Phương pháp làm tan rã cái Tôi

✏ Tác giả: Samael Aun Weor Sách: Chuyển Hoá Ấn tượng Tâm lý

Tiêu đề của bản gốc: Didáctica para la Disolución del Yo (bài giảng)

Mục đích của các bài luyện tập này là đạt được sự kết tinh của tâm hồn [1] trong chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta hiểu tâm hồn là cái gì? Chúng ta cần hiểu “tâm hồn” là sự kết hợp của các cơ thể, thuộc tính, khả năng, đức tính, phẩm chất, v.v. làm nền tảng bên trong Bản thể. Phúc âm đã nói rằng:

“Nhờ sự kiên trì mà các con sẽ chiếm hữu tâm hồn của chính mình.”  [Lu-ca 21:19, Kinh Thánh]

[1] Tâm Hồn (tiếng Anh: Soul) – Trong các nền văn hóa Châu Âu, từ “Soul” được sử dụng để chỉ bất kỳ bộ phận phi vật chất nào của con người. Tuy nhiên, trong bối cảnh của huyền học thì từ này có định nghĩa cụ thể hơn. Trong mô hình đơn giản nhất thì con người bao gồm 3 thành phần: tâm linh (spirit), cơ thể, và tâm hồn (soul). Tất cả mọi người có tâm linh và cơ thể ngay từ lúc sinh ra. Tuy nhiên, tâm hồn (soul) không tồn tại ngay từ đầu. Tâm hồn là phương tiện hay còn gọi là trung gian đứng giữa cơ thể và tâm linh (spirit) để kết nối cơ thể và hệ thần kinh của cơ thể với tâm linh (spirit). Để tạo ra tâm hồn (soul), chúng ta phải tập luyện. Vì sách của thầy Samael Aun Weor phân tích về tác phẩm của rất nhiều trường phái khác nhau cho nên ngôn ngữ của thầy rất linh hoạt. Có lúc thầy sử dụng từ tâm hồn (soul) để nói chung về phần phi vật chất của con người nhưng lúc khác thì lại sử dụng từ này để nói cụ thể về bộ phận trung gian kết nối cơ thể với tâm linh (spirit).

Hiện tại, chúng ta đang không sở hữu tâm hồn của mình; mà đúng hơn là tâm hồn đang chiếm hữu chúng ta, vì chúng ta là gánh nặng cho thứ được gọi là “tâm hồn” ấy, một gánh nặng thực sự. Vì vậy, mọi người khao khát sở hữu được tâm hồn mình; trở thành chủ nhân của tâm hồn, đây là một điều cực kỳ lớn lao. Hơn nữa, chính cơ thể vật chất phải được chuyển hóa thành tâm hồn.

Những người sở hữu tâm hồn của mình được ban cho một sức mạnh phi thường. Vì thế, những người đã kết tinh được tâm hồn, họ đã biến thể bản thân thành những sinh vật hoàn toàn khác. Điều này đã được các sách thánh của tất cả các tôn giáo trên thế giới lưu lại làm bằng chứng. Tuy nhiên, chúng ta biết rất rõ rằng nếu nước không sôi ở một trăm độ thì chúng ta sẽ không kết tinh được những thứ cần kết tinh, không làm tan rã được những thứ cần tan rã. Vì vậy, trong mọi trường hợp, nước cần phải sôi ở một trăm độ. Rõ ràng là nếu chúng ta không vượt qua những cơn khủng hoảng tinh thần dữ dội thì chúng ta không thể kết tinh được tâm hồn.

Để có thể hóa giải triệt để mọi cấu trúc tâm lý vô nhân tính, chắc chắn là ta cần phải trải qua một cuộc khủng hoảng tinh thần dữ dội. Thầy đã gặp những người có khả năng vượt qua những cuộc khủng hoảng như vậy. Thầy nhớ đến trường hợp của một thành viên của trường phái Gnosis từ trụ sở của giáo trưởng ở Mexico, cô ấy đã phải chịu đựng những khổ nạn khủng khiếp và những khủng hoảng đạo đức kinh hoàng khi nhớ lại những lỗi lầm nghiêm trọng trong các kiếp trước của mình. Những con người như thế, với khả năng biết hối hận phi thường, khả năng vượt qua những khủng hoảng cảm xúc trầm trọng, rõ ràng là họ có thể kết tinh được tâm hồn.

Vì vậy, điều chúng ta quan tâm chính là sự kết tinh của tất cả các thành phần tâm lý trong chính bản thân mình, ngay ở đây và ngay lúc này.

Không may là ở phương Đông có những vị thầy chưa loại bỏ được tất cả những khối kết hợp của các yếu tố không mong muốn ấy, mà họ lại mang nó trong tâm mình. Để các bạn hiểu thêm, thầy muốn nói với bạn rằng các yếu tố không mong muốn đó là thứ mà người Tây Tạng gọi là cấu trúc tâm lý [tiếng Phạn: saṃskāra, tiếng Việt: hành]. Thật vậy, những cấu trúc tâm lý đó chính là những cái Tôi hiện thân cho những lỗi lầm của chúng ta.

Vì vậy, khi một vị thầy như thế, người chưa loại bỏ các cấu trúc tâm lý của mình, dẫn dắt một nhóm đệ tử, chắc chắn rằng các đệ tử của ông ta phải có một sự nhẫn nại phi thường mới có thể chịu nổi ông ta và những lối hành văn cầu kỳ của ông ta như vậy cả ngày. Các đệ tử (mà người Tây Tạng gọi là chela) đều biết rõ rằng các cấu trúc tâm lý đó đang diễn ra liên tục thông qua tính cách của một vị thầy như thế.

Cuối cùng thì sẽ đến lúc quá trình đó dừng lại, khi đó đạo sư có thể thị hiển và giảng pháp [2]. Đây là lý do gốc rễ mà những đệ tử của bất kỳ vị thầy nào như thế – vị thầy còn chưa loại bỏ hết cái Tôi của mình – có sự nhẫn nại được nhân lên tối đa. Những người chela này sẽ cứ phải nhẫn nại, chờ và chờ, bởi vì đến một lúc nào đó đạo sư cuối cùng cũng kiểm soát được những phương tiện của mình và sẽ ban cho họ những lời giáo huấn.

