✏ Tác giả: Samael Aun Weor
Tiêu đề của bản gốc: Las Representaciones de la Mente
Chúng ta cần phải hiểu một cách sâu sắc tất cả các quá trình của Tâm trí, tất cả các phản ứng, và những gì thuộc về tâm lý mà nó tích lũy, v.v. Chỉ bằng cách đó thì ngọn lửa nhiệt huyết của trí tuệ mới được thắp lên trong ta một cách tự nhiên.
Các bạn thân mến của thầy, chúng ta đã nghiên cứu các khía cạnh của tâm trí, và sau này chúng ta sẽ tiếp tục đi sâu hơn vào khía cạnh thực tế của tình yêu và vào những điều thú vị trong việc loại bỏ các Cấu trúc tâm lý. Việc này thật sự khó khăn. Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là tất cả, còn một thứ nữa mà chúng ta vẫn cần phải theo dõi và quan sát. Thầy đang đề cập và nhấn mạnh đến các Hình biểu tượng trong Tâm. Trong thế giới của các giác quan có những hình ảnh gây khó chịu cho chúng ta. Đó là những đối tượng xung quanh chúng ta, làm ta cảm thấy hối hận, v.v. Bên cạnh đó cũng có những Hình biểu tượng của tâm trí.
Trong tâm trí có rất nhiều hình biểu tượng mà chúng ta phải xem xét. Giả sử chúng ta có biểu tượng trong tâm trí về một người bạn mà ta rất quý trọng. Một người nào đó có thế lực nói chuyện với chúng ta về người bạn đó, và tất cả các loại đàm tiếu, vu khống nảy sinh. Chúng ta lại nghe tất cả những chuyện phiếm này. Thực tế sau đó thì, hình biểu tượng ấy, cái hình ảnh mà chúng ta đã xây dựng về người bạn của mình sẽ bị thay đổi. Bây giờ chúng ta không thấy người bạn ấy là người tốt bụng, hiền hòa v.v. như trước nữa. Thay vào đó, giờ đây trong tâm trí chúng ta là một hình ảnh được người khác dựng lên: có thể là hình ảnh của kẻ cướp, của kẻ trộm, của một người bạn giả dối, v.v.
Vào ban đêm, có thể chúng ta mơ thấy người bạn đó. Bây giờ chúng ta không thể nào mơ thấy sự hòa hợp; chúng ta sẽ thấy người ấy tấn công mình, rồi mình tấn công lại người ta, rồi chúng ta mơ thấy người ta sử dụng vũ khí chống lại mình, v.v. Hình ảnh của người bạn chúng ta hoàn toàn bị thay đổi: một hình ảnh biểu tượng đã bị thay đổi. Có thể là người mà nói về bạn của chúng ta đã đánh giá sai về anh ấy, vu khống anh ấy một cách có ý thức hoặc vô thức, v.v., nhưng Hình biểu tượng của tâm trí vẫn sẽ bị thay đổi. Điều này rất nghiêm trọng bởi vì trên thực tế, hình đại diện này biến thành một con quỷ đến để cản trở sự tiến bộ trên con đường tu hành của chúng ta. Đó là một con quỷ cản đường chúng ta, một con quỷ cản trở sự phát triển nội tâm sâu sắc của chúng ta. Do đó, để tai vào những lời đàm tiếu, vu khống, xì xầm, những lời “thiện hạ kháo nhau”, v.v., là một lỗi nghiêm trọng.
Rõ ràng là nếu chúng ta tham gia vào các cuộc trò chuyện tiêu cực, nếu chúng ta dành một tai để nghe lời vu khống, nếu chúng ta nghe “họ nói nọ nói kia”, v.v. thì hàng ngàn các hình đại diện trong tâm trí của chúng ta có thể bị thay đổi. Vì các lý do này và các lý do khác, ta không nên để tai vào những lời nói tiêu cực của người ngoài; làm như vậy là một sai lầm nghiêm trọng. Cũng giống như vậy, không chỉ những cấu trúc tâm lý mà cả những hình đại diện sống động của những khiếm khuyết tâm lý của chúng ta cũng góp phần vào cái gánh nặng mà ta đang mang theo bên trong mình. Do đó, chúng ta không được quên việc hình biểu tượng ảnh hưởng đến sự hiểu biết của mình như thế nào.
Những người trên con đường tu hành, do để tai đến những cuộc trò chuyện tiêu cực, do vẫn túm tụm vào những nơi mà chỉ nghe thấy toàn những lời tiêu cực, thường tạo ra những biểu tượng đại diện cho sự hiểu biết sai lầm; và trong cõi lý trí thì những hình biểu tượng này trở thành những con quỷ thực sự. Những con quỷ này sẽ trở thành một chướng ngại hoặc một loạt những chướng ngại không thể vượt qua nổi cho sự thức tỉnh của Tâm thức. Cũng như thế, chúng ta có thể đưa ra rất nhiều ví dụ về những anh em trong trường phái Gnosis mà vào ban đêm thường có vô số giấc mơ kiểu tiêu cực, đôi khi họ mơ thấy mình giết người khác, v.v. Vấn đề nghiêm trọng nhất là họ mang những kẻ thù như vậy bên trong chính mình, trong tâm của chính mình. Rõ ràng thì điều nên làm nhất đối với những hình biểu tượng tiêu cực của chúng ta là kêu gọi sức mạnh rắn tính hình xoắn ốc, thỉnh cầu tới Devi Kundalini Shakti để phá hủy những hình biểu tượng tiêu cực này.
Thông điệp từ Bản thể
Không nghi ngờ gì là, chúng ta không nên có những hình biểu tượng như vậy trong tâm trí mình, dù nó là tiêu cực hay tích cực. Tâm trí nên tạo ra những thái độ thanh thản nhất định theo ý muốn của Bản thể, nhưng để điều đó xảy ra thì ta cần làm nhân cách con người trở nên thụ động. Một tính cách thụ động là một nhân tính tiếp thu, nó tiếp nhận những thông điệp đến từ những phần cao hơn của Bản thể.

Cõi Vật chất có 48 định luật và cõi cao nhất trong các cõi Địa ngục có 96 định luật.
Chắc chắn là những thông điệp như vậy đi qua các trung tâm cao hơn của Bản thể trước khi đi vào tâm trí. Đây là ưu điểm của việc có một tính cách thụ động. Không may là tâm trí [thụ động này] bị kiểm soát bởi những yếu tố rất nặng hay những cấu trúc rất khó khăn mà có liên quan đến thế giới của 96 định luật [1], nơi mà còn được gọi là vùng Tartarus [2].
[1] 96 định luật – Trong chương 7 của cuốn “In Search of the Miraculous” tác giả P.D. Ouspensky có giải thích về giáo lý “tia sáng Tạo hóa” của thầy G. I. Gurdjieff. Khi tia sáng Tạo hóa (tiếng Anh: ray of creation) xuất phát từ thế giới tuyệt đối (tương ứng với Tính không của Phật giáo) thì cõi đầu tiên chỉ có một định luật duy nhất. Thế giới cao nhất thuộc các cõi được Phật giáo gọi là Vô Sắc giới. Trong quá trình tạo ra vũ trụ, tia sáng đi xuống từng bước, từ Vô Sắc giới tới Sắc giới, xuống Dục giới và cuối cùng thì tia sáng tạo ra các cõi Địa ngục. Ý thức của chúng sinh ở các cõi cao có hạnh phúc vì không bị ràng buộc bởi nhiều định luật. Trải nghiệm ở các cõi hạ cấp khó chịu hơn vì mỗi lần tia sáng tạo ra một cõi thấp hơn thì số lượng định luật lại được tăng lên. Cõi Vật chất có 48 định luật và cõi cao nhất trong các cõi Địa ngục có 96 định luật. Những cấu trúc tâm lý bị 96 định luật chi phối là những cấu trúc tâm lý rung động với cõi Địa ngục.
[2] Tartarus có nghĩa là Địa ngục trong thần thoại Hy Lạp.
Phần tính cách của con người hoạt động nhiều vì nó bị chi phối bởi các cấu trúc của sự ghét bỏ, tự kiêu, đố kỵ và dục vọng. Sự thật thì chúng ta chẳng qua cũng chỉ là những con sâu khốn khổ trong bùn đất. Nếu chúng ta loại bỏ thành công được những yếu tố tâm lý nặng nề như vậy khỏi tâm của mình, thì tính cách con người của chúng ta sẽ trở nên thụ động và tâm trí sẽ dễ dàng tiếp thu những thông điệp được truyền xuống từ những phần cao hơn của Bản thể thông qua những trung tâm cao hơn của Tâm chúng ta.
Các bạn thân mến của tôi, bây giờ bạn đã hiểu rằng ta cần phải loại bỏ những yếu tố đã được sinh ra với bản chất nặng. Nói cách khác, thực tế là chúng ta có thể loại bỏ những yếu tố nặng này với Devi Kundalini Shakti, con rắn lửa có sức mạnh siêu việt của chúng ta. Đó là một chiến thắng, bởi vì bằng cách này mà ta có thể nhận được những thông điệp trực tiếp đến từ những phần cao hơn của Bản thể. Vì điều này nên thầy nói rằng ta phải rèn luyện chính mình.
Ta phải tạo ra một tâm trí tiếp thu, một tâm trí không bao giờ phóng chiếu ảo tưởng, nghĩa là luôn tiếp nhận thay vì phóng chiếu. Rõ ràng là [một tâm trí như thế] không thể bị lạm dụng để chấp nhận những biểu tượng trong sự hiểu biết sâu nhất của nó, dù đó là biểu tượng tích cực hay tiêu cực. Một tâm trí như vậy sẽ chỉ mang lại những thông điệp đến từ phần cao nhất của đồng loại chúng ta. Với việc tiếp tục nuôi dưỡng các loại hình biểu tượng của sự hiểu biết, tâm trí chúng ta sẽ không bao giờ là một tâm trí hào phóng, một tâm trí tiến bộ. Trong thực tế thì một tâm trí như thế thực sự bị điều kiện hóa bởi thời gian và khổ đau. Phân tích theo cách này, chúng ta sẽ thấy rằng không những chúng ta phải loại bỏ những cấu trúc tâm lý không mong muốn, mà chúng ta còn có một vấn đề rất khó khăn khác Thầy nhận thấy ở đây, liên quan đến sự soi sáng bên trong. Đấy là việc chúng ta mang theo quá nhiều những hình biểu tượng bên cạnh tất cả các cấu trúc tâm lý vô nhân tính.
Nếu chúng ta nghiên cứu kỹ về thế giới của giấc mơ thì chúng ta sẽ thấy trong đó có rất nhiều điều mơ hồ và không mạch lạc, thấy những khía cạnh mang tính chủ quan và thiếu chính xác, hay thấy rất nhiều điều phi lý và không có thực. Chúng ta cần suy ngẫm vì sao những giấc mơ lại thiếu đi sự mạch lạc như vậy.
Là một thành viên trường phái Gnosis, ta phải có khái niệm rõ ràng và ý tưởng sáng suốt, phải được khai trí hoàn toàn mà không mơ hồ, hay không có bất kỳ loại tâm trí chủ quan nào. Không may là các hình biểu tượng và các cấu trúc đa dạng mà chúng ta mang theo bên trong đã điều kiện hóa ý thức đến nỗi nó bị kìm kẹp trong một trạng thái rất khó chịu của tiềm thức [3] và thậm chí trong cả ý thức hạ tầng [4] và vô thức [5]. Thầy muốn các bạn suy ngẫm, thầy muốn các bạn hiểu ra những điều rất quan trọng này.
[3] Tiềm thức – những hoạt động của tâm trí mà chúng ta có khả năng biết nhưng thường không để ý hoặc là không nhớ, ví dụ như là nội dung của giấc mơ.
[4] Ý thức hạ tầng – những hoạt động của tâm trí mà thông thường chúng ta chỉ phát hiện ra khi đang trải qua những đau khổ mạnh mẽ. Ý thức này tương ứng với tầng lớp ý thức của các cõi địa ngục.
[5] Vô thức – những hoạt động của tâm trí mà chúng ta không ý thức được.
Sự tĩnh lặng của tâm trí
Người phương Đông hay nói theo cách tổng hợp. Ví dụ, Phật giáo Thiền tông, hay còn gọi là Chan (禅), chỉ cho chúng ta biết rằng chúng ta phải có được sự tĩnh lặng của tâm trí, sự im lặng của tâm trí với mục đích đạt được sự phun trào của Khoảng không Rực rỡ. Họ nói cho chúng ta rằng có hạnh phúc thực sự ở Satori (Tiếng Nhật: 悟 り – Ngộ). Trong thiền đường, ta phải đạt được sự tĩnh lặng của tâm ở bên trong, bên ngoài và ở giữa. Họ nói cho chúng ta rằng tâm trí phải giống như một bức tường, hoàn toàn tĩnh lặng.
