lời mình nói, bởi đôi khi chúng ta có thể làm tổn thương người khác chỉ bằng những lời nói trong vô thức.

Ngôn từ đầy ác ý dẫn đến sự tà dâm trong cõi lý trí. Và ngôn từ loạn nhịp tạo ra bạo lực trong cõi lý trí của vũ trụ.

Đừng bao giờ lên án người khác bằng ngôn từ bởi vì chúng ta không bao giờ được phán xét bất kỳ ai. Lời vu khống, lời đàm tiếu và lời phỉ báng đã khiến thế giới tràn ngập khổ đau và cay đắng.

Khi rèn luyện siêu động lực tình dục thì chúng ta phải hiểu rằng năng lượng sáng tạo có thể được biến đổi theo nhiều kiểu. Năng lượng Libido [26] này có thể được biến đổi thành sức mạnh của ánh sáng hoặc bóng tối. Tất cả phụ thuộc vào chất lượng của ngôn từ.

[26] Libido: Trong bối cảnh không chuyên môn từ Libido được hiểu là nguồn gốc tinh thần của lực hấp dẫn tình dục hay chỉ đơn giản là bản năng sinh sản. Vì thế, từ này thường được dịch là dục năng. Tuy nhiên, trong bối cảnh của Gnosis, chúng ta cần một định nghĩa tinh tế hơn.
Khái niệm về Libido xuất phát từ các tác phẩm và công trình nghiên cứu của bác sĩ tâm lý Sigmund Freud và được phát triển thêm bởi bác sĩ Carl Jung. Ở đây chúng tôi chia sẻ một số định nghĩa của từ Libido và phân tích về mối quan hệ giữa Libido khi được hiểu như là năng lượng tinh thần nói chung và Libido khi được hiểu như là nguồn gốc của bản năng tình dục nói riêng.

Tham khảo chi tiết tại đây.

Con người hoàn hảo luôn nói những lời hoàn hảo. Học trò Gnosis muốn đi theo con đường Biện chứng Tâm thức phải làm quen với việc kiểm soát lời nói của mình. Họ cần học cách sử dụng từ ngữ.

“Chẳng phải những gì đi vào miệng làm hại con người; nhưng những gì từ miệng ra, mới có hại! Tất cả những lời lăng mạ, mưu đồ, phỉ báng, tức giận, tranh luận được nói ra từ miệng đều làm tổn thương đến người khác” [27].

[27] Câu này trích từ Ma-thi-ơ 15, Kinh Thánh.

Hãy tránh xa tất cả các loại cuồng tín vì khi cuồng tín, chúng ta gây tổn hại nghiêm trọng cho người khác và cho đồng loại của mình.

Một người có thể làm tổn thương người khác không chỉ bằng lời xúc phạm hoặc bằng lời châm biếm bóng gió mỹ miều, mà còn bằng cả giọng điệu, bằng âm sắc chói tai và loạn nhịp.

BIẾT CÁCH LẮNG NGHE

Chúng ta phải học cách lắng nghe. Và để học cách lắng nghe thì chúng ta phải thức tỉnh tâm thức.

Để học cách lắng nghe, chúng ta phải biết cách sống trong hiện tại. Người biết lắng nghe luôn thoát được ra khỏi quốc gia và thành phố tâm lý của mình [28].

[28] Quốc gia Tâm lý – Tham khảo chi tiết tại đây.

Tính cách không biết cách lắng nghe, cơ thể vật chất cũng không biết cách lắng nghe vì cơ thể chỉ là phương tiện của tính cách.

Con người luôn đầy những tư tưởng về bản thân, đầy sự kiêu hãnh và tự mãn về khả năng và triết lý của mình. Họ không để dành một góc nhỏ hay chỗ trống cho tri thức, cho ngôn từ [29]. Chúng ta nên ngửa cái bát của mình lên, giống như Đức Phật, để tiếp nhận ngôn từ Kitô.

[29] Ngôn từ là Ngôi Lời. Tham khảo chi tiết tại đây.

“Ngửa cái bát của mình lên, giống như Đức Phật”

Lắng nghe bằng tâm rất khó. Chúng ta phải học cách chú tâm liên tục thì mới biết cách lắng nghe. Chúng ta phải mở rộng hơn để đón nhận ngôn từ.

Mọi người không nhớ được các kiếp trước của mình là bởi vì họ không có mặt ở trong ngôi nhà tâm lý của mình, bởi vì họ đi vắng.

Chúng ta phải nhớ đến chính mình. Trong ngày, chúng ta phải thư giãn càng nhiều càng tốt.

Chúng ta mắc nhiều lỗi lầm bởi vì quên mất Bản thể. Nếu chúng ta nhớ đến bản thân, nhiều điều kỳ diệu sẽ xảy ra.

Thảo luận, bàn bạc là cần thiết, nhưng điều quan trọng là phải biết cách lắng nghe. Để biết cách lắng nghe, một người cần phải đặt các trung tâm cảm xúc, vận động và lý trí ở trong trạng thái chú tâm cao nhất.

Nền giáo dục sai lầm cản trở khả năng lắng nghe. Nền giáo dục sai lầm gây hại cho năm trung tâm của cỗ máy con người: trung tâm lý trí, vận động, cảm xúc, bản năng và tình dục.

Chúng ta phải lắng nghe với một tâm trí tự nhiên, không bị chi phối bởi những giả định, lý thuyết và định kiến của lý trí. Chúng ta phải mở lòng đón nhận những điều mới mẻ với một tâm trí hợp nhất, một tâm trí không bị chia rẽ bởi trận chiến giữa chính đề và phản đề.

TÍNH CHÍNH XÁC CỦA THUẬT NGỮ

Triết gia Socrates đòi hỏi sự chính xác của thuật ngữ làm cơ sở cho phép biện chứng của mình. Chúng ta đòi hỏi sự chính xác của ngôn từ làm cơ sở cho phép Biện chứng Tâm thức.

Ngôn từ là đặc điểm nổi bật của con người, là công cụ biểu đạt quan niệm cá nhân và giao tiếp giữa con người với nhau. Ngôn từ là phương tiện của ngôn ngữ bên ngoài và là sự biểu hiện ra bên ngoài của ngôn ngữ nội tại. Cả hai đều có thể được sử dụng bởi Bản thể hoặc bởi cái tôi.

Trong tác phẩm đối thoại “Phaedo”, Plato đã giảng giải cho một môn đệ của mình về một khái niệm nổi tiếng bởi sự sâu sắc và tinh tế về mặt đạo đức của nó. Ông đã nói về khái niệm này như một nguyên tắc sống của con người trong kho tàng thành ngữ như sau: “Crito thân yêu của tôi, hãy biết rằng khi nói không đúng cách, ta không những đang phạm lỗi bởi những gì đã nói mà còn làm tổn thương cho tâm hồn”.

Nếu muốn giải quyết vấn đề, chúng ta nên tránh bày tỏ ý kiến của mình. Bất kỳ ý kiến nào đều có thể bị mang ra tranh cãi. Khi có một vấn đề chúng ta nên sử dụng thiền để tìm hiểu về cách giải quyết. Ta cần phải giải quyết vấn đề bằng cả tâm trí và trái tim. Chúng ta nên học cách tự suy nghĩ cho bản thân. Thật vô lý khi chỉ biết nhắc lại ý kiến của người khác như một con vẹt.

Khi cái tôi bị tiêu diệt, các tiến trình lựa chọn của tâm trí sẽ biến mất. Ý kiến là khái niệm chúng ta phát ra bên ngoài vì sợ rằng một khái niệm khác có thể đúng. Điều này thể hiện sự vô minh.

Việc học cách không đồng nhất bản thân với các vấn đề là điều cấp bách. Cần phải khám phá bản thân một cách chân thành và sau đó giữ im lặng cả trong tâm trí và trong lời nói.

ROBOT TÂM LÝ

Thú vật trí năng giống như một con robot được lập trình bởi các bánh xe máy móc. Nó cũng giống như một chiếc đồng hồ, liên tục lặp đi lặp lại những hành động đã xảy ra trong kiếp trước.

Thú vật dáng người bị nhầm gọi là con người, chỉ là một con robot tâm lý không có khả năng tự chủ, nó bị chi phối bởi hoàn cảnh. Bản thể mới là thứ duy nhất có thể tự chủ. Bản thể có thể làm dấy lên mong muốn của mình bởi vì bản thể không phải là một thực thể máy móc.

Chúng ta phải chấm dứt việc là một con robot thuần lý trí, bởi vì một con robot luôn lặp đi lặp lại cùng một thứ và không có tính tự chủ.

Robot tâm lý bị chi phối bởi các định luật của mặt trăng: luật tái diễn, sinh, tử, hận thù, ích kỷ, bạo lực, tự phụ, kiêu ngạo, tự cao, lòng tham vô đáy, v.v.

Chúng ta phải rèn luyện siêu động lực tình dục để có thể tạo ra một trọng tâm cố định và thoát khỏi sự chi phối của mặt trăng.

Để không còn là một robot tâm lý, chúng ta cần phải làm chủ được bản thân. Faust đã làm được điều này, còn Cornelius Agrippa [30] thì không vì ông đã dành hết thời gian của mình để học lý thuyết.

Nhà huyền học Johann Georg Faust, 1480-1541
Nhà huyền học Henricus Cornelius Agrippa (1486-1535)

Con người chúng ta thường quan tâm đến việc khai phá thế giới nhưng điều quan trọng hơn là khai phá chính mình, bởi vì người có thể khai phá được chính mình là người có thể thống trị được cả thế giới.

Để trở thành một con người và sau đó là một siêu nhân thì con robot tâm lý nên phát triển khả năng duy trì các nốt nhạc [trong quãng tám] [31]. Khi một người thực sự muốn chấm dứt việc là một cỗ máy, người đó phải trải qua cuộc khủng hoảng đầu tiên: Mi – Fa, và sau đó là cuộc khủng hoảng thứ hai: La – Si [32].

[31] [32] Duy trì các nốt nhạc trong quãng tám – Tham khảo chi tiết tại hai bài viết sau: Chương 7 – Hành trình tìm kiếm điều diệu kỳDòng âm thanh.

Mũi tên chỉ hai “khoảng dừng” trên thang âm Đô trưởng. Khủng hoảng xảy ra ở đó. Đọc thêm bài viết về Dòng âm thanh để tìm hiểu.

Bí quyết của những người chiến thắng, những người đã vượt qua khủng hoảng và chấm dứt việc trở thành một con robot tâm lý nằm ở sự lựa chọn, thay đổi và quyết định. Toàn bộ công việc này được thực hiện trong bảy cấp bậc, qua đó một người sẽ đạt được âm thanh Nirioonossian [33] của thế giới.

[33] Âm thanh Nirioonossian (tiếng Anh: Nirioonossian-world-sound) –

“Âm thanh Nirioonossian của thế giới chỉ đơn giản là âm thanh rung động của nốt “Đô” trên các loại nhạc cụ. Đó là [tần số] chuẩn của nốt Đô từ xưa đến giờ, mặc dù ngày nay chỉ còn một vài người ở Trung Quốc vẫn giữ nguyên [tần số chuẩn cũ của] nốt Đô trên nhạc cụ của họ.”

(Trích sách “Beelzebub’s Tales to his Grandson” bởi G. I. Gurdjieff, chương 40, dòng 867-8)

SỰ TỨC GIẬN

Sự tức giận hủy hoại khả năng suy nghĩ và hủy hoại khả năng giải quyết các vấn đề mà chính sự tức giận tạo ra. Rõ ràng tức giận là một cảm xúc tiêu cực.

Khi hai cảm xúc tức giận tiêu cực đối đầu với nhau thì bình yên cũng như sự lĩnh hội sáng tạo là không thể có được.

Hiển nhiên là khi trút giận lên người khác, hình ảnh của chúng ta sẽ bị sụp đổ và điều này không có ích gì cho những mối quan hệ tương quan.

Các quá trình của sự tức giận dẫn con người đến thất bại nặng nề về mặt xã hội, kinh tế và tâm lý. Rõ ràng là sức khỏe của một người cũng bị ảnh hưởng bởi sự tức giận.

Có một số người ngu ngốc lại thích tức giận vì nó đem lại cho họ cảm giác siêu đẳng. Trong những trường hợp này, sự tức giận được kết hợp với lòng kiêu ngạo.

Tức giận thường được kết hợp với tính tự phụ và thậm chí là cả sự tự mãn. Lòng nhân hậu là một năng lực mạnh mẽ lớn lao hơn nhiều so với sự tức giận.

Một cuộc tranh cãi trong sân hận thì không khác gì một sự kích động vô cớ. Khi đối mặt với cơn giận, chúng ta phải chọn lọc loại cảm xúc phù hợp nhất cho bản thân.

Những ai bị điều khiển bởi cơn giận là đang tự hủy hoại hình ảnh của chính mình. Một người hoàn toàn tự chủ sẽ luôn ở trên đỉnh cao.

Nỗi thất vọng, sợ hãi, nghi ngờ và cảm giác tội lỗi khơi nguồn những cơn giận. Những người giải phóng được bản thân mình khỏi bốn cảm xúc tiêu cực này sẽ thống trị cả thế giới. Việc chấp nhận những cảm xúc tiêu cực đi ngược lại với lòng tự trọng.

Giận dữ là điên rồ, nó không phục vụ mục đích gì mà chỉ dẫn chúng ta đến bạo lực. Mục tiêu của bạo lực là dẫn chúng ta đến bạo lực và bạo lực thì lại sản sinh ra nhiều bạo lực hơn nữa.

TÍNH CÁCH

Tính cách bao gồm nhiều yếu tố độc lập và có nhiều tầng lớp ẩn giấu. Trong đó có cả nghiệp từ các kiếp trước và nghiệp vẫn đang ở trong quá tình kết tinh, đang chuẩn bị ra kết quả.

Những ấn tượng tâm lý không được chuyển hóa sẽ trở thành những cấu trúc tâm lý mới, và nghiêm trọng hơn cả là trở thành những tính cách mới. Tính cách không đồng nhất mà hỗn tạp và đa nguyên.

Chúng ta nên lựa chọn ấn tượng tâm lý giống như cách mà ta lựa chọn mọi thứ khác trong cuộc sống.

Nếu chúng ta không nhớ đến bản thân tại một thời điểm thì khi đối mặt với một sự kiện mới, một cái tôi mới sẽ được hình thành. Nếu đủ mạnh thì những cái tôi này sẽ trở thành những cá nhân mới trong tính cách [34]. Đây là nguyên nhân của nhiều sang chấn, mặc cảm và xung đột tâm lý.

[34] Tính cách bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau, như thể bên trong chúng ta có nhiều người khác nhau. Khi chúng ta lặp đi lặp lại một lối suy nghĩ hoặc một cơ chế tâm lý cho đến khi nó trở thành một thói quen thì chúng ta đã thêm một khía cạnh mới vào tính cách. Ví dụ: Một người hút thuốc lần đầu tiên khi bắt đầu nhập ngũ. Mười năm sau thì họ đã nghiện thuốc được hơn một phần ba cuộc đời rồi. Khi đó thì thói quen hút thuốc đã trở thành một khía cạnh chủ yếu trong tính cách của họ. Họ thể hiện tính cách qua cách cầm điếu thuốc và bật lửa; họ hút thuốc để xử lý cảm xúc và bị căng thẳng khi không được hút. Lúc này thì một “cá nhân” mới đã được thêm vào tính cách của họ: đó là “người hút thuốc”. Sau này, nếu muốn bỏ thuốc thì “người hút thuốc” trong tính cách của họ sẽ phải chết đi.

Không phải tất cả các cá nhân trong tính cách đều được chấp nhận, điều này dẫn đến nhiều sang chấn tâm lý, mặc cảm, ám ảnh, v.v.

Một ấn tượng tâm lý không được chuyển hóa sẽ trở thành một cá nhân bên trong tính cách, và nếu không được chấp nhận thì cá nhân này sẽ trở thành nguồn gốc của nhiều xung đột khủng khiếp.

Trước hết chúng ta phải hiểu về tính đa nguyên của tính cách. Đa nguyên có nghĩa là bên trong tính cách lại bao gồm nhiều cá nhân khác nhau.

Do đó, có thể một người đã làm tan rã hoàn toàn các cấu trúc tâm lý, nhưng nếu người đó chưa làm tan rã tính cách thì họ vẫn sẽ chưa thể đạt được sự khai sáng đích thực và chưa có được phúc lạc trong cuộc sống.

Khi càng biết chính mình, chúng ta càng biết người khác rõ hơn. Khi vẫn còn cái tôi, chúng ta không nhìn được mọi thứ một cách rõ ràng và dễ mắc sai lầm. Những người vẫn còn cái tôi dễ thất bại vì họ thiếu khả năng phán đoán, ngay cả khi khả năng phân tích của họ vô cùng lôgic.

Nếu những ấn tượng tâm lý không được chuyển hóa thì cái tôi mới sẽ được tạo ra. Do vậy, chúng ta phải học cách chọn lọc các ấn tượng.

Vấn đề không phải là “trở nên tốt hơn”! Cái chúng ta cần quan tâm là sự thay đổi toàn diện. Bản thể chỉ hiện sinh khi một người đã thay đổi và không còn tồn tại.

Những yếu tố không mong muốn ở bên trong kiểm soát tri giác của chúng ta, không cho ta có được một ý thức hợp nhất mang lại an lạc và hạnh phúc.

CATHEXIS

Khi Cathexis [35] vận hành dưới dạng năng lực thực thi thì nó là một sức mạnh kinh khủng. Các nguồn dự trữ trí tuệ là các phần của bản thể và được gọi là cathexis liên kết hay năng lượng tinh thần tiềm năng tĩnh. Cathexis liên kết hướng dẫn chúng ta trong công việc làm tan rã cái tôi và giải phóng tâm trí.

[35] Cathexis: Trong Phân tâm học, thuật ngữ Cathexis, còn gọi là đầu tư xung năng hay tích lũy năng lượng tinh thần, được dùng để chỉ một quá trình tập trung năng lượng tinh thần hoặc cảm xúc vào một người, một đối thể (có thể là vật vô sinh hoặc sinh vật) hoặc một ý niệm.

Tham khảo chi tiết về Cathexis tại đây.

Các giá trị của bản thể chính là cathexis liên kết.

Cathexis liên kết bên trong tâm trí hướng dẫn chúng ta trong công cuộc chuyển hóa tâm lý triệt để và toàn vẹn.

Chỉ có Cathexis liên kết mới có khả năng giải phóng tâm trí thông qua việc làm tan rã các yếu tố tâm lý không mong muốn đã được phân tách bằng các phương pháp phân tích cấu trúc và phân tích giao dịch.

Cathexis liên kết khác với Cathexis lỏng lẻo, vì Cathexis lỏng lẻo là năng lượng tinh thần mà cái tôi sử dụng để biểu hiện thông qua việc chi phối tâm trí và cơ thể.

Cathexis liên kết chính là năng lượng tinh thần động. Chúng ta phải cho phép năng lượng này định hướng cho cuộc sống của mình.

Cathexis tự do chính là năng lượng của cơ thể và thật đáng tiếc là năng lượng này luôn bị chi phối bởi Cathexis lỏng lẻo hay chính là cái tôi. Chúng ta phải rèn luyện về mặt tâm lý để Cathexis liên kết có thể thâm nhập vào các hoạt động, chi phối và điều khiển Cathexis tự do.

CÁI CHẾT HUYỀN HỌC

Chúng tôi đã rất khổ với các thành viên của phong trào Gnosis. Nhiều người đã thề sẽ trung thành trước bàn thờ ở một lumisial [36], đã long trọng hứa sẽ rèn luyện với công trình vĩ đại này cho đến khi đạt được sự khai ngộ hoàn toàn của bản thể. Nhiều người đã khóc lóc và thề thốt rằng họ sẽ không bao giờ rời bỏ phong trào Gnosis. Nhưng đau đớn thay, mọi thứ đều chỉ là hão huyền. Hầu hết tất cả mọi người đều trốn chạy, họ trở thành kẻ thù, họ chửi rủa, tà dâm, ngoại tình và đi vào con đường tà đạo. Sự thật là những mâu thuẫn khủng khiếp này nảy sinh là do nền tảng tồi tệ và bi thảm của con người. Nền tảng đó chính là tính đa nguyên của cái tôi, của Cathexis lỏng lẻo ở bên trong chúng ta.

[36] Lumisial là thánh đường nhỏ của trường phái Gnosis.

Cần phải biết rằng cái tôi là một tổng thể của năng lượng tinh thần, cathexis lỏng lẻo. Chúng sinh sôi nảy nở ở các tầng thú tính hạ cấp của con người. Mỗi miếng cathexis lỏng lẻo là một cái tôi nhỏ với sự tự do đến một mức độ nhất định.

Các cái tôi này hay những miếng cathexis lỏng lẻo này tranh đấu với nhau. Cái tôi lý trí nói rằng “tôi phải đọc báo”. Cái tôi vận động thì tranh cãi rằng “tôi sẽ đạp xe”. Cái tôi tiêu hóa thức ăn lại nói rằng “tôi thấy đói”. Cái tôi liên quan đến quá trình trao đổi chất của cơ thể thì nói “tôi thấy lạnh”. Còn để bảo vệ bất kỳ miếng cathexis lỏng lẻo nào thì cái tôi giận dữ thốt lên rằng “không ai có thể cản trở tôi được”.

Kết luận là cái tôi chính là một quân đoàn của những miếng cathexis lỏng lẻo. Cathexis lỏng lẻo đã được Franz Hartmann nghiên cứu. Cathexis lỏng lẻo sống ở tầng thú tính hạ cấp của con người; nó ăn, ngủ, sinh sản và sống bằng năng lượng của chúng ta, hay là athexis tự do – động năng của cơ bắp và hệ thần kinh. Cathexis lỏng lẻo chính là tổng thể các cái tôi. Các cái tôi tự phóng chiếu lên các cấp độ của tâm trí và du hành khắp mọi nơi, khao khát được thỏa mãn ham muốn của nó. Cái tôi, cathexis lỏng lẻo, không bao giờ có thể tự hoàn thiện bản thân.

Con người là một thành phố với chín cánh cổng. Nhiều công dân sống trong thành phố này nhưng họ thậm chí không biết nhau. Mỗi công dân này, mỗi cái tôi nhỏ bé này, đều có kế hoạch riêng và tâm trí riêng; đó là những thương nhân mà Chúa Giê-su đã phải đuổi ra khỏi đền thờ bằng đòn roi của ý chí [37]. Những thương nhân đó phải bị giết chết.

[37] Chúa Giê-su đuổi các thương nhân ra khỏi đền thờ – Kinh Thánh, Giăng 2:13-21.

Chúa Giê-su đuổi người đổi tiền ra khỏi đền thờ, bởi Francesco Boneri, 1610

Bây giờ chúng ta đã hiểu lý do tại sao lại có rất nhiều mâu thuẫn nội tại trong mỗi cá nhân. Chừng nào Cathexis lỏng lẻo còn tồn tại, thì chừng đó không có bình yên. Cái tôi là hậu quả tất yếu của tất cả mâu thuẫn bên trong. Cái tôi đã từng thề thốt trung thành với Gnosis sẽ lại bị thay thế bằng một cái tôi khác căm ghét Gnosis. Tóm lại, con người là một sinh vật vô trách nhiệm không có trọng tâm cố định. Con người là một sinh vật chưa hoàn thiện!

Con người chưa phải là một con người đích thực mà chỉ là một thú vật trí năng. Việc gọi đội quân của cái tôi là “hồn” là một sai lầm nghiêm trọng. Sự thật là trong Phật tính, con người có vật liệu tâm lý để kết tinh hồn nhưng họ vẫn chưa thực sự có hồn.

Các sách Phúc âm nói rằng: “Có ích gì khi bạn chinh phục được cả thế giới nhưng lại đánh mất hồn của mình?” Chúa Giê-su đã nói với Ni-cô-đem rằng một người cần phải được sinh ra từ nước và thánh linh để có được hồn đích thực. Chúng ta không thể tạo nên hồn nếu không trải qua cái chết huyền học.

Chúa Giê-su nói với Ni-cô-đembởi Matthias Stom, k. 1645

Chỉ với cái chết của cái tôi, chúng ta mới có thể thiết lập một trung tâm ý thức cố định bên trong Phật tính của mình. Trung tâm này chính là hồn [tiếng Anh: soul]. Chỉ một người có hồn mới có thể có được mục đích liên tục thực sự. Chỉ một người có hồn mới có thể loại bỏ được các mâu thuẫn bên trong và đạt được sự bình an thực sự.

Cái tôi lãng phí chất liệu tâm lý và Cathexis một cách ngu ngốc với các cơn sân hận, lòng tham, dục vọng, lòng đố kỵ, sự tự mãn, thói lười biếng, tính háu ăn, v.v. Tất nhiên là chừng nào chất liệu tâm lý và Cathexis chưa được tích lũy thì chừng đó hồn vẫn chưa được tạo ra. Để tạo ra một cái gì đó, chúng ta cần nguyên liệu thô. Không có nguyên liệu thô thì không thể tạo ra được cái gì cả, bởi vì chúng ta không thể tạo ra được bất cứ cái gì từ con số không.