[2] Đạo sư có thể thị hiển – là trước đó, khi các cấu trúc tâm lý đang nói thì “đạo sư” nội tâm không thị hiển được. Phải đợi đến khi nào các cái Tôi im lặng thì đạo sư đích thực bên trong mới có thể giảng pháp thông qua cơ thể của vị thầy đó.

Để có được những lời giảng đó thì ta phải trả bằng giá gì? Nếu ta phải cả ngày chịu đựng những lời lăng mạ từ một người thầy, trở thành nạn nhân của tất cả những hành vi hạ đẳng của ông ta thì không có gì hay cả. Nhưng điều quan trọng là cuối cùng đạo sư cũng xuất hiện. Những người thầy đó là những vị Bồ Tát sa ngã và họ vẫn chưa làm tan rã được cái Tôi của mình. Tuy nhiên, vì họ là Bồ Tát nên ta phải chịu đựng họ cho đến khi đạo sư xuất hiện và ban cho ta những lời giáo huấn. Đây là cách mà những người đệ tử Tây Tạng (chela) nghĩ.

Cấu trúc Tâm lý

Tuân theo những lập luận triết lý ấy thì chúng ta có thể nói rằng mỗi cấu trúc tâm lý giống như một con người bên trong chúng ta. Rõ ràng là những cấu trúc đó sở hữu ba bộ não: bộ não lý trí, bộ não cảm xúc và bộ não vận động – bản năng – tình dục. Nói cách khác, mỗi cái Tôi hay còn gọi là mỗi cấu trúc là một con người toàn diện. Cái Tôi ấy có những ý kiến riêng và cá biệt; nó có những ý niệm, quan niệm, mong muốn riêng, nó thực hiện những hành vi nhất định; mỗi cấu trúc được hưởng một quyền tự trị đến một mức độ nào đó.

Sau khi nghiên cứu sâu từ góc độ này, chúng ta sẽ đi đến kết luận hợp lý và chắc chắn rằng có nhiều cá thể cư ngụ bên trong con người của chúng ta. Và điều nghiêm trọng hơn là tất cả các cá thể đó cãi cọ với nhau, họ tranh đấu cho quyền tối cao của chính mình, mỗi cá thể ấy đều muốn trở thành chỉ huy, lãnh chúa.

Ngôi nhà nội tâm của chúng ta sẽ trông như thế nào? Thầy có thể nói rằng nó sẽ tương tự như một dinh thự kinh hoàng, nơi mà có rất nhiều người hầu và mỗi người trong số họ đều cảm thấy mình là quan trọng nhất. Rõ ràng là với lập luận như vậy, ngôi nhà này sẽ trở nên hết sức kỳ quái.

Điều kỳ lạ nhất ở đây là các khái niệm được hình thành bởi mỗi “ông chủ” trong một ngôi nhà như vậy. Một trong số họ nói: “Tôi đi ăn đây, tôi đói”, nhưng một người thứ hai lại bất đồng và nói: “Quên xừ đồ ăn đi, tôi đi đọc báo.” Tiếp nữa, một người thứ ba xuất hiện, bức xúc quát lên: “Chẳng đồ ăn hay đọc sách gì hết, tôi muốn đến thăm nhà bạn tôi”. Khi nói ra những câu nói rời rạc này, tính cách con người khi đã bị lay động bởi những cuộc cãi cọ từ bên trong đó thì sẽ rời bỏ nơi ở của mình và lang thang ngoài đường phố.

Nếu chúng ta có thể nhìn thấy toàn bộ cơ thể của mình trong gương, nếu ta nhìn thấy được bản chất của mình trong gương thì thầy có thể đảm bảo với bạn rằng chúng ta sẽ phát điên lên. Điều này là do trong chúng ta đều chứa đầy các mâu thuẫn ghê tởm. Điều này thật tai hại vì bản thân chúng ta không thực sự tồn tại.

Tất cả chúng ta đều xinh đẹp khi sinh ra, bởi vì tất cả chúng ta đều có ba phần trăm là Tinh chất tự do [hay còn gọi là Phật tính tự do]. Thầy đã nói về điều này trong cuốn sách thầy viết có tựa đề “Tâm lý học cho Sự chuyển hóa triệt để“. Phần còn lại là chín mươi bảy phần trăm đang bị kìm hãm trong vô số cái Tôi.

Bản chất tự do ấy được hình thành khi nó thấm vào trứng đã được thụ tinh và được đầu thai. Vì vậy, đứa trẻ mới sinh ra sở hữu ba phần trăm tâm thức tự do. Tâm thức này không bị mắc kẹt trong bất kỳ cái Tôi nào. Phần nào của tinh chất được biểu hiện như vậy bên trong đứa trẻ tạo khả năng tự-nhận thức.

Một đứa trẻ mới chào đời sẽ nhìn người lớn, cha mẹ, anh chị em và họ hàng của nó như thế nào? Đứa trẻ sẽ ấy sẽ nhìn nhận họ như cách chúng ta nhìn một người nghiện cần sa. Nhưng chúng ta đã biết người lớn cảm thấy thế nào rồi đấy, họ thậm chí nghĩ rằng họ có quyền để giáo dục đứa trẻ, họ tin rằng họ có thể giáo dục đứa trẻ.

Đến lượt đứa trẻ, nó cảm thấy rất tệ, cảm thấy mình là nạn nhân của những “người nghiện hút” muốn dạy dỗ nó. Đứa trẻ nhìn họ từ góc độ của riêng mình; tâm thức của nó ở trạng thái thức tỉnh, nó nhận thức được các cấu trúc tâm lý của người thân, anh chị em họ hàng của nó, v.v. Đứa trẻ cũng hình dung ra những cấu trúc tâm lý của chính mình khi chúng đi ra đi vào và đi quanh cái nôi của nó. Đôi khi những hình ảnh ấy đáng sợ đến nỗi đứa trẻ không thể làm gì khác ngoài việc khóc lóc sợ hãi; nhưng cha mẹ nó không hiểu những chuyện đang xảy ra cho đứa trẻ. Và đôi khi họ đến bác sĩ nhi khoa, hoặc trong trường hợp xấu nhất họ tìm kiếm ông / bà đồng [tiếng Anh: Spiritist] chuyên hoá giải điềm gở nào đó để cố gắng giải quyết tình trạng này. Điều này là tình trạng kỳ lạ mà loài người bệnh tật như chúng ta đang trải nghiệm.