Thầy nhận ra rằng trong các thiền đường ở Nhật người ta phải nỗ lực nhiều để đạt tới Satori. Hơn nữa, dù nỗ lực như thế nhưng họ cũng chỉ đạt được trạng thái đó trong vòng một vài phút hay hay kể cả khi tốt nhất cũng chỉ là vài tiếng đồng hồ. Sau đó thì tâm trí lại trở lại trạng thái kích động như mọi khi. Người ta rời khỏi trạng thái hạnh phúc này để đối mặt với thế giới, họ cảm thấy lâng lâng và say sưa chiến đấu. Tất nhiên, cái Tôi lại nhanh chóng nhảy vào và đấm cho họ vài cú và kéo họ ra khỏi trạng thái ấy, rồi trạng thái đó mất đi.
Nếu chúng ta muốn trở thành một cái gì đó hơn những gì ta có thể đạt được trong thiền đường Thiền tông, hay còn gọi là Chan (禅), thì chúng ta phải trải qua một quá trình tỉnh thức của tâm trí. Tâm trí phải tiếp nhận những điều vô hạn đến từ bên ngoài bầu trời Urania, lúc đó thì tâm mới được khai sáng. Nếu chúng ta cho phép những cấu trúc tâm lý tiếp tục tồn tại trong tâm hồn mình thì liệu chúng ta có thể làm được điều này không? Làm sao chúng có thể làm được điều này nếu cứ để tai đến những câu chuyện phiếm, ảnh hưởng đến các biểu tượng trong hiểu biết của mình? Thầy nghĩ ngợi, tự nhủ và chia sẻ với các bạn rằng: Nếu chúng ta cứ tiếp tục đề cao những hình đại diện tích cực hay tiêu cực thì liệu chúng ta có thể làm được điều này không?
H.P. Blavatsky có một câu trong “The Voice of Silence” mà thầy thích, đó là:
“Trước khi ngọn lửa vàng có thể bùng cháy với ánh sáng thanh thoát, ngọn đèn phải được giữ gìn cẩn thận, được che chắn khỏi mọi cơn gió, những suy nghĩ trần thế phải ngã chết nơi cửa Đền”.
Câu nói đó của H. P. Blavatsky trong tác phẩm tuyệt vời của bà mang tên “The Voice of Silence” thật là hoa mỹ, thật tuyệt vời. Thầy nói cho bạn biết, chỉ bằng cách này thì Tâm mới thực sự tĩnh lặng và yên lặng ở bên trong, bên ngoài và ở trung tâm, không chỉ trong một lúc hay chỉ trong Thiền đường, mà là liên tục.
Khi người ta nghiên cứu những nếp gấp khác nhau của tâm trí, người ta cũng hiểu rằng ta sẽ không đạt được sự tĩnh lặng và im lặng hoàn toàn của sự hiểu biết chừng nào tâm trí còn bị choáng ngợp bởi các cấu trúc tâm lý và các hình biểu tượng. Người ta có thể phản đối, nói rằng có những hình biểu tượng đáng khen ngợi, rõ ràng và tráng lệ. Người ta tưởng rằng các biểu tượng tốt này có thể chấp nhận được, nhưng không phải vậy. Nói chung là chúng ta phải đồng nhất mình với Bản thể. Tại sao chúng ta phải để trong tâm trí của chúng ta những thứ không thuộc về Bản thể? Thầy không hiểu tại sao chúng ta phải giữ những kẻ đột nhập vào tâm mình. Thầy đã hiểu rằng chỉ có Bản thể mới nên giữ ở trong tâm, rằng Tâm mình phải trở thành một Ngôi đền nơi Bản thể điều hành và không có gì khác ngoài nó, thế thôi. Nhưng chỉ cần Ngôi đền đó chứa đầy những yếu tố kỳ lạ, những sự vật, trò chơi, những tủ trưng bày khổng lồ, những hình biểu tượng và cấu trúc, thì ta có thể nói rằng Tâm thức vẫn đang ngủ say. Đó chính là vô thức.
Plato nói trong một cuốn sách của mình rằng: “Giấc mơ như thế nào thì con người cũng như thế ấy”. Ngày nào chúng ta ngừng mê thì ngày đó những “con gián” mà chúng ta mang trong não chúng ta sẽ bị thiêu rụi. Chúng ta không nên để cho những điều mâu thuẫn vô lý đó tồn tại. Chúng ta không nên để cho những trạng thái bệnh hoạn, mơ hồ, không chính xác, vô vị, không đáng tin cậy, không mùi, tồn tại dưới bất kỳ hình thức nào. Ngày nào mà chúng ta ngừng mơ, ngày mà chúng ta không còn mê nữa là ngày chúng ta sẽ có hạnh phúc. Khi một người không còn mơ nữa thì người đó đã chiến thắng. Chừng nào những giấc mơ vẫn còn tồn tại trong tâm trí, chừng nào chúng ta vẫn đến không gian tâm lý để phóng chiếu ra những giấc mơ phi lý hay không chính xác, thì thì có nghĩa là tâm trí chúng ta vẫn đầy rác rưởi và những thứ bẩn thỉu.
Như thầy đã nói, một người đã thực sự được khai sáng thì không mơ. Giấc mơ chỉ dành cho những ai đang say ngủ. Một người đã thực sự được khai sáng sống ở ngoài cơ thể vật chất, trên thế giới siêu cấp, trong trạng thái tỉnh táo mạnh mẽ mà không bao giờ mơ mộng. Sau khi cơ thể vật lý chết đi, những người đã thực sự được khai sáng sống ở trạng thái thức tỉnh trong không gian tâm lý. Vì vậy, chúng ta nên suy ngẫm về việc tại sao chúng ta cần phải đạt đến sự tĩnh lặng và im lặng của tâm trí.
Chọn lựa các ấn tượng tâm lý
Bây giờ chúng ta có thể nói gì về ba loại thức ăn? Thầy đã giải thích cách chúng ta nuôi dưỡng bản thân, đầu tiên là bằng thức ăn [cho cơ thể vật chất]. Chúng ta cũng đã nói về hơi thở là thức ăn thứ hai, quan trọng hơn thức ăn đi đến dạ dày. Và thầy đã nói với bạn rằng có một thực phẩm thứ ba được gọi là “ấn tượng tâm lý”. Không ai có thể sống dù chỉ một phút mà không có ấn tượng tâm lý. Bạn đang nghe thầy ở đây, thầy chỉ đứng ở đây và một loạt ấn tượng hiện lên trong tâm trí bạn. Bạn thấy một hình người mặc trang phục linh thiêng của Hội Hiệp sĩ Chén Thánh. Các hình ảnh ấy đến tâm trí bạn thông qua các ấn tượng; tất cả những thứ này đều là ấn tượng đối với bạn.
Thật không may là con người rất tiêu cực. Chẳng hạn như bây giờ khi đang ở trong căn phòng này, nếu chúng ta mở cửa cho một băng trộm vào thì các bạn sẽ nói gì nhỉ? Theo các bạn, những người anh em đang đồng hành trong buổi nói chuyện này, việc thầy mở cửa cho mấy người đó vào xem có đúng không? Điều gì sẽ xảy ra? Tuy thế, ta lại không cảnh giác được như vậy với những ấn tượng tâm lý, ta lại mở rộng cánh cửa chào đón tất cả những ấn tượng tiêu cực trên thế giới.
Những thứ này xâm nhập vào tâm lý của chúng ta và tạo ra cả mớ hỗn độn trong đó. Chúng tự biến đổi thành các cấu trúc tâm lý và phát triển trung tâm cảm xúc tiêu cực bên trong chúng ta và cuối cùng nhồi đầy bùn đất vào đầu chúng ta. Điều này có nên không? Ví dụ khi chúng ta gặp một người đầy những ấn tượng tâm lý tiêu cực xuất phát từ trung tâm cảm xúc tiêu cực và chúng ta lại mở rộng đón nhận tất cả những ấn tượng tiêu cực về người này, thì việc này có nên không?
Nếu không biết cách lựa chọn các ấn tượng tâm lý thì làm sao chúng ta có thể biết cách đóng cửa chặn chúng lại được. Chúng ta phải học cách mở và đóng cánh cửa Tâm mình đối với những ấn tượng ấy, học cách mở rộng cánh cửa cho những ấn tượng cao quý, đóng cửa lại khi có những ấn tượng tiêu cực và phi lý, bởi vì những ấn tượng tiêu cực gây tổn hại, chúng phát triển trung tâm cảm xúc tiêu cực ở bên trong và gây hại cho chúng ta.
Các bạn hãy quan sát những gì một người làm khi người ta ở giữa đám đông. Thầy cam đoan rằng chẳng ai trong các bạn dám ra đường và [tự nhiên] ném đá lung tung. Phải vậy không? Tuy nhiên, trong một nhóm thì có thể có người làm vậy. Khi một cuộc biểu tình kích động chống đối chính quyền đại chúng xảy ra thì đám đông ném đá và cuối cùng bạn cũng hùa vào ném đá theo họ, ngay cả khi sau đó bạn tự nhủ: “Tại sao mình lại ném đá? Tại sao mình lại làm vậy?”
Thầy nhớ cách đây chưa đầy 4 năm khi các giáo viên trường công lập có nhiều cuộc đình công, phản đối, biểu tình. Chúng ta đã thấy những điều bất thường ở đó. Ở ngay trung tâm của Thủ đô, khoảng mười hay mười lăm năm trước, chúng ta thấy trong một đám đông có nhiều giáo viên có vẻ rất tử tế, đáng kính, những người rất có văn hóa đã lấy đá và ném vào cửa sổ, ném vào mọi người và vào bất cứ ai ở đấy. Những giáo viên trường đó sẽ không bao giờ làm điều này một mình, nhưng họ đã làm tất cả những điều này khi họ có cả đám đi cùng. Trong một nhóm thì con người cư xử theo một cách lạ lùng, anh ta làm những việc mà anh ta sẽ không bao giờ làm một mình. Tại sao vậy? Đó là vì những ấn tượng tâm lý tiêu cực mà họ đã tiếp thu. Sau đó thì những ấn tượng này đã khiến anh ta trở nên nóng nảy và cuối cùng anh ta sẽ làm điều mà anh ấy sẽ không bao giờ làm một mình. Đó là lý do tại sao chúng ta cần phải học để trở thành những công dân có văn hóa.
Khi một người mở cửa tiếp nhận những ấn tượng tiêu cực thì người ấy không chỉ làm thay đổi trật tự của trung tâm cảm xúc trong trái tim mà còn làm cho nó trở nên tiêu cực. Ví dụ như có một người mở cửa tiếp nhận cảm xúc tiêu cực của một người đầy tức giận vì ai đó đã gây ra tổn hại cho anh ta. Nếu làm vậy thì anh ta đã đồng hóa mình với sự hận thù của người kia và cuối cùng anh ta sẽ vào cuộc để chống lại người đã gây ra thiệt hại.
Giả sử rằng một ai đó mở cửa tiếp nhận những ấn tượng tiêu cực về một người say rượu trong một bữa tiệc nhưng cuối cùng thì lại nhận lời làm một ly với kẻ say đó. Sau đó lại làm thêm ly nữa, rồi thêm hai, ba và cả chục ly nữa và rồi cuối cùng thì anh ta cũng say bí tỉ. Giả sử rằng một người mở cửa tiếp nhận những ấn tượng tiêu cực về ai đó có giới tính bình thường thì rồi cuối cùng người đó cũng sẽ thông dâm với tất cả các loại giới tính. Giả sử nếu chúng ta mở ra cánh cửa cho những ấn tượng tiêu cực về một người nghiện ma túy thì cuối cùng rồi chúng ta cũng hút cần sa, hút tất cả mọi thể loại. Kết cục là thất bại.
Đây là cách mà con người lây nhiễm những ấn tượng tiêu cực cho nhau. Người say lây cho người say, kẻ cắp cũng làm cho người khác trở thành kẻ cắp, đại sát thủ lây sang người khác, người nghiện này lây cho người nghiện khác và rồi cuối cùng thì số người nghiện, sát thủ, kẻ cắp tăng lên. Tại sao vậy? Bởi vì chúng ta luôn mắc lỗi mở cửa tiếp thu những ấn tượng tiêu cực và đây không phải là hành vi đúng đắn.
Chúng ta hãy chọn lọc cảm xúc. Nếu ai đó mang đến cho chúng ta những cảm xúc tích cực về ánh sáng, sự hài hòa, về vẻ đẹp, trí tuệ, tình yêu, thơ ca và sự hoàn hảo thì chúng ta hãy mở rộng cánh cửa trái tim mình. Đối với những kẻ mang lại cho chúng ta những cảm xúc tiêu cực như thù hận, bạo lực, ghen tuông, ma túy, rượu, tà dâm và ngoại tình thì chúng ta không nên mở rộng cửa trái tim mình. Chúng ta hãy đóng chặt cánh cửa ấy lại. Đóng cánh cửa chắn những ấn tượng tiêu cực ấy lại. Khi ta suy ngẫm về tất cả những điều này thì ta hoàn toàn có thể sửa đổi bản thân mình, có thể làm cho cuộc sống của mình trở nên tốt đẹp hơn.
