Cái Tôi không thể hiểu hay tiêu diệt cái Tôi

✏Tác giả: Samael Aun Weor

Bài viết này được trích từ chương 33 của sách “La Transformación Social de la Humanidad”

Bằng chứng đã cho thấy rằng trật tự tâm lý trong bối cảnh của việc loại bỏ các khiếm khuyết được thiết lập bởi Bản thể sâu thẳm bên trong chúng ta.

Chúng ta phải làm rõ một điều rằng có một sự khác biệt to lớn giữa cái Tôi và Bản thể. Cái Tôi không bao giờ có thể thiết lập được một trật tự trên các khía cạnh tâm lý bởi vì bản thân cái Tôi chính là kết quả của sự hỗn loạn.

Chỉ có Bản thể mới có khả năng thiết lập trật tự trong tâm của chúng ta. Bản thể là Bản thể, và lý do tồn tại của nó là vì chính nó.

Bất kỳ ai cũng có thể mắc sai lầm là tự bắn vào đầu, như bất kỳ kẻ tự sát ngu ngốc và hèn nhát nào, nhưng cái Tôi khét tiếng trong tâm chúng ta không bao giờ có thể tự sát.

Những người thuộc các trường phái giả huyền học và giả huyền bí có những lý tưởng tuyệt vời và thậm chí có ý định làm những điều siêu phàm, nhưng tất cả những điều đó đều chỉ tồn tại trong tư tưởng chủ quan và khốn khổ, bởi vì tất cả đều do cái Tôi tạo ra.

Cái Tôi không phải lúc nào cũng xấu xa, đôi khi nó tự tô điểm cho mình bằng những đức tính cao đẹp và thậm chí còn khoác lên mình chiếc áo như một vị thánh. Khi cái Tôi không muốn tồn tại nữa thì nó không làm điều đó một cách vô tư và thuần khiết, mà nó muốn tiếp tục tồn tại dưới một hình thức khác, nó đòi hỏi phần thưởng và cảm giác vui sướng.

Trong cuộc sống ở thời đại máy móc này, người ta sản xuất hàng loạt: hàng loạt ô tô, hàng loạt máy bay, hàng loạt các loại máy móc khác nhau, v.v. Mọi thứ đã trở thành sản phẩm của chuỗi sản xuất hàng loạt và ngay cả cái Tôi cũng sản xuất hàng loạt như vậy. Chúng ta cần biết rõ các chuỗi hàng loạt của cái Tôi. Cái tôi hoạt động theo một chuỗi hàng loạt các suy nghĩ, tình cảm, thù hận, ham muốn, thói quen, v.v. [1]

[1] Tức là các cái Tôi lặp đi lặp lại những suy nghĩ và cảm xúc theo thói quen cũ. Khi chúng ta đã nhận ra thói quen của cái Tôi thì chúng ta sẽ hiểu cách hoạt động của nó.

Những người theo chủ nghĩa chia rẽ cái Tôi có tiếp tục phân chia cái Tôi của họ thành cái Tôi cao cấp và cái Tôi hạ cấp không? Ta hãy cứ để mặc họ với tất cả các lý thuyết viển vông và cái Tôi cao cấp siêu thần thánh khoác lác của họ, thứ mà đang kiểm soát cái Tôi hạ cấp bất hạnh.

Chúng ta biết rõ rằng sự phân chia giữa cái Tôi cao cấp và cái Tôi hạ cấp là sai hoàn toàn; cái Tôi cao cấp và cái Tôi hạ cấp là hai phần của cùng một thứ, hai phần của cái Tôi đa nguyên.

Liệu một phần của cái Tôi có thể tiêu biến thành cát bụi hay hủy diệt một phần khác của cái Tôi hay không? Liệu một phần của bản thân tôi có thể đày ải một phần khác của tôi hay không?

Những gì chúng ta có thể làm là khéo léo che giấu những thứ chúng ta không muốn tiết lộ, che giấu những khía cạnh hư hỏng của mình, và mỉm cười với gương mặt thánh thiện. Một phần của bản thân ta có thể che giấu đi một phần khác của mình. Các bạn có thấy điều này kỳ quái không? Không phải mèo vẫn giấu móng vuốt của nó đi đấy ư? Tất cả chúng ta đều mang trong mình kẻ Pha-ri-si khét tiếng: bên ngoài rất đẹp đẽ nhưng bên trong lại đầy thối nát! [2]

[2] “Khốn cho các ông, thầy kinh luật và người Pha-ri-si, là những kẻ đạo đức giả! Vì các ông giống như mộ được quét vôi trắng, trông bề ngoài thì đẹp nhưng bên trong đầy xương người chết và mọi thứ ô uế. Cũng thế, bề ngoài các ông ra vẻ công chính trước mặt người ta, nhưng bên trong đầy dẫy sự gian ác và đạo đức giả.”

