Chúng ta cần thay đổi cách suy nghĩ

Tác giả: Samael Aun Weor

Tiêu đề của bản gốc: Necesidad de Cambiar Nuestra Forma de Pensar (bài giảng)

Các anh em yêu quý: nếu chúng ta thực sự muốn thay đổi một cách triệt để và toàn thể thì trước hết chúng ta cần phải làm quen với định luật của công trình tu luyện Gnosis. Nhân danh chân lý, chúng tôi sẽ nói rằng nếu chúng ta muốn rèn luyện bản thân thì phải bắt đầu ở những nơi liên quan đến lý trí và cảm xúc. 

Ví dụ, nếu chúng ta bắt đầu rèn luyện từ trung tâm vận động thì thật vô lý. Như các bạn đã biết, trung tâm này liên quan đến các thói quen, động tác quen thuộc, và các hành động của cơ quan đó hoặc còn gọi là trung tâm đó. Hiển nhiên, làm như vậy cũng giống như bắt đầu bằng đường lối Fakir [1] ngớ ngẩn. Nói về người Fakir, ở Ấn Độ có những người Fakir giơ một cánh tay lên cao và giữ như thế trong một thời gian dài cho đến khi nó trở nên cứng ngắc. Có những người khác chỉ đứng im một chỗ trong suốt hai mươi hoặc ba mươi năm cho đến khi họ thực sự biến thành những bức tượng. Sau tất cả những việc này, rốt cuộc họ đạt được điều gì? Hiển nhiên, họ phát triển được một chút sức mạnh ý chí nhưng chúng ta không thể nào nghĩ rằng họ tạo ra được Cơ thể của Ý chí Tỉnh thức (Cơ thể Căn Nguyên) [2]. Chắc chắn là không.

[1] Fakir: chỉ một tu sĩ khổ hạnh.

[2] Cơ thể ý chí hay còn gọi là cơ thể căn nguyên là một trong những cơ thể vi tế được gọi là Dương thân (tiếng Anh: solar bodies).

Một Fakir

Việc tạo ra một cơ thể ở ngoài Không gian thứ Chín là không thể. Nếu có thể tạo ra một cơ thể mà không cần Không gian thứ Chín, chúng ta hẳn đã được sinh ra từ không khí, từ một cái hồ nào đó, hay từ một hòn đá, chứ không phải là con của một người đàn ông và một người phụ nữ. Thế nên sự tạo tác xảy ra trong Không gian thứ Chín. Hiển nhiên là như thế. Vì vậy, không một người Fakir nào có thể tạo ra Cơ thể của Ý chí Tỉnh thức ở ngoài Không gian thứ Chín. Những người hiến mình cho con đường Fakir không đạt được gì, ngoài việc phát triển được một chút sức mạnh ý chí. 

Vì thế, việc bắt đầu rèn luyện với trung tâm vận động sẽ là vô lý. Bên cạnh đó, việc bắt đầu với trung tâm sinh dục khi chúng ta chưa có những thông tin đúng đắn về toàn thể giáo lý Gnosis sẽ còn tệ hơn, vì một người bắt đầu trong những hoàn cảnh như thế không biết anh ta đang làm gì. Anh ta không có ý thức rõ ràng về công việc bên trong lò rèn của các Cyclops, và hiển nhiên là anh ta có thể rơi vào những sai lầm nghiêm trọng.

Hãy nhớ rằng trung tâm xử lý đầu tiên là trung tâm lý trí. Thứ hai là trung tâm cảm xúc. Thứ ba là trung tâm vận động. Thứ tư là trung tâm bản năng và thứ năm là trung tâm sinh dục. Bên cạnh đó cũng có một trung tâm thứ sáu, là trung tâm cảm xúc cao cấp và thứ bảy là trung tâm lý trí cao cấp. Tuy nhiên, nếu chúng ta bắt đầu với những trung tâm thấp nhất của máy móc hữu cơ [cơ thể] thì chúng ta sẽ phạm sai lầm. 

Trong quá trình học pháp này, trước hết chúng ta phải bắt đầu với các trung tâm của lý trí và cảm xúc. Chúng ta cần thực sự thay đổi cách suy nghĩ; nếu không thì chúng ta sẽ đi sai đường. Ví dụ, nếu bạn đến nghe các bài giảng này nhưng vẫn không thay đổi cách suy nghĩ của mình, thì việc đó có lợi ích gì? Ở đây chúng tôi cho bạn rất nhiều bài tập về huyền học, và chúng tôi hướng dẫn cho bạn về giáo lý, nhưng nếu bạn không thay đổi cách suy nghĩ của mình thì chúng tôi dạy các loại pháp đó để làm gì?

Bạn được nghe rằng chúng ta phải làm cho cái tôi của mình tan biến, rằng chúng ta phải hy sinh bản thân mình vì nhân loại. Bạn được dạy rằng chúng ta phải tạo ra các Cơ Thể Hiện Sinh Cao Cấp của Bản thể chúng ta, nhưng nếu bạn cứ tiếp tục suy nghĩ như trước đây, với cùng những thói quen trong tâm trí như trước đây, thì tất cả những điều bạn được dạy, những điều bạn đang nghe, chúng liệu có tác dụng gì? Bạn được bảo phải tan rã cái tôi, nhưng bạn vẫn tiếp tục với những thói quen tâm trí cũ của mình, với những hình thức và hệ thống suy nghĩ già cỗi của mình. Như vậy, tất cả những thông tin được đưa ra cho bạn liệu có ích lợi gì?