Chúng ta thấy hình biểu tượng của một người bạn tuyệt vời, người đã luôn giúp đỡ chúng ta, một người tốt bụng, từ thiện, tuyệt vời. Đột nhiên, một người nào đó phấn khích với đầy ấn tượng tiêu cực đến và gây gổ với chúng ta. Chúng ta mở cửa tiếp nhận những ấn tượng tiêu cực đó, nó lẩm bẩm nói rằng bạn của chúng ta là một tên trộm, một tên cướp, một tên cướp ngân hàng, và cả tỷ thứ linh tinh khác. Tất cả những ấn tượng tiêu cực đó đi vào tâm trí của chúng ta. Sự thay đổi hình biểu tượng như vậy sẽ trở thành một con quỷ thực sự cản trở việc Rèn luyện bản thân ta. Vì tất cả điều này và nhiều điều khác nữa nên bạn sẽ thấy rằng việc dọn dẹp Ngôi đền của Tâm trí là khá khó khăn, nhưng việc này không phải là không thể.
Chúng ta cần phải có một tâm trí trong sáng, một ngôi đền sạch sẽ, không có bụi bẩn, không có bất kỳ rác rưởi nào. Nhưng bạn phải biết cách sống, bạn cần phải biết cách sống. Tiếc thay, trong cuộc sống thực tế, con người không biết sống. Ai cũng đổ lỗi cho người khác, cho những đau khổ và đắng cay của mình. Trong khi đó người duy nhất đáng trách lại là chính chúng ta
Hãy cùng xem xét tình huống khi ai đó ăn cắp một khoản tiền lớn của chúng ta. Giả sử một người nào đó trong số các bạn đã tiết kiệm được khoảng 50.000 đô la để trong một ngăn kéo hay tủ nào đó trong nhà và một người thân của bạn lấy trộm 50.000 đô la đó. Tất nhiên ta sẽ cảm thấy rất khổ, có phải không? Mất tiền như vậy thật không dễ chịu, sẽ khiến ta rất đau, ta sẽ khóc, ta sẽ đến công an và sẽ làm đơn kiện anh ta, có thể là ta sẽ không cư xử như vậy vì họ là người thân, nhưng vì cảm giác xót [tiền] đó chúng ta sẽ không thể im lặng hoàn toàn. Nhưng tại sao 50.000 đô la lại làm chúng ta đau khổ như thế? Tất nhiên ta đau khổ vì ta tốn rất nhiều công sức kiếm tiền. Nhưng nếu cái Tôi trong ta không bấu víu vào vật chất, vào tiền bạc, thì kể cả khi mất 50.000 đô la ta vẫn sẽ mỉm cười và sẽ không bị đau khổ nữa.
Giả sử rằng đột nhiên một người người chồng bắt gặp vợ mình với một kẻ khác. Đây là tình huống khó chịu, đặc biệt là nếu anh ta phát hiện cô ấy đang ngoại tình. Chắc chắn rằng anh ta sẽ cảm thấy hoang mang và đau khổ, anh ta rút súng ra và nổ súng ngay tại trận. Tại sao anh ta lại làm như vậy? Anh ta sẽ biện minh cho điều đó bằng việc anh đã bắt quả tang vợ ngoại tình, và rõ là anh ta có lý. Nhưng đó là sự điên rồ, hoàn toàn điên rồ, bởi vì nếu con người ta không có cái Tôi ghen tuông bên trong, nếu con người ta không có cái Tôi níu kéo hay ghen tuông thì sẽ không có ai để mà đau khổ cả. Ta sẽ chỉ đơn giản quay lưng và bỏ đi. Anh ta sẽ sống cuộc đời còn lại của mình mà không bám chấp vào những gì đã xảy ra, nhận ra rằng mỗi người phải tự lo cho mình. Anh cảm thấy tự do thoát khỏi địa ngục đó vì vợ mình đã thay lòng đổi dạ theo người khác; rồi lại cho chồng “nghỉ việc” luôn. Nếu không có sự ghen tuông thì sẽ không có đau đớn.
Không ít lần ai đó thấy ghen tị vì thấy bạn mình có nhà đẹp hay vợ đẹp. Đây được gọi là ghen tị, phải không? Nhưng nếu anh ta không có cái Tôi của lòng đố kỵ, thì anh ta sẽ chẳng có lý do gì để đau khổ. Ngược lại, anh ta sẽ cảm thấy mừng khi thấy bạn mình sống tốt như vậy. Chính theo cách đó mà chúng ta phải hiểu rằng người khác không thể gây cho chúng ta đau khổ; chúng ta là nguyên nhân gây ra đau khổ của chính mình. Đây là thực tế rất phũ phàng của cuộc sống. Khi cái Tôi tan rã thì mọi nỗi đau sẽ chấm dứt.
Căn nguyên của đau khổ là ở cái Tôi và khi cái Tôi chấm dứt thì trong chúng ta chỉ còn lại vẻ đẹp mà thôi. Vẻ đẹp ấy được chuyển hóa thành thứ gọi là tình yêu và hạnh phúc. Khi Tâm trí đến điểm này thì nó tĩnh lặng trong im lặng; nó không còn phóng chiếu ảo tưởng nữa, nó không còn là một Tâm trí phạm tội, nó không còn là một Tâm trí kích động vô cớ nữa. Nó nhận được những thông điệp đến từ bên trên, từ những phần cao cấp của Bản thể, nó là một Tâm trí viên mãn trọn vẹn.
Thầy nhắc lại: không chỉ các cấu trúc tâm lý phải bị loại bỏ. Rõ ràng là các Hình biểu tượng của Tâm cũng phải được loại bỏ, cả những cái tiêu cực lẫn tích cực. Chúng ta cần dọn sạch mọi rác rưởi bên trong Tâm trí, chúng ta cần thắp sáng ngọn đèn trong Ngôi đền của Tâm, chúng ta cần ngọn lửa vàng mà có thể cháy sáng với ánh sáng thanh thản trong khuôn viên của Ngôi đền. Khi Tâm tĩnh lặng, khi Tâm im lặng thì điều gì đó mới lạ sẽ đến.
Chúng ta nói rằng con đường này rất đẹp, nhưng chúng ta làm gì với những lo lắng của mình, chúng ta làm gì với những đau khổ mà người khác gây ra cho mình? Khi chúng ta sống trong một thế giới đầy rẫy những rắc rối và khó khăn thì ta không thể có một Tâm trí tĩnh lặng trong im lặng, điều đó thật vô lý. Bằng cách làm tan rã các cấu trúc tâm lý vô nhân tính mà chúng ta mang trong mình thì mọi vấn đề và khó khăn sẽ chấm dứt.
Vì vậy, những gì chúng ta cần làm ngay ngày hôm nay là chấm dứt sự lười biếng về tinh thần, và rèn luyện bản thân chăm chỉ.
Lời thầy nói đến đây là hết. Nếu có anh em nào muốn hỏi gì về chủ đề này thì cứ tự do hỏi thầy nhé.
Hỏi: Thưa thầy, thầy có thể giải thích về sự khác biệt giữa một Tâm tĩnh lặng và một Tâm đang bị ép phải tĩnh lặng được không?
Đáp: Tất nhiên ta phải phân biệt giữa Tâm tĩnh lặng và Tâm đang bị ép phải tĩnh lặng, giữa Tâm im lặng và Tâm đang bị ép phải im lặng. Nhân danh sự thật, chúng ta phải nói một cách dứt khoát rằng sự tĩnh lặng và im lặng thực sự của Tâm trí chỉ đến khi cái Tôi và những Hình Biểu tượng hay còn gọi là những “định kiến” đã chết đi. Khi được nghỉ ngơi trong im lặng, Tâm trí trở nên tiếp thu, nó được Bản thể điều khiển và chỉ Bản thể mới có thể làm được điều đó.
Hỏi: Thưa thầy, vậy thì cách nào là khả thi nhất?
Đáp: Những gì khả thi nhất là những gì thông thường nhất. Mặc dù nhiều người nói rằng cái này thì ai mà chẳng biết là như thế, nhưng thầy lại nghĩ rằng hiểu biết này là ít thông dụng nhất. Tất nhiên, nếu một tên trộm đến đây và bạn mở cửa cho anh ta vào, thì bạn đang phạm phải một điều rất vô lý, nhưng nếu một người anh em đến và gõ một cách nhịp nhàng và nhịp nhàng lên cánh cửa đó thì bạn lại sẵn lòng mở cửa cho anh ta. Ngoài ra, Nếu một người ất ơ nào đó đến và mang theo một chút cảm xúc tiêu cực, [ví dụ như ông ấy] đang bị phấn khích vì đã tìm được một người phụ nữ để thỏa mãn dục vọng của mình, một người để tà dâm cùng ông ấy và ông ấy bắt đầu nói về nội dung khiêu dâm mà thầy lại hớn hở mở cửa cho ông ấy thì thầy đang mở cánh cửa cho một cảm xúc tiêu cực. Nếu một người nghiện hút cần sa nói với thầy rằng điều đó rất tốt, rằng nhờ cần sa mà anh ta đã có được những nhận thức nọ kia, rằng anh ta thậm chí đã nhận được những thông điệp đến từ một thế giới khác hay từ đâu chẳng rõ. Và rồi anh ấy phấn khích nói với thầy là “cứ thử đi” và thầy thử thì thầy đúng là một tên ngốc, phải không? Thầy đã mở ra cánh cửa cho cảm xúc tiêu cực. Điều này là rõ ràng, không cần phải phức tạp hóa mọi thứ.
Hỏi: Thưa thầy, điều này có nghĩa là nếu ai đó bình luận về một người khác dù tốt hay xấu thì có nghĩa là người ta đang sai à? Vì những người hay chỉ trích không chuyển hóa những ấn tượng này?
Đáp: Ừ, chẳng ai có lý do gì để phải lo cho người khác, tốt hay xấu gì đi chăng nữa, mỗi người mỗi việc. Vì vậy, sẽ tốt hơn nếu tôn trọng cuộc sống của người khác và không mở cửa tiếp nhận cảm xúc tiêu cực, bởi vì điều đó thật ngớ ngẩn.
Hỏi: Thưa thầy, thay vì hình đại diện tiêu cực hoặc tích cực, chúng ta phải dựa trên cái gì để hành động?
Đáp: Bây giờ ta phải rèn luyện, không có sự lựa chọn nào khác. Để bắt đầu, từ bây giờ chúng ta phải tập trung vào để rèn luyện bản thân mình. Ngày mà ta loại bỏ được các cấu trúc tâm lý, ngày mà ta loại bỏ được các hình Biểu tượng trong Tâm, thì ngày đó mọi thứ sẽ thay đổi, ngày đó ta sẽ mở lòng mình, ngày đó ta sẽ nhận được những tia sáng đến từ những phần cao hơn của riêng Bản thể mình, ta sẽ là một cá nhân mẫu mực. Hãy bắt đầu rèn luyện ngay bây giờ!
Hỏi: Thưa thầy, khi một người đang rèn luyện và đã thành công trong việc không bị đồng nhất với một số nhận thức nhất định, thì việc này có phải là sản phẩm của khả năng tự quan sát không?
Đáp: khả năng tự quan sát của bản thân phát triển khi người ta sử dụng nó. Rõ ràng là cần phải sử dụng nó, bởi vì một cơ quan mà không được sử dụng thì sẽ bị teo đi. Khi người ta cẩn thận tự quan sát, khả năng tự quan sát tâm lý tuyệt vời đó sẽ được kích hoạt. Nhưng chúng ta phải nói rằng, ta phải tự quan sát những sai lầm của chính mình trong trạng thái canh gác của một người tu hành. Khi một người quan sát chính mình, khả năng tự quan sát tâm lý sẽ phát triển.
Hỏi: Chúng ta có nên luyện tập để đánh thức các khả năng siêu việt ngay bây giờ khi [cái Tôi] vẫn chưa chết?
Đáp: Điều quan trọng nhất là khả năng Tự Thăm dò Tâm Lý Bản Thân Để Khám Phá Bản Thân. Trong khả năng Khám phá về Bản thân cũng có Tự Soi sáng. Khi một người thừa nhận rằng anh ta có một Tâm lý cá nhân, riêng biệt, thì anh ta sẽ bắt đầu tự quan sát những sai lầm của chính mình. Khi một người phát hiện ra rằng mình có sai lầm, người đó phải cố gắng hiểu nó một cách sâu sắc ở tất cả các cấp độ của Tâm. Khi một người đã hiểu ra lỗi thì người ta có thể đủ khả năng để khử nó thành cát bụi vũ trụ với sự trợ giúp từ Rắn lửa của sức mạnh siêu việt trong chúng ta. Thầy đang nhấn mạnh đến Devi Kundalini Shakti, nảy ra và phát triển trong cột sống. “Trước hết hãy tìm kiếm vương quốc của Đức Chúa Trời và Công lý của Ngài, như vậy mọi thứ khác sẽ được ban thêm cho bạn”. (Ma-thi-ơ 6:33 – Kinh Thánh).
