Biết chính mình

✏ Tác giả: Samael Aun Weor, 📖 Chuyển Hoá Các Ấn Tượng Tâm lý

Tiêu đề của bản gốc: El Conocimiento de Sí Mismo (bài giảng)

Nhân dịp mọi người tụ họp ở đây, chúng ta sẽ nói một chút về khao khát tâm linh. Trên hết, lĩnh hội sáng tạo là cần thiết. Điều cơ bản trong cuộc sống thực sự là biết chính mình.

Chúng ta từ đâu đến, chúng ta sẽ đi về đâu? Mục đích của cuộc sống là gì? Chúng ta sống vì điều gì? Tại sao chúng ta lại ở đây? v.v.

“Hỡi con người, hãy biết chính mình, ngươi sẽ biết cả vũ trụ và các vị thần”.

Rõ ràng, câu nói ở lối vào đền Delphi “Nosce te ipsum…” (“Hỡi con người, hãy biết chính mình, ngươi sẽ biết cả vũ trụ và các vị thần”) là một phương ngôn. Biết bản thân chính là nền tảng.

Ai cũng tưởng mình biết rõ bản thân, trong khi thực tế thì không phải vậy. Thế nên chúng ta cần biết đầy đủ về chính mình. Điều này đòi hỏi phải quan sát bản thân không ngừng nghỉ. Chúng ta cần thấy sự thật về bản thân.

Thật không may, ai cũng dễ dàng thừa nhận rằng mình có một cơ thể vật chất, nhưng lại rất khó khăn trong việc hiểu tâm lý của chính mình. Mọi người khó có thể thừa nhận một cách trực quan [như cách họ thừa nhận cơ thể vật chất]. Họ chấp nhận cơ thể vật chất của mình vì họ có thể nhìn được, sờ được, cảm nhận được nó, nhưng tâm lý thì lại khác. Rõ ràng là bởi vì họ không thể nhìn thấy tâm lý của mình, không sờ được, không cảm nhận được nó. Đối với họ, tâm lý là một cái gì đó mơ hồ, không thể hiểu được.

Khi một người bắt đầu quan sát bản thân mình thì đây là một tín hiệu rõ ràng cho thấy người đó có ý định thay đổi. Khi một người quan sát bản thân và nhìn lại chính mình, điều này cho thấy người đó đang trở nên khác biệt so với những người khác.

Chúng ta có thể khám phá bản thân mình trong những hoàn cảnh của cuộc sống. Chính từ những sự kiện của cuộc sống mà chúng ta có thể chắt lọc được “vật liệu tâm lý” cần thiết cho việc đánh thức Tâm thức. Vì vậy, trong các mối quan hệ với mọi người khi ở nhà, trên đường, trên đồng ruộng, ở trường, hay trong nhà máy, v.v., những khiếm khuyết tiềm ẩn trong chúng ta sẽ tự bộc lộ. Nếu đủ tỉnh táo, nếu thận trọng như một người canh gác trong thời chiến, thì chúng ta sẽ nhìn thấy chúng.

Một khiếm khuyết khi được phát hiện phải được thấu hiểu triệt để trong mọi cấp độ của tâm trí. Ví dụ, giả sử chúng ta đang ở trong một cảnh giận dữ chúng ta sẽ phải hiểu rõ mọi thứ đã xảy ra. Giả sử chúng ta có một bất đồng nhỏ, chẳng hạn ở lúc ta đến một cửa hàng hỏi mua một thứ gì đó và nhân viên đem ra sai món hàng. Thế là ta phản ứng hơi cáu kỉnh: “Thưa ông, tôi đã yêu cầu món này nhưng ông lại mang cho tôi một món khác. Ông không nhìn thấy tôi đang vội sao? Tôi không thể lãng phí thời gian của mình được!” Và thế là một cuộc cãi vã nhỏ xảy ra, một điều phật lòng nhỏ. Rõ ràng chúng ta cần phải thấu hiểu những gì đã xảy ra.

Khi về đến nhà, chúng ta phải ngay lập tức tập trung cao độ vào sự kiện đã xảy ra. Nếu tìm hiểu sâu hơn những động cơ bên dưới hành động của chúng ta, khiến ta la mắng người nhân viên hoặc người phục vụ đó chỉ vì họ đã không mang ra đúng thứ ta cần, chúng ta sẽ phát hiện ra sự tự cao của mình; tức là chúng ta tin rằng mình rất quan trọng. Rõ ràng, bên trong chúng ta có những cái gọi là “tự phụ”, “kiêu căng”, “cáu kỉnh”. Chúng ta thấy tính nóng vội trong đó. Thực ra thì có nhiều khiếm khuyết ở đây: thiếu kiên nhẫn là một khiếm khuyết, tự phụ là một khiếm khuyết khác; tính tự cao, tự cho rằng mình rất quan trọng, là một khiếm khuyết khác; kiêu căng, tự cho mình rất vĩ đại và xem thường người nhân viên đang phục vụ mình. Tất cả những khiếm khuyết này khiến cho chúng ta hành xử một cách thiếu hài hòa. Bằng cách này, chúng ta đã phát hiện ra nhiều cái Tôi cần phải được thấu hiểu và tan rã.

Cái Tôi của sự tự phụ cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, cần được hiểu triệt để và cần được phân tích. Cái Tôi của sự kiêu căng cũng phải được nghiên cứu kỹ lưỡng. Cái Tôi của sự tự cao cũng phải được nghiên cứu kỹ lưỡng. Cái Tôi của sự thiếu kiên nhẫn, cái Tôi của sự giận dữ, v.v., đều phải được nghiên cứu kỹ lưỡng. Đó là một nhóm những cái Tôi; mỗi cái Tôi cần được hiểu, nghiên cứu và phân tích một cách riêng biệt. Chúng ta phải hiểu rằng có một nhóm các cái Tôi ẩn trốn đằng sau sự kiện tưởng như nhỏ nhặt không đáng kể này. Những cái Tôi này tất nhiên đều đang hoạt động. Mỗi cái Tôi phải được nghiên cứu riêng rẽ bởi vì bên trong mỗi cái tôi này là Phật tính đang bị giam giữ, là Tâm thức đang bị mắc kẹt trong đó.

Do đó, những cái Tôi phải bị tan rã, hủy diệt và tiêu biến thành cát bụi vũ trụ.

Để làm tan rã những cái Tôi, chúng ta sẽ phải tập trung vào Đức Mẹ Thiêng Liêng Kundalini, nài xin Người, khẩn cầu Người làm tiêu tan chúng thành cát bụi. Nhưng trước tiên ta phải hiểu rõ khiếm khuyết ấy (giả sử là sự giận dữ), và khi đã hiểu được nó rồi, hãy khẩn cầu Đức Mẹ Kundalini loại bỏ nó. Sau đó, chúng ta xem xét đến cái Tôi của sự nóng vội. Cũng như thế, sau khi hiểu được nó, ta khẩn cầu Đức Mẹ loại bỏ khiếm khuyết đó. Rồi chúng ta xem xét và hiểu rõ cái Tôi của sự tự cao, ta tự hỏi,

“Vì sao ta lại cảm thấy bản thân mình quan trọng đến thế, nếu chúng ta không là gì hơn những con sâu khốn khổ trong bùn đất? Ta dựa vào cái gì mà tự cao? Tại sao ta tự cao như thế?”