Kinh Thánh có nói rõ về “rượu cũ và rượu mới”. Chúa Giêsu đã nói rằng, không ai đổ rượu mới vào một bầu da đã cũ và cứng ngắc, vì bầu cũ sẽ nứt ra. Vì thế, người ta cần đựng rượu mới trong một bầu da mới và mềm dẻo. Kabir [4] Giê-su vĩ đại nói rằng, không ai lại nghĩ đến việc vá quần áo cũ bằng các mảnh từ quần áo mới. Không thể tưởng tượng được ai lại xé quần áo mới để vá vào quần áo cũ; điều này thật ngớ ngẩn, đúng không?

[4] Kabir (tiếng Ả Rập, tiếng Hindi) là “bậc thầy”

Theo cùng một cách đó, lời dạy mới cũng giống như rượu mới, cần có bầu da mới. “Bầu da” này là gì? Đó chính là tâm trí. Nếu chúng ta không bỏ các lối suy nghĩ cổ lỗ đi, nếu chúng ta cứ tiếp tục nghĩ về các thói quen đã có, thì chúng ta chỉ đang lãng phí thời gian mà thôi.

Chúng ta cần thay đổi cách suy nghĩ của mình; chúng ta cần bầu mới cho rượu mới. Thế nên, chúng ta cần thay đổi hoàn toàn cách suy nghĩ để tiếp nhận học thuyết này; đây chính là trọng tâm của vấn đề. Nếu chúng ta nghe pháp này mà chỉ thêm nó vào lối suy nghĩ cũ ta đã có từ trước, vào các thói quen trí óc của ta, thì chúng ta đang chẳng làm gì hết. Nếu chúng ta muốn móc chiếc “xe” của giáo lý Gnosis vào chiếc “xe” của chúng ta, vốn đã cũ kỹ, xơ xác và thô tục, thì chúng ta chỉ đang tự lừa dối chính mình.

Trước hết, chúng ta cần chuẩn bị một cái bầu để nhận “rượu” của giáo lý Gnosis. Cái bầu đó chính là tâm trí. Chỉ có duy nhất bằng cách này, với một cái bầu mới đã được chuyển hóa, thì ta mới có thể nhận được “rượu” của giáo lý Gnosis. Và đó là điều thầy muốn các anh em đều phải hiểu. 

Chúng ta cần loại bỏ những cảm xúc tiêu cực của mình, vì những cảm xúc tiêu cực này ngăn cản ta thay đổi một cách thực sự triệt để từ bên trong. Chúng ta không thể thay đổi chính mình nếu từ sâu thẳm bên trong ta vẫn còn những cảm xúc tiêu cực.

Từ trong tâm khảm, chúng ta cần nhổ tận gốc những loại cảm xúc tiêu cực thực sự có hại theo mọi nghĩa. Nếu một người để cho bản thân bị cuốn theo những cảm xúc tiêu cực của mình thì họ sẽ trở thành một kẻ hoàn toàn dối trá. 

Trong bài giảng trước, thầy đã kể cho các bạn nghe về trường hợp của ông X-X, mà vào lúc này có thể nói là ông ấy đang ở bên bờ vực của cái chết. Con người tử tế này bị tắc mạch máu não. “Tại sao?” Thầy nói lại rõ ràng: ai đó đã báo tin sai cho ông ấy rằng em gái ông đã bị lừa đảo. Sau đó, thông tin này đã được kiểm tra và xác nhận là không đúng nhưng người đàn ông này vẫn tin vào lời sai trái đó, và vì yêu thương em gái mình nên ông đã khắc cốt ghi tâm chuyện đó đến mức bị tắc mạch máu não.

Ngay bây giờ ông đang ở ngưỡng cửa của cái chết. Các bạn thấy rồi đó. Đó là cách mà cảm xúc tiêu cực có thể dẫn chúng ta đến điều bất hạnh. Em gái của ông vẫn cứ tin rằng mình đã bị lừa đảo. Hiển nhiên rằng cô đang phỉ báng một người vô tội. Tuy nhiên cô vẫn tin chắc rằng cô là nạn nhân. Thầy đã tự kiểm tra trường hợp này và đã nhận ra rằng cô ta đã tự lừa dối bản thân. Cô đang nói dối chính mình và cô đang là nạn nhân của cảm xúc tiêu cực. Vì thế mà cô đã phỉ báng người khác một cách vô ý thức. 

Vì vậy, thầy nói với các bạn và thầy lặp lại lần nữa: Cảm xúc tiêu cực làm bạn trở thành những kẻ dối trá.Vì thế, chúng ta nên loại bỏ những cảm xúc tiêu cực khỏi bản chất của mình. Mọi lời nói dối chắc chắn đều là một mối liên kết sai lầm. Thông thường thì năng lượng của Đức Cha, sự sống của “Đấng Thượng Cổ” [5] hay còn gọi là “Bản thể nơi sâu thẳm” của chúng ta chảy qua trật tự tiểu vũ trụ nội tâm cho đến khi tới tâm trí. Nếu chúng ta tạo ra một liên kết sai lầm, thì năng lượng sẽ không thể chảy tiếp được nữa. Nó giống như thể dây dẫn điện bị cắt, làm cho điện năng không truyền được đến bóng đèn để thắp sáng cho chúng ta.

[5] Đấng Thượng Cổ (Tiếng Anh: Ancient of Days):

Tôi nhìn cho đến khi
Các ngai được sắp đặt hẳn hoi,
Có Đấng Thượng Cổ ngồi trên đó.
Áo Ngài trắng như tuyết,
Tóc trên đầu Ngài như lông chiên tinh sạch.
Ngai Ngài là những ngọn lửa
Có các bánh xe cháy hừng hực.
 

(Đa-ni-en 7:9, Kinh Thánh).