Khi cái tôi bắt đầu chết đi thì nguyên liệu thô bắt đầu được tích lũy. Khi nguyên liệu thô bắt đầu được tích lũy thì trung tâm ý thức cố định bắt đầu được hình thành. Khi cái tôi hoàn toàn chết đi thì trung tâm ý thức cố định sẽ hoàn toàn được thiết lập.

Chất liệu tâm lý được tích lũy khi cái tôi chết đi bởi khi đó năng lượng không còn bị phung phí vào cái tôi nữa. Theo cách này, trung tâm ý thức cố định sẽ được thiết lập. Trung tâm kỳ diệu đó chính là hồn.

Chỉ những người đã có trung tâm ý thức cố định mới có thể trung thành với Gnosis và duy trì một mục tiêu liên tục. Những người không có trung tâm này, ngày hôm nay có thể ủng hộ Gnosis nhưng ngày mai sẽ chống lại Gnosis, hôm nay đi theo trường phái này, ngày mai lại đi theo trường phái khác. Loại người này chưa tồn tại thực sự.

Cái chết huyền học là một khía cạnh gian khổ và khó khăn của Biện chứng Tâm thức.

Cathexis lỏng lẻo bị tan rã trên cơ sở thấu hiểu một cách kỹ càng. Tương tác của chúng ta với những người xung quanh hay cách chúng ta đối nhân xử thế chính là tấm gương để chúng ta có thể nhìn nhận chính mình một cách toàn diện. Khi tương tác với người khác, những khuyết điểm tiềm ẩn của chúng ta sẽ lộ ra và phát tác mạnh mẽ. Nếu cảnh giác chúng ta sẽ thấy được những khuyết điểm đó.

Mọi khiếm khuyết trước tiên cần được phân tích bằng lý trí và sau đó tìm hiểu thông qua thiền.

Nhiều người đạt được sự khiết tịnh hoàn hảo và sự thánh thiện tuyệt đối trong thế giới vật chất nhưng khi bị thử thách trong các cõi siêu việt thì hóa ra họ là những kẻ tà dâm khủng khiếp và những tội nhân đáng sợ. Mặc dù đã loại bỏ được những khiếm khuyết của mình trong thế giới vật chất nhưng họ vẫn tiếp tục duy trì Cathexis lỏng lẻo ở những cấp độ khác của tâm trí.

Khi một khiếm khuyết được thấu hiểu trong tất cả các cấp độ của tâm trí, Cathexis lỏng lẻo của nó sẽ tan rã, hay nói một các khác là một cái tôi nhỏ sẽ chết.

Chúng ta cần phải chết đi trong từng khoảnh khắc. Hồn sẽ được sinh ra khi cái tôi chết đi. Chỉ khi cái tôi đa nguyên hoàn toàn được tan rã thì Bản thể mới có thể hiển hiện.

LÀM TAN RÃ CATHEXIS LỎNG LẺO

Chỉ bằng cách nghiên cứu tỉ mỉ cathexis lỏng lẻo, cái tôi, chúng ta mới có thể làm tan rã nó một cách toàn diện.

Chúng ta phải tỉ mỉ quan sát các quá trình suy nghĩ, các chức năng của ham muốn, những thói quen định hình nên tính cách, những ngụy biện gây phân tâm, sự lừa dối của cái tôi và những bản năng tình dục của chúng ta. Chúng ta phải nghiên cứu phản ứng của chúng trước những tác động bên ngoài và quan sát cách chúng liên kết với nhau.

Bằng cách thấu hiểu tất cả các quá trình của cathexis lỏng lẻo, của cái tôi đa nguyên, chúng ta có thể làm tan rã nó. Sau đó, chỉ còn lại là phần thiêng liêng, sẽ được thể hiện thân qua và ở bên trong chúng ta.

SỰ CẨU THẢ

Sự cẩu thả và bất cẩn dẫn con người ta đến thất bại.

Sự cẩu thả trong tiếng Latin là “nec legere” [38], tức là không chọn lựa, là đầu hàng trước thất bại.

[38] “nec legere” là từ gốc cửa “neglegence” trong tiếng Anh, dịch sang tiếng Việt là “sự cẩu thả”.

Cẩu thả là đặc tính của cái tôi và trái ngược với nó là trực giác, đặc tính của Bản thể. Cái tôi không có khả năng chọn lựa hay phân biệt, nhưng Bản thể thì có.

Chỉ bằng cách trở thành sự hiện thân sống của Biện chứng Tâm thức thì chúng ta mới có thể học được cách “chọn lựa” để không còn bị thất bại trong cuộc sống.

GIAO DỊCH

99% suy nghĩ của con người là tiêu cực và có hại. Tình trạng chúng ta hiện giờ là kết quả của các quá trình trong tâm trí.

Nếu muốn hiểu đúng về danh tính, giá trị và hình ảnh của bản thân thì chúng ta nên tự khám phá tâm trí của chính mình.

Cái khó của việc phân tích nội tâm sâu sắc nằm ở “sự chuyển di ngược”. Khó khăn này có thể được loại bỏ thông qua phân tích cấu trúc và phân tích giao dịch.

Điều quan trọng là phải tách biệt và làm tan rã những cấu trúc tâm lý không mong muốn đã hằn sâu trong tâm trí chúng ta qua những chấn thương tâm lý.

Phân tích cấu trúc và phân tích giao dịch nên được kết hợp một cách khôn khéo trong việc khám phá cái tôi.

Một cấu trúc tâm lý cần được phân tách trước khi nó có thể hoàn toàn tan rã.

ĐẶC TÍNH TÂM LÝ CHÍNH

Tất cả mọi người đều hoạt động một cách hoàn toàn máy móc. Những kẻ vô thức, họ hoạt động với ý thức ngủ mê, họ sống trong trạng thái ngủ mê mà không biết mình đến từ đâu hay đang đi đến đâu; họ đều đang bị thôi miên rất sâu.

Đây là một trạng thái thôi miên tập thể. Nó len lỏi vào mọi ngõ ngách của tự nhiên. Nó bắt nguồn từ cơ quan Kundabuffer ghê tởm. Chủng tộc này [39] đang bị thôi miên, vô thức và đắm chìm trong giấc ngủ sâu nhất.

[39] Chủng tộc này – mỗi thời đại trên lịch sử phát triển của Trái Đất có một chủng tộc khác nhau. Từ “chủng tộc” ở đây chỉ tất cả, hoặc hầu như tất cả còn người trên Trái Đất tại thời điểm đó, chứ không phải là các dân tộc nhỏ ở từng địa phương riêng lẻ. Đọc thêm.

Ảnh minh họa về quỷ dữ với cái đuôi. G. I. Gurdjieff gọi cái đuôi này là Kundabuffer.
Tranh: “Chúa Giê Su Bị Cám Dỗ”, Cambridge Psalter Arundel Ms. 157, k. 1200-1225

Chúng ta chỉ có thể thức tỉnh bằng cách tiêu diệt cái tôi. Chúng ta phải nhận biết hết sức rõ ràng những điều chúng ta đã nói nhiều lần về đặc tính tâm lý chính (ĐTTLC) của mỗi người.

Chắc chắn rằng mỗi người có một đặc tính tâm lý chính riêng. Thật vậy. Một số người có đặc tính chính là dục vọng, một số người khác là lòng hận thù, một số người khác nữa thì là lòng tham, v.v. Đặc tính này là tổng hợp của một số yếu tố tâm lý đặc trưng cụ thể.

Mỗi đặc tính tâm lý chính luôn gắn với một sự kiện nhất định hay một tình huống cụ thể nào đó. Ví như một người đầy dục vọng, cuộc sống của họ sẽ luôn có những hoàn cảnh mang tính dục vọng đi kèm với những vấn đề cụ thể. Những tình huống này sẽ luôn lặp đi lặp lại.

Chúng ta cần biết đặc tính tâm lý chính của mình nếu muốn tiến lên một cấp độ cao hơn của Bản thể và loại bỏ khỏi bản thân những yếu tố không mong muốn đã tạo nên đặc tính tâm lý này.

Sự gián đoạn của tự nhiên [40] là một thực tế cụ thể trong cuộc sống và điều này là hiển nhiên. Mọi hiện tượng đều không liên tục. Điều này có nghĩa là chúng ta sẽ không bao giờ đạt đến sự hoàn hảo nhờ vào quá trình tiến hóa. Chúng ta cần phải trở thành những con người thái dương [41] thực sự.

[40] Tính gián đoạn của tự nhiên – hãy tham khảo hai bài viết này về định luật của quãng tám: Chương 7 – Hành trình tìm kiếm điều diệu kỳDòng âm thanh.
[41] Con người thái dương: Xem định nghĩa về dương thân.

Một người phụ nữ tử tế và khiêm tốn thì ở cấp độ tâm linh khác với một người phụ nữ phóng đãng và khiếm nhã. Có nhiều cấp độ khác nhau của bản thể.

Chúng ta đã nhận ra cấp độ tâm thức của chính mình chưa? Tâm thức chúng ta hiện đang ở cấp độ nào? Chúng ta có ý thức được rằng mình đang bị thôi miên và đang ngủ mê không?

Loài động vật trí năng không chỉ đồng hóa bản thân với những thứ bên ngoài mà còn đồng hóa với chính mình, với những suy nghĩ đầy dục vọng của mình, với cơn say xỉn, với sự tức giận, với lòng tham lam, với sự tự cao, với lòng tham chạy theo hư danh, với sự tự mãn về trình độ huyền học, với công đức của bản thân, v.v.

Liệu chúng ta đã bao giờ suy ngẫm rằng mình không chỉ đồng hóa bản thân với thế giới bên ngoài mà còn cả với lòng tham chạy theo hư danh và sự tự mãn chưa? Ví dụ: Hôm nay chúng ta đã chiến thắng! Nhưng liệu ta đã chiến thắng ngày nay hay ngày nay đã chiến thắng chúng ta vậy? Ta có chắc rằng mình đã không đồng hóa bản thân với một suy nghĩ bệnh hoạn, tham lam, tự mãn, hay với một lời xúc phạm, một mối bận tâm, hoặc một món nợ nào đó v.v. hay không? Ta có chắc rằng mình đã đánh bại ngày nay hay sự thật là ngày nay đã đánh bại chúng ta?

“The Ladder of Divine Ascent”, bản sao của một bức tranh ở Saint Catherine’s Monastery

Hôm nay chúng ta đã làm gì? Chúng ta có biết rằng mình đang ở cấp độ Bản thể nào chưa? Chúng ta đã chuyển sang một cấp độ Bản thể cao hơn hay chúng ta vẫn đang ở nguyên vị trí cũ?

Có hợp lý không khi chúng ta lại tin rằng mình có thể tiến lên một cấp độ Bản thể cao hơn mà không loại bỏ những khiếm khuyết tâm lý? Lẽ nào chúng ta hài lòng với cấp độ Bản thể hiện tại của mình? Hay chúng ta chỉ muốn ở trong cấp độ hiện tại suốt cả cuộc đời? Vậy thì chúng ta đang làm cái gì vậy?

Mỗi cấp độ của Bản thể đều có những nỗi đắng cay đau khổ khác nhau. Đây là điều hiển nhiên. Mọi người đều phàn nàn rằng họ đang đau khổ, rằng họ có vấn đề, mọi người than phiền về hiện trạng và về những khó khăn của họ. Do vậy, tôi muốn hỏi một điều, liệu động vật trí năng đây có quan tâm đến việc tiến lên một cấp độ Bản thể cao hơn hay không?

Chúng ta có muốn thay đổi không? Chúng ta có muốn hết mọi phiền muộn về những vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, tâm linh, gia đình, dục vọng, v.v., hay không? Chúng ta có muốn loại bỏ những khó khăn hay không? Nếu vậy thì chúng ta không có cách nào khác ngoài việc phải tiến lên một cấp độ Bản thể cao hơn.

Rõ ràng là chừng nào chúng ta còn ở cấp độ Bản thể hiện tại thì tất cả những hoàn cảnh bất lợi mà chúng ta đã trải qua và tất cả những cay đắng mà chúng ta đang chịu chắc chắn sẽ còn lặp lại. Những khó khăn giống nhau sẽ lặp đi lặp lại.

Mỗi bước tiến lên một cấp độ cao hơn của Bản thể, chúng ta càng được tự do khỏi các sức mạnh điều khiển của cathexis lỏng lẻo.

Loài vật trí năng muốn thoát khỏi khổ đau nhưng lại không làm gì để thay đổi; nó không đấu tranh để tiến lên một cấp độ cao hơn của Bản thể, vậy thì làm sao nó có thể thay đổi được?

Do đó, nếu không hiểu được đặc tính tâm lý chính của mình thì chúng ta sẽ gặp rất nhiều vấn đề. Chúng ta cần biết đặc tính này nếu muốn tiến lên một cấp độ cao hơn của Bản thể và loại bỏ khỏi bản thân mình những yếu tố không mong muốn đã tạo nên đặc tính tâm lý chính này. Nếu không thì làm sao ta có thể tiến đến một cấp độ cao hơn của Bản thể được?

Mọi hiện tượng đều không liên tục; học thuyết tiến hóa không mang lại lợi ích gì ngoại trừ việc làm chúng ta trở nên trì trệ hơn. Tôi biết nhiều người theo thuyết giả huyền học, những người chân thành và có trái tim nhân hậu, họ bị mắc kẹt trong học thuyết tiến hóa, họ đợi chờ thời gian sẽ làm họ trở nên hoàn hảo hơn, và hàng triệu năm đã trôi qua nhưng họ chưa bao giờ hoàn thiện được chính mình. Tại sao lại thế? Bởi vì những người như vậy không làm gì để thay đổi cấp độ của Bản thể, họ mãi đứng tại chỗ trên một nấc thang.

Vì thế nên chúng ta cần phải vượt ra khỏi thuyết tiến hóa và đi vào con đường của chuyển hóa, con đường chuyển hóa tâm thức hay Biện chứng Tâm thức.

Tiến hóa và thoái hóa là hai quy luật diễn ra song song trong mọi khía cạnh của tạo hóa, hai quy luật này tạo thành trục cơ học của tự nhiên nhưng sẽ không bao giờ dẫn chúng ta đến được sự giải thoát.

Các luật tiến hóa và thoái hóa đều mang tính vật chất và không liên quan gì đến sự khai ngộ nội tâm của Bản thể. Chúng ta không phủ nhận sự tồn tại của hai quy luật này nhưng chúng không có tác dụng cho việc chuyển hóa tâm lý. Chúng ta cần chuyển hóa, chúng ta cần phải đi vào con đường chuyển hóa ý thức.

Làm sao có thể tiến lên một mức độ cao hơn của Bản thể nếu chúng ta không chuyển hóa [tâm thức]? Hãy để ý các bậc của một cái thang, chúng hoàn toàn rời rạc, các mức độ tỉnh thức của Bản thể cũng tương tự như vậy.

Mỗi cấp độ của Bản thể có một số hoạt động cụ thể. Để tiến lên một mức độ tỉnh thức cao hơn thì chúng ta phải có một cú nhảy vọt và từ bỏ tất cả các hoạt động ở cấp độ tỉnh thức thấp hơn.

Tôi vẫn còn nhớ những quãng thời gian đã qua trong đời mình, từ hai mươi, ba mươi, bốn mươi năm trước. Tại sao? Bởi vì tôi đã đạt được những cấp độ tỉnh thức cao hơn. Đó là điều quan trọng nhất đối với tôi.

Các hoạt động của tôi trong thời kì đó đã bị đình chỉ, bị cắt đứt, bởi vì ở những nấc thang cao hơn của Bản thể có những hoạt động hoàn toàn khác.

Để tiến tới một cấp độ tỉnh thức cao hơn, một người phải bỏ lại phía sau nhiều thứ ở cấp độ tỉnh thức hiện tại, những thứ mà chúng ta hiện đang coi trọng.

Do đó, để chuyển sang một cấp độ tỉnh thức khác phải có một bước nhảy vọt. Đây là một bước nhảy bội nghịch. Nó không bao giờ là bước tiến triển từ từ mà luôn mang tính cách mạng, biện chứng.

Có những người vô tích sự lại cảm thấy mình như một vị thần; đây là loại người mê muội điên cuồng tồi tệ nhất. Những người tự nhận mình là một nhà hiền triết chỉ vì trong đầu họ có một số giáo lý giả huyền học, những người nghĩ rằng mình là một điểm đạo đồ vĩ đại, là những kẻ đã rơi vào cơn mê muội điên cuồng và tự cao tự đại.

Mỗi người chúng ta chẳng qua chỉ là một con sâu hèn hạ trong bùn đất; khi nói về điều này thì tôi đang bắt đầu từ chính mình. Khi chỉ nghĩ về bản thân, khi huyễn tưởng hay ảo tưởng về bản thân, thì có nghĩa là chúng ta vẫn đang ở trong những tầng hạ cấp của Bản thể.

Người ta đồng nhất với bản thân khi nghĩ rằng mình sắp sửa có nhiều tiền, có xe đời mới, hoặc rằng người yêu đang yêu mình say đắm, khi tự cho rằng mình là một người vĩ đại hoặc một nhà hiền triết. Có nhiều cách mà một người có thể bị đồng nhất với bản thân. Chúng ta phải bắt đầu bằng việc không đồng nhất với bản thân, và sau đó là không đồng nhất với những thứ bên ngoài.

Ví dụ, khi một người không đồng nhất bản thân với kẻ đã xúc phạm mình, khi họ tha thứ và yêu thương người đó, thì kẻ xúc phạm đó không thể làm tổn thương họ; và nếu ai đó làm tổn thương lòng tự ái của một người khác, nhưng nếu người đó không đồng nhất bản thân với lòng tự ái thì rõ ràng là họ sẽ không hề cảm thấy đau đớn vì điều này không thể làm tổn thương họ.

Nếu một người không đồng nhất bản thân với hư danh thì người đó sẽ không ngại mặc quần vá khi đi ra ngoài đường. Tại sao? Bởi vì họ không đồng nhất bản thân mình với hư danh.

Nếu chúng ta đồng nhất với chính bản thân mình và sau đó đồng nhất mình với sự phù phiếm của thế giới bên ngoài, thì chúng ta không thể biết tha thứ. Hãy nhớ lại Kinh Lạy Cha: “Xin Cha tha nợ chúng con như chúng con cũng tha cho kẻ có nợ chúng con”. Nhưng tôi phải nói thêm là, nếu chúng ta chỉ tha thứ thôi thì vẫn chưa đủ. Chúng ta còn phải xóa bỏ những món nợ. Có người có thể tha thứ cho kẻ thù nhưng lại không bao giờ xóa bỏ những món nợ. Chúng ta cần phải chân thành, chúng ta cần phải xóa nợ.

Phúc Âm của Đức Chúa cũng dạy rằng: “Phước cho những ai nhu mì [42], vì họ sẽ thừa hưởng Trái Đất” [43]. Đây là một câu nói mà chưa ai hiểu được. Chúng ta có thể nói là phước cho những người không oán hận. Nếu một người oán hận thì làm sao họ có thể nhu mì được? Một người oán hận luôn luôn tính toán: “Chính tôi đã ban cho anh ta rất nhiều ân huệ. Tôi đã bảo vệ anh ta, tôi đã cứu tế anh ta với nhiều nghĩa cử nhân ái và hãy nhìn xem người này đã trả ơn tôi như thế nào. Tôi đã giúp đỡ anh ta nhiều như vậy mà hiện giờ anh ta không giúp tôi!”. Đây là những “tính toán” của người đầy oán hận.

[42] nhu mì: Trong xã hội hiện đại, từ “nhu mì” hay bị hiểu lầm thành hiền lành, “nhu nhược” và thiếu quyết đoán. Cách dùng này thường kèm theo một cảm giác hơi tiêu cực đối với từ “nhu mì”. Tuy nhiên, từ “nhu mì” theo đúng nghĩa chỉ một tính cách hiền lành, ôn hòa, biết cảm thông, thương xót người khác, đón nhận những tổn thương mà người khác gây ra cho mình mà không cay đắng, oán hận. Một người nhu mì thường yêu hòa bình, công lý và có khả năng bày tỏ lẽ thật bằng tình yêu. Người nhu mì không nhu nhược.

[43] Phước cho… câu này trích từ thuyết giảng trên núi.

Làm sao một người có thể nhu mì khi trong lòng họ đầy oán hận? Người đầy lòng oán hận thì luôn luôn sống trong tính toán, vì vậy, họ không thể nhu mì. Làm sao họ có thể được ban phước đây?

Ta nên hiểu Phước là gì? Ta nên hiểu Hạnh phúc là gì? Chúng ta có chắc rằng mình đang hạnh phúc không? Người nào đang hạnh phúc? Tôi đã nghe có những người nói rằng: “Tôi hạnh phúc! Tôi bằng lòng với cuộc sống của mình! Tôi rất vui!” Nhưng tôi cũng đã nghe chính những người này nói: “Người này người kia đang làm tôi phiền lòng! Tôi không ưa kẻ đó! Tôi không biết tại sao tôi không thể có được những gì tôi hằng mong ước!”

Vì vậy, họ không hạnh phúc, thực ra họ là những kẻ đạo đức giả, thế thôi.

Đạt tới hạnh phúc là rất khó, để làm được vậy trước hết chúng ta cần phải nhu mì.

Từ “Chân phúc” có nghĩa là hạnh phúc bên trong, không phải trong tương lai một nghìn năm sau mà là ngay bây giờ, ngay tại đây, ngay trong từng thời khắc mà chúng ta đang sống.

Nếu thực sự trở nên nhu mì bằng cách không đồng nhất bản thân thì chúng ta sẽ có được hạnh phúc. Nhưng điều cần thiết không chỉ là không đồng nhất mình với những suy nghĩ về dục vọng, căm ghét, báo thù, ác ý, oán hận, mà chúng ta còn phải loại bỏ khỏi bản thân mình những con Quỷ đỏ của Seth, [43.1] những cấu trúc tâm lý đã nhân cách hóa các khiếm khuyết tâm lý của chúng ta.

[43.1] Seth hay Set là vị thần tiêu cực trong thần thoại Ai Cập.

Ví dụ, chúng ta phải hiểu rõ quá trình oán hận xảy ra như thế nào, chúng ta phải mổ xẻ nỗi oán hận. Khi đi đến kết luận rằng oán hận xuất phát từ lòng tự ái bên trong thì chúng ta sẽ đấu tranh để loại bỏ cái tôi của lòng tự ái. Nhưng chúng ta phải hiểu về lòng tự ái để có thể loại bỏ nó. Chúng ta không thể loại bỏ được lòng tự ái nếu chưa thấu hiểu nó.

Để có thể loại bỏ [lòng tự ái], chúng cần có Devi Kundalini Shakti, chỉ Người mới có thể làm tan rã mọi khiếm khuyết tâm lý bao gồm cả cái tôi của lòng tự ái.

Chúng ta có chắc rằng mình không hề oán hận một ai không? Ai trong chúng ta có thể chắc chắn rằng mình đang không oán hận và không tính toán về một món nợ nào đó không? Ai?

Nếu muốn thoát khỏi sự máy móc của mặt trăng, chúng ta phải loại bỏ cái tôi của lòng oán hận và sự tự ái. Khi hiểu được điều này, chúng ta sẽ tiến bước trên con đường dẫn đến sự giải thoát cuối cùng.

Chỉ bằng cách dùng ngọn lửa của Thần Bạch Dương, Con Chiên, con Cừu hiện thể, của Đức Kitô nội tâm, chúng ta mới có thể thực sự đốt cháy được những yếu tố phi nhân tính ở bên trong; và khi tâm thức được giải phóng thì chúng ta sẽ thức tỉnh.

Tổng thể của các cấu trúc tâm lý tạo nên “bản thân tôi”, cái tôi, hay cathexis lỏng lẻo. Chừng nào tâm thức vẫn tiếp tục bị giam hãm trong các cấu trúc tâm lý này, thì chừng đó nó vẫn chưa thể thức tỉnh. Chúng ta cần phải trải qua cái chết huyền học ngay bây giờ và ở đây. Chúng ta cần phải chết đi trong từng khoảnh khắc. Chỉ với cái chết thì những gì mới mẻ mới đến. Nếu mầm không chết đi thì cây sẽ không thể nảy nở. Chúng ta cần học cách sống, học cách giải phóng mình khỏi những gì đã kế thừa từ mặt trăng.

PHƯƠNG PHÁP RÈN LUYỆN

Trước khi hiểu rõ và loại bỏ đặc tính tâm lý chính, chúng ta nên tăng cường rèn luyện một cách tổng thể trên tất cả các khiếm khuyết, vì đặc tính tâm lý chính có nguồn gốc sâu xa từ các kiếp trước. Để biết được gốc của nó, chúng ta cần rèn luyện không mệt mỏi với một phương pháp cụ thể trong vòng ít nhất năm năm.

Chúng ta cần rèn luyện một cách tuần tự và chính xác trong việc loại bỏ các khiếm khuyết. Ví dụ trong một ngày, các khiếm khuyết về dục vọng hiện lên vào buổi sáng, tự mãn vào buổi chiều, và tức giận vào buổi tối. Rõ ràng là chúng ta đang nhìn thấy một chuỗi các sự kiện và biểu hiện [của cái tôi]. Thế nên, chúng ta sẽ tự đặt câu hỏi: “Mình nên làm việc với khiếm khuyết nào trong ngày, và làm như thế nào?

