Lời giới thiệu
Trong các lĩnh vực không thuộc Phân tâm học, Libido được hiểu là nguồn gốc tinh thần của lực hấp dẫn tình dục hay chỉ đơn giản là bản năng sinh sản. Vì thế, từ này thường được dịch là dục năng. Tuy nhiên, trong bối cảnh của Gnosis, chúng ta cần một định nghĩa tinh tế hơn.
Khái niệm Libido bắt nguồn từ các tác phẩm và công trình nghiên cứu của bác sĩ tâm lý Sigmund Freud và sau đó tiếp tục được phát triển bởi bác sĩ Carl Jung. Trong bài này, chúng tôi xin chia sẻ một số định nghĩa về Libido cũng như phân tích mối quan hệ giữa Libido theo nghĩa năng lượng tinh thần nói chung và Libido theo nghĩa nguồn gốc của bản năng tình dục nói riêng.
Định nghĩa của từ điển Hội Tâm lý học Mỹ (APA)
Libido (Danh từ):
- Trong Phân tâm học, Libido là năng lượng tinh thần của bản năng sinh tồn nói chúng hoặc là năng lượng của bản năng sinh dục nói riêng. Trong giai đoạn đầu Sigmund Freud định nghĩa năng lượng này như là bản năng tình dục nói riêng nhưng sau đó ông đã mở rộng khái niệm này để bao hàm tất cả các biểu hiện của tình yêu, cảm giác khoái lạc, và bản năng sinh tồn.
- Trong thuyết Phân tâm học của Carl Jung, Libido là sức sống nói chung, cung cấp năng lượng cho tất cả các loại hoạt động sinh lý, tính dục, xã hội, văn hóa, và sáng tạo.
- Trong các ngữ cảnh chung, Libido là năng lượng sinh dục hay là ham muốn tình dục.
Libido là nguồn năng lượng của bản năng tình dục (Freud, 1915)
GnosisVN: Trong giai đoạn phát triển đầu tiên của thuyết Phân tâm học, Freud định nghĩa Libido như là nguồn năng lượng của bản năng tình dục. Dưới đây là diễn giải ông viết để nói rõ hơn về khái niệm này:
Chúng tôi định nghĩa khái niệm Libido là một biến định lượng có thể dùng để đo các hoạt động và sự biến đổi diễn ra trong lĩnh vực kích thích tình dục. Một cách khái quát, chúng tôi xem Libido là một dạng năng lượng đặc biệt khác với năng lượng cần sử dụng cho các hoạt động tinh thần. Vì thế, chúng tôi gắn cho nó tính định lượng (có thể đo lường được). Khi phân biệt giữa năng lực của Libido và những loại năng lực tinh thần khác, chúng tôi cho rằng các cơ chế sinh dục của cơ thể là khác với các cơ chế dinh dưỡng và có thể được phân biệt qua khía cạnh hóa học khác biệt. Những phân tích về tính dục biến thái và rối loạn tâm thần cho thấy rằng sự kích thích tình dục không chỉ xuất phát từ bộ phận sinh dục mà từ tất cả cơ quan trong cơ thể. Vì thế chúng tôi đưa ra ý tưởng về định lượng Libido, mà chúng tôi dùng từ “Libido-Ego” để diễn đạt cho việc định lượng Libido về mặt tinh thần. Các quá trình tạo ra, tăng lên hay giảm xuống, phân phối hay đổi chỗ của “Libido-Ego” có thể giúp giải thích những hiện tượng tinh thần-tính dục chúng ta quan sát được.
Tuy nhiên, chỉ khi nào Ego-Libido được gán cho những đối tượng dục tính (tức là khi Libido-Ego được biến thành Libido-đối tượng) thì chúng ta mới có thể nghiên cứu và phân tích về nó. Lúc đó thì chúng ta có thể thấy rằng Libido được dồn vào các đối tượng và bắt đầu bị kẹt trong đó hoặc bỏ qua những đối tượng này để nhảy sang đối tượng khác. Việc này định hướng cho hành vi tình dục của con người và dẫn đến sự thỏa mãn, nghĩa là, sự biến mất tạm thời hay một phần của Libido. Phân tích các loại bệnh tâm thần theo phương pháp phân tâm học giúp chúng ta hiểu rõ về điểm này.