Đứa trẻ tội nghiệp lúc nào cũng là nạn nhân của tất cả sự ngớ ngẩn của người lớn. Đứa trẻ ấy phải kiên nhẫn chịu đòn roi của những tên hành hình vì nó không còn cách nào khác. Đó là thực tế phũ phàng hiện nay!

Sau đó, khi tính cách con người đã được thực sự hình thành thì tất cả những cấu trúc tâm lý phi nhân tính thuộc về đứa trẻ sẽ bắt đầu xâm nhập vào cơ thể nó. Rồi ta sẽ dần nhận thấy những thay đổi ở đứa trẻ: nó trở nên khó chịu, ghen tị, tức giận, v.v., và nhiều thứ xấu xa khác.

Điều này thật đáng tiếc phải không? Nhưng đó là sự thật. Cuối cùng, khi một đứa trẻ đã trở thành người lớn, mọi thứ thay đổi, nó không còn là đứa trẻ hay nô đùa và tỉnh táo từ thuở ban đầu nữa, giờ đã trở thành một kẻ sâu rượu, một con buôn, kẻ phóng đãng, kẻ ghen tuông, v.v. Và cuối cùng thì đứa trẻ đã trở thành chính cái thứ mà nó đã từng nhìn thấy và ghê tởm.

Các bạn ạ, quả thật là mỗi cấu trúc tâm lý xuất hiện từ bên trong chúng ta đều có những cam kết nhất định. Do đó, chúng ta có thể nói rằng một kẻ trộm mang trong người một hang động có vô vàn tên trộm khác (ví dụ như thế) và mỗi tên trong số chúng có những cam kết khác nhau trong những ngày, giờ và địa điểm khác nhau. Tệ nhất là kẻ tà dâm mang trong mình cả một nhà thổ mà không hề ăn năn hối cải. Rõ ràng là kẻ sát nhân thì mang trong tâm mình cả một câu lạc bộ sát thủ và trong suy nghĩ của họ, mỗi người trong đó đều mang những cam kết của riêng mình. Tương tự như vậy thì thương gia mang trong mình cả một thương trường, và cứ như thế.

Luật Tái Diễn

Nhưng, chúng ta phải làm sao để thêu dệt và gỡ bỏ được số phận của bản thân mình? Gurdjieff đã nói nhiều về Luật Tái diễn. Ouspensky, Collins, Nicoll, v.v., đã bình luận về điều này. Nhưng chúng ta đã tiến xa hơn trong lĩnh vực nghiên cứu. Chúng ta hiểu sâu về cơ chế sống của Luật Tái diễn. Điều này là rất quan trọng.

Ví dụ, một cá nhân X, trong kiếp trước đã từng là một kẻ ngoại tình và [khi đến tuổi ba mươi, anh ta] đã bỏ vợ mình để đến với một người phụ nữ khác: rõ ràng là khi anh ta tái sinh vào một cơ thể mới, anh ta sẽ mang trong mình cái Tôi mà đã phạm một lỗi lầm như vậy. Một cái Tôi như vậy sẽ không thể hiện trong những năm đầu đời, không thể! Rõ ràng là đến khi anh ba mươi tuổi, cái Tôi ngoại tình của anh ta sẽ chờ đợi trong sâu thẳm anh ta, bên trong các tầng hạ lưu của con người anh ta, trong các bộ phận tâm lý chủ quan của anh ta, đến cái độ tuổi ba mươi khét tiếng ấy. Ở độ tuổi ấy, cái Tôi đó sẽ đùng đùng xuất hiện và sẽ chiếm lấy lý trí, cảm xúc và các trung tâm vận động-bản năng-tình dục trong cỗ máy con người của anh ta để tìm kiếm người phụ nữ trong mơ của mình. Trước đó, anh ta sẽ giao tiếp thần giao cách cảm với cái Tôi của một phụ nữ như vậy. Tiếp theo, anh ta có thể hẹn hò ở một nơi nào đó, có thể ở công viên trong thành phố hoặc ở một bữa tiệc. Rõ ràng đây là cách mà cuộc gặp gỡ xảy ra sau đó.

Điều thú vị là ta phải xem làm thế nào mà cái Tôi ngầm đó có thể kéo lý trí, điều hành các trung tâm cảm xúc và vận động của cỗ máy con người và đưa nó đến chính xác nơi mà anh ta phải hội ngộ với người phụ nữ trong mơ của mình. Chắc chắn là, một quá trình tương tự đã phải xảy ra bên trong cô ấy. Rồi cảnh đó sẽ được lặp lại một lần nữa, như cách nó đã xảy ra trong quá khứ vậy.

Bây giờ, chúng ta hãy giả sử rằng ông XX trong kiếp trước đã cãi nhau với một người khác, với một người đàn ông khác trong một quán rượu, vì một động cơ vặt vãnh nào đó. Bạn có tin rằng bởi vì cơ thể vật lý của cả hai không còn tồn tại nữa, nên cái Tôi như vậy sẽ biến mất? Không phải như vậy! Một cái Tôi như vậy sẽ tiếp tục tồn tại trong một chiều bí ẩn của không gian. Tuy nhiên sau khi cái Tôi đó đã quay trở lại, sau khi nó đã đầu thai thì sẽ đến một thời điểm mà nó bắt đầu hoạt động. Nó sẽ đợi cho đến tuổi mà sự kiện đó đã xảy ra trong kiếp trước. Nếu một sự kiện như vậy xảy ra vào năm hai mươi lăm tuổi, anh ta sẽ đợi hai mươi lăm năm, như đã biết trước; cái Tôi như vậy sẽ ở trong sâu thẳm anh ta cho đến khi thời cơ đến, rõ ràng anh ta sẽ tiếp quản các trung tâm máy móc để lặp lại “kỳ tích” trước đây. Trước đó, anh ta đã giao tiếp thần giao cách cảm với một người XX nào đó và họ có thể đã có một cuộc hẹn trong một quán rượu khác. Sau đó, khi nhìn thấy nhau, họ sẽ nhận ra nhau và sẽ lại làm tổn thương nhau bằng lời nói của mình, do đó, sự việc sẽ lại được lặp lại.

Vậy thì bạn sẽ thấy rằng bên dưới khả năng nhận thức và năng lực lý luận của chúng ta có nhiều cam kết đang được thực hiện. Do đó, đây là cách thức hoạt động của luật tái diễn, đây là cơ chế máy móc của quy luật này.