Thực ra câu trả lời rất đơn giản. Vào buổi tối hoặc vào giờ thiền, khi đã thả lỏng cơ thể, chúng ta bắt đầu thực hành bài tập hồi tưởng về các sự kiện và những biểu hiện của cái tôi trong ngày hôm đó. Sau khi đã tái hiện, sắp xếp và đánh thứ tự cho những sự kiện đó, chúng ta sẽ tiến hành quá trình tìm hiểu.

Trước tiên, ta có thể dành ra khoảng 20 phút làm việc với một sự kiện liên quan đến [cái tôi] kiêu ngạo [chẳng hạn]; sau đó dành ra 10 phút cho một sự kiện tâm lý khác; rồi 15 phút cho một biểu hiện khác nữa. Tất cả phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và cường độ của các sự kiện liên quan đến những cái tôi này.

Sau khi đã sắp xếp các sự kiện và biểu hiện của cathexis lỏng lẻo, của “bản thân tôi”, chúng ta có thể làm việc với chúng vào buổi tối hoặc trong giờ thiền, một cách điềm tĩnh, tuần tự và có phương pháp.

Mỗi khi làm việc với một khiếm khuyết, một sự kiện hay biểu hiện nào đó, hãy đi theo các quá trình sau: phát giác, xét xử và hành hình. Ba quá trình này được áp dụng vào mỗi cấu trúc tâm lý theo cách sau: phát giác, là khi thấy khiếm khuyết đó trong hành động và biểu hiện. Xét xử hoặc thấu hiểu, là khi biết rõ mọi gốc rễ của nó. Hành hình, với sự giúp đỡ của Đức Mẹ Kundalini, thông qua việc thực hành siêu động lực tình dục một cách sáng suốt.

NHỮNG NGỤY BIỆN PHÂN TÂM

Ngụy biện là những lý luận giả dối khiến chúng ta lạc lối, nó được nuôi dưỡng bởi cái tôi trong bốn mươi chín cấp độ của tiềm thức.

Tiềm thức là hầm mộ của quá khứ, nơi ngọn lửa của những suy nghĩ khờ dại đang bùng cháy và những ngụy biện phân tâm đang được ấp ủ. Những thứ này mê hoặc động vật trí năng và đưa tâm thức vào giấc ngủ mê.

Bên trong hầm mộ [tiềm thức] là sự mục nát và những bộ xương người chết. Thế nhưng tấm bia mộ bên trên lại đẹp đẽ làm sao. Trên đó, ngọn lửa lý trí đang cháy với vẻ nguy hiểm chết người.

Nếu muốn làm tan rã cái tôi thì chúng ta phải đào bới hầm mộ của tiềm thức và khai quật mọi bộ xương thối rữa của quá khứ. Hầm mộ đó bên ngoài thì rất đẹp, nhưng bên trong thì bẩn thỉu và gớm ghiếc; chúng ta cần trở thành những người đào mộ.

Hành động xúc phạm, làm tổn thương, làm nhục người khác, là việc rất dễ xảy ra khi một người cho rằng mình làm điều này để sửa người khác cho tốt hơn. Những người nóng tính hay nghĩ như vậy. Họ tin rằng mình không căm ghét ai, nhưng sự thật là họ đang căm ghét mà không biết.

Có nhiều người vật lộn trong cuộc sống để được giàu có. Họ làm việc, tiết kiệm, và cố gắng tỏa sáng trong mọi lĩnh vực, nhưng động lực thầm kín cho mọi hành động của họ lại là lòng đố kị. Tuy nhiên, lòng đố kị này lại được lờ đi, nó không bộc lộ ra ngoài mà lại ẩn náu trong hầm mộ của tiềm thức.

Trong cuộc sống, rất khó để tìm được một người không hề ghen tị với một căn nhà đẹp, một chiếc xe mới, với một người lãnh đạo thông minh, một bộ vest đẹp, một địa vị xã hội cao, một khối tài sản kếch xù, v.v.

bảy đại tội (phía dưới) và bảy đức tính (hàng trên) – tranh minh họa bởi Francesco Pesellino, k. 1450.
Bảy đại tội là: kiêu căng, tham lam, thù hận, đố kỵ, dục vọng, tham ăn, lười biếng.

Hầu như những nỗ lực lớn nhất của con người đều được thúc đẩy bởi lòng ghen tị.

Nhiều người có khẩu vị lành mạnh và căm ghét thói háu ăn, nhưng lại luôn ăn nhiều hơn bình thường.

Nhiều người khinh miệt tính ghen tuông nhưng lại theo dõi vợ hoặc chồng của mình một cách quá mức.

Nhiều người căm ghét những lời tán dương xu nịnh, nhưng với “lòng khiêm tốn ấy”, họ lại không ngại nhục mạ một nhà thơ nghèo đang làm thơ cho họ để kiếm một vài xu mua bánh mì.

Nhiều học trò của một số trường phái giả huyền học và giả bí truyền khinh miệt mọi thứ trên đời này và không rèn luyện gì cả vì họ tin rằng mọi thứ đều không có thật. Thế nhưng họ lại khăng khăng bảo vệ các đức hạnh của mình và không chấp nhận được khi người khác nói họ là lười biếng.

Nhiều quan tòa biết cách làm tròn nhiệm vụ của mình, nhưng cũng không ít người đã sát hại người khác dưới cái mác nhiệm vụ. Nhiều người đã rơi đầu trên máy chém của cuộc cách mạng Pháp.

Tất cả những tên đao phủ đều làm tròn nhiệm vụ của mình và hàng triệu người đã là nạn nhân vô tội của những tên đao phủ ấy. Không một tên đao phủ nào cảm thấy có lỗi, tất cả bọn họ đều đang làm tròn nhiệm vụ của mình mà thôi.

Trong nhà tù có rất nhiều người vô tội nhưng các thẩm phán không cảm thấy tội lỗi vì họ đang làm tròn nhiệm vụ của mình.

Có những bậc cha mẹ đánh đập con nhỏ trong cơn giận mà không hề cảm thấy hối hận vì họ cho rằng mình đang làm tròn bổn phận, và họ sẵn sàng chấp nhận toàn bộ miễn là không bị coi là tàn nhẫn.

Chỉ với một tâm trí yên tĩnh và im lặng sâu trong thiền, chúng ta mới có thể đi vào hầm mộ của tiềm thức và khai quật lên tất cả những thứ thối nát thầm kín ở bên trong. Thật không dễ chịu gì khi nhìn thấy một hầm mộ đen tối chứa đầy những bộ xương đã mục nát của quá khứ.

Mỗi khiếm khuyết ẩn giấu bên trong hầm mộ đều bốc mùi kinh khủng, nhưng một khi nhìn thấy được nó, ta sẽ có thể dễ dàng thiêu đốt nó và biến nó thành tro bụi.

Ngọn lửa của sự thấu hiểu tiêu biến quá khứ thối rữa thành tro bụi. Khi phân tích tiềm thức, nhiều người học tâm lý học mắc sai lầm khi phân chia bản thân mình ra thành người đi phân tích và người được phân tích, lý trí và tiềm thức, chủ thể và khách thể, cơ quan nhận thức và những thứ được nhận thức.

Những kiểu phân chia đó chính là sự ngụy biện mà cái tôi bày ra để làm chúng ta phân tâm. Những kiểu phân chia này tạo ra sự đối kháng và đấu tranh giữa lý trí và tiềm thức, và ở đâu có sự đấu tranh và những cuộc chiến thì ở đó sẽ không thể có sự yên tĩnh và im lặng của tâm trí.

Chỉ trong sự tĩnh lặng của tâm trí, chúng ta mới có thể khai quật tất cả những thứ thối nát của quá khứ trong hầm mộ tối tăm của tiềm thức.

Hãy đừng nói “Cái tôi của mình có lòng đố kỵ, hận thù, ghen tuông, tức giận, dục vọng, v.v.”, tốt nhất là ta không nên phân chia bản thân mình.Thay vào đó nên nói: “Tôi có lòng đố kỵ, hận thù, ghen tuông, tức giận, dục vọng, v.v.”

SỰ DỐI TRÁ CỦA CÁI TÔI

Khi nghiên cứu kinh sách của Ấn Độ, chúng ta rất hào hứng khi nghĩ về Brahman tối cao và về sự hợp nhất của Atman với Brahman; nhưng sự thật là chừng nào cái tôi tâm lý vẫn còn tồn tại với những ngụy biện phân tâm, thì chừng đó chúng ta vẫn sẽ không thể đạt được niềm phúc lạc khi hợp nhất bản thân mình với tâm linh phổ quát của sự sống. Một khi cái tôi chết đi thì tâm linh phổ quát của sự sống sẽ hiện diện trong chúng ta như ngọn lửa trong chiếc đèn.

Sự dối trá của cái tôi là thói quen lừa dối vô chừng mực thông qua hàng loạt những cái tôi.

Bất kỳ người nào cũng có thể mắc sai lầm tự bắn súng vào đầu mình như bất kỳ một kẻ tự sát hèn nhát và ngu ngốc nào, nhưng cái tôi tâm lý khét tiếng sẽ không bao giờ có thể tự sát.

Những người thuộc tất cả các trường phái giả huyền học đều có những lý tưởng to tát và thậm chí cả những ý định cao siêu. Nhưng tất cả những ý định và lý tưởng đó vẫn chỉ tồn tại trong tư duy chủ quan khốn khổ; tất cả chỉ đến từ cái tôi mà thôi.

Cái tôi luôn cố chấp. Đôi khi nó tự tô điểm cho mình bằng những đức hạnh cao đẹp và thậm chí còn khoác lên mình tấm áo choàng thánh thiện.

Khi cái tôi muốn ngừng tồn tại, nó sẽ không chết đi một cách thờ ơ hay đơn giản. Nó muốn tiếp tục tồn tại dưới một hình thức khác, nó khao khát phần thưởng và hạnh phúc.

Trong thời kỳ cơ giới hóa xã hội, ô tô, máy bay, máy móc của thương hiệu này hay thương hiệu kia, v.v. đều được sản xuất hàng loạt. Mọi thứ đều được sản xuất hàng loạt và ngay cả bản thân cái tôi cũng được sản xuất hàng loạt.

Chúng ta cần nắm bắt được những chuỗi cái tôi hàng loạt. Cái tôi vận hành theo kiểu hàng loạt và cùng với nó là hàng loạt suy nghĩ, tình cảm, mong muốn, thù hận, thói quen, v.v.

Chúng ta biết rất rõ rằng sự phân chia giữa cái tôi cao cấp và cái tôi hạ cấp là hoàn toàn sai lầm. Cao cấp và hạ cấp là hai phần của cùng một thứ. Cái tôi cao cấp và cái tôi hạ cấp là hai phần của Satan, của cái tôi.

Hãy để những ai phân chia cái tôi tiếp tục phân chia cái tôi của họ thành cao cấp và hạ cấp. Hãy để họ yên với lý thuyết của mình và hãy để cái tôi cao cấp khoác lác và siêu phàm điều khiển cái tôi hạ cấp khốn khổ.

Liệu một phần của cái tôi có thể biến phần khác của cái tôi thành cát bụi hay không? Liệu một phần của “bản thân tôi” có thể ra lệnh trục xuất một phần khác của “bản thân tôi” hay không?

Điều tốt nhất chúng ta có thể làm được là khéo léo che giấu những gì không tiện tiết lộ, che giấu sự cố chấp của mình và khoác lên nụ cười như một bậc thánh hiền. Đây là sự dối trá của cái tôi, là thói quen lừa dối. Một phần của “bản thân tôi” có thể che giấu một phần khác của nó. Điều này có gì kì lạ không? Con mèo lại chẳng tự giấu đi móng vuốt ư? Đây là sự dối trá của cái tôi. Bên trong mỗi chúng ta đều có một người Pha-ri-si; vẻ ngoài trông rất đẹp đẽ nhưng bên trong thì mục rữa.

Người Pha-ri-si và người thu thuế – Barent Fabritius, 1661

Chúng ta hẳn đã biết về những người Pha-ri-si đáng sợ. Chúng tôi có quen một người đàn ông. Ông này khoác trên mình chiếc áo choàng tinh khiết như một bậc thầy. Ông để tóc dài và không bao giờ cạo râu. Sự thánh khiết của ông khiến cả thế giới khiếp sợ. Ông ta ăn chay trường và chưa bao giờ uống đồ uống có cồn. Mọi người đều quỳ gối trước ông.

Chúng tôi sẽ không tiết lộ tên của “vị thánh sô-cô-la” này mà chỉ nói rằng ông ta đã bỏ rơi vợ con để đi theo con đường [mà ông ta cho là] thiêng liêng.

Người đàn ông này rao giảng những điều đẹp đẽ và chỉ trích mạnh mẽ tội ngoại tình và tà dâm. Nhưng sau lưng thì ông ta lại che giấu việc có nhiều tình nhân và đã từng gạ gẫm các tín đồ nữ quan hệ tình dục theo hướng phi tự nhiên. Thế đấy, ông ta là một vị thánh, một “vị thánh sô-cô-la”!

Người Pha-ri-si là như vậy: “Khốn cho các ngươi, các thầy thông giáo và những người Pha-ri-si, là những kẻ đạo đức giả! Vì các ngươi chùi rửa bên ngoài chén dĩa, nhưng bên trong, chúng chứa đầy trộm cắp và trụy lạc”. [Ma-thi-ơ 23:25, Kinh Thánh].

“Ngươi không ăn thịt, không uống đồ có cồn, không hút thuốc… Quả thật, nhìn bên ngoài trông có vẻ công chính đối với người ta, nhưng bên trong toàn là gian ác và đạo đức giả”. [Ma-thi-ơ 23:28].

Bằng sự dối trá của cái tôi, Người Pha-ri-si che giấu tội ác của mình trước mắt người khác và cũng đồng thời che giấu chúng khỏi chính mình.

Chúng tôi biết có những người Pha-ri-si thực hành nhịn ăn rất khắt khe và sám hối rất kinh khủng. Họ tin rằng mình rất chính trực và thông thái, nhưng nạn nhân của họ phải chịu đựng rất nhiều khổ đau. Thường thì vợ và con họ chính là những nạn nhân vô tội của sự ác độc mà họ đã gây ra. Nhưng họ vẫn tiếp tục các thực hành “thiêng liêng” này, đinh ninh rằng bản thân mình là chính trực và thánh thiện.

Cái tôi cao cấp nói rằng: “Tôi sẽ đánh bại sự giận dữ, tham lam, dục vọng, v.v.” nhưng cái tôi hạ cấp lại cười vang dội như tiếng cười của Aristophanes [44]. Và những con quỷ của dục vọng, của sợ hãi sẽ chạy trốn vào những hang động bí mật trong tâm trí. Sự dối trá của cái tôi hoạt động như vậy đấy.

[44] Aristophanes (tiếng Hy Lạp là Ἀριστοφάνης, sinh 446 – mất 386 TCN), là một nhà soạn hài kịch của Hy Lạp cổ đại. Các tác phẩm của ông mang tính châm biếm, đả kích chính trị, phê bình văn học. Theo tác phẩm Apology of Socrates bởi Platon, hài kịch “Đám Mây” của Aristophanes đã dẫn đến cái chết của Socrates.

Mọi nỗ lực lý trí để làm tan rã cái tôi đều vô ích bởi vì mọi hoạt động của tâm trí đều thuộc về cái tôi. Bất kỳ phần nào của “bản thân tôi” đều có thể có những ý tốt, nhưng thế thì sao chứ? Chẳng phải con đường dẫn đến vực thẳm được lát bằng những ý định đẹp đẽ đó sao? Một phần của “bản thân tôi” muốn kiểm soát một phần khác của tôi – cái phần mà không hề muốn bị kiểm soát. Trò chơi hay sự nguỵ biện này thật đáng để chúng ta quan tâm.

Cảm động thay là thực hành sám hối của những thánh nhân kia, những kẻ đã làm cho vợ con mình đau khổ. Lòng khiêm nhường của các “vị thánh sô cô la” đó thật nực cười. Sự uyên bác của những kẻ biết tuốt này thật đáng ngưỡng mộ. Và rồi sao? Cái tôi không thể tiêu diệt cái tôi và nó cứ tiếp tục tồn tại từ thế hệ này sang thế hệ khác trong suốt hàng triệu năm.

Chúng ta cần thoát khỏi bùa chú của những nỗ lực và những lời ngụy biện vô dụng. Cái tôi muốn làm tan rã cái tôi chỉ là một nỗ lực vô ích mà thôi.

Chỉ bằng cách thực sự hiểu sâu sắc những trận chiến vô ích của tâm trí, chỉ bằng cách thấu hiểu những hành động, những phản ứng bên trong và bên ngoài, những câu trả lời bí mật, những động cơ ngầm, những thôi thúc thầm kín, v.v., thì chúng ta mới có thể đạt được sự yên tĩnh và im lặng của tâm trí.

Trên mặt nước tinh khiết của đại dương Đại trí Phổ quát, chúng ta có thể chiêm nghiệm trong trạng thái định tất cả những khía cạnh xấu xa, sai trái của cái tôi đa nguyên.

Khi không thể ẩn mình được nữa thì cái tôi sẽ bị kết án tử hình. Cái tôi thích trốn tránh, nhưng khi không còn trốn được nữa, cái tôi khốn khổ sẽ chết.

Chỉ trong sự thanh thản của tâm trí, chúng ta mới có thể nhìn thấy bản chất của cái tôi, chứ không phải là vẻ bề ngoài của nó. Sự nhìn nhận và thấu hiểu của chúng ta về cái tôi sẽ trở nên đầy đủ và toàn vẹn. Khi chúng ta đã thấu hiểu về cái tôi, nó sẽ thất bại bởi nó chắc chắn sẽ tan rã thành cát bụi.

Sự tĩnh lặng của đại dương tâm trí không phải là kết quả mà là một trạng thái tự nhiên. Những cơn sóng dữ dội của suy nghĩ chỉ là một sự cố gây ra bởi con quái vật của cái tôi.

Cái tâm trí ngốc nghếch, cái tâm trí cứng đầu, cái tâm trí mà nói rằng: “Qua thời gian, tôi sẽ đạt được sự thanh thản, một ngày nào đó tôi sẽ đạt được điều này”, thì tâm trí đó sẽ chắc chắn thất bại, bởi vì sự thanh thản không phụ thuộc vào thời gian. Mọi thứ ở trong thời gian đều thuộc về cái tôi. Cái tôi cũng chính là thời gian.

Có những người tạo dựng lên sự thanh thản của tâm trí như thể đang lắp ráp một cỗ máy, bằng cách ghép nối một cách thông minh tất cả các bộ phận. Những người này thực tế đều thất bại vì sự thanh thản của tâm trí không được hình thành từ các bộ phận có thể được lắp vào hoặc tháo ra, thêm vào hoặc bỏ ra, ghép vào hoặc tách ra như vậy được.

NỖ LỰC

Để trải nghiệm sự thật, chúng ta không cần nỗ lực gì cả. Mọi người đã quen với việc nỗ lực làm mọi việc và lầm tưởng rằng chúng ta không thể trải nghiệm sự thật nếu không nỗ lực.

Chúng ta có thể cần nỗ lực để mưu sinh hàng ngày, hoặc để chơi bóng đá, hoặc để mang vác một vật rất nặng, nhưng thật vô lý khi tin rằng cần nỗ lực để trải nghiệm sự thật.

Sự thấu hiểu sẽ thay thế cho nỗ lực khi chúng ta cố gắng hiểu được sự thật ẩn giấu trong chiều sâu bí mật của mỗi vấn đề.

Chúng ta không cần phải nỗ lực để có thể thấu hiểu từng khuyết điểm ẩn giấu bên trong các cấp độ của tâm trí.

Chúng ta không cần phải nỗ lực để hiểu được rằng sự đố kỵ là một trong những tác nhân mạnh mẽ nhất của bộ máy xã hội. Tại sao nhiều người lại muốn tiến lên? Tại sao nhiều người lại muốn sở hữu những dinh thự đẹp đẽ và những chiếc xe hơi sang trọng? Cả thế giới thèm muốn những gì thuộc về người khác. Đố kỵ là cảm giác buồn phiền trước hạnh phúc của người khác.

Những người phụ nữ kém thanh lịch thường hay ghen tị với những phụ nữ thanh lịch. Và điều này làm cho họ càng đau khổ và vật lộn dữ dội hơn. Những người không có quần áo đẹp hay trang sức đủ kiểu lại thèm muốn những thứ đó. Họ thậm chí nhịn ăn để tiết kiệm tiền mua những món đồ này với mục tiêu duy nhất là không muốn mình kém cạnh ai.

Những kẻ đố kỵ căm ghét tất cả mọi hiệp sĩ vì chính nghĩa vĩ đại. Sự đố kỵ của kẻ bất lực, kẻ bại trận, kẻ hèn hạ, được ngụy trang trong bộ xiêm y của vị quan tòa hay trong chiếc áo choàng thiêng liêng của một bậc thầy, dưới sự ngụy biện của những lời tán dương, hay với vẻ đẹp của lòng khiêm nhường.

Nếu hiểu một cách toàn diện về lòng đố kỵ của mình thì đúng là chúng ta sẽ không còn đố kỵ nữa. Và thay thế cho sự đố kỵ là một ngôi sao vui mừng và tỏa sáng vì hạnh phúc của người khác.

Có những người muốn dứt bỏ lòng tham. Nhưng tham vọng trở thành người không tham lam thì cũng là một dạng của lòng tham rồi.

Có những người nỗ lực hết mình để đạt được đức hạnh của sự khiết tịnh, nhưng khi nhìn thấy một người phụ nữ đẹp trên đường thì họ lại thả những lời mỹ miều khen ngợi cô ấy. Và nếu người phụ nữ ấy là bạn thì họ không thể ngừng bày tỏ sự quan tâm, ngưỡng mộ, nói với cô ấy những lời đẹp đẽ hay ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của cô ấy, v.v. Nhưng đằng sau tất cả những lời có cánh đó là những động cơ thầm kín được thúc đẩy bởi dục vọng xấu xa, u ám trong tiềm thức.

Khi chúng ta thấu hiểu mọi thủ đoạn của dục vọng mà không cần đến sự nỗ lực thì dục vọng sẽ bị tiêu diệt, và thay vào đó là bông hoa trong trắng của lòng khiết tịnh sẽ được nở ra.

Chúng ta không thể có được những đức hạnh đó bằng nỗ lực. Cái tôi sẽ được củng cố khi nó nỗ lực để đạt được những đức hạnh cao đẹp. Cái tôi thích đồ trang trí, huy chương, danh hiệu, vinh dự, đức hạnh và những phẩm chất cao đẹp.

Ngụ ngôn Hy Lạp kể rằng nhà triết học Aristippus vì muốn thể hiện sự thông thái và khiêm tốn nên đã khoác lên mình một chiếc áo choàng cũ rách rưới chằng chịt những vết vá. Ông nắm chặt cây trượng triết học và đi bộ trên đường phố Athens. Khi nhìn thấy ông ở cửa nhà mình, Socrates đã thốt lên: “Ôi, Aristippus, sự kiêu ngạo của ông đang lộ ra qua những lỗ thủng trên bộ quần áo của ông đó”!

Ảnh minh họa từ sách “The History of Philosophy” (Lịch sử triết học), bởi Thomas Stanley, 1655

Những kẻ tự phụ, kiêu ngạo và háo danh, họ tin rằng mình rất khiêm tốn và hay khoác lên mình chiếc áo choàng của Aristippus. Khiêm tốn là một loài hoa kỳ lạ. Tất cả những ai khoe khoang về lòng khiêm tốn thì lại là những người đầy tự mãn.

Trong cuộc sống, chúng ta thường xuyên nỗ lực một cách vô ích mỗi khi có một vấn đề mới xuất hiện khiến ta dằn vặt. Chúng ta dành rất nhiều nỗ lực để giải quyết những vấn đề đó. Chúng ta vật lộn và đau khổ. Nhưng sau đó, kết quả duy nhất là chúng ta làm những việc ngớ ngẩn và cuộc sống ngày càng trở nên rối ren.

Những kẻ ảo tưởng, những kẻ vỡ mộng, những người thậm chí không còn muốn suy nghĩ và không thể giải quyết nổi một vấn đề thiết yếu thì sẽ tìm được giải pháp khi tâm trí họ thanh thản và an tĩnh, khi họ không còn kỳ vọng gì nữa.

Không có sự thật nào có thể được thấu hiểu bằng sự nỗ lực. Sự thật đến như một tên trộm lẻn vào ban đêm, khi chúng ta ít mong đợi nhất.

Những nhận thức ngoại cảm trong thiền, sự khai sáng hay giải pháp cho một vấn đề chỉ đến khi không còn bất kỳ một nỗ lực nào trong ý thức và tiềm thức, khi tâm trí không còn gắng sức để trở thành một cái gì đó cao siêu hơn.