Thật sự chẳng có cơ sở nào để chúng ta tự cao cả, vì chúng ta chẳng là gì. Mỗi người chúng ta chỉ là một con sâu thấp hèn trong bùn đất mà thôi. Chúng ta là gì trước sự vô tận, trước thiên hà mà chúng ta đang sống, trước hàng triệu hành tinh tồn tại trong không gian vô tận này? Vì sao chúng ta lại tự thấy mình quan trọng đến thế?

Như thế, bằng cách phân tích từng khiếm khuyết một, chúng ta hiểu rõ được chúng. Khiếm khuyết nào đã được hiểu rõ thì cần phải được loại bỏ với sự giúp đỡ của Đức Mẹ Kundalini. Rõ ràng chúng ta cần cầu xin Người, chúng ta sẽ phải khẩn cầu Người loại bỏ khiếm khuyết mà ta đang dần thấu hiểu. Trong mỗi hoàn cảnh đều có nhiều cái Tôi tham gia.

Chúng ta hãy xem xét một ví dụ khác, một cảnh tượng ghen tuông chẳng hạn. Rõ ràng đó là một trường hợp nghiêm trọng. Trong một cảnh ghen tuông cũng có nhiều cái Tôi xuất hiện. Nếu một người đàn ông thấy vợ mình đang nói thầm với một người đàn ông khác thì ông ta sẽ nghĩ, “Thế này là sao?” Có thể ông ta sẽ ghen. Thế ông ấy có cãi nhau với vợ mình không? Chắc là có. Nhưng nếu quan sát cảnh tượng đó, chúng ta sẽ thấy được trong đó có sự ghen tuông, giận dữ, tự ái. Có nhiều cái Tôi: cái Tôi của lòng tự ái cảm thấy tổn thương, rồi cái Tôi của sự ghen tuông được kích động. Còn sự tức giận thì sao? Cái đó cũng có.

Như vậy, bất kỳ cảnh tượng hay bất kỳ sự kiện nào đều là cơ sở để chúng ta khám phá bản thân mình. Trong bất kỳ trường hợp nào chúng ta đều có thể phát hiện ra nhiều cái Tôi ở bên trong, hẳn là thế, nhiều cái Tôi. Đây là lý do tại sao chúng ta cần phải tỉnh táo và cảnh giác giống như đang canh gác trong thời chiến.

Chúng ta phải luôn ở trong trạng thái nhận thức tỉnh táo và ý thức sắc sảo như thể đang ở trong một hoàn cảnh mới lạ. Nếu chúng ta không làm như vậy, Tâm thức sẽ mãi bị giam cầm trong các cấu trúc tâm lý ở bên trong, và sẽ không bao giờ thức tỉnh.

Chúng ta phải hiểu rằng mình đang ngủ mê. Nếu thực sự tỉnh thức, chúng ta sẽ có thể nhìn thấy, sờ được, và cảm nhận thực tại vĩ đại của các thế giới siêu việt. Nếu tỉnh thức thì chúng ta sẽ nhớ được các kiếp trước. Nếu tỉnh thức thì chúng ta sẽ nhìn thấy được bản chất đích thực của Trái Đất.

Hiện giờ, chúng ta đang không nhìn thấy bản chất đích thực của Trái Đất. Tuy nhiên, người Lemuria [1] đã từng nhìn được đúng bản chất của thế giới. Họ biết rằng mọi thứ trong thế giới đều có chín chiều không gian, hay là bảy nguyên tắc nền tảng. Do đó, họ nhìn thế giới một cách đa chiều. Họ nhìn thấy được Salamander [2] hay các tinh linh của lửa. Họ thấy các Undine hay Nereid trong nước. Họ thấy Sylph trong không khí, và trong đất họ nhìn thấy Gnome. Khi ngước mắt nhìn lên vũ trụ vô tận, họ có thể thấy loài người ở các hành tinh khác.

[1] Lemuria – Một trong các chủng tộc gốc.
[2] Salamander, Undine, Sylph, Gnome: Các Tinh Linh của thế giới tự nhiên. Xem thêm bài viết cụ thể tại đây.

Người xưa có thể nhìn thấy các hành tinh trong không gian theo một cách khác, bởi họ nhìn thấy hào quang của các hành tinh cũng như vị thần [3] ở mỗi hành tinh đó.

[3] Vị thần của hành tinh – mỗi hành tinh được một vị Thiên sứ, một vị Phật cai quản.

Tuy nhiên, khi Tâm thức của loài người bị mắc kẹt trong tất cả những cái Tôi, trong các cấu trúc tâm lý tạo nên “bản thân” hay “Ego”, thì Tâm thức ấy bị ngủ quên. Giờ đây Tâm thức ấy hoạt động trong trạng thái bị mắc kẹt vào cái Tôi. Vào thời kỳ Lemuria, bất kỳ ai cũng có thể nhìn thấy ít nhất là một nửa số Hooltanpanas [4]. Một Hooltanpanas tương ứng với năm triệu năm trăm nghìn tông màu.

[4] Hooltanpanas – Từ này xuất hiện một lần duy nhất ở chương 30 của tác phẩm “Beelzebub’s Tales to his Grandson” của G. I. Gurdjieff.

Khi Tâm thức bị giam hãm bên trong cái Tôi thì các giác quan bị thoái hóa. Đến thời kỳ Atlantis con người chỉ có thể nhận biết được một phần ba số màu sắc. Giờ đây, chúng ta chỉ còn nhận biết được bảy màu trong quang phổ Mặt Trời cộng với một vài tông màu khác.

Người Lemuria đã rất khác. Đối với họ, những ngọn núi có ý nghĩa tâm linh cao cả. Với họ, những dòng sông là cơ thể của các vị thần. Cả Trái Đất được họ xem như là một cơ thể sống vĩ đại. Họ là một giống người khác, rất khác.

Còn ngày nay, thật không may là nhân loại đã thoái hóa một cách thảm hại. Giờ đây nhân loại đang ở trong giai đoạn cuối. Nếu chúng ta không quan tâm đến việc khám phá bản thân, đến việc biết chính mình thì chúng ta sẽ tiếp tục với Tâm thức mê ngủ, bị mắc kẹt trong tất cả những cái Tôi bên trong mình.

Các nhà tâm lý học thường tin rằng chúng ta chỉ có một cái Tôi mà thôi. Trong Gnosis thì lại khác. Trong Gnosis, chúng ta biết rằng sự tức giận là một cái Tôi, tham lam là một cái Tôi khác, dục vọng, đố kị, kiêu hãnh, háu ăn, là những cái Tôi khác nhau, v.v.

Virgil, nhà thơ của Mantua và tác giả của “The Aeneid”, đã nói: “Ngay cả khi chúng ta có cả ngàn cái lưỡi để nói và có cái miệng bằng sắt thép, chúng ta vẫn không thể nào mô tả được những khiếm khuyết của mình, không thể liệt kê tường tận chúng được…” [5].

[5] The Aeneid, tập 6.

Có quá nhiều! Chúng ta sẽ tìm thấy những cái Tôi ấy ở đâu? Chỉ trong cuộc sống thực tế hàng ngày, chúng ta mới có thể khám phá bản thân mình được.

Bất kỳ một cảnh nào trên đường phố cũng đủ để ta thấy có bao nhiêu cái Tôi tham gia trong đó. Với bất kỳ cái Tôi nào tham gia, chúng ta cần hiểu rõ và làm tan rã nó. Chỉ bằng cách này, ta mới có thể giải phóng được Tâm thức. Chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể thức tỉnh được tâm thức.