Hỏi: Liệu một hình biểu tượng tâm trí có thể là nguồn gốc của một cấu trúc tâm lý không?
Đáp: Đừng nhầm lẫn các khái niệm với nhau. Hình biểu tượng Tâm lý là một chuyện và cấu trúc tâm lý là một chuyện khác. Các hình Biểu tượng Tâm lý lúc nào cũng tồn tại trong từng giây từng phút. Bản thân bạn ở đây, trong những khoảnh khắc này, mang trong mình đầy những hình biểu tượng Tâm trí. Những hình biểu tượng trong tâm trí có thể bị thay đổi, hay trở thành những con quỷ xấu xa, nhưng các con quỷ đó vẫn là những hình biểu tượng. Không có biểu tượng nào có thể làm nảy sinh một cấu trúc tâm lý mới, hình biểu tượng thuộc về một khía cạnh của tâm, còn cấu trúc tâm lý lại thuộc về một khía cạnh khác.
Hỏi: Thưa thầy, phương pháp cần thiết để loại bỏ một con quỷ xuất phát từ hình biểu tượng có giống phương pháp ta phải thực hiện để loại bỏ các cái Tôi không?
Đáp: Rõ ràng là như vậy. Nếu một người thỉnh cầu phép thần thông từ thần rắn lửa của mình để loại bỏ một số hình biểu tượng nhất định thì người đó có thể nhận được sức mạnh đó ngay lập tức và những hình biểu tượng đó sẽ bị biến thành cát bụi vũ trụ. Tâm phải trong sáng, tự tại, phải là một Ngôi đền không có chuồng ngựa dơ dáy, nơi chỉ có ngọn lửa Bát nhã rực cháy, tức là ngọn lửa của Bản thể.
Hỏi: Thưa thầy, vậy thì các Hình biểu tượng là sản phẩm của các cái Tôi, đúng không?
Đáp: Không phải vậy, thầy đã nói đừng lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia, rằng Hình biểu tượng là một chuyện và cấu trúc tâm lý là một chuyện khác. Cũng như trong thế giới của các giác quan, các đối tượng là nền tảng, bởi vì thực sự các đối tượng nằm trong thế giới của các giác quan. Thế giới của Tâm trí cũng như thế. Các hình đại diện bên trong Tâm trí thường là một mớ hỗn độn khủng khiếp, cả tích cực lẫn tiêu cực.
Hỏi: Thưa thầy, vậy thì những Hình biểu tượng xuất hiện trong lúc chúng ta đang cố gắng tập thiền là như thế nào? Nếu chúng đại diện cho những nhân vật rất linh thiêng đối với chúng ta thì sao?
Đáp: Nói chung, khi một người đang Thiền thì sẽ có nhiều hình đại diện đến với Tâm trí, nhưng nếu nếu phân tích câu hỏi này thì ta phát hiện ra rằng những hình đại diện đó được gắn vào trong Tâm trí, rằng chúng đã luôn ở đó. Chúng ta cần phải giải phóng bản thân, Tâm trí phải trong sạch để có thể nhận được các thông điệp đến từ bên ngoài, thông qua các Trung tâm cao cấp, thay vì nhận được những Hình biểu tượng. Các thông điệp đến từ bên ngoài là một chuyện và các tư tưởng xấu đến với Tâm trí, các Hình biểu tượng là một chuyện khác.
Hình biểu tượng là một chuyện và thông điệp là một chuyện khác. Thầy nhắc lại là những thông điệp đến từ các phần cao hơn của Bản thể, tới Tâm trí cao cấp hay còn gọi là Tâm trí sáng suốt. Chúng có một hương vị mới, chúng vượt ngoài thời gian. Chúng ta phải mở lòng mình để đón nhận cái mới. Trái lại các Hình biểu tượng không bao giờ có một hương vị mới, các hình đại diện bị mắc kẹt trong thời gian.
Hỏi: Thưa thầy, khi một Hình biểu tượng xuất hiện trong một bối cảnh nào đó và một người không đồng nhất với nó, thay vì đó sẽ quan sát Hình biểu tượng đó. Chúng ta nên hiểu ý này như thế nào? Ta sẽ nhận được kết quả gì?
Đáp: Ừ thì một Hình biểu tượng lúc nào cũng thế thôi. Nói chung, trong khi ngủ thì luôn có những Hình biểu tượng theo kiểu chủ quan, không mạch lạc, mơ hồ, không chính xác. Nếu người đó không đồng nhất hoặc gắn kết bản thân với Hình biểu tượng như vậy, thì anh ta chỉ quan sát chúng và bằng cách quan sát như vậy thì anh ta mới hiểu được và biết các Hình biểu tượng đó là gì. Thông thường chúng có liên quan đến nhiều lỗi lầm từ quá khứ, nhưng cần phải phân biệt rõ ràng giữa Hình biểu tượng và cấu trúc tâm lý. Người ta có thể có trong Tâm trí những hình biểu tượng của tất cả những người bạn tình của họ, đó là những Hình biểu tượng mà sớm muộn gì cũng phải loại bỏ. Các cấu trúc tâm lý là một cái gì đó khác, các cấu trúc tâm lý hiện thân cho những khiếm khuyết của chúng ta. Hình biểu tượng là những dạng suy nghĩ đơn giản. Đại diện cho một viên đá, đại diện cho một người nào đó, đại diện cho một con vật, là những hình thức đơn giản. Chúng ta phải có một tâm hồn tự do, ngôi đền Tâm trí phải sạch sẽ, thanh tịnh.
Hỏi: Thưa thầy, ta có thể dùng cùng cách đã dạy liên quan đến việc chuyển hóa các ấn tượng tâm lý để loại bỏ những Hình biểu tượng không?
Đáp: Ta nên cố gắng hiểu một hình đại diện trước khi loại bỏ nó theo cách tương tự như chúng ta làm đối với các cấu trúc tâm lý. Khi hiểu rằng một biểu tượng chẳng qua cũng chỉ là một hình tướng trong Tâm thì ta phải loại bỏ nó đi. Nhưng trước hết ta cần phải hiểu nó, và sau đó dùng ngọn lửa siêu việt của con Rắn lửa để loại bỏ chúng đi.
Hỏi: Thưa thầy, khi có sự chuyển hóa của các ấn tượng tâm lý thì các Hình biểu tượng có còn xuất hiện không?
Đáp: Người ta có thể làm tiêu tan một số ấn tượng tâm lý nhất định nhưng không thể ngăn chặn sự tồn tại của những Hình biểu tượng đã bị găm vào tâm trí. Ta phải cố gắng hiểu để sau đó loại bỏ chúng.
Hỏi: Ở mức độ nào thì một trải nghiệm trong các thế giới nội tâm là một Hình biểu tượng trong tâm trí?
Đáp: Cứ khi nào cái Tôi còn tồn tại thì việc khám phá trong không gian tâm lý sẽ không diễn ra một cách hoàn hảo. Không ai có thể biết thế giới bên trong của Trái Đất nếu họ không biết thế giới bên trong của họ trước. Không ai có thể biết thế giới bên trong của hệ Mặt Trời nếu họ không biết thế giới bên trong của chính họ trước. Không ai có thể biết thế giới bên trong của dải Ngân Hà nơi ta đang sống nếu trước tiên chúng ta không biết thế giới nội tại riêng biệt của chính mình. Chừng nào cái Tôi còn chưa tan rã hay khi các hình biểu tượng xuất phát từ các giác quan thô sơ còn chưa bị xóa bỏ thì con người ta vẫn chưa hoàn toàn có thể nghiên cứu tâm lý trong không gian tâm lý mà chúng ta đang sống.
Hỏi: Ta có thể xuất hồn ra ngoài cơ thể chỉ với 3% Ý thức được không?
Đáp: Thầy đã nói rõ ràng rằng chỉ với 3% Ý thức thì không ai có thể trở thành nhà nghiên cứu có năng lực hiểu biết những gì xảy ra trong không gian tâm lý của chúng ta. Trước hết, con người cần tăng tỷ lệ Ý thức để trở thành những nhà nghiên cứu lý tưởng thực sự về không gian tâm lý. Vì vậy, chúng ta cần phải thường xuyên khám phá tâm lý bản thân hàng ngày cho đến khi chúng ta phát hiện ra những sai lầm của mình và tiêu trừ chúng thành cát bụi vũ trụ. Chỉ có như vậy ta mới có được ý thức về Bản thể. Chúng ta cần gạt bỏ cái mớ lý thuyết của mình, những lý thuyết quá mơ hồ, quá nhiều mâu thuẫn vô ích, để ta có thể trở thành những con người tỉnh thức.
Nhân danh sự thật, chúng ta phải nói rằng cõi tư tưởng là kho chứa của tất cả các hình thái của Tâm trí trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Do đó, nếu chúng ta muốn hiểu điều gì đó về cái Tôi và các Hình biểu tượng thì ta phải nghiên cứu kỹ lưỡng và sâu sắc về cõi tư tưởng tự nhiên hay còn gọi là cõi lý trí phổ quát. Nhiều anh em chưa hình dung được rõ ràng sự khác nhau giữa cái Tôi và các Hình biểu tượng.
Sự khác nhau giữa cái Tôi và các Hình biểu tượng
Chúng ta đã nhấn mạnh rằng các cấu trúc tâm lý cùng gộp vào nhau như một khối, tạo thành thứ được gọi là cái Tôi. Mỗi cấu trúc tâm lý là hiện thân của một khiếm khuyết tâm lý. Chúng ta cũng đã nói rằng trong mỗi cấu trúc tâm lý có một phần nhất định của tâm thức nội tại. Chúng ta đã làm sáng tỏ rằng bằng việc làm tan rã những cấu trúc tâm lý này, chúng ta sẽ giải phóng cho phần tâm thức đó. Chúng ta đã có những phương pháp để thực hành.
Ta đang thêm một khái niệm mới vào trong bài nói chuyện của chúng ta về cấu trúc tâm lý. Thầy đang nói rõ ràng và cụ thể về chủ đề các Hình biểu tượng.
Giữa cấu trúc tâm lý và hình đại diện thì có sự khác biệt nào? Tiếp theo, chúng ta sẽ nghiên cứu về câu hỏi đó.
Nói riêng về bối cảnh của cuộc sống thực tiễn, con người chỉ là một con người, một đối tượng của giác quan. Các Hình biểu tượng tâm lý hoặc hình ảnh tâm lý mà chúng ta có về một người nào đó là một cái gì đó khác, tương tự như sự khác biệt giữa một người và bức ảnh của anh ta. Người là người còn ảnh của anh ta là ảnh của anh ta, là hình biểu tượng của anh ta, những gì đại diện cho anh ấy. Có những bức ảnh tâm lý, những bức ảnh này là một chuyện còn con người thực sự thì lại là một chuyện khác.
Bức ảnh tâm lý trở thành biểu tượng của con người ấy. Các cấu trúc tâm lý cấu thành nên cái Tôi, nhưng các Hình biểu tượng lại chính là sự phản chiếu của các đối tượng trong thế giới các giác quan.
Trong các cõi siêu việt, các cõi nội tại, trong cõi tư tưởng, những hình biểu tượng như vậy được Bạch Đại Hội Quán gọi là Hình nộm. Có hàng triệu hình nộm tâm lý như vậy. Thầy sẽ kể lại một trường hợp cụ thể về việc tạo ra hình tượng hay còn gọi là hình đại diện. Trước đây nhiều năm thầy vẫn còn thói quen xấu đi xem phim ở rạp. Khoảng 20 năm trước, thầy đi xem một bộ phim có “mùi vị” khá là dâm đãng, một cặp đôi xuất hiện, v.v., v.v. Thầy xem hết bộ phim rồi quên bẵng nó đi, thầy không nghĩ gì đến bộ phim đó nữa. Tuy nhiên, trong cõi tư tưởng thì mọi chuyện lại khác.
Ở cõi đó, thầy vào trong một quán khá trang nhã (trong Cơ thể Tư tưởng). Thầy ngồi ở một cái bàn và bên cạnh thầy có một phụ nữ rất tao nhã. Cô đó giống y như người phụ nữ mà thầy đã thấy trên bộ phim: nét mặt giống, dáng đi giống, phong cách nói cũng giống, v.v., v.v. Hiển nhiên rằng đó là một Hình biểu tượng của tâm trí, một hình đại diện của hình trên màn hình chiếu đó mà đã được gửi vào trong Cơ thể Tư tưởng của thầy. Thầy đã có một cuộc giao lưu kiểu âu yếm với “Cô gái Tư tưởng” đó mà không là gì hơn một Hình biểu tượng. Tất nhiên rằng đó là sai lầm nghiêm trọng. Thầy đã tạo ra Hình biểu tượng, hình nộm đó.