Sự kiêu hãnh cũng tự cải trang thành lòng cao thượng, còn tâm trí thì gắng sức để trở thành một cái gì đó cao siêu hơn. Khi tâm trí thanh thản tựa mặt hồ thì sự thật sẽ có thể được trải nghiệm. Nhưng khi tâm trí muốn trở thành một thứ gì đó cao siêu hơn thì nó đang căng thẳng và vật lộn. Khi đó, việc trải nghiệm sự thật là không thể.

Chúng ta không nên nhầm lẫn giữa sự thật với ý kiến. Nhiều người nghĩ rằng sự thật là khái niệm này hay khái niệm kia, hoặc sự thật là ở cuốn sách này hay cuốn sách kia, hoặc niềm tin này hay ý tưởng nọ, v.v.

Ai muốn trải nghiệm sự thật thì không nên nhầm lẫn sự thật với niềm tin, ý tưởng, quan điểm hay lý thuyết.

Chúng ta phải trải nghiệm sự thật một cách trực tiếp, thực tế và chân thật. Điều này chỉ có thể thực hiện được trong sự yên lặng và tĩnh lặng của tâm trí. Trạng thái này có thể đạt được thông qua thực hành thiền.

Việc trải nghiệm sự thật là điều tất yếu và cơ bản. Chúng ta trải nghiệm sự thật không phải bằng nỗ lực. Sự thật không phải là kết quả, sự thật không phải là sản phẩm của nỗ lực. Sự thật đến với chúng ta nhờ sự thấu hiểu sâu sắc.

Chúng ta cần nỗ lực để rèn luyện trong công trình vĩ đại, để chuyển hóa năng lượng sáng tạo của mình, để sống, đấu tranh và bước đi trên con đường thay đổi toàn vẹn. Tuy nhiên, chúng ta không cần nỗ lực để thấu hiểu sự thật.

NÔ LỆ TÂM LÝ

Không nghi ngờ gì nữa, chúng ta đang bên bờ vực của đại nạn thế giới thứ ba, và đó là lý do tại sao tôi viết cuốn “La Revolución de la Dialéctica” (Biện chứng Tâm thức) này.

Thời thế đã thay đổi và chúng ta đang bắt đầu một kỷ nguyên mới giữa tiếng sấm của những tư tưởng cổ xưa. Giờ đây chúng ta cần đến một cuộc chuyển hóa đạo đức mới dựa trên nền tảng của việc chuyển hóa tâm lý.

Nếu không có một nền móng đạo đức sâu sắc thì kể cả các thể thức kinh tế xã hội tốt nhất cũng sẽ tan thành cát bụi. Một cá nhân không thể tự chuyển hóa bản thân nếu họ không quan tâm đến việc làm tan rã cái tôi.

Chế độ nô lệ tâm lý phá hủy mối quan hệ tốt đẹp với người xung quanh. Nô lệ tâm lý có nghĩa là phụ thuộc vào người khác về mặt tâm lý. Nếu cách suy nghĩ, cảm nhận và hành động của chúng ta phụ thuộc vào cách suy nghĩ, cảm nhận và hành động của những người đang sống cùng ta thì chúng ta đang bị nô dịch.

Chúng tôi thường nhận được thư từ nhiều người đang có mong muốn loại bỏ cái tôi, nhưng họ lại phàn nàn về vợ con, anh em, gia đình, chồng, cấp trên, v.v. Để làm tan rã cái tôi, những người này đòi hỏi rất nhiều điều kiện. Họ muốn một cuộc sống tiện nghi để tiêu diệt cái tôi. Họ yêu cầu những người sống chung với mình phải hành xử một cách tuyệt vời.

Điều nực cười nhất trong tất cả những điều này là những người khốn khổ đó tìm mọi cách để lẩn tránh. Họ muốn chạy trốn, bỏ nhà cửa, công việc, v.v. vì cho rằng [làm như vậy] họ có thể ngộ ra bản thể một cách sâu sắc.

Những người khốn khổ! Họ yêu sự thống khổ của mình [45]. Đó chính là chủ nhân của họ. Đương nhiên là như thế. Những người này vẫn chưa học được cách giải thoát, hành vi của họ phụ thuộc vào hành vi của người khác.

[45] Họ yêu sự thống khố của mình: câu này có nghĩa là những tình huống đau khổ này đã trở nên quá quen thuộc. Cho dù có tồi tệ thế nào đi chăng nữa thì họ vẫn không dứt bỏ được. Họ cảm thấy an toàn vì đã quen với những hoàn cảnh này.

Nếu chúng ta muốn đi theo con đường khiết tịnh và lại mong muốn rằng người vợ của mình trước tiên phải khiết tịnh thì chúng ta đã thất bại ngay rồi. Nếu chúng ta muốn bỏ thói nghiện rượu nhưng lại thấy ngại phải từ chối khi được mời uống vì sợ mọi người dị nghị, hoặc vì không muốn bạn giận, vậy thì chúng ta sẽ không bao giờ cai nghiện được.

Nếu chúng ta muốn hết tức giận, cáu kỉnh, phẫn nộ, nhưng lại đặt ra điều kiện tiên quyết là những người sống chung phải đối xử với mình một cách dịu dàng, bình tĩnh và rằng họ không được làm gì khiến ta phiền lòng, thì chúng ta đã thất bại rồi. Bởi lẽ những người quanh ta không phải là thánh nhân. Bất cứ lúc nào họ cũng có thể đặt một dấu chấm hết cho những ý định tốt đẹp của chúng ta.

Những khó khăn gian khổ nhất mang đến cho chúng ta những cơ hội tốt nhất. Trong quá khứ đã từng có nhiều nhà hiền triết được bao bọc trong một cuộc sống đầy đủ tiện nghi và không có một chút khó khăn nào. Những nhà hiền triết đó, vì muốn tiêu diệt cái tôi, đã phải tạo ra những tình huống khó khăn cho chính mình.

Nếu muốn làm tan rã cái tôi, chúng ta cần được tự do. Những người phụ thuộc vào hành vi của người khác thì sẽ không thể làm tan rã cái tôi. Hành vi của chúng ta phải là của chính mình và không nên phụ thuộc vào bất cứ ai. Suy nghĩ, cảm xúc và hành động của chúng ta nên xuất phát từ bên trong và biểu hiện ra bên ngoài một cách độc lập.

Trong những tình huống khó khăn, chúng ta có được những cơ hội ngàn vàng để nghiên cứu về những động cơ bên trong và bên ngoài, những suy nghĩ, những tình cảm, hành động, phản ứng, mong muốn của chúng ta, v.v.

Mối quan hệ với những người xung quanh chính là một tấm gương phản chiếu toàn diện, nơi chúng ta có thể thấy được bản chất thực sự của mình, chứ không phải là vẻ bên ngoài. Những mối tương tác là một điều kỳ diệu; nếu biết cách chú tâm, chúng ta có thể phát hiện được ngay lập tức những khiếm khuyết sâu kín nhất của mình. Những khiếm khuyết này lan rộng và sẽ bộc lộ ra ngoài khi chúng ta ít ngờ tới nhất.

Chúng ta biết có những người hay nói rằng: “Tôi đã hết hẳn tính sân hận”, nhưng họ lại nổi đoá và phát khùng lên trước những lời khiêu khích nhỏ nhất. Có những người thì lại nói: “Tôi đã hết hẳn tính ghen tuông”, nhưng chỉ cần chồng hoặc vợ họ nở một nụ cười với bất kỳ một người bạn tốt nào thì họ sẽ lại nổi máu ghen ra mặt.

Người ta phàn nàn về những khó khăn trong cuộc sống với những người xung quanh. Họ không muốn nhận ra rằng những khó khăn này chính là đang trao cho họ những cơ hội cần thiết để làm tan rã cái Tôi. Cuộc sống với những người xung quanh là một trường học tuyệt vời và sách giáo khoa của ngôi trường này gồm nhiều chương. Cuốn sách của trường học đó chính là cái tôi.

Chúng ta thực sự cần được tự do nếu thực sự muốn làm tan rã cái tôi. Người nào phụ thuộc vào hành vi của người khác là không có tự do. Chỉ những ai thực sự tự do mới biết được bản chất của tình yêu. Kẻ nô lệ không biết được về tình yêu đích thực. Nếu chúng ta là nô lệ của suy nghĩ, cảm giác và hành động của người khác thì chúng ta sẽ không bao giờ biết được về tình yêu.

Tình yêu được sinh ra khi chúng ta chấm dứt tình trạng nô dịch tâm lý. Chúng ta cần phải thấu hiểu một cách rất sâu sắc toàn bộ cơ chế phức tạp của sự nô dịch tâm lý trong tất cả các khía cạnh của tâm trí.

Có nhiều hình thức nô dịch tâm lý. Chúng ta cần phải nghiên cứu tất cả các hình thức này nếu thực sự muốn làm tan rã cái Tôi. Sự lệ thuộc tâm lý không chỉ tồn tại bên trong mà còn cả ở bên ngoài. Sự lệ thuộc mật thiết, bí mật, sâu kín tồn tại ngay cả khi chúng ta thậm chí không có một chút nghi ngờ nào.

Kẻ nô lệ tin rằng mình đang yêu, trong khi thực tế là họ chỉ đang sợ hãi. Kẻ nô lệ không biết tình yêu đích thực là gì.

Người vợ tin rằng cô ấy yêu và ngưỡng mộ chồng mình, trong khi thực sự thì cô ấy chỉ đang sợ chồng mà thôi. Người chồng tưởng rằng mình yêu vợ nhưng thực tế thì anh ấy đang sợ vợ. Anh ta có thể lo sợ rằng vợ có thể bỏ mình để đi theo người khác, hoặc tính cách của cô ấy có thể trở nên chua ngoa, hoặc cô ấy có thể từ chối không quan hệ tình dục với anh ta, v.v.

Người nhân viên sợ cấp trên mà lại tưởng rằng mình yêu quý, tôn trọng cấp trên, rằng anh ta quan tâm đến lợi ích của cấp trên, v.v. Không một người nô lệ tâm lý nào biết được tình yêu là gì; sự nô dịch tâm lý không hợp với tình yêu.

Có hai loại hành vi: loại thứ nhất xuất phát từ bên ngoài và đi vào bên trong, và loại thứ hai xuất phát từ bên trong và đi ra bên ngoài. Loại hành vi đầu tiên là kết quả của sự lệ thuộc tâm lý và là kết quả của sự phản ứng: chúng ta bị đánh và chúng ta đánh trả lại, chúng ta bị xúc phạm và chúng ta đáp lại bằng những lời lăng mạ. Loại hành vi thứ hai là tốt nhất. Đây là hành vi của một người đã thoát khỏi sự nô dịch, của một người đã không còn bị phụ thuộc vào suy nghĩ, cảm giác và hành động của những người khác nữa. Loại hành vi này độc lập, cương trực và công bằng. Nếu bị đánh, chúng ta đáp lại bằng những lời chúc phúc; nếu bị xúc phạm, chúng ta giữ im lặng; nếu bạn bè muốn chuốc rượu, chúng ta nhất quyết không uống ngay cả khi họ giận, v.v.

Giờ đây, độc giả sẽ hiểu tại sao sự tự do tâm lý lại mang đến thứ được gọi là tình yêu.

TÍNH CÁCH KALKI

Dần dần, chúng ta cần phải ý thức nhiều hơn về công việc rèn luyện của mình. Điều căn bản là phải biết được sự khác nhau giữa Gnosis và các tổ chức giả bí truyền và giả huyền học. Trên hết, chúng ta phải biết định hướng cho bản thân mình, và phải biết tập trung vào đúng trọng tâm nếu muốn hiểu được những việc cần làm.

Nếu xem xét một cách tổng quát các trường phái khác nhau trên thế giới, chúng ta có thể dễ dàng phát hiện ra được nguồn gốc của tất cả những trường phái có bản chất giả bí truyền và giả huyền học.

Trước đây ở Rome, có một nữ tu sĩ thường xuyên bị rơi vào trạng thái thôi miên. Cô cùng với thầy nghe xưng tội của mình muốn tìm ra nguyên nhân của trạng thái thôi miên nguy hiểm chết người này. Đầu tiên, thầy phát hiện ra rằng cô đã từng có người yêu và mặc dù đang sống trong tu viện nhưng cô vẫn giữ bức ảnh của anh này. Thầy bảo cô đi lấy bức ảnh ra và đột nhiên thầy nhận ra rằng vị nữ tu sĩ này ngay lập tức rơi vào trạng thái thôi miên khi nhìn vào bức ảnh đó. Thầy đã quyết định để cô đi khám bác sĩ tâm lý. Người ta đã làm số xét nghiệm và chứng minh được rằng không phải là bức ảnh của người đàn ông mà là những viên đá lấp lánh trên khung ảnh đã khiến cô rơi vào trạng thái thôi miên đó.

Một thời gian ngắn sau khi tiếp tục nghiên cứu, người ta đã có thể kết luận, dưới dạng một hệ quả, rằng tất cả các loại vật thể sáng chói đều có thể dẫn đến trạng thái thôi miên. Gần như cả một trường phái mới đã xuất hiện sau kết quả của nghiên cứu này. Họ thấy rằng trạng thái tâm lý của bệnh nhân có thể được thay đổi thông qua việc thôi miên, và từ đó dẫn đến việc sử dụng thôi miên để chữa trị cho bệnh nhân.

Những nhà thôi miên y học nổi tiếng đã nổi lên từ đây. Sau đó là sự xuất hiện của nhiều tín đồ theo thôi miên học, chứng bắt thế, thuật gọi hồn, v.v. Trong đó, đáng nhớ và đáng chú ý là Jean-Martin Charcot, [45.1] Luis Uribe, Cesare Lombroso, Camille Flammarion, v.v.

[45.1] Jean-Martin Charcot – bản gốc ghi “Richard Charcott”. Tuy nhiên, đoạn này đang tóm tắt nội dung trong chương 32 của sách “Beelzebub’s Tales to his Grandson” bởi G. I. Gurdjieff. Trong đó, tác giả nói về Jean-Martin Charcot.

Trong trường phái thôi miên, một số nhân vật xuất chúng bao gồm có: một người Anh mà ngay lúc này tôi không nhớ tên [45.2] và ông Charcot nổi tiếng. Ông người Anh này có tất cả các đặc tính của một người Hasnamuss [46]; còn ông Charcot thì hiển nhiên là một cậu “con cưng của mẹ” [47]. Các thí nghiệm của ông ấy rất đáng chú ý. Tuy nhiên, vì là một “đứa trẻ” được nuông chiều quá mức trong gia đình, nên mọi thứ ông ấy làm đều được xem là kỳ diệu.

[45.2] Tên của ông này là bác sĩ James Braid. Hãy tham khảo chương 32 của sách “Beelzebub’s Tales to his Grandson”.

[46] Hasnamuss – Ở bối cảnh này chúng tôi hiểu rằng từ Hasnamuss chỉ những người áp dụng khả năng tâm linh đặc biệt của họ cho những mục tiêu ích kỷ như là thành lập giáo phái tà đạo.

[47] Charcot là “con cưng của mẹ” – đoạn này tóm tắt chương 32 của sách “Beelzebub’s Tales to his Grandson” bởi G. I. Gurdjieff.

Tôi đã đề cập một cách khái quát các đoạn [trích dẫn] về thí nghiệm từ trường [48], thôi miên học [49], chứng bắt thế [50], hiện tượng lên đồng và hàng nghìn các hiện tượng tương tự khác. Mục đích duy nhất là để cho độc giả thấy rõ về các trường phái giả bí truyền, giả huyền học của thời đại Kali Yuga đen tối này.

[48] Từ trường – đây là thuật ngữ Franz Mesmer dùng để chỉ khí lực.

[49] Thông tin và câu chuyện về thôi miên học trong chương này đến từ chương 32 của sách Beelzebub’s Tales to his Grandson bởi G. I. Gurdjieff.

[50] Chứng bắt thế (tiếng Anh: Catalepsy) – trong các chương trình thôi miên trên sân khấu, catalepsy hay được trình diễn. Đây là phương pháp thôi miên một người để làm cơ thể họ trở nên cứng như ở trong ảnh minh hoạ dưới đây.

Cảnh người đàn ông bị thôi miên, được chụp vào khoảng những năm 1910 bởi F. N. Jones

Vào thời của các chị em Fox [51] [những nhân vật được đề cập đến trong sách của] Mirville [52], hồn ma của Katie King nổi tiếng đã hiện hình trong thân thể của họ. Hồn ma của Katie King [53] đã tồn tại trong suốt ba năm và hiện hình trước mắt các nhà khoa học trên toàn thế giới. Hiện tượng này xuất hiện vào thời của Eusapia Palladino thành Naples, khi toàn bộ châu Âu bị kích động bởi các hiện tượng ngoại cảm. Đây cũng là thời điểm Thông Thiên Học phương Đông bắt đầu xuất hiện. Và tất nhiên, như các bạn biết đấy, tất cả những người đã đến thăm các tổ chức đó đều biết rằng trong các trường phái kể trên luôn có sự trà trộn giữa phong trào lên đồng với những lý thuyết kiểu Ấn Độ giáo. Thông Thiên Học luôn đi cùng với những hiện tượng lên đồng.

[51] Các chị em Fox – Ở thành phố Hydesville, bang New York, Mỹ, năm 1848, hai chị em nhà Fox, Catherine (11 tuổi), và Margaretta (14 tuổi) đã biểu diễn một cuộc giao tiếp với hồn ma trước cả gia đình và hàng xóm. Hai chị em đặt câu hỏi bằng lời nói và nhận câu trả lời thông qua tiếng gõ trên sản nhà. Trong những năm sau đó chị gái lớn nhà Fox, tên là Leah (34 tuổi), tổ chức nhiều sự kiện gọi hồn, quảng cáo và quản lý tiền cho hai em. Hiện tượng này đã dẫn đến sự phát triển của một trào lưu gọi hồn và lên đồng trên toàn thế giới. Năm 1888 Margaretta công bố rằng tất cả hiện tượng đó là giả tạo và tiết lộ phương pháp dùng ngón chân để gõ lên sàn nhà trước 2000 nhân chứng. Theo thông tin này thì nội dung của câu đầu tiên chưa được chính xác. Katie King đã không hiện hình trong thân thể của chị em nhà Fox. Chị em nhà Fox cũng chưa hề giao tiếp với hồn ma của Katie King mà là một số hồn ma khác.
[52] Mirville – J.E. de Mirville là tác giả của một cuốn sách về hiện tượng lên đồng: “Question des esprits et de leurs manifestations diverses” (tiếng Pháp), 1863. Có lẽ bản gốc có lỗi ghi chép ở đây, vì dịch giả không tìm thấy câu chuyện của ba chị em Fox trong sách của Mirville.
[53] Katie King là hồn ma nổi tiếng được cô hồn Florence Cook gọi lên ở London năm 1871-1874 và ở thành phố New York năm 1874-1875. Katie King nổi tiếng vì khi hiện lên thì hồn ma này cho khán giả sờ tay và chụp ảnh. Tuy nhiên, nhiều người nghi ngờ rằng Katie King chính là Florence Cook đội lốt.

Khi biết về nguồn gốc của các tổ chức hiện nay, chúng ta sẽ không hề ngạc nhiên khi thấy giáo phái Thông Thiên Học đã bị pha trộn với phong trào ông đồng bà cốt. Việc các thành viên Hội Thông Thiên Học trở nên sợ hãi trước giáo pháp Tantra là điều bình thường bởi vì Thông Thiên Học không phải là một trường phái huyền học, mà chỉ đơn thuần là giả huyền học [54] mà thôi.

[54] Thông Thiên Học là trường phái giả huyền học:
“Blavatsky là một bậc chân sư vĩ đại và là một yogini đích thực. Sau cái chết của Bá Tước Blavatsky [chồng đầu tiên của H. P. Blavatsky], bà đã tái hôn với Đại tá Olcott để thực hành phép tình dục bí ẩn.”
(Samael Aun WeorTarot and Kabbalah)

Samael Aun Weor đã có lời khen ngợi H. P. Blavatsky, người thành lập nên Hội Thông Thiên Học, và là một bậc chân sư vĩ đại. Trong câu trích dẫn ở trên chúng ta thấy rằng Samael Aun Weor cũng coi bà Blavatsky như một đạo sư chuyên Tantra và phép luyện kim đan tình dục. Lời phê bình về Thông Thiên Học ở đoạn này là dành cho các thành viên của Hội Thông Thiên Học hiện đại, chứ không phải nói về bà Blavatsky.

Hiển nhiên rằng nhiều chi nhánh hoặc tổ chức, ví dụ như phái giả Rosicrucian, giáo thuyết giả Yoga, v.v., đã phải phân nhánh từ trường phái thôi miên đó. Các trường phái đó nhiều đến nỗi chúng ta cần phải tham khảo từ điển để biết hết tất cả những cái tên này.

Tuy nhiên, chúng ta phải tìm hiểu tận gốc của vấn đề này. Nền tảng của những trường phái này là gì? Đó chính là học thuyết tiến hóa. Học thuyết tiến hoá nổi tiếng đó đến từ đâu? Từ ông Darwin.

Thật đáng kinh ngạc khi Darwin đã thuyết phục được rất nhiều nhân vật nổi tiếng, nhiều nhà huyền học, giả huyền học và rất nhiều hành giả chân chính. Tuy nhiên thì mọi việc đã xảy ra như vậy và chúng ta không thể phủ nhận được việc này.

Khái niệm về luân hồi chuyển kiếp được đưa ra bởi các nhóm giả bí truyền ở phương Tây là sai lầm. Đức Krishna không bao giờ nói rằng tất cả mọi người đều có thể tái hiện thân [ở kiếp sau]. Ngài nói rằng chỉ có các vị Phật, các vị thần, các vị anh hùng có dương thân mới có quyền tái hiện thân [55]. Còn lại thì phải tuân theo luật tái diễn vĩnh cửu của vạn vật. Điều này là rõ ràng.

[55] Câu này nói về sự khác biệt giữa “reencarnación” (“tái hiện thân”) và “returno” (tái sinh ở kiếp sau) trong tiếng Tây Ban Nha. Tái hiện thân – câu này nói về sự khác biệt giữa “reencarnación” (“tái hiện thân”) và “returno” (tái sinh ở kiếp sau) trong tiếng Tây Ban Nha. Vì độc giả Việt Nam sẽ không nhầm lẫn giữa “tái sinh” và “hiện thân” cho nên câu này nghe lạ khi dịch sang tiếng Việt.

Từ những trường phái chủ quan, không nhất quán, mơ hồ và vô định này, kết quả của các thể loại bệnh hoạn này được phát tán ra khắp phương Tây. Kết quả này chính là tính cách Kalki, hay nói cách khác, đây chính là đặc tính của thời đại Kali Yuga này.

Ở phương Đông, chưa có ai đã từng nói rằng mọi sinh vật hình người đều sở hữu các cơ thể hiện sinh siêu việt của Bản thể. Nhưng các trường phái giả bí truyền và giả huyền học đã dễ dàng khiến cho nhân loại tin rằng toàn bộ thế giới đều sở hữu những phương tiện siêu việt này. Theo cách này, họ không gặp bất kì trở ngại nào khi nói về chủ đề “bảy cơ thể hiện sinh của con người” một cách tự tin như thể là tất cả sinh vật hình người đều thực sự sở hữu toàn bộ những phương tiện đó.

Những người có tính cách Kalki hành xử vô lễ và bất kính. Loại tính cách của các trường phái giả bí truyền và giả huyền học này đã đánh mất không chỉ ý thức về sự tôn kính đích thực và tôn giáo chân chính mà còn mất đi cả sự tôn kính đối với các vị tổ sư thời xưa. Vậy nên, mặc dù đã được dẫn đường bởi các tôn giáo với trí tuệ đích thực, nhân loại vẫn dần trở nên thoái hóa với thái độ biết tuốt lố bịch, từ đó hình thành nên tính cách Kalki.

Chúng ta cần biết cách phân biệt tính cách Kalki với một tính cách huyền học đích thực. Sự khác biệt nằm ở đâu? Người mang tính cách Kalki luôn có thái độ biết tuốt ngạo nghễ. Họ bị mắc kẹt trong học thuyết tiến hóa và hiểu biết sai lầm về cấu tạo bên trong của con người. Họ phớt lờ giáo lý mật điển Tantra và sợ sự phát triển của con rắn lửa [Kundalini] trong cột sống. Bên cạnh đó, việc nhồi nhét đủ loại lý thuyết đã sinh ra trong tính cách Kalki một cảm giác đầy tự mãn.

Chắc chắn rằng những người có tính cách Kalki là nạn nhân của sự tự lừa dối bản thân. Họ tin rằng mình đã đạt được tất cả mọi thứ ngay cả khi chưa đạt được gì và tồi tệ hơn cả là họ đã mất đi lòng tôn kính; họ đã quên mất đức tin chân chính và đích thực; họ cũng đã mất đi sự khiêm nhường trước Logos của tạo hóa. Đấy chính là tính cách Kalki.