Trước hết, chúng ta cần quan tâm đến việc thức tỉnh, bởi vì khi tiếp tục ngủ mê như thế này thì chúng ta có thể biết được gì về những bí ẩn của sự sống và cái chết? Chúng ta biết được gì về thực tại, về chân lý? Để hiểu rõ những bí ẩn về sự sống và cái chết, ta cần thiết phải thức tỉnh. Chỉ khi quyết tâm thì chúng ta mới có thể thức tỉnh. Tuy nhiên, nếu Tâm thức tiếp tục bị mắc kẹt giữa những cái Tôi đó thì ta không thể thức tỉnh được.

Chúng ta đang sống trong một cơ chế vô thức khá phức tạp. Cuộc sống đã trở nên vô thức đến tận sâu thẳm, hoàn toàn vô thức. Luật Tái diễn thật khủng khiếp, mọi thứ cứ lặp đi lặp lại. Cuộc sống có thể được ví như một cái bánh xe luân hồi: những sự kiện cứ lặp đi lặp lại, luôn luôn tái hiện. Thực sự, không bao giờ có một giải pháp cuối cùng nào cho các vấn đề cả. Mọi người đều có những vấn đề ở bên trong, nhưng giải pháp cuối cùng không thực sự tồn tại. Và nếu như có một giải pháp cuối cùng cho những vấn đề mà người ta gặp trong cuộc sống thì điều đó có nghĩa là cuộc sống không còn là cuộc sống nữa, mà là cái chết. Thế nên chúng ta không thể tìm được một giải pháp cuối cùng.

Bánh xe luân hồi.

Bánh xe cuộc sống cứ xoay vòng, luôn lặp lại cùng những sự kiện, chúng có thay đổi hình dạng ít nhiều, ở mức độ cao hoặc thấp hơn, nhưng luôn lặp lại. Tìm đến giải pháp cuối cùng hoặc ngăn chặn những sự kiện hay hoàn cảnh đó tiếp tục diễn ra, là hoàn toàn không thể.

Do đó, điều duy nhất chúng ta cần biết là cách phản ứng trước những hoàn cảnh khác nhau trong cuộc sống. Nếu chúng ta cứ luôn phản ứng theo một cách giống nhau, nếu ta luôn phản ứng lại bằng bạo lực, nếu ta luôn phản ứng lại bằng dục vọng, nếu ta luôn phản ứng lại một cách tham lam trước những sự kiện lặp đi lặp lại trong những kiếp sống của mình, thì chúng ta sẽ không bao giờ thay đổi

Những sự kiện hôm nay các bạn đang trải qua, các bạn cũng đã trải qua trong kiếp trước. Có nghĩa là, ví dụ, nếu bây giờ các bạn đang ngồi lắng nghe thầy, thì trong một kiếp trước các bạn cũng đã ngồi lắng nghe thầy. Có lẽ không phải ở ngay đây, trong ngôi nhà này, nhưng là ở một nơi nào đó trong thành phố này. Cũng như thế, không chỉ trong kiếp trước mà trong một số kiếp trước xa xưa, các bạn cũng đã ngồi lắng nghe thầy và thầy đã giảng cho các bạn. Nói cách khác, bánh xe cuộc sống này luôn xoay vòng, các sự kiện cứ diễn ra và chúng luôn giống nhau. Vì vậy chúng ta không thể ngăn việc các sự kiện lặp lại lần nữa. Điều duy nhất ta có thể làm là thay đổi thái độ của mình đối với những sự kiện ấy.

Nếu chúng ta học được cách không phản ứng lại với tác động từ thế giới bên ngoài, nếu ta học được cách bình tĩnh và thanh thản, thì hẳn nhiên ta sẽ tránh được hoặc ngăn cản không cho các sự kiện gây ra cùng một kết quả xảy đến với chúng ta nữa.

Ví dụ: thầy vừa nói với anh học trò Gnosis, bác sĩ H.D., về một sự kiện mà thầy đã viết trong quyển sách “Bí mật của Bông Hoa Vàng”.

Thầy với bác sĩ H. D. đã nói về một kiếp trước, trong đó tên thầy là Juan Conrado. Thầy là lãnh chúa thứ ba của tỉnh Granada ở Tây Ban Nha thời xưa, trong thời kỳ của Tòa thẩm giáo, khi mà viên Đại Pháp quan Torquemada đã gây tai ách trên khắp châu Âu: ông ta bắt giữ nhiều người, trói người ta vào cột và thiêu sống [6].

[6] Trói vào cột và thiêu sống – đó là hình phạt ở châu Âu ngày xưa dành cho những người không chấp nhận quyền lực và giáo lý của nhà thờ Công giáo.

Avvakum bởi Pyotr Yevgenyevich Myasoyedov

Thầy đã đến gặp viên Pháp quan Torquemada để yêu cầu khiển trách một người theo luật Công giáo. Người này là một vị Bá tước thường xuyên buông lời miệt thị chế nhạo thầy. Lúc đó thầy là một vị “Bồ Tát sa ngã”, không phải một con cừu non hiền lành. Cái Tôi của thầy cũng đã được khôi phục, nhưng thầy đã muốn tránh một cuộc đấu tay đôi mới, không phải vì sợ mà vì đã mệt mỏi với quá nhiều cuộc đấu, bởi vì khi ấy thầy nổi danh là một kiếm sĩ cừ khôi.

Thầy đến trước cổng cung điện của Tòa thẩm giáo từ sáng sớm. Ở đó, một thầy dòng, “thầy tu xanh”, đã mở cổng và nói với thầy: “Thật là một phép lạ khi thấy ngài ở đây, ngài Hầu tước”.

Tomas de Torquemada.

“Xin cảm ơn cha rất nhiều”, thầy nói, “Tôi đến để xin yết kiến ngài Đại Pháp quan, ngài Tomas de Torquemada”.

Ông ấy nói: “Không được! Hôm nay ngài ấy có rất nhiều khách. Tuy nhiên, tôi sẽ cố gắng sắp xếp để ngài có thể gặp ngài ấy”.

“Cảm ơn cha rất nhiều, thưa cha”, thầy nói một cách tự nhiên, thích ứng với tất cả các tục lệ của thời đó. Người ta thực sự phải thích nghi, nếu không họ sẽ chuốc vạ vào thân.

Ngay lập tức người tu sĩ biến mất như thể có phép màu, và thầy kiên nhẫn đợi ông ta quay lại. Cuối cùng ông ấy cũng quay lại, nói với thầy: “Cuộc tiếp kiến đã được sắp xếp, thưa ngài Hầu tước. Ngài có thể vào trong”. Thầy đi vào, qua một sân trong và tiến vào một đại sảnh tối tăm. Thầy đi qua một sảnh khác cũng tối đen và cuối cùng đến một sảnh thứ ba, nơi này được thắp sáng bởi một ngọn đèn đặt trên một chiếc bàn. Ngồi ở bàn là viên Phán quan, Don Tomás de Torquemada. Chính là viên Đại Phán quan (một kẻ tàn bạo)! Trên ngực ông ta đeo một cây thánh giá lớn. Ông ta dường như đang ở trong trạng thái rất thánh thiện với hai tay đặt trên ngực.

Thầy chào ông ấy với tất cả nghi thức của thời cổ đại. Sau đó ông ấy nói, “Hãy ngồi xuống nào, ngài Hầu tước. Điều gì đã mang ngài đến đây?”