Theo cách này, những lời nói dối và sự lừa gạt, như thầy đã nói và thầy nhắc lại, là những mối liên kết sai lầm. Thông thường thì khi có nhiều cảm xúc tiêu cực người ta sẽ trở nên dối trá. Đây là thực tế trần trụi. Nếu chúng ta thực sự hiểu và bắt đầu thay đổi cách suy nghĩ và cảm nhận của mình, điều này sẽ nhanh chóng được phản ánh trong hành động của chúng ta.

Khi một người thay đổi được cách suy nghĩ, cảm nhận và hành xử của mình, thì người đó mới hoàn toàn sẵn sàng để bắt tay vào tìm hiểu những bí ẩn của tình dục. Chúng ta sẽ phạm phải sai lầm nghiêm trọng nếu chúng ta cứ để mọi người bắt đầu ngay với Không gian thứ Chín khi họ thậm chí còn chưa biết hết giáo pháp này. Điều này sẽ thật ngớ ngẩn. Những người nào còn chưa thay đổi được cách suy nghĩ, còn tiếp tục với cách suy nghĩ cũ, những thói quen cũ và cách cảm nhận cũ của mình, người nào còn đang là nạn nhân của các cảm xúc tiêu cực, thì những người đó không thể hiểu được các bí ẩn của tình dục và họ sẽ phỉ báng chúng [7]. Vì thế cho nên Paracelsus nhấn mạnh việc “chúng ta phải biết giáo lý về mặt khoa học trước khi bắt tay vào Không gian thứ Chín”. Phillipus Theophrastus Bombastus xứ Hohenheim  (Aureolus Paracelsus) đã đúng về điều này.

[6] Phỉ báng các bí ẩn của tình dục – Gnosis có bài tập khí công dành riêng cho những người đã có vợ/chồng. Mục đích của pháp đó là để chuyển hóa dục vọng, để biến dục vọng thành tình yêu thuần khiết. Tuy nhiên, nếu một người tập pháp đó trong khi chưa biết mình đang làm gì, thì thay vì diệt dục vọng người ta có thể làm cho nó càng mạnh mẽ hơn.

Thế thì việc đầu tiên là chúng ta phải thay đổi cách suy nghĩ và cảm nhận. Nhiều người ở đây học các pháp huyền học. Người ta học pháp đó nhưng người ta vẫn tiếp tục suy nghĩ theo lối cũ, giống như họ đã suy nghĩ từ 20 năm trước đây. Thế thì sao? Họ đang lãng phí thời gian! Nếu cho mọi người các pháp để chứng ngộ bản thể, để thay đổi bản thân, mà họ cứ tiếp tục suy nghĩ như trước thì hiển nhiên rằng họ đang tập rất sai. 

Thầy biết có những học viên đã theo học phái Gnosis được hai mươi hoặc ba mươi năm rồi, nhưng cách họ suy nghĩ vẫn giống như khi họ mới hai mươi hay ba mươi tuổi. Họ có nhiều kiến thức, phải, họ hiểu lý thuyết tốt, nhưng nếu ta xem xét kỹ các thói quen của họ thì sẽ nhận ra rằng họ vẫn giữ các thói quen như trước đây. Thầy biết thậm chí có những người khác rất khôn ngoan, thậm chí là những người chuyển giáo, những người thuyết trình giỏi về Gnosis, những người hiểu toàn thể giáo lý một cách xuất sắc, nhưng thầy đã quan sát họ và rõ ràng là họ hành xử giống như khi họ chưa theo học Gnosis. Họ hành xử giống như 30 năm trước. Họ vẫn giữ những thói quen cũ mà họ đã có từ khi còn chưa biết gì về những giáo lý này. Họ vẫn tiếp tục với những thói quen cũ đó. Thế thì những người đó đang làm cái gì? Rõ ràng họ đang lừa dối bản thân mình một cách khốn khổ. Điều này quá rõ ràng.

Theo cách này, chúng ta phải bắt đầu bằng cách thay đổi lối suy nghĩ của mình, rồi đến lối cảm nhận của mình. Phải rót rượu mới, rượu của giáo lý Gnosis, vào một cái bầu mới, chứ không phải vào một cái bầu cũ đã khô cứng. Một tâm trí già cỗi, đầy những thói quen cũ, những thói quen đã có từ hai mươi hoặc ba mươi năm trước, thì không sẵn sàng để nhận rượu mới của giáo lý Gnosis. Một tâm trí như vậy cần trải qua một sự thay đổi toàn thể mạnh mẽ. Nếu không, nó sẽ chỉ lãng phí thời gian một cách khốn khổ.

Thế thì chúng ta muốn gì với tất cả việc này? Chà, chúng ta muốn thức tỉnh tâm thức của mình, đúng không? Đúng thế. Đó là điều chúng ta muốn: sự thức tỉnh!

Giấc ngủ tâm lý

Ở phương Đông, người ta không xa lạ gì với tư tưởng mọi người đang ngủ mê. Người ta không phớt lờ thực tế đó. Nhưng ở phương Tây, mọi người nghĩ rằng họ đang tỉnh táo, thế nhưng họ vẫn làm những việc mà họ không muốn làm. Họ được lệnh ra chiến trường, và mặc dù không muốn nhưng họ vẫn cứ đi. Tại sao vậy? Bởi vì họ bị thôi miên! Các bạn biết đấy, nếu ra lệnh cho một đối tượng bị thôi miên đi giết ai đó, ví dụ vậy, thì anh ta sẽ làm theo. Tình huống này đã được đưa vào bộ luật hình sự của mọi quốc gia trên Trái Đất. Điều này xảy ra với con người sống ở mọi nơi: họ đang bị thôi miên mà cứ tưởng rằng mình đang tỉnh thức.