Rõ ràng là khi nhìn nhận những điều này theo cách này thì thực sự không có gì mà chúng ta có thể gọi là “sự tự do tuyệt đối” hay là “sự tự nguyện”. Chúng ta chỉ có sự tự do ở một mức độ rất thấp. Hãy tưởng tượng một cây vĩ cầm trong cái hộp đựng. Khoảng không gian rất hẹp giữa cây đàn và cái hộp sẽ cho chúng ta biết chúng ta có biên độ tự do hẹp như thế nào.

Thật đáng tiếc là chúng ta đang bị mắc kẹt trong cơ chế tự động của quy luật tái diễn. Một người như thế nào thì cuộc sống của họ như thế ấy. Nếu một người không rèn luyện với cuộc sống của mình thì họ đang lãng phí thời gian của mình một cách thảm hại. Làm thế nào để chúng ta có thể thoát khỏi quy luật tái diễn? Chúng ta chỉ có thể làm được điều đó bằng cách rèn luyện với cuộc sống của mình.

Chắc chắn là cuộc sống của chúng ta được tạo nên từ những vở chính kịch, bi kịch và hài kịch. Hài kịch dành cho những nghệ sĩ hài; chính kịch dành cho những người bình thường; và bi kịch dành cho những kẻ xấu xa độc ác. Các trường phái huyền học cổ xưa không chấp nhận những người có cuộc sống như bi kịch. Người ta biết rằng các vị thần đã trừng phạt anh ta, và hiển nhiên rằng người bảo hộ [3] đã từ chối anh ta bằng mũi kiếm.

[3] Người bảo hộ – Trong đền thờ huyền học cổ xưa có một người bảo vệ cầm kiếm và đứng bên cạnh cửa ra vào.

Tượng Bảo hộ Đền thờ ở cổng Chùa Răng Phật, Singapore – ảnh minh hoạ bởi Aidan McRae Thomson

Chúng ta cần làm tan rã các cái Tôi. Đương nhiên là như thế! Những cái Tôi ấy là những “diễn viên” của các vở hài kịch, chính kịch và bi kịch. Có lẽ nào có một vở hài kịch mà không có các nghệ sĩ hài? Hay một vở chính kịch mà không có diễn viên? Các bạn có nghĩ rằng một vở bi kịch có thể diễn ra trên sân khấu mà lại không có diễn viên? Rõ ràng là không thể, phải không?

Vậy nếu muốn thay đổi cuộc sống của chính mình thì chúng ta cần phải làm gì? Chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài việc giải tán các “diễn viên” của các vở hài kịch, chính kịch và bi kịch. Và những “diễn viên” này là ai, họ sống ở đâu và tại sao? Thầy nói thật với các bạn rằng những “diễn viên” đó thuộc về quá khứ, thực sự thì mỗi một “diễn viên” này đến từ thời cổ đại.

Nếu chúng ta nói cái Tôi là một cuốn sách gồm nhiều tập thì chúng ta đang khẳng định một sự thật vĩ đại; nếu chúng ta khẳng định rằng cái Tôi đến từ ngày xưa, thì đó là đúng. Vì vậy, cái Tôi là thời gian, những cái Tôi ấy nhân cách hóa thời gian: chúng là những khiếm khuyết của chính chúng ta, những sai sót của chính chúng ta, nằm trong đồng hồ thời gian; chúng là hạt bụi của những thế kỷ trước, ở tận trong sâu thẳm tâm chúng ta.

Phương pháp làm tan rã các cái Tôi

Khi ta biết được các phương pháp chính xác để tan rã những yếu tố không mong muốn mà ta mang trong mình thì ta sẽ đạt được những tiến bộ phi thường. Việc biết rõ các phương pháp ấy là điều cần thiết, khẩn cấp và không thể trì hoãn. Chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể làm tan rã những yếu tố không mong muốn mà chúng ta mang theo ở bên trong.

Có một điểm đạo đồ sinh ra ở Atlantis. Người đó đã lớn lên ở một ngôi nhà sang trọng, nơi chỉ có sự hòa hợp, tình bạn, trí tuệ, sự giàu có, sự hoàn hảo, và tình yêu ngự trị. Đến một lúc, người đó – thông qua các kỹ thuật và phương pháp rèn luyện tâm trí – đã thành công trong việc tự khám phá. Sau đó, anh ta giật mình nhận ra rằng anh mang trong mình những yếu tố ghê tởm; anh hiểu rằng anh cần một “phòng tập” đặc biệt, một phòng tập thể dục cho tâm lý, và rõ ràng là trong môi trường hoàn hảo đó, một “phòng tập” như vậy không tồn tại. Anh không có lựa chọn nào khác ngoài việc rời khỏi nhà, ngôi nhà của cha mẹ mình, và cư ngụ ở vùng ngoại ô của một thành phố nào đó của Atlantis. Anh đã tự tạo ra cho mình phòng tập tâm lý, một phòng tập thể dục nơi anh có thể tự khám phá những khiếm khuyết của bản thân mình. Chắc chắn là anh ta đã tan rã các cấu trúc tâm lý và được giải thoát. Thật vậy, những người anh em yêu dấu của thầy, những nghịch cảnh tồi tệ nhất mang đến cho ta những cơ hội tốt nhất.

Các em thanh niên của phong trào quốc tế Gnosis liên tục gửi thư cho thầy. Một số người phàn nàn về gia đình, cha, mẹ, anh chị em của họ; những người khác chống đối phụ nữ, chống lại trẻ em; họ kinh hãi kể chuyện về chồng mình, v.v. Và một cách tự nhiên, họ khẩn cầu một liều thuốc để chữa lành vết thương trong trái tim mình. Cho đến nay, trong số rất nhiều lá thư ấy, thầy chưa thấy thậm chí chỉ một lá thư nào nói rằng họ vui mừng trước những tình huống tréo ngoe như vậy. Mọi người đều phản đối, và đó là điều không may. Họ không muốn có phòng tập tâm lý; thay vào đó, họ muốn chạy trốn khỏi nó, và với tư cách là một người hướng dẫn, thầy không thể không cảm thấy phiền lòng.