(Ma-thi-ơ 23:27-28, Kinh Thánh)
Pharisee and Publican
Tranh: Người Pha-ri-si và người thu thuế

Chúng ta đã từng biết đến những người Pha-ri-si ghê gớm. Chúng ta cũng biết đến một người mà khoác lên mình chiếc áo choàng tinh khiết của Đạo sư, với mái tóc dài và bộ râu vênh váo không bao giờ đụng đến dao cạo. Cả thế giới đều “kinh sợ” vì mức độ thánh thiện của ông ta. Ông ta ăn chay một trăm phần trăm, ông ta không uống rượu hay bất cứ đồ uống có cồn nào, và mọi người đã từng quỳ xuống trước mặt ông ta.

Chúng ta không đề cập đến tên của “vị thánh sô cô la” này. Nhưng mọi người ai cũng nghĩ rằng ông ta đã bỏ vợ con để đi theo con đường thánh thiện.

Ông ta rao giảng những điều hay ho và quả quyết lên án chống lại tội ngoại tình và tội gian dâm, nhưng ông ta lại bí mật có nhiều tình nhân và từng gạ gẫm những đệ tử của mình quan hệ tình dục qua những con đường không tự nhiên. Đúng, ông ta là một vị thánh, nhưng là một vị “thánh sô cô la”.

Những người Pha-ri-si là như vậy!

Các ông không ăn thịt, không uống rượu và không hút thuốc. Các ông tỏ ra mình người công minh nhưng bên trong thì toàn là đạo đức giả và sự gian ác. Những người Pha-ri-si che giấu tội lỗi của mình khỏi mắt của người khác nhưng bên cạnh đó họ cũng che giấu chúng khỏi bản thân mình.

Aristophanes | Lapham's Quarterly
Aristophanes (446-386 TCN), nhà soạn hài kịch của Hy lạp cổ đại

Chúng ta biết rằng người Pha-ri-si nhịn ăn uống khắt khe và sám hối rất ghê, họ rất chắc chắn rằng họ công minh và trí tuệ, nhưng nạn nhân của họ vẫn kêu khóc thảm thiết. Hầu hết vợ và con cái của những người này đều là nạn nhân vô tội của những sự gian ác mà họ gây ra. Thế nhưng họ vẫn tiếp tục các bài tập luyện công thần thánh của mình, và họ vẫn đinh ninh rằng mình “công minh” và “thánh thiện”.

Thứ được gọi là cái Tôi cao cấp nói: “Tôi sẽ đánh bại sự giận dữ, tham lam, dâm dục, v.v.“, nhưng thứ được gọi là cái Tôi hạ cấp cười vang như tiếng sấm của Aristophanes, và thế là những con quỷ của đam mê, bị hoảng sợ, bỏ chạy lẩn trốn vào trong những hang động bí mật ở các tầng khác nhau của tâm [3].

[3] Những con quỷ chạy trốn vào trong hang động bí mật của tâm: Khi chúng ta dùng chính động lực của cái Tôi để sửa bản thân thì các khiếm khuyết tâm lý sẽ không được giải quyết triệt để mà ngược lại chúng lại được che giấu hay ẩn giấu trong tâm. Bằng cách này, chúng ta sẽ không làm tan rã được các cái Tôi vì ta sẽ nghĩ rằng cái Tôi của mình đã được giải quyết xong rồi. Tuy nhiên, trên thực tế thì việc tu hành của chúng ta chỉ đang sửa bề ngoài mà thôi.

Mọi nỗ lực lý trí để làm tan biến cái Tôi đều vô ích, bởi vì bất kỳ động thái nào của tâm trí cũng đều thuộc về cái Tôi.

Bất kỳ phần nào của cái Tôi đều có thể có ý định tốt, nhưng vậy thì sao? Con đường dẫn đến vực thẳm vẫn hay được lát bằng những ý định tốt đẹp.

Thật kì lạ làm sao, cái trò chơi mà một phần này của cái Tôi muốn điều khiển một phần kia của cái Tôi, mà cái phần kia ấy lại không muốn bị kiểm soát.