Nếu họ được lệnh đã đến lúc ra chiến trường thì họ sẽ ra chiến trường. Họ không muốn thế nhưng họ vẫn làm. Tại sao? Bởi vì họ bị thôi miên. Đây là vấn đề rất nghiêm trọng, trần trụi một cách kinh khủng. Chúng ta cần phải thức tỉnh khỏi giấc ngủ thôi miên này. Điều này đúng, nhưng chúng ta thức tỉnh bằng cách nào? Nếu chúng ta còn hài lòng với các thói quen của trí óc, các thói quen mà chúng ta đã học lấy, các hệ thống lý luận, các thói quen về tình cảm do gia đình hoặc di truyền, thì ngay cả khi ta có nghe pháp, ta cũng chỉ đang phí phạm thời gian của mình.

Hãy tự hỏi chính mình, vì sao các bạn đến đây? Các bạn học các pháp này vì mục đích gì? Nếu bạn ở đây chỉ vì tò mò thì tốt hơn hết là bạn đừng đến. Nếu bạn đã thực sự cảm thấy mong muốn thay đổi, nhưng bạn vẫn tiếp tục hài lòng với các lối suy nghĩ cũ của mình, bạn chỉ đang tự đánh lừa mình thôi.

Nếu bạn muốn móc chiếc “xe” của giáo lý Gnosis vào “tàu hỏa” của những luân lý cũ kỹ của mình, những thứ đã bị thời gian ăn mòn và mục nát đến tận cốt lõi, thì bạn đang chơi một trò rất ngớ ngẩn mà sẽ chẳng dẫn bạn đến đâu hết. Thế nên, chúng ta hãy đừng lừa dối chính mình nữa. Bạn muốn thay đổi, thầy biết, vậy thì chúng ta hãy bắt đầu bằng việc thay đổi cách suy nghĩ của chính mình.

Mỗi người chúng ta đều có cách suy nghĩ của mình; mỗi người chúng ta đều cho rằng cách nghĩ của mình là đúng nhất. Trên thực tế thì những cách suy nghĩ khác nhau của một cá nhân hoặc của tất cả chúng ta nói chung đều không có gì là đúng cả bởi vì chúng ta đều đang bị thôi miên. Một người bị thôi miên thì làm sao có thể suy nghĩ được đúng đắn? Nhưng các bạn lại nghĩ rằng mình đang suy nghĩ đúng đắn. Đó chính là chỗ các bạn đang sai lầm. Các thói quen của trí óc đều vô dụng cả. Nếu bạn thực sự muốn thay đổi, thì có giáo lý mới đây cho bạn. Có “rượu” của giáo lý Gnosis ở đây cho bạn. Nhưng, làm ơn, hãy đem bầu da mới đến để đựng rượu này, chứ đừng dùng những bầu da cũ kỹ cứng nhắc, vì rượu mới sẽ làm bầu da cũ nứt toác.

Điều thầy chú trọng là giảng dạy pháp rõ ràng cho tất cả các bạn, giảng dạy nó một cách nghiêm túc, và đó là lý do thầy yêu cầu các bạn thay đổi cách suy nghĩ của mình. Bạn đã bao giờ suy ngẫm xem tâm thức là gì chưa? Mình mô tả tâm thức như thế nào nhỉ? Tâm thức giống như một điểm ánh sáng được chiếu về bên này hay bên kia. Hiển nhiên là như thế.

Tâm thức của bạn ở đâu?

Ta phải học cách đặt tâm thức ở chỗ đúng. Tâm thức của ta ở chỗ nào thì ta đang ở chỗ đó. Lúc này các bạn đang nghe thầy giảng, nhưng các bạn có chắc là tâm thức của mỗi người các bạn đều đang ở đây? Nếu đúng nó đang ở đây, thì đó là niềm vui cho thầy.

Nhưng các bạn có chắc nó đang ở đây không? Nó có thể đang ở nhà, trong quán rượu, hay đang ở siêu thị. Và vì thế nên chúng ta chỉ đang nhìn thấy tính cách của người này và người kia ở đây mà thôi.

Theo cách này, tâm thức của ta đang ở đâu thì chúng ta cũng đang ở đó. Chúng ta cần học cách dùng trí tuệ để đặt tâm thức vào chỗ đúng. Nếu chúng ta đặt tâm thức của mình ở quán rượu, nó sẽ vận hành theo cách của quán rượu; ta đặt nó trong nhà thổ, nó sẽ vận hành theo cách của nhà thổ; nếu đặt tâm thức vào trong chợ, ta sẽ có một thương gia tốt hoặc một thương gia tồi. Tâm thức của ta được đặt ở nơi nào, thì ta đang ở chính nơi đó.

Thật không may là tâm thức lại bị giam cầm. Một Tôi phóng đãng có thể đem tâm thức đến nhà thổ; một Tôi say xỉn có thể đem nó đến quán rượu; một Tôi thèm muốn có thể đem nó đi đâu đó, đến một cái chợ nào đó; một Tôi sát nhân có thể đem nó đến một nơi khác, đến nhà của kẻ thù chẳng hạn, v.v. Các bạn thấy thế nào về một người không biết điều khiển tâm thức: thế có đúng không?

Đương nhiên là nếu chúng ta đem tâm thức của mình đến những nơi mà nó không nên đến thì thật là ngớ ngẩn. Rõ ràng là như thế rồi. Thật không may vì tâm thức của chúng ta bị giam cầm và bị đóng hộp trong các loại yếu tố phi nhân tính mà ta mang theo trong mình. Thầy nhắc lại điều này. 