Chúng ta không thể đi theo con đường của tính cách Kalki. Chúng ta không thể chấp nhận những học thuyết sai lầm như thuyết tiến hóa; như việc tin rằng tất cả sinh vật hình người đều là những con người hoàn hảo với cơ thể hiện sinh hoàn chỉnh; hay nỗi sợ rắn lửa của năng lực thần thông bên trong và nỗi sợ trải nghiệm sống, v.v. Thay vào đó, chúng ta nên đi theo con đường của trí tuệ đích thực, con đường của Tantra, của công cuộc làm tan rã cái tôi, của việc nhận ra sự khốn khổ và thiếu năng lực của bản thân mình. Chúng ta nên nhận ra rằng mình không là gì cả, rằng mình chỉ là những con sâu khốn khổ trong bùn đất. Chúng ta cần quan tâm đến việc rèn luyện bản thân mình. Chúng ta cần làm tan rã cái gọi là “bản thân tôi”.

Chúng ta phải biết cách sử dụng sức mạnh trí tuệ của năng lực sáng tạo và rèn luyện trong lò rèn của Cyclops [56]. Đây chính nơi khiến những người theo các trường phái giả bí truyền và giả huyền học khiếp sợ. Do đó, chúng ta đang đi trên một con đường khác, con đường của sự chuyển hoá triệt để, một con đường với lịch sử vô cùng lâu dài đã bị lãng quên trong màn đêm khắc nghiệt của các thời đại.

[56] “Lò rèn của Cyclops” chỉ tình dục thiêng. Đọc thêm ở đây: https://gnosisvn.org/2024/01/03/lo-ren-cua-cyclops/

“Lò rèn của Cyclops” bởi Cornelius Cort, 1572

Chắc chắn là những đặc điểm của tính cách Kalki không thể nhầm vào đâu được. Trên hết là sự tự mãn, tính kiêu ngạo khủng khiếp và sự háo danh đáng sợ dựa trên các lý thuyết. Ví dụ, trong các trường phái phân tâm học, siêu tâm lý học [57], v.v., chúng ta thấy một sự kiêu hãnh và tự mãn khủng khiếp chiếm hữu những người thực sự mang tính cách Kalki. Những người này nổi bật không chỉ trong một số nhóm nhất định mà còn xuất hiện trên truyền hình, báo chí, đài phát thanh, và họ đầu độc cả thế giới bằng một tần số rung động mà trong huyền học được gọi là poisonioonoskirian [58].

[57] Siêu tâm lý học là lĩnh vực nghiên cứu về các hiện tượng siêu linh và tâm linh như siêu năng lực, thần giao cách cảm, linh cảm, nhãn thông, trải nghiệm cận tử, v.v.
[58] poisonioonoskirian – cụm từ này được định nghĩa trong chương 39 của sách “Beelzebub’s Tales to His Grandson” bởi G. I. Gurdjieff. Trong đó, Gurdjieff giải thích rằng rung động poisonioonoskirian là hậu quả của sự thoái hoá của tinh dịch do việc kiêng tình dục mà không chuyển hoá năng lượng (bằng cách tập pranayama, luyện tập nhớ Bản thể, v.v.). Khi quan sát các thầy tu của nhà thờ công giáo, Gurdjieff thấy rằng sự thoái hoá của tinh dịch dẫn đến một trong hai trường hợp như sau:
1. hoặc là cơ thể sẽ béo lên,
2. hoặc là cơ thể sẽ gầy đi và người đó bị ảnh hưởng bởi sự rung động poisonioonoskirian. Sự rung động này dẫn đến hai thái độ đối ngược cùng một lúc: thái độ cuồng tín được thể hiện ra bên ngoài và thái độ hoài nghi được ẩn giấu bên trong.

Họ vô cùng tự mãn; họ xem thường những người dân thời trung cổ; họ cho rằng mình là những người siêu văn minh; họ tin rằng mình đã đạt được trí tuệ vượt trội. Lòng tự mãn của họ lớn đến nỗi họ định chinh phục thế giới vô hạn, chinh phục vũ trụ. Họ cười nhạo những gì họ coi là mê tín từ các nhà hiền triết thời trung cổ. Đấy chính là tính cách Kalki. Và làm thế nào để khiến những người mang tính cách Kalki hiểu rằng họ đang sai lầm?

Nếu chỉ đơn giản nói với họ thì sẽ không đủ vì họ sẽ phủ nhận ngay, có đúng vậy không? Những người mang tính cách Kalki có khả năng lập luận thành thạo. Đây chính là vũ khí chiến đấu, là con ngựa chiến yêu quý của họ. Vì thế cho nên chúng ta phải dẫn dắt họ trong việc hiểu về quá trình lý luận.

Chúng ta phải nói cho những người tự mãn và đầy kiêu hãnh này biết rằng, Emanuel Kant, nhà triết học của Konigsberg, nhà tư tưởng vĩ đại người Đức, đã viết một cuốn sách có tên “Phê phán Lý tính Thuần túy”, cũng như cuốn “Phê phán Lý tính Thực tiễn”.

Nếu nghiên cứu về các học thuyết của Emmanuel Kant, chúng ta sẽ thấy cách ông giải mã về con người, không chỉ trong các tam đoạn luận của mình, mà còn ở cách ông phân tích “khái niệm có nội dung” [59] trong cuốn “Phê phán Lý tính Thuần túy”.

[59] Về cụm từ “khái niệm có nội dung” (tiếng Tây Ban Nha: “conceptos de contenido”), dịch giả không tìm được từ này trong sách “Phê phán Lý tính Thuần túy”, cũng không tìm thấy ở bất kỳ chỗ nào trên mạng internet ngoại trừ sách “Biện chứng Tâm Thức”. Vì thế, chúng tôi không biết ý nghĩa của từ này. Theo chúng tôi hiểu thì trong đoạn sách này thầy Samael đang nói về “khái niệm”, thế thôi.

Chúng ta cung cấp thông tin cho tâm trí qua nhận thức từ các giác quan bên ngoài. Sau đó tâm trí xây dựng các khái niệm có nội dung dựa trên dữ liệu thô của giác quan. Từ góc nhìn này, tâm trí không thể biết được gì ngoài thế giới của năm giác quan bởi các khái niệm có nội dung chỉ được xây dựng dựa trên dữ liệu từ các giác quan. Bởi vậy mà tâm trí bị giới hạn trong thế giới của các giác quan. Do đó, lý luận chủ quan có thể biết gì về trực giác và về các ý tưởng tiên nghiệm? Còn những thứ nằm ngoài các khái niệm có nội dung vốn chỉ dựa trên nhận thức giác quan bên ngoài thì sao? Câu trả lời là “Không”! Đúng chưa?

Có một loại lý luận khác mà người có tính cách Kalki hoàn toàn bỏ qua. Tôi muốn nhấn mạnh đến lý luận khách quan. Rõ ràng là lý luận khách quan lấy dữ liệu từ tâm thức làm nền tảng và hoạt động trên những dữ liệu này.

Trong huyền học đích thực thì tâm thức được gọi là Zoostat [60].

[60] Zoostat – ở chương 32 của sách “Beelzebub’s Tales to his Grandson” từ “zoostat” được định nghĩa là “hoạt động của tâm thức tâm linh”.

Lý luận khách quan được phát triển trước khi đế chế Hy Lạp – La Mã xuất hiện. Người Aryan [61] nguyên thủy thuộc tiểu chủng tộc đầu tiên của đại chủng tộc Aryan ở Trung Á đã phát triển khả năng lý luận này. Những người thuộc tiểu chủng tộc thứ hai trước thời kỳ của các Rishi thái dương sở hữu lý trí ấy. Người Ai Cập thuộc các Vương triều cổ đại của các Pharaon, người Babylon, các nhà hiền triết của Afghanistan, Turkestan và Iraq cũng sử dụng lý luận khách quan. Lý luận khách quan hầu như đã chấm dứt sau thời [của cách nhà triết học] Hy Lạp.

[61] Aryan (tiếng Phạn: Ârya) trong trường phái Thông Thiên Học, từ này chỉ hầu hết các chủng tộc trên trái đất trong giai đoạn hiện nay. Người Aryan là chủng tộc người thứ 5 phát triển trên trái đất. Trong thời chiến tranh thế giới thứ hai, đảng Nazi của Đức đã dùng từ này một cách nhầm lẫn để chỉ người gốc Bắc Âu và Bắc Ấn Độ. Đọc thêm ở bài viết về chủng tộc gốc.

Thời xưa, người Hy Lạp đã khởi đầu [quá trình thoái hoá của lập luận khách quan] bằng cách chơi với ngôn từ [thay thế cho triết học đích thực]. Cuối cùng thì họ đã xây dựng nên lập luận chủ quan dựa trên nhận thức giác quan bên ngoài. Do đó, khả năng lý luận khách quan đã bị nhấn chìm và biến mất khỏi Trái Đất. Kể từ đó, loài người chỉ sở hữu lập luận chủ quan, những nhận thức giác quan bên ngoài và những dữ liệu do giác quan cung cấp.

Chân dung Immanuel Kant – bởi Johann Christoph Frisch, k.1770

“Khái niệm có nội dung” dựa trên kết nối giác quan và lập luận chủ quan không cho ta biết được gì về những thứ nằm ngoài những yếu tố này. Lập luận chủ quan duy cảm không cho biết gì về thực tại, về thần thánh, về bí ẩn của sự sống và cái chết, v.v. Những lập luận này hoàn toàn không cho ta biết được gì về những thứ nằm ngoài phạm vi hoạt động của năm giác quan kém cỏi.

Không ai có thể nghi ngờ về sức mạnh của trái tim. Đây là những năng lực vượt ra ngoài lý trí và quá trình lập luận thuần lý trí, là thứ mà những lập luận chủ quan duy cảm không thể nhận biết được.

Trong vùng đất linh thiêng của Kinh Vệ đà, có một bản chép tay cũ với nội dung như sau: “Những ai chú tâm vào trung tâm trái tim trong lúc ngồi thiền sẽ kiểm soát được vayu tattwa – nguyên lý ê-te của không khí – và cũng sẽ có được các siddhi – siêu năng lực của các vị thánh”.

Trong giây phút này, ký ức về thánh Giuse thành Copertino lại ùa về trong tôi. Người ta nói rằng thánh Giuse đã bay lên không trung bảy mươi lần và phép thần thông này chính là lý do mà ông được tuyên thánh vào năm 1650. Không nghi ngờ gì là ông đã phát triển trung tâm trái tim. Một vị hồng y đã thẩm vấn thánh Giuse: “Tại sao trong khi cầu nguyện, lúc sắp bay lên, ông lại khóc lớn?”. Thánh Giuse trả lời: “Khi bắt lửa, thuốc súng sẽ phát nổ với một tiếng động lớn. Điều tương tự sẽ xảy ra với trái tim khi được thắp lên với tình yêu thiêng liêng”.

“Thánh Giuse thành Copertino” bởi Ludovico Mazzanti, 1767

Vì vậy, thánh Giuse thành Copertino đã chỉ ra phương pháp mấu chốt để đạt tới trạng thái Jinn một cách rất thực tế. Chúng ta cần phải phát triển trái tim để đi vào được trạng thái Jinn.

Vị thánh phi thường Christina luôn tự bay lên không trung. Khi bà chết – hay khi người ta tin rằng bà đã chết – và họ đang chuẩn bị chôn cất thì đột nhiên bà trỗi dậy từ trong quan tài và bay lơ lửng đến tận tháp chuông của nhà thờ.

Chúng ta có thể kể ra vô số trường hợp khác. Điển hình là trường hợp của Phanxicô thành Assisi. Một lần khi thầy tu tốt bụng, trợ lý của thánh Phanxicô, mang thức ăn đến cho ông thì ông đang bay lên lơ lửng trên không trung. Có nhiều lần, thầy tu tốt bụng này đã không thể nào đưa thức ăn cho thánh Phanxicô vì không với tới được. Thánh Phanxicô bay cao đến mức đôi khi biến mất trong một lùm cây gần đó.

Tất cả những nhà huyền học ấy đều đã phát triển trung tâm trái tim của mình. Nếu không phát triển trung tâm này thì chúng ta không thể đi vào được trạng thái Jinn.

Thông thường thì những người đã phát triển năng lực lý trí phải trải qua rất nhiều khó khăn để đi vào được trạng thái Jinn. Đó là bởi vì để phát triển lý trí, họ đã phải trả giá bằng năng lượng của trái tim, khiến cho sức mạnh của trái tim cạn kiệt và mất năng lực. Hay nói một cách dễ hiểu hơn, “họ đánh đổi năng lực của trái tim cho lý trí”.

Sẽ tốt hơn chăng nếu có được năng lực của trái tim thay vì lý trí? Những người hướng dẫn [trong trường phái Gnosis] không cần lo lắng về điều này. Trái tim có thể phát triển trở lại thông qua việc nuôi dưỡng những cảm xúc siêu việt, với âm nhạc cao cấp của các bậc thầy vĩ đại, và thông qua thiền. Khi để cho bản thân đi sâu hơn vào huyền học, với lòng sùng kính sâu sắc, chúng ta sẽ bắt đầu phát triển trái tim trở lại. Quá trình này thật sự thú vị.

Bên cạnh đó, các bạn thân mến, chúng ta cũng phải hiểu rằng tâm thức của con người được phân thành hai loại: tâm thức chân thực và tâm thức giả.

Khi một người đến với thế giới này, tự nhiên đã gửi gắm vào bên trong Phật tính của họ tất cả những gì cần thiết cho sự giác ngộ Bản thể sâu thẳm. Nhưng sau đó điều gì đã xảy ra? Chúng ta đi học và được dạy những thứ sai lạc và vô dụng, cùng rất nhiều lời khuyên và khái niệm. Cuối cùng thì tất cả những thứ này tạo ra một tâm thức giả. Trong khi đó, tâm thức chân thực, nơi chứa đựng thông tin về sự cần thiết của việc đi trên con đường để đạt được sự giải phóng Bản thể, thì bị bỏ lại phía sau, trong sâu thẳm của một nơi, thật buồn thay, được gọi là “tiềm thức” [62]. Thật không còn gì vô lý hơn thế!

[62] Tiềm thức (tiếng Anh: sub-consciousness) – tên gọi này là vô lý vì từ “sub” có nghĩa là “hạ cấp, ẩn giấu ở phía dưới” trong khi tâm thức này siêu việt hơn và chân thực hơn so với tâm thức giả. Đáng lẽ tâm thức này phải được gọi là “supra-consciousness” hay chỉ đơn giản là “consciousness”.

Chúng ta phải thành thật với chính mình, chúng ta phải nhận thức được rằng tâm thức giả mà ta đã tạo ra là một tập hợp tất cả các lý thuyết, tất cả những gì chúng ta đã học ở trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, v.v., và nhiều thứ khác nữa. Tâm thức này được hình thành từ hình mẫu của những người đi trước, hay từ những định kiến xã hội mà chúng ta đang sống. Tuy nhiên, đây không phải là tâm thức chân thực.

Chúng ta phải loại bỏ những thứ lầm lạc ở bên trong: cái tâm thức giả dựa trên những gì người khác nói, dựa trên những lời giáo huấn ở trường lớp, v.v. Hãy loại bỏ hoàn toàn. Hãy triệt tận gốc cái tâm thức giả đó để cho tâm thức chân thực được ngự trị trong ta, tâm thức siêu việt của Bản thể. Đó mới là thứ có giá trị.

Các bạn có thể thấy cách mà các nhà phân tâm học hiện đại, các bác sĩ tâm thần, các nhà tâm lý học, cận tâm thần học nổi tiếng, những người đi theo các nhà thôi miên và nhiều người khác nữa, đang dành rất nhiều nỗ lực để nhấn chìm, xóa dần, và loại bỏ tâm thức chân thực của Bản thể. Những người này, với các phương pháp của họ, đang càng ngày càng khuếch đại tâm thức giả trong chúng ta.

Ảnh chân dung bác sĩ Franz Mesmer, thế kỷ 18

Mesmer là một người tuyệt vời. Ông được trực giác mách bảo về sự tồn tại của một tâm thức kép trong con người và bắt tay vào nghiên cứu nó. Khi nhận ra rằng có một tâm thức giả và một tâm thức chân thực chính thống được lưu trữ trong nơi sâu thẳm, có thể nói là nơi bị coi thường, ông đã bắt đầu thực hiện các thí nghiệm với từ trường. Tất nhiên là các thí nghiệm này khác hẳn với thôi miên.

Tội nghiệp thay cho Mesmer, ông ấy đã bị chế giễu rất nhiều vào thời của mình và việc đó vẫn còn tiếp diễn. Người ta đã buông những lời chỉ trích chống lại ông và giờ đây vẫn vậy. Nhiều bài viết về thuật thôi miên đều mở đầu bằng việc phản đối Mesmer. Các nhà thôi miên căm ghét Mesmer bởi ông đã tuyên bố rõ ràng ông muốn chống lại tâm thức giả. Mesmer phát hiện ra sự tồn tại của một tâm thức kép, bao gồm: tâm thức giả và tâm thức chân thực. Ông đã đứng ra vạch trần tâm thức sai lạc trước sự lên án nghiêm ngặt của dư luận, và rõ ràng là ông đã gần như bị nuốt chửng. Đây là thực tế phũ phàng.

Để không quá lạc đề, tóm lại điều tôi muốn nói là sự phát triển nội tại chỉ có thể đạt được qua nỗ lực vứt bỏ đi tâm thức giả và dành sự chú tâm cho tâm thức chân chính, tâm thức đích thực.

Thế nào là tâm thức giả? Tâm thức giả được hình thành từ giây phút chúng ta chào đời. Nó được tạo ra từ những hình mẫu, những lời giáo huấn của tất cả những người thân chúng ta, là thứ được tạo dựng trong ta ở trường học, v.v. Chúng được hình thành cùng với tất cả những định kiến xã hội đã và đang tồn tại.

Vì vậy, tôi viết chương này với mục đích để chúng ta có thể tập trung, để chúng ta nhận ra tình trạng của mình trong thế giới này, để chúng ta hiểu rằng mình đang không đi trên con đường của những “trường phái nhỏ”, những giáo phái và những hội huyền học hình thành nên tính cách kalki, và để biết rằng chúng ta khác biệt. Chỉ vậy thôi.

Chúng ta phải ném bỏ tất cả những thứ vô nghĩa này vào sọt rác và để cho tâm thức chân thực được thực hiện vai trò của mình. Điều này chỉ ra rằng, để rèn luyện, chúng ta cần phải trở thành một đứa trẻ, một em bé nhỏ, chúng ta phải vứt đi những lý thuyết và đưa trí tuệ đích thực vào cuộc.

CONTUMACY

Contumacy có nghĩa là kiên định chỉ ra lỗi lầm. Do đó, tôi sẽ không ngừng khẳng định rằng nguyên nhân của mọi lỗi lầm là cái tôi, cái “bản thân tôi”. Tôi không quan tâm liệu những động vật trí năng sẽ cảm thấy khó chịu hay bực bội khi tôi lên tiếng chống lại cái tôi. Dù gì đi nữa thì tôi vẫn sẽ tiếp tục với contumacy [63].

[63] Trong bối cảnh của nhà thờ công giáo “contumacy” chỉ hành động của một giám mục hay linh mục phản đối ngoan cường với lãnh đạo.

Hai cuộc thế chiến đã qua và thế giới đang đứng trên bờ vực của cuộc chiến tranh thế giới thứ ba. Thế giới đang khủng hoảng, sự khốn khổ, bệnh tật và vô minh tồn tại khắp mọi nơi.

Hai cuộc chiến tranh thế giới đã không để lại cho chúng ta điều gì tốt đẹp cả. Chiến tranh thế giới thứ nhất để lại cho chúng ta dịch cúm khủng khiếp, đã giết chết hàng triệu người vào năm 1918. Chiến tranh thế giới thứ hai để lại cho chúng ta một thứ dịch bệnh tinh thần còn tồi tệ hơn cả dịch cúm sau thế chiến thứ nhất. Chúng ta đang đề cập đến “triết học hiện sinh” gớm ghiếc. Trường phái triết học này đã hoàn toàn đầu độc thế hệ trẻ và đi ngược lại những giá trị của biện chứng tâm thức.

Tất cả chúng ta đang sống trong một xã hội hỗn loạn mà chúng ta tự tạo ra. Tất cả chúng ta nên cùng nhau chung tay giải quyết sự hỗn loạn này và làm cho thế giới tốt đẹp hơn bằng những giáo lý mà tôi truyền tải trong tác phẩm này.

Thật không may là con người chỉ nghĩ về cái tôi tự cao tự đại của mình và nói: “Tôi là nhất, tôi là thứ hai và tôi là thứ ba”. Chúng tôi đã từng đề cập đến việc này và chúng tôi muốn lặp lại rằng: cái tôi phá hoại những trật tự được thiết lập bởi công cuộc chuyển hóa tâm lý.

Nếu chúng ta thực sự chân thành mong muốn cuộc biện chứng tâm thức được diễn ra thì trước hết chúng ta cần một sự chuyển hóa triệt để của cá nhân.

Nhiều người chấp nhận việc phải thay đổi nội tâm triệt để, toàn diện và dứt khoát, nhưng không may là họ lại đòi hỏi những động lực và khích lệ đặc biệt.

Mọi người đều thích được nghe rằng họ đang ổn, thích được vỗ vai tán dương, thích được người khác khen ngợi hay động viên, v.v.

Nhiều người dùng những câu thơ đẹp đẽ như một động lực hay dùng một niềm tin, một hệ tư tưởng hoặc một thiên đường trong mơ để có thể thay đổi.

Không ai muốn thay đổi chỉ để thay đổi, mà mọi người đều muốn có động lực để hành động. Người ta thích được khích lệ. Những người đáng thương này không muốn hiểu rằng những tác nhân kích thích như vậy thật rỗng tuếch và hời hợt, do đó về mặt logic mà nói thì chúng đều vô dụng.

Có những người cần lời hứa hẹn về một công việc tốt để tạo động lực cho việc thay đổi. Có những người lại cần phải có một mối tình đẹp hay một cuộc hôn nhân tuyệt vời để tạo động lực khiến họ thay đổi.

Trong cuộc sống cũng như trong lịch sử hàng thế kỷ qua, các tác nhân kích thích [từ phía bên ngoài] chưa bao giờ có thể tạo ra một sự thay đổi triệt để, toàn diện và dứt khoát bên trong bất kỳ cá nhân nào.

Trong mỗi người đều có một trung tâm năng lượng không thể phá huỷ được kể cả khi cơ thể vật chất chết đi. Bất hạnh thay cho thế giới, trung tâm năng lượng này truyền từ đời này qua đời khác sang những thế hệ con cháu của chúng ta. Trung tâm đó chính là cái tôi, là “bản thân tôi”, là “bản thân mỗi người”. Điều cấp bách và không thể trì hoãn hơn nữa là tạo ra một sự thay đổi triệt để trong trung tâm năng lượng được gọi là cái tôi này.

Những cái vỗ vai, những lời hay ý đẹp, những lời tâng bốc mĩ miều, những lời động viên đẹp đẽ, những lời khích lệ cao thượng, v.v. sẽ không bao giờ có thể tạo ra bất kỳ sự thay đổi triệt để nào trong trung tâm năng lượng cái tôi ở bên trong chúng ta.

Nếu chân thành và hết lòng mong muốn một sự thay đổi căn bản trong trung tâm cái “tôi” đó, thì chúng ta phải nhận ra tình trạng khốn khổ, nghèo nàn, tội nghiệp bên trong của mình và quên mình để cống hiến cho nhân loại. Điều này có nghĩa là phải hy sinh bản thân, hoàn toàn quên đi bản thân và hoàn toàn từ bỏ bản thân.

Không thể có sự thay đổi triệt để ở bên trong nếu chúng ta chỉ nghĩ đến việc kiếm tiền đầy túi.

Cái tôi, cái “bản thân tôi” muốn phát triển, cải thiện, tiến hóa, tương tác với những con người vĩ đại trên Trái Đất, để có được tầm ảnh hưởng, địa vị, của cải tiền bạc, v.v. Những thay đổi hời hợt của con người chúng ta là vô ích, những thay đổi này không chuyển hóa được bất cứ ai hay bất cứ điều gì.

Chúng ta cần một sự thay đổi sâu sắc ở bên trong mỗi người. Một sự thay đổi như vậy chỉ có thể được thực hiện ở trung tâm bên trong chúng ta, trong cái tôi. Chúng ta cần phải phá vỡ trung tâm của cái tôi ấy như đập vỡ một chiếc cốc gốm.

Việc loại bỏ cái tôi là cấp bách để có thể tạo ra một sự thay đổi sâu sắc, triệt để, toàn vẹn và dứt khoát trong mỗi chúng ta. Với trạng thái hiện tại, chúng ta chỉ có thể làm cho cuộc sống của mình trở nên cay đắng hơn và làm cho cuộc sống những người xung quanh chua chát hơn.

Cái tôi muốn lấp đầy bản thân mình với những danh dự, đức hạnh, tiền bạc, v.v. Cái tôi mong muốn sự sung sướng, danh vọng, uy tín, v.v. và cái tôi tạo ra một xã hội tự cao tự đại khi nó khao khát mở rộng bản thân với một sự háo hức điên cuồng. Trong xã hội đó chỉ có tranh chấp, tàn ác, tham lam vô độ, tham vọng vô biên vô tận, chiến tranh, v.v.