Thật đáng thương khi hành động sám hối của những vị “thánh sô cô la” làm khổ vợ con họ. Thật đáng nực cười là những hành động giả vờ hiền lành của những vị “thánh sô cô la” đó.Thật đáng ngưỡng mộ cho sự uyên bác của những giáo sư biết tuốt này, rồi sao nữa? Cái Tôi không thể phá hủy cái Tôi, và cái Tôi này cứ tiếp tục tồn tại trong hàng triệu triệu năm, tồn tại dai dẳng trong thế hệ con cháu của chúng ta.

Chúng ta cần thoát khỏi bùa mê của những nỗ lực vô ích; khi cái Tôi muốn phá hủy cái Tôi, thì nỗ lực này là vô ích.

Chỉ bằng cách thấu hiểu sâu sắc bản chất đích thực của những trận chiến tư tưởng vô ích, chỉ bằng cách hiểu được những hành động và phản ứng tiềm thức, những phản ứng từ bên trong và bên ngoài, những câu trả lời bí mật, những động cơ và những xung động tiềm ẩn, v.v., thì tâm trí ta mới có thể đạt được sự im lặng và yên tĩnh sâu sắc.

Trên mặt nước tinh khiết của tâm thức phổ quát, trong trạng thái định, chúng ta có thể chiêm nghiệm tất cả bộ mặt ma quỷ của cái Tôi đa nguyên.

Khi cái Tôi không thể ẩn mình trốn tránh nữa thì nghĩa là nó đã bị kết án tử hình. Cái Tôi thích trốn tránh, nhưng khi không làm được điều này thì nó sẽ chết! Chỉ với sự thanh thản trong suy nghĩ thì chúng ta mới nhìn thấu vẻ bề ngoài để thấy bản chất đích thực của cái Tôi.

Khi nhìn thấy và thấu hiểu cái Tôi thì chúng ta mới được hợp nhất thành một đơn vị trọn vẹn. Cái Tôi thất bại khi chúng ta hiểu thấu nó, bởi vì khi đó chúng ta có thể tiêu biến nó thành cát bụi với sự giúp đỡ của Kundalini.

Khi đại dương của Tâm trí đạt được trạng thái tĩnh lặng thì đó không phải là kết quả [của một cơ chế nào đó] mà chính là trạng thái tự nhiên của nó. Những cơn sóng suy nghĩ dữ dội chỉ là tai nạn mà con quái vật của cái Tôi gây ra.

Cái tâm trí ngu ngốc, cái tâm đần độn, cái tâm mà nói rằng: “sau một thời gian dài tôi sẽ đạt được sự thanh thản”, hoặc “sẽ có ngày tôi đạt được điều đó”, thì rồi sẽ phải thất bại, bởi vì sự thanh thản của tâm trí không đến từ thời gian. Mọi thứ thuộc về thời gian đều bắt nguồn từ cái Tôi, từ cái “bản thân”; cái Tôi chính là thời gian.

Có những người muốn tạo ra sự thanh thản trong tâm tưởng như cách người ta lắp ráp một cỗ máy, họ ghép từng bộ phận của nó lại với nhau bằng lý trí. Họ chỉ có thất bại mà thôi, bởi vì sự thanh thản của tâm trí không phải được tạo thành từ nhiều bộ phận để có thể lắp ráp hoặc tháo rời, một cách trật tự hoặc hỗn loạn, cùng nhau hoặc tách biệt.

Cái Tôi đa nguyên chính là tâm trí. Chúng ta đã nói rõ ràng, chúng ta đã nói rằng loài động vật có trí năng, mà vẫn bị gọi nhầm là con người, không phải chỉ có một tâm trí mà có nhiều tâm trí.

Không nghi ngờ gì nữa, những cấu trúc tâm lý khác nhau tạo nên cái Tôi chỉ đơn thuần là các dạng tâm lý khác nhau, là tâm trí bị đa nguyên hóa, v.v.

Câu hỏi: Thưa thầy, có phải thầy đang nói với con rằng tất cả các chuyên gia có danh tiếng, những người ca ngợi sức mạnh phép thuật của tâm trí, những người tán tụng tầm quan trọng to lớn của việc duy trì một tâm trí tích cực, họ đều đang nhầm lẫn?