Chúng ta cần phải phá vỡ hết mọi yếu tố không mong muốn đang giam cầm tâm thức của chúng ta. Nhưng hãy nói thầy nghe: nếu không thay đổi cách suy nghĩ của mình thì liệu chúng ta có làm được như vậy? Nếu chúng ta quá thỏa mãn với các thói quen cũ kỹ và hết thời trong trí óc của mình, liệu ta có lo đến việc đánh thức tâm thức của mình không? Rõ ràng là không.

Nếu chúng ta muốn thay đổi thì ta phải bắt đầu thay đổi ngay bây giờ. Bắt đầu thay đổi các thói quen trí óc và cách suy nghĩ của chúng ta. Khi một người thực sự thay đổi, thì sự thay đổi từ nội tại bắt đầu xảy ra. Khi một người “sửa chữa” lại cách suy nghĩ của mình thì người đó có thể thay đổi hoàn toàn từ bên trong. Nhưng nếu người đó không thay đổi cách suy nghĩ của mình, nếu trong trí óc này vẫn tồn tại những thói quen cổ hủ đó, thì làm sao người đó có thể nói rằng họ sẽ kích hoạt được sự thay đổi từ trong tâm thức nội tại của họ? Điều này là không thể! Sẽ khá mâu thuẫn khi ta tin tưởng một điều nhưng lại làm một điều hoàn toàn khác. Điều đó thực sự không thể!

Bồ Đề Tâm và Bồ Tát

Vì thế, chúng ta cần trở thành chủ nhân của chính tâm thức ta, đặt nó vào nơi nó cần ở, đặt nó vào đúng chỗ của nó. Học được cách đặt tâm thức vào đúng chỗ và để nó yên ở đó là một món quà tuyệt vời. Nhưng đó là món quà mà chúng ta đang không sử dụng một cách khôn ngoan.

Thực tế, điều duy nhất mà chúng ta có trong bản thân mình là Tâm thức. Đó là điều quý giá nhất mà ta có; những cái còn lại đều vô giá trị. Những cấu trúc tâm lý [7] mà ta có đều không có giá trị gì cả. Thứ duy nhất có giá trị, thứ duy nhất là thật, thứ duy nhất hữu ích trong chúng ta là Tâm thức. Nhưng nó đang ngủ say và chúng ta không biết cách điều khiển nó. Nó bị các cấu trúc tâm lý đặt để vào bất cứ nơi nào chúng muốn.

[7] Cấu trúc tâm lý – trong Phật giáo được gọi là Hành (tiếng Phạn là Saṅkhāra).

Thực tế, chúng ta không biết cách sử dụng Tâm thức, và điều này thực sự đáng tiếc. Nếu chúng ta muốn thay đổi, mà thay đổi sâu sắc kìa, thì chúng ta cũng phải biết cái được gọi là “Tâm thức” này là gì.

Ở phương Đông, người ta nói rằng trước khi Bồ Tát sinh ra bên trong [8] thì trong chúng ta đã phải có Bồ Đề Tâm. Nhưng, trước hết, cái mà ta gọi là Bồ Tát là gì? Một số trong các bạn sẽ biết, và số khác sẽ không.

[8] Bồ Tát sinh ra bên trong – Tác giả đang nói về hai định nghĩa của từ “Bồ Tát”: định nghĩa của Phật giáo Đại thừa và định nghĩa của bà Blavatsky. Bà Blavatsky định nghĩa Bồ Tát là nhân hồn được khoác lên bởi các cơ thể vi tế: cơ thể căn nguyên, cơ thể tư tưởng, cơ thể  cảm xúc. Ở chỗ khác thầy Samael nói rằng tất cả chúng ta đã có cơ thể căn nguyên, tư tưởng, cảm xúc loại âm ngay từ lúc sinh ra cơ thể vật chất nhưng các dương thân, là cơ thể căn nguyên dương, tư tưởng dương, cảm xúc dương phải được sinh ra. Các dương thân là kết quả của quá trình luyện tập trong Không gian thứ Chín và phải được phát triển và sinh ra tương tự như cơ thể vật chất được phát triển và sinh ra. Vì thế cho nên Bồ Tát theo định nghĩa của Blavatsky phải được sinh ra bên trong chúng ta, chứ không phải ai đã hy sinh cho chúng sinh nhiều thì được gọi là Bồ Tát. 

H. P. Blavatsky nói rằng khi một bậc thầy có các cơ thể Căn nguyên, Tư tưởng, Cảm xúc và Vật chất, thì người đó là Bồ Tát. Nhân hồn [9] hay còn gọi là Hồn Căn nguyên với các cơ thể này khoác lên bên ngoài được gọi là Bồ Tát. Bà Blavatsky phân biệt rõ ràng giữa Bậc Thầy [tiếng anh: Master] và Bồ Tát. Bậc Thầy [Master] chính là Atman-Buddhi hay còn gọi là Cái Sâu thẳm Nhất [tiếng Anh: innermost] hay là Tâm-Hồn [10]. Bồ Tát là Nhân hồn được bao bọc trong các cơ thể Hiện sinh Siêu việt của Bản thể.

[9] Linh hồn, Nhân hồn, Tâm-Hồn – Trong những năm phát triển giáo lý của hội Thông thiên học, định nghĩa cụ thể của các cụm từ này đã được sửa lại để phân biệt rõ hơn giữa các khái niệm tinh vi. Tác phẩm “Esoteric Buddhism” của A. P. Sinnett định nghĩa bảy thành phần của con người như sau:

1. Cơ thể vật chất                Rūpa
2. Sức sống (khí)                 Prana
3. Cơ thể Cảm xúc               Linga Sharira
4. Thú hồn                           Kāma rūpa
5. Nhân hồn                        Manas
6. Linh hồn                          Buddhi
7. Tâm Linh (tâm thức)    Ātmā

[10] Tâm-hồn là Ātmā-Buddhi hay là Atman-Buddhi: Linh hồn (6) kết hợp với Tâm Linh (7).