Bất hạnh thay, chúng ta đều là thành viên của một xã hội do cái tôi tạo ra. Một xã hội như vậy thật vô dụng và độc hại. Chúng ta chỉ có thể thay đổi bản thân một cách toàn diện và thay đổi thế giới bằng cách duy nhất là triệt tiêu tận gốc cái tôi.

Nếu chúng ta thực sự muốn triệt tiêu tận gốc cái tôi thì điều cấp thiết là phải giữ ký ức tĩnh lặng để tâm trí trở nên thanh bình, rồi từ đó ta có thể quan sát bản thân một cách trầm tĩnh để biết về chính mình.

Chúng ta nên chiêm nghiệm về bản thân như một người đang chiêm nghiệm và chịu đựng một cơn mưa xối xả vào chính mình.

Trên đời, không ai có thể làm tan rã cái tôi bằng cách tìm kiếm một thứ thay thế, giống như việc bỏ rượu nhưng lại thay bằng thuốc lá, bỏ vợ để lấy một người khác, bỏ khuyết điểm này để thay thế bằng khuyết điểm khác hoặc bỏ trường phái này để đi theo trường phái khác.

Nếu thực sự muốn có một sự thay đổi triệt để ở bên trong thì chúng ta nên gạt bỏ sang một bên tất cả những thứ trông có vẻ tích cực, những thói quen cũ và những phong tục sai lầm.

Tâm trí là trụ sở chính của cái tôi. Chúng ta cần một sự thay đổi trong trụ sở chính để có thể có một cuộc cách mạng thực sự ở bên trong.

Chúng ta chỉ thực sự triệt tiêu được cái tôi khi hiểu được hoàn toàn và từ bỏ cái [danh tính giả] tai hại của mình, kể cả khi không có bất kỳ sự động viên hay khích lệ nào.

CÁC TRẠNG THÁI CỦA CÁI TÔI

Các trạng thái của cái tôi được phân loại theo cách sau:

  • EXTEROPSYCHIC [trạng thái của cái tôi “cha/mẹ”]: Là những trạng thái định danh, liên quan mật thiết với nhận thức từ bên ngoài được tiếp nhận thông qua năm giác quan. Những trạng thái này kết nối với thế giới của ấn tượng.
  • NEOPSYCHIC [trạng thái của cái tôi “người lớn”]: Là các trạng thái xử lý dữ liệu. Nói một cách khác, là các trạng thái có vai trò diễn giải đúng hoặc sai về tất cả các tình huống mà động vật trí năng trải qua. Người thư ký xấu tính của chúng ta – tính cách – hoạt động ở những trạng thái này.
  • ARCHEOPSYCHIC [trạng thái của cái tôi “trẻ em”]: Là những trạng thái hồi quy, hay chính là ký ức của cái tôi trong 49 cấp độ của tiềm thức. Đây là những hồi ức từ quá khứ được lưu giữ dưới dạng thức hình ảnh và âm thanh. [64]

[64] EXTEROPSYCHIC, NEOPSYCHIC, ARCHEOPSYCHIC: Những thuật ngữ này được đề cập đến trong học thuyết tâm lý Phân tích Giao dịch:
– EXTEROPSYCHE (cha/mẹ): Vai trò của “cha/mẹ” là phán xét theo tiêu chuẩn được bắt chước hay vay mượn từ người khác.
– NEOPSYCHE (người lớn) Vai trò chính của “người lớn” là chuyển hoá các kích thích giác quan thành thông tin, xử lý và lưu trữ thông tin theo kinh nghiệm quá khứ.
– ACHEOPSYCHE (trẻ em) Thành phần “trẻ em” phản ứng nhanh hơn, dựa vào tư duy chưa phát triển, khả năng logic và nhận thức bị bóp méo hoặc chưa được biệt hoá rõ ràng.

(Eric Berne – Transactional Analysis in Psychotherapy, Chương 3).

“BLUE TIME” HAY LIỆU PHÁP NGHỈ NGƠI

Trên thềm huyền bí của đền Delphi, có một câu châm ngôn Hy Lạp được khắc trên đá với nội dung là Nosce Te Ipsum…, [tạm dịch là] “Hỡi con người, hãy biết chính mình và ngươi sẽ biết được cả vũ trụ và các vị thần”.

Nhà tiên tri của đền Delphi – ảnh minh họa từ sách “The Secret Teachings of All the Ages” bởi Manly Hall, 1928. Ảnh minh họa bởi họa sĩ J. Augustus Knapp

Rõ ràng là việc nghiên cứu bản thân, trong trạng thái quan sát thanh thản, sẽ dẫn đến sự yên lặng và tĩnh lặng của tâm trí.

Khi tâm trí yên tĩnh và im lặng, không chỉ ở mức độ hời hợt của lý trí mà còn ở trong tất cả 49 vùng tiềm thức, thì sau đó một điều mới mẻ sẽ đến; Phật tính, tâm thức sẽ được khai phóng, tâm hồn sẽ thức tỉnh và trạng thái định hay samādhi sẽ đến.

Việc thực hành thiền hàng ngày sẽ chuyển hoá chúng ta một cách triệt để. Những người không rèn luyện để làm tan rã cái tôi luôn nhảy từ trường phái này sang trường phái khác giống như những con bướm bay từ bông hoa này sang đoá hoa khác và sẽ mãi không tìm được trọng tâm cố định của mình, họ chết như những kẻ bại trận mà không đạt được sự khai ngộ nội tâm của Bản thể.

Sự thức tỉnh của tâm thức chỉ có thể đạt được bằng cách tự do và thoát ra khỏi trạng thái nhị nguyên của tâm trí, khỏi cuộc chiến giữa chính đề và phản đề và khỏi những cơn sóng của suy nghĩ. Bất kỳ cuộc đấu tranh nào trong tiềm thức, trong ý thức hạ cấp hay trong vô thức đều trở thành chướng ngại cho sự giải phóng của Phật tính.

Mọi cuộc chiến giữa chính đề và phản đề, cho dù không quan trọng hay vô thức đi chăng nữa, đều chỉ ra những điểm mù mờ chưa được biết tới trong địa ngục nguyên tử của con người. Để đạt được sự yên tĩnh và im lặng tuyệt đối của tâm trí, quan sát là việc không thể thiếu được để biết về những khía cạnh hạ cấp trong mỗi người. Chỉ khi không còn cái tôi thì chúng ta mới có thể trải nghiệm và sống trong sự chuyển hoá toàn vẹn và trong Biện chứng của Tâm thức.

“Blue Time” hay còn gọi là liệu pháp nghỉ ngơi có những quy tắc cơ bản. Nếu thiếu những quy tắc này chúng sẽ không thể giải phóng bản thân khỏi gông cùm hành hạ của tâm trí. Các quy tắc này là:

1. THƯ GIÃN: Học cách thư giãn cơ thể để chuẩn bị vào thiền là một việc không thể thiếu được; không nên để một cơ bắp nào trong trạng thái căng thẳng. Cần phải tạo ra và kiểm soát trạng thái buồn ngủ theo ý muốn. Rõ ràng là sự kết hợp khôn khéo giữa trạng thái buồn ngủ và thiền mang lại kết quả thường được gọi là sự khai sáng.

2. HỒI TƯỞNG: Chúng ta đang tìm kiếm điều gì khi thực hành hồi tưởng? Do cuộc sống máy móc của mình mà động vật trí năng quên mất bản thân và rơi vào mê tưởng. Họ sống với ý thức ngủ mê mà không nhớ mình đã làm gì ngay sau lúc thức dậy, không biết ý nghĩ đầu tiên trong ngày là gì, và cũng không nhớ mình đã làm gì và đã ở đâu [trong ngày].

Mục đích của việc hồi tưởng là để ý thức về những hành vi hoặc hành động của mình trong quá khứ. Khi thực hành hồi tưởng trong trạng thái thiền [định], chúng ta sẽ không chống đối lại những gì trong tâm trí; chúng ta sẽ nhớ lại ký ức của những hành động trong quá khứ, bắt đầu từ thời điểm tập hồi tưởng và quay ngược trở lại một thời điểm tuỳ thích trong cuộc sống của mình. Chúng ta nên tìm hiểu từng ký ức nhưng không được trở nên đồng nhất với nó.

3. QUÁN CHIẾU THANH THẢN [65]: Đầu tiên chúng ta cần phải có ý thức về toàn bộ tâm trạng hiện tại của mình trước khi bất kỳ suy nghĩ nào nảy sinh. Quan sát tâm trí một cách thanh thản, dành toàn bộ sự chú tâm của mình vào bất kỳ biểu tượng tâm trí nào xuất hiện trên màn hình của lý trí.

[65] Quán chiếu thanh thản được giải thích kỹ hơn trong chương ba của sách này.

Chúng ta cần phải trở thành người lính canh gác tâm trí của mình trong bất kỳ hoạt động mang tính kích động nào và dừng lại một giây lát để quan sát tâm trí.

4. PHÂN TÍCH TÂM LÝ: Điều tra, tự vấn, tìm kiếm nguồn gốc của từng ý nghĩ, ký ức, niềm yêu thích, cảm xúc, tình cảm, nỗi uất hận, v.v. khi chúng trào dâng trong tâm trí.

Trong quá trình phân tích tâm lý, chúng ta nên kiểm tra, đánh giá và tự vấn về nguồn gốc, nguyên nhân, lý do hoặc động cơ căn bản của mỗi ý nghĩ, ký ức, hình ảnh và mối liên kết khi chúng trào dâng từ đáy của tiềm thức.

5. NIỆM CHÚ hay CÔNG ÁN: Mục tiêu của giai đoạn này là:

  1. Kết hợp lực thần thông của các câu thần chú hoặc công án trong vũ trụ nội tại của chúng ta.
  2. Thức tỉnh tâm thức.
  3. Tích lũy các nguyên tử Kitô có điện thế cao ở bên trong.

Trong việc rèn luyện tâm lý này, lý trí cần ở trong trạng thái tiếp nhận, thống nhất, nhất thể, trọn vẹn, tĩnh lặng và sâu sắc. Chúng ta đạt được trạng thái tiếp nhận hoàn toàn thống nhất thông qua các công án hay những câu nói làm cho tâm trí bối rối.

6. PHÂN TÍCH SIÊU VIỆT: Bao gồm kiến thức từ việc quan sát nội tâm. Việc hướng nội là không thể thiếu trong quá trình thiền sâu.

Trong trạng thái này, chúng ta sẽ rèn luyện để thấu hiểu một cái tôi hoặc một khiếm khuyết muốn loại bỏ. Người học trò Gnosis sẽ tập trung vào cấu trúc tâm lý đó và giữ nó [để quan sát] trên màn hình của tâm trí. Quan trọng hơn cả là chúng ta phải trung thực với chính mình.

Phân tích siêu việt bao gồm hai giai đoạn:

a) Thăm dò bản thân: Điều tra trong sâu thẳm của tâm thức và trong 49 cấp độ của tiềm thức để biết được lần đầu tiên khi khiếm khuyết đó biểu hiện trong cuộc sống của chúng ta, lần cuối khi nó biểu hiện và những khoảnh khắc khi khiếm khuyết đó được củng cố thêm sức mạnh để biểu hiện.

b) Khám phá bản thân: Điều tra xem cái tôi được nuôi dưỡng như thế nào. Phân chia và tách rời khiếm khuyết từng phần và nghiên cứu để biết nó bắt nguồn từ cái tôi nào và biết cái tôi nào bắt nguồn từ nó.

7. XÉT XỬ BẢN THÂN: Đặt khiếm khuyết đó lên chiếc ghế bị cáo để nghiên cứu. Đưa ra phán xét về những thiệt hại mà khiếm khuyết đó gây ra cho tâm thức và những lợi ích thu được cho cuộc sống khi những khiếm khuyết mà chúng ta đang phán xét bị tiêu diệt.

8. CẦU NGUYỆN: Thành khẩn cầu xin Đức Mẹ Thần thánh Kundalini, Đức Mẹ nội tại của riêng mình. Chúng ta sẽ trò chuyện thẳng thắn với Đức Mẹ và hướng vào bên trong để thấy tất cả khiếm khuyết và lỗi lầm của mình, để Mẹ có thể làm tan rã những khiếm khuyết đó tới tận gốc rễ bởi vì chỉ có Mẹ là người duy nhất có khả năng làm tan rã cái tôi.

Thật dễ chịu và thú vị mỗi khi có thể được đến các thiền đường, hay còn được gọi là các Lumisial, của Gnosis.

Điều cần thiết là phải luôn nhắm mắt khi tập thiền để tránh [bị phân tán] bởi những giác quan bên ngoài.

XÁC CHẾT CỦA CÁI TÔI

Trong các cõi địa ngục nguyên tử, chúng ta phải làm tan rã xác chết của cái tôi bằng sức mạnh của điện lực dục tính. Ta không thể chờ đợi các xác chết này tự phân hủy theo thời gian.

Viên kim cương quý giá mà Sa-lô-môn đã dùng để đánh bóng các viên đá quý chính là Hòn đá Triết học.

Sau khi đã làm tan rã xác chết của cái tôi thì chúng ta nên hướng mọi nỗ lực của mình để “không tạo ra các cơ thể vật chất một lần nữa vì những cơ thể này dễ bị tổn thương, sẽ lão hóa và cuối cùng sẽ chết đi”.

Không nghi ngờ gì nữa, nghiệp tạo ra các cơ thể.

Do thiếu rèn luyện tâm lý nên con người thời nay không có được sự sâu sắc và chỉ thích sống hời hợt. Họ tự cho rằng mình xứng đáng để cười nhạo các nền văn minh [cổ xưa].

Hiện nay, tâm trí con người đang bị thoái hóa bởi những khái niệm. Mỗi khái niệm phát sinh là kết quả của những gì mọi người đã nói, đã nghiên cứu.

Một khái niệm tự thân [66] được dựa trên trải nghiệm về cách thức suy nghĩ của riêng mỗi người. Hiểu biết của Gurdjieff [về điều này] mới chỉ ở mức căn bản.

[66] “Khái niệm tự thân” là khái niệm xuất phát từ bản thân mình, tức là từ Bản thể. Thông thường thì tất cả khái niệm của chúng ta đến từ bên ngoài, từ giác quan và từ phần tâm trí đã phát triển nhờ thông tin từ các giác quan. Chỉ có khi nào tâm trí im lặng, ví dụ như khi nhập định, thì một khái niệm không đến từ phần của tâm trí mà bị giác quan điều kiện hoá mới xuất hiện.

Krishnamurti mới thực sự có khái niệm tự thân bởi vì ông chưa bao giờ đọc bất cứ điều gì từ bất kỳ ai khác.

J. Krishnamurti

Việc mất cân bằng và mất kết nối với vũ trụ xảy ra khi chúng ta không còn quyền tự trị bên trong mình.

Làm thế nào mà một người có thể có được quyền tự trị nếu người đó không làm chủ được chính mình? Hành động tự thân chỉ có được khi một người có Bản thể ở bên trong.

Hòn đá Triết học, khái niệm tự thân, hành động tự thân và quyền tự trị chỉ có được khi chúng ta làm tan rã xác chết của cái tôi trong các cõi địa ngục nguyên tử tâm lý.

SỰ HÌNH THÀNH TÂM LÝ

Nền văn minh của chúng ta bên ngoài thì trông thật rực rỡ với sự chinh phục vũ trụ và những hiểu biết sâu sắc về thế giới vật chất, nhưng trên thực tế thì thối rữa bởi một nền đạo đức suy đồi của sự đồng tính luyến ái và tệ nạn nghiện ngập.

Nền văn minh này đã bước vào giai đoạn thoái hóa để rồi tự tiêu tan, tương tự như những gì đã xảy ra với các nền văn minh khác. Lịch sử của đế quốc La Mã kiêu hãnh là một ví dụ điển hình. Ở đó, những dấu hiệu của sự thoái hóa đã xuất hiện khi một quốc gia vĩ đại, kỷ luật và đạo đức trải qua những thay đổi hoàn toàn khiến họ chìm sâu vào sự trụy lạc, cho dù đó đã từng là một quốc gia chinh phạt thời cổ đại.

Tôi căn cứ vào cái gì khi khẳng định những điều này? Xin trả lời, tôi căn cứ vào những sự thật rõ ràng và hùng hồn! Một nền văn hóa vĩ đại như nước Anh, giờ đây chỉ đang tạo ra một căn bệnh tâm lý, một căn bệnh làm ô uế tinh thần của các thế hệ trong thời đại này. Nhóm nhạc người Anh, Sex Pistols, những người sẵn sàng làm mọi việc trái ngược với các quy cách thông thường, theo nghĩa tiêu cực, để được xuất hiện như những nhân vật xuất chúng. Nhóm nhạc này là những người sáng lập ra dòng nhạc Punk Rock [67] và viết các bài hát có ca từ không lành mạnh hay những chủ đề dùng để trực tiếp công kích, không chỉ các tổ chức, mà còn tấn công chính những khán giả lắng nghe với một tâm thức ngủ mê.

[67] Phong trào Punk có một số yếu tố tôn giáo. Tín đồ Punk thực sự sống theo phong cách punk bằng cách bỏ việc, ở cùng nhau trong những khu nhà bỏ hoang. Họ tin rằng mình cao siêu hơn rất nhiều so với những người có công ăn việc làm và họ khinh thường những người làm kinh tế, đi làm, buôn bán và trả thuế. Khi cực đoan, tín đồ punk ghét tất cả mọi thứ và tất cả mọi người. Thái độ này trở thành tôn giáo của họ. Bất kể ai có công ăn việc làm, tiết kiệm tiền, mua bảo hiểm, đi học hay đóng thuế đều là người xấu. Tín đồ Punk hay trì trích một người là đang không thực sự sống theo Punk nếu họ làm những việc không theo lối punk như là đi khám hay mua bảo hiểm.

Sự bẩn thỉu chính là “thương hiệu” của Sex Pistols, một thông điệp chủ quan mà họ gửi đến cho nhân loại tội nghiệp đã mục nát đến tận xương tuỷ này.

Sex Pistols là một ban nhạc hiếu chiến, nhóm này sỉ nhục tất cả mọi thứ. Đấy chính là đặc tính của “tôn giáo” Punk Rock. Họ viết những bài hát chống lại tình yêu, đầy sự giễu cợt, chống lại sự đàn áp và xâm lược. Được thành lập bởi bốn thanh niên thuộc tầng lớp lao động Anh, nhóm này muốn chống lại tầng lớp ưu tú. Thật nực cười khi những động vật trí năng này lại có thể tạo ra một tôn giáo mà quên mất rằng từ “tôn giáo” [religion] bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp: religare, có nghĩa là hợp nhất với thần thánh. Nhưng, những kẻ thoái hóa này đi theo thể loại thần thánh gì mà thế hệ trẻ tôn sùng họ một cách mê hoặc, như thể đó là một điều gì đó vĩ đại?

Dòng nhạc của Sex Pistols tạo ra bầu không khí ghê tởm nhất trong thời nay. Điều này đã được xác minh bởi việc hàng trăm khán giả trẻ tuổi đi xem các buổi biểu diễn của sex pistols tại Club 100 [68] ở London, cũng chính là những người đang chìm sâu nhất trong sự vô minh về tâm linh và tâm lý.

[68] 100 Club (Câu lạc bộ 100) là nhà hát ở địa chỉ 100 phố Oxford ở London, nơi Sex Pistols đã từng biểu diễn.

Làn sóng Punk tiếp tục tiến triển bất chấp mọi sự phản đối, và phong cách thời trang chủ quan đã xuất hiện trên vô số các tạp chí quốc tế. Quần áo thì rách rưới tả tơi và được tô điểm thêm bởi các loại vật liệu phế thải, tóc tai thì được cắt ngắn và nhuộm nhiều màu, áo sơ mi và áo phông thì được in với các dòng chữ chống lại mọi thứ. Đây là một minh chứng rõ ràng về các triệu chứng bệnh dịch tâm lý của nhân loại, đã khiến nhân loại thối rữa.

Trong nhiều buổi biểu diễn, việc gây hấn, công kích hay tức giận là bình thường. Thật quá dễ để nghe được những lời lăng mạ hay chứng kiến cảnh ném chai lọ từ sân khấu của nhóm nhạc Sex Pistols. Kéo theo đó thường là những trận ẩu đả. Nhiều người đã phải vào tù hoặc nhập viện. Rồi hàng trăm thanh niên Anh ném đồ vật lung tung và xổ ra những lời nói xúc phạm, đồng thời la hét rằng họ yêu thích Sex Pistols vì đây là nhóm nhạc đỉnh cao nhất. Cảnh này đã xảy ra trong một số buổi biểu diễn nhạc [của Sex Pistols] tại câu lạc bộ Paradise trên phố Brewer.

Thật kỳ lạ, John Rotton là trưởng nhóm, người dẫn dắt ban nhạc Sex Pistols, nhưng trước đây lại chưa từng ca hát. Ngoài ra còn có Sid Vicious, Paul Cook và Steve Jones. Họ không tôn trọng bất cứ ai ở nước Anh và họ khó có thể đến được đất nước của chúng ta.

Tôi cho rằng cuộc sống không thể được lý giải nếu không có những chu kỳ tiến hóa và thoái hóa như chu kỳ của làn sóng Punk. Hiện tượng này cũng xuất hiện ở thực vật, động vật, con người, các ngôi sao và các chòm sao.

Các chu kỳ lịch sử cũng có một quá trình tiến hóa và sau đó là quá trình thoái hóa trí mạng xảy ra. Quá trình này bào mòn đất đá, nghiền nát các mặt trời, lão hóa con trẻ thành cụ già, biến cây cối thành than đá và nhấn chìm các lục địa xuống sâu thẳm đại dương hay khiến chúng nổi lên bề mặt.

Tất cả những ai có nguyện vọng đều có thể tham gia các học viện Gnosis, nơi phổ biến những giáo lý của tôi, miễn là người đó có khát khao cải thiện bản thân và thực hiện việc hình thành tâm lý bên trong chính họ ngay bây giờ và ở đây.

Khi một người chưa hình thành tâm lý bên trong chính mình thì người này chỉ có thể sử dụng được một phần rất nhỏ năng lực và tiềm năng của bản thân. Đây là lý do tại sao tôi muốn mời độc giả thực hành những giáo lý tâm lý học truyền tải trong các chương này để mọi người có thể học được cách sử dụng tối đa năng lực tâm lý của mình.

Trong mỗi con người luôn có những khả năng vô hạn cho một nguồn kiến thức cũng vô tận. Tất cả chúng ta, từ khi còn trong phôi thai, đều đã sở hữu những năng lực tâm lý tuyệt vời. Những khả năng [tiềm ẩn] này sẽ nảy nở khi chúng ta bắt đầu thực hiện việc hình thành tâm lý bên trong bản thân mình mà không chần chừ thêm một phút giây nào nữa. Con người nên chuẩn bị cho việc biết mọi thứ liên quan đến sự tồn tại của mình. Đây là một sự thật hiển nhiên giống như ý chí tự do vậy.

Tại sao chúng ta ở đây? Chúng ta đến từ đâu? Chúng ta đang đi đâu? Chúng ta cần biết những điều này để không bị mắc kẹt trong những giáo điều và lý thuyết.

Bằng cách rèn luyện tâm lý mà tôi đã đề cập, chúng ta có thể cải thiện về mặt tâm linh. Nói một cách khác, [rèn luyện tâm lý ở đây] chính là việc hình thành tâm lý ở bên trong để có thể kết nối với các chiều không gian khác nhau của tự nhiên.

Khi bắt đầu rèn luyện để hình thành tâm lý, chúng ta sẽ nhận thấy sự tiến bộ của cá nhân mình, rồi từ đó có thể tiếp cận với những giáo lý bí truyền sâu sắc đã tồn tại suốt vô vàn thế kỷ. Những giáo lý này đã luôn ở đó, chờ đợi tất cả những ai chân thành khao khát tìm ra lời đáp cho các câu hỏi và những cảm giác trống rỗng của mình mà không biết rằng họ đang theo lời khuyên bất hủ của bậc chân sư vĩ đại: “Hãy tìm và các người sẽ gặp” [69].

[69] “Hãy xin, các ngươi sẽ được; hãy tìm, các ngươi sẽ gặp; hãy gõ cửa, cửa sẽ mở cho các ngươi. Vì hễ ai xin sẽ được, ai tìm sẽ gặp, và ai gõ cửa, cửa sẽ mở cho người ấy. Có ai trong các ngươi khi con mình xin bánh mà cho đá chăng? Hay con mình xin cá mà cho rắn chăng? Vậy nếu các ngươi vốn là xấu mà còn biết cho con cái mình các vật tốt, huống chi Cha các ngươi trên trời lại chẳng biết ban những vật tốt cho những người xin Ngài sao?”

(Ma-thi-ơ 7:7-11, Kinh Thánh)

Tóm lại, chúng ta có thể nói rằng việc hình thành tâm lý được dựa trên văn tự khắc tại đền thờ Delphi:

“Đây là một lời cảnh báo cho bạn, bất kể dù bạn là ai, hỡi những người muốn khám phá những điều thần bí của tự nhiên. Nếu bạn không thấy được bên trong chính mình những gì bạn đang tìm kiếm thì bạn cũng sẽ không thể tìm thấy nó ở bên ngoài. Nếu bạn bỏ qua những điểm xuất sắc trong chính ngôi nhà của mình, thì làm sao bạn có thể tìm thấy những điểm xuất sắc ở nơi khác? Kho báu tàng ẩn bên trong chính bạn. Hỡi các bạn, hãy biết chính mình và bạn sẽ biết vũ trụ và các vị thần!”