Trả lời: Các anh em, trong kỉ nguyên Kali Yuga này, trong Thời Kỳ Sắt [4], người ta cống hiến hết mình để luyện phép thần thông của tâm trí [5], và ở mọi nơi, ta có thể tìm thấy hàng nghìn cuốn sách trong các tiệm sách nói những điều kỳ diệu về con lừa của tâm trí.

[4] Kali Yuga, Thời Kỳ sắt – là thời kỳ đạo đức và tôn giáo của nhân loại bị thoái hóa, tương tự như thời Mạt Pháp của Phật giáo.
[5] Phép thần thông của tâm trí (tiếng Anh: mentalism) – Mentalism là một loại ảo thuật hay phép thuật biểu diễn trên sân khấu. Trong đó, diễn giả biểu diễn các loại phép lạ bao gồm: thôi miên, đoán tên và thông tin cá nhân của các khán giả, đọc suy nghĩ của khán giả, điều khiển tâm lý của khán giả, v.v. Ở bối cảnh của đoạn sách này thì mentalism không chỉ là nghệ thuật biểu diễn trên sân khấu. Mentalism ở đây bao gồm những trường phái “cải tiến bản thân”, luyện sức mạnh tâm lý để đạt được những mục tiêu đa dạng trong cuộc sống. Ví dụ như người ta dùng sức mạnh của “tư duy tích cực” để cầu xin vũ trụ giúp người ta thỏa mãn tham vọng cá nhân. Trong các trường phái mentalism kiểu này, nổi tiếng nhất là cuốn sách “The Secret” (bản dịch tiếng Việt có tiêu đề “Bí mật”). Chúng tôi không nói rằng các phương pháp này không thể ra kết quả nhưng chắc chắn rằng chúng không dẫn đến cái chết của cái Tôi, và chừng nào cái Tôi còn tồn tại trong chúng ta thì mọi việc thỏa mãn tham vọng chỉ mang lại hạnh phúc phù du mà thôi.

Điều thú vị là ở chỗ Chúa Giê-su, đấng Kabir [6] vĩ đại, đã cưỡi trên con lừa (tâm trí) để tiến vào Thiên đàng Jerusalem trong ngày Chủ nhật Lễ lá. Điều này đã được nhắc đến trong kinh Phúc âm, người ta đã nói như vậy, nhưng người ta đã đóng đinh Chúa Giê-su đâng Kitô và tôn thờ con lừa. Nhân loại là như vậy đấy, những người anh em thân mến của tôi, đây là kỷ nguyên bóng tối mà chúng ta đang sống.

[6] Kabir – bậc thầy vĩ đại (tiếng Ả Rập)

Xem thêm Kabir

Các nhà tâm thần học muốn phát triển điều gì? Sức mạnh của con lừa. Tốt hơn là những người có hiểu biết đó có thể cưỡi lên con vật này và thuần hóa nó bằng ngọn roi của ý chí; bằng cách đó mọi thứ sẽ thay đổi và chúng ta sẽ trở thành những con chiên Cơ đốc ngoan đạo, có phải không?

Các nhà tâm thần học muốn phát triển điều gì? Họ muốn sức mạnh của cái Tôi tâm lý. Tốt hơn là họ nên tan rã nó, tiêu biến nó thành cát bụi vũ trụ, như vậy đức Thánh linh sẽ chiếu rọi trong mỗi người bọn họ.

Thật không may, con người của thời đại này không muốn dính líu gì đến tâm linh nữa cả; bây giờ thì họ quỳ xuống hôn chân con lừa và thay vì thanh lọc bản thân, họ làm cho bản thân mình ô uế và khốn khổ.

Nếu mọi người biết rằng họ không có cơ thể Lý trí, rằng điều duy nhất họ có là tổng thể của nhiều cấu trúc tâm lý, của sự kết tinh ghê tởm của tâm trí, và nếu họ làm tan rã những cái Tôi cục súc đó thay vì củng cố chúng, thì đó là lúc họ sẽ làm việc cho lợi ích và hạnh phúc của chính mình.

Tuy nhiên, nếu họ phát triển sức mạnh thú tính, sức mạnh nham hiểm của cái Tôi tâm trí, thì họ sẽ ngày càng trở nên u ám hơn, ghê tởm hơn, sai trái hơn.

Thầy nói với các bạn của thầy, thầy nói với các anh em của phong trào Gnosis rằng: hãy tiêu biến cái Tôi tâm trí thành cát bụi, hãy chiến đấu ngoan cường để giải phóng bản thân khỏi tâm trí, chỉ bằng cách này thì anh em mới đạt được phúc lành.


Leave a Reply