Thầy nói, “Tôi đến đây để yêu cầu ngài đưa ra lời khiển trách của luật Công giáo cho ngài Bá tước gì-gì-đó (với họ tên dài đến năm vạn từ). Anh ta tuôn ra những lời châm biếm, chế nhạo tôi, mà tôi không hề mong có một cuộc đấu tay đôi nào khác. Tôi muốn tránh việc đấu tay đôi”.

Ông ta trả lời, “Ồ, đừng lo lắng, ngài Hầu tước. Chúng tôi đã nhận nhiều lời phàn nàn về vị Bá tước ấy ở tòa Thẩm giáo này rồi. Chúng tôi sẽ bắt hắn ta và đưa hắn đến Tháp Tử Đạo. Chúng tôi sẽ thiêu đốt bàn chân hắn trên than hồng, để hành hạ hắn. Chúng tôi sẽ lột móng tay và rót chì nóng chảy lên đầu ngón tay hắn. Chúng tôi sẽ tra tấn hắn, và giải hắn đến quảng trường công cộng, trói lại vào cột và thiêu sống”.

Chà, thầy đã không nghĩ xa đến vậy, thầy chỉ đến đó để yêu cầu một lời khiển trách của luật Công giáo. Tất nhiên thầy cảm thấy bối rối khi nghe Torquemada nói vậy với hai tay đặt trên ngực trong một vẻ thánh thiện. Điều đó làm thầy thấy kinh hoàng. Thầy không nén được sự bất bình, và đã nói với ông ta:

“Ngài là một kẻ tai ác. Tôi không đến đây để yêu cầu ngài thiêu sống ai, cũng không yêu cầu ngài tra tấn ai cả. Tôi chỉ đến để đề nghị ngài đưa ra lời khiển trách, và chỉ thế thôi. Giờ đây ngài đã hiểu vì sao tôi không đồng tình với giáo phái của ngài!”

Cuối cùng, thầy thốt ra nhiều lời khác tương tự, hét lên nhiều lời buộc tội (mà bây giờ thầy không nhắc lại) bằng một ngôn ngữ hơi ngạo mạn, chừng đó là quá đủ lý do để viên Phán quan cấp cao ấy của tòa Thẩm giáo lên tiếng: “Chúng ta có gì ở đây nào, ngài Hầu tước?”

Ông ta rung chuông và một nhóm hiệp sĩ với vũ trang đầy đủ “tận răng” xuất hiện.

Hiệp sĩ của Tòa Thánh đứng dậy, anh ta đứng dậy một cách lịch lãm và ra lệnh cho các hiệp sĩ: “Bắt giữ người này lại!”

“Đợi đã, quý ngài”, thầy nói với họ, “hãy nhớ các quy tắc của hiệp sĩ!”. Bởi vì vào thời đó các quy tắc hiệp sĩ được xem là rất đáng trọng, và chúng được tôn trọng trên toàn thế giới. “Hãy cho ta một thanh kiếm”, thầy nói theo lối của người Tây Ban Nha, dĩ nhiên, vì thầy đang ở giữa vòng vây của những người Tây Ban Nha, “và ta sẽ đấu với từng người một!” [7].

[7] Nói theo lối của người Tây Ban Nha – thầy Samael là người Colombia và thầy giảng bài này cho học trò ở Mexico. Ở đây thầy đang giải thích vì sao thầy nói theo ngữ pháp của Tây Ban Nha khi kể chuyện này.

Lúc đó thì chính thầy là một người Tây Ban Nha. Thầy đã tái sinh vào giữa thời Trung cổ, đúng cùng thời với Torquemada. Một hiệp sĩ đưa cho thầy một thanh kiếm và thầy nhận lấy nó. Sau đó anh ta lùi lại một bước, nói “Bảo trọng!”.

Thầy đáp lời: “Ta luôn như vậy!”.

Thế là thầy và anh ta chiến đấu mãnh liệt. Chỉ có tiếng lưỡi kiếm chém vào nhau, dường như có cả tia lửa bắn ra khi hai thanh kiếm chạm vào nhau. Người hiệp sĩ đó đấu kiếm rất giỏi, anh ta sử dụng vũ khí vô cùng điêu luyện. Thầy cũng không phải một con cừu non, tất nhiên! Nhìn chung thì trận đấu vô cùng ác liệt. Thầy đã chỉ cần đâm mạnh một nhát để giành chiến thắng. Tuy nhiên, những người đang quan sát trận đấu nhận rằng ra đồng đội của mình đang đi thẳng xuống mồ. Dĩ nhiên, bọn họ đã xông vào cùng tấn công thầy với một cơn thịnh nộ khủng khiếp, và họ rất đông người.

Thầy đã dùng hết sức để tự vệ. Thầy nhảy lên bàn, dùng đồ đạc làm khiên chắn. Dù sao, thầy đã nỗ lực phi thường để sống sót và tự vệ. Nhưng rồi đến một lúc cánh tay phải của thầy đã mỏi, thầy không thể chịu được sức nặng của thanh kiếm nữa, và thầy đã nói: “Các ngài đã thắng, bởi vì các ngài đã cùng tấn công tôi, đó không phải là tinh thần hiệp sĩ. Nếu các ngài muốn thanh kiếm, nó đây”.

Viên Đại Phán quan nói: “Trói lên cây cột!”. Cuối cùng, họ đã thiêu sống thầy một cách dễ dàng. Ở đó họ có một ít củi đặt dưới chân một cọc thép. Họ đã xích thầy vào cái cọc đó, châm lửa vào củi, và sau vài giây thầy đã bị thiêu như một ấm trà bị đun trên bếp. Thầy cảm thấy da thịt rất đau đớn, thầy đã nhìn thấy thân xác của mình bị đốt cháy cho đến khi mọi thứ tiêu biến thành tro bụi. Thầy đã muốn (chủ động) bước ra một bước để nhìn xem điều gì xảy ra, nhưng thực tế là, trước khi kịp bước ra thầy đã cảm thấy cơn đau tột cùng ấy biến thành niềm hạnh phúc. Thầy đã hiểu rằng ở ngoài nỗi đau, vượt xa nỗi đau, là niềm hạnh phúc.

Thầy hiểu rằng nỗi đau đớn của con người, dù lớn đến đâu chăng nữa thì rồi cũng có giới hạn. Một cơn mưa lành bắt đầu rơi xuống đầu thầy. Thầy cảm thấy nhẹ nhõm, thầy tiến một bước và thấy rằng mình có thể tiến thêm bước nữa. Dần dần, thầy bước chậm rãi, chậm rãi rời khỏi cung điện đó, bởi vì thầy đã thoát khỏi thân xác. Cái thân xác đó đã tàn lụi trong đống lửa của tòa Thẩm giáo.

Ngày nay, ví dụ nếu một sự kiện như vậy lặp lại trong cuộc sống của thầy, thầy chắc chắn rằng mình sẽ không bị thiêu sống, bị hành quyết, hay bất kỳ cái gì giống vậy nữa. Tại sao? Bởi vì khi thầy không còn những cái Tôi của sự tức giận, sự nóng vội, thầy sẽ lắng nghe viên Phán quan một cách bình tĩnh, thản nhiên. Thầy sẽ hiểu được trạng thái của ông ta. Thầy sẽ hoàn toàn im lặng và không có bất kỳ phản ứng nào. Kết quả là sẽ không có chuyện gì xảy ra, rõ ràng là như vậy. Thầy đã có thể ra về trong yên bình và không gặp vấn đề gì cả.