Chúng ta có thể theo dõi Libido-đối tượng qua những cơ chế biến đổi khác nữa. [Ví dụ:] Sau khi Libido được rút ra khỏi các đối tượng, nó được kiềm chế ở trạng thái căng thẳng. Cuối cùng, nó sẽ được hấp thụ lại vào trong Ego và trở lại trạng thái Libido-Ego như trước. Ngược lại với Libido-đối tượng, chúng ta có thể gọi Libido-Ego là Libido của tình yêu dành cho bản thân. [tiếng Anh: “Narcissistic Libido”, tạm dịch là Libido-tự-yêu.] Từ góc nhìn của Phân tâm học, chúng ta có thể nhìn xuyên qua một “biên giới” mà không bao giờ đi qua được. Ở góc nhìn này, chúng ta có thể nhìn thấy được các hoạt động của Libido-tự-yêu và phần nào chúng ta cũng có được ý tưởng về mối liên quan giữa Libido-tự-yêu và đối tượng-Libido. Libido-tự-yêu hay là Libido-Ego giống như là một cái hồ chứa vĩ đại, là nơi mà Cathexis-đối tượng được gửi ra và là điểm nó được kéo trở lại về. Cathexis của Libido-tự-yêu là trạng thái nguyên thủy của mọi hiện tượng tâm lý, được thể hiện ở giai đoạn sớm nhất của tuổi thơ, và sau đó bị che giấu bởi những biến đổi của Libido ở các giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, về bản chất thì Cathexis của Libido-tự-yêu vẫn tiếp tục tồn tại.
Nguồn: Freud, S. (1905). Three Essays on the Theory of Sexuality (1905). The Standard Edition of the Complete Psychological Works of Sigmund Freud, Volume VII (1901-1905): A Case of Hysteria, Three Essays on Sexuality and Other Works, 123-246
Lời giải thích ở trên được thêm vào bộ sưu tập bài viết được tái xuất bản năm 1915. Ấn bản 1905 thiếu các định nghĩa này.
Libido là nguồn gốc của tất cả các loại tình yêu (Freud, 1921)
Libido là cụm từ được lấy từ thuyết tâm lý học của cảm xúc. Chúng ta sử dụng từ Libido để chỉ năng lực, được coi như là có một cường độ cụ thể, (mặc dù hiện tại chưa có cách nào để đo được) của những bản năng liên quan đến tất cả những gì được gọi là “tình yêu”. Điểm trung tâm của những gì chúng ta gọi là “tình yêu” tất nhiên nằm ở ái lực tình dục với mục tiêu là giao hợp tình dục. Đó là thứ thông thường được gọi là “tình yêu” và là thứ được các nhà thơ ca ngợi. Tuy nhiên, trong định nghĩa này chúng ta không loại trừ các loại “tình yêu” khác, ví dụ như tình yêu dành cho bản thân, tình yêu của bố mẹ cho con cái, tình bạn, tình yêu dành cho nhân loại nói chung, và sự hết lòng trung thành với những đối tượng cụ thể cũng như những lý tưởng trừu tượng. Các nghiên cứu trong lĩnh vực phân tâm học đã cho thấy rằng tất cả xu hướng nói trên đều là biểu hiện của cùng một loại xung động bản năng. Trong mối quan hệ giữa hai người khác giới, những xung động này sẽ dẫn tới sự giao hợp tình dục. Tuy nhiên, trong những tình huống khác thì xung động này được hướng về phía khác hoặc bị cản trở trong việc đạt tới mục tiêu [giao hợp]. Dù vậy, những xung động này luôn duy trì được bản chất nguyên thủy đủ để có thể nhận diện được danh tính của chúng, những đặc tính như muốn được ở gần người khác hay là hy sinh bản thân vì ích lợi của người khác.