Trong Phật giáo Đại thừa, chỉ những người đã hy sinh bản thân cho chúng sinh qua nhiều Maha-manvantara [11] liên tiếp mới được công nhận là Bồ Tát. Theo Phật giáo Đại thừa thì bậc giác ngộ được phân làm hai dạng. Thứ nhất là các vị Độc Giác Phật [Pratyeka Buddha] cùng với những người khao khát trở thành Độc Giác Phật (được gọi là Thanh Văn – Sravaka). Những người này không bao giờ hy sinh bản thân mình vì chúng sinh. Họ không bao giờ hy sinh mạng sống của mình vì các anh chị em của họ, và rõ ràng họ cũng không bao giờ hiện thân Đức Kitô Nội tâm. Dạng còn lại là các Bồ Tát đích thực, những người đã từ bỏ niềm phúc lạc nơi Niết bàn vì tình yêu thương chúng sinh, những người đã dâng hiến máu thịt của mình cho chúng sinh trong nhiều Maha-manvantara. Mặc dù ưa thích sống hạnh phúc trong Niết bàn, nhưng họ đã từ bỏ các loại hạnh phúc vì các anh chị em của họ trên Trái Đất. Đây mới là những người có thể thực sự hiện thân Đức Kitô.

[11] Maha-manvantara (Đại kiếp, đại chu kỳ) – Một Maha-manvantara là chu kỳ mà trong đó toàn bộ vũ trụ sinh ra, chết đi, và được tái tạo.

Nhưng chúng ta hãy quay về khái niệm Bồ Đề Tâm. Bồ Đề Tâm là gì? Đó là Tâm thức đã thức tỉnh, đã phát triển, đã chuyển hóa thành Thánh thai Vàng. Chính nó, bộ giáp bằng bạc này, có thể bảo vệ chúng ta khỏi các Lực lượng U tối, cho chúng ta trí tuệ và kinh nghiệm.

Bồ Đề Tâm phải xuất hiện trước khi Bồ Tát có thể xuất hiện trong tâm một người. Bồ đề tâm là tâm thức đã tỉnh thức và phát triển. Biết thế thì các bạn mới thấy được giá trị của món quà gọi là tâm thức này. Thật đáng tiếc vì tâm thức của loài người bị giam cầm trong cái Tôi. Và rõ ràng là chừng nào người ta còn tiếp tục suy nghĩ như cách họ đang nghĩ, cảm nhận như cách họ đang cảm nhận, và tiếp tục với những thói quen cũ mốc meo của họ, thì chừng đó họ không thể đánh thức tâm thức của mình. Nó sẽ vẫn bị thôi miên. Và hệ quả tất yếu là Bồ Đề Tâm sẽ không bao giờ xuất hiện. 

Khi Bồ Đề Tâm – tâm thức đã tỉnh thức và phát triển – khởi phát trong một người hoặc trong một học trò thì Bồ Tát sẽ sớm xuất hiện. Hiển nhiên rằng Bồ Tát được hình thành trong môi trường tâm lý của Bồ Đề Tâm. Bồ Đề Tâm rất tuyệt vời.

Các anh chị em yêu quý, thật vĩ đại khi một người thực sự thay đổi cách suy nghĩ của họ, bởi vì chỉ khi đó họ mới tiến hành đánh thức tâm thức. Khi đó, và chỉ khi đó, họ mới nghiêm túc nỗ lực để dẫn đến sự ra đời của Bồ Đề Tâm. Còn trước thời điểm đó thì là không thể.

Không may thay, chúng ta sống trong một thế giới đau khổ. Tất cả các bạn đều đầy nỗi buồn, nỗi khổ. Còn hạnh phúc thì sao? Hạnh phúc thực sự không tồn tại trong thế giới này, không thể. Chừng nào cái tôi còn tồn tại, chừng đó sẽ luôn còn đau khổ.

Chừng nào mà chúng ta còn tiếp tục với những hình thức suy nghĩ mốc meo của mình, chúng ta không thể hạnh phúc. Chừng nào chúng ta còn là nạn nhân của các cảm xúc tiêu cực thì bất kỳ loại hạnh phúc nào cũng đều là không thể. Chúng ta thực sự cần tiến đến hạnh phúc.

Chúng ta sẽ không thể có được phần thưởng như vậy nếu ta không đánh thức được tâm thức. Và chúng ta sẽ không đánh thức được tâm thức nếu ta cứ tiếp tục với cách suy nghĩ như bây giờ. Vì vậy, chúng ta cần quan sát những gì ta đang nghĩ. Chúng ta hãy thay đổi cách suy nghĩ cổ hủ của mình và chuẩn bị các bầu da mới cho “rượu” giáo lý mới của Gnosis. Bằng cách này, chúng ta mới thực sự tiến triển.

Tính Chất Máy Móc

Thế giới này tự duy trì bằng Luật Nhân quả; đó là Luật của Nghiệp. Chúng còn được gọi là Hành động và Hệ quả; ví dụ, hệ quả này theo sau hành động này. Thế giới này rất phức tạp. Ở đây các yếu tố được liên kết với nhau và có nhiều cách kết hợp khác nhau. Đây là thế giới nhị nguyên với những trận chiến giữa các mặt đối lập, v.v. Trên một thế giới trong những hoàn cảnh như thế thì hạnh phúc không thể nào tồn tại.