Ngay lúc đó thầy đã buộc phải xuống cõi cảm xúc. Một lúc sau thầy thấy mình ở trong một đền thờ vĩ đại, đứng trước một bậc thầy vĩ đại và một nhóm các bậc thầy khác.
Mặc dù việc này đã xảy ra khoảng 20 năm trước nhưng thầy vẫn còn nhớ rằng Bậc thầy đó đã đưa cho thầy một tờ giấy viết tay. Trong đó có ghi: “Hãy ra khỏi đền thờ này, nhưng với INRI [6]” nghĩa là, phải giữ ngọn lửa thiêng, vì thầy đã không đến nỗi tà dâm hay làm bất kể điều gì kiểu như thế nhưng đúng là [cuộc giao lưu với phụ nữ đó] đã có một khía cạnh tình ái, mọi việc là như vậy.
[6] INRI – Theo nhiều trường phái huyền học, INRI là viết tắt của câu tiếng Latin: Ignis Natura Renovatur Integra, tạm dịch “Lửa tái tạo toàn bộ tự nhiên”. Bên cạnh đó, trong kinh thánh chữ INRI được khắc vào một biển ở trên cây thánh giá của Chúa Giê-su, với ý nghĩa “Iēsus Nazarēnus, Rēx Iūdaeōrum” – “Giê-su thành Nazareth, Vua của người Do Thái”.
Với cảm giác hối lỗi trong lòng, thầy đã hiểu ra sai lầm của mình. Thầy đi ra ngoài cổng ra vào của Đền thờ Vĩ đại đó, nhưng trước khi ra ngoài thầy quyết định quỳ xuống trên một prie-dieu [7] ở đó, trước một vị thầy tư tế đang đứng bên cửa và cầu xin sự tha thứ. Ngay lập tức, bậc thầy kia, người đã đưa lá thư cho thầy (thầy tư tế đó chính là Vệ sĩ của đền thờ) lại đến và nói với thầy: “Này ông, tôi đã bảo ông đi ra ngoài. Hãy tuân lệnh!”
[7] prie-dieu – (tiếng Pháp) vật nội thất được sử dụng để đỡ người khi quỳ xuống để cầu nguyện.

Ảnh minh họa bởi Antonio Guzman Capel
“Vâng. Nhưng tôi muốn nói chuyện với thầy trụ trì”.
“Bây giờ thì không thể. Lúc khác thì được. Bây giờ thầy ấy đang bận việc điều tra một số hình tượng.” (Tức là các Hình biểu tượng). Do đó thầy không còn cách nào khác ngoài việc rời khỏi Đền thờ và thầy đã trở về luôn với cơ thể vật chất với cảm giác rất hối lỗi trong lòng.
Sau khi đã trở về phương tiện dày đặc [là cơ thể vật chất], thầy tập trung ý niệm vào Đức Kitô để cầu xin sự tha thứ. Thầy đã nhận ra lỗi trong việc đi xem phim đó. Thầy hiểu rằng mình đã tạo ra một hình tượng bằng tâm trí và cầu khẩn đến Đấng Thương xót cho phép được làm lại thử thách đó. [Thầy biết rằng lời cầu khẩn đó] đã được lắng nghe vì thầy hối tiếc thực sự trong trái tim. Đêm hôm sau [khi xuất hồn] trong cơ thể tư tưởng thầy đã được dẫn đến đúng chỗ hôm trước, cũng cái bàn đó, với các cái ghế đó bên cạnh bàn và đang ngồi trước thầy chính là người phụ nữ đó nhưng chỉ là một hình biểu tượng tâm trí. Khi hành động “tán tỉnh” bắt đầu giống như tối hôm trước thì thầy nhớ đến ý định sửa đổi lỗi lầm của mình và rút ngay thanh gươm rực lửa để đâm xuyên qua “người phụ nữ tư tưởng” đó. Rồi nó tan rã, vì nó chỉ là một dạng tư tưởng. Ngọn lửa của thanh gươm đã cho phép thầy phá hủy [hình tượng] đó, và nó đã bị khử thành tro bụi ngay lập tức.
Sau khi kết thúc công việc này, thầy lại đi xuống cõi cảm xúc. Thầy nhập vào trong Cơ thể Cảm xúc. Với “phương tiện” này, thầy đi vào trong Đền thờ vĩ đại đó giống như đêm hôm trước. Thầy được chào đón một cách rất vui vẻ, thầy được ca tụng, và thầy cũng rất hạnh phúc. Sau đó, Đức Phật nội tâm [hay còn gọi là Đức Phật Intimo] đã chỉ dạy cho thầy một cách sâu sắc. Ngài đã dẫn thầy đến rạp chiếu phim trong cơ thể tư tưởng để chỉ cho thầy biết các rạp đó như thế nào. Rồi thầy nhìn thấy rằng chúng đầy rẫy các con ký sinh trùng cõi cảm xúc, đầy rẫy các hình tượng được tạo ra bởi những người đi xem phim. Đó là những dạng tư tưởng bị lưu lại trong những hang ổ phép thuật đen đó.
Đức Phật nội tâm của thầy đã chỉ dạy về các mối nguy hiểm trong việc đến rạp chiếu phim. Ngài bảo rằng, “Thay vì đi xem phim ở rạp, con nên tập trung vào việc nhìn lại các kiếp trước của mình”. Sau đó ngài đã làm cho thầy nhìn lại vài trang [kiếp trước]. Rồi ngài lấy ra một thanh gươm, bẻ gãy nó và bảo:
“Nếu con cứ tiếp tục đi đến những ‘hang phép thuật đen’ đó thì cuối cùng con cũng có thể bị như thế, đánh mất thanh gươm của mình”.
Thầy trả lời: “Thưa Ngài, con sẽ không quay lại các hang đó nữa”. Và thầy đã không quay lại.

Do đó, nhiều năm đã trôi qua mà thầy không quay lại [các rạp chiếu phim]. Tuy nhiên, thầy phải thú nhận, vì thầy không thể nói dối bản thân, rằng có một lần thầy đã đi xem một bộ phim về ngày tận thế. Đó là bộ phim nói về Michel de Nostradamus. “Được rồi”, thầy đã nói [với bản thân], “phim này có vẻ không xấu lắm. Chủ đề là Nostradamus, về ngày tận thế” và thầy đã đi. [Bộ phim đó] nói về Nostradamus và các “thế kỷ” [8] của ông. Thầy không biết các bạn có biết gì về chủ đề đó hay không. Thầy thấy bộ phim đó rất lành mạnh. Tuy nhiên, lần này thầy đã không bị khiển trách vì đã đi xem bộ phim về thời đại của Nostradamus, về “các Thế kỷ” (được viết bởi Nostradamus) và các lời tiên tri của ông. Thầy đã không dám quay lại đó bởi thầy không muốn người ta lại véo tai mình vì đã tự đẩy bản thân vào tình thế bất lợi.
[8] Thế kỷ của Nostradamus – từ gốc (tiếng Tây Ban Nha: centurias) chỉ tác phẩm “Những lời tiên tri” của Michel de Nostredame. Trong đó, mỗi chương nói về một thế kỷ (tiếng Pháp: centurie).
Thầy đã không bao giờ quay lại [rạp chiếu phim] để xem các bộ phim ướt át đó, ý là các bộ phim với nhiều nội dung gợi tình, phim khiêu dâm và các thể loại phim như thế. Bộ phim về Nostradamus là một trường hợp ngoại lệ; thế thôi. Dù thế nhưng thầy vẫn nhận ra rằng việc đi vào các hang đó là nguy hiểm vì có rất nhiều các con ký sinh trùng cõi cảm xúc. Chúng chỉ toàn là những dạng tư tưởng, hình tượng, [có hình dáng] của con người, những tên cướp, v.v. được tạo ra từ tất cả mọi thứ mà người ta nhìn thấy trên màn hình.

Những người đã khuất thường lãng phí rất nhiều thời gian ở Devachan[9]. Thầy không thể phủ nhận với bạn rằng Devachan là một nơi hạnh phúc, chỉ có vui vẻ và hạnh phúc, nhưng những Hình biểu tượng của cuộc sống dễ chịu ở Devachan đối với những người đã khuất chỉ là hình tượng sống của người thân, họ hàng, bạn bè của họ mà họ đã để lại trên Trái Đất. Nói một cách dễ hiểu, các hình thức của Devachan là các hình biểu tượng sống hoặc hình nộm sống. Chúng nó có bản chất phi tự nhiên, đó là lý do tại sao thầy nói rằng họ lãng phí rất nhiều thời gian ở Devachan, nhưng họ hạnh phúc ở chốn đó, họ cảm thấy những người thân yêu mà họ đã bỏ lại trên Trái đất có thể đồng hành với họ. Họ thậm chí không nhận ra từ xa rằng thế giới hạnh phúc này chỉ là những hình nộm của tâm trí. Nếu họ nhận ra điều đó được thì tất cả Devachan sẽ biến mất đối với người ta.
[9] Devachan (Tiếng Tây Tạng: བདེ་བ་ཅན་, Wylie: bde ba can, Tiếng Bắc Phạn: sukhāvatī) – theo Phật giáo Tịnh Độ thì sukhāvatī là Tây Phương Cực lạc. Tuy nhiên, cách tác giả sử dụng từ “Devachan” ở trên theo định nghĩa của hội Thông Thiên Học, khác với định nghĩa của Tây Phương Cự lạc trong Phật giáo Tịnh Độ. Từ điển Thông Thiên Học của H. P. Blavatsky định nghĩa Devachan như sau: “Devachan là cõi của các vị trời. Một trạng thái ở giữa hai kiếp người, là nơi Đơn Tử hay còn gọi là Atman-Buddhi-Manas đến sau khi tách ra khỏi Kama-Rupa và sau khi đã ra khỏi Kamaloka“.
Trong tâm trí của mỗi người chúng ta có nhiều Hình biểu tượng của bạn bè, người thân, họ hàng và những người quen của chúng ta. Rõ ràng là, nếu ai đó nói với chúng ta điều gì đó về người quen của mình, v.v., và chúng ta thay đổi quan niệm về họ, thì hình tượng đó sẽ bị thay đổi, tức là các hình nộm trong tâm trí bị thay đổi, chúng ta có thể nói như vậy. Khi bị thay đổi thì các đặc tính mới như hành động bạo lực, hành động trộm cắp, tính bất lương, tức giận, v.v. sẽ tấn công vồ vập chúng ta rồi trở thành một trở ngại cho việc tu tập của chúng ta.
Trong những lúc này, thầy nhớ đến Rabinil. Nghe tên thì tưởng đó là một người đàn ông nhưng thực ra lại là một phụ nữ, một phụ nữ ở Tây Tạng. Cô ấy đã dùng ý chí của mình để tạo ra một Hình biểu tượng, một hình nộm trong tâm lý. Cô ấy đã kết tinh được hình nộm đó dưới hình dáng vật chất của một nhà sư Tây Tạng. Rõ ràng là khi có người gõ cửa thì nhà sư sẽ đi ra mở cửa thay vì cô ấy; mọi người sẽ nhìn thấy ông ấy trong một cơ thể vật chất. Cô ấy có đủ sức mạnh để hiện thực hóa nó như vậy đấy [10].
[10] Tạo ra Hình biểu tượng sống – Câu chuyện này được ghi lại trong chương 6 của tác phẩm “Magic and Mystery in Tibet” bởi Alexandra David-Neél. Cô David-Neél gọi loại hình biểu tượng sống này là “tulpa”” hoặc là “sprulpa”. Trong thời gian gần đây có những diễn đàn xuất hiện trên mạng internet để trao đổi thông tin về việc tạo ra Tulpa. Chúng tôi không khuyến khích độc giả thực hành các phương pháp đó.
Sau một thời gian nhất định thì hình nhân đó, hình đại diện mà cô ấy đã cố tình tạo ra sẽ bắt đầu thể hiện những tính cách nguy hiểm. Nó không còn nghe lời cô nữa, nó muốn làm gì thì làm, nó bắt đầu tấn công tất cả mọi người, ngay cả chính cô ấy. Và tất nhiên là cô ấy rất sợ hãi. Tất cả mọi người trong tu viện đã phải phối hợp với nhau để tận tâm tiêu diệt hình nộm đó. Mặc dù họ là những chuyên gia thực sự về thế giới tâm lý nhưng họ đã phải mất khoảng sáu tháng làm việc liên tục để giải thể hình nộm đó vì nó đã được vật chất hóa quá mạnh mẽ. Đó là quá trình vật chất hóa một hình nộm tâm lý.