(Nguồn: Group Psychology and the Analysis of the Ego, Freud 1921).
Carl Jung: Libido là năng lực tinh thần nói chung
Khi nói đến Libido , ý tôi muốn đề cập đến năng lực tinh thần. Năng lực tinh thần là cường độ của hoạt động tinh thần, mang giá trị tâm lý. Điều này không hàm ý việc gán giá trị cho nó, dù là giá trị đạo đức, thẩm mỹ hay lý trí; giá trị tâm lý vốn được thể hiện ngầm trong sức mạnh của nó thông qua các ảnh hưởng tâm lý rõ rệt. Tôi cũng không cho rằng Libido là sức mạnh tinh thần, đây là một quan niệm sai lầm đã khiến nhiều nhà phê bình đi lệch hướng. Tôi không hạ thấp khái niệm về năng lượng, mà sử dụng nó để biểu thị cường độ hoặc giá trị. Câu hỏi về việc liệu có tồn tại hay không một loại sức mạnh tinh thần cụ thể không liên quan đến khái niệm về Libido. Tôi thường sử dụng “Libido” với nghĩa “năng lượng”.
(Nguồn: The Collected Works of C. G. Jung, volume 6: Psychological Types, Section XI: Definitions).
Định nghĩa của Jung và Freud khác nhau như thế nào?
Tôi đã nhắc đi nhắc lại và bây giờ muốn nói rõ nhất có thể để phân biệt giữa động lực tình dục và động lực liên quan đến cái Tôi trong bối cảnh của các loại rối loạn thần kinh liên quan đến sự chuyển di. Đối với tôi thì Libido biểu thị động lực tình dục, [không phải là động lực của cái Tôi]. Chỉ có Jung mới nghĩ về Libido như là sinh khí và động lực của tất cả hoạt động tinh thần. Như thế, Jung bất đồng quan điểm với tôi về bản chất tính dục của Libido.
(Nguồn: lá thư Freud gửi cho Édouard Claparède, 25 Tháng 12, 1920).
Gnosis hiểu thế nào về Libido
Những lời nói ác ý là nguồn gốc của tà dâm trong cõi lý trí. Những lời nói loạn nhịp là mầm mống của bạo lực trong cõi lý trí của vũ trụ.
Đừng bao giờ lên án người khác bằng ngôn từ bởi vì chúng ta không được phán xét bất kỳ ai. Những lời vu khống, những lời đàm tiếu và những lời phỉ báng đã khiến thế giới tràn ngập khổ đau và cay đắng.
Nếu rèn luyện Siêu Động Lực Tình Dục thì chúng ta phải hiểu rằng năng lượng sáng tạo đi qua các biến đổi đa dạng. Năng lượng này của Libido có thể được biến đổi thành sức mạnh của ánh sáng hoặc bóng tối; tất cả phụ thuộc vào phẩm chất của ngôn từ.
Con người hoàn hảo luôn nói những lời hoàn hảo. Học trò Gnosis nên quen với việc kiểm soát miệng lưỡi nếu muốn đi theo con đường Biện chứng Tâm thức. Người ta nên học cách kiểm soát ngôn từ.
(Samael Aun Weor – Biện chứng Tâm thức).
Bằng cách chuyển hóa Libido tính dục, chúng ta sẽ đạt tới trạng thái được gọi là “não hóa tinh dịch và tinh dịch hóa não bộ”. Chúng ta phải “tinh dịch hóa não bộ” vì khoa học đã biết rất rõ rằng một số phần của não bộ chúng ta vẫn chưa được đưa vào hoạt động. Y học hiện đại cũng cho biết rằng chỉ có một phần nhỏ của bộ não là đang hoạt động và thực hiện chức năng của nó. Chắc chắn rằng nhiều phần trên não bộ vẫn chưa được kích hoạt.