Thế nên thực sự là các vấn đề đều do cái Tôi tạo nên. Nếu trong tình cảnh đó thầy đã không phản ứng chống lại “tòa thánh” (như cách họ đã gọi), không chống lại tòa thẩm giáo, các “tu sĩ xanh”, v.v., thì rõ ràng thầy đã không phải lìa khỏi thân xác đó.

Nói vậy không có nghĩa là thầy hèn nhát, nhưng đơn giản là thầy sẽ bình an vô sự. Sau đó thầy sẽ quay lưng bỏ đi mà không gặp vấn đề gì cả. Chỉ còn một điểm để thảo luận: vị bá tước nọ sẽ có thể bị bắt giữ và thiêu sống, và đó có thể là lỗi của thầy, đúng không? [Khi không có cái Tôi thì] thầy sẽ có đủ dũng khí để đến báo tin đó cho vị bá tước mặc dù anh ta có thể vẫn nổi giận dữ dội với thầy, và thầy có thể đã cứu được mạng anh ta. Có thể anh ta thậm chí sẽ thấy biết ơn. Nghĩa là, những tình huống tai họa như vậy đã có thể không xảy ra nếu như cái Tôi đã bị làm tan rã. Thật không may, [khi đó] cái Tôi của thầy vô cùng phát triển, và đó là những vấn đề do cái Tôi tạo ra.

Khi một người không có cái Tôi thì những vấn đề đó sẽ không xảy ra. Các hoàn cảnh có thể lặp lại, nhưng những vấn đề đó sẽ không xảy đến, chúng không diễn ra nữa. Các sự kiện có thể tái diễn, đó là thực tế phũ phàng, nhưng chúng ta chỉ cần thay đổi thái độ của mình trước những sự kiện đó. Nếu chúng ta có thái độ tiêu cực thì chúng ta sẽ tạo ra những vấn đề vô cùng nghiêm trọng, rõ ràng là như thế.

Chúng ta cần thay đổi thái độ của mình trong cuộc sống. Tuy nhiên, một người không thể thay đổi thái độ đối với cuộc sống nếu họ không loại bỏ những “yếu tố có hại” trong tâm.

Sân hận chẳng hạn. Một cơn giận mang lại bao nhiêu rắc rối cho các bạn? Dục vọng mang lại bao nhiêu rắc rối cho các bạn? Ghen tuông tồi tệ như thế nào? Đố kỵ mang lại cho các bạn bao nhiêu phiền phức?
Một người phải thay đổi thái độ của họ trước các hoàn cảnh trong cuộc sống. Những hoàn cảnh ấy luôn lặp lại, dù có chúng ta hay không thì chúng vẫn luôn lặp lại.

Điều quan trọng là một người phải thay đổi thái độ của mình trước các hoàn cảnh trong cuộc sống. Nghĩa là, chúng ta cần biết chính mình một cách sâu sắc. Nếu biết chính mình thì chúng ta sẽ phát hiện được những sai lầm của mình; khi phát hiện ra, ta sẽ loại bỏ được những sai lầm đó; khi loại bỏ được chúng, ta sẽ “thức tỉnh”; và rồi khi “thức tỉnh”, chúng ta sẽ biết được những bí ẩn của sự sống và cái chết. Chúng ta sẽ có thể trải nghiệm chân lý, thứ không thuộc về thời gian.

Tuy nhiên, khi chúng ta vẫn tiếp tục sống với tâm thức bị mắc kẹt bên trong cái Tôi, giữa những cái Tôi, thì hiển nhiên ta sẽ không biết được gì về những bí ẩn của sự sống và cái chết, chúng ta sẽ không thể trải nghiệm sự thật, chúng ta vẫn sẽ sống trong vô minh. Vì thế, việc cấp thiết là tuân theo câu châm ngôn của Thales xứ Miletus, “Nosce te ipsum…”: “Hỡi con người, hãy biết chính mình và rồi ngươi sẽ biết được vũ trụ và các vị thần”.

Mọi định luật của thiên nhiên đều nằm ngay trong chính chúng ta. Nếu không khám phá được các định luật này ngay trong bản thân mình thì chúng ta cũng chẳng thể nào khám phá được chúng ở bên ngoài. Vì vậy, vũ trụ ở ngay bên trong mỗi người: “Vũ trụ chứa đựng con người, và con người chứa đựng cả vũ trụ”.

Nếu chúng ta khám phá ra được vũ trụ ngay ở trong bản thân mình, tức là ta cũng đã khám phá được vũ trụ thực sự. Nhưng nếu chúng ta không khám phá được nó ngay ở trong chính mình thì ta cũng sẽ chẳng thể khám phá được nó ở bên ngoài, điều đó là hiển nhiên.

Chúng ta đều có những khả năng phi thường, nhưng trước hết phải bắt đầu từ quy tắc “Nosce Te Ipsum…”. “Hỡi con người, hãy biết chính mình và rồi ngươi sẽ biết được cả vũ trụ và các vị thần”.

Ví dụ, tính cách giả là một trở ngại cho hạnh phúc chân chính. Mỗi con người đều có một tính cách giả hình thành từ sự tự mãn, tự ái, kiêu ngạo, sợ hãi, ích kỉ, tức giận, tự cao, tự đa cảm, v.v. Tính cách giả quả là một vấn đề, bởi vì nó bị chi phối bởi mọi cái Tôi kể trên. Chừng nào một người còn giữ tính cách giả thì người đó sẽ không thể nào biết đến hạnh phúc chân chính. Làm sao mà họ biết được? Nếu một người muốn được hạnh phúc, và tất cả chúng ta đều có quyền được hạnh phúc, người đó phải bắt đầu từ việc loại bỏ tính cách giả. Tuy nhiên, để loại bỏ tính cách giả, người đó phải loại bỏ những cái Tôi đặc trưng của nó (những cái Tôi mà thầy vừa liệt kê). Một khi những cái Tôi ấy được loại bỏ thì mọi thứ sẽ thay đổi.

Khi chúng ta tạo ra một trọng tâm cố định trong tâm thức của mình, thì ta sẽ đạt đến một trạng thái hạnh phúc phi thường. Nhưng chừng nào mà tính cách giả còn tồn tại thì ta không thể có hạnh phúc. Chúng ta phải xem xét tất cả những điều đó, nếu ta thực sự mong muốn, một ngày nào đó, được hạnh phúc.

Không nghi ngờ gì, điều quan trọng nhất trong cuộc sống thực tiễn chính là việc tạo ra, hoặc như thầy nói là kết tinh, cái được gọi là “tâm hồn” trong tính cách con người. “tâm hồn” có nghĩa là gì? Nó là tập hợp của tất cả sức mạnh, năng lực, đức hạnh, khả năng, v.v. của Bản thể. Ví dụ, nếu một người loại bỏ được khiếm khuyết hoặc cái Tôi của sự tức giận, thì đức tính điềm tĩnh sẽ kết tinh và thế chỗ của cái Tôi ấy. Nếu một người loại bỏ được khiếm khuyết của sự ích kỉ, đức hạnh vị tha diệu kỳ sẽ kết tinh trong họ. Nếu một người loại bỏ được khiếm khuyết của dục vọng, thì thay vào đó đức hạnh khiết tịnh phi thường sẽ kết tinh trong Tâm hồn của họ. Nếu một người loại bỏ sự thù hận ra khỏi bản tính của mình, thì thay vào đó tình yêu sẽ kết tinh trong tính cách của người ấy. Nếu một người loại bỏ khuyết điểm của sự đố kị, ví dụ vậy, thì trong tính cách của họ sẽ kết tinh lòng bác ái, niềm vui vì lợi ích của người khác, v.v.