Mỗi người chúng ta đều phải trả Nghiệp của mình. Chúng ta mang đầy nợ. Nghiệp này rõ ràng mang đến cho chúng ta nhiều đau khổ và cay đắng, chúng ta không hạnh phúc.

Nhiều người tin rằng chúng ta có thể có được hạnh phúc thông qua sự Tiến hóa Máy móc. Đây là một quan niệm sai lầm vì hoạt động máy móc là vô ý thức. Quy luật Tiến hóa cùng với Quy luật Thoái hóa là cơ chế của bộ máy được gọi là Thế giới Tự nhiên.

Sự tiến hóa có trong cái hạt đang nảy mầm, trong cái cây đang lớn lên và ra hoa kết trái. Sự thoái hóa có trong cái cây đang già cỗi và cuối cùng trở thành một đống củi đốt. Có sự tiến hóa trong đứa trẻ đang thành hình trong bụng mẹ, trong sinh vật đang ra đời, lớn lên, phát triển, và sống trong ánh mặt trời. Có cả sự thoái hóa trong con người đang già đi, trở nên suy yếu và cuối cùng chết đi. Quá trình đó xảy ra một cách máy móc.

Luật của Nghiệp cũng là quá trình máy móc khi ta nhìn vào nó từ góc nhìn của Thập nhị nhân duyên [tiếng Phạn: Nidāna]. Đó chính là cơ chế máy móc. Điều ta cần là giải thoát mình ra khỏi Luật của Nghiệp; chúng ta cần giải phóng mình ra khỏi các vận động máy móc của thế giới tự nhiên. Chúng ta cần giải thoát mình, và điều này không thể thực hiện được qua sự tiến hóa máy móc.

Các quá trình tiến hóa máy móc diễn ra theo Luật Nhân quả, Luật Liên kết và Kết hợp Đa dạng, v.v. Các quá trình máy móc chỉ có thể hoạt động một cách máy móc. Chúng ta cần giải phóng mình ra khỏi Luật Tiến hóa và cả Luật Thoái hóa; chúng ta cần thực hiện một cú nhảy vĩ đại để rơi vào Khoảng không Rực rỡ hoặc Tâm thức Vũ trụ. Khi đó, rõ ràng sẽ có sự đối lập giữa thuyết tương đối do Albert Einstein rao giảng và Tâm thức Vũ trụ, được biết đến dưới cái tên Khoảng không Rực rỡ. Mọi thứ trên thế giới tương đối tồn tại một cách tương đối. Cỗ máy của tính tương đối hoạt động với Luật Đối nghịch, theo Thuyết Nhị nguyên. Trong cuộc chiến của sự đối lập là đau khổ, và đó không phải hạnh phúc. Nếu chúng ta muốn có hạnh phúc đích thực thì ta phải thoát ra khỏi định luật máy móc của thế giới tương đối. 

Khoảng Không Rực rỡ

Thầy chỉ mới mười tám tuổi khi thực hiện cú nhảy vọt vĩ đại. Trong đó thầy đã siêu vượt thời gian và trải nghiệm cái gọi là phi thời gian, cái mà chúng ta gọi là trải nghiệm Trí tuệ Prajnaparamita [Bát nhã Ba la mật đa] trong thực tại nguyên sơ nhất của nó. Bên cạnh đó thầy phải nhấn mạnh với các bạn rằng thầy đã phải lặp lại trải nghiệm đó ba lần.

Trong Khoảng không Rực rỡ không có bất kỳ loại khái niệm nhị nguyên nào còn tồn tại. Trong Khoảng không Rực rỡ các quá trình máy móc của thế giới tương đối không còn hoạt động, kể cả các quy luật của những Liên kết Tương hỗ, của những sự kết hợp máy móc cũng không hoạt động. Mọi học thuyết tương đối của Einstein đều sẽ sụp đổ trong Khoảng không Rực rỡ.

Không còn nghi ngờ gì, chúng ta chỉ có thể trải nghiệm Khoảng không Rực rỡ trong trạng thái Định hay còn gọi là Trí tuệ Prajnaparamita [Bát nhã Ba la mật đa].

Trong Khoảng không Rực rỡ, không còn bất kỳ hình thái nào tồn tại. Ta có thể nói rằng ở đó chúng ta vượt qua vũ trụ và các Thánh Thần. Trong Khoảng không Rực rỡ ta có thể trả lời cho câu hỏi, “Nếu cả vũ trụ tự thu rút lại thành Nhất Thể, vậy thì Nhất Thể thu rút lại thành cái gì?”

Một câu hỏi như vậy không thể được trả lời bởi lý trí, hoặc ít ra với một đầu óc hoạt động theo lý trí chính quy. Trong Khoảng không Rực rỡ thì câu trả lời như vậy không cần thiết, vì ở trong đó câu trả lời là một thực tế hiển nhiên và rõ ràng.

“Nếu vạn vật thu rút lại về thành Nhất Thể, thì Nhất Thể cũng thu rút lại thành vạn vật”. Vì thế thì ta có thể nói rằng một người tiến vào trạng thái Đại-Định [tiếng Phạn: Maha-Samadhi], người đó sống trong vạn vật và tách mình ra khỏi mọi hình dáng. Riêng điều này đã là tuyệt vời, siêu phàm, và không thể diễn tả đực.

Ta chỉ có thể chìm dứt khoát vào Tính Không, chìm vào Khoảng không Rực rỡ qua cú nhảy vĩ đại và với điều kiện là ta đã phải trải qua sự Đoạn diệt hoàn toàn của Phật giáo [tiếng Anh: Buddhist Annihilation]. Nếu không, điều này là không thể.