Chúng ta không được để tâm đến những Hình biểu tượng tiêu cực, bởi vì điều này có hại. Chúng ta chỉ nên mở cửa tiếp nhận những ấn tượng tích cực. Nếu chúng ta tiếp nhận những ấn tượng tiêu cực, hay những lời đàm tiếu của ai đó hoặc chúng ta nói những điều chống lại một ai đó mà ta đang bận tâm, thì hậu quả sẽ nguy hiểm. Hình nộm tâm lý hay còn gọi là biểu tượng tâm lý mà chúng ta mang trong mình có thể bị thay đổi bởi những ấn tượng tiêu cực ấy. Sau đó một hình nhân như vậy sẽ nhận lấy các đặc tính nguy hiểm, và quay lại chống phá chúng ta, tấn công chúng ta một cách dữ dội. Rõ ràng là chúng ta mang theo vô số hình đại diện và tất nhiên bất kỳ hình đại diện nào trong số đó mà bị thay đổi đều sẽ trở thành một kẻ thù bên trong nguy hiểm hơn so với các kẻ thù vốn có.
Thưa anh em, chúng ta phải nên suy ngẫm về điều này, chúng ta nên học cách sống thông minh. Chỉ bằng cách đó thì chúng ta mới tiến bước được trên con đường mà sẽ dẫn ta đến sự giải thoát cuối cùng. Chúng ta cần phải chăm sóc tâm trí. H. P. Blavatsky đã nói: “Trí óc mà làm nô lệ cho các giác quan sẽ khiến cho Tâm hồn trở nên vô giá trị như một con thuyền lạc dòng trôi theo gió…”. Chúng ta cần kiểm soát các giác quan và Tâm trí. Các ý tưởng linh tinh, các suy nghĩ, chui vào chiếc lồng của Tâm trí, của sự hiểu biết và chúng làm hại ta. Ở đây thầy đang nói đến các Hình biểu tượng tiêu cực. Bây giờ các bạn sẽ hiểu rõ hơn những gì thầy đang nói, rằng bạn phải kiểm soát các giác quan và Tâm trí. Bạn đi ra ngoài đường và đột nhiên bạn nhìn thấy một tạp chí khiêu dâm ở góc phố, bạn bắt đầu đọc những thứ tục tĩu trong đó. Kết quả là một Hình biểu tượng mới trong tâm trí được tạo ra. Biểu tượng mới này nhập vào Tâm trí là một điềm báo dữ giống như một con quạ[11] bay vào nhà. Nó gây hại và củng cố những cảm xúc tiêu cực và dục vọng.
[11] Chim quạ – bản gốc: “con chim điềm báo dữ”.

Do đó, ta phải kiểm soát được các giác quan. Thật không may là mọi người thậm chí còn không nhớ đến việc phải kiểm soát các giác quan và Tâm trí, và điều đó là rất nghiệm trọng. Thay vì đọc những tạp chí khiêu dâm vô bổ, chẳng có lợi ích gì ngoài việc tạo ra những hình nộm tâm lý mới, thì ta nên học những cuốn sách về trí tuệ, học sách Thánh, v.v. Không còn nghi ngờ gì nữa, trí tuệ đích thực của điểm đạo sẽ trở thành Lửa và cuối cùng sẽ tạo thành sức mạnh. Này những người anh em thân mến của thầy, như thầy đã nói với các bạn, Trí tuệ thực sự, trí tuệ bí ẩn rồi sẽ trở thành lửa, Lửa thiêng, Lửa vũ trụ. Thầy muốn các bạn hiểu rằng những người học giả mọt sách thực sự không biết gì về nguyên tố lửa. Không ai biết nguồn gốc của nguyên tố này. Chúng ta đánh một que diêm và tạo ra một ngọn lửa. Bất cứ ai cũng sẽ nói với chúng ta rằng nó là sản phẩm của quá trình đốt cháy. Không phải vậy. Trước khi có sự đốt thì lửa bên trong cánh tay đã tồn tại để có thể di chuyển, đó là điều hiển nhiên. Và sau khi đốt thì lửa sẽ bùng lên. Thầy muốn nói rõ hơn là, đối với que diêm đó, khi vỏ bọc bên ngoài bị phá hủy, khi chất tạo ra ngọn lửa tiềm ẩn bị phá hủy, thì ngọn lửa sẽ bốc lên bề mặt.
Điều thực sự mà chúng ta quan tâm không phải là ngọn lửa vật chất mà là bản chất của ngọn lửa trong cõi cảm xúc, tức là Lửa của ngọn lửa, ánh lửa của ánh lửa [12]. Chúng ta có thể nói rằng sức mạnh rực lửa, sức mạnh của đức Kitô, là Ngôi lời Dương tính. Và đó là điều chúng ta quan tâm. Chúng ta biết rằng trí tuệ thực sự sẽ trở thành lửa dương tính. Tuy nhiên, lửa ở trong thế giới vật chất là một thứ và lửa ở trạng thái chưa được hình thành hay còn gọi là lửa ở thế giới căn nguyên tự nhiên hay là Chaos [13], lại là một chuyện khác. Ở đó, chúng ta gặp trực tiếp các Vị Thần của Ngọn lửa, là Lửa thực sự. Và chúng ta thấy rằng sức mạnh đó nằm ở trong Chaos, sức mạnh điện tính sáng tạo này tạo ra tất cả sự sống trong Vũ trụ. Đó là những gì chúng ta thấy trong các không gian cao hơn của sự Tạo hóa Vũ trụ. Ngọn lửa tiềm năng này là một điều kỳ diệu.
[12] Lửa của ngọn lửa – khái niệm này giống chủ nghĩa duy tâm của Platon. Trước khi một vật thể có thể tồn tại trên thế giới vật chất thì nó phải tồn tại trên các cõi siêu việt: phải có nguyên nhân trong cõi căn nguyên, phải tồn tại về mặt tư tưởng trong cõi lý trí và phải có bản chất trong cõi cảm xúc. Đó không chỉ là giả thuyết của triết học cổ xưa; chúng ta có thể thực chứng những điều này trong lúc thiền.
[13] Chaos (tiếng Hy lạp: χάος) – Khoảng không vĩ đại, vực thẳm, không gian vô hạn. Trong thần thoại Hy Lạp vũ trụ xuất phát từ một khoảng không tiềm năng được gọi là Chaos. Hãy so sánh với câu đầu tiên trong bài Thái Cực Quyền Luận như sau: “Thái cực giả, Vô cực nhi sinh, Âm Dương chi mẫu dã.” (Thái cực sinh ra từ Vô cực, là mẹ của Âm, Dương.) Ở đây chúng ta thấy “Thái cực” giống “Chaos”, là một trạng thái tiềm năng trước khi sinh ra các hiện tượng của năng lượng âm và dương.
Vì tất cả những lý do này cùng với nhiều nhiều lý do khác, các bạn sẽ thấy sự cần thiết của giáo lý này, của trí tuệ này hay còn gọi là Khoa học vũ trụ phổ quát này, sự cần thiết của việc học Gnosis. Chỉ có hiểu biết này mới liên quan đến các khía cạnh của Bản thể. [Chỉ có trí tuệ] đó mới có thể trở thành Lửa, Lửa sống của triết học[14].
[14] Ngày xưa từ “triết học” (tiếng Anh: Philosophy) chỉ một con đường tu hành trọn vẹn, bao gồm khí công, thiền, và việc luyện tập phép thần thông.
Người ta đã nói nhiều điều về các vị Phật. Không nghi ngờ gì nữa là có các vị Thiền-Phật[15] và các vị Phật Hiện thân. Nhưng các vị đó đã chinh phục Tâm trí, đã phá hủy cái Tôi, không gieo rắc cảm xúc tiêu cực vào trái tim họ, không tạo ra những hình nộm tinh thần trong tâm trí của chính mình hoặc trong tâm trí của người khác. Hãy nhớ đến Tsong Khapa, ngài chính là Đức Phật Gautama tái sinh ở Tây Tạng.

[15] Thiền-Phật (tiếng Phạn Dhyani-Buddha) – Hãy tham khảo “Ngũ Trí Như Lai” hay là “Ngũ Thiền Định Phật”.
Đức Phật A-di-đà [Amitabha] là trường hợp khác. Ngài là nguyên mẫu thần thánh thực sự của Đức Phật Thích Ca. Phật A-di-đà là Thiền-Phật còn Phật Thích Ca thì ta sẽ gọi là Đức Phật hiện thế hoặc là Bồ Tát. Chúng ta không thể phủ nhận rằng đức Phật A-di-đà đã thể hiện bản thân một cách rực rỡ qua Đức Phật Thích Ca. Chúng ta không thể phủ nhận rằng sau này đức Phật A-di-đà đã trực tiếp gửi Phật Thích Ca (Bồ Tát hoặc Đức Phật hiện thế) đến một kiếp luân hồi mới. Sau đó thì Ngài thị hiện thông qua Tsong Khapa.
Các vị Thiền-Phật là như thế, họ là những người đã chinh phục Tâm trí, những vị đã thoát khỏi Tâm trí, là Chúa tể của Lửa. Rõ ràng là tất cả các vị Phật này đều thờ phụng Đại Phật, tức là họ thờ kính Ngôi lời [16].
[16] Trong Phật giáo huyền bí cũng như Phật giáo thông thường của phương Bắc, Adi-Buddha, Đấng bí ẩn, không có điểm bắt đầu hay kết thúc, tương ứng với Parabrahm [trong đạo Bà La Môn] hoặc Ain-soph [trong đạo Do Thái và Kitô Giáo huyền bí] phát ra một tia sáng rực rỡ từ ở trong bóng tối. Đó là Ngôi lời (thứ nhất), được gọi là Vajradhara, là Đức Phật tối cao hay còn gọi là Đức Kim Cương Trì [Dorje Chang]. Vì Ngài là Chúa tể của các bí ẩn cho nên Ngài không thể hiện thân, tuy nhiên, Ngài gửi trái tim kim cương (tiếng bác Phạn: Vajrasattva, Tây Tạng: Dorjesempa) vào thế giới hiện thị. Đó là Ngôi lời thứ hai trong tạo hóa. Bảy vị Thiền-Phật (tiếng Bắc Phạn: Dhyani-Buddha) xuất phát từ đó. Các trường phái Phật giáo không thuộc Phật giáo Huyền bí chỉ nói về năm vị Thiền-Phật, được vọi là Anupadaka, tức là “Đấng sinh ra không có cha mẹ”. Các vị Phật này là các Đơn tử nguyên thủy đến từ Vô Sắc giới (tiếng bác Phạn: Arupa-Loka). [Trên Vô Sắc giới] các vị Phật này không có hình dáng hay tên gọi trong các trường phái Phật giáo thông thường nhưng trong Phật giáo huyền bí thì có bảy tên gọi khác nhau.
H. P. Blavatsky – The Secret Doctrine, Vol. I.
Nhân danh sự thật, chúng ta phải nói rằng: chừng nào chúng ta còn là nô lệ của cái Tôi và các Hình đại diện của Tâm trí, thì chúng ta không thể nào đạt tới sự Giải thoát cuối cùng.
Tại sao người chết lại lãng phí thời gian của họ? Thầy nhắc lại, vì họ có các Hình biểu tượng. Những hình này đeo bám họ ở Devachan và mặc dù bề ngoài họ có vẻ đang hạnh phúc nhưng rõ là họ đang lãng phí thời gian một cách thảm hại. Nhân loại nói chung lãng phí rất nhiều thời gian với cái Tôi. Tất cả điều này còn đắng hơn cả mật.
Đã đến lúc ta phải hiểu rằng Ánh sáng trong trạng thái tiềm năng là nền tảng, khát khao sống được chuyển đổi thành Ánh sáng tiềm năng. Ánh sáng tiềm năng này xuất hiện từ sâu thẳm bóng tối của Tính Không. Tất cả chúng ta đều phải khao khát ánh sáng đích thực và rèn luyện với mục đích một ngày nào đó được sinh ra trong Ánh sáng tiềm năng
Ngày nay có rất nhiều các vị Bồ Tát trên thế giới. Thực ra thì trong các thời đại cổ xưa của Trái Đất, trong Thời đại Vàng, Bạc và Đồng, nhiều người đã theo học tại các trường huyền học và trở thành tu sĩ thành tựu. Nói cách khác, họ đã thành Phật. Nhưng khi Thời đại Kali Yuga đến thì cái Tôi đã có một sức mạnh khủng khiếp, nó đã uy hiếp tất cả những Điểm đạo đồ cổ xưa đó vì họ không biết cách sống, họ không vượt qua nổi những cám dỗ. Nếu không phải như vậy thì cái Tôi đã không xuất hiện lại trong họ. Ngày nay có rất nhiều Bồ tát Sa ngã trên Trái Đất. Nếu họ đã biết cách nuôi dưỡng Tâm trí tốt hơn, nếu họ đã làm tan rã cái Tôi và quyết tâm không tạo thêm hình nộm tâm lý thì họ đã lại tiến lên và đã chiến thắng.