(Samael Aun Weor – The Transmutation of Sexual Energy – bài giảng).

GnosisVN: Ở đây chúng ta thấy rằng:
- Gnosis hiểu Libido như là nguồn năng lượng cho hoạt động tinh thần đa dạng, giống định nghĩa của Carl Jung.
- Gnosis cho rằng năng lượng của Libido có nguồn gốc trong năng lượng tính dục.
- Gnosis dạy rằng năng lực của Libido có thể được biến đổi một các vô thức hoặc là chúng ta có thể rèn luyện để chuyển hóa năng lực này một cách có ý thức.
- “Não hóa tinh dịch và tinh dịch hóa não bộ” liên quan đến Viparita Karani [1] Mudra, trong đó chúng ta quán tưởng rằng mình kéo Mặt Trời từ trung tâm sinh dục lên đầu và kéo Mặt Trăng từ não bộ xuống trung tâm sinh dục. Thực ra thì tất cả các bài tập chuyển hóa năng lượng như Pranayama, phép tình dục, v.v. đều đòi hỏi vận khí từ trung tâm sinh dục lên não bộ.
[1] Viparita Karani (tiếng Phạn: विपरीतकरणी; IAST: viparītakaraṇī) hay tư thế gác chân lên tường vừa là Asana vừa là Mudra trong Hatha Yoga. Trong Yoga hiện đại như một bài tập thể dục, nó thường là một tư thế được hỗ trợ hoàn toàn bằng cách sử dụng một bức tường và đôi khi là một đống chăn. Tham khảo thêm thông tin tại: Viparita Karani – Wikipedia.
Năng lượng của Libido biến đổi như thế nào?
GnosisVN: Có một lần tôi vào phòng kỹ thuật ở một trường Đại Học và thấy hai kỹ sư quản trị mạng Internet đang tranh cãi về hệ điều hành máy tính. Hai người trở nên nóng giận đến nỗi cuộc tranh cãi đã trở nên không còn phù hợp với nội dung thảo luận. Tôi thấy rõ là cuộc tranh luận này không liên quan gì đến công việc mà hai người chỉ muốn chứng minh rằng mình là kỹ sư giỏi nhất.
Lúc về nhà, tôi cảm thấy có gì lạ ở cuộc tranh luận đó, đáng được tìm hiểu kỹ hơn. Đương nhiên, tôi áp dụng phương pháp thiền Mặc Chiếu như thầy Samael đã mô tả ở Chương 3 của sách Biện chứng Tâm thức.
Sau khi thả lỏng cơ thể và nhập định, tôi đưa cảnh tranh cãi trong phòng kỹ thuật lên màn hình của tâm trí. Tôi xin nhấn mạnh rằng tôi không hề suy nghĩ để hiểu về nó, vì trong lúc suy nghĩ chúng ta không thể nhận các thông điệp của Bản thể. Tôi chỉ đưa tình huống đó lên màn hình của bộ nhớ, rồi ngồi chờ đợi với tâm trí im lặng.
Sau một lúc tôi thấy hình ảnh của một người bạn, nói một từ duy nhất là “cuộc thi dương vật”. Tôi cảm nhận được rằng tên gọi này rất phù hợp cho cuộc tranh luận đó nhưng tôi vẫn chưa hiểu vì sao. Một lần nữa tôi lại đặt cảnh tranh luận đó lên màn hình tâm trí và chờ đợi.
Tiếp theo tôi bỗng thấy hình ảnh của hai con cừu đực dùng cặp sừng để húc nhau. Đương nhiên, tôi hiểu rằng hai con cừu đó đang chiến đấu để giành bạn tình. Ở chỗ này tôi cảm thấy bối rối vì mặc dù về mặt cảm xúc, cuộc “đại chiến” trong phòng kỹ thuật rất giống cuộc thi giữa hai con cừu đực nhưng tôi không thấy “bạn tình” ở đâu.