Vì vậy, chúng ta phải hiểu sự cần thiết của việc loại bỏ các yếu tố không mong muốn trong tâm, để thứ được gọi là “tâm hồn” (là tổng thể của những năng lực, thuộc tính, đức hạnh, những siêu năng lực vũ trụ v.v.) có thể kết tinh trong con người chúng ta.

Tuy nhiên, thầy phải nói rằng [quá trình kết tinh tâm hồn] không phải là một cơ chế thuần lý trí. Lý trí chỉ hữu ích khi nó phục vụ cho tâm linh, nhưng lý trí không phải là yếu tố duy nhất [để kết tinh tâm hồn]. Không nghi ngờ gì nữa, nếu thực sự muốn kết tinh tâm hồn ở bên trong thì chúng ta phải trải qua những cuộc “khủng hoảng cảm xúc” lớn. Nếu nước không được đun lên đến một trăm độ thì sẽ không thể kết tinh được những gì cần kết tinh, và không thể loại bỏ được những gì cần loại bỏ. Tương tự, nếu chúng ta không trải qua những cuộc khủng hoảng cảm xúc nghiêm trọng thì thứ được gọi là “tâm hồn” sẽ không được kết tinh ở bên trong, và những gì cần loại bỏ trong chúng ta sẽ không thể được loại bỏ.

Thế nên [tâm hồn] là như vậy, và đã luôn là như vậy. Khi tâm hồn đã được kết tinh hoàn toàn thì ngay cả thể xác cũng sẽ trở thành tâm hồn. Chúa Giêsu xứ Nazareth, Kabir vĩ đại, đã nói rõ về điều này: “Nhờ kiên trì các con sẽ giành được tâm hồn mình” [8]. Người ta không sở hữu tâm hồn của mình, mà tâm hồn sở hữu họ. Tâm hồn của mỗi người khổ sở vì phải mang một gánh nặng quá lớn: đó là “con người”.

[8] Các con sẽ giành được tâm hồn mình (Lu-ca 21:19, Kinh Thánh)

Giành được tâm hồn là một việc rất khó khăn, có lời chép rằng “Nhờ kiên trì các con sẽ giành được tâm hồn mình”. Có những cái Tôi rất khó được loại bỏ, những khiếm khuyết kinh khủng, những cái Tôi liên quan đến luật Nhân quả. Khi đến điểm này [trong quá trình rèn luyện], dường như chúng ta không thể đi tiếp được nữa, trong khi rõ ràng là ta đang có tiến bộ. Nhưng với sự kiên nhẫn vô hạn, cuối cùng chúng ta sẽ loại bỏ được những cái Tôi đó. Kiên trì và điềm tĩnh là hai khả năng phi thường, là những đức tính tuyệt vời và cần thiết để chúng ta tiến bước trên con đường chuyển hóa triệt để này. Trong quyển sách “The Three Mountains” (Ba ngọn núi), thầy đã nói cụ thể về vấn đề của sự kiên trì và điềm tĩnh.

Một ngày nọ, khi đang ở trong một tu viện, một nhóm đạo hữu sốt ruột chờ đợi thầy trụ trì, vị Đại tư tế. Tuy nhiên vị này đến muộn, và nhiều giờ trôi qua vị ấy vẫn chưa đến, mọi người đều lo lắng. Trong nhóm đó có một số vị đạo sư rất đáng kính, nhưng họ vô cùng sốt ruột. Thế là họ đi loanh quanh trong phòng, đi tới đi lui, vuốt tóc, gãi đầu, vuốt râu, rất sốt ruột.

Thầy thì vẫn bình thản, kiên nhẫn chờ đợi; chỉ là những người sốt ruột này làm thầy tò mò, chứ thầy vẫn bình tĩnh. Cuối cùng, sau nhiều giờ thì vị thầy cũng xuất hiện và nói với tất cả mọi người: “Anh em thiếu hai đức tính mà người này có” và chỉ vào thầy. Sau đó vị ấy hướng vào thầy và nói: “Hãy nói đi, người anh em, hai đức tính đó là gì?” Thế là thầy đứng dậy và nói: “Ta phải biết kiên nhẫn, ta phải biết điềm tĩnh”.

Tất cả mọi người đều bối rối. Ngay lập tức, vị thầy mang ra một quả cam (biểu tượng của hy vọng), đưa nó cho thầy và chấp thuận cho thầy đi tiếp ngọn núi thứ hai, đó là ngọn núi của phục sinh. Còn những người khác, những người thiếu kiên nhẫn, đều đã bị hoãn lại. [9]

[9] Ở đây thầy đang nói về một thử thách điểm đạo trên cõi siêu việt. Con đường điểm đạo bao gồm ba giai đoạn chính, được gọi là “ba ngọn núi”. Vị thầy trụ trì đó đã thử thách các học trò để xem họ đã sẵn sàng cho giai đoạn ngọn núi thứ hai chưa. Những người chưa sẵn sàng phải tiếp tục rèn luyện ở ngọn núi thứ nhất và “thi lại” ở một dịp khác. Câu chuyện này diễn ra trong lúc thầy đang ngủ, thầy xuất hồn, rồi lên tu viện đó để học pháp.

Video này giải thích về ba ngọn núi

Sau đó thầy đã được gọi đến một tu viện khác để ký một số giấy tờ cần thiết, và thầy đã kí. Rồi ở đó thầy được trao cho một số chỉ dẫn huyền học, và thầy được nhận vào học tập ở ngọn núi thứ hai. Còn những người đạo hữu kia, tại thời điểm này họ vẫn đang vật lộn để đạt được tính kiên trì và điềm tĩnh, bởi vì họ không có hai thứ ấy.

Các bạn đã thấy việc kiên nhẫn và điềm tĩnh quan trọng như thế nào. Vì vậy, khi một người luyện tập để làm tan rã một cái Tôi và không thể làm được vì cái Tôi đó rất khó (bởi vì có những cái Tôi như thế, nó liên quan đến nghiệp quả), thì điều duy nhất họ có thể làm là tăng trưởng tính kiên nhẫn và điềm tĩnh cho đến khi thành công.

Nhưng nhiều người thiếu kiên nhẫn, họ muốn loại bỏ một cái Tôi nào đó ngay lập tức mà không chịu “trả giá” tương xứng, thế thật vô lý. Trong việc rèn luyện bản thân, ta cần tăng trưởng tính kiên nhẫn và điềm tĩnh đến vô tận. Người nào không biết kiên nhẫn, người nào không biết điềm tĩnh, thì người đó sẽ thất bại trên con đường huyền học.

Hãy tự quan sát mình trong cuộc sống thực tế: Các bạn có nóng vội không? Hãy tự quan sát xem các bạn có biết cách giữ bình tĩnh ngay tại thời điểm này không? Nếu các bạn không có hai đức tính quý báu đó, bạn phải rèn luyện để có được chúng. Bằng cách nào? Bằng cách loại bỏ những cái Tôi của sự nóng vội, rồi loại bỏ cái Tôi của sự thiếu điềm tĩnh, của sự tức giận (chính cái Tôi của tức giận là thứ làm cho ta mất bình tĩnh).

Về lâu dài, chúng ta đang tìm kiếm điều gì với tất cả công việc rèn luyện này? Sự thay đổi, nhưng phải là thay đổi hoàn toàn. Bởi không nghi ngờ gì rằng với tình trạng như hiện nay, điều duy nhất chúng ta làm là mang đến đau khổ và cay đắng cho cuộc sống mà thôi.