Bồ Tát là gì? Đó chỉ đơn giản là một mầm, một hạt giống. Một hạt giống với một vi sinh vật Ê-te mà có thể tự phát triển thành một Thiên thể; hơn nữa nếu một hạt giống như vậy không phát triển thì cơ hội sẽ bị mất đi. Các Đấng hiển vinh đã từng sống ở các nền văn minh Ai Cập, Babylon, v.v., hiện đang nằm tiềm ẩn trong những hạt giống được lưu trữ ở các tuyến nội tiết của một số người.
Nếu hạt giống này mà chứa một sinh vật Ê-te có thể được phát triển thì vị đó sẽ sở hữu hoàn toàn cơ thể của những người này và sẽ là một phước lành cho nhân loại. Đáng tiếc là kẻ thù tồi tệ của tất cả các vị sa ngã đó và của các Tu sĩ bị truất ngôi đó, chính là Tâm trí.
Đó là lý do tại sao thầy đã nhấn mạnh rất nhiều vào sự cần thiết của việc không tiếp nhận vào Tâm trí của chúng ta những ấn tượng tiêu cực mà có thể làm thay đổi các hình biểu tượng và có thể cản trở sự tiến bộ của chúng ta, hướng vào trong và hướng lên trên.
Vì lý do này mà thầy đã nhấn mạnh rất nhiều vào sự cần thiết phải tan rã cái Tôi đã quá được nuông chiều ấy. Vì cái Tôi và Bản thể không tương thích với nhau, đó là điều hiển nhiên.
Thầy hy vọng các bạn đã có thể hiểu được những Hình nộm hay Hình biểu tượng tâm lý trong cõi tâm trí là gì. Trước khi kết thúc bài giảng này, thầy để cho mọi người nói tự do, để những ai chưa hiểu có thể hỏi một cách thoải mái và tự nhiên.
Hỏi: [Sau khi chết,] những hình nộm có quay trở lại [trong kiếp sau] với cái Tôi hay chúng cũng tan rã cùng với Nhân cách?
Đáp: Hình nộm có thể được lưu giữ trong một thời gian cho đến khi chúng dần yếu đi. Đôi khi chúng trở lại, hoặc đôi khi không, nhưng chúng sẽ dần dần yếu đi. Khi một người mất hứng thú với một hình nộm hoặc Hình biểu tượng nào đó thì chúng mất đi sự tiếp tế và dần tan rã.
Hỏi: Thưa thầy, khi một người tạo ra các Hình biểu tượng tốt và xấu thì các hình biểu tượng tốt có tạo thành hình nộm không?
Đáp: Tất nhiên là có những biểu tượng tốt. Có những Hình biểu tượng hoặc hình nộm tích cực và tiêu cực, nhưng chúng chỉ là những hình thức của tâm trí. Khi một người học cách sống [trong hiện tại] trong từng khoảnh khắc thì khả năng tạo ra các hình thức như vậy sẽ biến mất, nhưng nếu một người cứ tiếp tục sống trong thời gian thì các hình nộm cũng sẽ tự hình thành theo thời gian.
Hỏi: Chúng ta cũng phải loại bỏ cả những hình nộm tích cực đó, đúng không?
Đáp: Cả hai [hình nộm tốt và xấu] đều chỉ đơn giản là những hình bóng hư ảo, không thực sự tồn tại và do đó tốt hơn hết là chúng ta nên làm tan rã chúng.
Hỏi: Vậy thì có phải những hình nộm tiêu cực là loại gây hại cho chúng ta nhiều nhất?
Đáp: Rõ ràng là như vậy, đó là loại gây hại cho chúng ta nhiều nhất. Lấy ví dụ về trường hợp một hình nộm tích cực của một người bạn. Hình nộm đó có thể bị biến đổi nếu chúng ta chọn tin theo những lời đồn đại về người bạn đó. Sau đó, một khi hình nộm này đã bị thay đổi thì nó sẽ có hình dạng mới mà chúng ta đã truyền cho nó và tất nhiên, nó sẽ trở thành một kẻ thù bên trong, tấn công chúng ta và có thể khiến chúng ta thất bại.
Hỏi: Như vậy, sự khác biệt giữa Hình biểu tượng và cái Tôi có phải là cái Tôi thì chứa một phần của Tinh chất mắc kẹt bên trong nó còn Hình biểu tượng thì không?
Đáp: Chính xác, Hình biểu tượng không chứa một chút Tinh chất nào.
Hỏi: Thưa thầy, niềm tin hão rằng mình là một học trò Gnosis giỏi thì có phải là một Hình biểu tượng không?
Đáp: Chà, đây là một việc khác. Việc tin rằng mình là một học trò Gnosis giỏi là do cái tôi phù phiếm tạo ra, không có hình nộm, không có Hình biểu tượng nào cả. Họ chỉ cảm thấy mình giống như là bố của thiên hạ, vậy thôi.
Hỏi: Hằng ngày chúng ta đã đang cố gắng thực hành phương pháp để loại bỏ cái Tôi trong thực tế, nhưng để loại bỏ những hình nộm thì ta cần phương pháp nào?
Đáp: Do đó, “ở trên sao thì ở dưới cũng vậy” [17]. Với vũ khí là thanh gươm rực lửa của Vulcan [18, 19], chúng ta có thể làm tan rã kể cả một cái Tôi rất nặng nề, bị chi phối bởi 96 định luật [20], hay là 48, 24, 12 định luật. [Chúng ta cũng có thể làm tan rã các cái tôi bị chi phối] bởi 96 nhân 1, 96 nhân 2, nhân 3, nhân 4, nhân 5, nhân 6, nhân 7, nhân 8, nhân 9. Tuy nhiên, chúng ta cũng vẫn phân hủy chúng bằng việc rèn luyện nỗ lực trong Lò rèn của Cyclops, trong Lò rèn rực lửa của Vulcan. Các Hình biểu tượng thì còn dễ hơn nữa [so với một cái Tôi]! Để phân hủy chúng thì ta không cần quá nhiều sức mạnh, chỉ cần tập trung một chút và làm việc trong Lò rèn một chút là đủ để tan rã một hình nộm rồi.

[17] Ở trên sao thì ở dưới cũng vậy – câu này trích dẫn từ Bản Bích Ngọc (Emerald Tablet) của Hermes Trismegistus. Kỳ Thư Kybalion có nhiều lời giải hay về ý nghĩa của câu này.
[18] Vulcan (Latin: Volcānus hay là Vulcānus) là vị thần của lửa gồm lửa trong các núi lửa, rèn kim loại trong tôn giáo và thần thoại La Mã.
[19] Vũ khí rực lửa của Vulcan – tức là chúng ta rèn luyện với sức mạnh tâm lý của khí lực sinh dục.
[20] Bị chi phối bởi 96 định luật – Theo G. I. Gurdjieff thì các cõi trong vũ trụ tồn tại dưới sự chi phối của các định luật.
Cõi cao thì bị chi phối bởi một số ít các định luật còn cõi thấp thì bị chi phối bởi nhiều định luật hơn. Cõi Vật chất có 48 định luật. Vì thế cho nên một cái Tôi bị chi phối bởi 96 định luật (hoặc 96 nhân 1 định luật) là cái Tôi thuộc về cõi Địa ngục cao nhất. Cõi Địa ngục thứ 2 có 96 nhân 2 = 192 định luật. Càng nhiều định luật thì cuộc sống càng đau khổ. Lý thuyết này được nêu ra trong chương 7 của tác phẩm “In Search of the Miraculous” bởi P. D. Ouspensky”.
Hỏi: Chúng ta phải làm gì với những hình nộm đã được hình thành từ khi còn nhỏ?
Đáp: Chà, có vẻ như bạn đang nhầm lẫn giữa Phim Giống[21] với các hình đại diện. Nếu đó chỉ là biểu tượng của một bộ phim mà bạn đã xem hồi nhỏ thì quy trình cũng giống như quy trình dùng để tan rã cái Tôi. Không mất quá nhiều công sức để có thể làm tan rã một Hình biểu tượng.
[21] Phim Giống (tiếng Tây Ban Nha: Cintas Teleoginoras) – Thầy Rabolu, đệ tử của thầy Samael giải thích rằng Phim Giống là ký ức về các cái Tôi trong các kiếp trước. “Teleoginoras” không rõ được bắt nguồn từ đâu nhưng có vẻ như từ này liên quan đến Teleology. Chúng ta dịch từ này là Phim Giống. Trong một số bài giảng, Thầy Samael có giải thích rằng nếu chúng ta không làm tan rã ký ức về cái Tôi thì sau này các cái Tôi đã chết rồi vẫn có thể mọc lại từ hạt giống của ký ức đó.
Hỏi: Các Hình biểu tượng được hình thành như thế nào? Đó có phải là do cái Tôi hay do từng trạng thái tâm trí của chúng ta hình thành nên?
Đáp: À, [những Hình biểu tượng được hình thành] từ các giác quan, bởi vì rõ ràng là các hình thái của cảm giác thâm nhập qua các giác quan và được lưu lại dưới dạng những Hình biểu tượng. Một vị Phật là một người không có Hình biểu tượng. Đó là lý do tại sao chúng ta gọi Ngài là Phật, bởi vì Ngài không mang theo Hình biểu tượng trong Tâm. Không có biểu tượng tích cực, cũng không có biểu tượng tiêu cực. Đó là lý do tại sao Ngài là Phật. Ngài là toàn thể, nhất thể và đã được Khai ngộ. Chúng ta có thể nói rằng, Ngài đã phát triển được Ánh sáng vô tạo bên trong, đã ngộ ra bản chất đích thực của chính mình.
Hỏi: Thưa thầy, có thể dùng một Hình biểu tượng tích cực để giúp cho một người khỏi bệnh được không?
Đáp: À, Hình biểu tượng mà dùng để chữa bệnh cho bản thân là một Hình biểu tượng tích cực. Tuy nhiên, sau khi đã chữa khỏi bệnh thì chúng ta cần phải tan rã nó. Nếu không thì nó sẽ ở đó làm rối loạn Tâm trí.
Hỏi: Thưa thầy, các Hình biểu tượng của Tâm trí có liên quan gì đến trí tưởng tượng máy móc không?
Đáp: Khi các Hình biểu tượng tự nảy sinh một cách máy móc thì nó liên quan đến trí tưởng tượng máy móc, nhưng khi nó nảy sinh một cách có chủ đích, thì chắc chắn là trí tưởng tượng có ý thức đã tham gia vào việc hình thành cái Hình biểu tượng ấy.
Hỏi: Chúng ta có thể tạo Hình biểu tượng về người khác, nhưng liệu chúng ta có thể thực sự tạo được Hình biểu tượng về chính mình không?
Đáp: Một người có thể tạo được bất kỳ Hình biểu tượng nào mà họ muốn, cũng như người phụ nữ mà đã tạo ra Hình biểu tượng của Nhà sư và người ta đã phải mất sáu tháng để tan rã nó.
Hỏi: Thưa thầy, thầy có thể đưa ra một ví dụ về một Hình biểu tượng mà chúng ta có thể tạo ra không?
Đáp: À, hãy tưởng tượng rằng mình là một siêu nhân đầy quyền năng và như vậy thì mình có thể tự tạo ra Hình biểu tượng cho chính mình. Một người có thể tạo ra những đại diện tích cực hoặc tiêu cực trong tâm trí của mình.
Hỏi: Thưa thầy, Incubus và Succubus[22] có phải là một dạng của hình nộm tâm lý hay không?
[22] Incubus và Succubus là hình cấu trúc tâm lý con người tạo ra khi tưởng tượng về tình dục, ví dụ như khi thủ dâm. Incubus mang hình dáng của nam giới và Succubus có hình nữ giới. Sau khi một Incubus hay Succubus được tạo ra thì nó có thể xuất hiện trong giấc mơ để quan hệ tình dục với chủ nhân. Việc này có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và tinh thần.
Đáp: À, người ta thường nói Incubus và Succubus là một dạng của hình nộm tâm lý, nhưng thầy muốn nói rõ hơn. Thầy chỉ nghĩ đơn giản rằng những Incubus và Succubus đó là các cấu trúc tâm lý người ta cố tình tạo ra bằng dục vọng. Vì vậy, chúng ta có thể gọi chúng là cấu trúc tâm lý Incubus và Succubus trong Tâm con người, vậy thôi. Chúng đánh cắp một phần Ý thức của người tạo ra chúng, vậy chúng không chỉ đơn thuần là những hình Biểu tượng.
Hỏi: Ta có cần dùng phương pháp triệt tiêu đặc biệt, hay một kỹ thuật đặc biệt để tan rã các cấu trúc tâm lý Incubus và Succubus này không?
Đáp: Thầy hiện giờ đang suy ngẫm và thầy thấy cần phải tan rã chúng theo cách mà chúng ta làm với bất kỳ cấu trúc tâm lý nào, đây là những cấu trúc tâm lý được tạo ra bởi những người có thói xấu như vậy.
Hỏi: Ta có cần thanh tẩy [23] trong trường hợp này không?