Thầy tự nhủ: “Những người khốn khổ, họ không biết cách tận dụng phòng tập tâm lý, họ muốn sống trong một thiên đường, họ không muốn hiểu là cần phải có nghịch cảnh, họ không muốn tận dụng những cơ hội tồi tệ nhất. Họ thực sự không muốn tự khám phá bản thân!” Khi muốn biết về bản thân, rõ ràng người ta cần “phòng tập” với những bài tập khó khăn. Bởi vì trong phòng tập đau khổ như thế thì những khiếm khuyết mà người ta đã che giấu chắc chắn sẽ lộ ra.

Sự khiếm khuyết được phát hiện trong những tình huống như vậy phải được nghiên cứu kỹ ở tất cả các cấp độ của tâm trí. Sự thật là, khi một người đã hiểu được một lỗi tâm lý nào đó của mình thì người đó chắc chắn đã sẵn sàng làm tan rã nó.

Những người độc thân không có Cốc Thủy tinh của Hermes nên hiển nhiên là họ không thể hoạt động ở không gian thứ Chín. Nhưng trong mọi trường hợp, họ có thể khẩn cầu Đức Mẹ hay còn gọi là Stella Maris (Đức Trinh nữ của Biển cả), ngọn lửa sống của thuật luyện kim đan tiềm ẩn trong tất cả các vật chất hữu cơ và vô cơ. Ở Ấn Độ, Đức Mẹ được gọi là Kundalini.

Nếu một người khẩn cầu được loại năng lực đó, nếu họ tập trung toàn bộ trái tim, tâm trí và cảm xúc sâu sắc nhất của mình vào nó, thì họ sẽ được hỗ trợ. Thầy chắc chắn rằng, sức mạnh bùng cháy này có thể tiêu hủy những cấu trúc tâm lý đó thành tro tàn, thành cát bụi vũ trụ.

Nữ thần trong các tôn giáo tượng trưng cho Đức Mẹ Kundalini.

Bây giờ, ta phải biết rằng chính trong lò rèn của Cyclops là nơi mà sức mạnh xà tính hình xoắn ốc phát triển bên trong cơ thể của học trò Gnosis. Và sức mạnh này được nhân lên với điện tính của khí lực sinh dục.

Vì tất cả những lý do này, người phụ nữ có chồng hay người đàn ông có vợ (hay còn gọi là Nữ Tư tế) thực sự có thể rèn luyện một cách sâu sắc ngay trong quá trình giao hợp của họ. Đối với họ, chỉ cần có sự tập trung thích hợp vào Đevi Kundalini là đủ. Cô ấy, con rắn hổ mang thần thánh của các giáo phái bí ẩn cổ xưa, khi được củng cố bởi sức mạnh tình dục, bởi dòng điện tình dục siêu việt, thực sự có thể tiêu diệt, nghiền thành bột, biến thành tro một cách rất nhanh chóng bất kỳ cấu trúc tâm lý nào mà chúng ta đã thấu hiểu trước đây.

Này các anh em yêu quý, dù sao thì trước hết chúng ta vẫn cần phải phát hiện ra khiếm khuyết mà chúng ta sẽ khử thành cát bụi. Một khiếm khuyết như vậy không thể được phát hiện nếu chúng ta không quan sát tâm trí của bản thân mình. Bất kỳ tình huống bất lợi nào cũng có thể mang lại cho chúng ta rất nhiều cơ hội. Thật không may, mọi người lại muốn chạy trốn khỏi mọi tình huống bất lợi, họ chống đối, thay vì biết ơn Đức Cha đã cho họ những cơ hội tuyệt vời đó. Tập thể dục tâm lý rất khó, cực kỳ khó, vô cùng khó đến nỗi gần như là không thể. Nhưng việc tập luyện càng khó bao nhiêu thì việc tự khám phá bản thân mình càng hiệu quả bấy nhiêu.

Giả sử chúng ta phải trải qua một tình huống ghen tuông. Một người nào đó tên X-X đột nhiên nhìn thấy vợ mình nói chuyện thầm thì với một người khác ở một góc nhà. Không có gì dễ chịu khi chứng kiến điều đó phải không? Nhưng nó là cơ hội tuyệt vời để khám phá bản thân! Có thể trong sự kiện này, không chỉ có ghen tuông sẽ nảy sinh mà còn có thể có cả giận dữ, to tiếng với người vợ, có thể là oán giận. Cái Tôi, vì tự ái, có thể cảm thấy bị tổn thương, bị xúc phạm, bởi vì anh ta yêu bản thân mình quá nhiều.

Tóm lại thì ta phải làm gì? Chúng ta phải thả lỏng người, nằm ngửa trên giường vào ban đêm, nới lỏng cơ thể, nhắm mắt, thở nhịp nhàng, tái hiện lại cảnh đã xảy ra. Sau đó, bằng cách hình dung lại khung cảnh đó, chúng ta thu thập lại những dữ liệu tâm lý: chúng ta sẽ tìm ra cái Tôi của sự ghen tị, coi nó là nguyên nhân đầu tiên. Thứ hai, tìm ra tức giận dữ dội. Thứ ba, tìm ra sự tự ái đã bị tổn thương. Một khi ba cái Tôi này bị phát hiện ngay tại trận, chúng ta sẽ phải xử lý chúng ngay, ta phải tan rã chúng. Một khi đã hiểu ra vấn đề, ta không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc đập tan chúng thành tro bụi. Chúng ta lúc nào cũng phải bắt tay vào công việc ngay lập tức ở cõi thứ chín hoặc chúng ta cũng có thể làm việc một mình. Tất nhiên thì trong trường hợp thầy đang nói, vào thời điểm đó không ai muốn làm việc ở cõi thứ chín vì anh ta bị xúc phạm đến nỗi việc phù hợp duy nhất mà anh ta có thể làm là đi tắm và chà cả ký xà phòng lên người, để xem làm như thế thì cảm giác đó có gột rửa được không.

Nhưng nếu anh ấy vẫn có thể kiềm chế bản thân bất chấp mọi thứ mà để làm việc trong lò rèn của Cyclops thì càng tốt. Chúng ta nên làm như sau: mời gọi Kundalini Shakti trong quá trình giao hợp. [4] Trước tiên, cầu xin Ngài loại bỏ con quái vật ghê tởm của sự ghen tị đó. Thứ hai, ngay sau khi đã triệt để giải quyết cơn ghen thì ta tiếp tục giải quyết cơn giận. Chúng ta phải suy ngẫm về cơn giận, không phải cơn giận trong trừu tượng mà là cơn giận cụ thể như trong những lúc ta cảm thấy ghen tuông, cần phải thỉnh cầu Kundalini Shakti đánh tan con quái vật đó thành cát bụi. Thứ ba, chúng ta phải giải quyết sự tự ái.