Bất kỳ ai cũng có thể khiến cho chúng ta đau khổ, chỉ cần chạm nhẹ vào trái tim là ta đã đau khổ được rồi. Ai đó nói một lời khó nghe là ta đau khổ. Ai đó vỗ vai và nói một vài lời ngọt ngào là ta vui mừng. Chúng ta yếu đuối như thế đấy. Các cơ chế tâm lý của chúng ta đều bị phụ thuộc [vào các yếu tố bên ngoài]. Nói đúng hơn là chúng ta không có khả năng kiểm soát các cơ chế tâm lý, mà bất kỳ ai cũng có thể chế ngự tâm trí chúng ta. Các bạn có muốn thấy một người tức giận? Chỉ cần nói một lời khó nghe với họ và bạn sẽ thấy họ tức giận. Và nếu các bạn muốn thấy người ta hạnh phúc, hãy vỗ vai họ nói vài lời ngọt ngào và họ sẽ thay đổi ngay, họ sẽ hạnh phúc ngay. Thật dễ, đúng không? Bất kỳ người nào cũng chơi đùa được với tâm lý của người khác. Những sinh vật này thật yếu ớt làm sao!

Vì vậy, chúng ta cần thay đổi, chúng ta cần loại bỏ tất cả những điểm yếu của mình. Kể cả “danh tính cá nhân” của ta cũng phải biến mất. Điều này có nghĩa là chúng ta phải thay đổi thật triệt để, đến mức danh tính cá nhân của riêng ta (“Tôi là người này người nọ” v.v.) cũng phải mất đi. Đến một ngày ta sẽ thấy rằng mình không còn danh tính cá nhân nữa. Điều này có nghĩa là chúng ta sẽ trở thành một cái gì đó khác, rất khác và hiển nhiên là ngay cả danh tính cá nhân cũng phải biến mất. Chúng ta phải trở thành những sinh vật khác, những sinh vật hạnh phúc, những sinh vật phúc lành. Chúng ta có quyền được hạnh phúc.

Nhưng nếu không nỗ lực thì làm sao chúng thay đổi được, thay đổi bằng cách nào? Đây là chuyện nghiêm túc. Điều quan trọng nhất là không được đồng nhất chính mình với những hoàn cảnh trong cuộc sống. Cuộc đời giống như một bộ phim, và nó thực sự là một bộ phim có mở đầu và có kết thúc. Các cảnh được chiếu lên màn hình của tâm trí. Sai lầm nghiêm trọng nhất của chúng ta là đồng hóa mình với những cảnh đó. Tại sao vậy? Bởi vì những cảnh ấy sẽ qua đi, đơn giản vì chúng đều qua đi. Chúng là những cảnh trong một bộ phim vĩ đại nhưng cuối cùng thì chúng cũng sẽ qua đi.

May mắn thay, trên con đường đời của mình, thầy đã luôn đặt ra một phương châm là: không được đồng nhất mình với những hoàn cảnh sống. Thầy nhớ đến thời ấu thơ của mình: Khi cha mẹ trần thế của thầy ly hôn, thầy và các anh em trong gia đình đông đúc của mình đã phải chịu nhiều khổ sở.

[Sau khi gia đình bị chia rẽ thì] anh em thầy đã sống với “ông sếp” của gia đình và ông ấy cấm các con đến thăm “bà sếp”, nghĩa là người mẹ trần thế của thầy. Tuy nhiên, anh em thầy không vô ơn đến mức có thể quên đi “bà sếp” như thế. Thầy thường trốn khỏi nhà cùng với một đứa em, hai đứa đến thăm mẹ rồi sau đó quay về nhà, nhà của “ông sếp”. Nhưng em trai thầy đã chịu khổ rất nhiều, bởi vì khi quay về thì nó đã mệt mỏi, bởi vì nó còn rất nhỏ. Thế là thầy phải cõng nó trên lưng (nó bé nhỏ làm sao!), và nó khóc lóc một cách cay đắng, nói: “Giờ nếu chúng ta về nhà, ‘ông sếp’ sẽ quật cho chúng ta vài roi mất.”

Thầy đã trả lời nó rằng: “Nhóc con, tại sao lại khóc? Mọi thứ đều trôi qua, hãy nhớ rằng mọi thứ rồi sẽ trôi qua”. Khi về đến nhà, tất nhiên, ông bố đang chờ hai đứa, đầy bực tức, và ông ấy đánh đòn hai anh em. Sau đó, hai đưa về phòng đi ngủ. Nhưng khi lên giường ngủ, thầy nói với cậu em: “Em có thấy không? Việc đó đã qua rồi. Em đã tin rằng mọi thứ đều sẽ trôi qua chưa? Điều đó đã qua rồi, tất cả đều trôi qua”. Một ngày nọ, “ông sếp” của bọn thầy đã nghe được khi thầy nói với cậu em rằng “Tất cả đều trôi qua, điều đó đã trôi qua rồi”, và dĩ nhiên phải nói là bố đã khá tức giận, ông ấy lại vung cây roi trong tay lên và xông vào phòng ngủ của bọn thầy, nói: “Cái gì sẽ trôi qua cơ? Bọn mất dạy!”…

Thế là hai đứa lại hứng thêm một trận đòn khủng khiếp hơn nữa, sau đó “ông sếp” rút lui (dường như ông ấy đã bình tĩnh hơn sau khi đánh bọn thầy). Khi ông ấy đã đi khỏi, thầy nhỏ giọng hơn nói với cậu em: “Em có để ý không? Chuyện đó cũng đã trôi qua rồi”.

Có nghĩa là, thầy không bao giờ đồng nhất mình với những cảnh đó. Thầy đã giữ điều này như một phương châm trong cuộc sống, là không bao giờ đồng nhất mình với những hoàn cảnh, sự kiện, sự việc, vì thầy biết rằng những cảnh đó sẽ trôi qua.

Người ta có bao nhiêu mối lo về một vấn đề lớn mà họ không tìm được cách giải quyết, và rồi chuyện đó cũng trôi qua và một cảnh hoàn toàn khác lại đến. Thế thì tại sao lại phải lo lắng khi nó sẽ phải trôi qua? Chúng ta lo lắng về cái gì?

Khi đồng nhất mình với các sự kiện trong cuộc sống thì một người sẽ mắc nhiều sai lầm. Nếu một người đồng nhất bản thân với một cốc rượu mà đám bạn sâu rượu mang đến thì họ sẽ say. Nếu trong một khoảnh khắc, một người đồng nhất mình với một người khác giới thì họ sẽ tà dâm. Và nếu một người đồng nhất mình với lời lẽ của một kẻ đang lăng mạ xúc phạm họ thì họ sẽ cảm thấy bị xúc phạm.

Các bạn thấy có đúng không khi chúng ta, những người có vẻ nghiêm túc, lại xúc phạm lẫn nhau? Các bạn có nghĩ thế có ổn không? Nếu một người đồng nhất bản thân với một cảnh tượng, ví dụ một cảnh khóc lóc ủy mị trong đó mọi người đều đang khóc than cay đắng, thì người ấy rồi cũng sẽ khóc hết nước mắt. Các bạn có nghĩ rằng như thế là đúng không, rằng người khác làm chúng ta khóc như vậy chỉ vì họ muốn như thế?