CHUYỂN HÓA ẤN TƯỢNG

Chúng ta sẽ nói về sự chuyển hóa của cuộc sống. Điều này có thể thực hiện được nếu chúng ta có quyết tâm sâu sắc. Chuyển hóa là biến đổi một chất này thành chất khác. Đương nhiên là mọi thứ đều có thể thay đổi.

Có những quá trình chuyển hóa vật chất mà ai cũng biết. Ví dụ như, không ai có thể phủ nhận việc đường có thể chuyển hóa thành rượu và sau đó thành giấm nhờ vào quá trình lên men. Đây là sự biến đổi của một chất ở cấp phân tử. Chúng ta biết về vòng tuần hoàn hóa học của các nguyên tố, ví dụ như nguyên tố Radi sẽ từ từ biến đổi thành chì.

Các nhà luyện kim đan thời trung cổ có nói về sự chuyển hoá của chì thành vàng. Tuy nhiên, không phải lúc nào họ cũng đang đề cập đến kim loại vật chất đơn thuần. Thông thường, họ dùng từ này để chỉ sự chuyển hoá của tính cách chì thành tâm linh vàng. Do đó chúng ta nên suy ngẫm về những điều này.

Trong các sách Phúc Âm, con người trên thế gian được ví như một hạt giống có khả năng phát triển, giống như ý tưởng về sự tái sinh của con người khi được sinh ra một lần nữa. Rõ ràng là nếu hạt giống không chết đi thì cây không được sinh ra. Cái chết và sự sống tồn tại trong mọi sự chuyển hóa.

Trong Gnosis, con người được xem như một nhà máy ba tầng, thường hấp thụ ba loại thực phẩm. Thức ăn thông thường tương ứng với tầng dưới của nhà máy, được xử lý bởi dạ dày. Đương nhiên rằng không khí liên quan đến tầng thứ hai, tương ứng với phổi. Và các ấn tượng rõ ràng là liên quan với tầng thứ ba, não bộ.

Thực phẩm chúng ta ăn được chuyển hóa liên tục, việc này không còn gì phải bàn. Bản thân quá trình của cuộc sống là sự chuyển hóa. Mỗi sinh vật trong vũ trụ đều tồn tại dựa trên sự chuyển hóa một chất thành một chất khác. Ví dụ, thực vật chuyển hóa nước, không khí và muối của Trái đất thành các dưỡng chất thực vật mới, thành các thực phẩm có ích cho chúng ta, chẳng hạn như các loại hạt, trái cây, khoai tây, chanh, v.v.. Do đó, mọi thứ đều là kết quả của các quá trình chuyển hóa.

Ánh sáng mặt trời tác động lên các quá trình lên men tự nhiên. Bề mặt Trái Đất được được bao phủ bởi một lớp cảm quan của sự sống. Lớp bề mặt này dẫn các năng lượng vũ trụ vào phía sâu trong lòng của hành tinh. Mỗi loài thực vật, côn trùng, mỗi sinh vật và cả động vật trí năng, được gọi nhầm là con người, đều hấp thụ và tiếp nhận một số năng lượng vũ trụ nhất định rồi sau đó chuyển hóa và truyền các năng lượng đó đến các tầng thấp hơn của hành tinh sống [70] một cách máy móc. Những năng lượng đã được chuyển hóa như vậy có liên quan mật thiết đến toàn bộ hệ sinh thái trên hành tinh sống của chúng ta. Chắc chắn là mọi sinh vật, tùy theo nhóm loài của mình, đều chuyển hóa một số năng lượng nhất định rồi sau đó truyền vào bên trong Trái Đất để phục vụ hệ sinh thái của thế giới. Do đó, tất cả các sinh vật đều đang thực hiện các chức năng giống nhau.

[70] Hành tinh sống – mỗi hành tinh là cơ thể của một sinh vật to lớn, một vị thiên thần có ý thức và trí tuệ.

Khi chúng ta ăn một thực phẩm cần thiết cho sự sống, thì rõ ràng là thực phẩm này được chuyển hóa theo từng bước thành tất cả những yếu tố không thể thiếu cho sự sống. Ai là người thực hiện các quá trình chuyển hóa chất bên trong chúng ta? Hiển nhiên đó là trung tâm bản năng. Trí tuệ của trung tâm này thật đáng kinh ngạc.

Bản thân quá trình tiêu hóa chính là một sự chuyển hóa. Nói theo cách khác, thức ăn trong dạ dày được chuyển hóa ở phần dưới của nhà máy ba tầng trong cơ thể người. Nếu một thứ đi vào trong cơ thể mà không qua dạ dày thì sinh vật đó sẽ không thể hấp thụ được các vitamin cơ bản cũng như chất đạm, và nó sẽ chỉ gây ra chứng khó tiêu mà thôi. Khi suy ngẫm về chủ đề này, chúng ta sẽ thấu hiểu được sự cần thiết của việc chuyển hoá.

Rõ ràng là thức ăn được chuyển hoá, nhưng hãy ngẫm nghĩ xem liệu các ấn tượng có đang được chuyển hóa một cách bài bản trong chúng ta hay không?

Nếu chỉ để sống theo bản năng thì động vật trí năng được gọi nhầm là “con người” không cần phải thực sự chuyển hóa các ấn tượng. Đương nhiên là mỗi người có thể tự chuyển hóa các ấn tượng bằng cách vận dụng các kiến thức chuyên sâu. Hơn nữa, họ cần phải hiểu sự cần thiết của việc chuyển hoá.

Việc chuyển hóa các ấn tượng là một điều vô cùng tuyệt vời. Cuộc sống thực tiễn đã cho thấy rằng đa số mọi người tin rằng thế giới vật chất này sẽ mang lại những gì họ đang khao khát tìm kiếm. Nhưng thật sự thì niềm tin này là hoàn toàn sai lầm. Bản thân cuộc sống đi vào chúng ta, vào cơ thể của chúng ta, dưới dạng những ấn tượng đơn thuần. Điều đầu tiên mà chúng ta nên hiểu là tầm quan trọng của mối liên quan mật thiết giữa việc tu tập và thế giới của những ấn tượng.

Chúng ta cần phải chuyến hóa các ấn tượng ư? Đúng như vậy! Một người không thể thực sự thay đổi cuộc sống của mình nếu họ không chuyển hóa những ấn tượng đi vào tâm trí.

Khi đọc những dòng này, mọi người nên suy ngẫm về những gì đang được đề cập ở đây. Chúng ta đang nói đến một điều mang tính cách mạng. Toàn thế giới tin rằng vật chất mới là thật. Nhưng nếu tìm hiểu sâu hơn một chút thì chúng ta sẽ thấy rằng những gì chúng ta đang thực sự tiếp nhận trong mọi khoảnh khắc, mọi thời điểm, chỉ đơn thuần là những ấn tượng.

Nếu chúng ta cảm thấy dễ chịu hoặc khó chịu khi gặp một người thì điều đầu tiên mà chúng ta có được là ấn tượng về bản chất của người đó, đúng không? Chúng ta không thể phủ nhận thực tế này. Cuộc sống là một chuỗi các ấn tượng liên tiếp. Điều này thật trái với niềm tin của các học giả vô minh vào một thế giới thuần duy vật. [Tuy nhiên,] bản chất của cuộc sống chính là những ấn tượng của nó!

Rõ ràng là những ý tưởng đang được giải thích ở đây không dễ nắm bắt, cũng không dễ hiểu. Cũng có thể các độc giả tin chắc rằng cuộc sống tồn tại một cách độc lập chứ không phải dưới dạng các ấn tượng. Rõ ràng là chúng ta đã bị thôi miên bởi thế giới vật chất và cách suy nghĩ của chúng ta cũng bị ảnh hưởng theo. Ví dụ như khi nhìn thấy một người đang ngồi trên ghế, mặc một bộ vest màu mè, họ chào ta, mỉm cười với chúng ta, v.v. thì người này là rất thật đối với chúng ta.

Nhưng nếu suy ngẫm sâu sắc về tất cả những điều này thì chúng ta có thể đi đến kết luận rằng những gì có thật chỉ là những ấn tượng. Ấn tượng đi vào tâm trí một cách tự nhiên thông qua cửa sổ của các giác quan.

Cuộc sống đến với chúng ta dưới dạng những ấn tượng và ở đó chúng ta có khả năng rèn luyện bản thân. Trước hết chúng ta nên làm gì? Chúng ta phải hiểu việc mình nên làm. Làm thế nào để có thể đạt được sự chuyển hóa tâm lý? Bằng cách rèn luyện bản thân trên những ấn tượng mà chúng ta đang tiếp nhận ở mọi khoảnh khắc, mọi thời điểm.

Công việc rèn luyện đầu tiên được gọi là Cú Sốc Tỉnh Thức Đầu Tiên. Việc này liên quan đến những ấn tượng, vốn là tất cả những gì chúng ta biết về thế giới bên ngoài. Các đồ vật và con người thực sự có kích cỡ ra sao?

Nếu chúng ta không có các giác quan, chẳng hạn như không có mắt để nhìn, tai để nghe, miệng để nếm rồi tiêu hóa thức ăn, thì liệu với chúng ta cái được gọi là thế giới vật chất có thực tồn tại hay không? Tất nhiên là không, hoàn toàn không.

Bây giờ, hãy nỗ lực suy ngẫm về tầm quan trọng của những gì đang được học ở đây, bắt đầu bằng việc quan sát bản thân. Các bạn sẽ thấy rằng trên thực tế, mọi khía cạnh của công việc tu tập đều liên quan mật thiết đến việc chuyển hóa các ấn tượng và kết quả của nó.

Chúng ta cần chuyển hóa bản thân mỗi ngày. Nếu muốn chuyển hóa khía cạnh tâm lý của mình, chúng ta cần phải rèn luyện với những ấn tượng.

Tại sao việc chuyển hóa các ấn tượng lại được gọi là Cú Sốc Tỉnh Thức Đầu Tiên? Bởi vì “cú sốc” là thứ mà chúng ta không thể quan sát được một cách đơn thuần máy móc. Việc này không làm được một cách máy móc, mà cần đến nỗ lực ý thức về bản thân. Rõ ràng là khi một người bắt đầu hiểu được việc này thì họ sẽ từng bước chấm dứt việc hoạt động như một cái máy, chỉ để phục vụ các mục đích của tự nhiên.

Ví dụ, khi rèn luyện với cảm xúc tiêu cực, với trạng thái tức giận, với việc bị đồng nhất với các đối tượng, với việc quan tâm đến bản thân [71], với các cái tôi liên tiếp xuất hiện, với việc nói dối, những lời biện minh, những lời bào chữa, với trạng thái vô thức của chúng ta v.v…, tất cả những điều này đều liên quan đến việc chuyển hóa các ấn tượng và kết quả của việc chuyển hoá này. Để thuận tiện thì chúng ta có thể so sánh việc rèn luyện bản thân với việc giải phẫu trong ngữ cảnh của sự chuyển hoá. Đừng quên rằng chúng ta cần phải thiết lập một sự thay đổi tại điểm, nơi các ấn tượng bắt đầu đi vào.

[71] Quan tâm đến bản thân (tiếng Anh: self-consideration), tham khảo bài viết chi tiết tại đây.

Bằng cách hiểu về công việc rèn luyện, bạn sẽ có thể chấp nhận cuộc sống như một sự rèn luyện. Rồi bạn sẽ thực sự bước vào một trạng thái liên tục nhớ đến bản thân. Từ đó, hiện thực rõ ràng của việc chuyển hóa các ấn tượng sẽ đến với bạn một cách tự nhiên. Thông thường thì, hoặc nói đúng hơn là theo cách hiểu siêu thường, chính những ấn tượng sẽ dẫn dắt các bạn đến một cuộc sống tốt hơn một cách tự nhiên, và những ấn tượng này sẽ không còn tác động, ảnh hưởng đến các bạn như khi các bạn chỉ mới bắt đầu công việc chuyển hóa. Nhưng nếu các bạn vẫn tiếp tục lối suy nghĩ cũ, tiếp nhận cuộc sống như cũ, thì rõ ràng là sẽ không có sự thay đổi nào diễn ra trong bạn. Chuyển hóa những ấn tượng cuộc sống là chuyển hóa chính bản thân mình. Lối suy nghĩ hoàn toàn mới này giúp chúng ta thực hiện sự chuyển hóa đó. Cơ sở của toàn bộ bài này dựa trên việc chuyển hóa bản thân một cách triệt để. Nếu một người không chuyển hóa chính mình thì người đó sẽ không đạt được bất cứ điều gì cả.

Đương nhiên, các bạn sẽ hiểu rằng cuộc sống liên tục đòi hỏi chúng ta phải phản ứng. Tất cả những phản ứng đó hình thành nên cuộc sống cá nhân của chúng ta. Thay đổi cuộc sống nghĩa là thực sự thay đổi phản ứng của chính mình. Có thể nói rằng, cuộc sống bên ngoài đến với chúng ta dưới dạng những ấn tượng đơn thuần và không ngừng thôi thúc ta phải phản ứng một cách rập khuôn. Nếu những phản ứng hình thành nên cuộc sống cá nhân của chúng ta đều thuộc loại tiêu cực thì cuộc sống của chính chúng ta cũng sẽ tiêu cực.

Cuộc sống bao gồm một chuỗi liên tiếp các phản ứng tiêu cực của tâm trí với những ấn tượng. Do đó, nhiệm vụ của chúng ta là chuyển hóa các ấn tượng của cuộc sống sao cho chúng không còn gợi lên kiểu phản ứng tiêu cực này nữa. Nhưng để làm được việc này, chúng ta cần phải quan sát bản thân trong từng khoảnh khắc. Do đó, chúng ta cần cấp thiết nghiên cứu các ấn tượng của chính mình.

Chúng ta không được để cho các ấn tượng đến với mình một cách chủ quan và máy móc. Nếu bắt đầu được với sự kiểm soát này thì cũng có nghĩa là chúng ta đang bắt đầu cuộc sống, bắt đầu sống có ý thức hơn. Mỗi cá nhân không được để cho bản thân mình tiếp nhận các ấn tượng một cách máy móc. Khi hành động như vậy, chúng ta chuyển hoá các ấn tượng và nhờ đó, bắt đầu sống có ý thức hơn.

Cú sốc tỉnh thức đầu tiên bao gồm việc chuyển hóa những ấn tượng đến với chúng ta. Nếu có thể chuyển hóa được những ấn tượng ngay khi nó vừa được tiếp nhận vào tâm trí thì chúng ta sẽ gặt hái được nhiều lợi ích tuyệt vời và hữu ích cho cuộc sống của mình.

Chúng ta lúc nào cũng có thể rèn luyện với kết quả của những ấn tượng, [kể cả khi chúng đã không được chuyển hóa ngay từ lúc được tiếp nhận. Tuy nhiên, nếu được chuyển hóa ngay từ đầu thì] đương nhiên là những ấn tượng này sẽ biến mất mà không để lại những hệ quả máy móc. Những cơ chế máy móc này thường này gây hại đến tinh thần nội tại của chúng ta.

Công việc rèn luyện Gnosis cần được áp dụng ngay tại điểm khi các ấn tượng đi vào, nếu không chúng sẽ bị tính cách phân phối một cách máy móc sai chỗ và kết quả là những phản ứng cũ lại được gợi lên.

Tôi sẽ cố gắng đơn giản hóa chỗ này. Hãy lấy tình huống sau làm ví dụ: nếu chúng ta ném một viên đá vào một hồ nước trong suốt, các ấn tượng chạm tới mặt hồ và sự phản ứng lại với những ấn tượng tạo ra bởi các viên đá này được thể hiện dưới dạng những đợt sóng lan từ trung tâm ra đến bờ hồ.

Nếu ném một quả bóng vào tường thì bức tường sẽ nhận được các ấn tượng, theo sau đó là phản ứng bật lại của quả bóng về phía người ném. Thực ra thì có thể là quả bóng sẽ không quay lại đúng vị trí của người ném nhưng dù gì thì nó cũng sẽ bật lại và đó chính là phản ứng.

Bây giờ, hãy tưởng tượng tâm trí như một mặt hồ. Đột nhiên, một hình ảnh của ai đó xuất hiện, hình ảnh đó giống như viên đá chạm đến mặt hồ trong ví dụ của chúng ta. Sau đó, tâm trí phản ứng lại dưới dạng các ấn tượng. Những ấn tượng này được tạo ra bởi các hình ảnh đã đi vào tâm trí và phản ứng chính là những phản hồi đáp lại những ấn tượng đó.

Thế giới được hình thành bởi những ấn tượng, ví dụ: hình ảnh [của một cái bàn] đi vào tâm trí thông qua các giác quan. Sẽ thật nực cười khi nói rằng cái bàn đã đi vào não bộ của chúng ta. Nhưng ngay khi hình ảnh của cái bàn được truyền vào bên trong trí não thì tâm trí của chúng ta sẽ phản ứng ngay lập tức rằng: đây là một cái bàn làm bằng gỗ hay kim loại, v.v!

Có những ấn tượng không mấy dễ chịu, ví dụ như lời nói của một kẻ lăng mạ, đúng không? Chúng ta có thể chuyển hóa lời nói của kẻ lăng mạ này hay không?

Ngôn từ là ngôn từ, chúng ta có thể làm gì với chúng đây? Chúng ta chỉ có thể chuyển hóa ấn tượng mà ngôn từ tạo ra bên trong. Giáo lý Gnosis dạy chúng ta cách kết tinh thần lực thứ hai [72], Đức Kitô ở bên trong, thông qua định đề: “Chúng ta phải vui mừng đón nhận những hành vi khó chịu của đồng loại”.

[72] Thần lực thứ hai là Logos thứ hai hay còn gọi là Ngôi Lời.

Định đề trên cho chúng ta thấy cách chuyển hóa những ấn tượng được tạo ra ở bên trong bởi lời nói của một kẻ lăng mạ: phải vui mừng đón nhận những biểu hiện không dễ chịu của đồng loại. Định đề này, một cách tự nhiên, sẽ dẫn đến sự kết tinh của Thần Lực Thứ Hai, của đức Kitô bên trong. Nhờ đó, đức Kitô sẽ đến và hình thành trong chúng ta.

Nếu chúng ta chỉ biết đến thế giới vật chất qua những ấn tượng, thì thực ra thế giới vật chất cũng không hẳn là “bên ngoài” như mọi người vẫn nghĩ. Emmanuel Kant đã có lý do chính đáng khi nói rằng: “Thế giới bên ngoài cũng chính là thế giới bên trong”. Nếu bên trong là thứ quan trọng thì chúng ta nên chuyển hóa ở bên trong. Ấn tượng là ở bên trong. Do đó tất cả các sự vật và sự việc, mọi thứ mà chúng ta nhìn thấy đều tồn tại ở bên trong dưới dạng những ấn tượng.

Nếu các ấn tượng không được chuyển hóa thì sẽ không có thay đổi gì ở bên trong. Dục vọng, lòng tham, sự tự mãn, lòng hận thù, v.v., đều tồn tại dưới dạng những ấn tượng, không ngừng ảnh hưởng đến tinh thần của chúng ta.

Kết quả máy móc của các ấn tượng đều đến từ những yếu tố phi nhân tính ở bên trong mà chúng ta thường gọi là cái “tôi”. Tất cả những yếu tố này cấu thành nên “bản thân tôi”, “bản thân mình.”

Ví dụ, giả sử rằng một người nhìn thấy một phụ nữ khiêu gợi và anh ta không chuyển hóa những ấn tượng này; kết quả là những ấn tượng dục vọng đó khơi gợi trong anh ta ham muốn chiếm hữu cô gái. Một ham muốn như vậy chính là kết quả của những ấn tượng đã được tiếp nhận. Những ấn tượng này kết tinh lại, hình thành trong tâm lý chúng ta và trở thành một cấu trúc tâm lý [tiếng nam Phạn: Saṅkhāra], hay có thể gọi là một yếu tố phi nhân tính, một loại cái tôi dục vọng mới, đã được thêm vào tổng thể của những yếu tố phi nhân tính. Tất cả các yếu tố này cấu thành nên cái tôi.

Sự tức giận, lòng tham, dục vọng, sự đố kỵ, tự mãn, thói lười biếng và háu ăn đều tồn tại trong chúng ta. Tại sao lại tức giận? Bởi vì nhiều ấn tượng đã đi vào bên trong và chúng ta chưa bao giờ chuyển hóa. Những ấn tượng tức giận như vậy sẽ máy móc hình thành nên những cái tôi mới trong tâm lý. Chúng ảnh hưởng đến tinh thần và luôn khiến chúng ta cảm thấy tức giận.

Tại sao lại có lòng tham? Rõ ràng là có nhiều thứ đánh thức lòng tham trong chúng ta, ví dụ như tiền bạc, châu báu, vật chất, v.v. Những thứ đó, những đối tượng đó đến với chúng ta dưới dạng những ấn tượng. Chúng ta phạm phải sai lầm là đã không chuyển hóa những ấn tượng đó sang một dạng thức khác, thành lòng yêu thích cái đẹp, thành niềm hạnh phúc, v.v. Những ấn tượng không được chuyển hóa như vậy sẽ tự động biến thành cái tôi của lòng tham mà chúng ta có ở bên trong.

Tại sao lại có dục vọng? Như tôi đã nói, các hình thức dục vọng khác nhau đến với chúng ta dưới dạng những ấn tượng. Nói cách khác, phản ứng của tâm trí đối với những hình ảnh gợi tình hiện lên chính là dục vọng. Khi không chuyển hóa những làn sóng dục vọng, hay sự gợi tình không lành mạnh đó, thì tất nhiên không cần phải chờ đợi gì, những cái tôi bệnh hoạn mới sẽ nhanh chóng được sinh ra trong tâm lý chúng ta.

Do đó, giờ đây chúng ta phải rèn luyện với những ấn tượng ở bên trong và kết quả máy móc của những ấn tượng đó. Chúng ta có ở bên trong những ấn tượng về sự tức giận, lòng tham, thói háu ăn, sự kiêu căng, tự mãn và dục vọng. Chúng ta cũng có ở bên trong kết quả máy móc của những ấn tượng này. Đó chính là một loạt các cái tôi om sòm cãi cọ lẫn nhau mà bây giờ chúng ta cần phải thấu hiểu và loại bỏ.

Như vậy, rèn luyện trong cuộc sống bao gồm việc biết cách chuyển hóa các ấn tượng cũng như loại bỏ kết quả máy móc của những ấn tượng đã không được chuyển hóa trong quá khứ.

Thế giới bên ngoài không tồn tại một cách độc lập. Những gì tồn tại là những ấn tượng. Ân tượng là ở bên trong, và phản ứng của chúng ta với những ấn tượng đó là hoàn toàn ở bên trong.

Không ai có thể nói rằng họ thực sự nhìn thấy bản chất của một cái cây. Người ta có thể nhìn thấy hình ảnh của cái cây nhưng đó không phải cái cây. Như Emmanuel Kant đã nói, mọi người không nhìn thấy bản chất của sự vật; người ta chỉ nhìn thấy hình ảnh của nó mà thôi. Nói một cách khác, ấn tượng về một cái cây, về một sự vật, nảy sinh trong chúng ta và những ấn tượng này là ở bên trong, chúng thuộc về tâm trí.

Nếu một người không thay đổi ở bên trong thì chẳng bao lâu họ sẽ thấy kết quả là những cái tôi mới được sinh ra. Chúng đến để nô dịch Phật tính và tâm thức của chúng ta. Cuối cùng thì chúng sẽ nhấn chúng ta chìm sâu hơn vào giấc ngủ mê.

Khi một người thực sự hiểu được rằng tất cả những gì họ có được về thế giới vật chất chỉ là những ấn tượng, thì họ cũng hiểu được sự cần thiết của việc chuyển hóa những ấn tượng đó. Và khi làm như vậy, họ chuyển hoá được chính mình.

Không có gì đau đớn hơn lời phỉ báng của một kẻ lăng mạ. Nếu chúng ta có khả năng chuyển hóa ấn tượng mà những lời phỉ báng như vậy tạo ra ở bên trong thì những lời nói đó sẽ không có giá trị gì nữa. Nói cách khác, những lời nói đó sẽ giống như một tấm séc được rút ra từ một tài khoản đã cạn tiền. Chắc chắn là lời nói của một kẻ xúc phạm chỉ có giá trị trong mức độ cho phép của người bị xúc phạm. Vì vậy, tôi nhắc lại, nếu người bị xúc phạm không coi trọng những lời nói đó thì nó sẽ giống như một tấm séc được rút ra từ một tài khoản đã cạn tiền. Khi hiểu được điều này, chúng ta sẽ có thể chuyển hóa được ấn tượng của những từ ngữ đấy thành một cái gì khác, chẳng hạn thành tình yêu, thành lòng trắc ẩn cho kẻ xúc phạm, và đương nhiên điều này chính là sự chuyển hóa. Do đó, chúng ta phải không ngừng chuyển hóa những ấn tượng, không chỉ những ấn tượng hiện tại mà còn cả những ấn tượng trong quá khứ và tương lai.