[4] quá trình giao hợp – phép luyện kim đan

Chắc chắn rằng mọi người yêu bản thân mình quá nhiều. Lòng tự ái đó đã ăn sâu vào khắp thế giới. Chúng ta cười khoái chí khi được người khác khen ngợi, nhưng nếu họ nói điều gì xúc phạm đến ta thì chúng ta gầm gừ và trở nên ghê gớm. Cái Tôi tự ái phải bị tiêu diệt! Đó chính là cái Tôi thứ ba trong ví dụ của chúng ta. Phải giải phóng toàn bộ sức mạnh của nữ thần Shakti để tiêu diệt cái Tôi này. Hãy tiếp tục làm như vậy trong những ngày kế tiếp, cho đến khi ta tiêu diệt hết cả ba kẻ đồng phạm tâm lý trong tình cảnh khủng khiếp đó.

Nhưng, bạn thấy đấy, chúng ta phải lấy nguyên liệu cho việc hủy diệt cái Tôi chính từ cuộc sống thực tế. Theo những gì thầy được nghe, thầy thấy rằng anh em có xu hướng trốn chạy khỏi cuộc sống thực tế. Việc muốn tan rã cái Tôi bằng cách trốn chạy khỏi cuộc sống thực tế rõ ràng là vô lý.

Thầy nhớ, trong khi thầy còn đang rèn luyện để tan rã cái Tôi, trong một lần tình cờ, một người con trai của thầy đã mắc một sai lầm ngớ ngẩn. Trong khi lái xe, cậu ấy đã đâm vào người khác, một anh công nhân. Đương nhiên là thầy đã phải trả một khoản tiền lớn. Tức là thầy phải trả tiền hoà giải: khoảng 2.000 peso [5] cho người công nhân bị thương và một số tiền khác để cho cảnh sát. Vì vậy, thầy đã tránh cho thằng bé tội nghiệp đó khỏi vào tù. Nhưng câu chuyện không kết thúc ở đó. Thực tế là khi thầy về nhà sau khi đã trả tiền hoà giải, thay vì cảm ơn thì con trai thầy, con với chả cái, nó lại phản đối mãnh liệt. Thằng bé không đồng ý với việc thầy đưa 2.000 peso đó cho người công nhân khốn khổ bất hạnh kia. Tuy nhiên, đối với thầy thì việc đưa tiền là công bằng nên thầy đã đưa tiền cho anh ta.

[5] 2.000 peso năm 1975 tương ứng với 12 triệu Việt Nam đồng năm 2021.

Trong cuộc phản đối có những lời nói vô ơn, thậm chí là bất nhã. Thầy không cảm thấy tức giận, do thực tế là cơn giận đã bị làm tan biến rồi; nhưng thầy vẫn cảm thấy nhói đau trong tim.

Ngay lập tức thầy vào thiền để tìm ra nỗi đau mà thầy cảm thấy trong trái tim mình là gì, và thầy đã xác minh một cách rõ ràng: đó là cái Tôi của lòng tự ái mà đã bị tổn thương. Vì khả năng tự quan sát tâm lý của thầy phát triển rất tốt cho nên không khó để thầy nhận thức cái Tôi đó một cách trực tiếp. Chắc chắn thầy phát hiện ra nó đang tắm rất vui vẻ, trong sân có nước thải đen sì [6]. Thầy ngay lập tức phát ra một tia điện tính [7] của khí lực sinh dục [8] siêu việt và bắn vào nó. Thầy đã làm việc đó trong vài ngày, và nó suy yếu dần từng chút một cho đến khi nó quay về hình hài một đứa trẻ [9], và nó tiếp tục suy yếu cho đến khi nó trở thành cát bụi vũ trụ. Đây là cách chúng ta phải xử lý việc, những người anh em yêu quý ạ.

[6] Nó đang tắm rất vui vẻ, trong sân có nước thải đen sì – Trong thiền cũng như ở trong giấc mơ, các cái Tôi được hiển thị với hình dáng mang tính biểu tượng để thể hiện đặc tính tâm lý của chúng.

[7] Phát ra một tia điện tính – dù cảnh này nghe hơi lạ nhưng việc này thực sự có thể xảy ra trong giấc mơ cũng như ở trạng thái định và sẽ thực sự ảnh hưởng đến tâm lý của chúng ta một cách sâu sắc. Truyện Tây Du Ký có rất nhiều câu chuyện tương tự thế này. Những nhân vật yêu quái trong truyện đó tượng trưng cho các cái Tôi.

[8] Khí lực sinh dục – trong cơ thể có nhiều loại khí nhưng năng lực từ trung tâm sinh dục là loại mạnh mẽ nhất.

[9] Quay về hình hài một đứa trẻ – cảnh tương tự thế này cũng có trong truyện Tây Du Ký. Bản chất của các cái Tôi chính là Phật tính, là tâm thức của chúng ta nhưng Phật tính đó bị mắc kẹt ở trong các cấu trúc tâm lý. Khi một cấu trúc tâm lý đó bị phá vỡ và Phật tính được giải phóng thì hình dáng của con “yêu quái” đó biến hình từ kẻ xấu thành một đứa trẻ đẹp. Việc biến đổi hình dáng thể hiện sự thay đổi về mặt tâm lý.

Nhưng thầy lấy thông tin để làm việc ở đâu? Thầy lấy nó từ hiện thực cụ thể rõ ràng và dứt khoát. Nhưng thầy thấy ở anh em xu có hướng trốn chạy, trốn tránh những sự thật thực tế của cuộc sống, và điều đó thật vô lý, hoàn toàn vô lý.