Tôi chìm vào thiền Mặc Chiếu một lần nữa. Lần này tôi đưa một câu hỏi lên. Tôi muốn biết cuộc tranh luận này liên quan đến tôi như thế nào. Khi đưa hình ảnh của bản thân lên màn hình tâm trí thì một hình ảnh quá khứ xuất hiện ngay lập tức: tôi thấy bản thân mình lúc 13 tuổi đang ngồi sửa máy tính cho một người bạn của bố. Tôi có cảm giác rất tự cao vì đó là lần đầu tiên một người lớn ngồi nghe tôi nói như thể tôi là một chuyên gia mà không chỉ là trẻ con.
Bây giờ tuy hiểu rõ hơn một chút nhưng tôi vẫn băn khoăn, “việc này liên quan đến tính dục như thế nào?”, bởi tôi cảm thấy rằng cụm từ “cuộc thi dương vật” mô tả cuộc tranh luận đó một cách chính xác.
Một lần cuối cùng tôi vào thiền. Lần này, khi đưa cảnh phòng kỹ thuật lên màn hình, tôi chú ý đến cảm giác trong trung tâm sinh dục với ý định tìm hiểu xem cảnh đó liên quan đến năng lượng tình dục như thế nào. Lần này tôi thấy một ký ức từ cấp ba trông đó tôi ngồi trên lớp toán và phân tích cho các bạn trong lớp về một giả thuyết khoa học của cá nhân tôi. Tôi biết ngay từ đầu rằng giả thuyết đó là sai nhưng tôi vẫn tiếp tục phát biểu rất nhiệt tình vì một cô gái xinh ngồi ở bàn bên cạnh đang tỏ ra rất ấn tượng về những ý tưởng tôi đang nói.
Lúc đó tôi mới hiểu vấn đề: tôi cảm thấy buồn và cô đơn vì từ lúc nhỏ tôi ít khi được người khác chú ý, nhất là các bạn nữ. Khi đến tuổi dậy thì, tôi nhận ra rằng tôi có thể sử dựng kiến thức về máy tính (hay là sử dụng trung tâm lý trí nói chung) để thu hút sự chú ý của người khác, đặc biệt là các bạn nữ. Đương nhiên, các bạn nữ thường không quá bận tâm về máy tính nhưng khi nào họ cần được hỗ trợ về kỹ thuật thì tôi luôn sẵn sàng. Tôi lúc nào cũng có một cảm giác ẩn giấu trong tiềm thức rằng tôi phải là giỏi nhất, vì nếu có ai giỏi hơn thì tôi có thể mất cơ hội để giành sự chú ý của mọi người (và nhất là các bạn nữ xinh đẹp). Ngược lại, nếu tôi luôn chiến thắng trong các cuộc tranh luận về kỹ thuật thì tôi giành được độc quyền chọn bạn tình, giống như con cừu đực. Hiển nhiên rằng không ai thực sự tôn trọng sự “độc quyền chọn bạn tình” đó. Đây chỉ là tư duy sai lầm của tâm trí vô thức mà thôi.
Sau khi tìm hiểu bằng thiền Mặc Chiếu như thế, tôi hiểu rằng trong tâm mình cũng có những yếu tố tâm lý giống hai nhân viên kỹ thuật kia. Có lẽ tôi sẽ không biểu hiện các yếu tố đó trong một cuộc tranh luận tương tự nhưng tôi có những cách biểu hiện khác.
Khi xử lý năng lượng tinh thần của Libido ở trong trạng thái vô thức thì năng lượng tình dục bị biến đổi và bóp méo đến nỗi chúng ta không thể nhận ra động cơ tính dục trong hành động nữa. Cách duy nhất để tránh những hành động vô lý như thế là ý thức về cách Libido đang được biến đổi trong tiềm thức.