Điều thầy đang nói với các bạn là vô cùng quan trọng, nếu như các bạn muốn khám phá bản thân mình. Điều này quan trọng bởi vì nếu các bạn hoàn toàn đồng nhất mình với một cảnh tượng thì nó có nghĩa là bạn đã quên mất chính mình, bạn đã quên công trình rèn luyện của mình, bạn đang hoàn toàn phí phạm thời gian của bạn. Người ta hoàn toàn quên mất bản thân mình, rồi họ sẽ quên cả Bản thể nội tâm sâu thẳm của mình, chính bởi vì họ đồng nhất mình với các hoàn cảnh.

Thông thường, mọi người ở trong trạng thái ngủ mê là do họ đồng nhất mình với các hoàn cảnh xung quanh, và mỗi người đều có “bài ca tâm lý” của riêng mình, như thầy đã nói ở trong cuốn “Tâm lý học cho sự chuyển hóa triệt để” [10].

[10] Bài ca tâm lý – Hãy tham khảo Chương 24 của sách Tâm lý học cho sự Chuyển hóa Triệt để.

Ví dụ, ta gặp một người và họ nói: “Trong cuộc sống, tôi đã phải làm cái này, và cái nọ, và cái kia. Người ta đã cướp của tôi, tôi đã từng là một người giàu có, từng có của cải, nhưng hắn đã lừa tôi. Kẻ xấu xa đó đã lừa tôi”. Tóm lại, đó chính là bài ca tâm lý của họ. Mười năm sau khi gặp lại người ấy, họ vẫn hát lại chính “bài ca” đó. Hai mươi năm sau gặp lại, họ vẫn hát lại cùng một bài, đó chính là bài ca tâm lý của họ. Người ấy đã đồng nhất bản thân với sự kiện đó suốt cả đời. Trong hoàn cảnh đó, làm sao họ có thể làm tan rã cái Tôi được? Bằng cách nào, nếu họ cứ củng cố cái Tôi đó? Khi đồng nhất bản thân mình như vậy, họ chỉ càng củng cố thêm những cái Tôi mà thôi.

Nếu một người đồng nhất mình với một cuộc ẩu đả thì rồi người đó cũng sẽ đấm đá. Thầy nhớ đến một trường hợp nọ, trong trận đấu quyền anh của một nhà vô địch đang bảo vệ danh hiệu của mình (ở Hoa Kỳ). Cuối cùng tất cả khán giả đều lao vào đánh nhau, hoàn toàn điên rồ. Tất cả bọn họ đấm đá lẫn nhau, tất cả đều trở thành võ sĩ. Các bạn thấy sự đồng nhất là như thế nào rồi đấy. Một ví dụ, thầy đã nhìn thấy một người phụ nữ đang xem một bộ phim mà các diễn viên đang khóc lóc ( dĩ nhiên là họ khóc giả vờ), nhưng người phụ nữ đang xem phim thì lại khóc thật, sướt mướt, vô cùng thống khổ.

Các bạn thấy sự đồng nhất là gì rồi đấy: người phụ nữ khốn khổ đã đồng nhất mình với bộ phim, cô ấy đã làm gì? Cô ấy đã tự đặt mình vào nhân vật chính của bộ phim. Một cái Tôi mới được tạo ra ở bên trong, và cái Tôi mới đó đã đánh cắp một phần tâm thức của cô ấy. Thế là người phụ nữ này, đã ngủ mê, thì giờ lại càng chìm vào cơn mê sâu hơn nữa. Tại sao vậy? Từ sự đồng nhất mà ra, rõ ràng là thế.

Một vị đạo sư đã đưa thầy vào cõi cảm xúc để cho thầy xem các rạp chiếu phim thực sự là gì, để thấy rằng nơi đây đầy ắp các hình nộm tâm lý, thứ do khán giả để lại. Tất cả những gì người ta nhìn thấy ở đó, trên màn hình, đặc biệt là những thứ không lành mạnh, chúng được tái tạo trong tâm trí của họ: cùng những dáng vẻ hình hài ấy. Và sau khi rời khỏi rạp, họ đã để lại vô số hình thái tinh thần ở trong các hang ổ phép thuật đen tối ấy. Kết luận: Họ đã nói thầy rằng thay vì đến rạp chiếu phim, thầy hãy nhìn lại các kiếp trước của mình, điều đó hữu ích hơn là đến rạp xem phim [11].

[11] Hình nộm trong rạp chiếu – thầy kể chuyện này ở một bài giảng khác. Hãy đọc câu chuyện đầy đủ tại đây.

Thầy đã tuân theo lời đó, và đương nhiên là thầy không đến rạp chiếu phim nữa. Nhưng thứ gì đã làm hại thầy ở đó? Chà, thầy đã đồng nhất mình với một bộ phim họ chiếu lúc đó: Người phụ nữ trên phim trông đẹp đến mức mà ngay lúc đó thầy đã cảm thấy mình chính là một anh chàng hấp dẫn, không phải là người trên màn ảnh mà chính là thầy. Kết quả là thất bại.

Chuyện này đã xảy ra 20 hay 22 năm trước, nhưng thầy vẫn chưa quên được.

Ta đừng bao giờ đồng nhất bản thân với bất kỳ điều gì thấy được trong cuộc sống: những hoàn cảnh hay sự kiện khó chịu rồi sẽ qua, mọi thứ đều trôi qua. Ta phải tận dụng các hoàn cảnh để tìm hiểu, để quan sát chính mình. Thay vì đồng nhất bản thân với những hoàn cảnh khó chịu, ta nên tìm hiểu bản thân mình: Tôi có đang tức giận, tôi có đang ghen tị, tôi có đang oán ghét hay không? Tôi đang cảm thấy gì ngay lúc này, trước những gì đang xảy ra với tôi? Đây là cách chúng ta tận dụng cái Tôi khi biết cách không đồng nhất bản thân và biết cách tận dụng mọi hoàn cảnh.

Đừng quên rằng những nghịch cảnh tồi tệ nhất cho chúng ta những cơ hội tốt nhất để khám phá bản thân. Khi một người đồng nhất bản thân với những tình huống khó chịu thì họ sẽ mắc sai lầm, họ làm cho cuộc sống phức tạp lên và các vấn đề bắt đầu xuất hiện.

Tất cả mọi người đều có đầy rẫy những vấn đề vì họ đồng nhất mình với những gì đang xảy ra, những gì họ đang trải nghiệm. Đó là lý do họ có nhiều vấn đề. Nhưng nếu một người không đồng nhất mình với bất kỳ điều gì đang xảy ra, nếu họ nói: “Mọi thứ đều trôi qua, mọi thứ đều trôi qua; cảnh này cũng sẽ trôi qua”, nếu họ không đồng nhất với cảnh đó thì họ sẽ không phức tạp hóa cuộc sống của mình hơn nữa.

Nhưng mọi người lại thích phức tạp hóa cuộc sống của mình. Nếu ai đó dùng lời lẽ cay độc làm họ tổn thương, thì họ sẽ phản ứng lại dữ dội. Mọi người đều thích phức tạp hóa cuộc sống của mình. Tệ hơn nữa là khi họ phản ứng lại dữ dội bởi vì sự việc càng trở nên khó khăn bao nhiêu thì mọi thứ càng trở nên mệt mỏi bấy nhiêu.

Chúng ta hãy tận dụng những hoàn cảnh khó chịu của cuộc sống để khám phá bản thân; như vậy chúng ta sẽ biết mình có những khiếm khuyết tâm lý nào. Hãy xem cuộc sống như một phòng tập thể dục tâm lý. Nếu làm được như vậy, chúng ta sẽ khám phá được chính mình. Bài nói của thầy đến đây là hết.


Leave a Reply