Trong một số trường hợp khác (và thầy thích đưa ra những ví dụ sinh động, nhằm mục đích hướng dẫn tập thể), thầy đã cảm thấy rất buồn cùng với một sự cáu kỉnh nhất định đối với những lời nói của cậu con trai đó, chúng thực sự không phải là những lời nói đẹp đẽ. Thầy luôn kiểm soát được tâm trí của mình và không bao giờ phát hỏa, thầy không bao giờ xé quần áo của mình. Trên thực tế, đây là một chiến thắng, nhưng chắc chắn rằng ở bên trong thầy, sâu thẳm bên trong, không thể chối bỏ là thầy đã có một vài phản ứng rất khó chịu. Khi thầy sử dụng khả năng tự quan sát tâm lý để khám xét chính mình thì thầy vô cùng kinh ngạc khi phát hiện ra một cái Tôi rất cứng cáp, rất cường tráng, khá mập mạp, lông lá như một con gấu, đang đi qua hành lang ngôi nhà nơi chôn rau cắt rốn của thầy. Thầy nói với nó: “Ái chà, ngươi đã trốn rất kỹ đấy, nhưng thế nào đi nữa thì bây giờ ngươi cũng sẽ bị xử tội! Ta sẽ thiêu đốt ngươi, đây sẽ là dấu chấm hết của ngươi”.

Rốt cuộc thì thầy đã thỉnh cầu đến Devi-Kundalini Shakti. Khi thầy làm việc, con quái vật đó bắt đầu thu nhỏ lại, nó trở nên suy yếu một cách đáng kinh ngạc, và khi nó nhỏ hơn thì nó cũng trở nên đẹp hơn. Cuối cùng, nó trông như là một đứa trẻ rất xinh đẹp, cho đến một ngày Đức Mẹ Kundalini nhìn thấy rồi chặt đầu nó. Sự thật là, sau đó nó đã được suy biến thành cát bụi, không còn lại gì cả. Nhưng đúng vậy: thầy đã dành hết tâm huyết để triệt nó. Thầy làm việc cả ngày lẫn đêm, mọi giờ và mọi lúc, cho đến khi nó không còn tồn tại nữa.

Khi các bạn càng sử dụng nó thì khả năng tự quan sát tâm lý càng phát triển trong các bạn. Đừng quên rằng giác quan không được sử dụng thì sẽ bị mòn đi. Đến một lúc nào đó, khả năng tự quan sát tâm lý của bạn sẽ phát triển đến mức mà bạn có thể nhận thức được bất kỳ cấu trúc tâm lý không mong muốn nào, giống như thầy đã làm. Hơn thế nữa, bạn còn có thể nhìn thấy kết quả của sự rèn luyện đối với các cấu trúc đó.

Mặt Trăng Tâm lý

Nhân danh sự thật, thầy phải nói với các bạn, các anh chị em thân mến của thầy, rằng trong chúng ta cũng có một Mặt Trăng Tâm lý giống như mặt trăng ở ngoài vũ trụ. Giống như Mặt Trăng chiếu sáng trên bầu trời có hai mặt (mặt được nhìn thấy và mặt ẩn), Mặt Trăng trong chúng ta cũng thế.

Bây giờ bạn phải tổng tấn công chống lại các cấu trúc tâm lý trong phần hữu hình của Mặt Trăng Tâm lý của bạn. Rồi sau này, bạn phải khai hỏa bắn vào những yếu tố không mong muốn của Mặt Trăng Đen. (Đó chính là những yếu tố tâm lý không dễ mà nhìn thấy.) Nhiều vị Thánh đã thành công trong việc tiêu diệt các cấu trúc tâm lý bên phần hữu hình của Mặt Trăng Tâm lý của họ, nhưng họ không biết chút gì về các yếu tố không mong muốn ở bên kia của Mặt Trăng. Mặc dù họ đã nhập định Niết bàn, thậm chí là Maha-Parinirvana, thì sau đó họ vẫn phải quay lại để tiếp tục làm việc với mặt ẩn của Mặt Trăng Tâm lý của họ. Trong mọi trường hợp, cho dù là ở phía hữu hình hay phía vô hình của Mặt Trăng Tâm lý, thì các “yếu tố” để rèn luyện [để làm tiêu biến các cấu trúc tâm lý] phải được rút ra từ các sự kiện cụ thể của cuộc sống thực tế.

Do đó, đừng trốn tránh. Đừng cố gắng trốn tránh cuộc sống thực tế. Các bạn phải sống thực tế nếu bạn thực sự muốn làm tan rã cái Tôi của mình. Khi bạn làm như vậy, khi các cấu trúc tâm lý được nghiền thành bột, thì tâm thức hay là Phạt tính đang bị giam cầm sẽ được giải phóng. Đây là cách để kết tinh cái gọi là tâm hồn bên trong chúng ta.

Bạn sẽ phải trải qua những cuộc khủng hoảng đạo đức lớn. Đây không chỉ là một vấn đề lý trí, không phải! Nó không phải là lời rao giảng đơn thuần, cũng không phải là những lời nói mơ hồ viển vông vô ích, không! Một lần nữa thầy nhắc lại những gì thầy đã nói, mặc dù các bạn có thể đã phát chán, nhưng thực sự “nước không sôi đến 100 độ thì không nấu chín được”, nghĩa là không làm tan rã được những gì cần làm tan rã.

Vì vậy, nếu chúng ta không trải qua những cuộc khủng hoảng cảm xúc đáng sợ thì những cái Tôi đó không thể bị tan rã. Khi thầy phát hiện ra chính xác cái Tôi tự ái được ẩn giấu trong những nếp gấp sâu nhất của tâm thầy, thầy đã cảm thấy rất đau đớn, thầy đã phải trải qua một cuộc khủng hoảng tinh thần lớn lao, thầy đã phải khổ sở rất nhiều, rất cực khổ, và thầy thực sự lấy làm tiếc. Sau đó thầy đã thỉnh cầu được Devi-Kundalini Shakti để nghiền nát những yếu tố không mong muốn như vậy.

Và khi thầy phát hiện ra rằng, ngoài kia, có một con quỷ biến thái đầy giận dữ, và nó đến từ rất xa xưa, thầy đã phải chịu đựng những điều không thể diễn tả được, thầy đã trải qua những cuộc khủng hoảng cảm xúc khủng khiếp, thầy cảm thấy xấu hổ về bản thân mình, thầy đã nhờ được Devi- Kundalini Shakti nghiền nát yếu tố tâm lý đáng ghê tởm đó. Vì vậy thì những yếu tố không mong muốn mà bạn nhìn ra được ngay trong cuộc sống thực tiễn sẽ không thể trốn thoát. Bạn chỉ cần tỉnh táo và cảnh giác đề phòng giống như người canh gác trong thời chiến.