Trong những ngày đó, thầy chưa trải qua đoạn diệt của Phật giáo. Khi thầy tiếp cận đến Thực tại Vĩ đại thì hiển nhiên tâm thức tự mở rộng ra đến vô cùng. Trong hoàn cảnh đó, khi chưa trải qua sự đoạn diệt của Phật giáo, thầy đã cảm thấy khiếp sợ không tả nổi, đó là lý do thầy quay về với vũ trụ của thuyết tương đối của Einstein. Thầy nhắc lại, thầy đã trải nghiệm Khoảng không Rực rỡ ba lần.Lúc đó thầy đã thấy rằng trong Tính Không hay còn gọi là trải nghiệm siêu việt của sự sống không chỉ là Khoảng không mà ở đằng sau đó cũng có cái được gọi là Chân Như, là Thực tế Vĩ đại.

Có một loại trực giác mang tính chất siêu việt. Trong lĩnh vực của trực giác hoặc trong thế giới của trực giác có nhiều mức độ trực giác khác nhau. Không nghi ngờ gì: mức độ trực giác cao nhất chính là trực giác của những tâm trí triết học-tôn giáo hoặc triết học-huyền học. Đó là loại trực giác tương ứng với Prajnaparamita [Trí tuệ Bát nhã].

Khả năng đó cho phép thầy vượt qua thế giới của Khoảng không Rực rỡ để đến với Thực tại Vĩ đại. Thầy muốn nhấn mạnh với các bạn rằng con đường Gnosis này dẫn ta đến Thực tại Vĩ đại. Thực tại này vượt trên cả vũ trụ của tính tương đối, nghĩa là nó nằm ngoài các định luật máy móc của tính tương đối, và vượt xa khỏi Khoảng không Rực rỡ.

Vậy tức là Chân Như siêu việt vượt cả hai mặt đối lập mà thầy đã gọi là “Tính máy móc của sự Tương đối” và “Khoảng không Rực rỡ”. Khoảng không Rực rỡ không phải là thế giới cuối cùng; nó là phòng chờ dẫn đến Chân Như, nghĩa là đến Thực tại Vĩ đại.

Thầy không phải chỉ nói lý thuyết suông với các bạn. Trong các Maha-Manvantara trước đây thầy đã trải nghiệm Chân Như và thầy làm chứng sống động về những gì thầy biết về nó.

Điều quan trọng đối với chúng ta là trải qua sự Đoạn diệt Tối cao, để sau đó Tâm thức được hoàn toàn chuyển hóa thành Bồ Đề Tâm và hoàn toàn thức tỉnh, và có thể thực hiện cú nhảy vọt vĩ đại để rơi vào Khoảng không Rực rỡ. Và sau đó với một lần nhảy vọt nữa, ta đến với Chân Như.

Tuy nhiên, thầy nhắc lại rằng chúng ta phải bắt đầu bằng việc thay đổi cách suy nghĩ của mình để có thể rèn luyện mình một cách đúng đắn. Chúng ta không thể cho rằng ta đánh thức được Tâm thức, phát triển được Bồ Đề Tâm, nếu trước tiên ta không thay đổi cách suy nghĩ của mình.

Chúng ta cần thiết phải biết cách thiền và hiểu kỹ thuật thiền. Mục tiêu của thiền rất đơn giản. Chúng ta muốn đạt được điều gì bằng thiền? Sự bình yên: chúng ta muốn trở nên bình yên.

Những điều chúng ta đang nói ở đây có vẻ thừa thãi, và các bạn có thể phản đối rằng “chúng ta có thể thấy bình yên với một chai rượu”. Đúng không? Thật rõ ràng. Chúng ta cũng có thể phản đối rằng “Nghe một bản giao hưởng Beethoven có thể làm chúng ta bình yên”, các bạn cũng có thể nói thế với thầy.

Nhưng trên thực tế, sự thực là, để đạt được sự bình yên khó hơn các bạn tưởng rất nhiều. Chính vì vậy, không ai có được tinh thần bình yên, không ai có được tâm trí mình ở nơi bình yên thánh thiện nếu trước tiên người đó không loại bỏ tất cả những suy nghĩ vô ích không cần thiết mà họ mang trong đầu. Không ai có được bình yên trong tim trừ phi đã loại bỏ được những cảm xúc tiêu cực và có hại của mình trước đã.

Khi một vị A-La-Hán của trường phái Gnosis đắm mình vào thiền, trong những khoảnh khắc đó, người ta bắt đầu làm việc với một yếu tố phi nhân tính mà họ đã khám phá ra trong quá trình tự quan sát. 

Hãy giả sử rằng người đó phát hiện ra một cơn giận dữ. Họ sẽ bắt đầu hiểu ra các cấu trúc tâm lý của cơn giận với sự giúp đỡ của Đức Mẹ thiêng liên Kundalini của họ. Một khi đã khám phá ra cấu trúc này, họ sẽ có thể gọi Kundalini để khẩn cầu sự giúp đỡ. Lúc này, cấu trúc đó sẽ được làm tan rã, để rồi tình yêu được sinh ra thay vào chỗ đó.

Khi ta làm tan rã hết tất cả các cấu trúc tâm lý phi nhân tính mang trong mình, tâm thức của chúng ta sẽ bắt đầu thức tỉnh.

Chúng ta đã nói nhiều về tình dục trong Gnosis, nhưng trước hết chúng ta phải thay đổi cách suy nghĩ của mình để có thông tin phong phú hơn và để nhận thức được giáo lý. Đây là cách duy nhất để chúng ta thành công trong lò rèn rực lửa của Vulcan.


Leave a Reply