[23] Thanh tẩy – chỉ các phương pháp diệt trừ các loại ký sinh trùng trong cõi khí lực và cõi cảm xúc. Ví dụ như chúng ta có thể đốt lá xô thơm (tiếng Anh: Sage) và tắm trong khói của lá này hay đổ một ít bột lưu huỳnh vào giày. Ngoài ra chúng ta cũng có thể sử dụng một quả trứng gà để hút các ký sinh trùng ra khỏi cơ thể, rồi đốt quả trứng đó. Xem thêm Hãy bảo vệ ngôi nhà của bạn khỏi ảnh hưởng tiêu cực.

Hỏi: Thưa thầy, thầy đã nói rằng ta có thể dùng lưu huỳnh để làm tan rã các cấu trúc tâm lý Incubus và Succubus?
Đáp: Ở đây, thứ duy nhất đáng giá là Cây giáo và việc rèn luyện nỗ lực với Đức Mẹ Kundalini trong Lò rèn của Cyclops. Ở đó việc thanh tẩy là vô ích, ta không loại bỏ các cấu trúc tâm lý chỉ bằng việc thanh tẩy được.

Đáp: À, thầy đã từng lầm tưởng điều đó là có thể và bây giờ thì thầy hối hận. Bây giờ thầy nhận ra rằng chúng là những cấu trúc tâm lý vô nhân tính mà ta phải tiêu hủy chúng thành cát bụi như bất kỳ cấu trúc nào khác, chẳng hạn như hận thù, bạo lực, v.v. Đó là thực tế phũ phàng của các sự thật. Ông Franz Hartmann sẽ phải thứ lỗi cho thầy vì thầy đã phủ nhận lời viết trong cuốn sách của ông, nhưng trải nghiệm sẽ làm sáng tỏ sự thật.
Đáp: Không, thầy sẽ nhìn thấy chúng trong hiện thực phũ phàng, bởi vì ví dụ như khi một người nhập định và thâm nhập vào Thế giới Atman, trong cõi mà Atman tự hiện diện với toàn bộ sức mạnh của mình, thì anh ta sẽ phát hiện ra rằng mọi thứ ở đó đều là hạnh phúc. Anh ta sẽ nhìn thấy bản chất đích thực của thế giới tự nhiên trong hiện tại cũng như trong quá khứ. Việc ngắm nhìn một bức ảnh chụp [bằng] máy của một cái gì đó là một chuyện và việc ngắm nhìn một bức tranh vẽ về bản chất đích thực của thế giới Thiên nhiên là một chuyện khác. Và việc ngắm nhìn một bức ảnh chụp [bằng] máy của bức tranh vẽ thế giới thiên nhiên đó lại là một chuyện khác nữa. Trong trường hợp này, hình chụp là Hình biểu tượng của bức tranh vẽ thế giới thiên nhiên.
Hỏi: Thưa thầy, khi Tinh chất vượt ra ngoài cơ thể cảm xúc (hoặc là cơ thể tham vọng) thì nó có nhìn thấy mọi thứ thông qua các Hình biểu tượng một cách phức tạp hơn không?
Hỏi: Nếu một người đã làm tan rã hết các cái Tôi mặc dù anh ta vẫn còn cơ thể vật chất như một ô cửa sổ để từ đó anh ta nhìn vào thế giới vật chất, thì anh ta có thấy được bản chất đích thực của mọi thứ không?
Đáp: Họ sẽ thấy bản chất đích thực. Ta phải phân biệt giữa đối tượng chủ quan và đối tượng khách quan. Điều này đã được triết gia của Königsberg – Immanuel Kant – lập luận rõ ràng trong cuốn “Phê phán lý tính thuần túy”.
Hỏi: Thưa thầy, nếu không chuyển hóa các ấn tượng tâm lý thì chúng ta có tạo nên các cấu trúc tâm lý mới không? Và nếu ta học cách sống trong hiện tại thì ta có đang để cho các Hình biểu tượng xâm nhập vào tâm trí của mình không?
Đáp: Khi một người theo triết lý sống trong hiện tại thì rõ ràng là anh ta không tạo ra các Hình biểu tượng bởi vì anh ta đang sống từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác, điều đó thật hiển nhiên. Vì vậy để làm tan rã các cấu trúc tâm lý thì tốt hơn là ta hãy học cách sống trong từng giây từng phút. Những ai loại bỏ được các cấu trúc tâm lý thì cũng sẽ học được cách sống trong từng khoảnh khắc.
Các bạn hãy lưu ý rằng các cấu trúc tâm lý thuộc về thời gian, cái Tôi chính là thời gian, nó là một cuốn sách gồm nhiều tập; nhưng nếu chúng ta làm tan rã cái Tôi thì chúng ta cũng làm tan rã Thời gian. Rõ ràng là thông qua việc học cách sống trong hiện tại từng khoảnh khắc thì con người ta sẽ dần đạt được việc loại bỏ các cấu trúc tâm lý: nghĩa là, khi thời gian bị loại bỏ, thì cái Tôi cũng bị loại bỏ. Chúng ta đã nghe nói rằng Geopash [24] là bạo chúa tồi tệ nhất và đó là sự thật. Geopash đến từ thời gian, và thời gian trong chúng ta chính là cái Tôi. Khi cái Tôi đã được phân rã thì cũng là lúc Geopash bị phá hủy. Rồi thời gian không còn nữa, chúng ta hãy học cách sống như vậy trong từng khoảnh khắc.
[24] Geopash – dịch giả không hiểu ý nghĩa của tên này.
Hỏi: Thưa thầy, chúng con có nên sử dụng một Hình biểu tượng để loại bỏ cái Tôi không?
Đáp: Vâng, ta có thể nói rằng làm như thế thì đúng là nghịch lý. Hiển nhiên rằng nó sẽ giống như khởi động một chiếc ô tô bằng cách đạp phanh. Rõ ràng là chiếc xe sẽ không hoạt động. Dùng một Hình biểu tượng để làm tan rã cái Tôi thì không có tác dụng, bởi vì việc đó chỉ có thể làm được bằng cách duy nhất là rèn luyện một cách nỗ lực trong Lò rèn của các Cyclops.
Hỏi: Thưa thầy, chúng ta chỉ có thể thành công trong việc nhìn thấy [sự thật về] mọi thứ khi chúng ta đang chết đi. Chúng con đã nghe thầy nói như thế. Để thấy bản chất đích thực của cái Tôi mà không chỉ là Hình biểu tượng của cái Tôi hoặc một cái Tôi không thực sự tồn tại hay là cái Tôi chúng ta tưởng tượng ra mà là cái Tôi đích thực, nói một cách khác là thấy nó bằng cảm xúc cao cấp, đó là cách duy nhất để cái Tôi thực sự chết đi. Thực hành việc giết chết (làm tan rã) cái Tôi sẽ trở nên vô ích chừng nào chúng ta vẫn đang nhìn thấy một Hình biểu tượng của cái Tôi thay thế cho cái Tôi đích thực.
Đáp: À, chúng ta có thể nói rằng đây đơn giản là một trò chơi của Tâm trí bởi vì trên thực tế thì chúng ta sẽ thực sự không thể nhìn thấy bản chất của cái Tôi nếu giác quan tự quan sát Tâm lý chưa được phát triển. Chỉ bằng cách phát triển một giác quan như vậy thì chúng ta mới có thể nhìn thấy cái Tôi. Việc coi cái Tôi như một hình biểu tượng sẽ làm chúng ta rơi vào một vòng luẩn quẩn, một hình thức tự lừa dối bản thân.
Chúng ta nên làm tan rã những thứ mà chúng ta đang cảm thấy, thứ mà đang suy nghĩ trong chúng ta tại một thời điểm nhất định, thứ mà đang xúc phạm người khác, thứ mà đang cảm thấy dục vọng trong một khoảnh khắc nào đó, thứ mà khi đó đang đốt cháy da thịt chúng ta trong sự dâm dục. Đó là những thứ phải được làm tan rã. Chúng ta cần phải thực dụng. Chúng ta đang không nói về việc hình thành những hình biểu tượng của cái tôi, mà là việc tự quan sát về mặt tâm lý trong chính mình và làm tan rã nó.
Hỏi: Nói về tự quan sát thì việc này có liên quan đến các trung tâm cao cấp của bộ máy hữu cơ [cơ thể] không?
Đáp: À, rõ ràng là các trung tâm cao cấp của cơ thể con người đang bị bóp méo chính bởi cách chúng ta được giáo dục. Vì vậy, chúng ta sẽ phải thanh lọc những Trung tâm này trong cỗ máy con người và đó chính là lý do tại sao công việc ngộ ra bản chất đích thực của Bản thể lại rất khó khăn. Có hai thứ đang gây hại cho chúng ta, ngăn cản việc khai ngộ của chúng ta. Chúng ta đang đề cập đến nền giáo dục sai lầm trong trường học phổ thông và sự di truyền thừa hưởng. Cha mẹ trần gian của chúng ta có một số thói quen, một số phong tục nhất định, cho dù có sai hoặc không sai đi nữa thì đây vẫn là thói quen của họ. Cũng như thế, cha mẹ có những thói quen đó vì họ đã được thừa hưởng từ cha ông những thế hệ đi trước. Ông bà ta có những phong tục giống nhau vì những phong tục đó đã được kế thừa từ ông bà cố của chúng ta, và cứ thế diễn ra.
Vì vậy, do sự di truyền thừa hưởng trong gen của mình, ta có xu hướng lặp lại những sai lầm nhất định giống như tổ tiên chúng ta, và những sai lầm ấy đã ăn sâu vào chúng ta đến nỗi ta không nhận ra điều đó. Vì vậy, nền giáo dục tồi tệ mà ta nhận được trong độ tuổi học sinh là một trở ngại cho sự khai ngộ của Bản thể.
Hỏi: Thưa thầy, có phải những hình đại diện trong tâm trí luôn thuộc về tâm trí hay cũng có những hình nộm thuộc loại cảm xúc, bản năng hay tình dục?
Đáp: Tất cả các hình nộm đều là trong tâm trí, bởi vì suy cho cùng, chúng thuộc về cõi lý trí. Tâm trí là Tâm trí và Bản thể là Bản thể. Cõi cảm xúc không gì khác hơn là Tâm trí Cô đặc, và Thế giới Vật lý không gì khác hơn là Tâm trí Cô đặc. Vì vậy, chúng ta phải nghĩ rằng mọi hình nộm đều ở trong tâm trí, đó là điều hiển nhiên.
Hỏi: Khi chúng ta đang lắng nghe ai đó và [đột nhiên] một Hình biểu tượng lướt qua thì chúng ta phải làm gì?
Đáp: À, nếu ta đang tuyệt đối chú tâm thì chẳng có lý do gì mà những những hình đại diện này lại đến với mình cả. Nhưng nếu ta không chú tâm hoàn toàn khi nghe thì những thứ khác ví dụ như những suy nghĩ tiêu cực hay những ký ức sẽ nảy sinh trong Tâm trí. Nếu một người hoàn toàn tập trung một cách tự nhiên thì những suy nghĩ hoặc ký ức tiêu cực như vậy sẽ không đột nhiên nảy ra. Nếu chúng nảy ra thì đó là do ta không chú tâm về bản thân. Vì vậy, ta phải chú tâm nhiều hơn.
Hỏi: Khi một người đang rèn luyện trí tưởng tượng thì làm thế nào để biết được mình không đang tạo ra những hình nộm trong tâm trí?
Đáp: À, người đang ngủ vẫn sẽ ngủ say. Người đó làm sao mà biết được! Thức dậy rồi thì ta mới biết: đó là thực tế phũ phàng của sự thật. Khi đang ngủ say thì ta không biết gì cả! Ta phải thức dậy.
Hỏi: Thưa thầy, liên quan đến những ấn tượng mà chúng ta nhận được khi đang thăng hoa trong Bí tích Tình yêu. Khi người đó đang thực hành Thuật Luyện kim đan tình dục, và người này hoàn toàn đồng nhất với khoái cảm, thì sản phẩm của trải nghiệm đó sẽ dẫn đến việc từ tính hóa cơ thể, khiến những ấn tượng kết tinh trong cái Tôi có phải không?
Đáp: Đúng, chúng kết tinh dưới dạng tiêu cực của nhiều cái Tôi. Trong mỗi chúng ta có rất nhiều điều để khám phá và điều đó là rất quan trọng. Nếu mỗi người trong số các bạn tại một thời điểm nhất định có thể giải phóng Ý thức từ sự kìm kẹp của cái Tôi, thì người này có thể nhìn thấy 12 Trật tự của Vũ trụ (12 cung Hoàng đạo). Họ cũng có thể nhìn thấy Trật tự thái dương của cung Sư Tử; Các vị thuộc cung này không có cái Tôi và hoàn toàn không tạo ra hình nộm tinh thần. Chúng ta nên suy ngẫm về điều này.