Trong lúc nói, ta biết mình đang nói. Tuy nhiên, chúng ta có để ý lời nói của mình không? Phải cảnh giác với lời nói. Chúng ta có cảm xúc không? Rõ là có. Cảm xúc đó như thế nào? Đôi khi chúng ta bị xúc động khi nghe một bài hát “Tango” hoặc đột nhiên thấy mình muốn hát nhạc của Carlos Gardel.

Đó là những cảm xúc tốt hay xấu? Đó là những cảm xúc cao cấp hay là hạ cấp? Vậy, có khi chúng ta rời khỏi một bữa tiệc và bị rung động bởi những cảm xúc hạ cấp, hay khi nhảy múa một điệu chỉ đơn thuần là tục tĩu, tất cả những cảm xúc này nói lên điều gì?

Những cảm xúc cấp thấp chỉ ra những cái Tôi có cảm xúc cấp thấp, những cái Tôi này cần phải bị tan rã. Nếu chúng ta không loại bỏ được những cảm xúc này, nếu ta không dùng lưỡi dao của sự tự phê bình để rạch một vết ứa máu lên những cảm xúc này, thì ta sẽ không thể phát triển được trung tâm cảm xúc cấp cao ở bên trong mình. Cảm xúc cấp cao là cần thiết để chúng ta nhận được thông điệp đến từ các thế giới siêu việt.

Vì vậy, chính cuộc sống [thực tiễn] là nơi mà chúng ta phải khám phá bản thân mình. Chúng ta phải để ý đến lời nói, suy nghĩ, và ý tưởng của chính mình. Vì sao? Giả sử, một ý nghĩ dâm dục hoặc một cảnh tượng bệnh hoạn đột nhiên hiện ra trong đầu mình, bạn có nghĩ rằng nó chỉ “bỗng dưng” hiện ra như vậy không? Việc đó nói lên điều gì? Rõ ràng là đằng sau cái “rạp chiếu phim” xấu xí đó của tâm trí chúng ta, đằng sau cái đám rước bệnh hoạn đó là cả một đám cái Tôi đầy dục vọng đang hoạt động.

Đúng vậy! Các cái Tôi của dục vọng lấy sức mạnh từ các “cuốn phim” trong não bộ. Đó là những “cuốn phim” của ký ức về cảm xúc mạnh mẽ. Cái tôi chiếu các “cuốn phim” lên màn hình của tâm trí. Nếu một người bị đồng nhất với một cảnh bệnh hoạn thì cái Tôi tương ứng [với “cuốn phim” đó] sẽ được củng cố.

Vì vậy, nếu vào một trong những khoảnh khắc đó mà chúng ta bị tấn công bởi những suy nghĩ kiểu này thì điều cần thiết là phải khẩn cầu nữ thần Shakti-Kundalini để triệt tiêu cái Tôi thành cát bụi bằng sức mạnh ngọn lửa phi thường của Ngài. Nếu chúng ta không làm như vậy, nếu chúng ta đồng nhất mình với nó, nếu chúng ta bị những cảnh tượng dâm dục đó mê hoặc thì thay vì bị tiêu tan cái Tôi sẽ càng được củng cố một cách phi thường.

Mỗi người trong chúng ta đều có tâm thức bị giam hãm bên trong những “nhân vật” của những vở chính kịch, hài kịch và bi kịch trong cuộc đời. Mỗi người chúng ta đều có tâm thức bị giam hãm trong cái Tôi. Thế nên, chúng ta hãy đánh tan cái Tôi thành cát bụi, và tâm thức sẽ được giải phóng!

Một tâm thức được giải phóng là tâm thức đã được khai sáng; đó là một tâm thức có khả năng nhìn, nghe, chạm vào, và cảm nhận thực tại vĩ đại của những thế giới siêu việt; đó là một tâm thức toàn tri và thần thánh.

Ngày mà bạn triệt tiêu hết các cái Tôi, điều cuối cùng bạn cần triệt tiêu sẽ là gì? Câu trả lời là những mầm mống của cái Tôi. Một khi cái Tôi đã chết, mầm mống của chúng vẫn còn, và chúng cực kỳ ác tính. Những mầm mống này cũng phải được tan rã và hóa thành tro bụi.

Nếu chúng ta muốn trở thành những vị Vua và tư tế tự nhiên theo dòng truyền của Mên-chi-xê-đéc, thì ta cần sở hữu được bản thân. Và chừng nào mà tâm thức còn bị nhốt trong các yếu tố tâm lý không mong muốn thì chúng ta không thể sở hữu được bản thân mình.

“Con là tư tế đời đời theo Dòng Mên-chi-xê-đéc.”

(Thi-Thiên 110:1, Kinh Thánh cựu ước)

Tâm thức đã sở hữu được chính nó là tâm thức tự do; tâm thức đã sở hữu được chính nó thì được nhận vào Dòng Mên-chi-xê-đéc. Đó là một tâm thức toàn tri, được khai sáng, hoàn hảo, và đó chính là điều chúng ta cần.

Ngày mà tâm thức của bạn được khai sáng, ngày mà bạn thực sự trở nên tự do, chính là ngày bạn làm kết tinh được cái mà chúng ta gọi là tâm hồn. Tất cả mọi phần của bạn đều trở thành tâm hồn. Ngay cả cơ thể vật chất của bạn cũng trở thành tâm hồn, và tâm hồn này sẽ được nạp đầy các đặc tính và sức mạnh của vũ trụ. Đó là sức mạnh có khả năng thần thánh hóa chúng ta.

Vì vậy, hôm nay thầy đã dạy cho các bạn một phương pháp thực tiễn thông qua phân tích biện chứng. Bây giờ, chúng ta sẽ ngồi thiền. Nhưng trước tiên, chúng ta cần biết mình sẽ rèn luyện những gì, nếu không thì những việc ta sắp làm [trong buổi ngồi thiền của hôm nay] chẳng có ý nghĩa gì. Vì thầy nghĩ các bạn là những người phấn đấu cho việc khám phá bản thân, nên rõ ràng là các bạn đang rèn luyện với một lỗi tâm lý nào đó. Có ai vẫn chưa biết mình sẽ phải làm gì không? Liệu có người anh em nào ở đây, ngay trong nhóm này, không bận tâm đến việc làm tan rã khiếm khuyết của mình? Nếu vậy thì thầy muốn gặp người đó… Là ai trong đây?


Leave a Reply