Chúng ta đã sai lầm trong quá khứ khi không chuyển hoá nhiều ấn tượng ở bên trong. Kết quả máy móc của những ấn tượng đó, hay còn gọi là cái tôi, là những thứ mà giờ đây chúng ta cần phải làm tan rã và tiêu diệt để tâm thức được tự do và thức tỉnh.

Chúng ta cần phải suy ngẫm về những gì tôi đang nói. Mọi thứ, mọi người, đều chỉ là những ấn tượng ở bên trong tâm trí chúng ta. Nếu chuyển hóa những ấn tượng này thì chúng ta sẽ chuyển hóa được cuộc sống của mình một cách triệt để.

Khi một người kiêu hãnh hay tự mãn thì nền tảng của thái độ ấy là vô minh. Chúng ta hãy lấy ví dụ về một người cảm thấy tự mãn về địa vị xã hội và về tiền bạc của mình. Giả sử như người này hiểu rằng vị trí xã hội của mình chỉ là một phạm trù tinh thần, rằng đó chỉ là một trong hàng loạt các ấn tượng đã xuất hiện trong tâm trí – ấn tượng về địa vị xã hội. Hoặc khi phân tích giá trị của mình, họ nhận ra rằng địa vị của mình chỉ tồn tại trong tâm trí dưới dạng những ấn tượng. Vậy là, những ấn tượng mà tiền bạc và địa vị xã hội tạo ra chỉ là những ấn tượng của tâm trí. Chỉ đơn giản bằng cách hiểu như vậy, thì người này đã có thể chuyển hóa những ấn tượng đó. Sau đó, sự tự mãn sẽ tự giảm dần và tan rã. [Thay vào đó,] lòng khiêm tốn sẽ được sinh ra trong chúng ta một cách tự nhiên.

Tiếp tục tìm hiểu về việc chuyển hóa ấn tượng, tôi sẽ đưa ra một ví dụ khác. Giả sử như hình ảnh khiêu gợi của một người phụ nữ xuất hiện trong tâm trí. Hình ảnh này rõ ràng là một ấn tượng. Ấn tượng dục vọng này có thể được chuyển hóa thông qua sự thấu hiểu. Ngay lúc đó, chúng ta có thể nghĩ rằng rồi một ngày người phụ nữ này rồi cũng sẽ chết và xác cô ấy sẽ hoá thành cát bụi trong nghĩa trang. Việc tưởng tượng về hình ảnh thân xác cô gái dần dần phân hủy trong mồ thì đã là quá đủ để có thể chuyển hóa ấn tượng khiêu gợi đó thành sự khiết tịnh. Nếu không được chuyển hoá, ấn tượng này sẽ củng cố thêm cái tôi dục vọng.

Bằng cách thấu hiểu, chúng ta có thể chuyển hóa những ấn tượng nảy sinh trong tâm trí. Đương nhiên là thế giới bên ngoài không thực sự ở ngoài như người ta thường nghĩ. Mọi thứ đến với chúng ta từ thế giới bên ngoài đều xuất phát từ bên trong bởi vì chúng chỉ là những ấn tượng ở bên trong chúng ta.

Không ai có thể đặt một cái cây, một cái ghế, một cung điện hay một tảng đá vào tâm trí mình. Mọi thứ đến với tâm trí dưới dạng những ấn tượng, chỉ vậy thôi; những ấn tượng đến từ một thế giới gọi là ngoại cảnh nhưng lại không thực sự ở “bên ngoài” như mọi người vẫn nghĩ. Vậy nên chúng ta cần nhanh chóng chuyển hóa những ấn tượng này thông qua sự thấu hiểu. Nếu ai đó chào đón, ca ngợi chúng ta, thì làm thế nào để chuyển hoá sự tự phụ mà lời ca ngợi đó đã tạo ra ở bên trong? Rõ ràng là những lời khen ngợi và tán dương chính là những ấn tượng đến với tâm trí và tâm trí phản ứng lại bằng cách gợi lên sự kiêu căng tự phụ. Nhưng nếu những ấn tượng này được chuyển hóa, thì sự kiêu căng sẽ không thể xuất hiện. Vậy thì làm thế nào để chuyển hoá một lời tâng bốc? Câu trả lời là sự thấu hiểu. Khi một người thực sự hiểu rằng mình chỉ là một sinh vật vô cùng nhỏ bé trong một góc của vũ trụ, thì ngay lập tức người đó sẽ có thể tự chuyển hóa những ấn tượng của khen ngợi, tâng bốc, thành một cái gì đó khác biệt; người đó sẽ chuyển những ấn tượng như vậy và trở về đúng với bản chất: là cát bụi, cát bụi vũ trụ, bởi vì họ hiểu được vị trí của mình.

Thiên Hà nơi chúng ta đang sống được tạo thành từ hàng triệu hành tinh. Trái Đất là gì? Trái Đất chỉ là một hạt bụi trong sự vô hạn. Và nếu chúng ta nói rằng mình là một vi sinh vật hữu cơ trên hạt bụi này, vậy có nghĩa gì? Nếu hiểu được điều này thì chúng ta sẽ có thể tiến hành chuyển hóa các ấn tượng liên quan đến những lời khen ngợi và tâng bốc hoặc tán dương, và kết quả là chúng ta sẽ không phản ứng với tâm kiêu ngạo nữa.

Càng suy ngẫm về điều này thì chúng ta sẽ càng thấy được sự cần thiết của việc chuyển hóa các ấn tượng một cách triệt để.

Tất cả những gì chúng ta nhìn thấy bên ngoài đều xuất phát từ bên trong. Nếu không rèn luyện ở bên trong thì chúng ta đang đi trên một con đường sai lầm bởi vì không một thói quen nào sẽ được thay đổi. Nếu muốn trở nên khác biệt thì chúng ta cần phải chuyển hóa bản thân một cách toàn vẹn, và chúng ta nên bắt đầu bằng cách chuyển hóa các ấn tượng. Bằng cách chuyển hóa các ấn tượng thú tính thành các yếu tố của lòng sùng mộ thì sự chuyển hóa của năng lượng tình dục sẽ trào dâng trong chúng ta.

Rõ ràng là việc chuyển hoá ấn tượng đáng được phân tích một cách chính xác và rõ ràng. Tính cách, mà chúng ta thụ hưởng, tiếp nhận ấn tượng của cuộc sống nhưng lại không chuyển hóa chúng bởi vì tính cách thực ra là một thứ đã chết.

Nếu ấn tượng đến trực tiếp với Phật tính thì hiển nhiên là chúng sẽ được chuyển hóa bởi vì Phật tính sẽ ngay lập tức đặt các ấn tượng, một cách chính xác, vào các trung tâm tương ứng của cỗ máy con người.

Tính cách là thuật ngữ được áp dụng cho mọi thứ mà chúng thu nhận và tích lũy. Rõ ràng là nó diễn dịch ấn tượng đến từ mọi khía cạnh của cuộc sống theo một cách hạn chế và rập khuôn tuỳ theo phẩm chất và những thứ liên kết với tính cách.

Trên phương diện này, trong ngữ cảnh của việc rèn luyện Gnosis, tính cách đôi khi được ví như một người thư ký tệ hại ở phòng lễ tân, một người luôn bận rộn với tất cả các ý tưởng, khái niệm, định kiến, quan điểm và thành kiến. Người thư ký này có nhiều từ điển, bách khoa toàn thư, sách tham khảo, v.v. Tuy nhiên, người thư ký này lại không hề liên lạc với các trung tâm khác về các ý tưởng lạ lùng của mình. Các trung tâm [73] này bao gồm: trung tâm lý trí [cao cấp], trung tâm cảm xúc [cao cấp], và các trung tâm vật chất:

  • lý trí [hạ cấp]
  • cảm xúc [hạ cấp]
  • vận động
  • bản năng
  • tình dục.

[73] Đọc thêm về bảy trung tâm xử lý tại đây.

Do đó, như một hệ quả tất yếu, người thư ký ấy hầu như luôn liên lạc với những trung tâm không đúng. Điều này có nghĩa là các ấn tượng nhận được sẽ bị gửi đến những trung tâm không phù hợp, hay nói theo cách khác là bị gửi đến những nơi không tương xứng với nó và một cách tự nhiên sẽ dẫn đến những kết quả sai lệch.

Tôi sẽ đưa ra một ví dụ để làm rõ hơn về điều này. Giả sử rằng một người phụ nữ dành sự quan tâm và tôn trọng cho một người đàn ông. Rõ ràng là những ấn tượng đi vào tâm trí của người đàn ông ấy đang được tiếp nhận bởi tính cách. Tuy nhiên, tính cách lại gửi những ấn tượng này đến những trung tâm không phù hợp. Thông thường thì chúng được gửi đến trung tâm tình dục. Sau đó, người đàn ông này tin chắc rằng người phụ nữ kia đang yêu mình và một cách tự nhiên, ông ta sẽ ngay lập tức thả những lời ve vãn trăng hoa đường mật với cô ấy. Rõ ràng là nếu người phụ nữ này chưa từng có cảm xúc như vậy với ông ta thì chắc hẳn cô ấy sẽ rất ngạc nhiên. Đây là kết quả của sự chuyển hóa các ấn tượng một cách tồi tệ. Từ ví dụ này chúng ta thấy rằng tính cách là một người thư ký tệ hại. Tuy nhiên, sự thật là cuộc sống của chúng ta phụ thuộc vào người thư ký này – một người hay chuyển hóa dựa trên sách vở mà không hiểu một chút nào về ý nghĩa của sự việc, rồi sau đó lại truyền tải mà không bận tâm đến những gì có thể xảy ra, chỉ đơn thuần cảm thấy rằng mình đang hoàn thành nhiệm vụ.

Đây là tình trạng nội tại của chúng ta. Điều quan trọng cần hiểu từ câu truyện này là mặc dù chúng ta cần có một tính cách, nhưng không may thay cái tính cách ấy lại bắt đầu chi phối cuộc sống của chúng ta.

Thật là vô ích nếu chúng ta tưởng tượng rằng việc này chỉ xảy ra với một số người. Rõ ràng là nó xảy ra với tất cả mọi người, bất kể người đó là ai.

Bằng chứng là chúng ta có thể quan sát được qua rất nhiều những phản ứng điển hình tạo ra bởi các ấn tượng. Thật không may là những phản ứng máy móc này chi phối chúng ta. Rõ ràng là mỗi người trong cuộc sống đều bị chi phối bởi chính cuộc sống, bất kể người đó tự cho mình là người theo chủ nghĩa tự do hay bảo thủ, cách mạng hay Bôn-sê-vích, tốt hay xấu [theo nghĩa thông thường những từ này].

Rõ ràng là những phản ứng của chúng ta trước các tác động ngoại cảnh cấu thành nên cuộc sống của chúng ta. Theo nghĩa này, chúng ta có thể nói một cách chính xác rằng con người hoàn toàn là sinh vật máy móc.

Trong cuộc sống, mỗi người đều tự xây dựng cho mình một số lượng đồ sộ các phản ứng. Những phản ứng này trở thành trải nghiệm thực tế về cuộc sống của chúng ta. Rõ ràng là mọi hành động đều tạo ra phản ứng của nó – những loại hành động nhất định. Những phản ứng như vậy được gọi là trải nghiệm.

Chúng ta cần phải thả lỏng tâm trí để có thể học và hiểu rõ hơn về các hành động và phản ứng. Việc “thả lỏng tâm trí” thật tuyệt vời. Hãy nằm xuống giường hoặc trên một chiếc ghế bành thoải mái, thư giãn tất cả các cơ bắp một cách kiên nhẫn, và sau đó trút hết ra khỏi tâm trí các ý nghĩ, mong muốn, cảm xúc, ký ức. Khi tâm trí yên tĩnh và im lặng, chúng ta biết được rõ hơn về chính mình. Những khoảnh khắc tĩnh lặng như vậy của tâm trí là lúc chúng ta đang thực sự được trải nghiệm trực tiếp hiện thực phũ phàng của tất cả các hành động trong cuộc sống thực tiễn.

Khi tâm trí ở trạng thái nghỉ ngơi tuyệt đối, chúng ta sẽ tách được bản thân mình khỏi vô số các yếu tố và thành tố phụ, những hành động và phản ứng, những khao khát, đam mê. Những yếu tố này chỉ chờ đợi đến đúng thời điểm để chộp lấy cơ hội kiểm soát chúng ta, kiểm soát tính cách của ta. Đó là lý do tại sao sự im lặng và yên tĩnh của tâm trí là rất đáng giá. Rõ ràng là việc thư giãn tâm trí thật sự rất có lợi, vì nó giúp hướng chúng ta đến việc hiểu chính mình.

Vì thế cho nên toàn bộ cuộc sống, hay nói đúng hơn là cuộc sống bên ngoài, những gì chúng ta nhìn thấy và trải nghiệm, chính là phản ứng của mỗi người trước những ấn tượng từ thế giới vật chất.

Thật là quá sai lầm khi nghĩ rằng cái được gọi là cuộc sống là một thứ gì đó cố định, không thay đổi và như nhau với mỗi người. Chắc chắn rằng không ai trong chúng ta lại có ấn tượng về cuộc sống giống hệt nhau, bởi ấn tượng là vô hạn.

Mặc dù có vẻ khó tin nhưng tất cả mọi người đều đang ở trong một trạng thái “thôi miên tập thể”, gây ra bởi những gì còn sót lại của cơ quan Kundabuffer gớm ghiếc. Sau khi cơ quan này bị loại bỏ [khỏi cơ thể con người] thì những cấu trúc tâm lý hay các yếu tố vô nhân tính vẫn còn ở đó. Tổng thể của các yếu tố này tạo thành cái “bản thân tôi”, “bản thân một người”. Sau đó, những yếu tố và thành tố phụ này điều kiện hóa tâm thức và thôi miên tâm thức. Trạng thái thôi miên tập thể cũng được hình thành theo cách tương tự. Cả thế giới đều bị thôi miên!

Tâm trí bị mắc kẹt trong thế giới của năm giác quan và không biết làm thể nào để có thể trở nên độc lập, tách biệt khỏi các giác quan ấy; tâm trí tin chắc rằng mình là một vị thần. Chúng ta vẫn cứ nhầm lẫn cuộc sống nội tâm của mình, cuộc sống thực sự của suy nghĩ và cảm xúc, với những khái niệm chỉ mang tính lý trí và suy luận. Tuy nhiên, chúng ta cũng đồng thời biết rất rõ rằng nơi mình thực sự sống là ở thế giới của những suy nghĩ và cảm xúc; đây là điều mà không ai có thể phủ nhận.

Chắc chắn rằng cuộc sống là những ấn tượng ở bên trong, và nếu quyết tâm thì rõ ràng là chúng ta có thể chuyển hóa được những ấn tượng đó. Nhưng như tôi đã nói, đây là một ý tưởng rất khó hiểu và khó lĩnh hội vì sức thôi miên của các giác quan rất mạnh mẽ.

Cuộc sống là những ấn tượng, và chúng ta có thể chuyển hóa những ấn tượng đó. Chúng ta cần học cách chuyển hóa các ấn tượng của mình. Tuy nhiên, chúng ta sẽ không thể chuyển hoá được bất kỳ cái gì ở bên trong nếu cứ tiếp tục bám chấp vào thế giới của năm giác quan.

Như tôi đã đề cập trong cuốn “Tâm lý học cho sự chuyển hóa triệt để”, kinh nghiệm dạy cho chúng ta thấy rằng nếu việc tu tập Gnosis trở nên tiêu cực, thì lỗi là ở chính mình.

Từ quan điểm cảm quan thì chúng ta hay đổ lỗi cho người nọ hay người kia ở bên ngoài, người chúng nhìn thấy bằng mắt và nghe thấy bằng tai. Tuy nhiên, khi đến lượt mình thì họ sẽ nói rằng chúng ta mới là người có lỗi. Trên thực tế thì lỗi là ở những ấn tượng của chúng ta về mọi người. Nhiều khi chúng ta cứ nghĩ một người là ngang ngạnh trong khi thực tế người đó lại là một chú cừu hiền lành.

Sẽ rất hữu ích nếu chúng ta học cách chuyển hóa tất cả những ấn tượng trong cuộc sống. “Chúng ta phải học cách vui vẻ đón nhận những biểu hiện không dễ chịu của đồng loại”.

DẠ DÀY TINH THẦN

Như đã tìm hiểu ở phần trước, chúng ta biết rằng có ba loại thức phẩm: loại liên quan đến việc hít thở, loại liên quan đến thức ăn theo đúng nghĩa thông thường, và loại liên quan đến các ấn tượng tâm lý.

Kết quả của quá trình tiêu hóa thức ăn là sự hấp thụ các chất thiết yếu cho máu. Kết quả của quá trình hô hấp là sự hấp thụ ôxy rất có giá trị đối với cuộc sống của con người. Kết quả của sự tiêu hoá các ấn tượng là sự hấp thụ của một loại năng lượng tinh hơn hai loại kia.

Có năm loại ấn tượng tương ứng với năm giác quan. Các ấn tượng này được chia thành hai loại nữa: loại dễ chịu và loại khó chịu.

Con người cần phải biết cách sống nhưng để đạt được điều đó thì chúng ta phải học cách tiêu hóa và chuyển hóa các ấn tượng. Điều này cũng rất quan trọng cho sự thấu hiểu.

Chúng ta phải chuyển hoá các ấn tượng nếu thực sự muốn biết cách sống. Tất cả các ấn tượng xuất hiện trong tâm trí đều có Hydro 48. Thật không may, con người sống một cách vô thức. Chúng ta có thể chuyển hoá Hydro 48 thành 24 để củng cố các luân xa, chuyển hoá Hydro 24 thành 12 để củng cố tâm trí, và chuyển hoá Hydro 12 thành 6 để tăng cường ý chí [74].

[74] Hydro 6, 12, 24, 48 được giải thích ở chương 9 của sách “Hành Trình Đi Tìm Điều Diệu Kỳ”.

Trên thực tế, chúng ta cần phải chuyển hóa tâm trí để chuyển sang một cấp độ tinh thần mới, nếu không thì các ấn tượng sẽ vẫn cứ đến những chỗ không phù hợp như cũ. Mọi người tin rằng mình có thể nhìn mọi thứ từ các góc độ khác nhau và họ có quyền lựa chọn, nhưng họ không nhận ra rằng tâm trí con người bị giới hạn bởi những thành kiến và định kiến.

Trong thời buổi hiện đại này, chúng ta cần chuyển hóa hệ thống tinh thần, chúng ta cần phải khác biệt. Việc tạo ra một hệ thống lý trí cao cấp, thích hợp để chuyển hóa và tiêu hóa các ấn tượng là cấp bách và cần thiết.

Cũng giống như hệ tiêu hóa có dạ dày để tiêu hóa thức ăn, hệ hô hấp có phổi để hấp thụ oxy, thì con người máy móc nên tạo ra một dạ dày tinh thần – đừng nhầm hoặc hiểu rằng đây là dạ dày vật lý.

Trước khi tiêu hóa các loại ấn tượng, chúng ta phải chuyển hóa các ấn tượng đó. Giáo lý Gnosis cho phép và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tạo ra dạ dày như đã nói ở trên để làm cho động vật trí năng trở nên khác biệt.

Nhu cầu chuyển hoá sẽ không được hình thành nếu như không hiểu được sự cần thiết của việc này. Sự hiểu biết này xuất phát từ việc có được giáo lý Gnosis.

Khi một người nghĩ khác đi và nghĩ tích cực hơn về mọi người thì đó là dấu hiệu cho thấy người đó đang thay đổi. Chúng ta cần phải từ bỏ danh tính cũ để trở thành con người mới. Chúng ta phải bỏ quên cái tôi của mình. Kết quả của tất cả những việc này là sự xuất hiện của một con người mới, khác với người hiện tại.

Trên con đường chuyển hóa các ấn tượng, chúng ta cần phải trung thực với chính mình thay vì thuyết phục bản thân [về những điều sai lầm mình muốn tin]. Ban đầu, nhiều lời biện minh sẽ xuất hiện ở bên trong, nhưng chúng ta cần tìm hiểu xem liệu những lời biện minh đó có phải là kết quả của lòng tự ái hay không.

Chúng ta cần khám phá ra nguyên nhân và động cơ của những hành động mình đã làm ngay trước mỗi ấn tượng [nhận được]. Khi các ấn tượng được chuyển hóa thì mọi thứ sẽ trở nên mới mẻ.

Một người tỉnh thức có thể thay đổi các tình huống xảy ra do các ấn tượng quá khứ, hiện tại và tương lai. Nếu con người không có khả năng chuyển hóa hoàn cảnh thì họ vẫn sẽ tiếp tục là những con rối của hoàn cảnh cũng như của những người xung quanh.

Chỉ có những bậc thầy của hội huynh đệ huyền bí mới có thể chuyển hóa ấn tượng ngay lập tức, trong khi con người máy móc không chuyển hóa chúng.

Cuộc sống có một mục tiêu và mục tiêu đó đến từ một cõi giới cao hơn; giáo lý Gnosis dạy cách để sống trong một cõi giới cao hơn, cách sống trong một nhân loại thái dương và bất tử. Nếu chúng ta không chấp nhận một cõi giới cao hơn thì hiển nhiên sự chuyển hóa sẽ là vô nghĩa.

Tâm trí, như hiện tại, là vô dụng. Chúng ta cần tổ chức, sửa lại và trang bị lại tâm trí. Nói một cách khác là nâng tâm trí trên một trình độ lý trí cao cấp.

Để có thể chuyển hóa các ấn tượng, chúng ta cần dựng lại cảnh tượng y hệt như khi nó xảy ra để tìm hiểu xem điều gì làm chúng ta tổn thương nhất. Nếu không có sự ‘tiêu hóa’ những ấn tượng thì sẽ không có bất kỳ ‘dinh dưỡng’ nào, và nếu không có ‘dinh dưỡng’ thì các cơ thể hiện sinh của Bản thể sẽ héo mòn.

Cái tôi bị chi phối và được nuôi dưỡng bởi Hydro 48. Mỗi ngày, mỗi giờ, những cái tôi mới liên tục được sinh ra. Ví dụ, những con muỗi làm chúng ta bực bội, mưa cũng thế, v.v. Cái tôi luôn được thêm vào và bớt đi.

Những ấn tượng tốt cũng nên được chuyển hóa. Nếu trong ngày, một người có ba ấn tượng ảnh hưởng đến tâm trạng của mình, thì những ấn tượng này nên được tìm hiểu và chuyển hóa vào buổi tối theo một qui trình tuần tự. Mỗi cái tôi đều kết nối và có liên quan với nhau. Cái tôi kết hợp với nhau để cùng tạo nên một cảnh.

Chúng ta phải chuyển hóa những ấn tượng của một ngày trong cùng ngày đó. “Hãy nguôi giận trước khi mặt trời lặn!” [75]. Chúng ta phải nhìn nhận sự việc đúng như bản chất vốn có của chúng, chúng ta phải tạo ra hệ thống tinh thần – dạ dày tinh thần – để không trở thành nạn nhân của bất cứ điều gì.

[75] “Khi đang nóng giận chớ nên phạm tội, và hãy nguôi giận trước khi mặt trời lặn”.

(Ê-phê-sô 4:26, Kinh Thánh)

Chúng ta cần phải phân tích kỹ và phải sáng suốt để chuyển hóa các ấn tượng, nhờ đó các chức năng mới sẽ xuất hiện [trong tinh thần chúng ta]. Khi con người không chuyển hóa bản thân, họ sẽ tiếp tục ở trong một trạng thái đáng xấu hổ và nực cười. Không có sự chuyển hóa có nghĩa là chúng ta đang dần thoái hóa.

HỆ THỐNG ĐỂ CHUYỂN HÓA CÁC ẤN TƯỢNG TRONG NGÀY

Điều cấp bách và cần thiết là chúng ta cần chuyển hóa những ấn tượng trong ngày trước khi đi ngủ, theo cách sau:

  1. Thư giãn tuyệt đối
  2. Nhập định
  3. Tái hiện lại cảnh tượng đúng như nó đã xảy
  4. Tìm cái tôi đã gây ra vấn đề ở bên trong chính mình
  5. Trong khi quan sát một cách than thản [77], đặt cái tôi vào chiếc ghế bị cáo và tiến hành phán quyết
  6. Cầu xin Đức Mẹ Thần Thánh Kundalini làm tan rã cái tôi

[77] (Dịch giả:) Trạng thái thanh thản là vô cùng quan trọng ở đây. Nếu chưa nhập được an chỉ định thực sự ở bước thứ hai thì đến bước này cái tôi sẽ phán quyết về cái tôi. Việc này gây ra rất nhiều cảm xúc tiêu cực về bản thân. Trạng thái an chỉ định đích thực là cần thiết ở đây để chúng ta có thể quan sát cái tôi từ góc nhìn của Phật tính, thay vì quan sát cái tôi từ bên trong cái tôi.


Leave a Reply